Người trẻ đi chùa, họ làm gì? Những năm gần đây, xu hướng những người trẻ thường đi chùa vào ngày lễ, hoặc ngày nghỉ, tham gia các sinh hoạt tại chùa…không còn trở nên xa lạ.

Nhớ những ngày trước, khi chúng tôi – những sinh viên đi chùa, rất nhiều người vô cùng ngạc nhiên mà hỏi rằng: Tại sao còn trẻ mà đã đi chùa?  Sao trẻ mà đã ăn chay rồi lấy chồng lấy vợ làm sao?…

Khi người trẻ đi chùa

Mãi đến sau này, khi rất nhiều chùa đã tổ chức những khóa tu đặc biệt dành cho các bạn trẻ, nhất là đối tượng học sinh sinh viên, cùng với sự lan tỏa của truyền thông, nhờ thế mà việc các bác các cô thấy những người trẻ thường đi chùa…bỗng trở nên gần gũi.

Sáng chủ nhật, nếu đi ra phố từ lúc còn sớm, chúng ta dễ dàng nhận ra những bóng áo nâu, áo lam với khuôn mặt hoan hỷ cùng đi đến chùa dự khóa tu. Người ta sẽ cảm thấy đạo tràng mình càng ngày “càng trẻ hóa” nhờ số lượng thành viên là các bạn trẻ tham dự.

Nhưng người trẻ đi chùa, ngoài những bạn đã hiểu đạo, còn phần nhiều là những người sơ cơ, có khi chưa hiểu gì nhiều. Thế nên, bước chân vào chùa, cũng cần phải học chữ “nhập gia tùy tục”.

Trang phục

Chùa chiền là nơi linh thiêng, là biểu tượng tâm linh văn hóa. Nơi nào xuất hiện chùa, thờ Phật, có người tu hành, là nơi đó có chư thiên long thần hộ pháp. Chúng ta không ngạc nhiên khi đến đất nước Campuchia, bất kể ai đến viếng đền chùa đều có biển hướng dẫn về việc mặc trang phục. Cho dù là du khách phương nào đến, muốn tham quan đền chùa đều phải mặc trang phục thể hiện sự kín đáo, trang nghiêm.

Khi người trẻ đi chùa

Áo vạt thò màu lam và màu nâu – hình minh họa

Phật giáo Việt Nam theo phái Bắc tông với trang phục chính là màu nâu. Cách đây mấy chục năm từ Huế trở vào Cà Mau xuất hiện thêm màu lam. Hai màu lam và nâu đã trở thành màu đặc trưng cho Phật giáo, ngoài các màu hoại sắc như vàng, hoặc nâu đỏ.

Đối với người trẻ, tốt nhất khi đến chùa chiền cần chọn cho mình những trang phục kín đáo,  màu sắc nhã nhặn. Nếu bạn nào đã là Phật tử có thể mặc bộ đồ màu nâu, màu lam như kiểu vạt thò, la hán, lãnh tụ…Khi lễ Phật trong chánh điện thì nên mặc áo tràng. Cần tránh nhất là việc mặc những loại quần áo sặc sỡ, hở hang, váy ngắn. Đi chùa là thể hiện tâm chân thành, nhưng chính việc chọn trang phục phù hợp với nơi mình đến là biểu hiện bên ngoài của tâm chân thành.

Đốt nhang

Nhang là biểu trưng cho sự kết nối tâm mình với tâm Phật. Hầu như chúng ta đi chùa ai cũng muốn đốt nhang, thậm chí phải chọn cây nhang to, bó nhang lớn để cắm tất cả các nơi với suy nghĩ như vậy mới biểu lộ được lòng thành của mình. Thực tế, “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, nhang chỉ là biểu pháp. Tâm tâm niệm Phật, nhớ Phật, làm theo lời Phật dạy, đó mới là tâm chân thành nhất.  Nếu trong chùa thầy đã đốt nhang, chúng ta không cần thiết phải đốt thêm nhang. Hoặc cùng lắm là nên dùng một cây nhang cắm vào lư hương trước chánh điện là đủ. Hiện nay, nhang chủ yếu làm từ hóa chất để tạo mùi hương. Đốt nhang nhiều không những là thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến môi trường không khí, cảnh quan thanh tịnh của tự viện.

Khi người trẻ đi chùa

Chúng ta thường hay bắt gặp cảnh người vừa cắm nhang liền sau đó phải có người đi nhấc lên để đem ra chỗ khác bỏ. Thậm chí có người còn cắm nhang cả vào gốc cây, chậu cảnh.

Khi đốt nhang xong rồi, còn vỏ bao đựng nhang chúng ta nên bỏ vào thùng rác.  Ngược lại, một bên làm phước, một bên xả phước, cũng giống như người xưa hay nói “Một tay quét nhà một tay xả rác” vậy.

Cúng dường

Có nhiều bạn trẻ quan niệm rằng đến chùa không ít thì nhiều cũng nên bỏ vào thùng công đức phước điền một ít tiền. Nên có khi bạn bè rủ đi chùa thì ngại vì trong túi không có tiền. Nhiều nơi, có người còn đổi từ tiền chẵn sang tiền lẻ, rồi tới mỗi chỗ thờ Phật kẹp vào một vài tờ tiền, như vậy mới an tâm…

Khi người trẻ đi chùa

Đến chùa, nếu muốn cúng dường, tốt nhất chúng ta nên bỏ vào thùng phước điền, hoặc đưa cho vị tri sự trong chùa. Nhưng không phải đi đến chùa là phải có tiền mới đi. Cánh cửa Phật môn luôn rộng mở cho những ai muốn đến, nếu có điều kiện, chúng ta cúng dường tịnh tài. Song việc cúng dường phải với tâm thanh tịnh, không cầu phước báu, không cầu được mất…đó mới là chân cúng dường.

Nghe pháp

Khi người trẻ đi chùa

Ngoại trừ những dịp đi chùa theo kiểu hành hương hoặc là chỉ lên chùa theo sự rủ rê, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đến chùa để học giáo lý, học Phật pháp. Nói theo lời Thượng Tọa Thích Nhật Từ thì:

“Thứ nhất, đến chùa không chỉ đơn thuần lạy Phật cầu nguyện vì đây là phần tín ngưỡng mà các tôn giáo đều có, đạo Phật vượt lên trên các loại tín ngưỡng thông thường vì đạo Phật đi vào chiều sâu minh triết. Vì thế các bạn nên có mặt và tham dự vào những buổi thuyết giảng, thường vào ngày 14 và cuối tháng âm lịch hoặc buổi tối ở các chùa hoặc vào Chủ nhật ở một số ngôi chùa có giảng đường. Việc tham dự vào các buổi học về minh triết Phật giáo sẽ giúp giới trẻ có được một nhân sinh quan, một thế giới quan, một tư duy đúng đắn, một lối hành xử tích cực, giá trị minh triết sẽ hướng dẫn và giúp định hướng cuộc đời của giới trẻ một cách tốt đẹp hơn.

Thứ hai, tại các chùa không chỉ là trung tâm tâm linh mà còn là trung tâm văn hóa và giáo dục, các lễ hội văn hóa Phật giáo thường xuyên được diễn ra, giới trẻ cần xem biết các thông báo của các chùa về các chương trình để chúng ta dự phần vào, có được như thế thì các hoạt động văn hóa và tâm linh sẽ được tốt đẹp.

Thay lời kết

Thứ ba, là giới trẻ khi đi chùa nên cố gắng, người nam thì dẫn thêm bạn nữ của mình, bạn nữ thì dẫn thêm bạn trai, vợ chồng đi cùng nhau để sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh được chia đều, được hưởng đều. Do đó đời sống nhận thức và lối sống ứng xử hai bên sẽ tương thích với nhau mà theo Đức Phật đó là một trong những điều kiện để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình”.

Trên đây là đôi dòng gửi gắm đến những bạn trẻ thường hay đi chùa. Là một lời chân thành với tâm nguyện mong càng ngày có càng nhiều bạn trẻ biết đến Phật pháp, và cũng vì vậy mà Phật môn thành nơi văn hóa trang nghiêm, thanh tịnh, gần gũi với rộng rãi các bạn trẻ.

Sen Sen

Theo Phật Pháp Ứng Dụng