Hôn Nhân Hạnh Phúc (A Happy Married Life)
Hòa thượng Sri K. Dhammananda – Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt

  [Phần III]

-oOo-

8. KỸ THUẬT MỚI

Kế hoạch hóa gia đình

Một số tôn giáo không tán thành về việc kế hoạch hóa gia đình. Họ nói rằng nó chống lại ý Chúa. Ðạo Phật không can thiệp vào sự chọn lựa cá nhân này. Con người được tự do để theo đuổi bất cứ phương pháp nào để phòng ngừa sự thụ thai. Theo Phật giáo những điều kiện tinh thần hay vật chất cần phải được thực hiện khi sự thụ thai xảy ra. Khi bất cứ một trong những tình trạng này thiếu đi (giống như khi kế hoạch gia đình đang được thực hiện) không có một sự thụ thai xảy ra, do đó không có một cuộc sống hình thành, nhưng sau khi thụ thai, phá thai thì không được chấp nhận trong Phật giáo bởi vì nó có nghĩa là lấy đi một mạng sống của con người mà nó đã hiện diện trong hình thức bào thai.

Thụ thai bằng ống nghiệm.

Một số người quan tâm đến sự liên quan về đạo đức và thái độ tôn giáo đối với những trẻ em được thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu một người phụ nữ không có khả năng sinh con một cách bình thường và nếu bà ta khát khao để có một đứa con bằng cách chấp nhận những phương pháp y học hiện đại thì không có một cơ sở nào trong Phật giáo nói rằng là vô đạo đức hoặc vô thần. Các tôn giáo phải đưa ra lời khen ngợi đối với sự thông minh của con người và những khám phá y học mới mẻ này, nếu chúng vô hại và có lợi ích cho nhân loại như đã đề cập trước đây, miễn là những điều kiện hợp lý, sự thụ thai có thể cho phép diễn ra theo tự nhiên hoặc nhân tạo.

[^]

9. GIỚI LUẬT – ÐẠO ÐỨC

Tình dục trước hôn nhân

Tình dục trước hôn nhân là một vấn đề đang được tranh cãi nhiều ở xã hội ngày nay. Nhiều lớp trẻ muốn biết quan điểm về vấn đề nhạy cảm này. Một số nhà tôn giáo nói rằng sự việc trên có thể được xem như là can dự vào tội ngoại tình, trong lúc những tôn giáo khác nói điều này vô đạo đức và không thể biện minh được.

Ngày xưa những thanh niên và thiếu nữ không được phép ở gần nhau cho tới khi họ lập gia đình. Những cuộc hôn nhân của họ cũng được bố mẹ định đoạt và tổ chức. Lẽ dĩ nhiên điều này đã tạo nên một sự bất hạnh trong một vài trường hợp khi bố mẹ chọn người phối ngẫu dựa trên cơ bản tiền bạc, địa vị xã hội, bổn phận gia đình và những vấn đề liên quan. Nhưng thông thường, đại đa số bố mẹ đã cố gắng hết sức để chọn lựa những người phối ngẫu mà sẽ được con cái họ chấp nhận.

Ngày nay, giới trẻ được tự do đi ra ngoài và tìm kiếm người phối ngẫu của mình. Họ có nhiều tự do và độc lập trong cuộc sống. Bản thân điều này không phải là một sự việc tồi tệ, nhưng một số người còn quá trẻ và quá non nớt để nhận biết sự khác biệt giữa sự lôi cuốn tình dục và sự tương ứng đích thực vì thế cho nên vấn đề tình dục trước hôn nhân phát sinh.

Có quá nhiều sự lỏng lẻo trong những vấn đề liên quan đến tình dục cũng đã tạo nên những vấn đề trong xã hội hiện đại. Ðiều đáng buồn là một số quốc gia không thể hiện được thái độ phóng khoáng đối với những cuộc hôn nhân không giá thú, những đứa con vô thừa nhận và những người ly dị, trong khi đó họ hoàn toàn để tự do về tình dục. Do kết quả đó, lớp trẻ đang bị trừng phạt bởi xã hội cổ vũ sự tự do tình dục. Họ trở thành những kẻ bị ruồng bỏ khỏi xã hội và phải đau khổ nhiều về sự xấu hổ và bị nhục nhã. Nhiều thiếu nữ đã trở thành nạn nhân về sự tự do của mình và đã hủy hoại tương lai của họ bởi sự vi phạm những truyền thống cổ vừa có giá trị ở phương Ðông cũng như phương Tây.

Tình dục trước hôn nhân là một sự phát triển hiện đại đã xảy ra như là một kết quả của xã hội tự do quá mức đang thịnh hành giữa lớp trẻ ngày nay. Trong lúc đó Phật giáo hoàn toàn không có một quan điểm mạnh mẽ cũng như chống lại những hành động như thế, người ta nghĩ rằng tất cả các phật tử đặc biệt là người của cả hai giới đang yêu thương và dự định sẽ kết hôn, nên làm theo quan điểm truyền thống xa xưa mà họ gìn giữ sự trinh tiết cho đến ngày làm lễ cưới. Tâm của con người thì không vững chắc và thay đổi liên tục. Do đó, bất cứ hành động bất chính hoặc lố lăng nào cũng có thể gây ra sự nguy hại cho mỗi bên nếu cuộc hôn nhân chính thức không được diễn ra theo mong muốn. Chúng ta cần phải nhớ rằng bất cứ hình thức buông thả tình dục nào trước một cuộc hôn nhân chính thức đều trở thành vấn đề nghiêm trọng, sẽ bị những bậc lão thành khinh miệt, vì họ là những người bảo hộ cho lớp trẻ.

Ngoại tình

Trong giáo pháp Ðức Phật khuyên những người tại gia tránh xa hành động ngoại tình. Ðiều này có nghĩa là nếu một ai muốn hưởng thụ tình dục, họ được phép thực hiện nhưng không bạo lực chiếm đoạt, hoặc dùng bất cứ hình thức ép buộc nào, đe dọa hoặc gây sợ hãi. Một đời sống tình dục tốt đẹp là tôn trọng người khác giới, không chống lại hệ thống đức tin này, nó chấp nhận sự kiện này là điều cần thiết cho những ai chưa sẵn sàng từ bỏ đời sống trần tục.

Theo nhà Phật, ai liên quan đến tình trạng ngoại tình với một ai đó đã kết hôn, người đã đính hôn với một người khác và với những người dưới sự giám hộ của cha mẹ hoặc người giám hộ được cho là bị kết tội ngoại tình, bởi vì hành động này tạo sự rạn nứt quy tắc của xã hội, gây nên sự đổ vỡ gia đình người khác.

Thái độ tình dục không đúng đắn

Ðức Phật cũng đề cập về những hậu quả mà một người lớn tuổi phải đối mặt nếu người ấy lập gia đình mà không quan tâm đến sự thích hợp về tuổi tác của người khác giới. Theo Ðức Phật thái độ tình dục vô ý thức có thể trở thành nguyên nhân sự sụp đổ của một người nào đó trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.

Tất cả các quốc gia trên thế giới đã có những luật lệ rõ ràng liên quan đến sự lạm dụng tình dục. Ở đây một lần nữa Ðức Phật tán thành một người phải tôn trọng, phải tuân theo luật định của đất nước nếu những luật lệ đó được thực hiện vì những lợi ích chung.

[^]

10. ÐÔNG VÀ TÂY

Phần dưới đây được trích dẫn từ một cuốn sách của một tác giả người Nhật nổi tiếng – Tiến sĩ Nikkyo Niwaro. Trong cuốn sách của ông ta có tựa đề “Một cuộc sống phong phú hơn”, Tiến sĩ Niwaro đề cập đến những vấn đề liên quan đến tình yêu và hôn nhân các quan điểm từ Ðông sang Tây.

“Ở phương Tây hôn nhân dựa trên cơ bản những tình yêu lãng mạn mà thường được người ta xem là tự nhiên, là lý tưởng. Ở Á Châu, trong những năm vừa qua, một số người trẻ tuổi đã từ bỏ những cuộc hôn nhân theo truyền thống và chọn lựa người phối ngẫu theo những quan điểm trữ tình lãng mạn và có chiều hướng đang gia tăng. Ở một số trường hợp, những cuộc hôn nhân lãng mạn dẫn đến sự chia tay và sự khổ đau trong thời gian ngắn, trong khi đó những cuộc hôn nhân được sắp xếp thường tạo nên những cặp vợ chồng sống và làm việc cùng nhau trong sự hòa thuận và hạnh phúc.

Mặc dù những cảm xúc lôi cuốn, tất cả những cuộc hôn nhân lãng mạn không thể được gọi là sự thất bại. Tình yêu lãng mạn giống như ánh lửa rực sáng của một bếp lửa bùng lên và cháy sáng nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Tình yêu thương êm đềm và đầm ấm giữa người chồng và người vợ giống như ngọn lửa ấm của lò than. Lẽ dĩ nhiên tình yêu rực cháy có thể và lý tưởng đủ để – cuối cùng trở thành một ngọn lửa lâu bền và ấm áp của một tình yêu thương chín chắn, nhưng thông thường ngọn lửa của tình yêu lãng mạn thì tàn lụi rất nhanh, không để lại một thứ gì ngoại trừ đám tro tàn, là một nền tảng tồi tệ làm sụp đổ một gia đình hoàn hảo!

“Những người trẻ tuổi khi yêu đương thường không nghĩ đến bất cứ điều gì ngoại trừ cảm xúc của họ. Họ chỉ thấy bản thân mình trong ánh sáng khoảnh khắc của tình cảm. Mọi việc họ nghĩ và làm đều lãng mạn và chỉ có một chút dựa trên những công việc thực tế của cuộc sống mà họ phải sống sau cuộc hôn nhân. Nếu những cặp tình nhân may mắn có đủ điều kiện thích hợp để có những ý tưởng tương tự hợp lý về cuộc sống, để chia sẻ những sở thích, hưởng những mối quan hệ hòa thuận của gia đình ở cả hai bên họ hàng và có sự an toàn về tài chánh ngay cả sau khi những đam mê đầu tiên đã lắng xuống, họ sẽ vẫn có một nền cơ bản cho cuộc sống tốt. Nếu họ không được may mắn lắm họ có thể đối mặt với sự thất bại trong hôn nhân”.

“Khi những thời kỳ hẹn hò, những tấm hình kỷ niệm, những buổi khiêu vũ và những buổi tiệc tùng trôi qua, những cặp vợ chồng trẻ sẽ phải sống cùng nhau, chia sẻ cơm áo và họ để lộ ra cho nhau những khuyết điểm cũng như ưu điểm. Họ sẽ phải trải qua hơn nửa cuộc đời cùng chung sống với nhau mỗi ngày; hình thức sống này tạo ra những nhu cầu khác biệt với nhu cầu đòi hỏi ít hơn của buổi hẹn hò và mối tình đầu.

“Những mối quan hệ gia đình trở nên rất quan trọng trong cuộc sống vợ chồng, những người sắp thành hôn cần suy nghĩ về những tư cách của những người làm cha làm mẹ. Những người trẻ tuổi đôi lúc nghĩ rằng sức mạnh của tình yêu sẽ giúp họ giải quyết sự tranh cãi dữ dội, những khó khăn rắc rối bên vợ hoặc chồng; những sự việc này không luôn luôn đúng như vậy. Nói tóm lại tình yêu lãng mạn là vấn đề của một thời gian có giới hạn và nó không ăn sâu vào những thực tế và phải được điều chỉnh để phù hợp với những nhu cầu của công việc và môi trường để thắt chặt tình cảm vợ chồng với nhau trong sự hôn nhân bền vững. Hai loại tình yêu khác biệt nhau. Việc nhầm lẫn cái này với cái khác chuốc lấy những rắc rối nghiêm trọng.

“Sự suy nghĩ vô tư, đúng đắn của người sắp bước vào cuộc hôn nhân giúp họ tránh nhiều sự thất bại. Ðể ngăn ngừa tình yêu lãng mạn tránh khỏi tan vở sau hôn nhân, sự hiểu biết lẫn nhau giữa cặp vợ chồng là rất thiết yếu. Nhưng tính theo phần trăm hôn nhân tốt đẹp thì những người trẻ tuổi chọn lựa một người phối ngẫu có ý kiến của cha mẹ thì tốt hơn. Ðể sống an vui, điều cần thiết là nhận biết được sự khác biệt giữa tình yêu lãng mạn và tình yêu vợ chồng.”

11. ÐỜI SỐNG ÐỘC THÂN

Sống độc thân là gì?

Sống độc thân là sự kiềm chế khoái lạc nhục dục. Một số người chỉ trích Phật giáo họ nói rằng: Giáo Pháp đi ngược lại thiên nhiên và họ cho là đời sống tình dục là tự nhiên và nó cần thiết.

Phật giáo không chống lại tình dục, nó là một khoái lạc nhục dục tự nhiên và một phần chính yếu của cuộc sống trần tục. Người ta có thể hỏi, như vậy tại sao Ðức Phật lại tán thành chủ nghĩa độc thân như là một giới luật? Có phải nó đúng luật và chống lại tạo hóa? Sự tuân thủ đời sống độc thân, cho sự phát triển tinh thần không phải là một giới luật mới của tôn giáo vào thời Ðức Phật. Tất cả những tôn giáo tồn tại những vùng ở Ấn Ðộ vào thời đó cũng đã đưa ra sự tu tập này. Thậm chí ngày nay, một số tu sĩ của các tôn giáo khác, như Ấn Giáo và Thiên chúa giáo cũng tuân giữ điều này như là một lời nguyện.

Những người Phật tử đã từ bỏ cuộc sống trần tục, nguyện tuân giữ giới luật này bởi vì họ nhận thức rõ ràng những sự ràng buộc và những phiền toái của cuộc sống của một người có gia đình. Ðời sống hôn nhân có thì ảnh hưởng hoặc làm giảm bớt sự phát triển tâm linh khi sự khao khát tình dục và sự chấp thủ chứa đầy cái tâm và những cám dỗ làm lu mờ sự an lạc và sự tinh khiết của tâm.

Ý nghĩa của sự sống độc thân.

Người ta thường hỏi “Nếu Ðức Phật không thuyết giảng chống lại cuộc sống gia đình, tại sao Ngài tán thành sự sống độc thân như là một trong những giới luật quan trọng cần tuân giữ và tại sao Ngài khuyên mọi người tránh xa tình dục và từ bỏ thế gian”.

Ta cần phải nhớ rằng, xuất gia không phải là điều bắt buộc. Phật giáo không bắt buộc mọi người phải hoàn toàn từ bỏ thế gian để tu tập Phật giáo. Bạn có thể tu sửa cách sống của mình bằng cách tu tập theo những nguyên tắc của tôn giáo phù hợp với nhu cầu đời sống tại gia. Tuy thế, khi bạn đã tiến bộ và đạt được trí tuệ cao hơn, bạn sẽ nhận thức rõ lối sống của người tại gia không thể dẫn đến sự phát triển tối cao của “phạm hạnh tâm linh” và sự thanh lọc tâm, bạn có thể chọn lựa để từ bỏ đời sống trần tục và tập trung nhiều hơn về sự phát triển tâm linh.

Ðức Phật giới thiệu nếp sống độc thân bởi vì tình dục và hôn nhân không dẫn đến sự an lạc tối cao và sự trong sạch của tâm. Sự từ bỏ (xuất gia) thật là cần thiết cho một người muốn đạt được sự phát triển tinh thần và phẩm hạnh ở mức độ cao nhất. Nhưng sự xuất gia này phải tự nguyện và không bắt buộc. Xuất gia phải đến từ một sự hiểu biết rốt ráo về bản chất của con người – bản chất không thỏa mãn những thỏa thích của cảm giác.

Nếp sống độc thân đi ngược lại trách nhiệm? – Sự giải thích của Ðức Phật

Ðức Phật đã từng trải qua cuộc sống trần tục của ngài như là hoàng tử, người chồng, người cha trước khi xuất gia và người biết rõ cuộc sống trần tục là thế nào. Nhiều người có thể đặt vấn đề về sự xuất gia của Ðức Phật bằng cách nói rằng Ngài ích kỷ và tàn ác và đây là điều không hợp lý để bỏ bê vợ con Ngài. Theo thực tế, Ðức Phật đã không bỏ bê gia đình của Ngài mà không có một ý tưởng trách nhiệm.

Ngài chưa bao giờ có sự hiểu lầm với vợ Ngài. Ngài cũng có cùng tình thương và sự gắn bó với vợ con như một người đàn ông bình thường phải có, ngay cả còn lớn lao hơn. Sự khác biệt là tình yêu thương của Ngài không đơn thuần là tình thương ích kỷ, Ngài có một sự can đảm và hiểu biết để từ bỏ tình thương ích kỷ và cảm xúc đối với đại nghĩa. Sự hy sinh của Ngài là cao quý hơn tất cả, bởi vì Ngài đặt qua một bên những nhu cầu riêng tư và khát khao để phục vụ toàn thể nhân loại.

Mục đích chính sự xuất gia của Ngài không chỉ vì hạnh phúc của riêng mình, mà là sự an lạc và cứu độ chúng sinh. Nếu Ngài vẫn ở lại trong cung điện, thì sự phục vụ của Ngài chắc hẳn sẽ đóng khung trong gia đình và vương quốc của Ngài. Cho nên Ngài quyết định từ bỏ mọi hạnh phúc cá nhân để tìm đạo Giác Ngộ và sau đó giác ngộ cho những kẻ đang sống trong màn vô minh, đau khổ.

Một trong những công việc đầu tiên của Ðức Phật là sau khi Giác Ngộ Ngài vẫn trở lại nơi cung điện để giác ngộ những thành viên trong gia đình của Ngài. Thực tế, khi con trai của Ngài (Ruhula) hỏi xin Ðức Phật tài sản, Ðức Phật đã trao cho Ruhula một tài sản cao quý nhất đó là pháp bảo. Bằng cách này, Ðức Phật đã phục vụ gia đình, và Ngài tạo cơ hội cứu độ, cho họ được an lạc và hạnh phúc. Do đó, không nên nói rằng Ðức Phật là người cha tàn ác và ích kỷ. Ngài thực sự có lòng bi mẩn và hy sinh quên mình hơn bất cứ ai trên thế gian này. Với mức độ cao cả của sự phát triển tâm linh, Ðức Phật biết rằng hạnh phúc trong hôn nhân là hạnh phúc tạm bợ trong khi Giác Ngộ chánh pháp mới là hạnh phúc trường cửu và lợi lạc quần sanh.

Một sự kiện quan trọng khác là Ðức Phật biết vợ con Ngài sẽ không chết đói khi Ngài vắng mặt. Suốt trong đời Ðức Phật điều này được xem là hết sức bình thường và vinh dự đối với một người trẻ tuổi từ bỏ cuộc sống của một người chủ gia đình, những thành viên khác của dòng tộc Ngài đã đi theo sự tin cậy của Ngài. Sau khi giác ngộ, Ngài giảng dạy cho họ những pháp mà người cha khác không thể làm được – giải thoát khỏi sự nô lệ của lòng tham ái.

[^]

12. TÓM TẮT

Hôn nhân là một sự kết hợp của hai cá nhân và sự kết hợp này được phong phú và nâng cao khi có giúp cho những tư cách liên hệ được phát triển. Nhiều cuộc hôn nhân thất bại do bởi một bên này muốn “nuốt chửng” bên kia, hoặc khi có sự đòi hỏi quá mức tự do. Theo nhà Phật, hôn nhân có nghĩa là hiểu biết và tôn trọng đức tin và sự riêng tư của nhau. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp thì luôn luôn là một con đường có hai tính cách “gồ ghề, lồi lõm”, nó khó khăn nhưng lại là một con đường luôn luôn hổ tương lẫn nhau.

Lớp trẻ ngày nay đôi lúc nghĩ rằng “những ý tưởng lỗi thời” không thích hợp với xã hội hiện đại. Họ cần phải được nhắc nhở rằng có một vài chân lý bất diệt mà không bao giờ có thể lỗi thời. Những gì là sự thật trong thời Ðức Phật vẫn còn đúng cho tới ngày nay.

Cái gọi là những ý tưởng hiện đại mà chúng ta tiếp thu qua những chương trình Ti vi hấp dẫn không tiêu biểu với phong cách mà hầu hết những người có đời sống khuôn phép, đàng hoàng nghĩ suy và cư xử. Có một “đại đa số im lặng” những cặp vợ chồng khuôn phép, mộ đạo và “bảo thủ” về hôn nhân như bất cứ cặp vợ chồng phương Ðông nào. Họ không cử xử theo tính cách mà hệ thống thông tin truyền tin đại chúng đã thể hiện. Không phải toàn bộ tất cả những người ở phương Tây chạy đua để ly dị hoặc phá thai sau lần cãi vã đầu tiên hoặc tranh chấp.

Những người tử tế khuôn thước trên khắp thế giới đều bao dung và chăm sóc quan tâm sâu sắc những người họ yêu thương. Họ hết lòng hy sinh để phát huy tình thương và hiểu biết để đảm bảo những cuộc hôn nhân hạnh phúc vững bền. Như vậy nếu bạn muốn bắt chước người phương Tây hãy bắt chước “đại đa số im lặng”: họ không khác biệt với người hàng xóm khuôn thước sống bên cạnh nhà bạn.

Những người trẻ tuổi phải lắng nghe những bậc cha anh bởi vì sự hiểu biết của lớp trẻ về đời sống hôn nhân không được chính chắn. Họ đừng nên kết luận về hôn nhân và những sự ly dị. Họ phải có nhiều sự nhẫn nhục, bao dung và hiểu biết lẫn nhau. Nếu không thì đời sống của họ có thể trở nên hết sức đau khổ và và đầy khó khăn phức tạp.Kiên nhẫn, tha thứ và hiểu biết là những nguyên tắc quan trọng cần được tuân giữ và thực hành đối với những người đã kết hôn.

Một cảm giác an toàn và thỏa mãn đến từ sự hiểu biết chín chắn đó là Bí quyết của một Ðời Sống Hôn Nhân Hạnh Phúc.

-ooOoo-

Phụ lục

1. Xã hội và đạo đức

Yếu tố quan trọng nhất của sự đổi mới trong Phật giáo là luôn có giới luật. Giới luật đó được người ta tuân giữ là một điều hoàn hảo nhất mà mọi người đã được biết đến. Về điểm này tất cả những bằng chứng từ sự thù địch và lòng bao dung cao thượng trở nên hòa hợp; những nhà triết học chắc hẳn có thể là những nhà truyền giáo, những nhà siêu hình học sâu sắc, những người tranh cãi chắc hẳn đã có một sự hiểu thấu của tình yêu như thế, nhưng ở đây chúng ta sẽ tìm thấy một tình yêu mà biết rằng không có sự phân biệt về thành phần, tín điều, hoặc màu da, một tình yêu tràn đầy khắp thế gian, đón nhận tất cả chúng sinh trong vòng tay của nó, một thứ tình yêu biểu hiện như là thông điệp của “Maitri và Ahimsa”. — (Giáo sư Max Muller, học giả Phật giáo, người Ðức)

2. Giới luật dựa trên nền tảng tự do

Giới luật Phật giáo được dựa trên sự tự do, nghĩa là thuộc về sự phát triển cá nhân. Do đó nó cân xứng. Theo thực tế, không thể có bất cứ nguyên tắc đạo đức nào nếu như có sự ép buộc hoặc sự quyết tâm từ một tác nhân bên ngoài bản thân chúng ta. — (Anagarika B. Govinda, học giả Phật giáo, người Ðức)

3. Trí tuệ và giới luật

Theo nhà Phật, gìn giữ giới luật tốt không thể thiếu trí tuệ, không có trí tuệ thực sự thì không thể nào có giới luật; cả hai đều gắn bó với nhau như sức nóng và ánh sáng của ngọn đèn. Những pháp đưa đến sự giác ngộ không chỉ đơn thuần có trí tuệ, tỉnh thức, mà còn phải có tình yêu thương nhân loại. Sự nhận thức tốt về giới luật chính là tinh hoa của “Sự Giác ngộ”. — (Tỳ Kheo Dhammapàla, nhà học giả Phật giáo người Hà Lan)

–(Hết)–