Dzigar Kongtrul Rinpoche sinh ra ở miền Bắc Ấn Độ, nhưng hiện sống ở miền Nam Colorado, Hoa Kỳ. Ông là sáng lập viên của Mangala Shri Bhuti, tổ chức chuyên nghiên cứu và thực hành giáo lý của dòng truyền thừa Longchen Nyingthik thuộc Phật giáo Tây Tạng.
Biết nhìn nhận thực tại
Ngày nay, những người ở độ tuổi bảy mươi vẫn thấy mình còn thời giờ để tiêu pha. Tôi không biết do đâu mà họ được vậy. Có lẽ vì trong các xã hội tân tiến, người ta sống khỏe hơn, luôn hoạt động và di chuyển nhiều hơn, nhờ thực phẩm tốt hơn, có nhiều thuốc bổ và nhiều phương pháp chữa bệnh hơn. Người già cũng có nhiều thứ để giải trí, để bận rộn hơn như: các tour du thuyền, các hội thảo và nhiều loại hoạt động thể lực khác. Bạn sẽ nghe họ nói, “Những người bốn mươi là người ba mươi mới, và những người năm mươi là bốn mươi mới…”. Ai cũng cố gắng để giữ được sự trẻ trung hay cái nhìn trẻ trung. Cách suy nghĩ này đã thay đổi quan điểm và cách chúng ta liên tưởng đến tuổi già.
Khi tôi mới đến phương Tây, phần đông đệ tử của tôi đều khá trẻ, chỉ trừ một nhóm phụ nữ rất chí thành ở độ tuổi bốn mươi hay lớn hơn. Họ lập nhóm để học pháp, mà họ vui vẻ gọi nhau là nhóm Các bà lão. Khi tôi hỏi một đệ tử khác, trong độ tuổi bảy mươi, có muốn gia nhập với nhóm Các bà lão không, thì người này nổi giận. Con người thường như thế, tưởng là mọi thứ đều vĩnh viễn.
Trong các nền văn hóa truyền thống, bảy mươi đã coi là già, và người ta không có vấn đề gì khi nói lên điều đó. Các nền văn hóa này xem tuổi già là lúc để ta sửa soạn cho cái chết. Nhiều người thời tuổi trẻ có những hành động ngông cuồng, bất thiện thường bắt đầu chỉnh sửa lại, và hướng đến việc thực hành tâm linh lúc tuổi xế chiều. Thay vì tiếp tục làm điều bất thiện, họ dốc hết những năm tháng còn lại trong đời để đọc kinh, lễ sám. Tôi thấy những điều này thường xảy ra, ngay nơi bản thân tôi.
Ở Tây Tạng, khi cha mẹ già đi, con cái sẽ nói, “Cha/mẹ già rồi, hãy lo trì tụng kinh kệ, đi chùa chiền!”. Điều này có hai lợi thế: con cái biết làm thế thì cha mẹ khỏi vướng bận họ, nhưng đó cũng là do áp lực của xã hội thúc đẩy người ta chuẩn bị cho cái chết. Khi người già chuẩn bị cho điều đó; nó giúp họ ở tư thế sẵn sàng.
Biết nhìn nhận thực tại tốt hơn là bắt nó phải theo ý mình. Biết chăm sóc thân là điều khôn ngoan; ta không muốn già, không muốn bất lực trước tuổi. Ta không muốn đánh mất lòng tin yêu cuộc sống, sự nhiệt tâm. Nhưng chăm chú lo kéo dài cuộc sống hơn là chấp nhận cái chết là vô vọng. Tuổi trẻ chóng qua, rồi đến tuổi trung niên, rồi tuổi già. Tóm gọn lại là thế. Rinpoche Patrul khuyên ta nhìn sự xoay vần của cuộc sống như thời gian của một ngày: trẻ con ở buổi bình minh, tuổi mới lớn là những giờ phút của buổi sáng, trưởng thành buổi trưa, và già nua buổi hoàng hôn. Nếu bạn muốn chuẩn bị tâm thức cho cái chết, thì việc quán sát thời gian là điều nên làm.
Lập thời dụng biểu
Bản tính tôi không phải là người có óc tổ chức, nhưng mấy năm trước đây tôi nhận thấy nếu tôi không biết làm chủ thời gian, thì nó sẽ làm chủ tôi. Vì thế, giờ tôi làm đầy thời gian biểu của mình với càng nhiều pháp hành càng tốt. Tôi lên kế hoạch cho cả năm – điền đầy cả cuốn lịch với quyết tâm, rồi tôi thực hành theo đó. Tôi biết mình có tất cả bao nhiêu giờ trong ngày và tôi dành thời gian để làm các việc đó. Tôi nhận định, đây là cuộc đời tôi, nếu tôi không làm chủ nó thì ai sẽ làm đây. Tôi thấy mình suy nghĩ nhiều về thời gian, quán sát mình còn bao nhiêu thời gian và mình muốn làm gì với chúng.
Thực tế ra mà nói, ta chỉ có hai mươi bốn giờ một ngày. Vậy ta muốn dùng chúng vào việc gì? Ta cần thời gian để ngủ. Nhưng thực sự ta cần ngủ bao nhiêu tiếng? Bảy hay tám tiếng không thích hợp với ta rồi, trừ khi ta đang ở tuổi mới lớn. Đa số đều có việc làm. Ta thường phải làm cơ bản tám, chín tiếng một ngày. Vậy là ta chỉ còn lại bảy hay tám giờ. Nhưng rồi ta còn những bổn phận đối với gia đình, ta cần dành thời gian với họ. Như thế với thời gian còn lại, ta làm thế nào để tu tập trong đời sống?
Tôi là người thuộc về đêm, nên tôi hành thiền vào đêm khuya. Có người lại thích bắt đầu trước bình minh. Đó là những giờ yên tĩnh – những giờ dễ tu tập – vì người khác đang yên giấc hay có thể cũng đang tu tập. Đôi khi thực hành vào ban đêm tôi cũng cảm thấy buồn ngủ, nhưng qua giai đoạn đó, tôi tìm được nguồn năng lực mới giúp tôi hoàn tất được việc thực hành của mình. Bất cứ điều gì có thể giúp ta tập trung sẽ tạo năng lực, đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của ta. Trước đây tôi thường bị mất ngủ, nhưng giờ khi đã có thời gian thực hành thường xuyên, tôi thường có giấc ngủ sâu.
Thiết lập mục tiêu rõ ràng
Nếu ta có nguyện vọng thực hành, ta cần thiết lập mục tiêu rõ ràng để thực hiện điều đó. Tâm lưỡng lự không giúp gì cho ta. Ở Tây Tạng có câu nói: Yi nyi te tsom. Yi nyi, có nghĩa là khi ta có hai tâm, sẽ có sự mâu thuẫn trong lựa chọn. Ta sẽ không chắc chắn nên phải làm gì. Ta có thể muốn tu tập nhưng không đủ ý chí để thực hiện điều đó.
Nhiều người muốn tu tập mà không tìm ra thời gian. Điều đó ảnh hưởng đến lòng tự trọng của họ. Trong trường hợp đó, ta cần tự hỏi điều gì đã cản trở ta thực hiện ý nguyện của mình? Ta có sống tốt không, hay chỉ lây lất qua ngày? Ta sử dụng thời gian của mình như thế nào? Ta có biết đúng, sai? Ta có hướng tham vọng của mình đến một đời sống có ý nghĩa, hay tránh né nó? Nếu đúng, thì tại sao lại như vậy?
Việc chúng ta sử dụng thời gian như thế nào tùy thuộc vào việc ta sắp xếp thời gian, và việc đó lại tùy thuộc vào việc ta phác họa cuộc sống của mình như thế nào. Một khi ta đã trả lời được những câu hỏi này, và đã quyết định rõ ràng để có thời gian thực hành trong cuộc sống, thì ta phải cố gắng hết sức hơn là để tâm chạy rông, vô tổ chức, chỉ đợi điều gì đó xảy ra cho mình.
Đề phòng sự xao lãng
Sự xao lãng ngụy trang dưới nhiều hình thức. Đôi khi ta cảm thấy như mình phải gánh vác chuyện của người khác. Nếu ta có khuynh hướng hay làm việc đó thì thế nào cũng có người bằng cách này hay cách khác, níu áo ta. Họ cần một lời khuyên, nhưng họ không thực sự lắng nghe ta. Họ chỉ muốn có chỗ để giải tỏa, trút bầu tâm sự. Họ cảm thấy căng thẳng, rồi khiến ta bị căng thẳng lây, rốt cục không có ai được lợi lộc gì. Hoặc giả, trong công việc, nếu chúng ta quá chú trọng đến chi tiết và muốn mọi thứ phải hoàn hảo, thì có thể ta chẳng bao giờ làm xong chuyện gì, mà cũng không còn thời giờ để tu tập. Chúng ta cũng có thể cảm thấy mình là người duy nhất biết làm bất cứ việc gì, nên cuối cùng là ta phải gánh vác mọi việc. Có người lại không bao giờ biết từ chối. Các hình thức gây xao lãng này còn chưa kể đến nhu cầu phải được giải trí, được tiêu khiển không ngừng của ta, cũng như những thứ xa lạ, đòi hỏi nhiều sự quan tâm mà ta mang vào cuộc sống của mình như là thú nuôi, các hệ thống giải trí cá nhân và các loại máy vi tính cầu kỳ.
Ngay cả trong các khóa tu, người ta cũng tìm đủ cách để bận rộn, để lẩn tránh việc tu tập, như mỗi ngày bỏ ra hằng giờ để lên danh sách mua sắm. Ở Ấn Độ, người ta nói, “Bạn chỉ cần hai chiếc bánh mì mỗi ngày”. Tôi không nghĩ điều đó có nghĩa là ta phải qua ngày bằng hai chiếc bánh mì, như một nhà tu khổ hạnh. Đây chỉ là ám chỉ cho sự buông xả. Thực sự chúng ta cần gì? Đã bao lần ta bị xao lãng bởi các tham vọng, bởi sự tìm tòi phương cách để đạt được chúng? Chúng ta có thể giải phóng bản thân khỏi những xao lãng này bằng cách không cần đến chúng? Dầu với lý do gì, đổ lỗi cho người khác vì sự xao lãng của mình đều không hay ho gì. Kunchyen Longchenpa đã nói, “Các tham vọng thì vô hạn; chỉ khi ta buông chúng thì chúng mới biến mất”.
Tâm cởi mở – bình an
Nếu không có mục tiêu, ta chỉ loanh quanh như một con hổ bất an, không thể tìm thấy yên ổn trong bất cứ thứ gì. Ta lăn trở trên giường, vặn truyền hình, chuyển đổi các kênh, ăn khi không đói, rồi điện thoại liên miên. Ta định làm gì thế? Ta đang cố gắng để kết nối với thế giới vật chất bên ngoài. Nhưng làm sao ta có thể làm điều đó, khi ta còn chưa thể kết nối với nội tâm mình?
Những lúc ta không cảm thấy kết nối với nội tâm là lúc tốt nhất để tu tập. Khi tâm ta không bình ổn, cũng giống như khi bị đau răng. Ta bị hành hạ, chi phối bởi tư tưởng, tình cảm và sự sợ hãi. Ta cũng nghĩ ra đủ thứ cảm xúc vật lý. Tôi đau cổ, rồi nhảy qua đau lưng, đau chân. Rồi bỗng nhiên, ta nghe tiếng nói bên tai, hay mắt ta đang ngứa? Sự thật hơi đáng ngờ, phải không bạn?
Ta cần thời gian để năng lượng bất ổn, căng thẳng này hạ xuống nơi thân. Khi thân an, tâm an. Khi tâm an, các cảm xúc an, và ta cảm nhận sự tự tại, thư giãn, hay shenjong. Khi tâm thư giãn, nó có mặt cho ta, phục vụ ta hay ít nhất cũng giúp ta hiểu việc gì đang xảy ra. Không gian của shenjong ít có biến động, nên tư tưởng, cảm xúc không thể xô đẩy, làm tổn hại ta như chúng thường làm. Tất cả những nỗi mệt nhọc tan biến đi. Tâm ta trong sáng. Thân cảm thấy nhẹ nhàng như mảy lông.
Cần có sức mạnh và sự rõ ràng
Ta cần chút ít sức mạnh để chống lại thói quen chạy theo ngoại cảnh, ngay cả khi ta đã mất khá nhiều thời gian vào đó. Đừng như chú cá heo bơi theo dòng nước, dầu đã bơi nửa đường vào miệng gấu, thay vì thối lui ra, lại nghĩ, “Dầu gì, ta cũng đi được nửa chặng đường”. Thoát ra được sự xao lãng đòi hỏi ta phải có ý chí và sự rõ ràng.
Có nhiều người nói, “Tôi quá lười và quá yêu bản thân nên không thể bỏ thì giờ tu tập”. Loại người lười biếng và thiếu ý chí như vậy sẽ chẳng bao giờ được giải thoát. Đức Phật đã nói, loài ruồi, giòi, vi trùng, nếu chúng có khả năng khao khát được giác ngộ, chúng cũng sẽ làm được. Thật đáng xấu hổ nếu điều đó xảy ra, phải không? Giòi mà còn đạt được giác ngộ huống là ta. Trong kinh nói, “Vạn pháp do duyên khởi”. Các duyên mà ta cần được tạo ra do ý chí và sự rõ ràng của dự tính, và cách ta áp dụng chúng trong đời sống.
Không phải là ta không tinh tấn. Chuông báo thức reo, 4 giờ sáng. Nhiệt độ đã xuống hàng đơn vị. Chúng ta không muốn ngồi dậy, nhưng đó là ngày thứ hai và ta sẽ phải lãnh hậu quả, nếu không ngồi dậy. Phải dậy thôi. Rồi phải quét tuyết trên cửa xe, làm ấm xe, và thẳng tới chỗ làm, ở đó chín hay mười tiếng. Phải làm những việc này mỗi sáng cũng cần chút tầm nhìn, chút ý chí và sự sáng suốt. Nếu ta có thể làm tất cả những thứ đó, chắc chắn ta sẽ tìm ra được thời gian để thực hành.
Cánh đồng xoài hiện đại
Nếu ta có thể quán sát thời gian một cách thực tế, xếp đặt thời khóa biểu, tránh sự xao lãng với ý chí, tâm sáng suốt, và suy nghĩ về những gì khiến cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta chắc chắn sẽ tìm ra thời gian để thực hành, để thư giãn tâm. Thông thường, khi thư giãn có nghĩa là đem tâm ra khỏi những công việc hàng ngày, nằm nghỉ ngơi, xem truyền hình hay ngủ nghỉ. Thường thư giãn có nghĩa là tách ra khỏi những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng dầu ta có bỏ ra nửa cuộc đời để ngủ vẫn chẳng bao giờ thấy thư giãn. Đó là vì ta không chú tâm vào việc thư giãn tâm.
Có gì giúp ta thư giãn hơn là sự buông bỏ những âu lo, những toan tính? Có cách gì tốt hơn là quan sátBồ-đề tâm để giảm thiểu sự bám víu? Để giải phóng những hy vọng và sợ hãi, có gì tốt hơn là hãy để chúng khởi lên, rồi tự chúng hoại diệt một cách tự nhiên trong không gian của tâm cởi mở? Thiền tạo không gian cho mọi thứ: tất cả những hy vọng, sợ hãi, âu lo cũng như niềm vui và khát vọng. Không cần phải kiểm soát tư tưởng, vì khi thực hành, ta đã tự nguyện để chúng như chúng là – không phán xét chúng tốt hay xấu, có ích hay có hại, tâm linh hay vật chất. Có những hoạt động nào khác có thể hỗ trợ cho tâm và các phát khởi của nó theo cách này không? Chắc chắn là không.
Điều duy nhất ta cần để thực hành là tìm một nơi yên tĩnh để ngồi: một căn phòng, một ghế ngồi nơi công viên, hay chính chiếc giường của mình. Trong các kinh diễn tả một cánh đồng xoài yên tĩnh như là một nơi lý tưởng để thực hành. Đức Phật và các đệ tử của Ngài đã hành thiền ở những nơi như thế. Nếu bạn nghĩ về điều đó, đang giữa một ngày bận rộn, bất cứ một chỗ yên tĩnh nào để ngồi cũng có thể là cánh đồng xoài hiện đại.
(DZIGAR KONGTRUL RINPOCHE
Diệu Liên Lý Thu Linh
– Chuyển ngữ từ Take charge of your practice, Tricycle, 5-5-2017)