Trong những ngày qua dư luận xôn xao về video clip 1 học sinh nữ lớp 7 ở Trà Vinh bị đánh hội đồng khiến câu hỏi đặt ra nạn bạo lực học đường, đặc biệt đối với lứa tuổi trẻ vị thành niên được ngành Giáo dục giải quyết ra sao và đến khi nào tình trạng này chấm dứt?

Và trên các trang báo không thiếu tin những thanh thiếu niên trong độ tuổi ăn tuổi học mà có thể ra tay thực hiện những hành động dã man như giết người, cướp tài sản, phạm tội hình sự… dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, tự đánh mất đi tương lai của chính mình ở phía trước.

Tại sao ngày nay giới trẻ lại có thể nghĩ đến giết người hay những hành động ghê gớm như vậy? Nguyên nhân do đâu?

Chúng ta đừng vội trách giới trẻ. Giới trẻ là nạn nhân của cả một quá trình trong việc giáo dục của chúng ta về mặt đạo đức và đây là trách nhiệm chung của cộng đồng và xã hội.

Chúng ta đừng vội kết tội độ tuổi này. Sự thật, những thanh thiếu niên ở độ tuổi này là con, là cháu của thế hệ 20, 30 năm về trước. Một quá trình dài chúng ta đã quên đi việc giáo dục và hướng dẫn trẻ thơ về mặt đạo đức, về hành vi lối sống, và hướng dẫn về ý thức phật pháp. Chúng ta đã bỏ qua một khoảng thời gian mấy chục năm như vậy.

Giới trẻ hiện nay không ý thức gì về đạo đức, không biết hiếu thảo, không hiền ngoan, và cũng chưa bao giờ biết tội phước là gì. Chúng cũng chưa bao giờ biết đền chùa là gì. Trong lòng hoàn toàn không có. Lớn lên sống theo bản năng, trong khi xã hội tận dụng hết mức sự tiêu xài của giới trẻ, bằng cách bày ra những việc ăn chơi thu hút giới trẻ, để người ta có thu hoạch tiền từ những giới trẻ chịu chơi. Những người bày ra sự ăn chơi để có lợi từ sự tiêu thụ ăn chơi đó, thì họ quan tâm gì đến vấn đề dạy đạo đức cho giới trẻ? Không những thế mà họ còn khuyến khích chúng bằng cách gieo trong lòng chúng những ảo tưởng về sự ăn chơi hưởng thụ đó: “Mày chơi như vầy mới là anh chị, chơi như vậy mới là thứ thiệt, là đại gia”, v.v… Giới trẻ với những đầu óc non nớt như những tờ giấy trắng, khi bị gieo vào đầu những hạt giống của sự đề cao một cách ảo tưởng rồi lao vào hưởng thụ, ăn chơi một cách quên mình,… Ở độ tuổi ăn học, nhưng vì lòng tham muốn hưởng thụ quá lớn, lại không có tiền sẽ dẫn đến sự đua đòi và nghĩ đến mưu sâu kế độc làm sao để có tiền để ăn chơi. Và một phần ảnh hưởng không nhỏ của phim ảnh, những bộ phim mang tính chất bạo lực, đánh giết, và tác động xã hội, dẫn đến sự thiếu kiềm chế, các em đã có những hành động vi phạm pháp luật.

Có nhiều trường hợp những người tốt nghiệp đại học nhưng lại rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm luật hình sự. Tại sao vậy? Vì cho một đứa con học nhưng không có nghĩa là chúng biết đạo đức để nên người. Nhà trường dạy kiến thức nhưng quên đi dạy đạo đức sẽ tạo ra thế hệ những người có kiến thức nhưng không có đạo đức, và vì thế cũng chưa chắc có thể làm điều hữu ích cho xã hội. Người xưa đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Một kẻ có tài mà không có đức sẽ nguy hiểm cho gia đình và xã hội. Nếu người có tài mà vô đức, họ có thể nghĩ một hành động có thể hại rất nhiều người chứ không phải chuyện bình thường.

HT. Thích Thanh Từ khi giảng ở Singapore, ngài có nói: “Khoa học phát triển mà không kèm với đạo đức phát triển là nỗi đau cho nhân loại.” Đây là những câu của bậc đạo cao đức trọng mà chúng ta cần phải nằm lòng. Chúng ta cho con em có cái ăn cái mặc, mà đạo đức lại không có, không biết trách nhiệm, lương tâm cũng không thì sẽ như thế nào?

Chúng ta đừng có trách ai cả, đó là do cả 1 quá trình dài trong vấn đề hướng dẫn về giáo dục, về đạo đức và nhiều thứ. Chúng ta đã xem nhẹ và bây giờ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc này. Bây giờ, chúng ta cải thiện lại cũng chưa muộn, bắt đầu từ những lớp trẻ 5, 10 tuổi, hãy hướng con em chúng ta đến chùa hay là dạy về đạo đức, dạy về lễ giáo. Ngoài việc cho con cái ăn, cái mặc, nuôi lớn cái thân, rồi phải nuôi lớn cái đầu nữa, chứ nuôi thân mà không nuôi cái đầu thì chỉ lớn con, nguy hiểm.

Giáo dục đạo đức ở giới trẻ là việc cấp bách hiện nay

Cho nên, việc hướng dẫn giáo dục những thế hệ tương lai là trách nhiệm của những người đi trước. Đừng bao giờ để nước tới chân rồi mới nhảy. Trong xã hội hiện tại, khi giới trẻ đã rơi vào sai lầm quá nhiều rồi thì trách cứ nó cái gì? Đó là kết quả của một quá trình dài bị bỏ quên trong việc hướng dẫn đạo đức. Có câu: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Trước trách mình sau rồi hãy trách người. Và mỗi hành động sai lầm của giới trẻ, người lớn và thế hệ trước phải tự trách mình đã quên đi vấn đề dạy dỗ đạo đức.

Giáo dục đạo đức ở giới trẻ là việc cấp bách hiện nay

Giáo dục trẻ thơ là vô cùng quan trọng vì đó là thế hệ rường cột ở tương lai, nền tảng của gia đình và đất nước. Không thể tạo một giới trẻ thiếu đạo đức và bệnh hoạn về tinh thần như vậy. Một giới trẻ không có đạo đức, yếu đuối, hèn nhát, chỉ biết ăn chơi và hưởng thụ như vậy vô cùng nguy hiểm. Chúng ta cần phải nhận ra tầm quan trọng và đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ ngay từ bây giờ.

Bài viết được biên tập dựa trên
pháp thoại “Trước Tự Trách Mình
của Thầy Thích Phước Tiến