Hiện nay, nhiều người dân đi lễ chùa thường có thói quen rải tiền lẻ ở trên bàn thờ, nhét tiền vào kẽ tay chân của tượng Phật. Từ đó, vì quá nhiều nên các đồng tiền rơi vãi lung tung trong khu vực thờ tự dẫn đến các hình ảnh không đẹp nơi đây.
Trước thực trạng trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 22/2, PGS.TS Thành Phần – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cho biết: “Đây không phải câu chuyện mới mà là câu chuyện được phản ánh từ nhiều năm nay. Cái lạ của người Việt là cái gì xảy ra nhiều thì trở thành chuyện bình thường, ai cũng làm theo. Họ hoàn toàn bằng lòng với cách làm, cách biểu hiện như vậy.
Dưới góc độ một người nghiên cứu về văn hóa, về nhân học, tôi thấy rõ ràng đây là một quan niệm sai lầm. Người dân ai cũng nghĩ “cho tiền thần linh” thì sẽ được lợi lộc vào mình nên ra sức rải tiền. Đó là biểu hiện của sự không hiểu biết, mê tín mù quáng chứ không còn là tâm linh.
Rải tiền lẻ, nhét tiền vào tay Phật là “hối lộ Phật”, làm ô uế cửa chùa, đó là điều tối kỵ và sai giáo lý nhà Phật, vì Phật không cần những thứ đó.
Các cụ xưa vẫn có câu “Phật tại tâm”. Cho nên, việc làm của nhiều người dân hiện nay đang tạo ra một hình ảnh phản tín ngưỡng và không có văn hóa”.
Lý giải cụ thể cho việc làm trên, theo ông Phần, trước hết là do con người hiện tại cần tìm thứ gì để tin, tin để họ được bảo trì, phù hộ. Nhưng niềm tin này không có hướng dẫn, không có hướng đi nào, nên nó hoàn toàn ảo tưởng, mông lung.
Bản thân ông Phần đã từng đi khảo sát sơ qua về vấn đề này qua một số lễ hội. Khi trò chuyện với người đi chùa, ông nhận thấy, những người đến đây đều có vấn đề về niềm tin. Họ tin rằng, việc làm của họ sẽ giúp gia đình họ an khang, êm ấm, an toàn hơn, tài lộc dồi dào hơn. Nếu đi chùa về thì an tâm ngủ ngon, còn không thì cứ nằm thấp thỏm.
Đặc biệt, những người đi lễ chùa nhiều nhất không phải nông dân, tầng lớp thu nhập thấp mà chủ yếu là người gia đình có địa vị, chức vị cao, giàu có. Thậm chí, nhiều người còn lo lắng ai là người giúp mình giữ chiếc ghế cho mình hiện nay, nên đi nhờ cậy cửa Phật.
Với những người đó, theo họ, khi nhét tiền vào tay vào Phật thì xin gì cũng được, mong gì cũng ứng nghiệm. Họ có tâm lý muốn Phật nhớ tới họ, đừng quên họ, họ chen nhau cố nhét tiền vào tay Phật, với suy nghĩ phải đưa tận tay.
”Điều này cũng như câu chuyện họ mang quà, mang tiền mua quan bán chức, nếu không đưa tận tay lãnh đạo thì họ không nhớ, họ không cân nhắc, bổ nhiệm. Nghĩa là nó trở thành suy nghĩ, nhiều lần thì thành tiềm thức và rồi vô thức sẽ áp dụng mọi trường hợp” – vị chuyên gia chỉ rõ.
Bản thân ông Phần cũng từng băn khoăn, tại sao chúng ta không đốt vàng thật, đốt tiền đô la thật, tất cả các đồ thờ cúng đều là hàng giả. Sau đó, ông tự lý giải rằng, Sau này tôi biết chúng ta nghĩ rằng, quan niệm của người dân là thế giới bên kia ngược với thế giới thật.
”Dù gì, Phật không phải con người, nhận tiền “hối lộ” của mọi người rồi giúp người này, bỏ quên người khác, đó là ngu muội. Đạo Phật coi trọng nhất là lòng thành, không nặng về lễ bái và nghi thức để làm khó chúng sinh”, ông Phần nhấn mạnh.
Nhìn sang các nước khác, theo Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, họ có cách tôn kính nhà Phật rất văn minh. Nói ngay như dân Myanmar rất sùng đạo Phật, tại bất cứ nơi đâu, thị xã hay vùng quê đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo.
Dù dân cũng có thu nhập không phải là cao, nhưng hầu như tiền họ kiếm được bao nhiêu là gom góp để xây chùa, tạc tượng, đúc chuông. Họ không chỉ tích cực xây dựng chùa mà rất hay mua những miếng vàng lá và tự mình đắp lên tượng Phật. Nhờ đó mà các bức tượng Phật ngày càng có lớp vàng dày hơn. Họ làm đồ thật chứ hoàn toàn không có đồ giả.
”Việt Nam chúng ta không thể làm được như họ vì không có phong tục đó, ý thức đó. Việt Nam cũng theo đạo Phật nhưng đã cải biến theo cách của Việt Nam.
Đặc biệt còn rất khó, khi người Việt khi các nơi thờ tự không muốn bỏ đi hình thức này vì nguồn lợi thu được từ tiền công đức của người dân thập phương. Theo tôi được biết 1 ngày các ngôi chùa lớn thu được lên tới tiền trăm triệu đồng bằng tiền lẻ, năm 2013, chỉ 6 ngôi chùa tại Hà Nội thu về 6 tỷ đồng tiền lẻ sau dịp Tết. Quan trọng là số tiền này sau đó ai sẽ nhận, ai sẽ quản lý chi tiêu”, ông Phần chỉ rõ.
(Châu An)