Khi một đề xuất mới mẻ, có vẻ trái với đạo lý truyền thống từ ngàn xưa của người Việt Nam mà có số người đồng thuận lớn, chúng ta cần xem xét lại mặt bằng nhận thức xã hội về đạo lý gia đình đang là, khéo léo điều chỉnh một cách kịp thời, đừng để quá muộn khi đã trở thành luật hoặc mặc nhiên đồng tình theo số đông thì những cái “nghĩa tình”, “đạo lý”, “đạo đức”… nó đã bị mờ nhạt, thầm lặng phá hoại nền đạo đức chung mà chúng ta vẫn mường tượng về nó và cả tin một cách chủ quan.

Một vài ý kiến về “đề xuất bổ sung quyền được chết”

Đọc qua đề xuất quyền được chết của Bộ y tế trong những trường hợp: “Với những người sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối, chịu đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần và muốn ra đi nhẹ nhàng thì nên cho họ có quyền được chết”…

Về mặt tích cực, khi người bệnh khổ đau cùng cực thì quyền được chết như là sự thi ân, giúp họ sớm chấm dứt sự chịu đựng cảm giác khủng khiếp này; hoặc những người chỉ sống đời thực vật, sự sống chỉ tồn tại mong manh trong ống thở ôxi, não bộ đã chết, kéo dài sự sống khổ đau cho họ thì cũng cảm thấy bất nhẫn. Bên cạnh đó, đối với người đang sống, thân nhân người bệnh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, khổ đau chồng chất, đôi khi vì người bệnh làm họ lâm vào hoàn cảnh nợ nần, túng thiếu, mòn mỏi thời gian chăm sóc “người chết” mà không có một tia hy vọng cứu sống.

Về mặt nổi người đọc cảm thấy đề xuất đó thể hiện được chiều tích cực của một vài trường hợp nhưng suy nghĩ sâu hơn, phía sau mặt tích cực đó bản thân tôi lại lấy làm buồn, có chút suy tư và trăn trở! Tôi rất ngạc nhiên sự đồng thuận về “cái chết nhân đạo” lớn như thế!? Trong khi đó, hầu hết các nước trên thế giới không có truyền thống đạo lý gia đình khắt khe như người Việt Nam nhưng họ đều phản đối. Chúng ta cần giải mã một số vấn đề tế nhị, nó ẩn tàng những hệ lụy nguy hiểm, những mặt tiêu cực là gì, không khéo chết nhân đạo chỉ có một mà chết vô nhân đạo đến mười!?

1. Có những suy nghĩ nhân đạo chỉ là mặt nổi nhưng không khéo bên trong nó lại ẩn chứa sự suy đồi về đạo đức, đạo lý con người đã bị xem nhẹ, giềng mối về sự thắt chặt giữa người thân trong gia đình không còn, lúc đó là một sự trốn chạy gánh nặng, đùn đẩy trách nhiệm, chỉ muốn dựa vào một lý do nào đó để thoái thác trọng trách thiêng liêng là điều đáng khiếp sợ! Bởi mọi việc không dừng lại ở “cái chết nhân đạo” mà khi ý thức giáo dục đạo đức chưa tới nơi tới chốn, con người ta sẽ lạm dụng vào luật này, tạo nên cái chết oan mạng cho vô số người là điều không tránh khỏi. Khi sự vô cảm đang lan tràn, nếu những hành động “giết chóc nhân đạo” được bảo hộ thì sẽ có không ít người vô lương tâm, máu lạnh, tính ác có sẵn, sẽ lạm dụng “giết người theo luật” là điều đáng lo ngại. Đó có thể là một trong những lý do mà “đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đến thời điểm thích hợp và sẽ xem xét sau”, vào năm 2005.

2. Khi chưa ban hành luật mà một số thân nhân còn vô cảm, lãnh đạm, thờ ơ, thiếu bổn phận, thậm chí muốn người bệnh đó sớm chết để hưởng gia tài hoặc không ảnh hưởng đến kinh tế, không phải mất thời gian về việc chăm sóc bệnh nhân một cách “vô ích” (vì người bệnh không hái ra tiền cho họ)… Một số người thiếu đạo đức sẵn sàng hành động “bức tử” theo luật pháp đề ra mà lương tâm không bị cắn rứt. Vẫn chưa thành luật mà còn muôn ngàn cách bào chữa cho hành vi tội lỗi đó, huống chi đã thành luật. Trong nhiều trường hợp “được chết nhân đạo” chưa hẳn người bệnh nào cũng muốn chết kiểu đó mà vì sự vô cảm, thờ ơ, lạnh lùng của người chăm sóc, sự thiếu tôn trọng và lương tâm nghề nghiệp của một số y bác sĩ nên người bệnh đó mới miễn cưỡng chấp nhận cái chết thôi. Nếu được chăm sóc chu đáo của người thân và sự tận tình chữa trị của y bác sĩ thì ai cũng hy vọng được sống cả, dù chỉ là “niềm tin thần thánh”.

3. Một gia đình Việt Nam các thành viên không đơn thuần chỉ sống theo pháp luật mà tình cảm gia đình nó vốn nằm ngoài pháp luật được hòa quyện trong các mối quan hệ. Nhiều người không vi phạm pháp luật nhưng lại sống thiếu đạo lý, thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm, thiếu bổn phận với cha mẹ, ông bà, người thân… Nếu chỉ dựa vào luật thì mọi người chỉ sống sòng phẳng với nhau mà thôi chưa đủ để con người sống tốt, sống đẹp trọn vẹn. Do quá suy nghĩ vào quyền lợi bản thân một cách ích kỷ nên tình người, đạo lý dần dần biến mất, và những mỹ từ này trở thành một cái gì rất xa xỉ, lạ lẫm, sáo rỗng trong tâm của một số người. Nỗi đau này không phải của cá thể gia đình mà sẽ là thảm họa của người Việt Nam, một đất nước mà nghìn đời vốn trọng về đạo đức con người.

4. Ai là người thực hiện hành vi đó? Tại sao các bậc thầy về y đức đã khuyên như trong bài báo (http://vnexpress.net/…/de-xuat-bo-sung-quyen-duoc-chet-3204…) có viết: “Trong lời thề Hypocrate, lời khuyên y đức của Hải Thượng Lãn Ông thì nguyên tắc là còn nước còn tát, còn sống là còn cứu chữa cho đến hơi thở cuối cùng, khi bệnh nhân không còn các chỉ số sinh tồn nữa. Lúc đó người ta tự chết, tự trở về thế giới bên kia, trách nhiệm của người thầy thuốc khi đó mới kết thúc”. Những vị thầy thuốc có y đức là như thế. Nhưng với thời buổi kim tiền, khi tiếp xúc với quá nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư… bên cạnh những vị y bác sĩ đầy lương tâm, một số bác sĩ đã quá mệt mỏi với khối công việc, dễ bị trơ lì cảm xúc, việc còn lại chỉ là trách nhiệm hay vì dư luận khách quan. Việc thứ yếu, là vì bệnh nhân không phải người thân yêu của bác sĩ nên một số người dễ dàng lạm dụng luật để “phán” một cách tùy tiện; khi có luật pháp bảo hộ, trong một phạm vi nào đó, một vài bác sĩ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, dễ dàng quyết định trên nỗi đau của bệnh nhân hay thân nhân họ mà không e ngại…

Nếu người có tình thương thật sự, có đạo đức trong các mối quan hệ thì những thứ “vô tri’ như: di ảnh, nắm xương tàn, nhúm tóc, cái khăn, đôi dép, cái mũ… đều là vật kỷ niệm quan trọng huống gì là một thân xác hiện hữu, dù bất động, chờ chết. Người có tình cảm thật sự, có đạo đức, có lương tâm, cảm giác người thân mình sắp ra đi mãi mãi có tâm trạng tuyệt vọng, là nỗi đau khổ cùng cực… những người có tình cảm sâu nặng riêng tư họ tìm cách giấu xác người thân để được thấy “hình bóng” cho tới khi thối rửa vẫn không chịu bỏ (có thể hành động này hơi thái quá). Đó là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người.

Thánh Gandhi từng nói: “chân lý vẫn là chân lý dù có hàng trăm ngàn người đả đảo, sai lầm vẫn là một sai lầm dù có hàng trăm ngàn người ủng hộ”. Khi một đề xuất mới mẻ, có vẻ trái với đạo lý truyền thống từ ngàn xưa của người Việt Nam mà có số người đồng thuận lớn, chúng ta cần xem xét lại mặt bằng nhận thức xã hội về đạo lý gia đình đang là, khéo léo điều chỉnh một cách kịp thời, đừng để quá muộn khi đã trở thành luật hoặc mặc nhiên đồng tình theo số đông thì những cái “nghĩa tình”, “đạo lý”, “đạo đức”… nó đã bị mờ nhạt, thầm lặng phá hoại nền đạo đức chung mà chúng ta vẫn mường tượng về nó và cả tin một cách chủ quan.
Do đó, khi không kiểm soát được sự phức tạp của vấn đề cực kỳ khó nói đúng sai thì đừng vội kết luận mà cần phải có một thời gian dài suy tư, đón nhận ý kiến từ nhiều phía: các bậc trưởng thượng kỳ cựu, những bậc cao tăng Phật giáo, các tôn giáo, nhà đạo đức học, các ngành giáo dục – văn hóa – xã hội, các bậc lương y…góp thêm nhiều ý kiến đúng đắn: hoặc là bỏ hẳn việc “được chết nhân đạo”, hoặc có thể ứng dụng một cách có kiểm soát chặt chẽ với một vài trường hợp tối thiểu nào đó, có chế tài một cách cụ thể, để tránh tình trạng lạm dụng, bừa bãi, lan tràn.

BBT. Phật Pháp Ứng Dụng