Chương 1: Hạnh an vui
Hạnh phục vụ
Trong bộn bề cuộc sống, đôi lúc chúng ta rất cần được nghỉ ngơi, thư giãn. Một ngày dạo chơi trên biển sẽ xua tan những mệt mỏi nhọc nhằn của đời thường. Nhưng đức Phật dạy, những dịp như thế, chúng ta nên quan sát hình ảnh biển khơi và các hòn đảo. Giữa biển khơi, khi sóng yên gió lặng, lúc bão táp phong ba, ấy thế mà đảo vẫn sừng sững thách thức mọi nghiệt ngã của thời tiết. Cũng vậy, đức Phật nói, nếu giữ tâm vững như hòn đảo trước phong ba bão táp của cuộc đời thì chúng ta sẽ có được chất liệu an vui, an vui về thái độ, tinh thần, cách sống và những điều kiện xung quanh mà ta đang có. Điều này đòi hỏi đến quá trình huấn luyện lâu dài.
Thế gian thường nói “An cư lạc nghiệp” đề cập chủ yếu về phương diện vật chất. An cư tạo thái độ an tâm và lạc nghiệp để hướng đến hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc phần lớn đặt trên nền tảng của điều kiện vật chất, khi đầy đủ điều kiện này, an vui sẽ có mặt. An vui bị điều kiện hóa theo cách thức trên có lúc làm chúng ta vui nhưng cũng có lúc làm ta lo sầu, thậm chí khổ đau. Do vậy, ngoài những giá trị an vui vật chất, nhà Phật còn dạy cần phải tô bồi thêm những giá trị an vui về tinh thần.
Hạnh phục vụ đòi hỏi chủ yếu ở sự dấn thân. Một số người chỉ muốn nhận niềm vui từ cha mẹ, ông bà tổ tiên, trợ cấp xã hội hay chính phủ, thể chế kinh tế nào đó, nhưng nhà Phật dạy, ngoài việc nhận an vui từ sự hỗ trợ của người khác, chúng ta cần chia sẻ sự an vui đó bằng cách dấn thân phục vụ. Cho trong trường hợp này làm cho giá trị công đức ngày càng tăng trưởng, ngược lại, nhận nhiều sẽ làm cho công đức ngày càng bị tiêu mòn.
Hạnh phục vụ là cơ hội để thăng hoa chính mình. Nếu nhìn một cách thiển cận, thông qua sự phục vụ, người ta dễ có cảm giác tiền của bớt đi, tài sản mình ít lại. Hoặc nếu nghĩ đơn thuần rằng phải tích lũy được nhiều tiền thì mới có điều kiện làm công đức phước thiện thì chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội để làm. Đức Phật nói, hãy cứ dấn thân, càng dấn thân phước báu càng gia tăng và sự an vui sẽ xuất hiện một cách tỷ lệ thuận.
Một thắc mắc đặt ra, đó là đức Phật được xem là bậc phước đức trọn vẹn, vậy thì ngài đâu cần phải làm gì nữa? Hiểu như vậy là sai lầm. Trong cuộc đời, đức Phật vẫn tạo cơ hội để làm phước báu, dĩ nhiên phước báu đó không nhằm mục đích tăng giá trị để người ta cung kính đảnh lễ ngài mà phước báu đó tạo bài học sống động cho những đồ đệ của ngài học theo mà dấn thân một cách không mệt mỏi.
Một vị tỳ kheo lớn tuổi xuất gia tu với đức Phật. Vị này mắc chứng bệnh lở loét trên thân thể. Mùi hôi của căn bệnh làm nhiều người khó có thể đến gần. Mọi người xa lánh khiến ông rất cô đơn, mặc cảm. Đức Phật biết được sự kiện đó, ngài đích thân đến phòng của vị tỳ kheo cùng nước ấm, khăn và những vật dụng cần thiết. Với tất cả tấm lòng trân trọng, đức Phật tự tay nhúng khăn vào nước rồi lau thân thể vị tỳ kheo như một lương y chữa trị cho bệnh nhân. Hành động đó gây ngạc nhiên cho rất nhiều người. Bằng tình thương của một vị thầy đối với một người trò, đức Phật làm một cách chăm chú, của một con người đối với một con người, của một người đang phục vụ đối với người cần phục vụ, nên vị Tỳ kheo già mặc dù không hết bệnh nhưng cảm giác an lạc xuất hiện một cách lạ kỳ. Sự kiện đó, đức Phật mới đưa ra một tiêu chí về hạnh dấn thân: “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”.
Nhiều người thường cho rằng phước báu gia tăng tỷ lệ thuận theo giá trị của người được cúng. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật nói, cúng cho một trăm người không tu tập năm điều khoản đạo đức dành cho người tại gia không bằng cúng cho một người sống với năm hạnh đạo đức đó; cúng cho một trăm người tu năm giới không bằng cúng cho một chú sa di xuất gia tu mười giới, cúng cho một trăm chú sa di không bằng cúng cho một vị Tỳ kheo, cúng cho một trăm vị Tỳ kheo không bằng cúng cho một vị Thượng tọa,… Cứ như vậy tăng dần đều và do đó tạo ra khung giá trị ở từng con người. Dĩ nhiên, về phương diện vật lý là đúng, cũng như hạt giống khi gieo xuống ruộng và hạt giống đặt trên đất khô cằn, giá trị sinh trưởng của chúng khác nhau một cách rõ rệt. Đúng môi trường, điều kiện, hoàn cảnh, hạt giống sẽ phát triển và trưởng thành. Đó là giá trị của đối tượng được cúng dường.
Bên cạnh đó, mặc dù kinh Tứ Thập Nhị Chương không đề cập trực tiếp, nhưng đức Phật vẫn dạy rằng giá trị công đức trong sự phục vụ nằm ở tâm khi ta làm việc đó, có nghĩa là dù không đủ sức phục vụ cho một trăm bệnh nhân, nhưng nếu có tấm lòng phục vụ một người với tất cả lòng thương kính, quý mến và sẻ chia thì công đức theo đó mà gia tăng gấp bội.
Với câu “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”, đức Phật muốn xác định một điều, đừng bao giờ đánh đồng giá trị công đức với đối tượng được cúng dường. Nếu đến với Phật pháp, cúng dường đức Phật rồi xem thường những bậc thấp hơn đức Phật, cúng dường thánh tăng rồi xem thường những vị thấp hơn thánh tăng thì giá trị công đức của sự cúng dường trong trường hợp này không cao. Lương tâm của sự phục vụ, chất liệu thiện ích, lòng vị tha, sự hướng thượng nhiều chừng nào trong lúc hành thiện thì giá trị công đức cũng tỷ lệ thuận và gia tăng chừng đó. Đức Phật đặt chúng ta trong cảnh huống dấn thân làm việc cộng đồng, phục vụ xã hội ở nhiều khuynh hướng giá trị chứ không phải cúng dường đức Phật bằng cách đốt hương, dâng hoa quả, đảnh lễ. Ngài không cần những thứ này. Ngài thành đạo không phải để được lạy lục, cúng dường, xưng tụng mà ngài thành đạo để truyền bá con đường hạnh phúc an vui thông qua những sự dấn thân phục vụ cho cộng đồng và xã hội.
Chính vì vậy mà đức Phật khuyên chúng ta hãy làm những việc phước báu một cách thiết thực tùy theo địa vị, vị trí xã hội, tài sản hiện có và tấm lòng là điều quan trọng nhất. Trong cuộc đời của đức Phật, ngài ngủ rất ít, chỉ một canh giờ. Vậy thời gian còn lại ngài làm gì? Dĩ nhiên không phải đi du lịch hoặc giải trí mà ngài làm việc Phật sự. Ngài thuyết pháp cho Chư Thiên, các vị Bồ Tát ở những hành tinh khác, có khi thuyết pháp cho con người, dấn thân, đồng sự, hòa mình với cộng đồng xã hội. Một ngày chỉ ngủ một canh giờ nhưng ngài vẫn thọ đến 80 tuổi trong sức khỏe tốt, vì giấc ngủ của ngài không mộng mị. Ngài nằm ngủ trong trạng thái buông xả, như vậy giấc mơ không xuất hiện và ngài được thư giãn ý thức một cách tuyệt đối.
Chúng ta cần học theo hạnh của đức Phật, dĩ nhiên chúng ta không có sức khỏe và thái độ dấn thân như ngài. Hãy để ý sức khỏe, nhưng cũng đừng quá chú trọng nó, vì như vậy cơ hội làm phước báu sẽ bị giảm thiểu. Sự an vui về phương diện âm đức là nền tảng vững chắc. Dù đi bất cứ nơi đâu, đầu tư chỗ nào, chúng ta có thể gặt hái thành công, bởi vì phước báu đã gieo trồng từ trước. Ví như cùng loại sản phẩm vải mặc, nhưng có tiệm đầy khách, có tiệm lại không. Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy người bán ở tiệm vắng không biết nghệ thuật bán hàng, không có nụ cười tươi, thái độ niềm nở,… Sự khác biệt đó nằm trên nền tảng của sự phục vụ phước báu. Sự dấn thân phục vụ biểu hiện bề ngoài là tài sản ít đi, mỏi mệt sức lao động, nhưng nếu không thấy được những giá trị của sự đóng góp thì phước báu sẽ hao mòn.
Hạnh kiên nhẫn
Trên con đường tạo phước và niềm vui cho người khác có rất nhiều thử thách. Nếu không kham nhẫn hoặc kham nhẫn sai phương pháp thì tất cả những công đức từ thiện có thể đem lại rất nhiều nỗi khổ niềm đau. Chính vì vậy mà trong kinh nói, nếu không có bồ đề tâm, tức là tâm hướng về sự giác ngộ, thiếu từ bi tâm làm những việc thiện công đức bằng tình thương yêu một cách không phân biệt đối xử, không vụ lợi thì sự dấn thân làm Phật sự đôi lúc có thể trở thành ma sự. Khái niệm ma sự không nhất thiết ám chỉ việc ác như giết người, trộm cắp, nói láo,… mà nó là phiền não len lỏi trong việc làm. Nó tùy thuộc vào thái độ, tầm nhìn hay cách ứng xử của chúng ta trước những biến cố liên hệ đến công việc dấn thân từ thiện.
Đức Phật dạy, để công đức được trọn vẹn, hạnh phúc an vui được lâu dài thì phải có lòng kham nhẫn rất bền bỉ. Bản thân đức Phật đã từng gặp nạn lớn. Ngài có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Hình thức của bậc đạo sư làm cho rất nhiều người quy kính, nhưng cũng kéo theo những rắc rối đó là nhiều cô gái đem lòng thương ngài một cách đắm đuối. Một cô thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần thầm thương trộm nhớ, nhưng không được ngài đáp lại. Ngài muốn chuyển hóa tình yêu đó trở thành tình phục vụ, tình của từ bi nên đã khuyên cô làm việc công đức để có thể gặp ngài trong hạnh nguyện của người vị tha cao cả. Chuyển tình yêu trở thành tình thương, chuyển tình thương thành tình từ bi thì giá trị của tình từ bi này có thể cao gấp trăm lần so với tình yêu vị kỷ của giới tính. Tuy nhiên, lời khuyên của đức Phật không được cô tiếp nhận. Tiếng sét ái tình làm cho nàng tương tư sầu muộn rồi dẫn đến hận thù, cô tuyên bố khi trở thành hoàng hậu, cô sẽ gây đau khổ cho ngài bất cứ nơi nào ngài có mặt.
Vài năm sau, vua tuyển mộ thiếu nữ vào cung, nhờ sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cô thiếu nữ ấy được tuyển và được tấn phong làm nhiếp chính hoàng hậu. Một hôm, tình cờ đức Phật đi vào thành khất thực. Hoàng hậu nghe tin, bà lệnh cho quân lính mai phục các cửa thành để giết đức Phật. Đức Phật đi cùng tôn giả A Nan, chậm rãi thảnh thơi, ôm bình bát tiến vào cửa thành. Phong thái trang nghiêm, pháp thể thanh tịnh đẹp tuyệt vời của ngài đã làm cho quân lính buông gươm chùn bước. Nhưng vì phải tuân lệnh hoàng hậu, nên những quân lính đã chửi bới nhục mạ, ném đá vào đức Phật. Bấy giờ ngài A Nan hoảng hốt thỉnh cầu đức Phật dời gót đến nơi khác an toàn hơn. Đức Phật mỉm cười nói với A Nan: “Nếu đến nơi khác mà cũng bị cách thức ứng xử như vậy thì ông tính sao?” Đức Phật nói tiếp: “Nếu đi như vậy thì chúng ta sẽ không bao giờ thành đạo được. Mấu chốt vấn đề nằm chỗ nào phải tháo gỡ ngay chỗ đó. Thái độ trốn tránh là phản ứng tạm gọi ‘hoãn binh’. Phản ứng phiền não diễn ra một cách chậm chạp, nhưng như vậy thì chúng ta khó có thể có một kết quả lâu dài. Giải pháp tối ưu là hãy đối đầu”. Đức Phật từng bước thảnh thơi, ngài ngồi xuống, dùng cơm, sau đó vài người thuần thành đã biết danh tiếng đến quây quần bên ngài để nghe thuyết pháp. Ngài vẫn điềm nhiên mặc bao người chọi đá chửi bới. Vẻ thản nhiên làm thức tỉnh những người hại ngài. Họ bắt đầu cảm thấy mình làm một việc rất sai lầm.
Với tất cả lòng hoan hỷ và từ bi, sự kiên nhẫn của đức Phật làm cho những người này được chuyển hóa. Do đó có thể khẳng định đức kiên nhẫn là chất liệu nuôi lớn lòng từ bi, nó là điều kiện làm cho tâm trở nên hùng dũng. Kiên nhẫn được định nghĩa như một hạt giống để con đường dấn thân trở nên tinh tấn hơn, nó còn là thành trì để tất cả phiền não nghiệp chướng trong cuộc đời bị rơi rụng. Tuy nhiên, hành giả cần kiên nhẫn bằng thái độ sáng suốt. Lòng kham nhẫn trong các Phật sự hay trong sự dấn thân phải bắt nguồn từ nhận thức sáng suốt rằng tất cả những chướng tai gai mắt diễn ra xung quanh đều có những nguyên nhân xa gần, không phải là vô cớ. Nguyên nhân trong trường hợp này của đức Phật là, ngài mang vẻ đẹp nghiêm trang, cao thượng làm xao xuyến các thiếu nữ. Chính vì hạt giống đó tạo sự rắc rối của ngày hôm nay. Nếu không đủ bình tĩnh, hoặc làm theo lời góp ý của A Nan, thì bấy giờ công cuộc hoằng hóa của ngài có thể bị gãy đổ. Hiểu rõ điều đó, ngài sáng suốt nhận ra đây là cơ hội cuối cùng để chuyển hóa bà hoàng hậu của mấy năm về trước. Cuối cùng, hoàng hậu cũng cảm thấy hối hận, bà đến đảnh lễ và xin làm đệ tử của ngài.
Như vậy, đức kiên nhẫn là cơ hội mang lại sự an vui, an vui trong trường hợp này là an vui về đời sống nội tại. Đức Phật nói, trong mọi tình huống lòng nhẫn nại là chất liệu cho mọi thành công. Lòng nhẫn nại làm cho tâm định tĩnh. Người thiếu nhẫn nại luôn trong trạng thái bồn chồn lo lắng, kết quả của sự hành trì sẽ không đi đến đâu.
Hạnh tùy hỷ
Tùy hỷ là vui theo niềm vui của người khác, bày tỏ thái độ hân hoan khi nghe người khác thành công, gieo trồng hạt giống tùy hỷ như vậy làm tâm mình mở rộng và không bao giờ đặt bản thân lên bàn cân với người khác. Trong cuộc sống, người tu nếu không khéo cũng bị rơi vào trạng thái tâm lý này, đó là chỉ muốn mình làm Phật sự, không tạo điều kiện cho người khác vì sợ mất hết công đức. Động cơ tuy tốt nhưng không tạo cơ hội cho người khác là thiếu hạnh tùy hỷ.
Là đệ tử Phật thì cần hiểu công việc Phật sự hay làm lợi ích cho người khác mang lại công đức phước báu vô lượng, dù có dấn thân hàng trăm ngàn kiếp cũng chưa hết, cho nên có thêm người cộng sự giúp chúng ta nhẹ đi một gáng nặng là niềm hạnh phúc.
Quá khứ Ai Cập cổ đại, những vị vua khi gần qua đời thường cho xây dựng kim tự tháp nguy nga tráng lệ, biết bao mồ hôi nước mắt và cả máu xương đổ xuống vì quan niệm cho sự bình an của một ông vua sau khi qua đời. Các vị vua thời bấy giờ thường không bao giờ tùy hỷ với bất cứ vị vua nào trước hoặc sau mình. Mỗi kim tự tháp được tạo ra phải là một tuyệt tác mà quá khứ các vị vua trước không có. Và để tuyệt tác độc nhất vô nhị này không bị bắt chước làm lại trong tương lai nên những kiến trúc sư nổi tiếng thường bị xử trảm sau khi tác phẩm của mình được hoàn thành.
Đó là biểu hiện của lòng ích kỷ và thiếu tùy hỷ với những điều người khác cần phải đạt được như chính mình đã đạt. Lăng mộ Taj Mahal của Ấn Độ, một trong những kỳ quan thế giới, đã lấy đi biết bao sinh mạng của những người dân nghèo khổ. Lăng mộ nguy nga tráng lệ là cách thức bày tỏ tình yêu chung thủy của nhà vua đối với người vợ trẻ đẹp, nhưng bạc mệnh. Sau hơn chục năm, khi Taj Mahal được xây xong, thì toàn bộ công nhân, thợ xây, kiến trúc sư đồng loạt bị chặt tay để không thể xây dựng công trình tương tự.
Hành động đó thuộc về bản ngã đi ngược lại với đức tính tùy hỷ mà đức Phật dạy. Nếu có được sự tuỳ hỷ, dù không dấn thân, hành giả vẫn được công đức. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đức Phật nói, nếu không có điều kiện giúp các vị pháp sư làm đạo hay giảng pháp thì hãy khuyến tấn người khác đến nghe. Như vậy là tùy hỷ với sự kiện mở mang kiến thức của con người thông qua chánh pháp, công đức không thua kém gì vị pháp sư cả. Đó cũng là tinh thần nhân quả đạo đức bởi để một công việc tốt được thành tựu đòi hỏi đến rất nhiều yếu tố. Phải mở lòng hoan hỷ cùng cực thì mới có được giá trị lớn, còn bằng không, dù dấn thân với tâm ganh tỵ thì phước báu chẳng là bao.
Trong cuộc đời, con người vốn có rất nhiều khoảng cách với nhau, khoảng cách địa vị, thế hệ,… Thế hệ trẻ khó chấp nhận thế hệ già, hoặc thế hệ già khó chấp nhận thế hệ đàn em do bản tính ganh tỵ mà ra. Thế hệ trẻ thường có thái độ cống cao ngã mạn, cho rằng người đi trước cổ hủ, lạc hậu. Nếu dấn thân bằng thái độ cống cao ngã mạn, tức là đặt nền tảng công việc phục vụ trên lòng vị kỷ, lòng tự hào, sự tự tôn thì giá trị phục vụ giảm xuống, mặc dù chúng ta có thể làm thành công hơn thế hệ trước rất nhiều, chúng ta đúc kết được kinh nghiệm của những người đi trước nhiều hơn mà những người đi trước đó lại không có cơ hội như mình. Đối với thế hệ đi trước, nếu nghĩ mình dày dặn kinh nghiệm mà coi thường thế hệ sau non nớt thì chúng ta đang gieo những hạt giống không tùy hỷ với con em. Do đó, họ có khả năng nhưng lại không có điều kiện để phục vụ. Ngoài khoảng cách tuổi tác, giới tính, bối cảnh lịch sử, môi trường sinh sống, điều kiện giáo dục cộng thêm thái độ không tùy hỷ càng làm cho các thế hệ khó tiến gần nhau vì lợi ích cao đẹp chung.
Có những phức cảm tâm lý trông qua thì đơn giản nhưng vẫn len lỏi trong đời sống gia đình, trong quan hệ cha con, thậm chí vợ chồng. Ngay cả trong chùa, Phật tử đến chùa A đông có thể làm cho chùa B không hoan hỷ, đạo tràng này đông thì đạo tràng bên cạnh sinh phiền não. Nếu lâm vào cảnh huống đó thì cần phải quán tưởng rằng có thêm nhiều đạo tràng, công việc Phật sự sẽ tăng thêm, nhờ đó con người an lạc từ Phật sự cũng nhiều hơn. Tinh thần bồ tát đạo dạy “kiến đạo tràng ư xứ xứ”, lập nhiều đạo tràng ở mọi nơi mọi chốn để tu tập an lạc, an vui, mọi người cùng lợi lạc. Nhà Phật nói, cứ hoan hỷ, tùy hỷ, đừng sợ mất quần chúng. Càng hoan hỷ tùy hỷ, quần chúng lại càng gia tăng. Còn hẹp hòi, ích kỷ chừng nào, quần chúng càng xa lánh chừng đó. Đó là sự mầu nhiệm trong niềm hoan hỷ và tùy hỷ với người khác.
Trong đời sống vợ chồng, đôi khi vợ và chồng không tùy hỷ với thành công của nhau. Tâm lý người nam, ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thường muốn hơn vợ mình. Vợ thông minh giỏi giang thành đạt hơn chồng, đôi khi dẫn đến mất hạnh phúc gia đình. Nghiên cứu những tình huống ly dị, ngoại trừ trường hợp ngoại tình, số còn lại đa số do vợ thành đạt trong xã hội nhiều hơn chồng. Người chồng có thể chấp nhận vợ mình nghèo khó, thất nghiệp nhưng hiểu chồng, chăm lo con cái và gia đình là đủ. Vợ thành công hơn, lúc bấy giờ tâm lý phức tạp bắt đầu diễn ra, người vợ đối xử với chồng một cách xa lạ hoặc nếu không khéo ứng xử, người chồng mang trạng thái mặc cảm và do đó sự không tùy hỷ về vai trò vị trí của hai vợ chồng có thể làm cho cam kết hôn nhân đổ vỡ.
Tùy hỷ còn phải được thể hiện với những người thấp hơn mình, tùy hỷ với mọi đối tượng. Câu “chư Phật sở hộ niệm” trong kinh A Di Đà cũng thể hiện lòng tùy hỷ. Khi nghe đức Phật Thích Ca hoằng pháp giới thiệu pháp môn quán niệm niệm Phật thành công ở cảnh giới ta bà, tất cả mười phương chư Phật hoan hỷ vô cùng. Các ngài đều có mặt tại nơi đức Phật thuyết pháp để tán thán, cúng dường. Trong kinh nói, Phật vẫn cúng dường Phật, các vị Bồ Tát vẫn cúng dường lẫn nhau, mừng vui cùng chia sẻ khi thành công trong Phật sự. Đó là tấm lòng tùy hỷ, tùy hỷ với bạn mình, thậm chí với kẻ thù của mình.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, nếu tùy hỷ với đối thủ cạnh tranh có được coi là trái ngược với quy luật cung cầu hay không? Không, bởi đối tượng phục vụ là đa dạng, và cách thể hiện sự phục vụ cũng đa dạng. Với lòng tùy hỷ thì nhân quả đạo đức được gia tăng. Họ có một số đối tượng khách hàng, chúng ta cũng có một số đối tượng khách hàng. Nhà Phật dạy hợp tác chứ không dạy cạnh tranh. Hợp tác một cách lành mạnh, nếu không hợp tác thì tùy hỷ với thành tựu của người khác. Thậm chí tùy hỷ bằng cách tặng phương pháp để người kia có được thành công lâu dài.
Giá trị của lòng tùy hỷ làm cho con người ngày càng thăng hoa tiến hóa. Dù làm Phật sự hay làm bất cứ việc gì, cứ để lòng tùy hỷ thì công đức gia tăng. Trong tình yêu, dù ai đó không chọn chúng ta làm người yêu thì hãy tùy hỷ tôn trọng quyết định của họ, vui vẻ ra đi không làm phiền nữa. Lòng tùy hỷ mang lại an vui cho bản thân và người khác. Hạt giống của tùy hỷ sẽ mang lại phước báu về sau.
Hạnh không sợ hãi
Dù là tỷ phú, là người thành đạt, nhưng nếu tâm đang chất chứa nỗi sợ hãi thì tất cả những giá trị vật chất mà người đó sở hữu không có giá trị thật sự.
Diễn viên điện ảnh Hollywood, Tobey Maguire, người thể hiện thành công vai người nhện trong bộ phim Spider- man II, đã chia sẻ tại cuộc phỏng vấn rằng anh thực sự rất sợ hãi khi phải đóng những cảnh bay trên các tòa nhà cao tầng. Cuối cùng giải pháp tối ưu là những cảnh quay mạo hiểm, anh đã được cascadeurs đóng thế.
Như vậy, Tobey đã che đậy sự sợ hãi của anh bằng một vai đóng thế của người khác. Anh ta né tránh sự khủng bố khi phải đóng những thước phim mạo hiểm. Tuy nhiên, nếu không chuyển hóa cơn sợ hãi trong lòng, anh sẽ khó có thể tồn tại một cách an vui hạnh phúc, vì cuộc đời còn nhiều pha mạo hiểm chỉ xảy ra trong tíc tắc. Không có bản lĩnh chống lại nỗi sợ hãi, chúng ta sẽ không bao giờ có được những giá trị của thước phim hay. Đó là không sợ hãi trong đóng phim.
Cuộc đời có hàng trăm ngàn nỗi sợ hãi khác nhau. Biết vượt qua sợ hãi thì con người sẽ đạt an vui, bằng ngược lại thì khổ đau dồn dập.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm kể lại một sự kiện nhân lúc đức Phật và rất nhiều vị Tỳ kheo đi khất thực vào thành thì gặp một người thanh niên cao lớn ôm chặt đầu gào thét thảm thiết “tôi mất đầu, tôi mất đầu, cứu tôi, cứu tôi với”. Anh vừa la hét vừa bỏ chạy mất hút trước sự ngạc nhiên của mọi người. Khi về tăng xá đức Phật gọi các vị tỳ kheo lại và kể. Vì có huệ nhãn nên đức Phật biết sáng nay trước khi vào thành, anh thanh niên này đã soi mình trước gương, bị ảo giác anh thấy gương mặt mình xấu hơn trước, mũi sần, da nhăn nhiều mụn. Đối diện trước những cảnh tượng đó, anh ta cảm thấy giá trị bản thân giảm xuống. Dựa vào hình ảnh phản chiếu trên gương, tất cả những ảo giác, suy luận bắt đầu xuất hiện. Anh sợ hãi nghĩ rằng mình mất đầu nên la thất thanh rồi chạy.
Đức Phật giải thích nguyên nhân sự sợ hãi đó là vì người thanh niên này không có cái nhìn tuệ giác. Giá trị và niềm an vui hạnh phúc con người không nằm trên ngoại hình mà người đó có. Người có ngoại hình xấu xí, có vai trò, vị trí xã hội chẳng là gì nhưng nếu biết sống, người đó vẫn được an vui. Hạnh phúc không liên hệ đến những gì chúng ta có, hoặc không có, mà nó liên hệ đến cách thức, thái độ chúng ta sử dụng cái có và cái không có này như thế nào. Theo nhà Phật, chúng ta nên sống theo chiều kích nội tại nhiều hơn nhìn sự vật, sự việc; lý giải, phân tích sự vật, sự việc đó. Ứng xử trong mọi sự việc một cách khôn ngoan, chúng ta vẫn có được an vui.
Chúng ta có thể phân tích câu chuyện về người thanh niên dưới nhiều góc độ khác nhau. Một trong những góc độ đó là mỗi con người có rất nhiều cái đầu: cái đầu của sân hận, cái đầu của si mê, cái đầu của lòng đố kỵ, mưu toan, v.v.. Cứ mỗi năm tháng con người va chạm với khổ đau. Mỗi lần va chạm là một cái đầu mới xuất hiện. Cần mạnh dạn dùng kiếm trí tuệ chặt đứt những cái đầu không hữu ích được hình thành qua năm tháng và giữ lại một cái đầu “bản lai diện mục” của chính mình. Giữ “bản lai diện mục” đó thì trong mọi cảnh huống chúng ta không bao giờ sợ hãi. Không sợ mất tình yêu, vì ngoại hình mình xấu xí; không sợ bị chối bỏ, cô lập bởi giá trị của con người không lệ thuộc vào những thứ này. Thực tế giới nữ thường đặt nặng giá trị của mình trên phương diện ngoại hình. Vì vậy 80% sản phẩm nhân loại tạo ra để dành cho phụ nữ, quần áo, nước hoa, trang sức, túi xách, mũ nón,… đa dạng phong phú không thể tưởng tượng hết. Cũng nhờ đó mà cuộc sống được vận hành, nền kinh tế được tiến triển dựa vào sự tiêu thụ của phái nữ, hay nói cách khác, dựa vào sự lo sợ bị chê bai rằng mình già nua xấu xí vốn là tâm lý phổ biến của người nữ.
Đối với đạo Phật điều đó không thật cần thiết. Nét đẹp ngoại hình là phương tiện thu hút người khác đến với chúng ta, nhưng cũng mang lại nhiều rắc rối. Quan niệm như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ sợ hãi, mặc cảm, cũng không hãnh diện, tự hào. Giá trị cuộc đời chúng ta không nằm trên lời nhận định, đánh giá của người khác, nên nếu sống theo những thứ đó, chúng ta bị cuốn vào những giá trị ảo không có thật. Một bài thơ hay sẽ không trở thành tuyệt tác xuất chúng nếu không có sự phân tích của một vị giáo sư tiến sĩ văn học nào. Vị giáo sư có thể phân tích rất thuyết phục đến mức đôi khi tác giả bài thơ còn phải ngạc nhiên trước ý nghĩa tác phẩm của chính mình. Ý tưởng tác giả một đàng, người phân tích một nẻo, người nghe lại hiểu theo cách khác và như thế giá trị trong những cái mà chúng ta mặc định thuộc về giá trị ảo.
Chẳng hạn, những kiệt tác của Picasso trong thời gian ông còn sống không đáng đổi một bữa cơm nhưng lại được đấu giá hàng triệu đô sau khi ông qua đời. Thông qua những cuộc đấu giá cò mồi, đôi khi người ta làm giàu trên tác phẩm của ông bằng cách tăng giá trị ảo. Giá trị ảo gia tăng trên những cách thức người ta mặc định cho nó chứ bản chất của nó không có giá trị tuyệt đối, nó chỉ tương đối một phần.
Tóm lại, giá trị hạnh phúc có được từ những cách mà chúng ta nhận định, đánh giá vấn đề và ứng xử trên cách đó khôn ngoan, sáng suốt. Được như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có những nỗi sợ hãi và sẽ được an vui.
Hạnh buông xả
Buông xả là một chất liệu rất quan trọng. Nhiều người, thay vì sống với chính mình trong hiện tại, lại sống với chính mình của quá khứ cách đây mấy chục năm. Hoặc thay vì đánh giá giá trị của người khác ở hiện tại mà người đó đang đóng góp, thì lại nhìn người đó ở góc độ của quá khứ. Như vậy, chúng ta chỉ là con của quá khứ và đánh mất rất nhiều giá trị đóng góp, những thăng hoa trong hiện tại. Thế nên đạo Phật dạy lòng buông xả nhằm tăng giá trị của hành động. Chẳng hạn ngày hôm qua chúng ta làm công đức giúp cho viện mồ côi, chúng ta đem tặng các phần quà đến các em bằng một tấm lòng giống như người mẹ, người cha tặng cho những đứa con của mình. Dĩ nhiên, sau hành động đó chúng ta có được an vui, tối về nghĩ lại và mỉm cười hoan hỷ. Tuy nhiên, nếu cứ giữ niềm vui của ngày hôm qua, để nó tác hưởng lên tâm trí và lòng tự hào bản thân mà không màng đến việc dấn thân, đóng góp của ngày hôm nay cần được thực hiện, thì như vậy chúng ta đánh mất giá trị và cơ hội làm việc tốt ở hiện tại, điều đó tạm gọi là “ngủ quên trên thành công công đức của quá khứ là giết chết mình trong hiện tại”.
Truyện “Rùa và Thỏ” là một bài học điển hình, con rùa chậm chạp và con thỏ nhanh nhẹn, có thể được hiểu là những người đang dấn thân làm công đức để tạo chất liệu an vui hạnh phúc. Con thỏ nhảy một bước bằng con rùa đi hai phút. Vì thế mà thỏ ỷ lại quá nhiều vào thành tựu công đức của mình. Đi một chút thỏ lại nghỉ ngơi, ham vui thưởng thức những cảnh đẹp bên đường, ngủ quên luôn trên công đức chiến thắng của mình.
Bấy giờ con rùa công đức như những người thiếu khả năng hơn, nhưng với tâm lượng lớn và lòng kiên nhẫn sẽ vượt qua mặt con thỏ một cách nhanh chóng. Cho nên đi theo tinh thần nhà Phật, chúng ta không được phép dừng lại trong những thành quả công đức đang làm, nhất là những niềm vui mà chúng ta đạt được từ đó, nghĩa là buông xả những giá trị công đức mình đã làm, buông xả nó để dấn thân được nhiều hơn.
Thái độ không buông xả có thể ví như cái ly đậy nắp. Nếu không chịu mở nắp ly thì có đem đến cả chục lít nước cũng không thể rót thêm một giọt nước nào vào ly được, vì cái nắp là một cản lực rất lớn. Không buông xả công đức làm cho con người trở nên hãnh diện, tự hào về những gì mình đã làm; còn nếu nói về sự dấn thân trong mọi sự nghiệp, chức nghiệp xã hội nó cũng làm cho con người không bao giờ vươn lên được nữa.
Đức Phật dạy đừng bao giờ hãnh diện, tự hào về những gì mà mình thành tựu. Hãy khiêm hạ để có thể tiếp tục vươn lên, đức khiêm hạ giúp rút ngắn khoảng cách trong giao lưu, tiếp xúc với những người khác, nhờ đó mà giá trị của bản thân ngày càng gia tăng. Người thành công bước đầu đã vội nghênh mặt thường được gọi là “những người sống ở cõi trên”, người tự ti mặc cảm được gọi là “những người sống ở cõi dưới”, trong khi đó những con người bình thường hiểu đạo lý nhà Phật phải sống giữa hai ranh giới này, tức là trung đạo vượt lên trên, nhìn thẳng vào vấn đề, đi một cách mạnh dạn, làm một cách tích cực, dấn thân tất cả nhưng không lưu giữ lại cái gì cho bản thân. Có như vậy khi gặp những thách thức trong cuộc đời, giúp đỡ người khác nhưng lại bị người đó trách móc, nói xấu, hãm hại, chúng ta cũng không bao giờ cảm thấy phiền não khổ đau xuất hiện, vì hiểu rằng những công đức tu tập vừa qua là để tô bồi hạt giống đạo đức lương tâm của mình được trưởng thành tuyệt đối. Ngoài ra, thông qua sự tô bồi đó, chúng ta mang lại giá trị an vui hạnh phúc cho người, nếu họ không hoan hỷ đón nhận thì chúng ta cũng không mất gì, chỉ có họ bị thiệt thòi thôi. Còn nghĩ rằng công đức mình đã làm hôm qua phải được đền ơn đáp nghĩa, không đền đáp, chúng ta sinh phiền não, trách móc, khổ đau đó là vì mình không buông xả công đức.
Sự buông xả công đức và tất cả những thành tựu là chất liệu để công đức và thành tựu được gia tăng, bỏ một để được mười, ai có lòng bám víu vào thành quả sẽ khó có được những giá trị cao hơn.
Trong kinh đức Phật kể một câu chuyện ngụ ngôn. Hai người tiều phu làm nghề đốn củi, cả hai cùng đi vào rừng vì một tiêu chí chung là mỗi ngày cố gắng không đi lại mé rừng mà mình đã đi ngày hôm qua, với mục đích tìm kiếm những loại gỗ quý hơn. Đi được một quãng, không thấy cây mới nên họ đã dừng lại chặt những cây củi quẩy gánh trên lưng. Một người đề nghị: “Thay vì gánh về, chúng ta nên đi rẽ một nhánh đường khác biết đâu sẽ tìm được cái gì đó giá trị hơn”. Đi tiếp một quãng, họ lại thấy cây gỗ trầm. Anh A đưa ý kiến bỏ gánh gỗ mà họ đã chặt lúc sáng để thay thế bằng loại gỗ trầm giá trị. Anh B tiếc nuối công sức đã bỏ ra để gánh bó củi từ sáng đến giờ nên quyết định bằng lòng với bó củi thường và không đổi gỗ quý mới. Họ lại tiếp tục đi. Đến một mỏ vàng, họ dừng chân và mừng rỡ khi phát hiện thấy vàng, anh A lại đề nghị: “Vàng nhỏ nhẹ nhưng giá trị của nó gấp trăm lần bó gỗ trầm của tôi và gỗ thường của anh. Chúng ta nên bỏ hết gỗ để lấy vàng”. Nhưng anh B vẫn kiên quyết từ chối: “Tôi đã mất công gánh đống củi này từ sáng đến giờ làm sao bỏ được. Thôi anh cứ lấy, tôi sống vậy thôi”.
Câu chuyện tuy không thực tế nhưng giá trị biểu tượng và triết lý chứa đựng trong đó là điều cần phải suy nghĩ. Đôi khi việc bê quá khứ vào trong tâm, quá khứ khổ đau vất vả mà không buông được, hoặc cứ giữ thù hận trong lòng, nuôi nó bằng thực phẩm của hận thù, giọt nước của tức tối phiền muộn bực dọc thì rồi cuối cùng chúng ta sẽ bị khổ đau trước tiên. Quá khứ son trẻ thành đạt nếu cứ lưu giữ mãi mà không nhìn nhận thực tại cũng làm cho con người, thay vì lạc quan tiếp tục phấn đấu sống có ích, thì lại chìm trong bóng của quá khứ. Nói chung, thái độ buông xả là nhu cầu tăng giá trị của cuộc sống, giá trị của niềm an vui.
Một vị đạo sư nổi tiếng đạo cao đức trọng đến độ vua quan chức tước thường đến xin đảnh lễ và thỉnh giáo đạo lý. Một lần nhà vua cùng đoàn tùy tùng đến xin học hỏi. Cho đoàn tùy tùng đứng đằng xa, nhà vua với phục trang giải dị, chân trần đích thân đi vào rừng nghe giảng đạo. Trong lúc vị đạo sư thuyết trình và nhà vua cảm thấy hân hoan về bài thuyết trình đó thì nơi mé rừng đột nhiên phát cháy. Binh sĩ la thất thanh, người chạy tìm nước, kẻ dập lửa bằng mọi cách, những vật quý báu của nhà vua bị tổn thất nặng nề nhưng kịch tính trong trường hợp này là nhà vua vẫn trầm tĩnh như không có chuyện gì xảy ra, trong khi vị đạo sư đưa mắt nhìn về hai bộ áo đang phơi gần đám cháy với tâm trạng lo sợ sẽ không còn gì để mặc.
Hình ảnh vị đạo sư thường đại diện cho tinh thần vô sản, buông bỏ không giữ lại gì, nhưng liệu đến cuối đời có buông xả thật sự hay không, hay lại chấp mắc nhiều hơn? Cho nên đừng đánh giá sự buông bỏ bằng đời sống biểu hiện thông thường mà phải đặt trên giá trị và chất lượng tâm của người đó. Sự xả bỏ nằm ở thái độ chứ không nằm ở hành động buông tài sản hay không. Do đó khi học đạo lý buông xả của nhà Phật, chúng ta vận dụng nó trong đời sống. Sử dụng một giá trị vật chất nào đó và rồi không bận tâm sau khi sử dụng. Cái bàn là phương tiện đặt để đồ vật. Nếu quy định cái bàn này vào giá trị cố định là chỉ được để ly nước chứ không được để bất kỳ vật gì khác thì chúng ta không bao giờ đặt được tượng Phật lên trên bàn này, trong khi tượng Phật có giá trị cao hơn bởi người ta cung kính đảnh lễ, nhờ đó mà giá trị của cái bàn lại càng tăng thêm.
Như vậy, sự buông xả về chức năng công dụng của vật chất, những sự kiện trong cuộc đời sẽ làm tăng giá trị vật chất, sự kiện đó. Bàn tay này tại sao được gọi là “đa dụng”, bởi vì nó không nắm giữ bất cứ thứ gì. Giả sử chúng ta cầm ly nước đưa vào miệng uống thì khi đó, chức năng khác của bàn tay chúng ta không được sử dụng. Chúng ta bám vào cái gì thường vướng ngay vào cái đó. Nên buông xả là thái độ chặt đứt những vướng víu trong cuộc đời. Chúng ta buông xả thái độ hơn là buông bàn tay. Để tay trống không làm gì thì thật uổng phí. Phải làm Phật sự, phải dấn thân, làm tất cả những công việc một cách hiệu quả, có phương pháp, tinh tấn, niềm tin, nỗ lực. Sau đó thì buông. Có như vậy, cuộc sống rất thoải mái, thong dong.
Một con cáo đi qua vườn nho sai quả. Nó nhón chân với tay lên mà không hái được, nhảy lên chộp vẫn không xong, làm suốt cả buổi sáng nhưng không hái được quả nào. Trong lúc đang buồn rầu tìm cách thì đàn thỏ đi lại, cáo ta đứng dậy bảnh bao đi tới đi lui. Đàn thỏ hỏi: “Anh cáo ơi! Sao hôm nay không thấy anh ăn nho như thường lệ?”. Cáo nhún vai lắc đầu: “Mấy chùm nho đó chua lòm, tôi chẳng thèm ăn”.
Trong trường hợp này, cáo không buông bỏ, anh ta bám sự tiếc nuối về chùm nho ăn không được nhưng vì bản ngã, anh ta phải chứng tỏ mình không màng đến nó.
Thực tế, chúng ta có thể tiếc rất nhiều chùm nho của sự thành công, hạnh phúc trong quá khứ, và khi ai hỏi tới chúng ta nói một cách rất bất cần rằng “ôi tôi chẳng màng”. Đó cũng là một sự buông xả nhưng buông xả của trạng thái ức chế bất đắc dĩ chứ không phải bằng nhận thức sáng suốt. Đôi khi nỗ lực làm hoài mà không thành công, chúng ta phải buông. Cái buông đó để lại tiếc nuối rất nhiều và trạng thái ức chế đó chính là một sự chấp thủ, chấp thủ về chùm nho không ăn được nhưng nhìn vẻ bên ngoài nó biểu hiện như chúng ta đang buông xả chùm nho.
Trong cuộc sống, ai cũng ấp ủ nhiều dự kiến khác nhau từ khi ngồi ghế nhà trường. Chúng ta đầu tư học một ngành nào đó suốt năm năm, mong rằng sẽ có chức nghiệp thích hợp chuyên ngành mình đã học, nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường, chúng ta lại phải gắn với nghề mà mình không hề học qua. Khổ đau xuất hiện khi phải bỏ đi những kiến thức đã đầu tư, bồi đắp. Cũng là buông, nhưng là buông bất đắc dĩ. Nhà Phật dạy rằng giá trị của các chức nghiệp ngang nhau: “Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ”. “Pháp” ở đây có thể hiểu là pháp môn, con đường đi, hay những cách thức chúng ta muốn trong cuộc đời. Hoặc có thể hiểu “pháp” như nghĩa triết lý là mọi sự vật hiện tượng có chức nghiệp nghề nghiệp chúng ta đang theo đuổi, giá trị của nó bình đẳng với nhau, không có cái nào cao hay thấp. Tùy thuộc vào cách sử dụng của chúng ta mà nó trở thành cao hay thấp mà thôi. Mục đích sử dụng phân định giá trị mặc định của xã hội loài người với nhau.
Nhà Phật dạy, trong mọi tình huống để được an vui, chúng ta phải thích ứng, muốn thích ứng thì phải buông xả, buông xả bằng nhận thức sáng suốt, còn buông bỏ một cách bất đắc dĩ thì hoàn toàn không giá trị.
(Còn tiếp)
Theo Phật Pháp Ứng Dụng