Trong tiếng Việt, hình ảnh “giọt nước tràn ly” khá hình tượng! Nước tràn ra ngoài chỉ cho cảm xúc tràn ra khỏi tâm, quá khả năng chứa giữ của một con người!

Thuật ngữ tiếng Việt đã hay, cụm từ tiếng Anh dùng để diễn đạt ý này còn hay hơn! Khi nói đến tình huống cuối cùng đưa đến “cáo phó” cho một mối quan hệ, chấm dứt một trạng huống đeo đẳng lâu dài, dừng lại một sự hợp tác nào đó để “giải phóng” sự chịu đựng, người ta dùng thuật từ “the last straw” hoặc “the final straw”, và khi dịch thành ngữ này, ta dịch “giọt nước tràn ly”.

giot-nuoc-tran-ly
Thành ngữ này được lấy từ câu nói đầy đủ là “the last/final straw on the camel’s back”. Hình ảnh này sinh động hơn nhiều! Một con lạc đà to lớn, mạnh khỏe thế kia mà thêm một cọng rơm nữa là quỵ ngã! Một cọng rơm có thể là nhỏ nhặt, nhẹ nhàng đối với người đặt lên lưng lạc đà. Thế nhưng, về phía mình, lạc đà đã chạm ngưỡng của sự chịu đựng, không thể thêm được gì nữa, dù chỉ tí xíu!

Thành ngữ “giọt nước tràn ly” cho ta hiểu rằng ngưỡng chịu đựng của người ấy chỉ đến được bấy nhiêu thôi! Dung tích cái ly của họ có sức chứa chừng đó. Khi sự bình đẳng, công bằng, được hiểu và tôn trọng không còn tìm thấy ở đối tác, thì tình trạng lúc này là “bế quan tỏa cảng”, các van cảm thông giữa người và người đóng chặt, mọi thứ co cụm lại để hình thành nên một chiếc ly vô hình, cứng nhắc, không còn khả năng giãn nở để đựng thêm được gì, dù chỉ một giọt nước! Đó là tình huống cuối cùng để phá vỡ một thế cân bằng, ổn định thành những mảnh vụn không thể “tái chế”!

Với người nhỏ/ rót giọt nước cuối cùng ấy vào ly, hay đặt cọng rơm nhỏ và nhẹ ấy lên lưng con lạc đà mà làm cho nước tràn ra hay lạc đà oằn xuống quỵ ngã sẽ nghĩ rằng “gớm, làm gì mà xoắn lên! Hơi tí đã làm ầm lên…” nhưng họ không chịu hiểu: đã quá nhiều thứ bạn đè lên người ta, đã lắm lần người ta đã chịu đựng vì bạn, âm thầm và lặng lẽ, đến mức không thể chịu đựng thêm nữa. Ở phương diện tích cực, “giọt nước tràn ly” giúp chúng ta giải phóng bế tắc để rồi có thể “làm mới” theo một cách nào đó! Tản ra thành mảnh nhỏ mới… thấm!

Trong trường hợp này, nên nhớ rằng:
“With awareness, the journey through grief becomes a path to wholeness. Grief can lead us to a profound understanding that reaches beyond our individual loss.”
Mark Matousek, “A Splinter of Love”

“Với sự nhận thức rõ ràng, cuộc hành trình xuyên qua nỗi khổ niềm đau là con đường đưa đến sự trọn vẹn. Khổ đau có thể đưa chúng ta đến tầm hiểu biết sâu sắc đủ để vượt qua sự mất mát cá nhân”. (Mark Matousek – “Mảnh vỡ tình yêu”)

Khi ly nước tràn hoặc lạc đà quỵ xuống là lúc ngôn ngữ bị “đơ” vì cảm xúc đã “đông đá”. Do đó, chúng ta đừng quá vô tâm với những người thân của mình mà phải lắng nhìn (lâu nay quen từ “lắng nghe” mà ít ai dùng “lắng nhìn”; thật ra, khi lắng lòng để nhìn thì mới thấy rõ!) để mình đừng bao giờ là người rót giọt nước cuối cùng làm tràn ly, hay đặt cọng rơm cuối cùng để con lạc đà quỵ ngã!

Đó mới là cách thương người người thân của mình một cách thực tế nhất!


Liên Trí