Có lẽ trên đời hầu hết những khổ đau đều phát sinh từ những ngộ nhận, cố chấp, độc đoán và hẹp hòi… Tại sao con người không thể mở lòng ra để sống khoan dung hơn, rộng lượng hơn, bớt đi những cố chấp không cần có để đừng gây khổ đau cho nhau… Sống phải có tình thương, chí ít thì phải còn chút tình người với nhau để đời vơi bớt đi những khổ đau của thân phận con người…
Con người ta nếu hết tình cũng vẫn còn một chút nghĩa nào đó để cư xử trọn đạo với nhau. Thế nhưng có lẽ vì sống cho sự vị kỷ nhiều quá, cái tôi to quá, tự ái cao như bầu trời nên kéo theo biết bao là tức giận, tự ái, hận thù, trả đũa nhau, làm thỏa mãn cái tôi của mình để rồi ai cũng khổ, cũng sống trong tâm trạng bất an…và đời sống chỉ còn là những ngục tù của khổ ải mà thôi…
Tại sao lại không thể tha thứ được cho nhau chứ! Trong khi cuộc đời đã có quá nhiều nước mắt…có cần phải đổ thêm những dòng lệ nữa chăng. Trong bất cứ mối quan hệ nào đi nữa, nếu không có được sự cảm thông, chia sẻ, khoan dung, chân tình với nhau, thì quan hệ đó khó bền vững với thời gian.
Có câu nói mà đa số ai cũng biết, đó là “sống trong đời sống cần có một tấm lòng…. để gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn). Nếu những quan hệ trong cuộc sống không có cái gọi là “tình thương” thì con người luôn nghi kỵ nhau trên mọi lĩnh vực, luôn “phòng thủ” mọi lúc mọi nơi và sẵn sàng “trả đũa” khi bị “tấn công”… Hậu quả là vợ chồng mất niềm tin, tình nhân ngờ vực nhau, bạn bè thiếu sự chân tình, anh chị em không tin nhau được, cha mẹ con cái đối xử nhau không có tình thân, gia tộc chẳng còn tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm chỉ còn là sự “dòm ngó”, hơn thua, tranh chấp, đố kỵ… Hậu quả là ta luôn sống trong tâm trạng căng thẳng, bất an từng giây, từng phút. Sống một cuộc sống như thế thì thân phận con người đi về đâu???
Nên nhớ rằng chúng ta có mặt trên cõi đời này là đi tìm hạnh phúc cho mình và cho người….chứ chẳng phải “gây đau khổ” cho người và cho mình….Có đôi lúc chúng ta quên đi mục đích hiện hữu của chính mình, ngay đây là đau khổ, là mất phương hướng trong cuộc sống, là khởi phát những niềm đau, những tuyệt vọng, những “than thân trách phận” thậm chí…nguyền rủa cuộc đời…Khi đau khổ dâng lên tột cùng, tuyệt vọng không còn chỗ để thoát, ta có khuynh hướng “hủy diệt” kẻ gây đau khổ cho ta, nếu không hủy diệt được người thì ta quay lại hủy diệt chính mình….Đó là những cái chết “tự tử” trong tâm trạng đầy phẫn uất và tuyệt vọng…
Chúng ta đã sống như thế, tự lừa mình và dối người, hay nói cách khác con người luôn mang “mặt nạ” khi giao tiếp với nhau. Chúng ta vô tình biến cuộc sống trên đời này thành một sa mạc khô khan cằn cỗi, vắng bặt những giọt nước tình thương, ta hờ hững trước bất hạnh của tha nhân, lơ là với niềm đau của đồng loại, vô cảm với tình người… Vậy cuộc sống như thế mang một ý nghĩa gì???
Tất cả khổ đau trên cuộc đời phát xuất từ cái tôi, bản ngã, một ego theo quan điểm triết học. Cái tôi là cái đáng yêu nhất nhưng đồng thời cũng là cái đáng ghét nhất, vì nó là tâm điểm cố chấp, hẹp hòi, vị kỷ….Cái tôi khi ban phát một tình thương nào đó luôn đi kèm theo điều kiện, thí dụ trong tình yêu: “Tôi yêu em và em phải đáp trả tình tôi, ngoài tôi ra em không được yêu thương ai khác…”, ngay đây tình yêu đi kèm theo điều kiện, nếu như không thỏa mãn điều kiện này lập tức tình yêu sẽ biến thành thù hận, thương nhớ sẽ hóa thân thành nỗi thống khổ và thiên đàng trở thành một địa ngục trần gian…
Tình thương có điều kiện luôn mang mầm mống của khổ đau, của nghiệt ngã nơi thân phận con người, vì tình thương đó luôn có bóng dáng của bản ngã, một bóng ma của cuộc đời….Bản chất của điều kiện là luôn khao khát và đòi hỏi, nghĩ đến mình nhiều hơn là nghĩ đến người, thậm chí biến đối tượng yêu thương thành một vật sở hữu và luôn áp đặt, thế nên lúc nào cũng tính toán và hoàn toàn logic theo ý nghĩ của riêng nó.
Còn tình thương vô điều kiện thì thế nào? Đây là tình thương chân thật, vắng bặt bóng dáng của bản ngã, không có khao khát đòi hỏi nơi đối tượng nó yêu, hay nói cách khác là không có tính toán “lợi mình, thiệt người”, nơi đây mang một ý nghĩa “yêu người là mưu cầu hạnh phúc cho người chứ chẳng phải cho mình”, ngay đây tình thương thăng hoa lên địa vị “thánh thiện” và cao quý muôn đời của nó…
Do vậy trong câu nói “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi”. Tại sao lại để gió cuốn đi… như dấu chim bay chẳng để lại vết tích gì, vì đây là tình thương vô điều kiện, tình thương không chấp vào sự ban phát nên không đòi hỏi một đền đáp nào, không tính toán, không vị kỷ và hoàn toàn phi logic theo một ý nghĩa nào đó… Yêu chỉ để mà yêu, thương chỉ để mà thương, nơi đây không có một mục đích vị kỷ nào hết, do đó đau khổ không có môi trường để phát sinh, đây là tình thương nơi chốn bình yên…
Để đúc kết, xin mượn ca từ của gã hát rong họ Trịnh bày tỏ nơi chốn nhân gian: “Hãy yêu nhau đi trên ghềnh dưới bãi, hãy yêu nhau đi cho gạch đá có tin vui….nước non cho ta những ngày vui với….dù mai nơi này người có xa người…”.
Hay là “Tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau…”. Tại sao tha thứ cho nhau? Vì tôi không còn oán trách đời và cảm nhận được đời chưa từng mang đau khổ ban tặng cho tôi…Nơi đây tôi đã trở về với sự yên bình của tâm hồn, với một tấm lòng cần có trong đời…
(Nguồn http://www.daophatngaynay.com)