Những lời nói giả dối là một hiện tượng rất thông thường và quen thuộc trong xã hội hiện đại, cho đến nỗi có nhiều người tin rằng không thể nào có được một thế giới hoàn toàn trống vắng các lời giả dối này. Có lẽ chúng ta cũng nên suy ngẫm những lời Đức Phật dạy cho ngài Sa-di La-hầu-la, con trai của Đức Bồ-tát, về đức hạnh không nói dối, về những tai hại của sự nói dối, và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thường xuyên tư duy về những hành động của mình, như đã ghi lại trong bài kinh “Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-ba-la“, Trung Bộ 61, mà chúng tôi xin trích lược dưới đây.
Một thời, Đức Thế Tôn trú ở khu vườn Trúc, thành Vương-xá. Lúc bấy giờ, Sa-di La-hầu-la, bảy tuổi, trú ở khu rừng Am-ba-la kế cạnh. Vào một buổi chiều, Thế Tôn đi đến thăm Sa-di La-hầu-la. Tôn giả La-hầu-la thấy Thế Tôn từ xa đi đến, liền sửa soạn chỗ ngồi và nước rửa chân. Khi Sa-di La-hầu-la bưng chậu nước đến cho Đức Phật rửa chân, Ngài đã dùng ví dụ chậu nước để dạy Sa-di.
Trước hết Ngài chừa lại một ít nước trong chậu, chỉ cho La-hầu-la và nói: “Hạnh tu của kẻ cố ý nói dối mà không biết hổ thẹn cũng ít ỏi như vậy.”
Đức Phật đổ hắt chút nước đó và nói: “Hạnh tu của kẻ cố ý nói dối mà không biết hổ thẹn cũng đáng đổ đi như vậy.“
Rồi Ngài lật úp chậu, và nói: “Hạnh tu của kẻ cố ý nói dối mà không biết hổ thẹn cũng bị lật úp như vậy.”
Cuối cùng, Ngài lật ngửa chậu, chỉ cho La-hầu-la thấy chậu trống rỗng và nói: “Hạnh tu của kẻ cố ý nói dối mà không biết hổ thẹn cũng trống rỗng như vậy.“
Ngài nói tiếp:
“Như con voi của hoàng gia lúc lâm trận, khi nó liều lĩnh thí mạng, không còn biết quý trọng bảo vệ cặp ngà và cái vòi của nó, thì không có gì mà nó không dám làm. Cũng vậy, kẻ nào cố ý nói dối mà không biết hổ thẹn thì không có điều ác nào mà kẻ ấy không dám làm. Do vậy, Sư cần phải luôn tự nhắc nhở: Tôi sẽ không nói dối, dù chỉ nói để đùa chơi.”
Sau đó, Đức Phật dùng ví dụ tấm gương để dạy Sa-di La-hầu-la không những phải biết giữ gìn lời nói, mà còn phải biết giữ gìn các hành động và tư tưởng. Ngài dạy:
“Cũng như tấm gương dùng để phản chiếu, người tu hành cũng phải luôn luôn phản tỉnh trong mọi hành động nơi thân, mọi lời nói nơi miệng, mọi ý nghĩ trong tâm.
“Khi Sư sắp sửa làm điều gì, phải biết tự phản tỉnh: điều này có hại mình, hại người, hại cả hai? Nếu có, thì tránh, không làm điều đó. Nếu điều đó đưa đến lợi lạc cho mình, cho người, cho cả hai, thì tiến hành.
“Khi Sư đang làm điều gì, phải biết tự phản tỉnh: điều này có hại mình, hại người, hại cả hai? Nếu có, thì ngưng làm điều đó. Nếu điều đó đưa đến lợi lạc cho mình, cho người, cho cả hai, thì tiếp tục.
“Khi Sư đã làm điều gì, phải biết tự phản tỉnh: điều này có hại mình, hại người, hại cả hai? Nếu có, thì Sư cần phải thưa lên, cần phải trình bày trước các vị đạo sư, hay trước các vị đồng phạm hạnh. Sau khi đã tỏ lộ, trình bày, Sư cần phải sám hối và phòng hộ trong tương lai. Nếu điều đó đưa đến lợi lạc cho mình, cho người, cho cả hai, Sư phải an trú trong niềm hoan hỷ, và tiếp tục tu học trong các thiện pháp.
“Cũng vậy cho các lời nói và ý nghĩ. Nếu chúng đưa đến các hậu quả tai hại thì Sư phải biết tránh, không thực hiện. Nếu đã lỡ thực hiện rồi thì phải biết sám hối để chừa bỏ. Nhưng nếu chúng đưa đến kết quả lợi lạc thiện lành thì hãy hoan hỷ tiếp tục thực hiện và tăng trưởng các điều ấy. Ðó là đường lối phản tỉnh, phương cách huân tập của mọi người tu trong thời quá khứ cũng như trong hiện tại và tương lai, để làm thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý.”
Sau khi nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng như vậy, tôn giả La-hầu-la rất hoan hỷ, thành tâm ghi nhận lời dạy của Ngài.
Source: http://phatgiaoaluoi.com/