Hạnh phúc của

Đức Phật dạy tất cả chúng sanh phải chịu luân hồi sanh tử, và khổ đau. Những quả đắng mà ta thọ nhận đều là do chính mình gây tạo chứ không do một lực lượng thần thánh, siêu nhiên. Một trong những nguyên nhân làm ta đau khổ là do chấp “Ngã” quá nặng, có nghĩa là khởi sự phân biệt ta và người, chấp cái của ta và của người. Bởi chấp thân này là của ta nên làm mọi thứ để thỏa mãn nó. Vì chấp gia đình này của ta, nên đem cả cuộc đời này, làm tất cả việc không màng thiện ác để xây dựng và bảo vệ nó. Lớn hơn, vì chấp đất nước này của ta, nên chiến tranh xảy ra, chúng sanh phải chịu cảnh máu chảy đầu rơi. Vì chấp tôn giáo này của ta nên xảy ra việc kỳ thị đàn áp tôn giáo khác.. .v…v…

Mỗi con người là một tiểu vũ trụ với muôn ngàn cái ta trong đó, người đàn ông có cái “Ta” của đàn ông, Phụ nữ có cái “Tôi” riêng của phụ nữ. Vậy khi hai cái “Ta” và cái “Tôi” đó kết hợp nhau rồi mọi người chúc mừng nhau “ Trăm năm hạnh phúc”. Bài viết hôm nay, chúng tôi muốn nói đến đời sống vợ chồng với 2 bản ngã gặp nhau.

Khi bạn trai, bạn gái đến tuổi trưởng thành, trong trái tim tràn dâng sự khao khát và cảm giác cô đơn, bởi vì trái tim mình chỉ có một nửa. Ta ngơ ngác đi tìm:

Mình ơi, mình ở nơi đâu
Để ta tìm bạc mái đầu chưa ra ?
Mình là nửa trái tim ta
Nửa nguồn hạnh phúc, nửa nhà yên vui

(Gọi tên một nửa – Minh Hằng)

 Rồi xây dựng một tòa lầu đài ảo ảnh thật đẹp, đầy hoa thơm cỏ lạ … khi ta tìm được một nửa trái tim.

Khi em nghĩ về anh
Mọi thứ như ngừng lại
Mây ngừng bay mê mải
Hoa ngừng nở ngát hương

Rồi vào một ngày thiêng liêng trọng đại, một đám cưới lình đình được diễn ra, cùng với trăm ngàn lời chúc phúc. Nhưng khi đã là của nhau rồi, thì lại thốt lên rằng :

Một kiếp người trôi qua trong mộng tưởng
ảo ảnh nào thành sự thực đâu em ?
anh vẫn tin hay anh vẫn luôn thèm
chuyện cổ tích tình yêu trong trần thế

                  ***

Một ngày nào đó ta nhìn lại bản thân
Sao thấy ngây thơ, vụng dại quá
Thấy vụt mất bao nhiêu điều tốt đẹp
Giữ cho mình toàn nỗi truân chuyên

Tại làm sao như thế, chúng ta lắng đọng nhìn lại một chút sẽ thấy rõ nguyên nhân từ đâu. Khi họ về với nhau ngoài mang một ít của hồi môn cha mẹ cho, họ còn mang theo cả một kho tàng lớn về cái “ Ta” và “ Tôi” về với nhau. Nào là cá tánh của tôi, sở thích của tôi, quan điểm sống của ta, thói quen của ta, cha mẹ của tôi… và những cái tôi ẩn chứa trong sâu thẳm không nhìn thấy được.

Chúng ta thử nhắm mắt lại tưởng tượng xem mỗi người là một cỗ máy, những cái “Tôi” đó là những chiếc răng chỉa ra để bảo vệ mình. Khi hai cỗ máy đó sáp lại với nhau vận hành trái ngược nhau, thì điều gì sẽ xảy ra… những tiếng va chạm chát chúa, giằn co ma sát với nhau… tạo ra những cảnh tượng thật kinh hồn. Chỉ một chút khác nhau về quan niệm sống dẫn đến những cuộc cãi vả, chỉ vì lỡ lời xúc phạm đến cha mẹ mình mà cắn xé nhau kẻ u đầu người mẻ tráng, thốt những lời cay đắng tổn thương nhau.

Nếu người có phước biết được chút ít đạo lý, lấy hạnh nhẫn nhục làm đệm lót để giảm bớt những đau xót khi va chạm nhau.

Lấy hạnh buông xả làm chất bôi trơn hạn chế những va đập không nên có, lấy tâm từ bi làm nước mát xoa dịu sân hận đang bùng cháy.

Lấy lí vô thường làm lực đẩy lùi, để giảm bớt những cú đâm ngang xỏ dọc. Đời người như sương trên lá, sáng còn tối mất có gì đâu mà hỗn chiến với nhau, rồi kẻ đau người khổ.

Lấy lý nhân quả làm tường ngăn cách, để bảo vệ mình và người không bị tổn thương, để khỏi nợ oan khiên theo báo trả nhau đời này và kiếp mai hậu.

Còn nếu vô phúc, cả cuộc đời chỉ sống theo bản năng, không nghe được một câu đạo nghĩa, không thấm được chút nào lời dạy của Thánh Hiền. Thì khi lao vào nhau thỏa mãn chút nhục dục rồi, cắn xé nhau, xát muối vào lòng nhau thương tổn, lấy a xít tạc vào nhau bằng những lời nói cay độc, bằng những trận đòn làm cho thân tàn, tâm nát. Rồi cùng nhau tạo lập ra địa ngục trần gian.

Trong tủi hờn, trong khổ đau họ nhận biết mình sanh ra không phải là cho nhau hạnh phúc, tìm đủ mọi cách để thoát ra nhưng không được bởi một lực hút phi thường của nghiệp nhân trong quá khứ họ đã nợ nhau, đã gây oan trái cho nhau, nên kiếp này phải lao vào nhau trả nợ … rồi tạo nghiệp. Cứ thế, họ trôi lăn mãi trong biển ái, sông nghiệp mà không cách nào thoát ra được.

Vậy cái hạnh phúc mà con người ca tụng với nhau, chúc nhau trăm tuổi bạc đầu thật sự là cái hạnh phúc như thế nào ?

Có một Phật tử đến lạy và nói với một vị hòa thượng rằng :

– Xin Hòa Thượng cầu phúc cho đệ tử có một đứa con

– H.T trả lời : Con không nghe ông bà ta dạy “Con là nợ vợ là oan gia” sao ?

– Dạ con biết ạ! Người Phật tử trả lời.

– Thế thì sao muốn cầu có con.

– Dạ ! nhưng khi có con, nhìn con lớn từng ngày, con thấy hạnh phúc lắm ạ.

Đây rồi cái hạnh phúc mà con người đang tìm đó là lấy khổ làm vui, lấy sự tạm dừng đau khổ trong chốc lát cho là hạnh phúc của đời người. Vì thế Đức Thế Tôn dạy:

“Vui trong tham dục vui rồi khổ
Khổ để tu hành khổ hóa vui”

Dẫu biết rằng : “yêu là khổ , mà không yêu thì lỗ”, Phật dạy : “ Ái bất nhiễm, bất sanh ta bà” Nghĩa là con người có mặt trong cuộc đời này là do tham ái mà sanh. Chúng ta nhiều đời nhiều kiếp trồng cây tham ái, gốc rễ bám sâu thì không thể cắt đoạn được trong một sớm một chiều được. Thế nên chúng ta hãy cùng nhau tu theo lời Phật dạy, xả bỏ bớt tham chấp, đừng sống ích kỷ vì bản thân mình không mà hay quan tâm đến người xung quanh. Đừng ôm lấy nhau, siết chặt nhau đến kẻ sống người chết mà hay cùng nhau nhìn về một hướng tốt đẹp, lấy lời Phật dạy làm đất trồng cây hạnh phúc.

Theo Phật Pháp Ứng Dụng