Bệnh tật là một trong bốn nỗi khổ (sinh, lão, bệnh, tử) mà chúng sinh sinh ra trong thân xác người phải chịu. Hiện nay, có rất nhiều chứng bệnh lạ mà y học hoàn toàn chịu bó tay.

Bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến Tử, chiếm đến 90% trường hợp tử vong. Bệnh là nỗi đau lớn nhất, khiến con người khủng hoảng nhất, kinh hoàng và sợ hãi. Bệnh xảy ra ngoài mong muốn, ngoài ý chí của con người. Có những người không sợ chết mà sợ bệnh, sợ đối diện với những đau đớn mà căn bệnh đem lại. Chính vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ về bản chất của bệnh và những điều bệnh gây ra cho con người. Hiểu không phải để lo lắng, sợ hãi. Hiểu để giúp mình chuyển hóa, để giúp những người thân đang trong giai đoạn bệnh tật.

Nghe bài Pháp thoại “Bệnh, nỗi lo và niềm đau” của Đại đức Thích Phước Tiến, giảng cho những bệnh nhân từ Trung tâm Ung bướu tham gia khóa tu một ngày, chúng ta càng thêm chia sẻ với những người đang vướng bệnh tật, đồng thời cũng thấu hiểu tâm lý, khúc mắc của người bệnh để có thể giúp đỡ họ nhiều nhất.

Bệnh tật luôn đem lại nhiều sợ hãi, nhiều nỗi đau cả về thể xác và tâm hồn.

– Khi bệnh: con người không còn tinh thần và khả năng hưởng thụ bất cứ điều gì, không quan tâm đến thú vui nào nữa, đêm ngày đều buồn, lo, suy nghĩ, ăn không còn thấy ngon hoặc không được phép ăn do có bệnh. Do đó, bệnh và sự kiêng cữ do bệnh lại tạo cho chúng ta sự thèm khát ghê gớm, tạo ra khủng hoảng do không được đáp ứng những nhu cầu. Đôi lúc, người bệnh cảm thấy “sống mà như chết”.

– Khi bệnh, hạnh phúc gia đình của người bệnh có nguy cơ bị đổ vỡ. Khi khỏe mạnh, người rất dễ có hạnh phúc. Nhưng khi có bệnh: thân xác xấu xí, sức khỏe giảm sút, không thể kiếm tiền nhiều như trước… thì những người thân thiếu đạo đức, sẽ quay lưng lại với người bệnh.

“Còn bạc còn tiền còn đệ tử.
Hết cơm hết rượu hết ông tôi.”

– Khi bệnh, gia đình người bệnh dễ lâm vào cảnh nghèo đói. Để chữa trị bệnh, nhiều gia đình phải bán nhà bán cửa, sang đất sang vườn, bán hết đồ đạc. Cổ nhân có câu: “không ốm không đau thì giàu mấy chốc”. Thêm vào đó, người bệnh luôn có một nỗi lo lắng thường trực: “làm sao có tiền để trị bệnh”, điều này khiến người bệnh càng thêm lo lắng, bất an.

– Khi bệnh, con người dễ bị ốm o, tiều tụy, thân thể thay đổi, diện mạo xấu xí. Bao nhiêu ước mơ đều không còn quan tâm nữa.

– Khi bệnh, bệnh tật sẽ cản trở sự nghiệp hoặc con người dễ sinh bi quan, chán nản mất hết hi vọng vào cuộc đời mà từ đó dễ đổ vỡ sự nghiệp.

– Khi bệnh, con người dễ tin vào những mê tín dị đoan, “có bệnh thì vái tứ phương”, do đó càng vướng vào tâm lý lo sợ, hồi hộp, chờ mong rồi thất vọng. Lại có nhiều gia đình thường nghĩ rằng, bị bệnh tật ốm đau là do “người âm” bắt hay do phần mộ của tổ tiên, ông bà bị “động” nên mới đi xem bói hoặc nhờ người ngoại cảm. Mỗi lần xem bói là một lần khấn đảo, một lần trả lễ và bệnh nhân được ban đeo bùa này, uống nước phép nọ nhưng kết quả thông thường là “tiền mất tật mang”.

– Khi bệnh tật, con người dễ mặc cảm về bản thân, cảm thấy mình như gánh nặng cho mọi người, thấy mình đã vô dụng. Vì vậy, người bệnh dễ than thân trách phận, dễ bị tủi thân . Trong những trường hợp thế này, người thân phải rất tâm lý, đừng làm người bệnh mặc cảm thêm.

Bệnh, nỗi lo và niềm đau

Nguyên nhân gây ra bệnh

Có thể phân chia một số nguyên nhân gây bệnh như dưới đây:

Thân bệnh

Thân bệnh là những căn bệnh sinh ra do những yếu tố trong và ngoài cơ thể. Thân bệnh là trường hợp phổ biến nhất, từ những căn bệnh nhỏ như cảm cúm, cho tới những căn bệnh nặng hơn như đau bao tử,…

– Bệnh có thể do yếu tố bên ngoài: khí hậu, thời tiết, tai nạn như nhiễm phóng xạ,…

– Bệnh có thể do yếu tố bên trong: do có mầm bệnh bẩm sinh cộng với những thói quen sinh hoạt như uống rượu, hút thuốc nên phát thành bệnh trong cơ thể.
Nếu là thân bệnh, do những nguyên nhân nêu trên thì chữa trị theo y học là có thể qua khỏi, nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Tâm bệnh

Tâm bệnh là những chứng bệnh sinh ra do lo lắng buồn khổ lâu ngày. Trong cuộc đời, đau thương, mất mát, thất tình,… tích tụ lâu ngày gây nên các loại bệnh. Ví dụ như: những người bị stress nặng, chịu những cú sốc lớn trong đời như mất người thân, phá sản,… rất dễ mắc bệnh ung thư.

Nghiệp bệnh

Nghiệp bệnh là những bệnh mà không còn bác sĩ nào chữa được bởi bệnh là do nghiệp từ đời kiếp trước tạo thành.

Theo quan điểm Phật giáo, chúng sinh sinh ra trong thân người là do nghiệp dẫn dắt. Nghĩa là sinh ra để thọ quả báo, trả nợ những gì mà họ đã gieo nhân trong kiếp trước. Ngay sau khi nhập thai, đứa trẻ sẽ chọn lấy những gien của bố, của mẹ phù hợp với nghiệp của mình. Những gien đó được sắp xếp theo một trình tự nhất định (sắp xếp của chuỗi AND) để hình thành nên thân tướng, cơ thế vật chất con người.

Sức khoẻ và bệnh tật của con người cũng vậy. Chuỗi gien AND cũng quy định sức khoẻ và một số loại bệnh mà con người dễ và sẽ mắc phải trong cuộc sống sau này. Vì nhân gieo khác nhau nên nên kết qủa cũng muôn nghìn trùng sự báo ứng.

Đã là nghiệp bệnh thì không thể chữa bằng y học. Nghiệp thì phải tu. Nhiều người mắc bệnh nan y thường được mọi người khuyến nên niệm Phật. Nếu phước tốt thì khỏi bệnh, nếu không vượt qua được thì hy vọng có thể về Tây Phương Cực lạc hoặc không bị đoạ vào ba đường ác đạo.  Đôi khi, căn bệnh không thể chữa trị được, nhưng vẫn nên Tu tập bởi tu tập là cơ hội cho chúng ta chuyển hóa bản thân. Đó là cơ duyên cho cả người bệnh và người thân của bệnh nhân.

Vậy, khi ta hoặc người thân của ta có bệnh, phải nhận định rất rõ cái gì là thân bệnh, cái gì là nghiệp bệnh – nghĩa là do nghiệp chướng. Biết là do nghiệp thì phải đi tu, phải sám hối để phước báo sẽ phần nào giảm đi những đau đớn do bệnh tật. Trì chú, sám hối, niệm phật, phóng sanh, làm phước,… những việc đó có vẻ như không giúp gì cho cơ thể mình, không thiết thực đối với quá trình chữa bệnh. Nhưng đó là “đau Nam chữa Bắc”.

Thực tế có không ít người đã thoát khỏi các căn bệnh nan y nhờ niệm Phật, chuyển tế bào từ ác tính sang lành tính. Cơ cở của sự chuyển hoá này vẫn được cho là bí ẩn, huyền diệu không thể giải thích được. Nhưng không phải ai cũng có được sự may mắn đó.

Quan trọng nhất, khi gặp bệnh phải có niềm tin thì mới tạo ra sức đề kháng, sức sống mãnh liệt cho cơ thể. Tác dụng của tinh thần trong quá trình chữa bệnh là rất lớn.

Mất tinh thần là cơ thể mất sức, mất tự chủ, mất đề kháng. Khi tinh thần, tâm lý ổn định, thì cơ thể mới kết hợp với thuốc, chữa trị bệnh có hiệu quả. Hãy nhớ rằng đau khổ không giải quyết được vấn đề, không chữa khỏi bệnh. Cho nên chúng ta nên lạc quan. Nhiều khi, sự sợ hãi khiến ta luôn thấy đau đớn, đau hơn mức thực tế làm cho người bệnh và người thân thấy lo lắng đau đớn hơn nữa.

Nghe bài Pháp thoại Bệnh, nỗi lo và niềm đau của Đại đức Thích Phước Tiến, chúng ta càng nên tự nhủ rằng: trên đường đời, bệnh là giai đoạn khó tránh khỏi. Sớm hiểu đạo, sớm quyết chí tu tập sẽ tạo điều kiện để những nhân lành sinh sôi, những nhân nghiệp xấu sẽ dần dần được che lấp, không phát tác. Cũng giống như một người sinh ra có thể mang gien đột biến gây căn bệnh nan y ung thư phổi trong người. Nhưng nếu người đó giữ gìn cẩn thận, ăn uống điều độ, có cuộc sống lành mạnh thì chỉ khi nào cơ thể suy yếu hoặc khi về già căn bệnh mới bộc phát. Còn với những người có cuộc sống bừa bãi, uống rượu hút thuốc lá nhiều thì ngay từ trẻ đã mắc bệnh ung thư do tạo điều kiện cho u ác tính bộc phát sớm.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát!
Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Vương Quang Phật!

Lily Tran (Biên soạn)

Theo Phật Pháp Ứng Dụng