Thực tập buông xả
Xả là một trong bốn tâm vô lượng. Mình không đem phân biệt hay chấp trước đối với cảnh dù là khổ đau hay hạnh phúc, mà buông bỏ, cho xả hết tất cả. Khổ đau đến thì mình phải biết cách chuyển hóa xoay sở khổ đau đó, hạnh phúc đến tiếp nhận bằng tâm xả để không kẹt vào nó và khi hạnh phúc không còn nữa mình cũng không hối tiếc hay mong cầu hạnh phúc mới.
Bản thân có những lúc bực bội và nóng giận là do lúc nào cũng gặp người không thích, nghe những lời chói tai gai mắt. Mình phải kham nhẫn bằng tâm xả và xem đó như bài tập về nhà.
Nói về ăn mặc, mình thực tập sự giản dị. Người ta chê mình xấu hay khen mình đẹp không quan trọng vì mình đã xả lời chê tiếng khen. Đừng vì tâm ngã mạn mà trở nên suy tàn. Mình thất bại thì cũng đừng có buồn rầu chán nản từ bỏ mà hãy đứng lên. Nhiều khi thất bại lại giúp cho đôi chân mình thêm vững chải. Dù thành công hay thất bại mình cũng phải xả và buông bỏ để không kẹt vào nó. Hai người đi trên một dòng sông, người đi trước đừng vội mừng vì đã gần đến bờ, người đi sau cũng đừng vội nản lòng vì còn cách xa bờ. Sóng to gió lớn nào ai biết được, nó có thể quật ngã ta bất cứ lúc nào, cái cần thiết là phải vững tay chèo trên suốt đoạn đường.
Nhiều lúc tôi nghĩ nếu một ngày ba tôi đem hết tài sản cho người khác, tôi cũng không buồn chi hết. Lúc nào điện thoại về cho mẹ, tôi cũng đều nhắc nhở mẹ thực tập tâm xả để cho bản thân được nhẹ nhàng, đừng vì người phụ nữ mà ba theo đuổi mà sanh tâm sầu khổ. Mẹ đã khổ bao nhiêu năm rồi mẹ có biết không? Ba không chở mẹ đi cùng hay không xưng hô với mẹ là anh em, mình kẹt vào hai tiếng anh em mà sầu khổ có đáng không, ba không chở mẹ thì con chở. Ví như chiếc xe mà mẹ chở đầy hàng hóa mà không bỏ xuống bớt thì nó rất dễ bị lật xe hay nổ lốp cũng như nỗi khổ của mẹ cứ ôm vào mà không buông bỏ xuống bớt vậy. Mẹ hãy để cho thân tâm được nhẹ nhàng không nghĩ ngợi gì thì tâm trí mẹ mới sáng lên, tu tập mới đi lên.
Thực tập Sáu giới
Mỗi tuần phải tụng giới một lần hoặc thậm chí là mỗi ngày đều tụng giới, chủ yếu nhắc nhở bản thân lúc nào cũng phải giữ giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không rượu bia. Tự soi sáng xem hôm nay hay tuần qua mình có phạm giới nào không. Nếu có thì phải sám hối và hứa với lòng từ giờ về sau mình không bao giời phạm giới đó nữa.
Rải tâm từ
Thông thường sau khi ngồi thiền mình thường thực tập rải tâm từ cho tất cả chúng sanh đều sống lâu an vui, không khổ bệnh hoạn, không oan trái lẫn nhau, luôn thành tựu đầy đủ, và những người đó sẽ hưởng được sự mát mẻ, sự thiện lành từ năng lương tu tập của mình. Trước hết rải cho chính mình để tự thân có tâm từ, sau đó rải tiếp cho bốn loài ba giới, môi trường, trái đất, vũ trụ bao la, hư không. Bốn loài gồm loài sinh từ trứng – noãn sinh (trứng gà trứng vịt), loài sinh từ nơi ẩm thấp – thấp sinh (con vi trùng, mối mọt), loài sinh từ bào thai – thai sinh và loài sinh do sự biến đổi – hóa sinh (con bướm, con tằm).
Ba giới là chúng sinh ở cõi dục giới, cõi sắc giới và cõi vô sắc giới. Còn trong ba giới thì vẫn chịu nhân quả nghiệp báo. Hết phước, nghiệp xấu trổ ra, chúng sinh vẫn bị rớt xuống cõi dưới. Người chết ở cõi dưới trông chờ vào phước đức của người còn sống rất nhiều nên mình phải thực tập rải tình thương với người còn sống cũng như với người đã chết. Nguyện cho bốn loài ba giới đều sống an lạc, không oan trái lẫn nhau, không khổ bệnh hoạn, đều hưởng phước lành vô biên.Và cũng nhờ năng lượng đó mà những chúng sanh này có thể tu tập thoát khỏi đau khổ.
Để có được năng lượng tâm từ và tình thương thì mình phải thực tập. Bản thân chỉ toàn là khổ đau, sân hận thì lấy đâu ra tình thương mà rải đến chúng sanh. Một người mà có tu tập, thực tập rải tâm từ thì năng lượng tình thương của người đó rất lớn. Lúc nào họ cũng tỏa ra sự mát mẻ, sự thiện lành, kể cả đi đâu làm gì cũng được người khác yêu quí giúp đỡ, và khi mình tiếp xúc với người đó, mình cũng hưởng được năng lượng tình thương, sự thiện lành và sự mát mẻ. Đi chùa mình thấy mấy thầy, mấy sư cô trong chùa rất dễ thương, dễ mến và gần gũi, là do năng lương tình thương từ việc tu tập phát khởi nên mình mới có cảm giác như thế.
Ngày nào, giờ nào mình cũng rải tâm từ, tháng nào cũng thế, năm nào mình cũng rải thì không còn cái khổ đau nào có cơ hội mà phát khởi nữa. Khi rải tâm từ mình không kể ngày hay đêm, đau yếu, bệnh tật, hay khỏe mạnh. Lúc nào có thời gian là mình rải tình thương liền chứ không phải sao khi đọc kinh, ngồi thiền xong mình mới rải tâm từ. Đi trên đường, rải tâm từ đến những người đi bên trái, bên phải, phía trên, phía dưới, tất cả những người đi trên con đường này đều đi đến nơi về đến chốn, không gặp bất cứ hiểm họa nào. Ngồi chờ xe bus mình cũng có thể rải tâm từ, ăn cơm mình cũng có thể rải tâm từ cầu mong cho chúng sanh có đầy đủ phương tiện đi lại và có đầy đủ thức ăn để duy trì thọ mạng này mà tu tập đến ngày giải thoát. Tự nhiên lúc đó mình thấy tình thương trong mình nó lớn biết chừng nào, không còn giới hạn bởi không gian, thời gian, địa điểm hay nơi chốn gì cả. Rải tâm từ mọi lúc mọi nơi giống như mình đang làm phước, đang mang tình thương ban phát cho nhiều người vậy.
Nhiều khi tình thương cho đi còn có thể cảm hóa được lòng thù hận, tiêu tan đi những oan trái của mình và người khác. Dù người đang tìm cách chà đạp, chèn ép mình, mình vẫn thương, vẫn cầu nguyện cho người đó. Không đem tâm phân biệt, dù bạn đồng tu không còn học nữa, mình vẫn rải tâm từ, vẫn sám hối, cầu mong bạn đó được hưởng niềm vui và quay về nương tựa tam bảo. Ngoài ra mình còn có thể rải sự bình an, hạnh phúc và cả sức khỏe. Như nội con yếu quá, con xin chia sức khỏe của con cho nội, cầu cho nội mau chóng hồi phục. Thấy người si mê nhiều quá, nói chuyện không trí tuệ, mình xin rải trí tuệ cho người đó được sáng suốt hơn không có si mê nữa. Rải tâm từ, rải tình thương đi nhưng chẳng mất đi chút nào mà tình thương ngày một tăng trưởng.
Có một câu chuyện Cho đi tức là nhận lại. Ngày xưa Có hai anh em nhà nọ cùng làm việc trên một nông trại của gia đình. Người anh đã lập gia đình, còn người em vẫn còn độc thân. Mỗi khi kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc, hai anh em lại chia đều những gì mình đã làm được trong ngày, cả phần lúa gạo cũng như lợi nhuận. Một ngày nọ, người em bỗng nghĩ thầm trong bụng: “Thật không công bằng khi chia đôi mọi thứ với anh. Mình chỉ có một thân một mình, có cần gì nhiều đâu cơ chứ!”. Nghĩ thế, nên từ đó trở đi, cứ mỗi tối, anh lại lấy bớt phần thóc của mình, băng qua cánh đồng nhỏ giữa hai nhà và đổ vào kho thóc của người anh. Trong khi ấy, người anh cũng thầm nghĩ trong lòng: “Thật không công bằng khi mình chia đều mọi thứ với em. Mình đã có vợ, có con, không còn phải lo lắng điều gì nữa, còn em mình chỉ có một mình, đâu có ai để lo cho tương lai”. Và thế là người anh, vào mỗi tối, cũng lấy bớt phần thóc của mình và đổ vào kho của người em. Cả hai anh em đều rất ngạc nhiên khi lượng thóc của mình vẫn không vơi đi chút nào so với trước đó. Rồi một tối nọ, cả hai anh em va phải nhau trong lúc thực hiện kế hoạch của mình. Và họ đã hiểu ra mọi chuyện. Bỏ rơi bao thóc trên tay, hai anh em xúc động ôm chầm lấy nhau. Thì qua câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng: Chính những điều chúng ta cho đi sẽ là những gì chúng ta nhận lại.
– Con xin rải tâm từ cho người dân và đất nước Việt Nam, luôn được hòa bình, không chiến tranh, mọi người đều tu tập đạt quả vị giải thoát ngay trong phút giây hiện tại.
– Con xin rải tâm từ hồi hướng phước báu đến cho người dân Ukraine, Syria, Iraq, Iran, Afghanistan, Hongkong, Trung Quốc, Campuchia. Cầu nguyện cho mọi đảng phái hòa hợp hòa giải, cùng sống chung an lạc. Cầu nguyện cho người dân tìm được tiếng nói chung, cùng sống trong hòa bình, có đầy đủ sức khỏe, trí tuệ, tu tập đạt quả vị giải thoát ngay trong phút giây hiện tại.
– Con xin rải tâm từ cho người dân bán đảo Triều Tiên và người dân Nam Hàn cùng sống chung sống an lạc, hòa bình với nhau, mọi người đều yêu thương nhau không có khổ thân, khổ tâm, thân tâm được an lạc.
– Cầu nguyện cho tất cả chúng sinh hiện tại và mười phương, trẻ em, ba mẹ, ba giới bốn loài, chư thiên, phạm thiên, cho toàn thể vũ trụ có nhiều niềm vui, được hưởng năm điều an vui, đạt quả vị Niết Bàn ngay trong kiếp hiện tại và phút giây hiện tại.
– Rải tâm từ cho chúng sinh trong kiếp hiện tại, quá khứ, tương lai, cho vũ trụ, địa cầu, mười phương
Thực tập sám hối
Mỗi ngày mình có thể dành thời gian ít phút để thực tập sám hối. Mình có thể lạy sám hối hay đọc kinh sám hối, lúc nào cũng phải sám hối hết. Trong phút giây hiện tại, mình không có tạo nghiệp bất thiện, không phạm giới nhưng mình đâu nhớ biết trong quá khứ hay hằng hà sa số kiếp trước nữa mình có phạm giới hay không. Còn mang thân người là mình đang còn phải trả nghiệp nên phải sám hối suốt ngày đêm mới mong xóa hết nghiệp. Mà sám hối không có nghĩa là mình phạm giới xong rồi quỳ lạy trước đức Phật sám hối là hết tội, mà là nhắc nhở mình và hứa từ giờ về sau sẽ không bao giờ phạm vào lỗi như thế nữa. Sám hối sáu căn, ba nghiệp, sáu tâm độc là ba cái lạy sám hối mỗi tối mà tôi thường thực tập.
Mình cũng có thể đi phóng sanh cúng dường và nhờ công đức thiện lành này mà những nghiệp bất thiện của mình phần nào cũng được giảm bớt. Ngoài ra mình cũng có thể sám hối dùm cho ba mẹ, ông bà, tổ tiên, bất kể ai mình cũng có thể sám hối được hết, kể cả bạn đồng tu hay những người xa lạ, cho chúng sanh trên quả địa cầu này. Sau khi cúng dường phóng sanh xong mình có thể cầu nguyện như sau: Con là Nguyên Phước Độ ngay giờ phút này đây, con xin nguyện đem công đức này sám hối cho bản thân con và toàn thể chúng sinh trên quả địa cầu này. Xin nhờ chư phật mười phương chư phật hãy chứng minh cho lòng thành của con, cầu nguyện cho toàn bộ nghiệp chướng của chúng sanh trên quả địa cầu này sẽ không còn nữa và nhờ công đức sám hối này mà thế giới được an lạc, không thiên tai, bệnh tật, không còn chiến tranh và cầu cho chúng sanh trên quả địa cầu này tu tập cho đến ngày giải thoát ngay trong kiếp hiện tại và phút giây hiện tại. Xin nhờ chư phật mười phương hãy chứng minh cho con sám hối cho ông bà, ba mẹ, hai em con và người thân trong gia đình, cầu mong cho sự thực tập này sẽ làm giảm và tiêu tan hết tất cả những nghiệp chướng mà ông bà, ba mẹ, hai em con và người thân trong gia đình đã tạo. Xin nhờ chư phật mười phương hãy chứng minh cho con sám hối cho bạn đồng tu, cầu mong cho những nghiệp chướng từ vô thỉ cho đến nay bạn đó đã tạo sẽ không còn nữa và tan nát như vi trần. Cầu mong công đức sám hối này sẽ tiêu trừ dịch bệnh Ebola, khủng bố được dập tắt, mọi người đều có thể tu tập đến ngày giải thoát ngay trong phút giây hiện tại. Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Nam Mô Hòa Bình Tam Thế Di Lạc Phật.
Nội mình bị bệnh âu cũng là do những nghiệp như là sát sanh hại vật hay những nghiệp bất thiện từ kiếp trước, do không tin nhân quả. Mình cũng có thể đọc kinh sám hối và cầu nguyện giúp cho nội mau hết bệnh và cầu xin chư Phật mười phương gia hộ và tiếp dẫn nội con quay về nương tựa Tam Bảo, tu tập theo chánh pháp và giải thoát ngay trong phút giây hiện tại. Tuy mình không có ở gần nội để mà chăm sóc nội, nhắc nhở nội sám hối thì đây cũng là cách để mang sự thiện lành đến cho nội. Cầu mong đấng từ bi gia hộ cho nội con mau khỏe bệnh.
Thiền im lặng
Im lặng ở đây không có nghĩa là ngồi im một chỗ, ai hỏi gì mình cũng im re không trả lời gì hết. Im lặng tức là mình không có nói chuyện tầm phào, nói những gì cần nói và khi có ai hỏi thì mình vẫn trả lời bình thường nhưng không có khơi gợi một đề tài khác. Im lặng bên ngoài đã khó, im lặng bên trong còn khó hơn im lặng bên ngoài gấp mấy lần.
Người mình không thích thì mình sẽ tìm cách im lặng, không nói một lời nào hết hoặc có một người đang cư xử không đúng với mình, mình thực tập im lặng không đối khẩu lại tiếng nào nhưng ngược lại trong tâm mình không hề im lặng. Tâm mình lúc này có ý là chửi mắng lại người kia, người gì đâu mà ác quá sao không đi chết đi… Chỉ cần mình tác ý là đã tạo nghiệp rồi chứ chưa cần mình phải nói ra. Cho nên nếu không muốn tạo bất cứ nghiệp nào thì phải tập im lặng cả bên ngoài lẫn bên trong.
Mình có thể không nói lời nào, từ chối khéo mọi lời mời, nhưng trong lòng vẫn nuối tiếc, vẫn thèm muốn, vẫn mong đạt được cái dục nào đó như tài, sắc, danh, thực, thùy. Mình chờ đợi đến lúc nào đó, cái dục bùng phát ào ào như thác lũ, hừng hẫy như cuồng phong, mình chịu không nổi, mình để mặc cho cái dục đó nổi lên và mình trôi lăn trong cái dục đó. Giống như có ai đó rủ mình đi xem phim, đi ăn uống trong lúc mình đang chuẩn bị ngồi thiền tụng kinh. Mình từ chối không đi nhưng trong lòng thì đang tiếc nuối, ngày nào cũng ngồi thiền, thôi bữa nay đi chơi, chắc không có sao hoặc mong ngồi thiền đọc kinh lẹ để mà đi. Cho nên trong trường hợp này mình phải dứt khoác là không đi, tui đang ngồi thiền đó nha, tui không đi đâu.
Mình thường hay đè nén sự ham thích của mình chứ chưa biết cách chuyển hóa chúng. Giống như một người nghiện mà túy mặc dù cay nghiện đã hơn một năm nhưng trong tâm vẫn thèm muốn cảm giác lúc đang phê thuốc và chịu không nổi nữa thì cơn nghiện nó bùng phát dữ dội thì lại tiếp tục trôi theo cái chết của thế kỷ. Cái đó gọi là thân đã chữa lành bệnh mà tâm vẫn chưa hết bệnh hoặc là im lặng bên ngoài nhưng bên trong vẫn chưa thể im lặng được.
Thực tập im lặng cũng là biết kham nhẫn với sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Thông thường mình xem phim thấy cảnh vui, lãng mạn. Nếu không có niệm, mình sẽ trôi lăn theo cảnh và sẽ tìm kiếm những bộ phim tương tự để thỏa mãn cái vui, cái lãng mạn đó. Còn như thấy cảnh sầu khổ bi đát thì tự nhiên lòng cảm thấy buồn theo. Thân tâm mình đang bình thường, sau khi xem những bộ phim đó tâm cảm thấy bất an và lao xao thì mình có nên xem những bộ phim đó chăng? Một phân đoạn chém giết tạo nên sự thù hận mong muốn trả thù , một giai thoại cãi vả tạo nên sự sân giận. Tất cả những cái đó nó lôi cuốn đôi mắt mình phải xem, đôi tai của mình phải nghe mà không thể ngừng lại được cho đến khi bộ phim kết thúc. Nguyên nhân là do ý căn, mình muốn thấy nhân vật đó, muốn xem những tình tiết lãng mạn và gây cấn trong phim. Mình tìm kiếm những bộ phim đó xem để thỏa mãn đôi tai con mắt của mình. Cũng vậy đối với mũi thích ngửi những mùi dễ chịu, lưỡi thích được nếm những thức ăn ngon, thân thích được xúc chạm. Lúc này ý căn của mình lại khởi lên những ham muốn như thế để thỏa mãn năm căn còn lại. Nếu mình không có niệm thì sẽ bị nó dẫn mình đi và sự thực tập của mình cũng vì thế mà đi thục lùi.
Nói là bạc, im lặng là vàng. Im lặng cũng là cách tôn trọng người khác nói. Trong một cuộc tranh luận, im lặng còn là một nghệ thuật. Người ta nói thao thao bất tuyệt như trấn áp mình, còn mình thì im lặng chờ thờ cơ để ứng xử một cách khôn ngoan nếu không muốn bị sập bẫy.
Ngày xưa trên đường giáo hóa, một hôm vào buổi sáng, đức Phật một mình mang bát đi khất thực trong thôn. Tại thôn ấy có một người Bà-la-môn, vì đệ tử của ông đã theo Phật qui y quá đông, nên khi thấy Phật ôm bát đi khất thực, ông liền đi theo sau Phật và gọi tên Phật chửi mãi. Đức Phật vẫn im lặng đi, khi đó người ấy tức quá nhịn không nổi, hỏi Ngài có điếc không mà làm thinh thì Ngài đáp là Ngài nghe. Nhưng tại sao không cãi? Vì Ngài nghe mà không nhận, cũng như người đem quà tặng chúng ta, nếu chúng ta không nhận thì của đó đâu có dính gì với chúng ta và quà đó vẫn còn nguyên là của họ. Hay ngày xưa thầy Kính Tâm thực tập kham nhẫn trước sự bêu rếu của thế gian đến tận cùng của sự sống, bị nghi oan là giết chồng và bị Thị Mầu vu oan nhưng thầy Kính Tâm vẫn im lặng chịu đựng. Mãi cho đến khi thầy Kính Tâm mất, mọi người mới khám phá ra thầy Kính Tâm là đàn bà. Từ đó, người đời gọi thầy Kính Tâm là Quan Âm Thị Kính, để tôn vinh hạnh kham nhẫn của bà.
Tuy nhiên không phải lúc nào mình cũng im lặng. Tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà mình phải biết ứng phó. Một đứa con muốn dạy dỗ nên người thì phải nói ngon ngọt nó mới nghe nhưng đối với đứa khác cứng đầu nói không nghe thì phải dùng những lời nói mạnh hơn nó mới nghe. Cũng vậy đôi khi im lặng mà người khác không sợ thì mình cứ lớn tiếng, nhiều lúc cũng phải đóng vai hay hóa thân thành quan công, thành tiếng rống của sư tử.
Thiền công việc
Một ngày có 24 tiếng thì từ lúc thức dậy cho tới khi đi ngủ dù trong bất kỳ tư thế nào, đi, đứng, nằm ngồi mình cũng đều có thể thiền được hết. Thiền không nhất thiết là mình phải ngồi yên một chỗ trong tư thế kiết già hay bán già thì mới gọi là thiền. Trong khi làm việc mình cũng có thể thiền, chú ý đến từng cử chỉ động tác, chú trọng đến công việc đang làm, hoạt động tâm ý và các tác động của ngoại cảnh xung quanh. Nếu như đang phát báo cho sếp mà mình không chú tâm trong việc phát báo mà cứ sợ rằng sẽ trễ hẹn với thầy hay với bạn của mình thì xem như mình đã mất chánh niệm. Lúc này thân tâm của mình không còn là một thể tánh đồng nhất nữa vì bản thân đang phát báo trong khi tâm ý lại suy nghĩ đến chuyện khác dẫn đến kết quả là báo của người này phát nhầm cho người kia. Cho nên khi đã làm việc thì hãy tập trung vào công việc đang làm thì công việc mới có kết quả và cái gì khởi lên trong tâm mình thì niệm cái tâm đó đến khi nó không còn làm mình mất chánh niệm nữa thì quay lại tiếp tục công việc đang làm. Ví dụ như tâm sợ hãi, tâm trạo cử, tâm lo lắng… khởi lên trong lúc làm việc thì mình niệm là “sợ hãi à, trạo cử à hay lo lắng à”. Nếu như thời gian không đủ để mình làm việc đó thì mình có thể chủ động làm trước hoặc xin thêm thời gian. Và từ chối làm những công việc quá sức, không biết làm hoặc vượt khỏi khả năng của mình.
Mình nói rằng về phép thăm nhà sẽ có nhiều thời gian thực tập và ngồi thiền hơn trong quân đội. Nhưng mà về nhà thì thời gian nó còn hạn hẹp hơn trong quân đội nữa vì nào là phải phụ giúp gia đình, đưa em đi học, chăm sóc ba mẹ. Nhưng dù hoàn cảnh nào nếu đã quyết chí tu tập thì nơi nào mình cũng có thể thiền được. Quan trọng là mình phải biết cách sắp xếp thời gian cho hợp lý, tránh trường hợp ôm sô công việc quá nhiều để phát khởi những tâm bực bội, cáu gắt trong lúc làm việc thì không nên. Mình làm việc một cách thảnh thơi, không cần có tiêu chí, không vì tiếng khen, vì danh lợi quyền thế mà hãy là một người phụng sự, làm vì tình thương, vì bản thân, thiền thân và mọi người. Biết rằng công việc trước sau gì cũng phải làm nên không cho phép mình né tránh, dễ duôi hay ẩu tả trong công việc. Và một khi đã làm thì phải làm cho xong việc, không phải làm qua loa làm cho có, công việc mà hoàn thành có chất lượng thì cũng sẽ được người khác tôn trọng và mới dám giao tiếp công việc khác cho mình.
Làm việc có chánh niệm mang chất liệu của cẩn thận và nâng cao phẩm chất cho công việc. Cứ chậm rãi mà làm không cần phải vội vã hấp tấp, chậm mà chắc và nhiều khi mình cũng có thể tránh được những nguy hiểm trong khi làm việc. Mình hay bị quên trước quên sau một phần là do không có chánh niệm trong khi làm việc. Uống nước thì niệm “uống nước à”, lau nhà thì niệm là “lau nhà à”, lấy chìa khóa thì niệm là “lấy chìa khóa à” cứ thực tập như vậy, mình sẽ không bị quên là chìa khóa mình để ở đâu, không cần phải mất thời gian để kiểm tra lại nhà lau sạch hay chưa vì mình đã có chánh niệm trong lúc lau nhà, trong lúc lấy chìa khóa. Mục đích của việc thiền trong công việc là mình phải có chánh niệm.
Nguồn: https://sachtgminhthanh.wordpress.com/