Có một tử tù không biết chữ, sau khi vào trại được dạy học đã xin ông một cuốn kinh sám hối để đọc. Ông về chùa xin được một số quyển kinh phát cho anh ấy và một số tử tù bên cạnh. Ông nói, đây là tài sản chung, ai “đi” thì để lại cho những người sau. Từ khi đọc quyển kinh đó, anh ta và những người tử tù khác ngoan hẳn, bớt quậy phá đi nhiều.

Đó là lời kể lại của ông  Đại tá Bùi Văn Tẳng, hiện là Giám đốc Trung tâm huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Công an TP Hải Phòng.

Khi chúng tôi  theo đoàn Đạo Phật Ngày Nay hành hương  tìm về với Đức Phật lịch sử. Khi đi lên núi Linh Thứu, nơi Đức Phật giảng bài kinh Diệu Pháp Liên Hoa đầu tiên, Thượng Tọa Thích Nhật Từ đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thế này:  Trong một chuyến hành hương trước thấy trên đường đi quá nhiều  trâu, bò, dê, chó… cùng với người đi lên núi, đương nhiên kèm theo đó là trên đường cũng ngập tràn phân, nước tiểu của những chú này tè đầy đường làm cho mọi người đi đường thay vì ngắm cảnh thì phải chăm chăm nhìn dưới chân, thỉnh thoảng lại có người hét toáng lên “ối! mìn, mìn đấy cẩn thận”.

Thầy mới hỏi những người quản lý khu thánh tích “Tại sao những nơi linh thiêng như thế này lại để cho các chú này vào? ồ người đi lên núi nghe Đức Phật giảng kinh được thì tại sao các chú trâu, bò, dê, chó, chim muông lại không được lên nghe cơ chứ”.

Những tử tù dù tội ác họ có gây ra man rợ đến thế nào thì họ cũng là một con người, họ đã phải trả giá cho những việc họ đã làm bằng một bản án tử đang chờ họ từng ngày trong trại giam. Không hiểu mọi người khi nghe vị Giám đốc này tâm sự “Từ khi đọc quyển kinh đó, anh ta và những người tử tù khác ngoan hẳn, bớt quậy phá đi nhiều”.

Vậy tại sao chúng ta lại không dùng những bài thuốc hữu hiệu này phòng chống ngay từ khi mọi người đang còn nằm trong bụng mẹ, ngay từ khi các em mới cắp sách đến trường, tại sao không mang tinh thần đạo Phật vào trong những chữ ghép vần đầu tiên, những vần thơ, những bài ca … cho đến những môn học bắt buộc trong các cấp học từ thấp đến cao, giá như những  tư tưởng  đạo đức trong giáo lý nhà Phật cũng được áp dụng trong các trường học quản trị quốc gia, dậy và đào tạo những nhà lãnh đạo đất nước… thì đâu phải ai ai cũng đặt câu hỏi tại sao tội phạm ngày càng nhiều, càng trẻ, càng hung tợn? Tại sao nạn tham nhũng ngày càng tăng đã làm suy kiệt cả một quốc gia  để đến lúc mọi việc đã rồi mới mang thuốc tới.

Những trùm giang hồ khét tiếng, những tử tù gây ra bao tội ác man rợ, có kẻ chưa biết ăn năn, chưa nhỏ một giọt nước mắt, chưa một lần hối hận  với những việc đã gây ra cho những nạn nhân, cho chính gia đình mình, cho xã hội. Người ta gọi những người này là những kẻ máu lạnh.

Thế mà khi được nghe những bài thuyết giảng của Thượng Tọa, những bài hướng dẫn tập thiền họ đã khóc, đã ân hận vì những tội ác họ gây ra.

Có nhiều người họ đã tự hứa với lòng mình. Có người họ đã thực tập theo những điều mà Thượng tọa đã giảng giải những điều Đức Phật nói, những điều Đức Phật dậy. Họ đã cải tạo tốt để được giảm án để được sớm trở về với gia đình.

Khi họ đã hối hận biết  đứng dậy từ những lầm lỗi họ sẽ hoàn lương và không còn vấp ngã. Những cuốn cẩm nang do vị Thượng tọa này mang tặng trong các trại giam cho những người lầm lỡ đã làm cho họ tự tin hơn khi bắt đầu làm lại từ đầu.

Khi ” đi” xin được mang theo cuốn kinh sám hối, được gối đầu khi khâm liệm. Sao không ban tặng họ thêm những cuốn ” Đừng vì tiền phụ nghĩa quên tình” trong cuốn này có tới bốn bài giảng tại trại giam – Mong đời thứ lỗi- Kiếp đỏ đen-Đừng quên tình đời- Lời sám hối của kẻ hấp hối- Giới hạn của đồng tiền.

Giá như họ được đọc những cuốn này trước khi họ đứng trước vành móng ngựa chắc cuộc đời họ đã không phải chỉ ước muốn có cuốn kinh sám hối gối đầu khi khâm liệm.

Trong thời Đức Phật và ngay thời hiện tại này Trâu, bò, dê, chó, chim muông cùng được ngồi nghe Đức Phật giảng kinh như nhau thì chúng ta những người Quản giáo, những Quan chức chính quyền, những nhà Tư pháp… tại sao lại không mở rộng cửa các trại giam cho những nhà Hoằng pháp, những nhà tâm  linh vào trị liệu, giảng  và hướng dẫn Thiền cho những phạm nhân để họ  đứng dậy sau những lầm lỡ, hay  để họ biết hối hận ăn lăn trước khi nhắm mắt và hơn hết là  để họ ngoan hiền hơn, bớt quậy phá hơn, để cho ngay những người cai quản đỡ vất vả hơn.

Như vậy không tốt hơn sao? Đâu có thiệt thòi và mất đi cái gì ở phía những người thi hành công vụ. Đây cũng là một việc làm từ bi, một tấm lòng bao dung và tha thứ một thứ tình người trên mọi thứ tình người.

Nếu ai tới Ấn Độ sẽ thấy, trâu bò, chó, dê ở đây sống lẫn với người nhiều vô kể, nhưng các chú này lại rất hiền hòa, sống ung dung tự tại, thân thiện cùng với con người và điều đặc biệt là các chú được tôn trong y như con người vậy.

Tất cả các loài động vật cũng sợ chết, con người lại càng sợ chết hơn. Có những kẻ nhẫn tâm ba ngày liền tìm mọi cách giết chồng bằng được, khi đứng trước vành móng ngựa có khuôn mặt bình thản đến lạ, vậy mà khi bị Thẩm phán tuyên bố tử hình thì vội bật khóc van xin mẹ chồng “Mẹ ơi cứu con”.

Giá như những con người này biết rất rõ giết người thì sẽ phải trả như thế nào, ngay trong hiện tại thôi, đừng nói gì đến kiếp sau, chắc đã không đoạt mạng sống của người khác như thế.

Có những bức thư viết vội trên những trang vở học sinh trước lúc 5h sáng. Đó là những bức thư được viết bằng tất cả cảm xúc ân hận muộn màng, cuối cùng của một con người cận kề cái chết. Có những dòng chữ xô đẩy nhau, run rẩy và nhòe đi trong nước mắt. Giá như sự thức tỉnh lương tâm này đến với họ trước khi xuống tay gây tội ác, hẳn rằng sẽ chẳng có kết cục bi thảm. Đa số họ đều xin được cha mẹ, vợ con tha thứ những lỗi lầm do họ gây ra.

Vậy là trong sâu thẳm những con người tử tù này vẫn còn một chút ánh sáng khi mà thời gian sống của họ chỉ còn tính từng ngày,  trước khi họ phải thực hiện bản án tử giành cho họ và giá như những kẻ tử tù này được nghe, được học những điều đạo đức của Đức Phật từ nhỏ, được sống trong một gia đình đong đầy yêu thương thì dẫu có gặp phải những áp lực gì hay phong ba bão tố gì đi nữa, họ vẫn giữ được lập trường đạo đức thì  họ cũng không bao giờ trở thành những kẻ giết người dã man đến thế.

Không hiểu những lời tâm sự của người Giám đốc này có đến được tai những Vị trong HĐTS Giáo Hội Phật Giáo không? Nếu có thì Những người con Phật phải làm gì đây để họ những người lần lỡ này ai cũng được nghe kinh Phật, ai cũng được nghe những bài giảng như  vị Thượng tọa này đã làm được trong nhiều năm qua. Để trước khi phải trá giá cho những sai lầm họ được nghe, hay ít ra được đọc những lời dậy làm lành lánh dữ của Đức Phật để biết được Đức Phật, biết được Đạo Phật để những  kiếp sau, họ sẽ có duyên được nhận Đức Phật làm Thầy mà tu tập theo gương hạnh của Người,  mãi mãi xa lìa những điều ác, để dù có tái xanh nơi đâu họ cũng sẽ được an lành và chỉ làm những điều lành.

Sài Gòn, tháng  4  năm 2013

Theo phattuvietnam.net