Con người ai cũng muốn tìm kiếm an vui, hạnh phúc. Người đời thì tìm kiếm hạnh phúc trong địa vị danh vọng, tiền của, sự nổi tiếng, sắc đẹp v.v… tìm kiếm suốt một đời như vậy và kết cục họ cũng nhận thấy rằng đó không phải là hạnh phúc chân thật bởi vì nó lúc có lúc mất, đầy biến động, không bền vững. Như vậy làm thế nào để chúng ta đạt được an vui, hạnh phúc chân thật, thật sự?
Sỡ dĩ chúng ta không có hạnh phúc là do Tâm mê lầm, chấp chặt của mình. Sự vị kỷ, cố chấp là căn nguyên của đau khổ trên cuộc đời, điều này ĐỨC PHẬT đã nói trong Tứ Thánh Đế. Khi chúng ta sống vị tha, phụng sự, hy sinh thì là nguồn khởi của hạnh phúc.
Chúng ta đã biết mẫu chuyện có một em bé nọ khi bà mẹ đi chợ, đứa bé mới bắt ghế leo lên đầu tủ mở nắp hộp kẹo ra, thò tay vào hốt một nắm kẹo thật to. Hủ kẹo thì miệng nhỏ mà em bé này nắm kẹo quá to nên kéo tay ra không được. Em bé rút tay ra hoài không được thì đau tay nên khóc đau đớn mà tay vẫn nắm chặt kẹo không chịu buông. Bà mẹ đi chợ về thấy vậy bảo đưa bé buông tay ra. Đứa bé nghe lời buông nắm kẹo ra thế là rút tay ra khỏi hủ kẹo một cách thoải mái, nhẹ nhàng.
Chúng ta cũng giống như em bé đó vậy, cái gì cũng nắm chặt, cái gì cũng ham muốn, cũng cố chấp trong lòng nên gây đau khổ. Khi nắm chặt có nghĩa là có chấp trong Tâm.
Ngày mùng 1 Tết chúng ta đi chùa lạy vía Ngài Bồ Tát Di Lạc. Ngài có thân hình tròn trịa, mập mạp, miệng luôn cười toe toét, hoan hỷ với những đứa bé vây quanh Ngài rất vui vẻ. Bồ Tát Di Lạc còn được gọi là con người hạnh phúc, chúng ta tìm hiểu xem Ngài tu hạnh gì mà được an vui, hạnh phúc. Ngài là một vị Bồ Tát được gọi là Nhất Sanh Bổ Sứ có nghĩa là còn một đời nữa là thành PHẬT. Ngài Di Lạc từ nhiều kiếp đã tu tập Tâm từ bi, hoan hỷ nên Ngài còn có tên là Từ Thị.
Một hôm có 1 vị Tăng tên là Bảo Phước từ phương xa đến hỏi Đạo với Hòa Thượng Bố Đại (HT Bố Đại là hóa thân của Bồ Tát Di Lạc). Vị Tăng Bảo Phước mới hỏi:
“Bạch Hòa Thượng xin Ngài chỉ cho con cốt yếu của Phật Pháp?”
Ngài Bố Đại đang quẩy túi vải trên vai không nói gì mà buông túi vải xuống đất.
Ngài Bảo Phước mới hỏi tiếp:
” Chỉ như thế hay còn có gì khác nữa ?”
Ngài Bố Đại cũng im lặng không nói gì mà quảy túi vải lên vai hăng hái bước đi .
Như vậy chúng ta thấy cốt yếu của Phật Pháp là sự buông bỏ, xả bỏ, một sự tịch lặng thanh tịnh của nội tâm và sự dấn thân mình vào đời tích cực hành thiện, giúp đời giúp người, giáo hóa độ sinh bá tánh.
Ngài Di Lạc muốn ta buông bỏ ở đây là buông bỏ cái gì để thân tâm ta được an lạc, thanh tịnh?
Chúng ta phải buông 3 điều là: buông cảnh, buông thân và buông Tâm.
* Buông cảnh:
Khi chúng ta nhìn thấy một sự vật nào đó mà mình không thích chẳng hạn như một đóa hoa. Người này nói hoa này đẹp, người khác nói hoa này xấu. Hai người tranh cãi theo ý mình sinh tức giận, phiền não, đó là do ta chấp cảnh. Khi nói buông cảnh không phải là ta đập vỡ nát cái bông hoa này mà buông cảnh là buông bỏ cái chấp trong tư tưởng ý niệm về sự vật ở bên ngoài khi có tác động gây phiền não.
Khi ta nghe câu trái ý, nghịch lòng, lăng mạ của người khác thì Tâm ta bị chấn động nên sân hận nổi lên làm ta cứ nhớ hoài. Do cứ nhớ hiềm hận nắm giữ trong Tâm, cho rằng câu nói đó là khinh khi mình, là lăng mạ mình làm Tâm ta bất an, động loạn, ăn không ngon, ngủ không yên. Nếu buông bỏ là khỏe vậy tại sao ta không chịu buông bỏ? Sỡ dĩ ta phiền não là do nhớ đến sự xúc phạm là giận lên là do tại mình chấp, còn nắm chặt vào hình sắc, âm thanh, sự vật ở bên ngoài khi có chuyện trái ý nghịch lòng thì bản ngã lại nổi lên, mà nếu ta cứ nắm chặt là phiền não, là đau khổ triền miên. Như đóa hoa mà chúng ta đã nói thì dù bông hoa đó có đẹp thế mấy cũng phải tàn phai, héo khô theo thời gian. Do đó cái đẹp chỉ tương đối trong một thời gian ngắn do ta không biết sự biến đổi vô thường của vạn vật nên Tâm cứ nắm chặt nhớ hoài, sự gây tranh cãi mà phát sinh phiền não. Nếu chúng ta biết tất cả sự vật đều là tương đối, là biến đổi vô thường thì người ta có nói xấu, mình nói đẹp thì người ta hổng chịu thì thôi. Mỗi người có cái thấy khác nhau, đối với phải quấy, đúng sai, hơn thua v.v… cũng đều như vậy.
Nếu chúng ta nhìn bằng cặp mắt trí tuệ thấy rõ tất cả sự vật, vạn hữu đều là biến đổi vô thường tương đối không bền vững thì mình buông xả, Tâm mình sẽ nhẹ nhàng. Nếu mình hiểu Luật Nhân Quả, hiểu tất cả chúng sinh, tất cả mọi người có tương tác với nhau là do nghiệp duyên thì mình tan biến ngay sự hiềm hận mà chỉ lo gieo thiện duyên lành.
Đức Phật có dạy: “Không làm các điều ác, siêng làm các việc lành. Giữ Tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy”.
Đối với việc tu tập Phật Pháp thì kinh điển vô lượng, vô biên nhưng chỗ tu không đâu xa lạ cao siêu huyền bí gì mà ở nơi 6 căn của mình, ở tai mắt mũi lưỡi thân ý của mình. Nếu ta không để Tâm dính mắc vào phiền não thế gian, không còn tranh hơn thua, chấp thành công, thất bại, giàu nghèo sang hèn, có địa vị hay bần hàn mà biết buông bỏ và tích cực dấn thân tạo lập công đức, sống một đời có ý nghĩa thì thân tâm sẽ nhẹ nhàng, còn nếu cứ chấp thì sẽ phiền não triền miên kéo dài. Ngài Trần Thái Tông có nhắc chúng ta qua các câu thơ sau:
“Mũi vướng các hương, lưỡi nếm vị
Mắt mờ các sắc, tiếng mê tai
Lang thang làm khách phong trần mãi
Ngày cách xa quê muôn dặm trường ”
* Buông thân :
Chúng ta cần buông bỏ lầm chấp về thân. Thân chúng ta sẽ già nua bệnh tật theo thời gian, sức khỏe có đau có bệnh , sắc đẹp không giữ mãi được. Thân chúng ta biến đổi theo thời gian, là sinh diệt, là vô thường. Đức Phật dạy chúng ta phải sáng suốt thấy bằng cái thấy trí tuệ của mình để nhìn sự thật thân này vô thường hoại diệt. Vì mang thân với những nhu cầu bắt buộc của nó mà chúng ta khổ. Chúng ta phải vay mượn thức ăn, vay mượn không khí, hơi ấm nhiệt độ v.v… để duy trì sự sống cho thân. Mạng sống của chúng ta mà mình lầm tưởng là bền chắc kiên cố vững vàng nhưng không ngờ chỉ trong một giây phút sự vay mượn biến đổi, trục trặc trong hơi thở là mình chết liền. Sự vay mượn này là từng phút, từng giây diễn ra nơi thân, nếu ngừng hơi thở ra vào là chấm dứt sự sống của thân ngay. Nếu chúng ta nhận thức mạng sống chỉ nằm trong từng hơi thở vay mượn thì nếu có ai xúc phạm, nói câu trái ý nghịch lòng thì mình dễ buông bỏ sự sân hận do mình đã tỉnh thức trong từng giây phút trong cuộc sống. Mình buông bỏ luôn nơi thân với trí tuệ tỏ sáng rạng ngời luôn ở Tâm giác ngộ thì chỉ tỉnh thức trong từng hơi thở đã giải thoát mọi khổ đau. Chúng ta thấy được mạng sống của thân rất mỏng manh chỉ trong từng hơi thở là mình phá được chấp mê lầm về thân.
* Buông Tâm :
Chúng ta quán xét xem Tâm của mình hiện đang nhẹ nhàng thanh tịnh khỏe khoắn hay đang phiền muộn, ưu tư, buồn thương giận ghét, hỷ nộ ái ố. Lúc nào chúng ta cũng lo cho thân này ăn cho ngon, mặc cho đẹp, ở cho sang trọng đầy đủ tiện nghi. Đến một lúc nào đó thân này bỏ ta mà không hề báo trước mặc dù ta cả đời vất vả để lo cho nó. Trong kinh điển nói thân này là giả tạm, là vô ơn bạc nghĩa là vậy. Cái thân của ta là cái quý nhất mà ta lo cả đời vậy mà có thể bỏ mình đi bất cứ lúc nào mà không hề báo trước, không một lời từ giã.
Chúng ta sống trong cuộc đời chỉ lo những điều đáng lo. Ở nhà mình phải sắp xếp lo liệu hết công việc chu toàn rồi mới vào khóa tu. Nhà thơ Tản Đà là một Thi nhân mà cũng cảm thấy được điều đó nên ông có cảm tác một bài thơ nói về sự lo lắng của kiếp người.
” Đời người lo mãi biết bao thôi
Mái tóc xanh xanh trắng cả rồi
Sự nghiệp nghìn thu xa vút mắt
Tài, tình một gánh nặng bên vai
Hợp, tan tri kỷ người trong mộng
Rộng hẹp danh thân với đất trời
Sương phủ cành mai năm vụt hết
Ngày xuân con én lại đưa thoi ”
Chúng ta thấy Thi sĩ Tản Đà ông nói đời người cứ lo mãi, lo từ tóc xanh đến muối tiêu đến tóc trắng tuyết sương mà vẫn cứ lo hoài. Sự nghiệp thì 100 người mới có 1, 2 người đạt được. Lo cả cuộc đời rồi đến cuối đời vẫn thấy chưa đủ, không hài lòng mãn ý. Lo quay cuồng với tiền của, danh vọng, địa vị, tình cảm, những phiền não cứ trói buộc, các nghịch cảnh, sự xúc phạm của người ta đối với mình do không thấy được cuộc đời lúc hợp lúc tan, lúc thân lúc sơ, lúc yêu lúc ghét, lúc thành công, lúc thất bại, lúc thay đổi không chừng do hợp duyên, vô thường luôn biến đổi mà thôi.
Lâu lâu Tâm ta lại khởi lên cái buồn, buồn vì nhiều lý do như buồn vì tình cảm gãy đổ…, buồn vì việc học hành dỡ dang, buồn vì làm ăn thất bại, buồn vì ngày nào uy quyền nay thất thế sa cơ , thân bại danh liệt, v.v…… tự nhiên trong Tâm khởi cái buồn lên không kiểm chế được. Sỡ dĩ Tâm ta có trạng thái khởi buồn thương giận ghét là do mình để Tâm của mình nó phiêu lưu rong chạy nên phải thu nhiếp Tâm lại mà tỉnh thức trong hiện tại. Chúng ta không thể thay đổi những việc đã xãy ra ở quá khứ hoặc không thể biết trước được tương lai chính xác ra sao bởi cuộc đời con người là trùng điệp duyên nghiệp chằng chịt tác động từng ngày từng giờ. Chúng ta chỉ tỉnh thức trong hiện tại mà tinh tấn tu hành thúc liểm thân tâm, làm vô số việc phúc thiện, và biết rằng mọi việc do nhân duyên vận hành thì tự Tâm tràn ngập niềm an vui, hạnh phúc một cách tự nhiên.
Chúng ta phải buông bỏ sự sân hận khi đã hiểu Đạo lý Phật Pháp. Có người ôm nỗi hiềm hận người khác mấy chục năm hổng tha thứ được, giống như mình bỏ cục lửa than trong lòng mình thiêu đốt mấy chục năm thì làm sao chịu nổi thành ra mình phải quên ngay sự hiềm hận này bởi người ta đã sai rồi mình cũng sai theo loạn động của người đời thì đã lạc mất đường tu. Chúng ta đã biết chỉ trong một hơi thở tắt đi thì đã qua một đời khác và cuộc đời có biết bao việc làm khác có ý nghĩa vậy sao cứ ôm nỗi hiềm hận làm gì? Mình phải biết tha thứ, bao dung, độ lượng quảng đại để cuộc sống mình mới an vui hạnh phúc. Cuộc đời mình đã biết vốn là bể khổ, tất cả con người là trả duyên nghiệp với nhau ở cuộc đời này nên khổ đau nhiều rồi vậy còn chồng chất thêm đau khổ nữa làm gì? cứ loay hoay mãi với sân hận, tham ái của nghiệp mà không có đường thoát ra. Chúng ta tha thứ được là cứ tha thứ mà trong đó là cũng có lỗi của mình nữa.
Chúng ta thương ghét nhiều quá cũng bị ràng buộc. Khi thương thì trái ấu cũng tròn, khi ghét thì bồ hòn cũng méo. Khi thương ai thì người ta có dỡ tệ gì thì mình cũng nhìn ra tốt đẹp do Tâm sai lệch cảm xúc chi phối nên không còn sáng suốt nhìn đúng sự thật nữa. Khi mình ghét ai thì người ta dù có hay giỏi thì mình nhìn ra người ta cũng thành dỡ tệ. Do đó chúng ta cần phải giãm nhẹ những cảm xúc buồn thương giận ghét thì Tâm của mình dần dần mới được an tịnh, nhẹ nhàng.
Chúng ta thấy căn bản của sự tu hành là biết buông bỏ lợi danh, tham ái, hỷ nộ ái ố dục lạc và tích cực làm vô số việc phúc thiện cho tha nhân, cho cuộc đời.
Chúng ta đã biết sự tích sau một hôm có ông Phạm Chí tự Hắc Thị mang 2 cành hoa đến cúng dường Đức Phật. Đức Phật biết Tâm ông ta còn chất ngã, sân hận rất nặng nên mới nói: “Buông “thì ông mới buông 1 cành hoa rơi xuống. Đức Phật mới nói tiếp: “Buông” thì ông ta buông thêm cành hoa nữa. Đức Phật mới nói lần 3: “Buông” thì lúc này ông ta không biết là buông cái gì nên ông ta mới bạch với Đức Phật:
“Bạch Đức Thế Tôn, con mang 2 cành hoa đến dâng cúng Ngài. Ngài kêu 2 lần buông thì con buông hết 2 cành hoa rồi, bây giờ Ngài kêu con buông nữa thì con biết buông cái gì?”
Lúc đó Đức Phật mới từ tốn nói rằng: “Ta kêu ông buông không phải là buông cành hoa cầm trong tay mà ta kêu ông buông ý là buông quá khứ, hiện tại và vị lai. Buông được như vậy thì mới vượt qua được tất cả đau khổ, phiền não ở trong dòng sanh tử luân hồi”.
Sỡ dĩ chúng ta phiền não vì mình còn nhiều ham muốn và không hài lòng với những gì mình đang có. Có một bà cụ già đã 80 tuổi dặn dò con cháu khi bà chết thì để tấm hình khi bà còn trẻ đẹp để thờ có nghĩa là bà ta vẫn còn nuối tiếc thời trẻ đẹp quá khứ cứ muốn hình ảnh mình trẻ mãi , cứ ôm chặt không muốn rời bỏ trong lòng mặc dù đã già nua theo thời gian. Rồi có người phóng tư tưởng đến tương lai mong muốn mình sẽ thành thế này, sẽ thành thế kia mà quên mất hiện tại của mình.
Chúng ta muốn an vui, hạnh phúc, an lạc thì mình phải biết sống ngay nơi khoảnh khắc hiện tại, theo từng hơi thở ra vào một cách tỉnh giác, sáng suốt. Nếu Tâm mình không chấp chặt, không lùi về quá khứ, không phóng tới tương lai, không so đo hơn thua với người, mà chỉ lo sống thánh thiện với hiện tại thì không còn bị buồn vui giận ghét phiền não chi phối nữa. Chúng ta chấp nhận với cái hiện hữu dù nó đang tốt hay xấu bởi có những cái chúng ta thay đổi được và có những cái chúng ta phải chấp nhận theo hoàn cảnh, điều kiện hiện tại.
Đức Phật đã dạy chúng ta rằng :
” Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa đến
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chắc và thảnh thơi
Phải tin tấn hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp ”
Khi chúng ta áp dụng được lời Đức Phật vào đời tu của mình thì Tâm Niệm của mình sẽ được tiêu dung. Chúng ta sẽ tiêu dung tất cả những vọng tưởng, phiền não, khổ đau khi đã đạt Vô Tâm. Khi Tâm chúng ta đã đến Vô Ngã thì Ta Bà biển khổ phong ba lặn, yên ổn thuyền sen đến lạc cung. Khi Tâm chúng ta đã thanh tịnh chúng ta sẽ thấy niềm hoan hỷ an lạc hạnh phúc vô biên tràn ngập khắp cả đất trời vũ trụ mà trên thế gian này không có gì sánh nỗi. Đó là hạnh phúc chân thật của người tu.
Chúng ta muốn buông bỏ phiền não, sân hận thì phải thấy rõ, muốn thấy rõ thì phải quán xét, cho nên Đức Phật đã dạy chúng ta là:”Phải quán xét các sự vật của thế gian là luôn biến đổi trong phút chốc, mọi hiện tượng theo nhân duyên sinh diệt và chính sự biến đổi, sinh diệt này mà ta không biết là lý do khổ đau của kiếp người”
Quán xét về quá khứ thì thấy thấm thoát như chiêm bao, những gì biết trong hiện tại như điện chớp, những gì nghĩ đến vị lai thì nổi lên như mây trôi. Quán xét thân này rồi cũng tan hoại, vô thường, không có gì là chân thật cả. Quán xét, nghiền ngẫm như vậy thì chúng ta mới không dính mắc thế gian, mới buông bỏ được nhận thức sai lầm.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh mở đầu bằng câu:
“Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” có nghĩa là khi một Bậc Bồ Tát quán tự tại, khi thực hành trí tuệ Bát Nhã soi thấy rõ thân tâm đều là nhân duyên hòa hợp, không có thật cho nên vượt qua tất cả khổ đau ách nạn. Chúng ta có quán xét thấy được lẽ thật như vậy thì mới tự tại, an lạc.
Người đời muốn có hạnh phúc thì lấy thướt đo là phải đạt được tiền của, danh vọng địa vị, phải chiếm hữu thật nhiều mới có hạnh phúc. Người hiểu Đạo thì buông bỏ hết lợi danh, ngày đêm lo tạo công đức, thúc liễm thân tâm trong sạch, thành tựu đạo quả mà có hạnh phúc an lạc. Nếu có do Duyên đưa tới danh lợi thì sử dụng để phụng sự và dấn thân vào cuộc đời làm vô số việc phúc thiện cho tha nhân thì mới là hạnh phúc. Hạnh phúc của cuộc đời là tạm bợ nhưng người đời vì sự ham muốn quá mạnh làm mê mờ, không biết cứ bám chấp hoài nên khi mất đi lợi danh thì gây đau khổ vô cùng. Hạnh phúc của người Đạo là sự giác ngộ trí tuệ tột cùng sau khi đã cởi bỏ hết mọi ràng buộc của thế gian.
Sau khi chúng ta đã thoát ra được, buông bỏ được những cái chấp, phiền não, những buồn thương giận ghét, hỷ nộ ái ố dục lạc và đã tích lũy được công đức vô lượng vô biên lúc đó chúng ta mới phát sinh ra trí tuệ chân thật của mình, phát sinh ra từ bi vô lượng vô biên, phát sinh ra hỷ lạc, phát sinh ra tam minh, lục thông, phát sinh ra giải thoát viên mãn từ Tâm Vô Ngã của mình.
Đức Phật dạy chúng ta sự tu hành không phải là buông bỏ hết mọi sự rồi quay lưng với nỗi đau của nhân thế mà Đạo Phật dạy chúng ta chỉ có yêu thương nhân thế, thương yêu tha nhân bằng hành động cụ thể, thiết thực san sẻ thì Tâm từ bi mới ngày càng trãi rộng. Giáo lý Đức Phật phải được ứng dụng ngay trong gia đình mình một cách tốt đẹp. Mình vẫn sống với vợ chồng, anh em, con cái, bà cháu mà chỉ phá cái lầm chấp trong Tâm của mình mà thôi. Vì thế lời của Đức Phật mới nói tự do là ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau. Ở ngay trong ràng buộc của thế gian mà mình tự do không bị ràng buộc vì mình đã tỉnh thức nhìn thấy nó là không thật. Ở ngay trong khổ đau mà mình đã nhìn ra bản chất của khổ đau do đâu từ duyên nghiệp quá khứ gây tạo thì mình không còn khổ đau nữa. Chúng ta không chạy trốn đau khổ mà nhìn thấy rõ lẽ thật thì vượt qua mọi ách nạn khổ đau.
Người biết tu chừng nào thì hạnh phúc càng tràn ngập chừng đó, tâm lúc nào cũng hoan hỷ an lạc vui vẻ, thậm chí dù hoàn cảnh khổ mà tâm không khổ. Người biết tu thì hạnh phúc từ nơi thân tâm của mình, hạnh phúc từ trong gia đình của mình, hạnh phúc từ những người xung quanh mình, hạnh phúc cho cả thế gian từ giáo lý nhiệm mầu của Đức Phật tỏa sáng lan tỏa khắp thế gian.
Để nhắc nhở chúng ta tinh tấn tu hành thì ông Cư Sĩ La Điện có cảm tác một bài thơ Tỉnh Thế rất là thiết tha, rất là thực tế.
” Vội vội vàng vàng khổ nhọc cầu
Mưa mưa nắng nắng trãi xuân thu
Hôm hôm sớm sớm lo sanh kế
Lãng lãng quên quên bổng bạc đầu
Thị thị phi phi không kết liễu
Phiền phiền não não những bi ưu
Rành rành rõ rõ một đường Đạo
Vạn vạn ngàn ngàn chẳng chịu tu ”
Ngài nhắc chúng ta cả một cuộc đời vất vả, khổ nhọc, mưa nắng xuân thu, hôm sớm lo sanh kế mưu sinh lãng quên bổng nhiên một ngày trên đầu tóc bạc hết rồi. Có những người mãi mê làm ăn, lo làm giàu rồi tuổi già ập đến không còn thời gian tu nữa. Nếu không biết tu hành thì phải quấy, thị phi, phiền não thế gian ràng buộc hoài không có ngày kết thúc.
Đạo Phật dạy chúng ta rất là rõ ràng, cụ thể, thực tế. Chúng ta đã chứng nghiệm nhìn thấy nụ cười phảng phất trên khuôn mặt Đức Phật. Chúng ta nhìn thấy nụ cười toe toét rạng rỡ của Ngài Bồ Tát Di Lạc. Chúng ta nhìn thấy nét mặt hoan hỷ của các bậc Tổ Sư cao đức chân tu, những bậc Thánh trong đạo Phật đã đạt sự giác ngộ giải thoát, đã đạt niềm an vui, hạnh phúc, an lạc viên mãn.
Namo Sakya Muni Buddha. TAT.
Sưu tầm
Nguồn: truclam.ca