Có một người phụ nữ tâm sự rằng khi chị vừa sinh con được ba tháng thì phát hiện chồng ngoại tình. Tim chị càng tan nát hơn khi chính anh chồng thừa nhận mối quan hệ ngoài luồng với cô gái khác và thách thức nếu như chị không chấp nhận thì chia tay. Vì quá thương con và hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, bên nhà ngoại vì sợ mang tiếng với làng xóm nên không chấp nhận cho sự trở về nương náu của mẹ con chị. Chị thực sự bị rơi vào đường cùng và không biết phải làm như thế nào?

Nên làm gì khi vợ, chồng, người yêu ngoại tình?

Trường hợp của người phụ nữ trên không phải là số ít, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã chia sẻ vấn đề này như sau:

Sao phải cắn răng chịu đựng trong tủi nhục

Câu chuyện đau lòng muôn thuở của nhiều gia đình thường liên hệ đến sự có mặt của người thứ ba trong bóng tối. Trong hoàn cảnh gia đình chị, người thứ ba chiếm được trái tim yêu thương của chồng chị, đẩy chị vào tình thế bế tắc hoàn toàn. Suy sụp tinh thần và trầm cảm là hậu quả tất yếu và khó tránh khỏi.

Khi bóng tối của người thứ ba được chồng công khai hóa, trong lúc ánh sáng của vợ hợp pháp lại bịt mắt không thèm quan tâm thì nên hiểu rằng sự phụ bạc này có thể dẫn đến kết thúc đau lòng: “Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi.” Cắn răng chịu đựng trong tủi nhục vì lý do “để có mái nhà che đầu và có tiền nuôi em bé” không phải là thái độ ứng xử tích cực và khó mang lại kết quả chuyển hóa cái tôi “như thế đấy” của chồng.

Khi chồng chị thuộc hạng người “tôi không yêu cô, chưa bao giờ yêu cô, giờ cô hãy bế con đi đi cho khuất mắt, tôi sớm muộn gì cũng đến với người đàn bà mà tôi yêu” thì các nỗ lực chịu đựng của chị khó mong mang lại kết quả “gương vỡ lại lành.”

Chịu đựng là một đức tính tốt, nhưng chịu đựng cái cảnh chồng ăn phở thường xuyên trong giai đoạn anh chị yêu nhau và “lật bài ngửa” trong thời gian chị vừa sanh đứa con trai kháu khỉnh, thường được xem là hoa trái tình yêu, sẽ không giải quyết được vấn đề gì, ngoài việc tiếp tục biến mình thành nạn nhân của chồng. Khi tâm chìm vào trong nỗi đau bị bội bạc, người ta dễ ứng xử mù quáng. Ý định “rời bỏ cuộc sống này” là điều tiêu cực xấu nhất, mà chị nên tránh bằng mọi giá.

Hãy biến sự chịu đựng thành cơ hội làm mới cuộc đời của chồng. Chị nên bình tĩnh, tâm sự với cha mẹ chồng và chị, em gái của chồng để nhờ trợ giúp tích cực. Nếu cha mẹ chồng và gia đình chồng hiểu được hoàn cảnh của chị, cùng chung tay khuyên can, giúp chồng thay đổi lối sống, chị có thể nuôi hy vọng tái xây dựng hạnh phúc gia đình, sau trận bão tình.

Nếu gia đình chồng đứng về phía chồng một cách mù quáng, thì dù chị có “hoàn cảnh éo le” về kinh tế, hoặc “bố mẹ sợ mang tiếng” có con gái không hạnh phúc trong hôn nhân… chị cần mạnh dạn nhận chân rằng người mà chị tay ấp chân gối không phải là điểm tựa của hạnh phúc và bình an.

Có “hộ khẩu Hà Nội” mà làm gì khi mỗi tích tắc trôi qua, vì cái hộ khẩu mà chị phải sống trong trầm cảm và tuyệt vọng, thậm chí còn có ý định muốn chết? Trong tình huống bi đát này, chị nên nhờ Hội phụ nữ nơi chị đang sống can thiệp giúp đỡ, nhờ luật sư tư vấn ly hôn, chuẩn bị thái độ rũ bỏ nỗi đau, tìm kiếm cho mình sự bình an đích thực. Trong mọi tình huống, không nên nghĩ đến cái chết, không nên tự hành hạ cảm xúc của mình. Chịu đựng để thay đổi tốt hơn. Đè nén và ém nhẹm nỗi đau không phải là giải pháp.

Nên làm gì khi vợ, chồng, người yêu ngoại tình?

Nỗ lực thay đổi tình thế

Trước khi đi đến quyết định ly dị (mặc dù chị không muốn thế vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ruột không ủng hộ), chị hãy tận dụng cơ hội của sự kham nhẫn, nỗ lực thay đổi tánh khí “như thế đấy” của chồng thêm vài lần cuối.

Chị hãy nhớ lại giai đoạn hai anh chị mới yêu nhau, trong lúc chị mang thai, giai đoạn sinh con để đánh giá tình yêu của chồng dành cho chị. Hãy đặt giả thuyết, sự thay đổi mối quan tâm từ vợ sang người tình có phải do sự vụng về trong tình yêu của chị không? Nếu câu trả lời là đúng thì việc nhìn lại chính mình sẽ giúp chị khắc phục hoàn cảnh và giúp chồng bỏ được thói “ăn phở.”

Thường những cô tình nhân sẽ hơn người vợ về tuổi tác (trẻ trung hơn), thể hình (hấp dẫn hơn), tâm lý (trẻ trung hơn) và lối sống (quyến rũ đàn ông hơn chị). Sự ngã màu của tình yêu từ màu trắng tinh sang màu vàng đánh dấu sự lão suy của tình yêu. Nếu sự phản bội của chồng vì những lý do vừa nêu thì việc chăm sóc bản thân, tạo cho mình sự rực rỡ, gợi cảm, đổi mới mình hàng ngày… sẽ giúp chồng đánh giá tích cực về nhu cầu “ăn cơm” tại nhà vừa ngon, vừa rẽ và vừa an toàn “thực phẩm.”

Trong nỗ lực thay đổi tình huống, dù chị có mệt mỏi, chán nản, tuyệt vọng, khi đã chọn con đường kham nhẫn, chị không nên thể hiện thái độ cằn nhằn, cấu xé chồng, vì như thế sẽ làm cho chồng càng nghĩ đến người thứ ba, đang khi vì là tình yêu vụn trộm, cô tình nhân có thể lúc nào cũng thể hiện sự tươi vui, hớn hở, chìu chuộng và dâng hiến? Có phải từ lâu, do vì quá chú trọng đến thai nhi và sự sinh nở, mà chị đã “cấm vận” anh ấy đến độ “thèm khát” phở bên ngoài, bất luận ngon dỡ? Có phải từ lâu chị vì chăm sóc con thơ mà lơ đãng, không quan tâm đến ăn uống, áo quần, sức khỏe và hạnh phúc của anh?

Những mối quan tâm vừa nêu dù nhỏ và không tốn tiền nhưng lại là chất keo của tình yêu bền vững. Quên tặng cho nhau những nụ hôn trước khi ngủ, không hứng thú chuyện chăn gối, xuề xòa trong ăn mặc, không bận tâm trang điểm lịch sự, không có lời thủ thỉ nhỏ to tâm sự, không có chất lãng mạn trong quan hệ vợ chồng, không tự tin chính mình, không biết cách làm chồng hạnh phúc… sẽ là những nguyên nhân tâm lý khiến một số ông chồng đâm ra chán vợ, tìm cái mới lạ, dù chưa chắc đã ngon và an toàn.

Nói cách khác, nếu người thứ ba của chồng chị xuất hiện và chiếm lĩnh trái tim chồng chị phát xuất từ những nguyên nhân vừa nêu thì việc khắc phục bản thân sẽ giúp chị dành lại tình yêu nồng ấm của chồng như thuở mới yêu nhau say đắm.

Tập cổ vũ và khen ngợi anh khi anh làm gì đúng. Thông cảm và chia sẻ những mối quan tâm của anh về công việc và khó khăn. Ủng hộ và đồng hành với chồng về những sở thích tích cực. Dành cho nhau nhiều thời gian riêng tư. Tâm sự nhiều hơn để anh có thời gian quan tâm chị. Đừng than thở và mang chuyện trong nhà ngoài phố lên bàn ăn và giường ngủ. Mặn nồng và sáng kiến trong chăn gối. Giỏi về nữ công gia chánh. Khéo làm đẹp lòng cha mẹ chồng… Các nỗ lực thay đổi bản thân nêu trên sẽ góp phần tích cực trong việc thay đổi nhân cách và lối sống của chồng chị.

Chọn hướng đi đúng

Sau khi đã rộng lượng tha thứ chồng, nỗ lực thay đổi chính mình và đồng hành với chồng nhằm cứu vãn hôn nhân của anh chị trước bờ vực thẳm mà chị vẫn không thành công, do vì thói trăng hoa và ngang tàn của chồng thì tốt nhất chị nên nghĩ đến chuyện ly dị. Sự nấn ná, tiếc nuối và sợ bị xấu hổ trong tình huống này sẽ làm cho chị ngày càng đau khổ và bất hạnh hơn. Con của chị sẽ lớn lên trong tình trạng buồn thảm, có thể hận cha, có thể bị trầm cảm nặng, có thể không tin vào hạnh phúc hôn nhân. Vì trầm uất lâu ngày, cảm xúc, tâm tư và não sẽ bị tổn thương nặng. Sức khỏe của chị sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cha mẹ ruột của chị dù có cố dấu nỗi đau cũng không thể không sống trong tủi nhục.

Vì hôn nhân của chị là hợp pháp, việc ly dị phải thực hiện đúng lộ trình. Chị cần các tư vấn về luật từ luật sư chuyên môn để tiến hành thủ tục ly dị. Theo luật định, tài sản chung (nếu có) giữa hai vợ chồng kể từ thời gian hôn nhân sẽ được chia đôi; Con thơ chung của anh chị sẽ được chồng có trách nhiệm trợ cấp cho đến năm 18 tuổi. Đừng để mất quyền lợi hợp pháp nêu trên.

Về phía cha mẹ ruột, chị có thể nhờ những người có kinh nghiệm trong các Hội phụ nữ địa phương phân tích và thuyết phục cho ly dị. Có thể vì ở quê, cha mẹ chị không nắm rõ các khổ đau và tổn thất mà chị đang gánh chịu, để không cảm thấy xấu hổ về đứa con gái không thành công trong hôn nhân, mà ngược lại mạnh dạn ủng hộ tinh thần cho quyết định sáng suốt của chị.

“Sau cơn mưa, trời lại sáng” nên được sử dụng như phương châm để chị tự an ủi và hun đút tinh thần mình trong lúc này. Rồi mọi thứ trong cuộc đời này sẽ trôi qua theo thời gian, bao gồm nỗi đau. Sau khi ly dị, chị có thể gặp khó khăn về kinh tế như chị đã nêu trong thư, nhưng với nỗ lực và sự khôn khéo, trước sau gì chị cũng tìm cho mình cơ hội để tự nuôi sống trong hạnh phúc. “Cái khó ló cái khôn” trong nghịch cảnh là một ứng xử khôn ngoan.

Ngoài việc đi làm như thường nhật, chị nên tham gia các câu lạc bộ phụ nữ ở gần nhà, học thêm nữ công gia chánh, bơi lội và tập loại thể dục mà chị thấy thích hợp, dành thời gian vào việc chăm sóc con, đọc vài quyển sách minh triết của đạo Phật, chủ động giao du với bạn bè… là những việc mà chị nên làm để chuyển hóa nỗi buồn đau. Biết đâu, rời khỏi người đàn ông không xứng đáng làm chồng chị và cha của con chị sẽ là cơ hội mang lại cho chị hạnh phúc đích thực hơn.

Theo TT.Thích Nhật Từ