Vào ngày 19/01/2020, tại hội trường khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt diễn ra lễ tri ân sự cống hiến của kỷ lục gia, nhà khoa học Nguyễn Văn Sáu – hòa thượng Thích Huệ Đăng, phó Ban Phật Giáo Quốc Tế Trung Ương, viện trưởng Viện Buddha Yoga. Buổi lễ có sự tham dự của Tiến sĩ Biswaroop Roy Chowdhury – Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Kỷ lục Thế giới WorldKings, thành viên sáng lập Đại học Kỷ lục Thế giới; TS. Thang Văn Phúc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam; Ông Trần Chiến Thắng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, PCT TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Ts. Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng vụ Phật giáo Ban Tôn giáo chính phủ; Ông Lê Trần Trường An – Phó chủ tịch thường trực kiêm TGĐ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và gần 200 đại biểu có mặt là những khách mời và phần lớn là những vị đệ tử hoặc những người đã chịu ân nuôi dạy của thầy.

Buổi lễ nhằm vinh danh hòa thượng Thích Huệ Đăng người vừa được nhận giải thành tựu trọn đời của Hội đồng giải thưởng chăm sóc sức khỏe ưu tú Six Sigma và bằng giáo sư danh dự của trường đại học Kỷ Lục Thế Giới (Word Records University) vào tháng 12/2020. Có thể nói, thầy Thích Huệ Đăng là nhà khoa học đầu tiên của Phật giáo, được Bộ Khoa Học – Công Nghệ cấp hai bằng sáng chế độc quyền và giải pháp hữu ích. Đó là một danh dự quý giá không riêng cho bản thân thầy mà là danh dự của Phật Giáo Việt Nam, bởi những đóng góp thiết thực chớ không không phải là công trình nghiên cứu khoa bảng lý thuyết hàn lâm. Lý thuyết của thầy không từ sách vở nghiên cứu mà là sự trải nghiệm ứng dụng tu tập để thành công, đặc biệt nhất là sản phẩm sâm Ngọc Linh Việt Nam, với chất lượng không thua kém bất kỳ loại sâm quý hiếm nào trên thế giới. Một con người chứng minh trí tuệ của đạo Phật thông qua kết quả thực hành thực chứng, được đại học Harvard – Hoa Kỳ xác nhận. Với độ tuổi hơn 80 nhưng nhờ ứng dụng trí tuệ của Phật giáo mà thầy Thích Huệ Đăng đã thành tựu được những thành quả đặc biệt như thế. Đại học Kỷ lục Thế giới cũng chính thức công nhận thầy là Tiến sĩ danh dự Đại học Kỷ lục Thế giới, là tác giả 2 bằng sở hữu trí tuệ, sáng chế được cấp bằng tại Việt Nam, đồng thời cấp bằng giáo sư danh dự vào ngày 27/12/2019, tại hội trường khách sạn Radison Blu – New Delhi.

Hòa Thượng Thích Huệ Đăng
Sâm Ngọc Linh
Sinh khối Sâm Ngọc Linh

Thầy là một nhà tu nhập thế thật hy hữu. Có những câu nói như một châm ngôn để hành động: “muốn tự do thì phải tự lo”. Chính vậy mà nhu cầu của bản thân hay của tự viện không phải dựa vào tiền cúng dường của Phật tử mà là do chính thầy làm ra. Thầy dùng tiền bán hoa lan để nuôi gần 50 công nhân và kỹ sư phục vụ cho việc cấy mô và sản xuất sâm Ngọc Linh tại Viện. Sở dĩ chọn cây sâm Ngọc Linh để ứng dụng vì thầy nhận thấy đây là loại cây quốc bảo của Việt Nam, đất nước mình sinh ra và thừa ân của các bậc tiền nhân thì phải làm gì để trả ân cho tổ quốc, đồng thời, đối với thầy, sức khỏe là tiêu chí quan trọng nhất, và cây sâm Ngọc Linh Việt Nam có đủ các yếu tố ưu việt cho sức khỏe cộng đồng. Thầy từng nói sức khỏe là tài sản quý nhất của nhân loại, không có sức khỏe thì không thể làm bất cứ việc gì, kể cả việc tu hành.

Hành trình đi tìm Sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh (2008)

Phòng nuôi mẫu Sâm Ngọc Linh
Cấy mô Sâm Ngọc Linh

Cùng song song với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thầy tự ứng dụng Yoga và thành tựu được pháp môn Kriya Yoga, Sushumna Yoga và Chakra Yoga. Thầy được học viện Yoga quốc tế (Yoga Vedanta Forest Academy – Canada) cấp bằng Master Yoga vào năm 2014 và chính thức trở thành Đạo sư Yoga, và viện Buddha Yoga do thầy làm Viện trưởng, được Hiệp Hội Yoga Hoa Kỳ công nhận là trường đào tạo Giáo viên Yoga trong nước và quốc tế . Thầy nhận thấy rằng bản thân đức Phật là bậc thầy Yoga nên mới có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai như thế. Nếu một người không từng ứng dụng Yoga ở bậc thượng thừa thì không thể nào ngồi xuyên suốt 49 ngày trong tư thế hoa sen (kiết già).

Viện Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Buddha Yoga

Đời thầy đối nhân xử thế bằng ba tiêu chí: lấy tâm làm cha, lấy trí tuệ làm mẹ và lấy cộng đồng làm quyến thuộc. Thầy luôn khuyên học trò đừng bao giờ quên cái tâm ban đầu của mình. Dù ai bất cứ là ai mà mình đã từng kết giao và thọ ân thì dù hoàn cảnh nào, lòng người có thay đổi ra sao nhưng bản thân của mình luôn giữ cái tâm ban đầu.

Theo quan điểm thầy Thích Huệ Đăng, muốn chứng nghiệm triết lý của đức Phật thì phải ứng dụng, chớ không thể nào nói bằng cái miệng. Mà muốn ứng dụng thì phải có phương pháp rõ ràng. Nếu không có phương pháp thì không thể nào thành tựu được. Cho nên, muốn thành tựu được con đường giác ngộ của Phật thì điều tiên quyết nhất, đó là tự thân phải tỏ ngộ được chân tâm.  

Trong buổi lễ, Tiến sĩ Biswaroop Roy Chowdhury cho rằng, đối với ông, khi đọc qua công trình nghiên cứu và những buổi làm việc cùng hòa thượng Thích Huệ Đăng, ông xem đây là cuộc trải nghiệm tuyệt với nhất trong cuộc đời của ông. Ông nói rằng, những người được học tu và làm việc với hòa thượng Huệ Đăng là một may mắn lớn nhất trong cuộc đời. Thể hiện lòng tôn trọng đó, ông đã đề nghị trường đại học Lincoln University – Malaysia đưa triết lý của Giáo sư thích Huệ Đăng thông qua quyển sách được dịch bằng tiếng anh Buddha Yoga, hành trình thực hành và thực chứng của hòa thượng – đạo sư Thích Huệ Đăng vào chương trình đào tạo của trường và được hội đồng trường đại học chấp nhận.

HT. Thích Huệ Đăng nhận bằng giáo sư danh dự của trường Đại học Kỷ lục Thế giới (Word Records University)

Cuộc lễ trải qua gần hai giờ đồng hồ nhưng với thời gian đó cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. So với những gì mà thầy Thích Huệ đã đang trải nghiệm và thành tựu còn là những giá trị đầy bí ẩn mà không dễ gì có thế tiếp thu và hiểu được với một vài lời phát biểu khiêm tốn như thế. Thầy từng than rằng, giá trị tâm linh và kinh nghiệm về khoa học của thầy là vô giá nhưng quỹ thời gian của thầy còn quá ít cho việc đào tạo và trao truyền cho thế hệ mai sau. Vì vậy, thầy tiếc nuối một điều rằng, sự thành tựu của mình đến quá muộn, khi hơn 80 tuổi thì mọi thành quả đạt được mới đi đến chỗ thực sự chín muồi.

Buổi lễ khép lại trong sự hoan hỷ, tràn đầy năng lượng. Mọi người dành tình cảm và lòng tri ân thầy, một tu sĩ Phật giáo đã tiên phong trong con đường nhập thế với hành trình đầy gian lao, kỷ luật và sáng tạo. Ngoài thương hiệu vua hoa lan, Thầy đã để lại cho đời viên nén sâm Ngọc Linh một sản phẩm mãi mãi được người đời sau tôn vinh và biết ơn khi hiểu được giá trị của nó.

 

Sau đây là một số hình ảnh:

HT. Thích Huệ Đăng nhận bằng giáo sư danh dự của trường Đại học Kỷ lục Thế giới (Word Records University)

TPT