1. Ma Túy Không Phải Là Thiên Đường
Câu trả lời là ma túy không phải thiên đường mà là hiểm họa quốc gia. Người sử dụng ma túy sẽ chỉ thấy ảo giác sung sướng trong một vài phút rồi đau khổ triền miên. Hậu quả của ma túy làm suy giảm sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và làm băng hoại đạo đức trong thế hệ trẻ, chưa nói đến những tệ nạn xã hội từ ma túy mà ra. Sử dụng ma túy là một cách trốn tránh thực tại để đi vào thế giới ảo với những cảm giác sai lệch không lành mạnh. Mình thường tìm cách phòng chống ma túy nhưng lại không tìm cách thực tập để nói không với ma túy cho dù trong bất kỳ tình huống nào. Câu khẩu hiệu “không thử dù chỉ một lần” vẫn chưa đủ mạnh để người trẻ không tìm đến ma túy mà chưa hiểu rõ nguyên nhân vì sao họ lại tìm đến ma túy. Lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh ma túy to lớn đến nỗi làm che mờ cả những người tham gia vào đó. Kinh doanh mặt hàng này được ví như tội diệt chủng hay tội ác chiến tranh vì tàn phá cả đời người và cả một thế hệ. Môi trường không lành mạnh dẫn tới môi trường ma túy ngày càng nhiều khiến cho người trẻ đói khát ma túy. Ma túy như một thứ ma hay yêu tinh làm cho mình mê muội, lú lẫn và sẵn sàng gây tội bất kỳ lúc nào. Bên cạnh các loại giặc khác thì ma túy là một thứ giặc gây chết người, thậm chí làm mất đi tính người, biến mình thành dã thú.
Khi tác giả sống tại một khu nhà ở đường Nguyễn Kiệm gần Thiền viện Vạn Hạnh, tại khu hẻm nhỏ, nhiều kẻ sử dụng ma túy len lỏi vào các con hẻm, rồi hút chích ma túy trong bóng đêm, họ quăng những kim tiêm lên nóc nhà. Các nhà ở khu phố đó đều phải đóng cửa sổ, họ kinh hãi vì sợ kim tiêm quăng trúng người thì sẽ bị lây bệnh. Không phải chỉ có ngày 26-6 mới là ngày phòng chống ma túy mà phải cho là mỗi ngày đều phải phòng chống ma túy hết. Bây giờ người ta còn lập nên những tập đoàn ma túy có quân đội riêng và chống phá lại bất kỳ sự triệt phá nào của chính phủ. Chúng như những kẻ sát thủ dấu mặt mà bóng đêm của nó dang rộng khắp nơi, mọi ngỏ ngách, mọi hang cùng ngỏ hẻm. Có những nơi được xem là thị trấn ma túy hay thành phố ma túy và những người nghiện thân thể tâm trí xơ xác tiêu điều như cô hồn đói. Thậm chí có người cai nghiện rồi khi ra trại lại tiếp tục tái nghiện. Cái vòng lẩn quẩn của nghiện ngập thúc đẩy họ đánh mất bản thân, không làm chủ được mình, và cái dục vọng ấy một lần nữa đẩy họ vào thế giới ảo.
Người chiến binh cũng là người trẻ, nhưng anh quyết tâm xây dựng môi trường không ma túy. Nguyên nhân của người trẻ đi đến ma túy là vì họ bị rủ rê, chán đời, ước muốn không thực hiện được, bị ruồng bỏ, bị chê bai, đua đòi theo lối sống buông thả, quen theo những người nghiện, bị lôi kéo, bị thuyết phục, bị túng quẫn, nói chung là đủ thứ nguyên nhân ở trên đời. Vậy thực tập gì ở bản thân để không bị những điều này quyến rũ? Đơn giản thôi. Nói không với tất cả điều này. Nói không với đi chơi ở nơi không lành mạnh, ước muốn đơn giản để dễ thực hiện, nương tựa nơi bản thân để không dính mắc tình cảm, tập sống giản dị và thanh bạch, làm bạn với người tri túc, vân vân và vân vân. Xây dựng nếp sống gia đình quan tâm lẫn nhau sẽ giúp người trẻ nương nhờ gia đình, không nương nhờ ma túy. Một người cha suốt ngày chỉ lo kiếm tiền, bỏ bê con cái, đến khi về nhà con cái đã đi theo ma túy thì chỉ biết ngồi than thân trách phận, người cha như vậy dù kiếm nhiều tiền cũng không xứng đáng. Thực tập sức khỏe thân thể và tâm trí là cách nói không với ma túy. Thiền định có thể giúp người trẻ cảm thấy sảng khoái, an vui và hạnh phúc, thì họ không có lý do gì để tìm đến ma túy nữa. Ma túy là một thứ dục mà có thể giết chết con người trong tích tắc bởi vì nó là loại thức ăn độc hại, cho nên người trẻ cần ăn những thức ăn lành mạnh. Thức ăn lành mạnh dành cho người trẻ là văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng, khả năng thương yêu và cống hiến. Hạnh phúc gia đình là một loại thức ăn, hạnh phúc được cho đi mà không cần phải nhận là một loại thức ăn, hạnh phúc vì người khác hạnh phúc là một loại thức ăn, hạnh phúc vì mình biết mình đang hạnh phúc là một loại thức ăn, hạnh phúc khi có mặt cho người mình thương là một loại thức ăn. Loại thức ăn này đòi hỏi mình phải biết chế tác, chứ không phải chờ đợi kiểu sung rụng hay là hạnh phúc ngẫu nhiên. Hạnh phúc nằm ở trong bàn tay mình, xòe bàn tay năm ngón ra mình thấy cả cuộc đời trong đó. Hạnh phúc là dù vui hay buồn mình vẫn thản nhiên như không, cái buồn hay cái vui không nhấn chìm mình vào cái ảo của buồn vui. Còn nếu tìm kiếm hạnh phúc ảo trong thế giới của ma túy, người chiến binh sẽ nhắc với bạn rằng, đừng có mơ tưởng, bởi vì nó chính là nỗi khổ và niềm đau.
2. Tội Ác Đến Từ Ma Túy
Ma túy có sức hút mãnh liệt và biến đổi con người nhanh chóng. Một cậu học trò hiền lành vì ma túy mà biến thành kẻ sát nhân hay kẻ cắp. Những hành vi bị mất kiểm soát gây ra bởi tình trạng thất niệm của ma túy khiến cho mình gây án và phạm tội. Người sống trong thế giới ảo của ma túy là người thiếu định hướng, không biết mình đang nghĩ gì, mọi thứ đều do ma túy sai khiến và điều khiển. Khi làm chủ tâm bị đánh mất thì dĩ nhiên điều khác sẽ làm chủ nó, khiến cho nó ăn không được ngủ không yên. Căn bệnh HIV là cái giá phải trả cho người không biết làm mới mình, ngụp lặn trong ảo giác hão huyền, như là đi tìm kiếm lá diêu bông vậy. Họ phải trả giá bằng chính cuộc đời và mạng sống của mình, thay vì tận dụng kiếp sống con người này để tu tập và nuôi dưỡng thân tâm. Ma túy oằn con người xuống tận cùng của xã hội, không cho họ ngẩng mặt lên được, vì thế nó tạo nên hệ lụy không biết cho bao nhiêu thế hệ.
Tệ nạn nghiện ma túy và các chất gây nghiện làm mất đi một lực lượng lao động cho xã hội và làm hao tổn kinh phí quốc gia trong việc điều trị và cai nghiện. Người sau cai nghiện nếu rơi vào môi trường xấu thì vẫn có thể bị nghiện trở lại. Sự lây nhiễm bệnh tật hoặc hăm dọa rồi ám hại người khác bằng tiêm chích là cách thức trả thù đời của người nghiện ma túy bị nhiễm bệnh. Họ không cam chịu cái giá phải trả một mình mà lại muốn người khác cùng chung cảnh ngộ rồi thỏa thích trong đau khổ của kẻ khác. Ma túy là một chất đưa đến mê mẫn và cái gì làm cho mê mẫn thì chính là dục lạc mà dục lạc chỉ dẫn đến đau khổ. Nhưng người đã đắm chìm trong mê mẫn ấy rồi thì cho dù có khuyên nhủ hay dạy bảo vẫn không nghe theo trừ khi bản thân người đó có hành trì thực tập để hoàn toàn dứt bỏ nó đi. Các chất kích thích gây nghiện bị giới sinh viên và người trẻ lạm dụng chưa từng có trong lịch sử hiện đại chỉ vì ham muốn nhất thời. Sự thỏa mãn kéo dài vài giờ đồng hồ hay vài phút nhưng hậu quả hay sự đau khổ của nó mà người dính mắc phải gánh chịu là cả đời thậm chí là nhiều kiếp sống sau đó. Người sử dụng ma túy trở thành nô lệ của nó cả về thể chất lẫn tâm lý (11) bởi vì ham muốn kéo đến không ngừng và gây đau khổ vật vã cho thân họ không thể nào kiềm chế được. Ma túy như một thứ rượu độc mà khi đã uống vào thì sẽ say mãi không dứt. Người sử dụng ma túy coi như là người chết mà ngay từ lần sử dụng đầu tiên là đã chết rồi. Nhưng họ thường không biết mình là người chết bởi vì họ không còn suy nghĩ được nữa. Nhiều người suy nhược thần kinh, có khuynh hướng tự tử hoặc có khuynh hướng gây tội ác một cách vô cảm là những người nghiện ma túy rất nặng, hết thuốc chữa. Họ thường không ăn uống gì và chỉ sử dụng ma túy làm thức ăn hàng ngày mà thôi. Chỉ cần có một người trong gia đình sử dụng ma túy là cả gia đình và cộng đồng trở thành một thảm họa. Cái thảm họa này còn nặng nề hơn cả động đất hay bão lụt.
Không tích trữ và sử dụng ma túy cần phải được đưa vào giới luật của các vị khất sĩ nam cũng như nữ. Điều này giúp ý thức cộng đồng nâng cao và sự đóng góp vào giáo dục người trẻ của tôn giáo. Người chiến binh ý thức rằng không nên kỳ thị người nghiện ma túy bởi vì họ rất đáng thương khi không được giáo dục về tác hại của ma túy cũng như không có đủ điều kiện hay cơ hội tránh xa ma túy. Các tổ trưởng dân phố hay chủ tịch ủy ban phường cũng như các nhà chức trách địa phương không chỉ làm một việc là đi quyên góp hay vận động treo cờ mà nên hiệp sức lại với các cơ sở tôn giáo địa phương xây dựng môi trường lành mạnh và nếp sống địa phương lành mạnh. Họ cần nắm rõ nhu cầu hạnh phúc của từng gia đình để có thể khuyên giải các gia đình tu tập đứng đắn và giữ gìn ít nhất là năm giới, trong đó có giới không tàng trữ và sử dụng ma túy. Đây mới chính là cuộc chiến thực sự, chiến thắng bản thân trước cám dỗ của ma túy. Có làm được như vậy thì uy tín của chính quyền địa phương rất cao, không cần vận động tranh cử nhiều cũng sẽ được bầu chọn. Nhiệm vụ của chức trách địa phương là phải hướng vào người trẻ, tạo điều kiện cho họ tu tập theo nếp sống trong sáng, giúp đỡ người cai nghiện bằng các phương thức thực tập để họ có thể vượt thoát cám dỗ của ma túy. Truyền thông giữa nhà trường và gia đình là cần thiết. Có những ông bố bà mẹ chưa bao giờ tiếp xúc với thầy cô chủ nhiệm của con cái đến nỗi con cái học hành ra sao hay làm gì cũng không biết. Giao tiếp giữa gia đình và nhà trường cần như giữa bà nội trợ và đi chợ hàng ngày vậy. Giáo viên chủ nhiệm cần tiếp xúc với các bậc phụ huynh ít nhất là hai tuần một lần để tìm hiểu về con cháu của mình và có những cách thức thực tập hạnh phúc cho trẻ em và thiếu niên, tập cho các em biết sống có ý nghĩa. Người trẻ phải ý thức rằng niềm tin của hàng triệu người, gia đình, thầy cô, bạn bè nơi họ là rất lớn, cho nên họ cần phải biết sống là để chế tác hạnh phúc cho bản thân và mọi người, không phải là bơ vơ giữa những cám dỗ không đáng hưởng thụ.
3. Từ Quán Cà Phê Đến Vũ Trường
Người trẻ khi rảnh thì hay đi uống cà phê. Nhưng không phải chỉ vậy, đi uống cà phê được tận dụng mọi lúc mọi nơi, bàn bạc thảo luận vấn đề, hội họp, sinh nhật hay gặp gỡ bạn bè cũng được hẹn ở quán cà phê. Uống cà phê đã trở thành cái thú của người trẻ và họ tận dụng mọi cơ hội để uống cà phê. Đây chính là cơ hội cho hàng trăm quán cà phê mọc lên như nấm. Biết bao nhiêu tên gọi dành cho quán cà phê như thiên đường cà phê hay quán cà phê “độc” để thu hút giới trẻ tới đó nghỉ ngơi hay thư giãn. Ghiền cà phê cũng làm mất thì giờ rất nhiều và ghiền nó như ghiền một thứ ma túy nhẹ tuy không có tác hại gì mấy. Tác giả không phản đối gì việc người trẻ đi uống cà phê nhưng làm thế nào đừng để lạm dụng cà phê và sử dụng cà phê đúng cách. Uống nhiều cà phê đặc (12) có thể gây nên tình trạng tăng huyết áp, rối loạn tim mạch, tạo cảm giác bồn chồn lo lắng, gây rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Nhiều người thích uống cà phê vào buổi sáng để tĩnh táo mà làm việc hay học bài. Nếu uống một chút thì không có hại gì cho sức khỏe mà còn đem lại sự thoải mái. Tuy nhiên điều muốn nói là cách uống cà phê. Nhiều người uống cà phê nhưng không biết là mình đang uống cà phê, bởi vì khi uống họ nói chuyện huyên thuyên với người kế bên, tai nghe đủ thứ nhạc, mắt nhìn lơ đễnh ra khắp nơi. Như vậy cái vị cà phê cũng đã nhạt nhòa đi rồi. Việc lạm dụng đi uống cà phê nhiều khi cũng đánh mất thời gian chế tác hạnh phúc của người trẻ. Khi uống cà phê, không gian cần yên tĩnh, không nên nói chuyện nhiều, chỉ chăm chú uống cà phê thôi. Nhiều người vừa uống vừa xem báo và không thưởng thức được vị ngon của cà phê. Uống cà phê là để uống cà phê, ngoài ra không cần làm gì khác. Khi uống, người uống ý thức sự góp mặt của hương vị đất trời trong từng giọt cà phê, hương vị của nước hòa chung với cà phê, hương vị ngọt của đường cùng với hương vị của không gian yên tĩnh, lúc này người uống cà phê sẽ không đánh mất mình trong một việc là uống cà phê.
Hiện nay có quá nhiều vũ trường mọc lên. Người nào mà đi vũ trường nhiều thì được cho là “tín đồ vũ trường”. Người đi vũ trường ngày càng trẻ hóa và nhiều tệ nạn xã hội cũng như những cạm bẫy cũng bắt đầu từ đây. Ghiền đi vũ trường như ghiền một thứ ma túy, cơ thể không nhảy nhót hay không uống rượu là không chịu được. Cách sống vô độ trong một số thành phần giới trẻ tạo nên sự xuống cấp về mặt đạo đức. Họ đi vào vũ trường như đi vào một thế giới ảo, thác loạn và nhiều lúc đánh mất nhân cách. Những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng rồi đến khi mặt trời ló dạng thì hớt ha hớt hải đến trường hay đến công sở. Nổi loạn của người trẻ rầm rầm rộ rộ với lối sống bất cần đời làm cạn kiệt xã hội và khô héo thời gian. Thế giới ảo tạo ra càng nhiều thì họ càng thích, có những người sau cuộc vui như vậy thì khóc tức tưởi vì trời đã sáng, nỗi cô đơn và lạc lõng xâm chiếm tâm hồn họ như một vết dao đâm vào tim, và điều mà họ chờ đợi là màn đêm buông xuống để mà đi chơi tiếp. Sự cám dỗ của thuốc lắc và ma túy sử dụng tràn lan trong vũ trường vắt kiệt sức của người trẻ, những con người thật bơ vơ, lạc lối và đầy sợ hãi.
Người chiến binh thể hiện sức trẻ của một quốc gia, cho nên anh quyết tâm không vắt kiệt sức của mình một cách ngu xuẩn trong các trò thế giới ảo như vậy. Sống thác loạn là một thứ dịch bệnh cho nên anh không muốn mắc phải dịch bệnh này. Duy trì một lối sống lành mạnh là cách để anh và gia đình không bị nhiễm bệnh, đó là cách tạo nên thuốc kháng sinh chống lại mọi thứ virus gây ô nhiễm thân tâm. Hãy thực tập giữ trái tim và trí não của mình được nguyên vẹn. Đó là bộ não không bị nhiễm ô bởi lối sống buông thả phóng túng. Người trẻ phải biết rằng mình đang mang trong cơ thể các yếu tố của ông bà và cha mẹ, có nghĩa tổ tiên chính là người mang lại cuộc sống cho mình và đặt niềm tin cũng như hy vọng nơi mình rất nhiều. Họ mong mình có trái tim và bộ não trong sạch. Nếu như mình làm nó nhiễm ô và buông bỏ nó nghĩa là mình bất hiếu với tổ tiên, bất hiếu với ông bà cha mẹ. Người trẻ tự làm ô nhiễm thân tâm chính là làm ô nhiễm cả tổ tiên bởi vì chính tổ tiên có mặt trong người trẻ thì người trẻ mới có mặt ngày hôm nay. Người sống thác loạn là một người bất hiếu với đấng Hùng Vương và bất hiếu với bản thân của họ, hay nói cách khác là một kiểu tự tử và triệt tiêu nòi giống. Vâng, đúng như vậy. Người sống buông thả là người đang đi vào con đường tự tử, bởi vì họ không tôn trọng mạng sống của mình. Thực tập hành vi lành mạnh là cách thức báo hiếu tổ tiên đẹp nhất. Người có hành vi lành mạnh là người biết bảo vệ tiết hạnh của bản thân và của kẻ khác. Người có hành vi lành mạnh là người sống khiêm cung, thực tập sống giản dị hay bình dị, không vướng mắc vào các lối tiêu khiển trần tục đánh mất mình. Người có hành vi lành mạnh lấy sự tiết kiệm và bố thí làm kim chỉ nam, chứ không phải là tiền hay hưởng thụ vật chất. Người có hành vi lành mạnh là người sử dụng lời nói hòa nhã và luôn lắng nghe người khác. Người có hành vi lành mạnh là người sống giữa cuộc đời đầy ô nhiễm nhưng vẫn trong trắng không nhiễm ô. Người có hành vi lành mạnh là người tôn trọng và trân quý mạng sống của mình. Người luôn thực tập những hành vi lành mạnh là người sống có nghệ thuật. Một người biết sống đẹp như vậy thì khi họ đi đến trang cuối cùng của cuộc đời cũng không hề biết sợ hãi, bởi vì họ đã làm nên ý nghĩa của cuộc đời rồi.
4. Ngũ Dục Là Một Thứ Ma Túy
Ngũ dục là năm món tham đắm của thế gian là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Sự tham đắm vào năm dục này ngoài việc làm cho con người có thể tàn hoại thân tâm mà còn đánh mất đi kiếp làm người ở đời sống tiếp theo. Ý kiến cho rằng đã làm người mà không chịu hưởng thụ năm dục thì làm người làm gì, đó là lối suy nghĩ theo tà kiến hay là tà tư duy. Mình lúc nào cũng dành nhiều thời gian để thỏa mãn những ham muốn về việc có nhiều tiền của, chạy theo sắc đẹp, tranh giành quyền lợi địa vị, thích sống xa hoa ăn những món ăn ngon, thích những xúc chạm giả tạo. Khi mình không đạt được những điều này, mình cảm thấy có tội với bản thân, thậm chí có người thấy tủi thân và cố gắng làm sao để đạt cho kỳ được. Chính vì muốn ăn ngon, nên mình bỏ quá nhiều thời gian để làm ra những món ăn rất cầu kỳ, rất tốn kém nhằm thỏa mãn nhu cầu ăn của mình. Thậm chí có người tìm đến những nhà hàng sang trọng, cho dù xa xôi cách mấy, để thưởng thức món ngon vật lạ lần đầu tiên xuất hiện mà chẳng màng gì đến sinh mạng của các loài động vật. Có người cứ tối ngày chạy theo sắc đẹp, người nam cũng như người nữ làm trí lực hao mòn, tiền tài hao tổn, gia đình bỏ bê, con cái ê chề, vậy mà vẫn không biết đâu là đúng đâu là sai. Còn có người thì tranh giành quyền lợi, chia bè kết phái, tạo ra đủ thứ kiểu tranh quyền đoạt lợi trong xã hội khiến cho người thân than vãn, trí tuệ tiêu hao, mất hết bạn bè. Vậy mà vẫn không chịu dừng lại, vẫn còn chạy theo cái mớ bòng bong ấy.
Ngũ dục như một thứ ma túy. Tham đắm ngũ dục giống như khát nước mà lại đi uống nước muối. Nước muối uống hoài thì làm sao mà hết khát được. Khi mình có những xúc chạm mà người đời cho là dễ chịu thì lúc thỏa mãn lại tiếp tục muốn có nữa và ngày càng mất phương hướng trong đó. Nếu như một ngày nào mà không có sự xúc chạm dễ chịu thì bứt rứt khó chịu như là đang lên cơn ghiền ma túy vậy. Sở dĩ mình đau khổ là vì mình quá tham lam, mình không biết hài lòng với những gì mình có, mà chỉ mong đạt được những thứ không phải là của mình. Người đi vào thế giới ngũ dục là đi vào thế giới ảo, bởi vì nó không bao giờ cạn. Người mà kinh doanh được hoài thì sẽ khó có nhiều thời gian để thực tập lối sống đơn giản bởi vì họ đang bị kẹt vào việc kiếm tiền. Làm việc đủ chi tiêu thì sẽ có nhiều thời gian thực tập hạnh phúc hơn. Cơm áo gạo tiền chỉ là những phương tiện giúp duy trì sự sống để có thể tu tập chứ không phải biến mình thành cái máy tiêu thụ hay hưởng thụ những cái mình làm ra. Người nghèo mà biết tu là chuyện thường, người giàu mà biết tu thì còn gì bằng, nhưng trong xã hội này người giàu tu không có nhiều bởi vì đã giàu thì làm gì có nhiều thời gian để tu, họ lo giữ tiền và kiếm tiền, đầu óc lúc nào cũng có những con số và điều mà họ quan tâm là có mấy con số không sau con số chín trong tài khoản ngân hàng.
Người chiến binh biết rằng mình ăn cơm là để sống, mình mặc áo là để che thân, ngủ là để có sức khỏe, mình uống nước là để nuôi dưỡng cơ thể, nhưng mục đích cuối cùng của việc sống, việc che thân, việc có sức khỏe, việc nuôi dưỡng cơ thể là để thực tập hạnh phúc trong giây phút hiện tại, chứ không phải chạy theo bất cứ ảo tưởng nào khác. Người sống trong thiếu thốn vật chất mà vẫn cảm thấy vui, thấy hạnh phúc, thấy bình thản an nhiên tự tại thì còn gì bằng. Người biết tu cho dù tặng thưởng hàng triệu đô để yêu cầu chạy theo ngũ dục thì cũng không thèm. Mình chỉ cần những giây phút bình yên, trong thân và tâm, như vậy là còn hơn cả tỷ phú rồi. Mình không sống một cuộc sống thấp hèn, mình sống cuộc sống cao đẹp, nghĩa là càng ít mong cầu thì càng tốt, bởi vì khi đó mình không phải lo lương được hưởng ít hay nhiều, bởi vì lương được trả bao nhiêu cũng đủ cả. Thị hiếu của con người là một loại bệnh trầm kha, bởi vì càng có nhiều thị hiếu, nhu cầu càng nhiều và tham muốn càng cao, cho nên lúc nào cũng là nền kinh tế thị trường thì cũng chưa chắc đã sung sướng, nếu tránh cái khổ kinh tế bao cấp thì cũng gặp phải cái khổ của kinh tế thị trường. Người sống thiểu dục khi mạng chung sẽ không sợ hãi bởi vì mình chẳng có gì để luyến tiếc, tài sản không có, địa vị không có thì chết rất bình thản, có gì đáng tiếc đâu. Còn người tiền đầy nhà có thể đè chết người, địa vị quyền lực trên dân thiên hạ khi chết hối tiếc vô cùng, than thân trách phận sao mình không hưởng thụ cho đã để giờ chết rồi, tiền đó ai xài đây, nếu để lại cho con cái và chúng nó tranh giành tài sản lẫn nhau, tình ruột thịt cũng mất. Như vậy cái sung sướng trong ngũ dục chỉ là cái hạnh phúc ảo, nó không có thực và nó làm cho mình trở thành nô lệ. Mà có ai muốn trở thành nô lệ bao giờ, cho nên chỉ cần sống đạm bạc, thanh nhàn, tận hưởng những phút giây đầy thi vị của đất trời, như vậy thì dù nhắm mắt xuôi tay vẫn vui như thường.
5. Dính Mắc Là Một Thứ Ma Túy
Tâm dính mắc là một thứ tâm dễ dàng dẫn đến sự thất niệm. Người dính mắc vào một điều gì đó dễ tạo ra tri giác sai lầm bởi không thể buông bỏ được điều mà mình đang dính vào. Có thể nói người này mù quáng khi đang lâm vào cảnh mê hồn trận của điều đang dính mắc. Nhiều người dính mắc vào công việc làm ăn hay kiếm tiền và ngày càng đi sâu vào con đường đó, cho đến khi đã nằm sâu trong thương trường rồi, muốn rút ra cũng không được. Người đang say mê đắm đuối trong chuyện tình ái thì đối tượng mà mình theo đuổi luôn nằm trong tâm trí của họ, nghĩ về đối tượng đó và vẽ ra biết bao nhiêu cảnh tượng đẹp về người đó, thậm chí hy sinh vì người đó, mặc dù có nhiều người can ngăn cũng không nghe. Đây là sự dính mắc dai dẳng, cái dính mắc này cũng là một thứ ma túy khiến cho nhiều khi đường sáng không đi mà lại đi trong đường tối. Người trong cuộc thường đưa ra nhiều tiêu chuẩn cho việc làm của mình, quá nhiều tiêu chuẩn sẽ dẫn đến dính mắc, bởi vì khi chạy theo tiêu chuẩn, khoảng thời gian suy nghĩ về nó sẽ rất nhiều, sự thực tập chánh niệm chính vì thế cũng giảm và biến mình thành người dính mắc. Khi nhìn thấy một người rất đẹp, mình mải ngẩn ngơ nhìn cái đẹp của người đó, đến khi mẹ kêu tên mình đến lần thứ ba mới giật mình kêu dạ một tiếng, trong phút chốc chút xíu này, mình đang bị dính mắc vào cái đẹp của một người khác và hậu quả là giựt mình khi mẹ kêu, lúc đó mình mới quay trở về với thực tại. Một quốc gia bị dính mắc vào chiến tranh, cứ đánh và giết không biết bao nhiêu sinh mạng chỉ là để theo đuổi một cái tiêu chuẩn tự do nào đó về mặt chính trị mà khi giựt mình tỉnh lại thì không biết bao nhiêu người phải gánh chịu khổ đau rồi.
Lạc vào sự dính mắc là lạc vào thế giới ảo. Nhiều người mong cầu bay vào không gian, lên mặt trăng, lên sao hỏa, nhưng mà những chuyện rùm beng ở trái đất vẫn chưa giải quyết được. Mình đang dính mắc vào cái xa vời mà không biết là ở trái đất có biết bao nhiêu mầu nhiệm chờ khám phá, mất thì giờ làm gì để lên mặt trăng hay sao hỏa. Nhiều người dính mắc vào một thứ thần thánh, hay là một bậc siêu hình, như là ông trời chẳng hạn. Mỗi lần có chuyện gì là la hét lên “trời ơi” đến người cuối xóm vẫn có thể nghe được. Vậy mà người này không biết là khi đi học có chuyện thì kêu “cô giáo ơi”, thì cô sẽ có mặt, ở nhà có chuyện kêu “mẹ ơi” thì mẹ sẽ có mặt, ở trong tu viện kêu “sư phụ ơi” thì sư phụ sẽ có mặt ngay. Còn kêu trời ơi, Chúa ơi hay Phật ơi, chắc chắn các vị này sẽ không có mặt đâu, các vị này đã có mặt trong thầy cô, cha mẹ, thầy tổ rồi, cần gì phải tìm kiếm xa vời nữa. Như là mặt trăng hay sao hỏa đã có mặt trong trái đất, không cần phải mơ ước viễn vong làm gì. Cho nên phải biết cái gì quan trọng hay cái gì không quan trọng trong thời điểm hiện tại. Có người dính mắc vào cái bàn, cái giường, quyển sách hay thậm chí là cái tăm xỉa răng. Cứ hễ ăn cơm xong là phải ngậm tăm xỉa răng rồi chép miệng kêu thành tiếng cả giờ đồng hồ mới chịu thôi. Còn có người giữ những cuốn sách khư khư bên mình hay những đồ cũ kỹ mà không chịu cho đi hay buông bỏ, giữ trong lòng những cái kỷ niệm, sống trong kỷ niệm, buồn vui về kỷ niệm, dính mắc vào những thứ kỷ niệm đó, mà quên đi rằng trong hiện tại biết bao nhiêu kỷ niệm đang chờ mình chế tác.
Người chiến bình không muốn dính mắc vào bất cứ một điều gì, kể cả chính trị, cho nên anh thực tập hạnh bố thí và hạnh buông bỏ. Mình bị nhiều thứ trói buộc nên bị dính mắc vào những thứ đó, vì vậy phải biết buông bỏ hay bố thí. Ăn một miếng cơm ngon phải biết rằng mình thật may mắn vì có cơm để ăn, biết bao người nghèo ở Châu Phi hay Nam Á phải kiếm ăn từng ngày, nghĩ như vậy mình sẽ không thèm ăn ngon và biết bố thí cơm gạo cho người nghèo. Đọc một quyển sách hay thì nên tặng lại cho người khác, để người khác có cơ hội thực tập điều hay từ trong sách như mình, khi đó mình không mất công ngồi xếp sách vào kệ tủ làm gì mà còn có thể giúp cho người khác nữa. Đó chính là buông bỏ hay bố thí. Khi người thân qua đời, mình không bị kẹt vào hình tướng của người chết, người già thì phải chết, là quy luật tự nhiên, họ chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác thôi. Nhiều người khóc than kêu la khi người thân của mình qua đời. Họ khóc không phải vì không còn tiếp xúc được với người thân nữa mà là vì hối hận, hối hận vì khi còn sống họ đã đối xử với người thân quá tệ bạc, không trân quý sự có mặt của người thân, cho nên khi người thân chết rồi mà vẫn chưa làm gì được nên họ khóc sầu bi như vậy. Đó là sự dính mắc vào hình tướng, nếu buông bỏ điều này thì sẽ không cảm thấy buồn hay bơ vơ nữa. Sở dĩ có dính mắc là do có tham cầu, có tri giác sai lầm, thực tập sống trong hiện tại thì dính mắc sẽ từ từ được chuyển hóa.
6. Bài Bạc Là Một Thứ Ma Túy
Ghiền đánh bài được xem như là căn bệnh đỏ đen. Người ghiền có thể không kiểm soát được mình bởi vì ma lực đỏ đen lấy hết tinh thần của người ghiền. Nhiều người phải mất cả gia tài, mất cả gia đình chỉ vì đam mê cờ bạc. Có câu bài bạc là bác thằng bần chẳng sai, có ai kiếm tiền hay làm giàu bằng nghề cờ bạc bao giờ. Nhiều người vì thua bài bạc, cho nên tức tối trong lòng vì biết bao nhiêu tiền của dành dụm bị mất vào tay kẻ khác, họ than thân trách phận, khi quẫn trí dẫn đến tự tử. Người trẻ tự tử vì thua bạc không phải là ít và hạnh phúc của họ bị đánh mất trong những hột xí ngầu hay đômino. Số tiền mà người giàu đem đi đổ vào sòng bài có thể gấp 20 lần tổng tài sản quốc dân của một đất nước có nền kinh tế phát triển trung bình. Điều này cho thấy sự xa xỉ và vung tay quá lớn của người ghiền cờ bạc. Nếu số tiền này đem xây dựng bệnh viện để chữa trị miễn phí cho các bệnh nhân nghèo thì có thể tính số bệnh viện lên đến hàng ngàn và có thể chữa bệnh miễn phí cho hàng triệu người nghèo. Ghiền cờ bạc như ghiền ma túy, đánh hoài thì cứ muốn chơi hoài, khó có thể dứt ra được, chỉ trừ khi hết tiền thì thôi. Ngưng đánh bài thì người ghiền cảm thấy bứt rứt khó chịu, thậm chí nếu không chơi bài ngày nào thì cảm thấy ăn năn hối hận. Phần lớn người trẻ ghiền trò này thường hay có trí quên, quên là mình sắp hết tiền, quên là gia đình đang buồn vì mình, hay quên số tiền đem đi đánh bài là tiền mượn.
Lạc vào sòng bài như lạc vào thế giới ảo. Chỉ có vào mà không có đường ra, mình chỉ ra khi đã nhẵn túi mà thôi. Những người cô đơn hay xuống tinh thần thường hay tìm đến sòng bài, ngồi thờ thẫn trước máy ăn tiền của sòng bài và thậm chí muốn tự kết liễu đời mình vì quá buồn tẻ. Rất nhiều gia đình trở nên đổ vỡ vì có vợ hoặc chồng ghiền đánh bài. Thông thường họ ít khi nghe lời khuyên của người khác mà cứ lao vào cái gọi là chỉ cần một lần là có thể trở thành triệu phú. Mình trở thành “sấp ngửa” cùng lá bài và làm giàu cho người khác một cách dễ dàng. Người ghiền đánh bài không hề có khái niệm về thời gian ngày hay đêm, họ không ý thức được là mình đang suy nghĩ hay hành động gì nữa. Cái gọi là thiên đường cờ bạc trở thành địa ngục của không biết bao nhiêu người, vậy mà họ vẫn nhắm mắt đưa chân, đắm mình trong âm thanh “xí ngầu”. Mình trở nên đờ đẫn vì chơi bài và mình trông như một cái xác không hồn khi vừa bước ra khỏi sòng bài.
Người chiến binh chưa một lần đụng vào bài bạc. Anh không muốn thí cuộc đời của mình vào những lá bài đó, anh không muốn bị làm chủ bởi những hột xí ngầu vô tri. Anh chí thú làm ăn, làm những nghề lương thiện bởi vì đồng tiền lương thiện sẽ mang lại sự tiêu thụ hạnh phúc. Anh chỉ muốn có đồng tiền từ sức lao động chân chính của mình, có thế anh mới có thể tự lập, sống thanh thản mà không cần phải lệ thuộc vào bất kỳ người nào khác. Anh biết rằng anh sống không phải chỉ mang lại hạnh phúc cho bản thân, mà còn mang lại hạnh phúc cho gia đình và người khác nữa. Anh biết hạnh phúc của gia đình không phải được mang lại từ các yếu tố của bài bạc, mà là sinh sống bằng những công việc rõ ràng, lành mạnh. Theo quan niệm luân lý, cho dù đánh bài theo kiểu nào cũng mang tính sát phạt và làm giảm giá trị về đạo đức, cho nên không đánh bài là cách thực tập nếp sống lành mạnh, không chạy theo tiền tài hay vật chất. Đánh bài là sự hành xác, cho nên không đánh bài thì thân thể và tâm trí khỏe re, không cần phải suy nghĩ, không cần phải lo sợ gì cả. Nhiều người sa vào đường bài bạc như trốn chạy với thực tế khổ đau, cho nên sử dụng bài bạc như một lối thoát để không đương đầu với thực tế. Không sa vào đường này thì người trẻ có nhiều thì giờ đón nhận cuộc sống hơn, làm việc tạo ra của cải hợp lý và sống có ích hơn. Cờ bạc là một thứ đam mê, như đam mê game online hay là sử dụng ma túy, hậu quả là có những rối loạn không bình thường dành cho người chơi. Cho nên hãy tiếp xúc với những trò chơi dễ thương, làm bạn với những người dễ thương, lựa chọn sống trong một môi trường dễ thương thì người trẻ sẽ trở nên dễ thương, bao nhiêu cám dỗ cũng không làm con người dễ thương gục ngã được. Và khi bạn ngồi bên một người dễ thương như vậy bạn sẽ cảm thấy an tâm và an toàn.
7. Kiếm Tiền Là Một Thứ Ma Túy
Người trẻ thường hay quan niệm kiếm tiền là chân lý: có tiền là có tất cả. Trẻ em từ nhỏ đã bị giáo dục nhồi sọ là lớn lên phải làm ông này bà nọ để có thể kiếm được thật nhiều tiền, càng nhiều càng tốt. Mình như đã dính vào một con thuyền mà không biết dòng nước đưa mình đi về đâu và không biết khi nào mới tìm được bến đỗ. Dòng nước này như là việc kiếm tiền, con thuyền chính là mình, bến đậu là ham muốn của mình. Ham muốn có thật nhiều tiền không bao giờ cạn cho nên đã đi thuyền trên dòng nước này thì chỉ có đi ra biển vì sông thì phải chảy ra biển, đến biển rồi vẫn mãi lênh đênh không biết đất liền ở nơi nào. Người cha của một đứa trẻ từ khi được lên chức thì vắng mặt ngày càng nhiều và đứa trẻ thèm được cha đánh đòn. Sự thăng tiến trong công việc đồng nghĩa với việc tăng lương, tăng lương thì kiếm thêm tiền khiến cho người cha của đứa trẻ quên mất là ông đang có một gia đình. Khi ông còn ở nhà, đứa con quậy phá thì ông đánh đòn và đứa trẻ sợ sệt chạy vào phòng nhõng nhẽo với mẹ của nó, nhưng khi người cha đi mất lăn vào vòng xoáy của việc kiếm tiền, đứa trẻ lúc này lại thèm được cha nó đánh đòn. Không phải vì muốn có roi vọt mà là vì nó nhớ cha, muốn cha thương yêu nó, có mặt với nó, không phải lúc nào cũng bôn ba bên ngoài kiếm tiền quên đi sự có mặt của nó.
Hành vi dính mắc vào việc kiếm tiền là hành vi đi tìm kiếm vô thường, nghĩa là tìm kiếm cái không có. Người nương tựa vào việc kiếm tiền sẽ mãi khổ đau, vì kiếm hoài vẫn không biết bao giờ đủ. Nhiều nhà doanh thương lao vào kiếm tiền như tận hưởng ma túy, trong đầu óc của họ lúc nào cũng sợ sệt và căng thẳng như người chơi chứng khoán, không biết khi nào chỉ số chứng khoán sẽ tăng hay giảm, giá bán chứng khoán sẽ trồi sục bao nhiêu điểm. Nhiều người trẻ bất chấp thủ đoạn hay mánh lới, bất chấp bạn bè thầy cô hay người thương, bất chấp ô nhiễm môi trường hay đạo đức xã hội, mà làm nhiều việc sai trái để chỉ mong kiếm nhiều tiền mà thôi. Tiền đi vào tay này rồi lại ra tay khác, đi vào thế giới của tiền là đi vào thế giới ảo, bởi vì ảo nên nô lệ đồng tiền sẽ đánh mất mình rất nhanh, tiền mang đến cho mình sự ảo tưởng về hạnh phúc trên đời, một thứ hạnh phúc trá hình. Tiền dẫn đến biết bao tội lỗi, tranh giành nhau kiếm tiền, thậm chí còn đánh nhau chỉ để giành ăn mà thôi. Cũng như ở đất liền người ta giành nhau từng miếng đất làm mất tình anh em, trên biển người ta cũng giành nhau từng lít dầu làm mất tình hữu nghị giữa các quốc gia. Trong công sở người ta giành địa vị làm mất tình đồng nghiệp, trong thôn xóm người ta giành từng lời ăn tiếng nói làm mất tình làng nghĩa xóm. Quy tụ lại là chỉ muốn giành sự hơn thua được mất, mà trong số đó là giành tiền. Tôi muốn kiếm tiền nhiều hơn anh, hơn chị, việc anh chị kiếm tiền nhiều hơn tôi làm tôi rất bực mình, cho nên tôi phải kiếm tiền nhằm không chỉ làm thỏa mãn cái nhu cầu hơn thua của tôi mà còn làm thỏa mãn cái hưởng thụ kiếm tiền của tôi nữa.
Người chiến binh cảm thấy nực cười khi mọi người đánh nhau vì việc kiếm tiền. Đi kiếm tiền là chỉ để kiếm tiền, không phải nhằm mục đích gì khác. Thực tập tính “vô ngã” của việc kiếm tiền sẽ giúp anh thấy thoải mái, an tâm và ban đêm ngủ ngon hơn. Anh xem một bài quảng cáo trên truyền hình về đôi vợ chồng buổi tối ngủ không yên giấc vì lo tìm kiếm một ngân hàng nào đó thật có uy tín đảm bảo giữ tiền của mình, rồi nửa đêm thức dậy phải âu lo rằng không biết ngân hàng mình lựa chọn có an toàn hay không. Anh thấy tội nghiệp cho họ vì họ đang sợ hãi không biết tiền sẽ đi về đâu. Anh không có nhiều tiền thì không cần phải lo nhiều, tối ngủ sẽ ngon và ăn cơm sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tiền nhiều thì lo nhiều, lo kiếm tiền nhiều thì bị stress nhiều, đơn giản vậy thôi. Anh không dính mắc vào việc kiếm tiền, tìm kiếm niềm vui trong việc kiếm tiền chỉ là cái vui mong manh, không mang lại cho anh cái vui trong hiện tại và cái vui lâu dài. Anh thực tập để có hạnh phúc trong những sự giản đơn. Trong cái khổ có cái vui, trong cái vui có cái khổ, cho nên bình thản trước việc tiền nhiều hay ít không thành vấn đề đối với anh. Anh chỉ muốn có nhiều cơ hội thực tập sống an vui, mà không bị đồng tiền lôi kéo, có nó cũng được, không có nó cũng không sao. Sự phát triển cá nhân không phải là anh kiếm được bao nhiêu tiền trong một giờ đồng hồ mà là trong một giờ đồng hồ đó anh chế tác được bao nhiêu hạnh phúc cho chính bản thân và cho những người yêu thương.
8. Nói Dối Là Một Thứ Ma Túy
Chẳng có ai tự hào về chuyện nói dối cả. Nói dối là một kiểu nói không ái ngữ, nói sai với sự thật. Nói phóng đại, nói hai lưỡi hay nói một cách đổi trắng thay đen đều là nói dối. Nhiều người trẻ thích nói dối vì muốn được tôn trọng, muốn không phải là mình, cho nên nói dối để tạo ấn tượng ảo hay tự hào ảo từ phía người nghe và bản thân. Người nói dối ắt hẳn phải có một trí nhớ rất tốt thì mới có thể nói được nhiều như vậy. Trong tiếng Anh chữ nói dối được sử dụng bằng mạo từ ‘a’ trong ‘a lie’ và lời nói chân thật phải sử dụng mạo từ ‘the’ trong ‘the truth’. Bởi vì lời nói dối thì nhiều vô số kể mà lời nói thật thì chỉ có một. Nói dối bây giờ đã trở thành một thứ văn hóa: văn hóa nói dối mà trong đó nhiều người nói dối y như thật. Cái này gọi là bệnh nổ và tác hại của nó làm mất đi vẻ đẹp của tính chân thật, biến môi trường của người đang sống thành một môi trường giả dối. Lời nói dối xuất hiện khắp nơi, từ người trẻ đến người già, từ thành thị đến nông thôn, từ lĩnh vực này đến lĩnh vực kia, và nói dối trở thành căn bệnh trầm kha. Nhiều người khoái nói dối và biến nói dối thành trò chơi trong cuộc sống.
Có người dối ngay với chính mình. Bản chất của mình là như vậy nhưng lại không dám nhìn nhận, đành phải sống một cách dối lòng và dối những người xung quanh. Uy tín hay sự tín nhiệm sẽ bị mất đi nếu người bị nói dối tìm ra sự thật, tuy nhiên điều này không nghiêm trọng bằng việc nói dối dẫn đến tội ác và chiến tranh tàn khốc. Một quốc gia mà sống trong sự giả dối thì hãy tưởng tượng mọi thứ sẽ đi về đâu và quốc gia đó cũng như những người sống trong quốc gia đó có tìm kiếm được sự hợp tác từ các quốc gia khác hay không. Lời nói dối là hành động tự giết chết mình, và mình chết ngay từ suy nghĩ đầu tiên về lời nói dối ấy. Việc ghiền nói dối như ghiền một thứ gây nghiện, tạo cảm giác phấn khởi, đầy trí tưởng tượng và gây nên tình trạng thất niệm lớn nhất. Lạc vào thế giới nói dối là lạc vào thế giới ảo bởi vì có gì là thật đâu, ảo là giả dối và giả dối là ảo, chỉ thế thôi.
Người chiến binh thực tập không nói dối bởi anh biết rằng nói dối là một cách thức để biện minh cho bản thân hay thỏa mãn nhu cầu bản thân. Người nói dối là người không đẹp, không là cái thiện. Người thực tập nói thật là người đang hướng về cái đẹp, cái thiện. Muốn người nói thật phải xây dựng môi trường nói thật, từ người trẻ người già, người công nhân hay tri thức, từ gia đình hay xã hội, đều phải nói sự thật. Có sao nói vậy người ơi! Câu nói có vẻ nghe bông đùa nhưng mà sự thật là như vậy, có một nói một có hai nói hai, không thêm bớt gì cả. Người lớn cần làm gương và giáo dục người trẻ thực tập nói thật, những lời nói đem niềm an vui đến cho mọi người. Lời khen ngợi đối với người nói thật là điều cần thiết vì đó sẽ là bài học cho những người hay nói dối khác. Thực tập lời nói ái ngữ là phương thức nói thật hay nhất. Tình thương giữa người với người khiến cho mình có trách nhiệm nói thật, bởi vì mình thương người, mình không lừa dối họ, mình thương người nên mình muốn người hiểu những gì mình nói, mà muốn người thương hiểu những gì mình nói nên mình chỉ nói thật, nói lời ái ngữ. Cuộc sống bận rộn khiến cho mình quên nói lời ái ngữ, cho nên cần thực tập buông bỏ lời nói không đẹp hay những lời nói dối. Như cây xanh khi được tưới nước mát và vun bón bằng những loại phân thích hợp thì sẽ tươi tốt, sai hoa kết trái. Con người cũng vậy, nếu mình tưới tẩm người khác bằng những lời nói chân thật, từ ái, đầy từ bi bao dung thì người đó cũng sẽ mau chóng lớn lên tràn ngập yêu thương. Mình thường hay dành nhiều thì giờ cho những tiện nghi vật chất mà quên tạo dựng tiện nghi tinh thần. Chế tác những lời chân thật là cách thức tạo dựng niềm tin và hy vọng, những lời ái ngữ tạo cho mình và người khác gần gũi nhau hơn. Hạnh phúc không ở đâu xa, nó ở ngay những lời nói của bạn, lời nói đẹp có thể tưới tẩm không biết bao nhiêu hạt giống lành. Lời nói không phải để gây chia rẽ hay hận thù, tâng bốc hay chỉ trích, lời nói dùng để xoa dịu niềm đau và chế tác hạnh phúc. (13)
9. Hận Thù Là Một Thứ Ma Túy
Hận thù là sự thể hiện đầy bạo động của tâm. Người sống trong hận thù luôn không yên, lúc nào cũng mệt mỏi, chán nản, luôn căng thẳng, sợ hãi và đau khổ. Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, đầy dẫy những hận thù, con trả thù cho cha, cha trả thù cho con, không biết bao nhiêu người trẻ đam mê cái kiểu thù hận chồng chất như vậy. Nếu lấy hận thù để trả cho thù hận thì chẳng bao giờ có thể giải quyết được, điều đó chỉ làm cho cả hai bên ngày càng đau thương mà thôi. Những bài thơ, tác phẩm, bài ca, bài báo có rất nhiều sự hận thù, chỉ trích, lên án, lời lẽ chứa đầy bạo động cũng là chất xúc tác nuôi dưỡng lòng thù hận của con người ở mọi khía cạnh. Cạnh tranh không thành cũng dẫn đến hận thù thành ra tìm kế hãm hại nhau theo xu hướng cạnh tranh không lành mạnh. “Hận thù có mặt khắp xung quanh, bàng bạc trong không gian, do người ngoài mang đến tặng ta, nó có mặt lù lù giữa anh em bà con bạn bè ta, và ẩn tàng ngay thẳng trong lòng ta” (14). Hận thù ăn vào máu thịt được truyền từ thế hệ cha ông đến con cháu và con cháu bị ép buộc phải hận thù như vậy. Con người sống trong một thế giới hoảng loạn của hận thù, không biết đi về đâu, không biết tin ai, và giá trị đạo đức bị xói mòn hay tình thương bị che lấp bởi cái thói thù hận. Nhiều người bây giờ tập sống trong thù hận đầy bạo động, suy nghĩ, hành động hay lời nói chất chứa những chất liệu của hờn oán hay nguyền rủa. Họ tìm cách phục thù sau một thời gian thù hận, cứ như thế mãi mà cũng không biết rằng mình sẽ ra sao, họ mãi chìm đắm trong những sầu khổ, trong những ý thức hệ khác nhau, trong đấu tranh hay xây dựng một chủ thuyết nào đó. Họ bị kẹt quá nhiều vào quan niệm hay những ý kiến riêng mà quên rằng những điều đó chỉ mang tính chất vô thường.
Không có gì quí hơn tình thương và lòng từ bi. Lấy từ bi để xóa hận thù là khẩu hiệu mà mình phải nương theo để thực tập. Kẻ thù của con người không phải là con người. Kẻ thù của con người chính là bản thân ta, bởi vì ta còn quá nhiều đau khổ, hờn giận, bởi vì tham lam uất ức, bởi vì nóng giận si mê, bởi vì cuồng tín bạo động cho nên ta mãi chìm đắm trong cái thế giới ảo của thù hận. Buông bỏ những điều này thì an lạc xuất hiện, niềm thương yêu vô bờ xuất hiện. Ta nên dành nhiều thời gian cho việc hóa giải khổ đau của chính ta, bảo vệ môi trường và thực tập hòa bình hơn là dành thời gian đả kích nhau, chống đối nhau và ghét bỏ nhau. Nếu như vậy thì làm người rất uổng, chỉ phí công cho ông bà cha mẹ sinh ra mình. Thử tìm hiểu từ thuở ban sơ trái đất làm gì có phân chia biên giới, khi xuất hiện loài người, con người bày đặt phân chia đường biên giới này nọ, rồi bày đặt đưa ra học thuyết này nọ để rồi tranh đấu chém giết lẫn nhau làm chảy máu đất mẹ, như vậy uổng công cho trái đất sinh ra loài người này. Tất cả các tôn giáo đều dạy con người hãy sống vì nhau, yêu thương cùng nhau xây tổ ấm. Nhưng con người đã quên rằng cho dù là da trắng hay da màu, thiểu số hay đông dân, quốc gia này hay quốc gia kia, máu của họ đều màu đỏ, họ đều có tay chân mắt mũi miệng lưỡi như nhau, đều sống nhờ vào trái đất, đều nương nhau mà sống. Hãy thử suy nghĩ tất cả các quốc gia khác đều bị tiêu diệt chỉ còn lại đất nước Mỹ đơn độc thì nước Mỹ có hạnh phúc không, nước Mỹ sẽ lấy ai để tranh đấu cho học thuyết của họ. Trung Quốc cũng vậy, nếu chỉ còn có duy nhất một nước Trung Quốc đơn độc thì họ sẽ lấy ai để minh chứng cho học thuyết của họ.
Ta sống làm gì khi mà cả đời chỉ biết có mỗi thù hận. Sống như vậy có đáng sống hay không? Thay vì cùng nhau chung sức gây dựng hạnh phúc thì đằng này lại quay lưng đối chọi nhau, thật là nực cười, có phải ngu dại quá không? Người chiến binh không ngu dại như vậy, anh sống là để thương yêu và hòa hợp với người khác. Những người không biết sống thương yêu rất tội nghiệp, họ không thụ hưởng được bản chất con người, mà bản chất con người chính là thương yêu. Ông Trịnh Công Sơn trong một lời ca có viết rằng “Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối, Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới, Mặt đất đã cho ta những ngày vui mới, Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời”. Chính vì thế cho nên đã là con người ta phải tận dụng từng phần trăm của phút giây sống để thực tập yêu thương cho dù người đó hận thù mình, thực tập yêu thương cho dù súng đạn bom rơi lả chả như mưa, thực tập yêu thương cho dù người đó đánh chết mình, thực tập yêu thương cho dù trái tim chỉ còn đập một nhịp. Nương vào tình thương để sống là cách sống đúng nhất. Thực tập rải tâm từ là cách thức xoa dịu hận thù và mở rộng tình thương. Con xin rải tâm từ và lòng bác ái của con đến với tất cả chúng sanh không phân biệt, tâm từ đến với những người thương con và không thương con, tâm từ đến với những người con biết mặt và chưa biết mặt, tâm từ đến với những người làm con vui và làm con khổ đau, tâm từ đến với những người đang thương yêu con và cả những người đang hận thù con. Bởi vì hận thù là một thứ ma túy, cho nên người chiến binh không muốn vướng vào hận thù. Trao nhau ngàn lời yêu thương là cách xóa tan hận thù. Chỉ có tình thương mới bất diệt, chỉ có tình thương mới muôn năm.
10. Say Sưa Trong Rượu Bia
Ở Việt Nam có nền văn hóa là văn hóa đi nhậu, những người trẻ sau giờ làm việc lại có thói quen rủ rê đi nhậu. Theo thống kê của bệnh viện tâm thần Hà Nội rượu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tâm thần và mất trí nhớ. Rượu được sử dụng ở khắp mọi nơi, trong tất cả các buổi tiệc và gặp gỡ xã giao, kể cả các bộ phim. Trong các bộ phim Hàn, người trẻ thất tình hay buồn bực chuyện gì là đổ xô đi uống rượu giải sầu. Các nhà sản xuất rượu quảng cáo sản phẩm của mình cũng hay, nếu như cấm quảng cáo trên truyền hình hay tạp chí thì họ tìm cách quảng cáo ngay trên phim ảnh. Rượu làm mất đi lý trí, làm mất sự tự chủ của thân tâm và nhiều khi dẫn đến băng hoại đạo đức. Đó là chưa nói ảnh hưởng đến sức khỏe vì rượu. Vậy mà người trẻ vẫn cứ tập tành uống rượu và lạm dụng nó ở bất cứ đâu, rồi sau đó trở thành cái mốt của họ và họ biến rượu bia thành giấy thông hành trong tất cả mọi cuộc gặp gỡ. Việc này dẫn đến lãng phí cho xã hội và gia đình vô cùng to lớn, nhiều lúc xã hội phải giải quyết những chuyện do hậu quả của rượu mang lại. Ý thức của cộng đồng trong việc không xây dựng văn hóa uống rượu là cần thiết, vì chìm đắm trong sự say sưa là một cách tự tử của người trẻ hiện đại mà thôi.
Nhiều người uống rượu thật nhiều chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu chứng minh bản lĩnh mạnh mẽ của mình, nhưng bản lĩnh này không phải do bản thân tự sinh ra mà là do bị tiêm nhiễm từ bạn bè hay từ người khác. Cái bản lĩnh này chẳng đáng được tôn vinh mà chỉ là cách ngụy biện cho kẻ nghiện rượu. Trong văn chương chưa bao giờ người ta sử dụng từ “kẻ nghiện rượu đáng yêu” cả mà thường sử dụng hình ảnh đó để nói về tình trạng bi quan hay yếm thế của con người. Nhiều người chẳng nghiện rượu nhưng uống vì sĩ diện, cái kiểu sĩ diện ảo cũng là chứng minh bản lĩnh ảo được đề cập ở trên. Làm như vậy là không biết hành xử dễ thương với lá gan và không biết trân quý lục phủ ngũ tạng của mình. Có một giảng viên ở một trường cao đẳng nọ rất tự hào vì mình đã đi nhậu với hầu hết tất cả các giảng viên còn lại trong trường.
Người chiến binh thực tập giữ giới thứ năm dành cho người cư sĩ tu tập tại gia là không uống rượu và các chất say. Ý thức được việc uống rượu bia và các chất say sẽ dẫn đến sự tàn hoại thân tâm cho nên anh nguyện không sử dụng những sản phẩm có chứa độc tố đặc biệt là rượu bia và các chất say. Rượu không chỉ đưa mình vào một thế giới say sưa không tự chủ được mà còn làm hư hoại hệ thần kinh, sức khỏe, đau dạ dày và dễ dàng đánh mất mình. Uống rượu nhiều sẽ làm giảm trí tuệ và dễ bị lôi kéo vào con đường của dục lạc, lúc đó có thể đánh mất khả năng suy nghĩ đúng đắn và hành động sai trái. Rượu vào thì lời ra, rượu đồng hành với lời nói ác ngữ sẽ biến buổi tiệc thành bãi chiến trường. Một bữa tiệc không có rượu thì sẽ thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn và dễ mến hơn. Mình cần thực tập từ chối những người bạn mời mọc uống rượu, tránh buổi tiệc sử dụng rượu làm căn bản. Người được kính nể là người có trí tuệ sáng suốt, tinh thần minh mẫn, lời nói hòa nhã, chứ không phải là người có khả năng uống rượu nhiều. Mình cần phải nắm rõ điều này bởi vì nó rất quan trọng, nhiều khi ham vui mà quên mất rằng thiếu sự tự chủ của thân tâm coi như mình không còn gì nữa. Trong nhà không nên chất chứa rượu hay chưng cất rượu, và người lớn cần hướng người trẻ thực tập sử dụng những thức uống có khả năng nuôi dưỡng thân tâm hơn là tàn hoại thân tâm. Mục đích của người tu sĩ là giác ngộ, cho nên phải thường xuyên thực tập giới không uống rượu và các chất say, nếu uống rượu vào tinh thần mê loạn thì làm sao tu tập được, giác ngộ đâu không thấy, chỉ thấy toàn ảo ảnh. Sự nóng bức cuồng loạn do rượu mang lại sẽ làm đánh mất uy nghi của người Phật tử, cho nên thực tập giới này chính là bảo vệ hạnh phúc cho bản thân và cộng đồng. Bản thân điềm đạm, tâm trí khỏe mạnh thì mình đã biết cách làm đẹp cho mình rồi. Giữ gìn giới thứ năm không uống rượu mang tính nhân bản cao, bởi vì đó là thể hiện tôn trọng bản thân, trân quý bản thân và là cách hành xử dễ thương với bản thân.
Trích sách Người chiến binh trong thế giới ảo – TG Minh Thạnh.
(www.sachminhthanh.wordpress.com)
Phật Pháp Ứng Dụng