Trong cuộc đời này, các vị có khi nào đột nhiên cảm thấy buồn, thấy lạc lõng? Cho dù là một mình hay giữa chốn đông người, chúng ta vẫn cảm thấy trống vắng? Thông thường  người ta hay gọi cảm giác này là “cô đơn”. Các vị đã bao giờ có cảm giác này chưa? Để giải quyết vấn đề này, hôm nay, bài pháp thoại của tôi đến với quý vị là bài giảng về “Cô đơn”.

1. Nhìn nhận về “Cô đơn”

Thực tế, cô đơn là một phần sự thật của tâm hồn chúng ta. Tất cả mọi người trên cõi đời này, ai cũng từng trải qua cảm giác này cả, có chăng là nhiều hay ít, lâu hay mau. Và để vượt qua sự cô đơn nhanh hay chậm là tùy vào phương hướng và cách giải quyết vấn đề của mỗi người.

Một thiền sư lỗi lạc người Nhật Bản đã viết một bài theo thể thơ Haiku như sau:

“Những lỗ trống trong củ sen,

 khi ta ăn,

ăn luôn cả nó.”

Các vị thấy đấy, những lỗ trống là một phần của củ sen cũng như sự cô đơn là một phần con người của chúng ta. Điều này chính là một phần trong cuộc đời của mỗi con người, không thể nào tách rời được. Tuy nhiên, nhiều người thỉnh thoảng mới có cảm giác này, một số khác lại mang theo trang thái xúc cảm này kéo dài suốt cả cuộc đời. Đây là điều mà những con người tu học cần phải biết, phải học, để biết cách đối diện với sự cô đơn.

Khi nói đến sự cô đơn, ai cũng đều hiểu cô đơn là cảm giác trống vắng, lạc lõng, bơ vơ. Đó là những cảm giác mông lung, mơ hồ mà không có chỗ dừng trụ, cũng không thể chia sẻ cho ai. Chúng ta chỉ biết ôm lấy nó để cái cảm giác ấy gặm nhấm chính tâm hồn mình.

2. Con người cô đơn trong rất nhiều hoàn cảnh

Không phải chúng ta sống một mình mới cảm thấy cô đơn. Ngay cả khi ở trong một đại gia đình đông đúc, khi không thể tìm người đồng cảm hay chia sẽ, cảm giác cô đơn vẫn xảy ra. Có khi chúng ta phải im lặng ôm lấy nỗi niềm đó suốt một đời mà không thể nói với bất cứ ai. Trong cuộc đời này, cũng có những con người sống một mình, không phải vì người ta muốn tìm kiếm sự cô đơn mà là vì họ thấy áp lực với những vai trò, trách nhiệm… trong gia đình hoặc với những người xung quanh.

Vừa rồi, tôi có nhận được email của một cô gái chia sẻ rằng năm nay cô ấy đã 27 tuổi, trải qua rất nhiều cuộc tình nhưng vẫn chưa đi đến được hôn nhân với ai. Cô ta đi coi bói thì bà thầy mới phán rằng cô này do có người âm đi theo dựa nên quen ai, cô ta cũng bị người âm này phá khiến những mối quan hệ tình cảm đó đều tan vỡ.  Cô ấy chia sẻ rằng, ở tuổi 27, cô bắt đầu sợ hãi cái cảm giác một mình, đơn độc. Tâm trạng này, trong một bài hát  “Đời tôi cô đơn” đã nói rất rõ:

“Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn

Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành

Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang

Yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi”

Sự thật thì cô đơn là nỗi sợ hãi trong cuộc đời mỗi người, thậm chí ngay cả những nhà tu cũng vẫn có những giây phút này. Bởi đây là bản năng tâm lý của con người, là một điều tự nhiên hiển hiện trong chúng ta.

Ngày trước, lúc Hoà thượng Hiệu Trưởng trường tôi còn sinh tiền, do theo hầu quý Hoà thượng thường ngày, nên tôi nghe lỏm được câu chuyện mà Hòa Thượng Hiệu trưởng nói với Hòa thượng kia rằng: “Mình già rồi mà đôi khi thấy cũng cô đơn quá, mình lớn tuổi rồi nên nhiều khi mấy đứa nhỏ thấy mình nó sợ, thấy mình từ xa là tụi nhỏ bỏ đi hết hà, tụi nhỏ không dám tới gần làm nhiều khi mình cũng cảm thấy cô đơn”. Ở đây, sự cô đơn được nói đến là do khoảng cách giữa hai thế hệ chứ không mang cái cảm giác sợ hãi.

Cách đây 1 tuần, có một anh đến Tu viện Tường Vân, xin ý kiến của tôi. Anh chia sẻ rằng, hai vợ chồng anh sắp ly dị. Tôi mới hỏi cái cảm giác thật sự trong lòng anh ta như thế nào thì anh ta thú thật rằng nửa muốn ly hôn nửa lại không muốn nên mới đến đây để xin hỏi ý kiến của tôi, dù tôi hướng anh ta theo quyết định nào, anh ta cũng sẽ làm theo.  Sau một hồi lắng nghe, tôi mới kết luận với anh ta rằng: “Vợ anh quyết định ly hôn với anh là đúng rồi, bởi vì lỗi là do anh – anh quá đáng lắm!”. Cách đây 2 năm, không biết là do giác ngộ hay sao đó nên anh về và nói với vợ rằng, hai năm nữa anh ta sẽ xuất gia và bảo vợ thu xếp chuyện con cái, gia đình xong thì anh ta đi tu luôn. Lúc này anh chồng 41 tuổi còn cô vợ thì 38 tuổi. Tôi mới hỏi lúc anh ta nói ra quyết định đó phản ứng của người vợ như thế nào? Anh ta trả lời là cô vợ vẫn im lặng, không nói gì cả, có vẻ như là đồng tình. Rồi đột nhiên một năm sau, vợ anh ta tuyên bố ly dị. Tôi mới kết luận rằng, vợ anh ta làm như vậy là đúng. Bởi vì anh ta đã sai lầm khi nói ra quyết định đó mà không hề quan tâm đến cảm xúc của vợ mình như thế nào. Thực tế, anh đã gieo sự sợ hãi, cảm giác trống vắng đáng sợ cho vợ mình. Người vợ đã luôn yêu thương và tin rằng chồng sẽ là chỗ dựa cho mình và gia đình trong suốt cuộc đời này. Nhưng anh ta vì điều gì không biết, lại gieo vào lòng người vợ cái cảm giác sẽ mất chồng vào một ngày không xa. Sự thật đó dù chưa xảy ra nhưng anh ta đã làm cho cô vợ rất hụt hẫng. Vì thế, tuy còn một năm nữa anh mới làm theo quyết định của mình nhưng cô ấy đã đi trước một bước. Cô ấy tuyên bố ly hôn cho anh biết cái cảm giác mất người mình yêu thương là như thế nào.  Nỗi đau mà anh đang đón nhận cũng chính là cái cảm giác của cô ấy cách đây một năm vậy. Vì thế, anh nên nhận lỗi về mình trước, đừng đổ lỗi là do vợ anh. Và tôi cũng nói thêm rằng, cho dù đã giác ngộ hay gì đi nữa thì anh ta vẫn có lỗi về mặt đạo lý gia đình với trách nhiệm làm chồng, làm cha. Qua ví dụ này, tôi muốn nói với các vị rằng cái cảm giác cô đơn, sợ hãi có nhiều yếu tố và lý do. Mặc dầu chúng ta sợ cũng không có cách nào để trốn tránh nó bởi cô đơn là một quy luật hay một trạng thái tâm lý luôn nằm sẵn trong con người.

Vậy tôi hỏi thêm các vị, cái cảm giác cô đơn này có dễ chịu hay không? hụt hẫng, trống vắng, bơ vơ? Rất nhiều từ dùng để diễn tả cái cảm giác này nhưng nhìn chung thì cô đơn không dễ chịu một chút nào hết. Vậy tại sao và từ đâu mà chúng ta có những cảm giác này? Tôi sẽ đưa ra vài dẫn chứng và kết quả nhưng đó chỉ là một trong số nguyên nhân, chưa phải là tất cả khiến con người cảm thấy cô đơn.

3. Những nguyên nhân khiến con người cô đơn

Điều làm cho con người ta dễ rơi vào cảm giác cô đơn nhất chính là một con người cảm thấy bất mãn với tất thảy mọi thứ trên cuộc đời này. Họ không có niềm tin với tất cả mọi người xung quanh cho dù đó là vợ hoặc chồng, cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc. Lúc đó, dù sống chung trong một nhà, họ vẫn cảm thấy cô đơn. Bản thân các vị có bao giờ rơi vào tình trạng mình không còn niềm tin vào bất cứ điều gì. Và không ai khác hơn, nguyên nhân chính là do những người thân xung quanh. Và cũng chính vì vậy mà mình không còn dựa vào ai được nữa ngoại trừ còn chính sự trống trải trong lòng mình? Rất nhiều người như vậy thưa quý vị.

Cô đơn - ĐĐ. Thích Phước Tiến

Vừa rồi, trong một bài báo có đưa tin về một vụ án tại tỉnh Sóc Trăng? bài báo thuật lại một vụ án rất thương tâm. Chuyện là anh chồng có người vợ năm nay khoảng 31 tuổi, gia đình có 2 đứa con trai đều học rất là giỏi. Gia đình làm ăn có của ăn của để, người chồng muốn kiếm thêm người phụ trong công việc làm ăn để vợ bớt cực khổ. Anh ta mới đem người em họ của mình lên ở chung nhà đỡ đần công việc với chị dâu. Sau một khoảng thời gian thì người chị dâu và em chồng có quan hệ tình cảm và muốn có cuộc sống riêng mà không có sự can thiệp của người chồng, người anh nữa. Lúc này, người chồng phát hiện được sự thật. Anh ta đã có những lời nói can ngăn và trách móc làm cho hai người này cảm thấy tức giận và muốn loại bỏ anh ta ra khỏi cuộc sống của 2 người. Có như vậy, họ mới có được cuộc sống tự do bên nhau. Một ngày nọ, anh chồng đi nhậu say về, than nhức đầu, cô vợ mới gọi điện kêu em trai mua 10 viên thuốc ngủ để cô ta tán ra và pha cho anh chồng uống nhưng anh chồng không chết. Chiều hôm sau,  anh chồng lại đi dự tiệc tiếp. Tối hôm đó, trước khi người chồng về, cô vợ đã cho 2 đứa con của mình uống thuốc ngủ để hai đứa trẻ ngủ say. Khi anh chồng về, cô vợ tiếp tục cho anh uống thuốc ngủ rồi gọi cho em chồng sang để giết chồng mình. Khi người em trai cầm cây gậy, dự tính là sẽ đập mạnh một phát vào đầu để giết anh mình nhưng vì run tay, anh ta không đập được. Rồi nhìn sang thấy cái võng có sợi dây dù, anh ta cùng chị dâu mình trói chân tay anh chồng và cuối cùng siết cổ người anh đến chết. Sau đó, hai người mới đem xác của người chồng lên ghe rồi chèo ra khỏi khu vực mình ở khoảng 20km. Họ neo hai bao đá vào cái xác và ném xuống sông, đinh ninh rằng việc đó không ai biết. Nhưng sau đó, vụ án đã được phanh phui và đem ra xét xử. Người em trai bị tuyên phạt tử hình, cô vợ tội chung thân.

Vậy theo quý vị, qua câu chuyện này thì quý vị thấy bây giờ chúng ta biết tin ai? Một người hết lòng lo lắng cho vợ, cho gia đình, muốn chia sẻ cho người vợ bớt cực khổ mà cuối cùng phải trả giá như thế phải giải thích như thế nào đây? Trước thực trạng xã hội như thế, khi chúng ta nhìn xung quanh, vào những người thân, ngay cả những người đầu gối tay ấp cũng có thể làm cho mình mất niềm tin kia mà. Vì vậy, dần dần con người chúng ta thu hẹp mình lại và tự mình ôm lấy nỗi lòng riêng.

Trong quyển sách chuyện lạ có thật, tôi có đọc mẩu chuyện với tựa đề là “Tôi phải làm gì với khối tài sản này?”. Câu chuyện kể về người đàn ông 50 tuổi, không có vợ con nhưng lại sở hữu một khối tài sản vô cùng lớn. Nguyên nhân của việc ông sống một mình là vì ông bất mãn với mọi thứ, từng mất hết niềm tin vào những người xung quanh. Thêm nữa, ông ta chắc chắn không phải là một con người dễ chịu. Một ngày nọ, có một người phụ nữ tầm khoảng 30 tuổi tìm tới xin ở nhờ nhà ông ta,  xin được quản gia trong gia đình bởi cô ta là người tứ cố vô thân. Người đàn ông cũng chấp nhận cho cô ta ở lại giúp việc và chỉ cho chỗ ở và miếng ăn qua ngày. Ngày qua ngày, cũng khoảng 3 năm sau, ông ta mới hỏi cô gái rằng tại sao cô còn quá trẻ mà không đi kiếm việc gì khác làm, lại ở đây để tuổi xuân trôi qua như vậy? Cô ta nói là do cô quý mến con người của ông nên sẽ tiếp tục ở đây. Người đàn ông nói rằng số tài sản trong gia đình này đều là của người khác. Họ chỉ nhờ ông giữ nhà và coi giùm thôi nên dù cô có làm cho ông thêm bao nhiêu năm nữa thì ông cũng không thể nào trả lương hay lo cho cô hơn được nữa. Cô gái lúc này trả lời rất quyết đoán: “Tôi ở đây là vì tôi thấy mến ông. Ông xứng đáng được sự chăm sóc và sự tận tụy của tôi. Tôi không cần bất cứ tiền bạc hay của cải gì cả”. Người đàn ông rất xúc động với câu nói này nhưng ông ta vẫn quyết định thực hiện thêm một phép thử nữa. Ông ta nhờ người bạn ở nước ngoài về và đóng giả là chủ nhân của ngôi nhà và khối tài sản kếch xù của ông ta. Rồi trước mặt cô gái giúp việc ấy, ông ta nói với người bạn của mình rằng: “Bấy lâu nay tôi coi chừng số tài sản này cho anh, cũng đã đến lúc anh về và tôi phải bàn giao lại cho anh. Tôi cũng đã đến lúc nghỉ ngơi ở tuổi này rồi, nay tôi xin giao hết giấy tờ lại cho anh”. Sau khi nói xong, ông ta giao hết giấy tờ cho người nọ rồi người bạn của ông ta lên xe và đi. Ngay sau đó, khi người bạn của ông ta vừa đi khỏi thì cô quản gia của người đàn ông bấy lâu nay đi thẳng đến trước mặt, chỉ thẳng vào mặt ông ấy mà quát lên rằng: “Tại sao bấy lâu nay ông không nói sớm hơn?” Rồi rất tức giận, cô ta quăng hết đồ đạc vào người đàn ông và bỏ đi.

Sau câu chuyện này, các vị có nghĩ là người đàn ông này, ở độ tuổi xế chiều có còn dám tin ai nữa không. Liệu ông ta sẽ ở như vậy tới hết cuộc đời ông ta không? Tôi thì nghĩ rằng khả năng xảy ra sẻ rất cao bởi ông ta đã từng mất lòng tin những người xung quanh rồi. Sau 3 năm trời thử thách một con người nữa, điều ông nhận lại vẫn là sự lừa dối. Cuối cùng, ông ta quyết định sẽ để toàn bộ số tài sản đó làm từ thiện sau khi chết. Như tôi đã nói với các vị, lý do đầu tiên mà con người ta chọn cách sống cô đơn là do người đó bất mãn cuộc sống và không còn niềm tin vào bất cứ ai nữa.

Lý do thứ hai dẫn con người ta đến sự cô đơn là không tìm được người trong mộng. Tức là người ta không tìm được người hợp với mình để song hành cùng nhau trên đường đời. Với các mối quan hệ, người ta tiếp xúc nhưng lại không tìm thấy ai hợp với mình cả. Nguyên nhân thì có thể lý giải ở nhiều phương diện khác nhau… Nhưng trong quá trình tương giao cuộc sống, người ta không tìm ra được một người có thể sẻ chia, đồng cảm hay đáp ứng được những nguyện vọng ấy. Trong hoàn cảnh như vậy, con người sẽ chấp nhận cuộc sống chiếc bóng một mình. Bên cạnh đó có những người, dù đã lập gia đình hoặc có người yêu mới, họ vẫn cảm thấy cô đơn. Chúng ta có thể thấy nhiều đôi uyên ương không mặc dù rất yêu nhau những lại không đến được với nhau. Để làm hài lòng cha mẹ, họ phải lập gia đình với người khác. Khi ấy, mặc dù có một người luôn kề cạnh nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn như thường. Các vị có nhớ bài thơ của TTKH có 4 câu thơ rằng:

“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạc lõng của chồng tôi

Mà từng thu chết, từng thu chết

Vẫn giấu trong tim bóng một người”

Qua bài thơ ta có thể thấy rõ là người phụ nữ yêu một người mà không thể cưới. Người chồng mà cô chọn là người mà cô không yêu. Vì thế, dù hằng ngày ở bên cạnh người bạn đời, cô vẫn luôn cảm thấy lạc lõng, trống vắng, khổ đau và cô đơn. Các vị có nhớ vở cải lương ngày xưa “Xin một lần yêu nhau” không? Trong đó có trích đoạn là Âu Thiên Vũ – một người ăn mày đến đưa tiễn cô dâu thì ông có nói câu: “Tôi là vị khách bàng quan, đến đưa tiễn cô dâu về xứ lạ; cuộc đời tôi chưa bao giờ hạnh phúc nên muốn được nhìn xem đám cưới qua đường”. Anh nói rằng anh cô đơn, không có người yêu nên thèm khát cuộc sống như vậy nhưng chỉ biết đứng nhìn khi điều đó xảy ra với mình. Cô dâu lúc này là người yêu cũ của anh, mới trả lời rằng: “Tôi có những điều đau khổ thầm kín khó nói, tôi có chồng nhưng không có hạnh phúc đâu ông, nhưng xin ông đừng đưa tiễn tôi, để tôi đừng nhớ về người yêu cũ, hãy để tôi giẫm nát lên kỷ niệm cho người ta sớm quên tôi và tôi cũng được sớm quên người”.

Qua đó ta cũng có thể thấy, những người trong hoàn cảnh này, người ta rất đau khổ vì không thỏa mãn được nguyện vọng và tình yêu của mình.  Nhưng do hoàn cảnh, danh dự hoặc nhiều thứ khác khiến con người không thể nào tâm sự hay thổ lộ được. Họ chỉ có thể “sống để bụng, chết mang theo” mà thôi. Ở đây, qua những câu chuyện trên, tôi muốn giải mã từng góc độ tâm lý trong cuộc đời con người để chúng ta sau này có thể giải quyết tuỳ theo những tình huống khác nhau.

Hơn 10 năm trước, trong chương trình đọc truyện đêm khuya ở đài Bình Dương, tôi có nghe qua câu chuyện là “Thương nhớ Hoàng Lan” – một bộ tiểu thuyết rất hay của Trần Thùy Mai. Thêm vào đó, chất giọng đọc rất truyền cảm cũng khiến tôi rất ấn tượng về bộ tiểu thuyết đó. Câu chuyện kể về cô nữ sinh rất xinh đẹp và gia đình giàu có. Cô yêu một chú tiểu ở chùa, tên Ninh. Chú tiểu trong chùa cũng yêu cô nữ sinh này. Nhưng chú cũng muốn tu cho đến nơi đến chốn, còn cô gái thì vì yêu chú tiểu mà một mực từ chối hết tất cả những người đến cầu hôn mình. Ban đầu, gia đình không hiểu nguyên nhân nhưng chỉ đến khi cô con gái bị bệnh thì gia đình mới biết sự thật. Và cái kết thúc của câu chuyện là một kết thúc vừa có tình, có hậu lại có lý.

Sự thật là vì chú tiểu Ninh là người có hiếu với cha mẹ và với thầy mình nên không muốn vượt qua lễ giáo, giáo luật. Chú không muốn làm thầy thất vọng về mình và cũng do chú đã nguyện thành tâm tu học để cầu nguyện cho Mẹ mình được siêu thoát.  Giữa chữ tình và chữ hiếu, chú đã quyết định sống cách ly một mình trong suốt 400 ngày. Dù cô gái hẹn chú đến một quán tím nào đó trong câu truyện để gặp một lần sau cuối nhưng chú tiểu vẫn nhất quyết không đến nơi hẹn. Cho tới ngày, trước khi theo chồng ra nước ngoài, cô có để lại cho chú bức thư, đại khái với nội dung là: “400 ngày em chờ anh nơi quán Tím, rồi cuối cùng em biết rằng mình vẫn là người thua cuộc. Em muốn tự vẫn chết đi nhưng em biết rằng nếu như thế, làm sao anh đi trọn một con đường. Người ta nói em khôn, em lấy ông Việt Kiều để đi Tây, ai dại khờ lấy kẻ tu sĩ trọc đầu? Nhưng em nói để anh hiểu rằng, lấy một người mình không thương, đi đến một nơi xa lạ thì thà em chết đi còn hơn. Nhưng em xin anh một lần thôi, hãy đọc kinh Kỳ Siêu cho em được siêu thoát

Khi đọc đến những dòng này, tôi mới thấy hết được sự cô đơn của một con người như thế nào. Tuy người con gái có gia đình nhưng không hẳn là hạnh phúc, an vui đâu. Giờ thì các vị quan tâm có thể nghe trên chương trình Radio online Đạo Phật và Cuộc sống trên website phatphapungdung.com, để các vị có thể cảm nhận rõ hơn về câu chuyện này. Tác giả đã xây dựng những giá trị nhân văn và giá trị đạo đức thật của con người rất chân xác. Qua đó, tác giả cũng muốn gửi gắm đến những người tu sĩ, trên con đường tu học, tìm cầu giác ngộ sẽ có những giai đoạn khập khiễng, gút mắc như thế đó.

Cảm giác trống vắng, cô đơn là không hề dễ chịu. Vì thế, để tránh né sự cô đơn, nhiều người sẽ tìm kiếm những người đồng cảm, hiểu họ và thông cảm với họ cho dù người đó là ai, đồng giới hay khác giới, lớn hơn hay nhỏ hơn, họ vẫn cảm thấy yêu thương người đó.

Khi tôi chia sẻ với những người đồng tính thì tôi biết rằng, không hẳn từ đầu họ là người đồng tính mà đôi khi, họ là những người bị hất hủi hoặc không có tiếng nói trong một gia đình. Họ trở nên lạc lõng ngay trong chính ngôi nhà của mình, khi mà cha mẹ và cả anh em đều khi dễ họ. Vì vậy, họ ra ngoài tìm kiếm một người đồng cảm với mình, đôi khi là khác phái mà cũng có thể là đồng phái. Và khi người này tìm đến với một người khác phái để được chia sẻ thì lại vấp phải sự phản đối từ phía gia đình. Nhưng ở đây, những người này vẫn sẽ không nghe theo lời gia đình họ, tại vì sao vậy các vị? Bởi vì những người trong gia đình chỉ biết ngăn cấm mà chưa thật sự hiểu và đồng cảm với con mình. Cho nên nhiều khi, đứa con trong gia đình dù biết bạn mình là kẻ xấu, mình có thể bị lợi dụng thì nó vẫn sẽ lao theo. Bởi vì, người bạn đó làm cho nó được vui vẻ, hạnh phúc. Người bạn đó tạo cho nó niềm tin và quan trọng là người đó giúp cho nó giải phóng được sự cô đơn.

Cho nên phần lớn, khi phỏng vấn những người chuyển giới ở Thái Lan thì có tới 70-80% những người chuyển giới rơi vào tình trạng này, đẩy họ tới việc tìm kiếm những sự đồng cảm và rồi nảy sinh những tình yêu – thứ tình cảm mà chúng ta cho là bệnh hoạn. Nhưng điều đó lại giúp cho họ giải phóng được những trạng thái khổ đau mà họ đang mang trong lòng nên họ làm theo. Thậm chí, họ lao theo cái tình cảm ấy như một con thiêu thân. Tôi nói đến những điều này để các vị hiểu mà có thể cứu lấy những người thân của mình. Cho nên trong bài giảng “Hiểu và Thương” kỳ trước tôi chia sẻ với các vị giúp cho các vị có thể hóa giải tất cả những khổ đau, những vấn đề đang xảy ra trong xã hội, đang là vấn nạn của mỗi gia đình hay của từng cá nhân.

Nhưng hãy tự hỏi lại, bản thân chúng ta đã đặt mình vào vị trí mình là người đó hay chưa, chúng ta có hiểu được nỗi lòng của những con người đó hay chưa. Theo tôi nghĩ, các vị chưa đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thông cảm và hiểu cho người khác mà lại dồn ép người ta vào ngõ cụt nên vô tình, chính các vị đã làm cho gia đình của mình không còn ý nghĩa là một cái tổ ấm nữa, những người thân của các vị không còn chỗ nương tựa nữa nên cuối cùng buộc lòng họ phải bứt ra đi tìm một cuộc sống khác cho dù đó là một cuộc sống bị xã hội lên án là bệnh hoạn, lệch hướng v.v… nhưng mà họ vẫn đi theo con đường đó cho dù họ có phải chết cũng còn hơn là chịu sự áp lực từ những người thân.

Cũng có trường hợp, các vị trách cha mẹ mình dù đã 60 hay 70 tuổi mà vẫn còn đi kiếm tình nhân hay cưới vợ, tìm chồng, điều này đôi khi vì đạo đức xã hội mà chúng ta không chấp nhận. Nhưng nếu như các vị có điều kiện để chia sẻ và nói chuyện với cha mẹ mình, các vị sẽ hiểu rằng, họ không phải đi tìm tình cảm lứa đôi như những người trẻ mà bởi vì họ cảm thấy bơ vơ, cô đơn và không thể chia sẻ được với ai dù là con cái hay cháu chắt. Họ bị những người trẻ xem mình là thế hệ già cỗi, thậm chí là gánh nặng của gia đình. Vì thế, nhiều khi những người già ngồi nhìn con cháu ngồi chơi, muốn đến gần mà lại cảm thấy xa cách. Còn những đứa con trưởng thành của mình thì bộn bề với cuộc sống riêng, lo tiền bạc, vợ chồng, bạn bè và con cái mà quên đi Cha Mẹ già của mình. Điều tất yếu là những người già sẽ cảm thấy sự tồn tại của mình mờ nhạt. Họ sống trong gia đình như một bóng ma, không biết phải nói chuyện, tâm sự với ai nên buộc lòng phải đi tìm những người có cuộc sống đồng cảnh ngộ.

Cô đơn - ĐĐ. Thích Phước Tiến

Về phía con cái của những người này, khi thấy Ba hay Mẹ mình mà đi gặp gỡ hay làm những chuyện như vầy thì cảm thấy không đứng đắn nên sẽ chống đối và chỉ trích. Nhưng thật sự, bản thân họ có xét lại bổn phận làm con của mình đã làm tròn hay chưa? Thưa thật với các vị, đây là một nỗi khổ tâm của những người lớn tuổi, chính vì vậy mà việc đi chùa là một trong những cách giúp cho các vị hóa giải được điều này. Phần lớn những người lớn tuổi thường tìm đến những môi trường tu học như thế này, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật là những cách khôn ngoan để giải quyết được những vấn đề bế tắc của mình khi ở tuổi xế chiều. Cho dù sự thật phũ phàng có xảy ra hay không. Vì vậy, những người con, những người trẻ trong gia đình khoan hãy trách vội những người lớn, có nhiều bậc Cha Mẹ tuổi xế chiều, nằm nhớ con mà không biết làm sao để gặp được con mình, giống như trong bài thơ gì có câu:

“Bóng mẹ vào ra lối ngõ quen
Tóc sương dần xóa tóc màu đen

Nhớ ai xa nhẩm lời kinh nguyện
Khuya nối nghìn khuya một ngọn đèn”

(Phan Minh Hồng)

Bài thơ mang nội dung kể về người mẹ chờ đợi con mình, đôi khi đứa con đi chơi tới 1g, 2g khuya mới về, về tới nhà thì hoặc là say bí tỉ, hoặc là vào phòng riêng đi ngủ. Sáng ra, họ lại vội vàng thức dậy đi làm. Vì thế, những người mẹ thương con không nói được với con lời nào. Họ cảm thấy bơ vơ, cô đơn rồi dẫn tới việc là phải tìm cách gì đó giải phóng những điều này. Nhiều người cha mẹ lớn tuổi dẫu trống trải nhưng vì nghĩ cho con cái, sợ người đời đàm tiếu nên tự mình ôm lấy nỗi cô đơn này đến lúc chết trong chính sự cô đơn của mình. Buồn quá, trống vắng quá, rồi tự chết trong cô đơn vậy đó.

Cho nên, khi chúng ta là con hay cháu trong gia đình, chúng ta nên hiểu những điều này bởi một ngày nào đó, điều này cũng sẽ xảy ra với chính bản thân mình, đó là điều đương nhiên, là lẽ thường ở đời. Các vị cũng biết rằng việc chấp nhận sự cô đơn là một điều không dễ chút nào.

Cũng giống như việc khi các vị muốn trở thành một phi hành gia thì các vị sẽ được học cách sống trong cô đơn một cách tuyệt đối. Đó là một môi trường không hề có tiếng chim kêu, dế gáy hay bất kỳ một âm thanh nào cả. Các vị sẽ bị cách ly hoàn toàn với tất cả âm thanh và sống trong môi trường tĩnh lặng tuyệt đối từ 3 đến 6 tháng thì mới có thể dự tuyển trở thành một người phi hành gia. Việc một người có thể trở thành một phi hành gia hay không, không phải là cái việc thở ở môi trường ngoài trái đất mà là việc người đó có thể chấp nhận một cuộc sống tĩnh lặng hoàn toàn đến lạnh lùng như vậy hay không. Cho nên có thể nói, những nhà phi hành gia là những người có bản lĩnh, là những người có thần kinh thép, không biết người đó có tu tập hay không nhưng làm được điều đó thì họ có một hệ thần kinh rất vững và rất tuyệt vời. Họ phải là người có hệ thần kinh tốt và tinh thần lạc quan lắm thì mới chịu đựng được cuộc sống đó.

Thế nhưng, đôi khi, con người chúng ta mệt mỏi hay cảm thấy cần sự yên tĩnh, một mình, chúng ta vào phòng riêng có thể nghe thấy nhịp sống bên ngoài bằng tiếng còi xe hay âm thanh gì đó hay hình ảnh của cành cây rung trong gió v.v…và chúng ta biết là bên ngoài, nhịp sống vẫn đang diễn ra. Chúng ta cảm nhận được nhưng đối với các phi hành gia thì môi trường xung quanh họ là một môi trường tĩnh lặng đến tuyệt đối và lạnh lùng. Cho nên, có thể nói sự cô đơn là một mảng cực kỳ quan trọng trong tâm hồn con người chúng ta. Nhiều người sống rất cực khổ mà đặc biệt là những người bị bệnh hủi, có nhiều người cầm thau đi ăn xin nữa, nhưng họ vẫn có gia đình và vợ con. Tự bản thân tôi từ xưa tới nay vẫn luôn tự đặt một câu hỏi rằng: “Tại sao như vậy? Những người đó, tự bản thân họ nuôi họ đã là một điều khó khăn vậy mà còn nuôi thêm bao nhiêu miệng ăn nữa thì đó là thử thách rất lớn, vậy mà tại sao họ lại chấp nhận như vậy?”

Rồi tôi nhận ra rằng, cuộc sống khó khăn, khổ sở là một sự đau khổ nhưng việc bị xã hội hất hủi hay lãng quên mình, cô đơn lạnh lẽo, không có ai bên cạnh để chia sẻ với mình thì còn đáng sợ hơn nữa. Những buổi chiều tối, khi những con người này trở về với cái góc tối tăm của mình hay trở về những căn nhà xập xệ, thậm chí là những nơi tạm bợ đầu đường, xó chợ, lúc đó họ rất đau khổ. Người đời nhìn họ bằng sự khi dễ, coi thường hay hất hủi hay thậm chí họ còn không thèm nhìn. Đây là sự ác nghiệt nhất trong cuộc đời họ nhưng, để đến mức chết thì lại chưa đủ bản lĩnh để chết. Vì vậy mà quý vị hiểu cho rằng, đôi khi trong cuộc đời này, người ta tìm đến với nhau không phải là để đeo đuổi tình cảm mà là để khỏa lấp đi sự cô đơn đáng sợ đó. Vì thế, chúng ta nên có sự đồng cảm, chia sẻ với nhau, đó là góc nhìn chung từ phía xã hội này.

Trong xã hội này, nguyên nhân dẫn con người ta đến với sự cô đơn thì muôn hình vạn trạng, có những người vì mặc cảm bản thân mình hay vì cái gì đó trong cuộc sống mà tự đóng cửa lòng mình.

Xin thưa với các vị, hành động tự đóng cửa lòng mình không phải là hành động đúng đâu. Đó là sự nhút nhát do mình không đủ can đảm để đối diện với xã hội. Vì quá tự ti, mặc cảm bởi mình thua kém trong xã hội nên tự mình co lòng mình lại một góc, mặc dù vẫn muốn bước ra đời và tìm một người để chia sẻ nhưng cuối cùng lại không dám, không tự tin vào bản thân mình. Cho nên, họ tự chôn vùi cuộc đời mình vào những hoàn cảnh trớ trêu, khó khăn ấy để rồi những người này thường mang bệnh tâm lý hay thậm chí là bị già trước tuổi. Chính vì những điều này mà những con người như thế này thường tâm lý họ bị biến đổi lạ kỳ khi họ bắt đầu đứng tuổi chút xíu.Tức là những người này sẽ thay đổi tâm tính hoặc thay đổi tình tình một cách kỳ quặc.

Nhưng các vị cũng nhớ giùm rằng, những con người mà hay tự dồn nén bản thân họ vào những niềm riêng tư của chính họ thì về mặt tâm lý, những người đó về sau này dễ bị bệnh và stress. Cô đơn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới stress cho tất cả chúng ta.

Cho nên, thời xưa trong các triều đình phong kiến, những người Hoàng Phi trong cung khi bị nhốt vào lãnh cung thì đó là một điều rất đáng sợ. Các vị đừng hiểu theo nghĩa đen, lãnh cung nghĩa là một căn phòng lạnh như nước đá, mà ở đây, lãnh cung là một căn phòng lạnh, nhưng không lạnh về thời tiết mà lạnh về tình người, lạnh lòng người.

Đây là hình phạt rất ghê gớm bởi nếu bị phạt, bị đánh một cây hay mười cây thì tuy là đau lắm nhưng cái đau đó một chút sẽ hết còn khi bị nhốt một mình vào lãnh cung thì đó là một nỗi đau bi dằn xé ngày qua ngày mà không bao giờ kết thúc, bởi bị nhốt một mình trong một căn phòng, được ăn, được uống nhưng lại không được giao tế với bất kỳ ai, không được nói chuyện, tiếp xúc với ai, sống một mình trong đó ngoài 4 bức tường trong phòng nên thời đó, có nhiều người tự tử trong lãnh cung bởi họ không thể chịu nổi cảnh đó. Từng sống trong một cuộc sống giao tiếp rất nhiều thứ nhưng bây giờ sống một mình. Con người ta buồn, bắt đầu người ta chết là chết vì buồn. Như vậy, việc dẫn tới sự cô đơn của con người thì có muôn hình vạn trạng mà tôi chỉ có thể tạm liệt kê được bao nhiêu đây thôi. Tôi nghĩ còn nhiều lắm, ai ở đây có những tình huống khác không, kể cho nghe coi? Có không? Mấy người cười cười đây có tình huống nào khác không?

4. Làm gì để vượt qua nỗi Cô đơn

Vậy, với chúng ta – những người học Phật thì trong lời Phật dạy có cách gì để giải quyết những vấn đề này hay không? Bởi đức Phật là một nhà tâm lý đại tài, một bậc thầy chữa bệnh tâm lý tuyệt vời nên ở đây, việc học Phật là một trong những cách giúp chúng ta phần nào cứu giúp người thân của mình bớt đi sự bế tắc trong các mối quan hệ. Qua các câu chuyện mà tôi vừa kể với các vị, nếu các vị thật sự muốn giúp người thân của mình, muốn giải quyết vấn đề thì bản thân các vị phải có tư duy sâu sắc về những vấn đề này. Cái này là chuyện đương nhiên mà người tu Phật chúng ta phải biết.

Như tôi đã chia sẻ với các vị lúc này, tu học là một cách thông mình giúp cho các vị giả quyết được những vấn đề trong lòng mình nếu có nảy sinh những ý niệm này. Nếu chúng ta không có tu tập, ban đầu, trong lòng chúng ta nảy sinh những ý niệm nho nhỏ, thoáng qua mà nếu không khéo, chúng sẽ bắt đầu trở thành những ký ức kéo dài và lớn dần, lớn dần lên thì điều này là rất nguy hiểm.

Chính vì  vậy mà trong kinh A Hàm, Phật có dạy cho chúng ta bài kinh này để dành cho những người sống một mình. Bài kinh này nói về một thầy tỳ kheo sống một mình, đi khất thực một mình, về nhà một mình, ăn một mình, ngồi thiền một mình, nói chung là cuộc sống của vị thầy tỳ kheo này hoàn toàn đơn độc, không liên hệ đến bất kỳ ai nên người ta gọi thầy là người sống một mình và thầy có tên thật là Thê-ra.

Ngày qua ngày, các vị thầy tỳ kheo khác truyền tai nhau về hạnh của vị thầy tỳ kheo Thê-ra này và một ngày nọ, họ bạch với Thế Tôn về vị thầy Tỳ kheo sống một mình này và Đức Thế Tôn mới cho mời vị thầy tỳ kheo này đến với mình. Khi các chư Tăng mời thầy Tỳ kheo đó đến gặp Đức Thế Tôn, Người mới hỏi ông rằng: “Này Thê-ra, có phải người sống một mình, đi vào làng một mình, khất thực một mình, trở về một mình, ngồi thiền một mình, tất cả mọi việc sinh hoạt đều một mình như thế hay không?”. vị thầy tỳ kheo mới trả lời: “Thưa Bạch Đức Thế Tôn, đúng là như vậy”. Và cũng dựa trên hình ảnh vị thầy tỳ kheo này mà đức Phật mới dạy cho các thầy tỳ kheo khác bài học về cách sống một mình. Và bài học này vừa rồi, quý vị đã được Thượng tọa Minh Trí dẫn chứng qua bằng các câu

 “Không truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai;

Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến”

Đức Phật dạy chúng ta như vậy và cuối cùng, Người kết luận bằng mấy câu kệ như sau:

“Quán chiếu vào cuộc đời 

Thấy rõ được vạn pháp 

Không kẹt vào pháp nào 

Lìa xa mọi ái nhiễm 

Sống an lạc như thế 

Tức là sống một mình.”

Đó là bài kệ đức Phật đúc kết lại để tán thán thầy tỳ kheo và chỉ cách cho mọi người sống. Khi chúng ta chấp nhận được cuộc sống một mình mà không bị khổ đau hay thậm chí có những lúc chúng ta cũng cần sống như vậy khi mà mọi thứ xung quanh đang làm phiền chúng ta. Lúc đó, chúng ta cần một đời sống tách biệt như vậy.

Vậy, làm sao để khi chúng ta sống một mình mà bản thân vẫn cảm thấy an lạc. Ở đây, chúng ta phải có đủ tuệ giác để nhìn và giác ngộ mà Đức Phật dùng là “quán chiếu vào cuộc đời”. Nếu chúng ta nhìn mọi thứ trong cuộc đời này bằng trí tuệ thì sẽ thấy mọi thứ này đều là giả từ tình cảm, tiền bạc hay quan hệ, vật chất v.v… mọi thứ nhu cầu xung quanh chúng ta trong cuộc đời đều là giả tạm cả và chính tất cả những thứ phồn hoa này làm chúng ta khổ đau, và khi quán chiếu được những điều này, các vị sẽ nhận ra rằng chính mình đang phải trả giá rất đắt cho những thứ nhu cầu của mình trong cuộc đời này.

Chính vì vậy mà ở đây, các vị phải nhìn vào cuộc đời bằng ánh mắt của trí tuệ và sự giác ngộ. Các vị phải hiểu được rằng, mọi thứ mình nhìn thấy đó rồi tất cả đều sẽ đổi thay từ tiền bạc, vật chất, cả những mối quan hệ vợ chồng, con cái thậm chí là ngay cả bản thân chúng ta rồi cũng sẽ đổi thay. Đó là cái nhìn quán chiếu, là cái nhìn của trí tuệ. Nếu chúng ta không quán chiếu được, chúng ta sẽ nhìn mọi thứ là một sự vĩnh viễn, vợ con, tài sản, công danh địa vị là vĩnh viễn và ngay cả thân ta là vĩnh viễn thì chính ta sẽ gánh chịu những điều đau khổ bởi chính cái quan niệm coi mọi thứ là vĩnh viễn này. Các vị nên nhớ “Không có cái gì là vĩnh viễn” cả. Nếu chúng ta quán chiếu được tính chất vô thường như vậy, chúng ta sẽ nhẹ bớt đi về tham ái, những mong cầu về mọi thứ. Đức Phật còn dạy thêm chúng ta là “không vướng một pháp nào, xa lìa mọi tham ái”. Tham ái Người nói ở đây không chỉ mà việc dính mắc vào vật chất, danh lợi… cũng là tham ái cả. Nếu chúng ta nhận ra được và xa lìa tất cả những tham ái đó thì dù là người sống một mình vẫn cảm thấy an lạc và đó chính là yếu tố quan trọng để một con người có thể đủ bản lĩnh mà sống một mình.

Ở đây, hiện nay trong chúng ta, tôi biết có rất nhiều người đang trong giai đoạn sống một mình và tự bản thân họ, có một số người đang phải tự giải quyết những vấn đề của mình về sự trống vắng, cô đơn hay lo toan cho những lúc buồn tủi. Điều đó là không hề xấu bởi đó là những trạng thái tâm lý rất thực của con người nhưng điều khôn ngoan là người đó làm cách nào để chuyển hóa tâm thức mình để tồn tại và vượt qua được thì mới là điều quan trọng. Nếu bản thân không làm được, chính chúng ta sẽ bị những điều này làm khổ lại chính bản thân chúng ta.

Cho nên trong những lúc tu học của chúng ta có những lúc ngồi thiền, hay tụng kinh, sám hối hay làm công ích cho xã hội, làm từ thiện, ban tặng, chia sẻ thì chính những hành động này làm cho chúng ta quên đi cảm giác về sự cô đơn.

Ví dụ như chúng ta tham gia vào các hoạt động từ thiện. Chúng ta chăm sóc người già neo đơn hay các em tại trại trẻ mồ côi, những người bệnh phong, hủi…. thì chúng ta có khi quên hẳn đi sự cô đơn hay trống vắng của chính mình. Bởi các vị nhận ra rằng còn rất nhiều những người khác đang rất cần sự yêu thương, chăm sóc. Nếu những hành động này của chúng ta do xuất phát từ lòng từ bi thì trong tâm ta cũng tự khởi lên tình yêu thương. Lúc đó, ta sẽ thấy tại sao người chúng ta vun vén tình thương thì họ lại ném qua một bên, xem chúng ta như cọng rác khiến chúng ta bị tổn thương trong khi có những người nơi đây đang van xin mình từng ánh mắt nhìn, từng đôi bàn tay động viên, chia sẻ. Tất cả những điều này làm cho chúng ta thấy mình lớn mạnh hơn, vững vàng hơn và bản thân tôi thấy có rất nhiều người thích đi từ thiện là vì vậy. Họ thấy hạnh phúc, thấy cuộc đời họ sống có ý nghĩa. Và vì vậy, thay vì tiêu cực, sống với sự dằn vặt lương tâm từ những hoàn cảnh trớ trêu trong gia đình thì bây giờ, họ chia sẻ sự yêu thương với những người cùng khổ.

Chúng ta phải tích cực đứng dậy và vươn lên, đừng để những nỗi niềm đó làm cho chúng ta trở nên tiêu cực bởi cuộc đời này đang còn rất cần chúng ta. Và thêm vào đó, ngoài việc làm những hành động thiện nguyện, sẽ tuyệt vời hơn nếu chúng ta kết hợp với việc tu tập. Khi tu tập, chúng ta cần sự vắng lặng để tĩnh tâm và vì vậy mà có các thầy tu nhập thất là như vậy. Khi thầy tu lao vào trong cuộc sống, các mối quan hệ quá nhiều sẽ làm cho họ phiền lòng và mệt mỏi nên họ phải nhập thất để tránh bớt duyên và việc nhập thất ấy cắt đứt những ngoại duyên này và làm cho người đó trở về với chính mình.

Đó là cơ hội để chúng ta được trở về với chính mình, rủ bỏ được những phiền não, tận hưởng nguồn an lạc vô biên sau những ngày vất vả trong cuộc sống.

Hạnh phúc không phải từ thức ăn đồ uống hay những nhu cầu sinh hoạt mà cái hỷ lạc này là từ trong cái tĩnh lặng của tâm hồn, từ tu tập và từ những sự rũ bỏ mọi phiền não sinh ra. Chính vì vậy mà ngày xưa, các ông vua, bà chúa hay tìm vào rừng để tu hành là vì vậy. Họ sẵn sàng bỏ cả ngai vàng và cuộc sống vương giả hay có những vị quan cả đời mệt mỏi rồi cuối cùng thì bỏ đi vào rừng hay vào hang, đi non, đi biển để thưởng ngoạn để tự họ bỏ đi những phiền não trong cuộc đời. Cho nên, có những lúc chúng ta cần đến sự tĩnh lặng trong chính tâm hồn mình mà đó không phải do cô đơn mà sự thật là chính bản thân người đó muốn tìm đến sự an lạc. Cái an lạc đó người ta gọi là cái hỷ lạc về thiền và trạng thái này không thể mua được bằng bất cứ gì cả mà chỉ có thể có được bằng sự nỗ lực tu tập của bản thân chính chúng ta.

Vì vậy trong Chứng Đạo Ca của Vĩnh gia Huyền Giác có một đoạn mà ngài miêu tả lên việc tìm thấy sự hạnh phúc, an lạc về thiền của một con người có sự tu tập, người này đã rũ bỏ được mọi ràng buộc trong cuộc đời thế tục thông thường, bài đó như thế này

“Vào rừng thẳm trụ am thanh tĩnh mịch 

Dưới cội tùng, bên gộp đá bóng râm che

Làm Tăng quê, vui say trong tĩnh tọa, trong êm đềm

Cảnh lặng lẽ, an lành sao nói hết

Trăng vằng vặc, lung linh vờn đáy nước

Gió ngọn tùng, nghe như cật vấn lương tri

Cảnh đêm thanh, trăng sáng: Đã làm gì?

Rằng, Phật tánh, giới châu tôi in sâu vào tâm địa.

Tôi lấy cả ráng, mây, làm màu áo

Lấy mù mai, sương sớm để làm màn

Vui trăng sông, tùng núi, gió vi vu

Ôm Phật tánh, giới châu làm bạn đường chung chăn gối!”

Đây là bài thơ của Vĩnh Gia Huyền Giác nói lên cảm nhận của một người tu. Chúng ta ôm một ai đó, chúng ta sẽ đau khổ nhưng nếu ôm Phật tánh với châu thì không thể khổ bao giờ và đây là điều chắc chắn. Nếu bản thân chúng ta hay ai đó có được một đời sống tĩnh lặng như vậy, một không gian riêng biệt của bản thân chúng ta. Giữa bộn bề cuộc sống nhưng chúng ta phải có góc riêng mình thì mới tồn tại nổi. Những người tu tập có đời sống an lạc trong thiền định thì bản thân người Phật tử chúng ta cũng phải có những khoảng không đó. Đó chính là hòn đảo tâm hồn của mình giữa cuộc đời nhiều sóng gió, bão giông. Những lúc tu tập như thế, cần ngồi trong tĩnh lặng như thế, có những lúc phải tách biệt khỏi những ràng buộc của cuộc đời như thế. Ai cũng vậy, nếu chúng ta không tự tạo được cho mình những khoảng không an lạc như vậy thì tự chúng ta sẽ đày đọa mình với những ý niệm, những trống vắng, những buồn tủi, tất cả những trạng thái tâm lý này và chúng ta sẽ không thoát ra khỏi nó được.

Vì vậy, những lời Phật dạy đó là cách để chúng ta tự trang bị cho mình bởi bất cứ ai trong chúng ta rồi cũng sẽ phải gặp, phải đối diện mà không thể trốn tránh điều đó. Nhưng những người Phật tử nếu biết ứng dụng lời Phật dạy thì đó là cách chúng ta tự cứu lấy mình. Chúng ta đừng nghĩ rằng phải dựa dẫm vào một ai đó làm điểm tựa cho chúng ta trong cuộc đời này. Tất cả những điều đó đều là vô thường cả, các vị bám vào cái gì hiển hiện trong xã hội này, trong cuộc đời này mà các vị nghĩ là nó vĩnh viễn thì chính những điều đó sẽ làm cho các vị đau khổ thêm . Cho nên, đó là lý do mà các nhà tu chọn cách “tôi ôm Phật tánh gới châu làm bạn đường chung chăn gối” có nghĩa là sống với tánh giác của mình, sống với những an lạc của mình, với cái tâm tĩnh lặng của mình. Đặc biệt, những người có tuổi tác cần phải có những giây phút này bởi vì chúng ta đã từng lo toan, suy nghĩ quá nhiều trong cuộc sống rồi, không khéo, chúng ta sẽ bị loạn. Những người già bị bệnh thần kinh, bị lẫn phần lớn do quá nhiều ký ức hay do quá nhiều suy nghĩ miên man, chúng ta không có tu tập nên chúng ta không kiểm soát được đầu óc mình và cứ nghĩ đủ chuyện trên trời dưới đất và đang tự hại mình mà không biết. Vì vậy trong vấn đề tu hành, chúng ta nên tập buông xả, đầu tiên của việc học buông xả là tập cho mình trở về với chính mình, xả hết những ý niệm buồn vui đi bởi nhớ  những ký ức đó thì để được gì? Nhớ lại những kỷ niệm cũ thì để được gì? Những cái đó chúng ta không cần bận tâm nữa. Điều quan trọng nhất là mình phải làm gì để tự cứu mình đây, cái chỗ dựa tinh thần của con người mới là điều quan trọng nhất.

Tôi đã từng gặp rất nhiều người, 50 tuổi, 60 hay thậm chí 70 tuổi mà còn đau lòng khi thấy chồng mình có những mối quan hệ bên ngoài thì tôi thường khuyên là họ không nên buồn. Ngược lại, họ nên ăn mừng làm tiệc nữa bởi vì họ đã rũ bỏ được và rảnh nợ nữa. Con người khi sống với nhau, nếu hết tình thì còn nghĩa nên thường, cái đau nhói ở tuổi này là đau do cái nghĩa thôi chứ không phải vì cái gì khác nhưng theo tôi thì tại sao mình phải đau? Những người đó đang tâm làm điều như vậy nhưng đối với mình, đó lại là một cơ hội tốt cho mình để cho mình được an lạc, rảnh rang, thảnh thơi và tu học. Những chuyện này tôi đã chia sẻ rất nhiều rồi và tôi muốn nhắc lại là các vị đừng nên buồn vui vì những điều như vậy và cái ý mà Phật dạy chúng ta “quán chiếu vào cuộc đời” là như vậy đó. Có những chuyện xảy ra, chúng ta hãy nhìn nó như một sự thật nhưng chúng ta hãy nhìn bằng trí tuệ đi chứ đừng nhìn bằng những cảm tính thông thường của chúng ta bởi nếu nhìn bằng những cảm tính thông thường, chúng ta sẽ tiếc, sẽ đau khổ, thấy mình bị sỉ nhục, bị lừa dối hay bị tổn thương v.v… rồi những suy nghĩ đó sẽ gậm nhấm con người chúng ta rồi chúng ta đau lòng chỗ này, chỗ khác và tự bản thân mình làm đau lấy mình.  Vì vậy, nếu các vị học Phật mà làm theo không khác những người không học Phật thì tôi sẽ thấy tiếc cho các vị . Chúng ta có điều kiện học Phật, tiếp nhận được giáo lý của Phật mà chúng ta không giải quyết được những vấn đề thông thường như vậy thì tôi thấy tiếc cho các vị lắm. Vì vậy trong cái bài “Chúng ta nên thực hành giáo pháp” mà tôi giảng cho các vị, tôi cũng khuyên các vị nên làm ngay, ứng dụng ngay trong cuộc đời này chứ đừng chờ đợi gì nữa cả.

Qua cái bài giảng Cô đơn này, nói lên một thực trạng tâm lý hiện nay, tôi muốn quý vị hiểu từng tình huống một và vận dụng từng tình huống đó để ứng xử, đừng để cho những vấn đề đau lòng hay đáng tiếc xảy ra trong mối quan hệ Cha Mẹ, vợ chồng con cái hay việc bầu bạn của chúng ta. Chúng ta cần có cách sống lạc quan, tích cực bởi vì cuộc đời này không dài cho chúng ta dằn vặt mãi những điều đó bởi vì nếu cứ mãi dằn vặt những điều đáng tiếc thì dù có chết vẫn chưa hết, cho nên hãy bỏ qua đi, mà hãy tự mình ban tặng cho mình cách sống khác mới là điều quan trọng. Đừng trông chờ Trời Phật hay ai đó ban tặng cho chúng ta cuộc sống bình an hay hỷ lạc mà hãy tự bản thân mình ban tặng, cứu lấy cuộc đời mình trước mới là cách khôn ngoan nhất và tôi mong rằng, bài giảng này sẽ phần nào giúp ích được cho các vị trong cuộc đời các vị .

Theo Phật Pháp Ứng Dụng