Thường xuyên mang trong mình tấm lòng biết ơn chính là thể hiện của tâm tính lương thiện, là một loại mỹ đức và là một quy phạm căn bản để làm người.

Những người biết đủ, biết hài lòng với cuộc sống của mình sẽ hiểu được ý nghĩa của lòng biết ơn. Khi một người cảm thấy biết ơn từng bông hoa, từng cọng cỏ, và từng ngụm nước, thì cuộc sống của người đó chắc chắn sẽ rất phong phú và sung túc. Trên thực tế, khi trong tâm một người mang theo thiện niệm, mang theo lòng biết ơn thì không chỉ tạo phúc cho chính mình mà còn làm lợi cho người khác.

long biet on mang den noi tam sung tuc

Robert A. Emmons, giáo sư tâm lý của Đại học California, Davis và Michael McCullough, giáo sư tâm lý học tại đại học Miami, Mỹ sau khi tiến hành nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Khi một người thường xuyên mang trong mình tấm lòng biết ơn (cảm kích) đối với người khác thì người ấy sẽ sống ngày càng vui vẻ và có một tinh thần sung túc, nội tâm an hòa.

Trong thực nghiệm của mình, các giáo sư lựa chọn một số học sinh và chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất, các giáo sư yêu cầu họ phải ghi nhớ năm sự tình khiến họ cảm kích trong một ngày. Nhóm còn lại phải ghi nhớ năm sự tình khiến họ không hài lòng trong một ngày. Sau ba tuần như vậy, các giáo sư phát hiện ra rằng các học sinh ở nhóm thứ nhất có sự thay đổi tích cực hơn rất nhiều so với các học sinh ở nhóm còn lại cả về tâm lý, thân thể và cách đối xử với người khác.

Sau thực nghiệm trên, các giáo sư lại tiến hành khảo sát với nhóm đối tượng khác nhau về tuổi tác, tình trạng sức khỏe. Các khảo sát này đều cho kết quả giống như vậy.

Ngẫm lại một chút về bản thân chúng ta, từ nhỏ đến lớn chúng ta đều nhận được ân huệ từ ông bà, cha mẹ, người thân, thầy cô giáo, bạn bè, và ngay cả những người chúng ta không quen biết. Họ vì chúng ta mà trả giá không ít, nhưng rất nhiều người trong chúng ta lại không biết ơn điều đó, thậm chí còn cho rằng đó là một việc đương nhiên.

Có một câu chuyện kể về một vị hiền triết như thế này: Một hôm, một vị hiền triết và một nhóm người đến nhà hàng ăn tối. Trong số những người ăn ở nhà hàng đó có một ông chủ đã từng nghe danh vị hiền triết có trí tuệ phi thường, bèn tìm đến gặp gỡ. Trong lúc mọi người đang cười nói vui vẻ thì nhân viên phục vụ đem các món ăn nóng hổi đặt lên bàn. Khi mọi người đã yên vị quanh bàn ăn, vị hiền triết liền chuyển chủ đề sang các món ăn ngon lành trên bàn.

Vị hiền triết nói: “Nhìn thấy các món ăn trước mặt, trong lòng các bạn có nảy sinh lòng cảm ơn không? Cảm ơn các thực phẩm, rau quả đã thành tựu bữa ăn này, cảm ơn người đầu bếp, cảm ơn người phục vụ chúng ta…”

Ông chủ nói: “Tại sao phải cảm ơn ? Chúng ta ăn đều phải trả tiền cơ mà ! ”.

Trong khi mọi người nhìn nhau không biết nói sao thì vị hiền triết lại mỉm cười: “Thế tại sao chúng ta không trực tiếp ăn những đồng tiền đó ? ”

Nếu một người trong lòng không biết cảm kích, không biết ơn những điều người khác làm cho mình, coi mọi việc tốt đẹp mà người khác làm cho mình là tự nhiên, là lẽ thường tình, là nghĩa vụ của người khác thì người ấy rất vô tâm, nói nặng một chút là chỉ biết đến mình.

Ngược lại, người biết cảm ơn là người có nhân cách tốt đẹp, sống có nghĩa có tình, có trước có sau. Những người như vậy họ cũng thường là người biết nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến mình, chính là người nhân đức, là bậc quân tử mà người đời thường ngưỡng mộ.

Cổ nhân có câu: “Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong”, nghĩa là làm điều tốt không cần suy tính, mang ơn người đừng bao giờ quên. Cũng có câu: “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo”, nghĩa là dù ơn huệ nhỏ như giọt nước thôi cũng không thể xem nhẹ, cũng cần coi đó như một dòng suối, dòng sông, bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no” vậy.

Người biết cảm ơn bề trên, biết ơn đấng sinh thành, biết ơn vạn vật, là người thấu hiểu đạo lý của tự nhiên, đạo lý làm người. Người như vậy biết trân quý sinh mệnh, sống thuận theo tự nhiên, phù hợp với đạo, là người trí tuệ, nên cuộc đời của người ấy tự nhiên cũng thông thuận, may mắn. 

Đó cũng chính là phúc báo của lòng biết ơn!

(st)