1. Game Online

Người chiến binh trong thế giới ảo (P2)

Sự ra đời của game online đã đánh mất thì giờ của không biết bao nhiêu người trẻ. Nhiều người trẻ thức hàng đêm liền để chơi những trò chơi trên mạng đến tàn hại sức khỏe, tiêu tốn thời gian và tiền bạc. Họ cho rằng chơi game là để luyện công hay chứng minh mình là một game thủ số một. Bây giờ người ta còn chơi game để ăn tiền hay mướn người chơi game cho mình để tích lũy thêm điểm. Chơi game đã trở thành một loại nghề. Nếu phần trước đề cập thế giới quảng cáo và ngành công nghiệp quảng cáo, thì phần này cần phải đề cập đến thế giới ảo của game online và nền kinh tế game online. Hàng triệu người trên toàn cầu tham gia vào các trò chơi ảo này và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà kinh doanh game trực tuyến. Người trẻ ngày càng sống trong cái thế giới game, đi đứng nằm ngồi y chang như game, kể cả những ngôn ngữ được sử dụng hàng ngày cũng được truyền tải từ game mà ra.

Tác hại của game online đã quá rõ trong thế giới thực. Nhiều người trẻ bỏ học hay phạm tội để đi chơi game hay để có tiền thuê máy chơi game. Nội dung đầy bạo lực của game hay nội dung đồi trụy của game thu hút giới trẻ như những con thiêu thân lao vào mà không có ý thức được là mình đang làm cái gì. Nhìn trẻ em say mê những trò chơi bắn giết, ẩu đả, đánh đấm hay những trò chơi ném lựu đạn mà mình không khỏi hãi hùng. Các ánh mắt vô hồn của các em thỉnh thoảng cười rộ lên khi ‘giết’ được một tên. Các trò chơi tràn ngập sự bạo động đi sâu vào tâm các em và trở thành một kiểu ứng xử bất cần trong đời thực. Số tiền mà các game thủ bỏ ra để chơi game nhiều khi to lớn gấp nhiều lần thu nhập của người trẻ. Cái đam mê làm cho người trẻ biến thành những cái nút bấm và cái máy chơi trong chu trình game. Game thủ trở thành một nhân vật trong trò chơi, sống và ngủ, hay tình cảm với nhân vật đó. Người chơi game đi vào một thế giới không thực, chuyên bàn bạc về nó, suy nghĩ về nó, bị nó ám ảnh, thậm chí bị nó làm cho suy nhược cả thân tâm.

Vì sao nhiều người lại thích đi vào cái thế giới ảo của game online như vậy? Người trẻ đam mê phiêu lưu và hiếu thắng, cho nên muốn chứng tỏ cái đam mê và tính hiếu thắng của mình, lên mạng để tìm kiếm những cuộc phiêu lưu như vậy. Điều như thế họ không tìm được trong thế giới thực. Mơ ước trở thành siêu nhân, vị anh hùng, hay vị tài năng xuất chúng luôn ngự trị trong họ và họ mơ ước làm những người như vậy. Điều như thế họ không tìm thấy trong thế giới thực. Mơ ước đi từ vùng đất này hay vùng đất nọ, từ hành tinh này hay hành tinh nọ, tiêu diệt quỷ dữ này hay quỷ dữ nọ. Những điều như thế họ không làm được trong thế giới thực. Mơ ước không khóc khi thua một cuộc chơi, và nếu có thua không ai biết và cũng không ai chê cười. Điều này thì thế giới thực không phải như vậy, cho nên đi vào thế giới ảo để chứng minh tính anh hùng ảo và không bị chê cười thực. Chơi game như đi vào một thế giới không có tuổi già bởi vì chơi hoài vẫn không hết, nếu có game over thì cũng vẫn có thể chơi lại. Và khi mình có chiến thắng thì cũng tự sung sướng ảo vì đã thắng đối thủ nào đó. Người chơi game tự hào về bản thân mình vì mình có thể giải cứu thế giới ra khỏi quỷ dữ, một thế giới cực kỳ ảo. Và biết bao cái đam mê ảo như thế đưa đến kết quả là mình phải thức khuya thức hôm dẫn đến tình trạng mất ngủ kinh niên, sức khỏe sa sút, thần kinh mệt mỏi, và ngơ ngác khi xử lý các tình huống trong cuộc đời thực.

Người chiến binh ý thức rằng chơi game online chỉ làm mất thì giờ cho công phu tu học của mình cho nên anh quyết định nói không với game online. Anh biết rằng nhiều người sợ hãi thực tại, sợ đối diện với chính bản thân mình, hay sợ phải ngồi yên một chỗ, cho nên phải chơi game. Thậm chí có người quá cô đơn hay tự ti chính mình nên chơi game để làm một thứ anh hùng nào đó. Có người cảm thấy rất cô đơn, cho nên mua một chú chó về nuôi và mỗi ngày ngồi chơi với con chó, tâm sự với nó hay buồn vui vì nó. Đơn giản thôi vì con chó không biết cãi lại, không biết giận hờn, hay không biết đòi hỏi này nọ. Chơi với chú chó giống như chơi với một thế giới ảo vậy.  Chơi game online cũng thế. Vì muốn chối bỏ thực tại đang phũ phàng với bản thân nên đi vào một thế giới game đang biết trân quý bản thân. Người chiến binh không muốn ngồi chơi với chú chó hay với game. Anh thực tập đối diện với thực tại, cho dù thực tại đang hạnh phúc, khổ đau, buồn chán hay thất vọng. Đó mới chính là những phù thủy hay những quỷ dữ mà anh cần điều phục. Nhưng anh không cần phải tiêu diệt chúng, mà chỉ cần nhận diện chúng, tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, buồn chán hay thất vọng, rồi từ đó với tâm từ bi và hòa giải, anh chuyển hóa chúng thành những hạt giống lành như hạnh phúc, thương yêu, và trân quý cuộc sống. Như thế mới gọi là sống thực trong thế giới thực. Bây giờ giữa thế giới ảo và thế giới thực, bạn hãy chọn đi, riêng người chiến binh thì chỉ muốn sống thực trong thế giới thực thôi.

2. Tán Gẫu Trên Mạng

Người chiến binh trong thế giới ảo (P2)

Một giờ sáng, màn đêm vẫn lặng lẽ, một chàng thanh niên tuổi mới lớn có cái nick cũng buồn như anh ta “lonely”. Anh lên mạng để chia sẻ tâm sự buồn của mình và mong tìm gặp những người cũng đang buồn. Đang trầm tư chán nản như vậy, bỗng anh ta mừng rỡ khi thấy trên chợ mạng xuất hiện cái nick khác cũng theo kiểu lonely giống như mình, với những lời lẽ buông thả đầy than vãn cô đơn lang thang như hồn ma đói khát. Anh ta hạnh phúc vì bắt gặp được người có tính lang thang như mình. (6) Không biết có bao nhiêu triệu người trên trái đất này đang hiến tặng cuộc đời hay chí ít là phó mặc cuộc đời hoặc là đánh mất mình trong những trò chơi tâm sự trên mạng. Theo thống kê thì trong khoảng 100 người tán gẫu thì có khoảng 90% là nói dối. Cái kiểu nói dối không giống ai này từ trẻ con cho đến người trẻ và người lớn đều nói dối như nhau. Nói dối một cách vô cảm. Mặc dù có thể lời nói dối này là cách khoa trương về bản thân hay phóng đại một sự việc không có làm hại ai, nhưng vô hình chung từ đó sẽ tạo thành thói quen và đi sâu vào tiềm thức tạo nên hiện tượng nói dối như thật. Và đến lúc nào đó lời nói dối được tin cậy và lời nói thật thì không ai tin.

Một tệ nạn khác của tán gẫu trên mạng giới trẻ lao vào mà không biết điểm dừng là tán gẫu để tìm bạn tình. Cách thức tìm kiếm bạn tình của họ tạo nên lối sống văn hóa tình dục mà không biết hổ thẹn là gì. Những người trẻ quan hệ với nhau cho dù chỉ quen biết trong một thời gian rất ngắn, không có tình cảm gì hết, không có quen biết gì hết, không có sự chấp thuận của gia đình gì hết, nhưng đã quan hệ xác thịt với nhau. Và họ cho đó là lối sống trẻ trung, hợp thời và đúng qui cách. Cái lối sống chỉ để thỏa mãn dục tình đang hiện có mà không biết đối trị hay hòa giải với năng lượng tình dục tạo ra nhiều căn bệnh và tai họa. Cách quan hệ như vậy gọi là “empty sex”, tức là tình dục trống không, quan hệ như hai các xác không hồn, tiếp xúc với nhau như cái máy.

Con người sống như những cô hồn đói, đi lang thang hết từ mạng này sang những mạng khác, hết từ quán nhậu này sang quán nhậu khác, hết từ hộp đêm này sang hộp đêm khác, và làm bạn với cô hồn này sang cô hồn khác. Sống mà không biết là mình đang sống. Họ sống thiếu thốn như cô hồn, không phải là thiếu đói, mà là thiếu tình thương. Rủ nhau lên mạng để nói những chuyện không đâu với người mà mình không quen biết, giết chết sự giao tiếp và sự không hiểu nhau ngày càng lớn. Thử hỏi một anh chàng cãi vã với người yêu vì chuyện không đâu, nhưng anh ta không tiếp xúc để truyền thông với người yêu mà giải thích rõ ràng đâu là sự thực, mà anh ta lại lên mạng để phân trần than thở với một người lạ rồi sau đó có cảm giác thỏa mãn ảo vì đã trút được bầu tâm sự. Nhưng thực ra khi anh ta quay về với thế giới thực, anh ta vẫn chưa giải quyết được sự việc với người yêu của mình. Những điều này cho thấy việc tán gẫu nói riêng hay mạng lưới Internet nói chung đã bị lợi dụng khủng khiếp nhằm phục vụ cho những đối tượng chỉ thích ảo mà không thích thực.

Người chiến binh ý thức được rằng việc ra đời của những hình thức nói chuyện trên mạng là một cách giao tiếp tiết kiệm nhất ngoài các phương tiện giao tiếp khác, cho nên anh chỉ cho phép bản thân sử dụng nó như là một phương tiện khéo léo giúp ích cho mình, chứ không phải để hãm hại mình. Lời nói được sử dụng khi trò chuyện trên mạng phải là những lời nói ái ngữ, tức là những lời nói đẹp, nói thật, những lời nói xây dựng niềm tin, yêu thương, hy vọng và hiểu biết. Lời nói kích động hận thù, chia rẽ, sầu khổ, hay than vãn thì không nên nói. Người chiến binh chỉ sử dụng lời nói có tác dụng tưới tẩm hạt giống tốt lành cho người nghe hay người đọc, không phải lợi dụng mạng lưới Internet mà tận dụng mạng lưới này để tạo nên sự hòa giải, sự giúp đỡ, sự chia sẻ niềm tin, và đem lại hạnh phúc ở hiện tại. Một lời nói nhẹ nhàng và êm ái chứa chan hạnh phúc và thấm đượm sự nhân hậu sẽ tạo nên niềm tin cho Internet. Khi đó sẽ không còn chuyện bức tường lửa hay tạo dựng mật khẩu để che chắn thông tin gì nữa, bởi vì chỉ cần áp dụng và thực hành phương pháp này, môi trường Internet sẽ không bị ô nhiễm, mà đã không bị ô nhiễm thì không có gì phải chống. Internet như một môi trường giao tiếp không biên giới, thì hãy như môi trường thiên nhiên, nó cũng cần phải được thanh lọc.

3. Những Cạm Bẫy Trên Mạng

Người chiến binh trong thế giới ảo (P2)

Có những cạm bẫy trên mạng là điều không thể nào chối cãi. Báo chí và các phương tiện truyền thông đã đưa ra rất nhiều. Yêu râu xanh xuất hiện trên mạng khá đông đảo và làm mất sự tự chủ của người cô đơn trẻ. Không gian mạng song song với điều lợi ích là tai nạn khó tránh khỏi. Chỉ cần một phút lơ là là ai đó có thể làm mồi cho phương tiện truyền thông này. Con người ngày càng phải cảnh giác hơn từ mạng thay vì được hưởng lợi ích từ nó. Tệ nạn xã hội cũng từ đó mà tinh vi hơn. Trò lừa đảo thông qua mạng lưới Internet mà nếu có người tìm hiểu chắc cũng không ngờ là cách đây khoảng một thế kỷ hầu như hoàn toàn không có. Những sát thủ dấu mặt trên mạng có thêm môi trường để hành động, và con người lại phải đối mặt với nhiều tiêu cực trên cái mà người ta gọi là mạng xã hội.

Xu hướng sử dụng mạng và mọi thứ tùy thuộc vào mạng vô hình chung tạo ra một xã hội ảo tồn tại song song với xã hội thực. Xã hội mạng cũng bị kẹt xe như xã hội thực, vẫn có nhiều lúc mạng bị treo hay bị quá tải. Có lúc mạng gieo rắc thông tin mang tính bạo động, kích động sự thèm khát, sợ hãi hay hận thù. Giống như một số sản phẩm thực của xã hội vẫn mang biểu trưng như vậy. Con người ngày càng phụ thuộc vào mạng và cố gắng duy trì hay nâng cấp hệ thống này để phục vụ đủ thứ nhu cầu của mình. Có người  không cần phải tiếp xúc với thiên nhiên hay các loài sinh vật, mà chỉ thích tạo ra bức hình ảo về thiên nhiên, bức hình kỳ quặc của động vật rồi tán thưởng là dễ thương và sống động. Trong khi cái dễ thương và sống động trong thế giới thực thì lại không chịu tiếp xúc.

Người ta đã chứng minh được nhiều cạm bẫy liên hoàn của Internet. Việc Internet ra đời không biết có làm cho con người tiến bộ hơn không, trong khi cùng với nó, người ta lại tìm cách để phòng chống tội ác trên đó. Tình trạng hacker phá hoại các trang web, sửa đổi thông tin hay lấy cắp thông tin mạng cũng khiến cho các kỹ sư đau đầu. Điều này có nghĩa là họ đau đầu ngay chính những sản phẩm mạng. Tình trạng bạo lực và tiết lộ thông tin cá nhân cũng khiến cho các kỹ sư áy náy về sự xuống cấp đạo đức trên mạng. Họ áy náy ngay cả sản phẩm mạng mà họ đưa ra. Việc mạng cũng là nơi phát động cả chiến tranh hay rủ nhau tự tử tập thể cho thấy mạng xã hội ngày càng đến mức báo động và nó sản sinh ra một thế hệ sống như một cái máy, hết sức vô cảm và thờ ơ với cái thực một cách kinh khủng.

Người chiến binh ý thức rằng Internet là một phát minh khoa học vĩ đại, nguồn tài nguyên của mạng rất dồi dào và sự phát triển của nó thật đáng khâm phục. Tuy nhiên cần sử dụng và khai thác mạng như thế nào để tôn trọng được phát minh này và chia sẻ được nguồn tài nguyên đó. Cái mà gọi là đạo đức trong Internet phải được đề cao bởi vì chỉ có cách này con người mới cảm thấy hạnh phúc nhất. Internet chỉ nên được sử dụng để giáo dục về sức khỏe, phương diện tâm lý, thực hành đạo đức, hướng dẫn cách thức rèn luyện tâm từ cho cá nhân và xã hội, sự giao lưu giữa các nền văn hóa để thông cảm và yêu thương, cũng như các niềm tin vào sự thực tập tôn giáo. (7) Các thông tin nào gây nên tình trạng băng hoại đạo đức, gây ảnh hưởng xấu đến người trẻ, kích động bạo lực hay hận thù thì cần phải dẹp bỏ. Có nên chăng những người muốn sử dụng Internet phải qua một khóa đào tạo mang tên là “Cách thức hành xử có đạo đức trên Internet” và họ cần có những cam kết không đưa lên mạng, không truy cập và không truyền bá những thông tin gây hại. Cứ mỗi khi vào trang Internet cần phải đưa vào thông điệp này để họ có ý thức sử dụng Internet. Internet cần đề cao vai trò của một kiểu truyền thông sạch bởi hiện tại Internet bị ô nhiễm như là một thành phố bị ô nhiễm chì vậy. Việc tu tập của con người trong việc nhận biết bản chất việc sử dụng Internet là một sự lựa chọn, họ có thể lựa chọn điều tốt đẹp hay là điều xấu trên mạng, vậy thì giữa tốt đẹp và xấu xa, dĩ nhiên là cần phải chọn điều tốt đẹp rồi. Anh đã ý thức phải bảo vệ môi trường thiên nhiên không bị nhiễm ô thì anh cũng phải ý thức là phải bảo vệ môi trường Internet. Đó là điều dĩ nhiên phải làm. Sự thức tỉnh trong khi sử dụng môi trường Internet giúp cho mạng Internet mang tính nhân bản hơn, người sử dụng trở nên đẹp hơn và nội dung của nó trở nên sạch hơn. Nói rằng Internet kết nối toàn cầu có nghĩa là nó cần được sử dụng để kết nối về đạo đức, kết nối chia sẻ tình thương và kết nối thực tập cái đẹp. Sự phát triển của Internet không phải là trong năm nay có bao nhiêu người có thể tiếp cận được thuê bao Internet, đó là một cái nhìn rất thiển cận, mà là có bao nhiêu người thực tập được hạnh phúc khi họ tiếp xúc với phương tiện này. Sáng tạo ra Internet để tạo nên hạnh phúc cho con người, chứ không phải sáng tạo Internet là để tạo nên sự sợ hãi, thèm khát, bạo động hay hận thù. Việc sử dụng Internet là điều tốt nhưng đừng có biến nó thành trận đại hồng thủy nhấn chìm hết cả thế hệ. Các nhà chức trách khắp nơi trên thế giới chỉ nên cấp phép cho trang web đưa những thông tin có giá trị, hữu ích và xây dựng sự hiểu biết, hy vọng và tin yêu mà thôi. Lợi nhuận và qui luật thị trường không phải là những tham số mang lại hạnh phúc thực sự, hạnh phúc thực sự khi phẩm giá được tôn trọng và bảo vệ cũng như sự hòa hợp giữa các cá nhân và các dân tộc. Internet cần được sử dụng để kiến tạo hòa bình, chứ không phải để làm vũ khí chiến tranh. Người sử dụng Internet là để ban tặng hiểu biết và thương yêu cho người còn thiếu thốn thì mới gọi là người “giàu thông tin”, còn người sử dụng mạng để kích động sự sợ hãi, thèm khát hay hận thù phải gọi là người “nghèo thông tin”. Người được cho là chiến thắng trong cuộc sống phải chính là con người, chứ không phải là mạng Internet hay những công nghệ quân sự được cho là tiên tiến khác.

4. Nạn Nhân Của Công Nghệ

Người chiến binh trong thế giới ảo (P2)

Sự phát triển của công nghệ theo công nhận của nhiều người mang lại những tiện ích, nhanh chóng cho công việc và đời sống. Điều này không thể phủ nhận. Nhưng công nghệ có thực sự làm cho mình thêm rảnh rang? Hãy nghe một nhân viên văn thư trước khi có máy vi tính, cô phải nhập bằng tay khoảng 1000 dữ liệu mỗi tuần. Nhưng khi có máy vi tính cô chỉ cần làm việc này trong vòng một ngày và chậm lắm là hai ngày. Cô mừng rỡ vì khoảng ba hay bốn ngày còn lại cô có thể rảnh rỗi để nghỉ ngơi. Nhưng sự thực không phải như vậy. Cô được giao thêm ít nhất bảy công việc mới cho những ngày làm việc còn lại trong tuần. Vậy công nghệ có làm cho cô rảnh thêm không? Một cô giám đốc đi hưởng tuần trăng mật ở nước ngoài và mang theo máy tính xách tay. Khi cô đến nước ngoài, thời gian dành cho nghỉ ngơi của cô không nhiều, hàng trăm công việc tấn công cô qua hệ thống wi-fi và con đường email. Và cô dành nhiều thời gian trả lời thư điện tử nhiều hơn là dành thời gian cho chồng của mình. Vậy công nghệ có làm cô rảnh rang không? Ngày làm việc không còn là tám tiếng hay mười tiếng như người ta tưởng. Có những người phải làm việc đến 12 hay 14 tiếng mỗi ngày chỉ để giải quyết những vấn đề của công nghệ. Sự phụ thuộc vào công nghệ quá lớn khiến cho mình không thể dứt khỏi công nghệ được. Mình đi đâu cũng không thể thiếu điện thoại di động và máy tính xách tay, thiếu nó thì mình đứng ngồi không yên, bức rức khó chịu, và cảm thấy tủi thân làm sao!

Thời đại thông tin vô tuyến cộng với tham vọng giải quyết nhiều việc cùng một lúc tạo nên hội chứng tập trung giả tạo. (8) Hội chứng ảo này trở nên năng động khiến cho mình trở thành nạn nhân của nó, phục vụ nó, mất thì giờ và đau khổ vì nó. Nhiều người tự hào vì có thể làm nhiều việc cùng một lúc mà không biết rằng điều này sẽ làm cho họ giảm tập trung, giảm trí nhớ, và gia tăng sự căng thẳng cũng như mất thăng bằng trong cuộc sống. Có người tìm cách trốn chạy công nghệ bằng cách tắt điện thoại di động, tắt máy vi tính, chạy về thôn quê hay đến những vùng mà sóng wi-fi chưa chạm tới. Mình càng ngày cảm nhận rằng sống chung với công nghệ như sống với người thân trong nhà, thiếu nó như thiếu không khí. Chính vì vậy mình càng cảm thấy lạc lỏng, bé bỏng, thậm chí nhiều lúc đánh mất mình và trở nên bơi lội vùng vẫy trong những mớ bòng bong như vậy.

Người chiến binh không muốn đánh mất mình và trở thành nạn nhân của công nghệ, anh muốn tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Ngoài thời gian làm việc anh dành nhiều thời gian vào buổi tối cũng như cuối tuần để chăm sóc gia đình và con cái hơn là dán mắt vào truyền hình, máy vi tính và những cái gọi là trò chơi công nghệ. Sự nhận biết anh đang làm gì một cách cao độ sẽ giúp cho anh thảnh thơi. Đây gọi là thực tập chánh niệm. Khi anh đi thì anh biết là anh đi, khi anh ăn cơm thì anh biết là anh đang ăn cơm, khi dọn dẹp nhà cửa thì anh biết là đang dọn dẹp nhà cửa, khi anh đánh máy văn bản thì biết là đang đánh máy văn bản. Điều này có nghĩa anh chỉ ý thức mình đang làm duy nhất một công việc, khi xong việc này anh làm tiếp công việc tiếp theo và tập trung cao độ vào một công việc ấy thôi. Anh theo dõi từng hành động của mình một cách chi tiết, và khi anh làm được như vậy, anh thực sự đang sống ở hiện tại, những công việc của quá khứ và tương lai không làm anh nghĩ tới. Anh như vậy mới xứng đáng là người của công việc. Còn người làm nhiều việc cùng một lúc chỉ là nạn nhân của công việc mà thôi. Nhiều người rất thành công trong việc tập trung vào một công việc và ý thức cao độ về nó. Sự tập trung vào một công việc là nền tảng của mọi sự sáng tạo. Người có ý thức sáng tạo thường rèn luyện tập trung cao độ vào ý nghĩ, hành động hay lời nói của mình. Bên cạnh đó anh chiến binh cũng thực tập quay về hơi thở để nghỉ ngơi. Cách thức ngồi thiền tại chỗ trong công sở là cách thức thư giãn, giảm stress, và là cách nghỉ ngơi hiện đại. Khi kết thúc một công việc, anh tắt máy vi tính, tắt điện thoại, tắt máy lạnh, mở rộng cửa sổ cho không khí tràn vào, anh ngồi thẳng thư thái trên ghế và theo dõi hơi thở vô ra cũng như sự phồng xệp của bụng. Cách thức này giúp anh thanh lọc cơ thể và tâm trí rất nhanh chỉ trong vài phút. Anh ủng hộ việc xây dựng văn phòng thân thiện với sinh thái, nghĩa là cứ mỗi một mét vuông văn phòng thì chung quanh nó cần ít nhất mười cây xanh. Các vị giám đốc khi lựa chọn văn phòng thuê mà thấy những chỗ nào quá nóng bức thiếu không gian cây xanh thì tuyệt đối không nên thuê, nếu thuê thì chỉ làm hại cho bản thân. Anh chiến binh còn tôn trọng những người biết làm việc chậm, đi đứng chậm, ăn nói chậm và xã giao chậm. Chậm ở đây không phải là chậm chạp, mà là nhẹ nhàng, có ý thức và tập trung cao độ. Người làm việc như vậy có phong cách thư thái, vững chải, cho dù cái chết đến nơi cũng không sợ. Người Mỹ bây giờ đang ra sức chống lại những sản phẩm của thức ăn nhanh gọi là fast food vì nó mang nhiều mầm bệnh và gây tác hại cho sức khỏe của người làm việc. Thay vào đó là họ ủng hộ thức ăn chậm gọi là slow food, có nhiều màu xanh của rau quả vì nó thân thiện với môi trường mang lại sự tươi trẻ và trong lành, đồng thời chứng tỏ lòng biết ơn đối với sự ban tặng của đất trời. Văn phòng làm việc cần đổi tên thành văn phòng sinh thái, cơm văn phòng cần đổi thành cơm sinh thái và giám đốc công ty đổi thành giám đốc sinh thái. Người chiến binh tự hào mình là người biết sống, anh cảm thấy nhẹ nhõm và yêu quý công việc của mình hơn gấp nhiều lần.

5. Cuộc Hành Trình Của Blog

Người chiến binh trong thế giới ảo (P2)

Blog ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng mạng trong thời buổi hiện nay. Những người muốn tâm sự hay chia sẻ thường lên mạng để viết vài dòng chữ, mặc dù đối tượng đọc blog của họ chưa chắc họ biết rõ là ai. Nếu như blog được sử dụng một cách chính đáng thì không nói làm gì, đằng này rất nhiều người sử dụng blog để cung cấp những thông tin không hay hoặc để nói xấu người khác. Hành động này cho thấy người viết blog sợ không dám đối mặt với thực tế cho nên mượn danh blog dưới một cái tên khác để hạ phẩm giá của người khác. Nhiều blog đen và blog hại làm cho con người rất lo ngại vì vô hình chung nó tạo nên một kiểu tệ nạn xã hội kiểu mới. Một thế giới mà trong đó đủ thứ loại thông tin  được truyền tải một cách vô tội vạ. Nhiều khi thông tin trên blog tạo ra sự thật ảo hay một lời nói dối như thật. Cái kiểu tự do ngôn luận này không phải lúc nào cũng tốt, nhiều khi lại gây ra rào cản lớn trong xây dựng ngôn ngữ và hiểu lầm trong truyền thông.

Trên mạng hiện nay có hàng triệu blog, có thể được viết nhiều dưới hình thức nhật ký cá nhân. Trước đây khi viết nhật ký thông thường người viết ghi vào một cuốn sổ và chỉ có mình mới có thể đọc được tâm sự của mình. Còn bây giờ người ta viết nhật ký kiểu blog để cho số lượng đông đảo nhiều người đọc. Có người chỉ viết blog thôi mà có thể đúc kết thành sách và đem bán. Người ta ngày càng bận rộn nên không đủ thời gian gặp gỡ bạn bè hàn huyên tâm sự, hay muốn chỉ trích ai mà không dám gặp mặt thì viết blog nêu lên ý kiến cá nhân. Thế giới blog bành trướng khắp nơi trên thế giới tạo ra một nhịp cầu chia sẻ và tâm sự cho những người thích nói chuyện qua một cái máy. Có một số công ty cũng đã sử dụng blog đả kích đối thủ cạnh tranh theo hướng cạnh tranh không lành mạnh mà không biết chú trọng vào cách làm việc có chất lượng của mình để tiến bộ.

Người chiến binh không muốn bị chìm đắm trong cái thế giới ảo của những nhận xét ảo và chỉ trích ảo trên blog, anh nghĩ rằng blog chỉ nên được sử dụng đúng cách để phát huy mặt tích cực của nó. Anh sử dụng blog để nêu lên những quan điểm ôn hòa, cởi mở, không chỉ trích và không lên án bất cứ ai. Blog cần được sử dụng để chia sẻ những điều kiện hạnh phúc, trao dồi thông tin học tập hoặc thảo luận những vấn đề liên quan đến thực tập đạo đức và hạnh phúc mà thôi. Việc lạm dụng blog thỏa mãn những dục vọng thấp hèn là một cách bội ơn với người đã sáng tạo ra blog. Blog không có tội mà chỉ có người sử dụng blog đã bôi bẩn nó. Chính vì thế blog cần phải được làm sạch cho tinh khiết và người viết blog cần biết rằng cái thế giới này không phải chỉ có một mình blogger, mà còn biết bao nhiêu người khác trông mong tác giả có bài viết chan chứa tình thương, đặc biệt là những câu nói chia sẻ tình thương đó sẽ bảo vệ ngay chính tác giả của nó.

6. Suy Đồi Của Văn Hóa Ngôn Ngữ

Người chiến binh trong thế giới ảo (P2)

Sự nghèo nàn về ngôn từ trong cách ăn nói của người trẻ hiện nay rất phổ biến và nạn mù chữ ngôn từ lành mạnh thì rất nhiều. Mù chữ ở đây không có nghĩa là mình không biết đọc hay biết viết, mà là không biết sử dụng từ ngữ đẹp, từ ngữ lịch sự hay từ ngữ trong sáng. Khi mình nói chuyện, không đơn giản là mình lắp ghép câu chữ mà mình đang thể hiện nhân cách, lối sống và tưới tẩm cho người nghe những hạt giống tốt lành. Đi ra ngoài đường, mình có thể chứng kiến những cách nói văng tục đầy thô thiển là biết ngay người này nghèo vốn từ hay có thể được cho là mù mờ về từ vựng. Một người thích văng tục hay nói năng lỗ mãng không thể nào được cho là có nhân cách lớn được. Một số người nói chuyện rất loạn ngôn, bất cần đời và nhấn chìm mình trong thế giới ngôn ngữ đen đủi. Có những người đã là người lớn, 30 hay 40, thậm chí là lớn tuổi hơn nữa, nhưng cách hành xử như một đứa trẻ chỉ mới lên mười, bởi vì cách nói chuyện của người này chẳng khác nào một đứa trẻ con, không phải là ngây thơ hay khờ dại, mà là ngờ nghệch và vô minh. Có những người tự cho hay tự ban cho danh hiệu bậc vĩ nhân nhưng lời nói thiếu văn hóa, mặc dù không làm gì bạo động nhưng lời nói chứa đầy bạo động và hận thù. Lời nói nhiều khi còn đau đớn hơn cả hành động, một lời nói có thể giết chết cả một dân tộc, gây nên đổ máu và chiến tranh, lời nói nguy hiểm đến như vậy.

Người trẻ thường hay ngụy biện cho mình về việc ăn nói bất cần đời hay ngang như con cua là cách nói thời thượng, có cá tính hay là có phong cách riêng. Ngôn ngữ trong sáng xuống cấp và thay vào đó là những ngôn ngữ mù mờ, thiếu trách nhiệm, thậm chí nhiều ngôn ngữ quá vô tư dẫn đến vô cảm. Thế giới ngôn ngữ này bị ảnh hưởng nhiều bởi các lối hành văn của điện ảnh, kịch trường, văn thơ châm biếm hay lối nói chuyện của tuổi teen. Văn hóa ngôn ngữ như vậy tạo ra một thái độ lầm tưởng rằng càng sáng tác nhiều lối nói như thế thì càng hay, càng sành điệu. Cái sai lầm này dẫn đến nhiều tai hại, lời nói do tâm ý mà ra, nếu nói không trong sáng thì đó là do ý không trong sáng và ngược lại.

Người chiến binh ý thức được rằng trong thế giới ngôn ngữ chỉ có ái ngữ là có thể giúp hiểu nhau nhiều nhất. Mục đích của lời nói là để cho người nghe hiểu và thương. Mục đích của lời nói không phải là để thỏa mãn cá tính hay tranh giành thắng trong việc tranh luận. Ái ngữ là lời nói đẹp, nói làm sao để từ miệng của mình có thể nở ra đóa sen, nở ra những lời châu ngọc, nở ra những lời gấm thêu, nở ra những lời có thể tạo nên sự hiểu biết và thương yêu. Còn những lời nói đem lại sự ganh ghét, hờn giận, thèm khát hay thù hận, những lời cóc nhái hay ểnh ương, chỉ làm cho con người xa nhau thì đó gọi là ác ngữ. Và dĩ nhiên không ai dại gì nói những lời ác ngữ, bởi vì chỉ có ái ngữ, mình mới có thể duy trì các mối quan hệ tốt đẹp và sự truyền thông của xã hội sẽ bền vững. Bi kịch của gia đình hay của xã hội đều xuất phát từ lời nói, một lời nói đẹp cả thế giới hòa bình, một lời nói không đẹp cả thế giới đầy chiến tranh. Nhiều trường hợp hiểu lầm, cãi vã hay những vấn nạn xảy ra như tự tử, ly dị, trầm cảm đều do lời nói thiếu chánh niệm gây ra. Lời nói thiếu chánh niệm là người nói không biết mình đang nói gì, nói mà không biết người kia có nghe không, nói toàn lời rác rến, lời nói như con rắn độc mà nọc độc của nó không bao giờ cạn. Chính vì vậy tác dụng của lời nói có chánh niệm cực kỳ quan trọng như thế nào. Lời nói có chánh niệm là người nói biết mình đang nói cái gì, lời nói có tác dụng tưới tẩm những hạt giống lành, tạo nên sự thông cảm, xây dựng niềm tin và mang lại kết nối hòa hợp con người. Bố thí lời ái ngữ là một trong những phương thức bố thí rất vi diệu, làm cho người bố thí và người nhận bố thí đều đẹp, nhờ đó gia đình đẹp và xã hội cũng đẹp. Thử tưởng tượng hai quốc gia lúc nào cũng nói lời ái ngữ với nhau thì sẽ không bao giờ có chiến tranh, thiên hạ thái bình. Lời nói đẹp là lời nói của một vị Bồ Tát. Không cần phải trở thành Bồ Tát ngồi trên tòa sen bay lên không trung mới nói được lời ái ngữ, chỉ cần đi đứng nằm ngồi trên mặt đất, mình đã có thể nói được lời ái ngữ. Lời ái ngữ được áp dụng cho tất cả mọi đối tượng ở mọi tình huống, cho cha, cho mẹ, cho chị, cho em, cho chồng, cho vợ, cho bạn bè, cho thủ tướng, cho tổng thống, cho sư anh, cho sư chị, cho đồng nghiệp, cho giám đốc. Người chiến binh vì muốn làm đẹp cho mình, anh chỉ nói lời ái ngữ, là lời nói chân thật, là lời nói nhân ái, là lời nói vì lợi ích của người khác, là lời nói về công đức trí tuệ làm cho tâm cởi mở, là lời nói với tâm không nhiễm ô, và là lời nói ôm lấy niềm đau chứ không phải là bạo động với niềm đau.

7. Tìm Kiếm Hạnh Phúc Ảo Trên Mạng

Người chiến binh trong thế giới ảo (P2)

Hàng triệu người trên khắp thế giới hàng ngày ôm máy vi tính để tìm kiếm những hạnh phúc ảo trên mạng. Hạnh phúc ảo không đến bằng con đường tự nhiên mà được đúc kết bằng lời giới thiệu hay chào đón trên mạng. Số người cô đơn trong xã hội hiện đại ngày càng tăng khiến cho thời gian gặp gỡ bạn bè hay đi chơi picnic của họ không có nhiều, chính vì thế họ rủ nhau lên mạng để tìm kiếm hạnh phúc ảo, dù biết rằng hạnh phúc thật trong thế giới ảo này không có nhiều. Chính sự cô đơn trong xã hội thực là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của tìm kiếm hạnh phúc không thực trong thế giới ảo. Hầu như những người này đều ôm ấp một ảo tưởng về hạnh phúc thực trong thế giới ảo và dành nhiều thời gian tìm kiếm nó thay vì đối diện với sự thực trong thế giới thực. Sự cân đong đo đếm trong thế giới ảo khiến cho người trong cuộc có ảo giác rằng họ sẽ tìm kiếm được đối tượng hoàn hảo và chắc chắn rằng họ sẽ không còn cô đơn nữa. Nhiều khi người đã có hạnh phúc thật ngoài đời nhưng vẫn cố gắng tìm kiếm hạnh phúc ảo trên mạng bởi vì họ cho rằng đây là cách ít tốn kém thời gian nhất. (9)

Mình thường tìm hạnh phúc ở khắp mọi nơi, nơi vũ trụ xa xôi hay đại dương sâu thẳm, trên mạng hay những nơi khác, vậy mà mình thường hay không biết hoặc không để ý hạnh phúc đang ở ngay chính mình. Bởi vì mình thường rong ruổi tìm kiếm mà quên rằng hạnh phúc ngay trước mắt, ngay trong chính nơi con người của mình. Có người thường nói, hạnh phúc không ở xa, nó hiện hữu ngay trước mặt, chỉ có điều mình quá thờ ơ hay quá vô tư để cho nó tuột mất mà thôi, hoặc mình quá mê mờ không thấy nó đang biểu hiện. Chẳng có ai giấu mất hạnh phúc của mình, chỉ có mình đem nó giấu đi hay không chịu thừa nhận nó mà thôi. Vậy mà mình lại để thời gian trôi đi một cách oan uổng, vùi đầu vào mạng lưới Internet, tìm kiếm hạnh phúc ở tận đâu đâu. Mình sống như là đang bám víu vào cuộc sống, sợ rằng cuộc sống sẽ tuột mất khỏi mình. Mình bất mãn với tất cả mọi thứ, mình tự tạo ra những nhu cầu giả tạo, đeo đuổi nó rồi thỏa mãn bởi cái hạnh phúc giả tạo. Mình trở thành nô lệ cho những tham dục mong manh, không có bến đậu, để rồi đến một lúc nào đó, mình cô đơn khắc khoải, mình đau cho cái nỗi đau của mình, bởi vì mình đã già rồi mà vẫn chưa nếm trải được cái gì gọi là hạnh phúc thực sự.

Người chiến binh cảm thấy tội nghiệp cho mình “chẳng biết rong chơi miền tịnh độ, làm người một kiếp cũng như không”. Anh định nghĩa những phương thức để sống có hạnh phúc. Sống có hạnh phúc là sống có điều độ, ăn uống điều độ, làm việc điều độ, nghỉ ngơi điều độ, tiêu thụ điều độ, nhu cầu điều độ. Khi mọi thứ có điều độ thì  không rơi vào trạng thái thái quá hay ỉu xìu, hạnh phúc cuộc sống được giữ ở mức cân bằng. Anh đề nghị thực tập hơi thở, tức là thiền định điều hòa mọi nhu cầu trong cơ thể, hạnh phúc nằm ở chỗ mình biết nhu cầu của cơ thể mình. Khi mình đau yếu thì phải biết mình đang đau yếu, nguyên nhân của sự đau yếu này, giải pháp để qua khỏi sự đau yếu và duy trì những trạng thái không đau yếu. Người hạnh phúc biết sống vui với những gì mình hiện có, dù hoàn cảnh khó khăn hay nghèo nàn về vật chất vẫn vui vẻ sống chung hòa bình với nó, không than thân trách phận và bằng lòng với điều kiện mình có. Như vậy là vui rồi. Người hạnh phúc biết nói không với cám dỗ và bệnh tật, nghĩa là dù sức mình tới đâu thì hạnh phúc vẫn có thể to lớn như thường. Một người biết tim của mình không khỏe mà vẫn cứ hút thuốc, uống rượu, thức khuya, ăn những thức ăn có nhiều dầu mỡ, thì người đó không có hạnh phúc bởi vì người đó hành xử không dễ thương với trái tim của mình. Người biết trái tim mình đau nên không uống rượu, không hút thuốc, không thức khuya, chỉ ăn những thức ăn nuôi dưỡng trái tim, là người biết hành xử dễ thương với trái tim của mình, là người biết tìm kiếm hạnh phúc. Anh chiến binh còn chia sẻ làm thế nào để sống hạnh phúc thực. Người biết sống hạnh phúc thực là người sống có định hướng, tạo ra môi trường hạnh phúc và biết chế tác hạnh phúc. Người sống có định hướng là người sống trong hiện tại, lấy hạnh phúc ở hiện tại làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Người biết tạo ra môi trường hạnh phúc là người chỉ lựa chọn sống trong môi trường có hạnh phúc lành mạnh, xa rời sự ô nhiễm, xa rời dục vọng và trân quý sự có mặt của hạnh phúc. Người biết chế tác hạnh phúc là người đem hạnh phúc cho bản thân và người xung quanh bằng nuôi dưỡng lòng từ bi, thực tập ái ngữ và lắng nghe, thực tập nhìn sâu để hiểu và thương, thực tập bố thí và trì giới. “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người.” Nếu anh chiến binh thiếu một trong hai thứ này thì cho dù anh có mọi thứ trên đời cũng coi như chẳng có gì cả.

8. Sự Xuống Dốc Của Văn Hóa Truyền Thống

Người chiến binh trong thế giới ảo (P2)

Hiện đại hóa của một quốc gia thường đi kèm theo sự xuống dốc về tính tốt đẹp của truyền thống. Hình như mình càng ngày càng tôn thờ đồng tiền và đồng tiền trở thành phương tiện thống trị trong tất cả các giao dịch, kể cả giao dịch văn hóa. Nhiều người thường nói hãy sử dụng văn hóa để con người tiếp cận nhau dễ dàng hơn nhưng xã hội càng hiện đại thì đồng tiền càng đi trước hơn. Các tệ nạn xã hội tràn lan khắp nơi và sự xuống cấp của đạo đức trong giới trẻ tồi tệ đến mức không thể nào báo động được nữa vì lằn ranh giới báo động tối đa đã vượt qua từ lâu. Ấy vậy mà vẫn có người tự cho là hiện đại hóa là cái mốc cần phải đi đến chứ không phải là thanh lọc văn hóa. Pháp luật đặt ra chỉ để nghiêm trị chứ không thấy pháp luật nào đặt ra để giáo dục, tu tập và nuôi dưỡng đức hạnh thực sự. Lối sống buông thả và bất chấp mọi thủ đoạn xuất hiện khắp nơi, từ công sở cho đến học đường, từ gia đình cho đến đường phố. Cái gọi là văn minh đô thị đã được yêu cầu thực hiện mà cả chục năm rồi đâu cũng vào đấy vì chẳng có ai làm cả. Ngay cả chuyện đi lại của xe buýt và thái độ phục vụ cũng xuống cấp nghiêm trọng, ấy vậy mà có cô phát thanh viên trên đài truyền hình tuyên bố rằng hy vọng các ngành các cấp cần phải giải quyết chuyện này để người dân đi xe buýt bớt khổ. Chỉ có chuyện xe buýt thôi mà phải nhờ đến các ngành các cấp mới giải quyết được thì thật là khó hiểu.

Hãy nhìn vào các bậc tiểu học và giáo dục phổ thông, không có môn thi nào là môn thi đạo đức hay môn thi tốt nghiệp là môn thi đạo đức. Ngay cả việc các trò chơi game show trên truyền hình hoàn toàn bị tiền hóa với phần thưởng là triệu đồng hay hàng chục triệu đồng và người trẻ là nạn nhân của những trò chơi này không phải là ít. Sự nuông chiều con cái trong gia đình quá mức tưởng tượng đến nổi nghe những đứa trẻ nói chuyện mà miệng lưỡi phun ra toàn là tiền bạc hay địa vị xã hội. Cách quản lý giáo dục theo kiểu vô thần và tôn thờ vật chất nhiều lúc làm thay đổi cả một xã hội, từ trẻ nhỏ cũng như người lớn đều lấy tiền bạc làm chuẩn mực cho thước đo cuộc sống. Người trẻ bị kẹt vào những cạm bẫy mà bản thân họ nhiều lúc cho là chuyện bình thường, là đúng đắn hay đến lúc không còn phân biệt được cái nào đúng và cái nào sai nữa. Truyền thống gia đình ngày càng bị xa rời, xã hội phương tây bây giờ đề cao giá trị gia đình sau bao nhiêu năm đề cao chủ nghĩa cá nhân và lối sống hưởng thụ. Bây giờ họ nhận thấy tác hại nghiêm trọng của điều này và quay về với cội rễ gia đình. Còn tại một số nước Á Châu, giá trị gia đình lại xuống cấp, sự truyền thông trong xã hội cũng vậy.

Người chiến binh cho rằng những giá trị truyền thống tốt đẹp, đem lại hạnh phúc cho mình ở hiện tại, sự bình an trong tâm hồn và hạnh phúc bền vững thì những giá trị này đáng được gìn giữ và thực tập. Không phải tất cả các giá trị truyền thống đều tốt đẹp, gìn giữ các giá trị này cần có sự chọn lọc. Cái hồn bản địa của dân tộc cần được vinh danh và đầu tư. Không một giá trị nào muốn gìn giữ mà không có đầu tư. Sự đầu tư đòi hỏi sự tham gia của người trẻ, chứ không phải người già, người già chỉ mang tính cố vấn, còn người trẻ phải thực tập và thực hiện. Thật là đáng tiếc nếu lãnh đạo các phong trào gìn giữ văn hóa đều là người già, còn người trẻ thì làm gì? Đối với môn đạo đức học, môn này cần được đưa vào thi tốt nghiệp ở tất cả các bậc học, kể cả bậc đại học. Thật là buồn cười nếu như đào tạo một người có tài mà chẳng biết gì về đạo đức, một người lãnh đạo được cho là tài năng mà một chút đạo đức cũng không có thì đất nước đó chỉ khổ mà thôi. Cái quan trọng của việc dạy đạo đức học là thực hành đạo đức bằng những hành động cụ thể, không thể thực tập đạo đức theo kiểu nói một đằng mà làm một nẻo. Đã có quá nhiều môn khoa học trong nhà trường mà chẳng thấy nhiều môn đạo đức, trong khi đạo đức là nền tảng xây dựng quốc gia. Khi phỏng vấn tuyển chọn một nhân viên, đạo đức là tiêu chí đầu tiên rồi mới đến tài năng. Khi tuyển chọn một vị tổng thống hay thủ tướng, xem người đó có tài hay không chỉ là thứ yếu mà xem người đó có đạo đức hay không, nếu người đó không có đạo đức thì nhứt quyết không tuyển chọn hay không bầu người đó. Người chiến binh luôn tâm niệm rằng đạo đức là cái gốc của con người, người không có đạo đức coi như mất gốc.

9. Còn Đâu Những Bức Thư Viết Bằng Mực Tím

Người chiến binh trong thế giới ảo (P2)

Thời đại này là thời đại điện tử. Thư điện tử cũng vì thế mà thay thế những bức thư viết bằng mực tím hay ít nhất là viết bằng bút bi. Cái thuở học trò lấm lem mực tím bây giờ trở thành chuyện dĩ vãng, thậm chí người ta còn viết lưu bút bằng những trang blog điện tử, vừa nhanh chóng vừa tiện lợi. Cái sắc tím hoàng hôn hay đồi hoa sim tím cũng được thay thế đi mất. Thời buổi này làm gì có chuyện lãng mạn. Thời buổi này phải nói chuyện tình yêu điện tử, yêu như chớp nhoáng, thoắt ẩn thoắt hiện. Mình bận bịu đến nỗi không thể viết những bức thư cho người thân, hay bày tỏ tình cảm với người mình thương. Mình mượn cái máy điện tử làm dùm mình hết rồi, nếu không phải là email thì cũng là tin nhắn. Thời đại thông tin nhanh như tên bắn thì viết thư bằng mực tím cũng trở thành chuyện tầm phào. Nhưng mình sẽ đảm bảo với bạn rằng nếu bạn nhận được một bức thư viết bằng mực tím từ người mình thương, bạn sẽ hạnh phúc hơn nhiều so với bức thư điện tử đầy vô cảm và hời hợt.

Người chiến binh khi đi xa nhà, anh viết thư cho người thương bằng mực tím bởi vì anh muốn gửi gắm tình cảm của mình trong đó, thể hiện sự tôn trọng đối với người nhận thư. Truyền thông bằng cách viết thư với lời lẽ ôn hòa là một cách thức khiến cho anh và người khác gần lại với nhau, tình cảm gắn bó với nhau hơn. Trước khi viết thư anh thực tập hơi thở có chánh niệm, rải lòng từ bi trên những dòng chữ viết và mỉm cười khi biết rằng người nhận sẽ được tưới tẩm hạt giống hạnh phúc khi đọc thư. Viết thư bằng mực tím là một cách thực tập tĩnh tâm hữu hiệu, là một cách thiền. Có người thực tập bằng cách thiền thư pháp, còn anh thì không giỏi viết thư pháp cho nên anh thực tập thiền viết thư mực tím. Không ai muốn đọc một bức thư buồn hay chất chứa những lời lẽ ủy mị. Bức thư anh viết chứa chan tình bạn, tình chồng vợ hay tình cha con. Người đọc thư sẽ cảm thấy như mình được nâng niu, cảm nhận được sự trìu mến và chỉ muốn gặp gỡ người viết thư càng sớm càng tốt. Viết thư trong chánh niệm là một cách trị liệu cho cả bản thân người viết và người nhận. Người viết truyền thông được niềm hạnh phúc, sự hy vọng, và niềm tin nơi người nhận. Người nhận nhận được sự truyền thông này để có thể nuôi dưỡng sự hiểu biết, tha thứ và thương yêu. Kết quả này mang lại cho anh chiến binh niềm vui thực sự bởi vì bản thân anh đã có sự thực tập

10. Internet Đem Con Người Lại Gần Nhau Nhưng Lại Càng Xa Nhau

Người chiến binh trong thế giới ảo (P2)

Mạng lưới Internet thực sự đem con người lại gần nhau nhưng lại càng xa nhau. Mình có thể truyền thông qua mạng lưới một cách dễ dàng nhưng khiến cho mình lười biếng đi thăm hỏi gặp gỡ nhau. Internet mang lại cho mình nhiều sự tiết kiệm, như tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong việc truyền thông hay quảng cáo, nhưng nó lại mang lại sự ô nhiễm mới, sự tắc nghẽn trên xa lộ thông tin và lãng phí công sức để giải quyết các vấn đề của thông tin. Thương mại điện tử khiến mình chỉ cần ngồi một chỗ là có thể mua hàng ở khắp mọi nơi vừa tiện lợi vừa đỡ mất công đi lại, nhưng lại biến mình thành cái máy vì mình không có cơ hội giao thiệp với những người bán hàng hay tiếp xúc với hàng hóa thực. Internet nối liền các vùng sâu vùng xa hay các người trẻ vùng hải đảo nhưng lại biến mình thành người chiêm ngưỡng phong cảnh qua máy hay nói đúng hơn là chiêm ngưỡng máy thay vì tiếp xúc với người thật việc thật. Các nhà chức trách có cơ hội đối thoại trực tuyến với người dân và bản thân người dân cũng có thể đối thoại trực tuyến với các nhà chức trách. Nhưng kỳ thực điều này không làm cho chính quyền và địa phương gần nhau mà là xa nhau bởi vì sự giáp mặt trở nên khó khăn cho nên tìm cách giáp mặt qua một cái máy.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng làm việc trong thế giới ảo mang lại hiệu quả cao và có năng suất hơn. (10) Đa số các doanh nhân và chuyên gia kinh tế đều đồng ý rằng người làm việc trong thế giới ảo hay làm việc trực tuyến mang lại hiệu quả năng suất cao, đầu óc nhạy bén, giải quyết tình huống nhanh và suy luận khá lôgic. Hầu hết trong số họ thích lối sống nhiệt tình, hiện đại và quyết đoán. Nền kinh tế ngày càng năng động thì xuất hiện một nghịch lý là nó ngày càng xa rời với cuộc đời thực. Hãy thử tưởng tượng bạn chỉ cần làm việc với Internet hay máy vi tính suốt ngày mà cơ thể không vận động, đầu óc lúc nào cũng máy với móc hay những con số thì không biết bạn có chịu nổi không. Nạn bạo lực và nguy cơ xâm phạm quyền cá nhân của con người đã trở nên phổ biến trên Internet và việc này làm cho Internet ô nhiễm trầm trọng, và điều đáng quan tâm là tốc độ ô nhiễm của nó lây lan nhanh chóng hơn cả sự ô nhiễm của môi trường hay tốc độ lây lan của virus máy tính.

Người chiến binh ý thức sự phát triển như vũ bão của Internet đối với người trẻ, anh quyết định sử dụng Internet “xanh”. Nếu như các nhà bảo vệ môi trường phải xây dựng môi trường “xanh, sạch, đẹp” thì cũng cần xây dựng mạng lưới Internet “xanh, sạch, đẹp”. Xanh ở đây có nghĩa là mọi thứ được truyền tải trên Internet đều phải đẹp, những điều các nhà tôn giáo, các nhà đạo đức hay các nhà tri thức đồng tình và ủng hộ. Độ tin cậy của Internet xanh giống như độ tin cậy vào trái đất lúc ban sơ, có nghĩa là hoàn toàn sạch và tươi mới. Mạng lưới xanh có tác dụng xây dựng niềm tin, tình huynh đệ, thương yêu lẫn nhau. Các giá trị văn hóa, đạo đức, tôn giáo và sự thực tập hạnh phúc góp phần biến Internet xanh thành một thực tại mầu nhiệm. Ý thức xây dựng Internet xanh chính là ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ trẻ em và nhân loại. Người trẻ phải có trách nhiệm chung tay xây dựng Internet xanh để hưởng thụ đúng nghĩa thành quả của nhân loại như là hít thở không khí vậy. Các thiết bị Internet cần phải thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm và không tạo ra khí thải hay chất độc hại cho môi trường. Người sử dụng cần thực tập để biến mạng lưới Internet thành một thế giới thực tại, chứ không phải là một kiểu thế giới ảo nữa, đồng thời biến Internet thành một yếu tố xã hội thực, trong đó nó được sử dụng như một phương tiện bảo vệ môi trường. Và đến lúc nào đó khi môi trường Internet thực sự xanh thì nó cũng có thể xứng đáng được bầu chọn là một thứ kỳ quan. Nếu như có kỳ quan thiên nhiên hay di sản văn hóa, thì cũng nên có kỳ quan công nghệ xanh hay di sản công nghệ xanh.

Trích sách Người chiến binh trong thế giới ảo – TG Minh Thạnh.

(www.sachminhthanh.wordpress.com)

Phật Pháp Ứng Dụng