1. Sự Bái Sám Và Cúng Tế
su bai sam va cung te
Sự Bái Sám Và Cúng Tế
Đến chùa để bái sám hay sắm sửa quá nhiều lễ vật để cúng tế là một hình thức tín ngưỡng làm xa rời sự tu tập, thậm chí vướng mắc vào con đường mê tín dị đoan. Theo Kinh Cúng Thí Người Mất, đức Phật dạy rằng chúng sanh sau khi mất tái sanh làm súc sanh, cõi trời hay cõi người thì chúng sanh đã có thức ăn riêng, cho nên việc cúng thí cho những người này không có kết quả, trừ trường hợp người chết sanh vào cõi ngạ quỷ.
Mục đích của người đi chùa không phải là bái sám. Mình nhìn thấy nhiều người đi chùa chỉ để lạy Phật và đốt nhang. Họ đốt cả một đống nhang, thậm chí là chen lấn hay xô đẩy, để cắm cho được một cây nhang vào bình. Nhưng sau khi cắm xong, chưa đầy một phút, một vị sư đã rút hết ra cho vào xô nước?! Sự ô nhiễm và khói bốc nghi ngút từ việc đốt nhang rất nguy hiểm. Và cả việc lạy Phật cũng vậy. Nhiều người lạy bán sống bán chết mà không biết mình đang lạy thì những khổ đau của thân tâm có chuyển hóa được phần nào hay không mà chỉ có thể làm cho mệt mỏi và bực bội thêm.
Thiên hạ bây giờ cúng tế đủ thứ, mục đích là để cầu nguyện. Mình còn nhìn thấy nhiều tượng Phật hay tượng đức Quan Âm bị kẹp biết bao nhiêu loại tiền giấy trong đó. Trời Phật bị ép ăn hối lộ huống chi là con người. Nhiều trường hợp con người giết thú vật để cúng tế, một hành động giết hại sanh mạng các loài động vật để cúng tế các cô hồn hay ngạ quỷ mong họ ấm no phù hộ cho bản thân làm ăn phát đạt hay công danh sự nghiệp thành tựu mau chóng. Việc này cũng chỉ làm cho ác nghiệp của người sống lẫn người chết càng thêm lớn mà thôi.
Người chiến binh đi chùa là để có cơ hội thực tập, nghe pháp thoại, hay thỉnh các kinh sách, còn dính mắc vào việc bái sám chỉ là động thái tạo nên những hành vi ảo. Khi đến chùa, bạn học tập cách thức thực tập chánh niệm của các nhà sư, tham khảo giáo lý kinh điển của đức Phật để áp dụng vào cuộc sống, tham vấn các nhà sư về cách thức đi thiền, ngồi thiền, nằm thiền, học tụng kinh và tham gia các công tác từ thiện hay làm công quả. Việc đến chùa chỉ lo bái sám hay cúng kiến chỉ tổ làm mất thì giờ mà chẳng được lợi ích gì, uổng công cho việc tới chùa, đi tới đi lui chỉ có tác dụng tập thể dục, không có tác dụng cho tu tập. Khi bạn đốt nhang, chỉ cần đốt duy nhất một cây nhang trước tượng của đức Phật và thực tập thiền đốt nhang, nghĩa là mỗi hành động hay cử chỉ khi đốt nhang cần phải được đầu tư toàn bộ thân tâm, niềm hạnh phúc khi được đốt nhang mới hiện tiền. Bạn cũng nên thực tập lạy theo phương thức năm vóc gieo xuống đất. Đó là cách thức thực tập thiền lạy. Khi mình lạy, không phải là lạy một bức tượng, mà lạy tinh thần từ bi rộng lớn của đức Phật. Khi lạy, cả năm phần của cơ thể đều chạm đất và bạn phải ý thức từng động tác khi lạy, đó là lạy có chánh niệm, đồng thời bạn cần quán tưởng đến từ bi bao dung và tuệ giác của đức Phật, khi đó bạn tiếp xúc được với Ngài và đức Phật trở nên hiện tiền ngay trong bạn.
Người chiến binh cũng cúng tế, nhưng sắc thái và bản chất khác hẳn với thế gian. Ngoài việc cúng dường cho chư Phật, chư vị Bồ Tát, cúng dường Tăng, anh còn cúng tổ tiên, ông bà quá vãng và các vong linh. Dâng hoa cho chư Phật là hay nhất, việc làm này bày tỏ sự tôn kính sâu sắc với đức Phật, có tác dụng nhắc nhở bản thân tu tập theo tuệ giác của Ngài. Dâng trái cây cho các vị Bồ Tát là cách thức nhắc nhở bản thân học theo hạnh nguyện của các vị, như hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quan Thế Âm, hạnh cứu khổ địa ngục của Bồ Tát Địa Tạng… Dâng thực phẩm đến chư Tăng là cách thức giúp các ngài có đủ sức khỏe để hoằng pháp, duy trì Phật giáo và góp phần thiện hóa chúng sanh. Việc cúng tế tổ tiên hay ông bà đã quá vãng không phải là để cầu xin phước báu của họ mà là cách thức nhắc nhở con cháu tưởng nhớ và ghi ơn cội nguồn cũng như những hy sinh của tổ tiên cho con cháu, đồng thời học đức tính làm người của tổ tiên. Nhưng quan trọng hơn cả là bạn cầu nguyện cũng như hướng dẫn tổ tiên tu tập để có nhiều hạnh phúc bằng những bài kinh hay bài thực tập thiền. Đối với các vong linh, cuộc sống của họ đã rất khổ và cực kỳ thiếu thốn, nếu như bạn cúng tế mà còn cầu xin họ ban cái này cái kia thì thật sự là đáng trách, bởi vì họ chẳng có gì để cho bạn cả, cái họ cần là sự tu tập của bạn, để họ có thể hưởng được phần nào phước mà bạn đã tạo. Khi cúng cho các hương linh, bạn nên cúng cháo trắng, sữa và mật ong, họ dễ dàng thọ lãnh. Nhưng điều đó không quan trọng bằng cách bạn đọc kinh cho họ nghe, mời họ ngồi thiền hay đi thiền hành, mời họ tu tập cùng với bạn để mau chóng chuyển hóa những khổ đau và được sanh làm người để có thể tu tập mỹ mãn. Đó là những cách cúng tế hay nhất, thể hiện lòng từ bi và cứu độ chúng sanh.
2. Cư Trú Trong Thế Giới Ảo
cu tru trong the gioi ao
Cư Trú Trong Thế Giới Ảo
Thế giới ảo tồn tại song song với thế giới thực và biến nó thành một phiên bản của thế giới thực. Đó là một thế giới của sự chớp nhoáng, nhanh chóng và mang tính hình thức. Nhiều nhà doanh thương sử dụng thế giới ảo như một phương tiện để tiết kiệm chi phí và tiếp cận với khách hàng hay đồng nghiệp. Khả năng giao tiếp của con người mọi lúc mọi nơi được nâng lên tầm cao mới nhưng thực chất khi đánh giá điều đó lại là một bước lùi thậm chí là lùi rất lớn, bởi vì như đã nói ở những phần trên, con người thực phải tiếp xúc với nhau qua cái máy hay cái màn hình. Mình sẽ không có cơ hội để tiếp xúc về mặt tình cảm, quan sát ánh mắt, lắng nghe giọng nói thực hay nụ cười thân thiện. Có công ty với hàng ngàn nhân viên, nhưng chỉ tiếp xúc với nhau qua máy vi tính và hệ thống mạng, thậm chí hai người nhân viên trong văn phòng ngồi đối diện nhau nhưng lại dùng lời lẽ của máy tính để giao tiếp, họ buồn đến nỗi không muốn cất lên một lời nói. Còn nếu như họ muốn nói chuyện thì lại thích nói qua cái microphone hơn là nói trực tiếp để có thể lắng nghe nhau thực sự bằng những âm thanh thực sự không có chỉnh sửa. Mọi việc quản lý nhân viên hay lập kế hoạch kinh doanh đều dựa trên nền tảng của thế giới ảo đến mức công việc giấy tờ giảm tối thiểu. Việc này cũng hay nhưng thực tế họ phải đối mặt với việc bảo mật dữ liệu, virus tấn công hay mất mát thông tin. Những diễn đàn ảo được thiết lập nhằm đưa ra những cuộc trao đổi mua bán hay bày tỏ tâm tư tình cảm với đối tượng không quen biết. Và nhiều lúc máy móc làm thay con người tất cả mọi việc, kể cả về mặt tinh thần. Nhưng sự quá ư tự do của ngôn luận trong thế giới ảo lại làm giảm giá trị trong sáng của ngôn từ và làm gia tăng kỳ thị giữa các thành phần trong xã hội một khi nó bị lạm dụng quá mức.
Thế giới ảo được hình thành và đã trở thành một cuộc mua bán thực sự. Người ta thành lập các quốc gia ảo với thành phố ảo, trung tâm thương mại hay biệt thự ảo và lối sống được thiết lập ảo với sản phẩm ảo trong đó. Nhưng điều đáng chú ý là những cái ảo này được đem rao bán như một giá trị bất động sản thật với chi phí thật và người bỏ tiền thật ra mua những cái ảo này cũng là thật? (18) Hệ thống ảo trong một thành phố ảo y như thật và người tham gia phải trả bằng tiền thật của họ để hưởng thụ những cái ảo như thế. Và sự ra đời của nền kinh tế ảo là điều tất nhiên, trong đó nền kinh tế hoàn toàn dựa vào sản phẩm ảo với chất lượng rất ảo để phát triển nền kinh tế và biến người dân thực trong quốc gia đó làm việc và sinh sống như những người máy. Những hiện thực không thể thực hiện được trong thế giới thực đã được đưa vào thế giới ảo rất dễ dàng, làm cho nó đã ảo lại càng ảo thêm, nếu như không nói bản chất của nó là cực kỳ trống rỗng, đố bạn có thể chạm tay tới được. Nhiều người cư trú trong thế giới ảo nói chuyện về không gian, thám hiểm lòng đất, bắn tên lửa hay mua sắm các hòn đảo trả bằng tiền thật nghe y như thật, y như là họ đang có cuộc sống bình thường trong đời thực. Thế giới ảo ngày càng trở nên tích cực khi mà cư dân ở đó ngày càng đông đảo, muôn hình vạn trạng thế giới được đưa ra để kích thích cái tính khoái ảo của cư dân và họ muốn kích thích sự thỏa mãn cái ảo đó.
Chắc chắn là người chiến binh chẳng muốn cư trú trong thế giới ảo như vậy. Anh không muốn chạy trốn những quan hệ thực trong thế giới thực để cư trú và chìm đắm trong đó. Những trò chơi ảo này chỉ chứng tỏ người chơi trong đời thực đang thất bại, không đủ vững chãi, cho nên cố tìm kiếm và an ủi bản thân bằng những danh vọng ảo và sự khen tặng ảo. Nhiều người nghiện thế giới ảo như những kẻ cuồng tín, nhiều khi mang tính cực đoan. Chính vì thế anh thực tập tiếp xúc với đời sống thực hơn là thế giới ảo, anh không thể đem thân mạng thí cho thế giới không nơi nương tựa. Anh không muốn biến mình thành người lẻ loi giữa đời sống thực, cho nên anh tìm kiếm hạnh phúc giữa cuộc đời thực, bởi vì nó lý thú hơn trăm ngàn lần. Con người đã tạo ra những cái ảo, chạy theo nó, mà đã là ảo thì làm sao nắm bắt được, để rồi phải chết vì cái ảo đó. Vậy thì anh đâu cần chạy theo nó, nắm bắt thực tại hiện tiền là cách tạo dựng cái thực đúng đắn. Trong thế giới thực anh sẽ trân trọng những gì là thực, anh có mặt là thực, gia đình anh có mặt là thực, lối sống giản dị là thực, công việc bình thường là thực, khi nhận diện những điều đó đang có thì hãy hài lòng và chấp nhận nó, bởi vì nó có thực và nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của anh. Vậy thì tại sao lại phải chơi những trò của thế giới ảo để đánh mất cả bản thân? Lịch sử của thế giới luôn được viết bằng những cái thực, không bao giờ bằng những cái ảo, trừ khi con người cố tình làm cho nó ảo mà thôi.
3. Sự Ăn Cắp Thông Tin Trên Mạng
su an cap thong tin tren mang
Sự Ăn Cắp Thông Tin Trên Mạng
Một vấn đề to lớn của hệ thống mạng là tình trạng mất cắp thông tin. Bởi vì thông tin quá nhiều và quá sơ hở, cho nên việc lấy những thông tin đó nhằm cho mục đích phá hoại hay giỡn chơi cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công việc của người chủ sở hữu thông tin. Ngoài việc cung cấp hay tạo ra thông tin trên mạng, họ còn phải tốn kém nhiều chi phí cho việc bảo mật thông tin hay bảo quản thông tin. Tuy nhiên vấn đề không chỉ dừng ở đó, một loại tội phạm không phải mới đã tận dụng những sơ hở của việc bảo mật thông tin để gây tội ác như cướp bóc, dụ dỗ, hay kêu gọi chiến tranh. Chiến tranh thông tin không mới nhưng nó vẫn được áp dụng để gây đe dọa, gây mất an ninh, hay rối loạn trật tự xã hội. Việc lạm dụng thông tin trên mạng gây chia rẽ hay tranh cãi quá nhiều về những vấn đề chính trị hay vấn đề đạo đức xã hội làm người sử dụng thông tin có những niềm tin lệch lạc về sự thật. Có quá nhiều người tin vào thông tin trên mạng đến nỗi họ tranh cãi với người khác chỉ vì những thông tin ảo. Có trường hợp người ta tận dụng lòng hảo tâm của người khác để gây tội ác, như trường hợp cảnh báo của Yahoo về các tin nhắn trên Messenger về việc gửi các tin nhắn để làm từ thiện, nhưng thực tế là cố tình ăn cắp những thông tin cá nhân của bạn cho mục đích bất thiện.
Một quốc gia đã bỏ nhiều thì giờ, trí óc, tiền bạc và sức lực để thiết lập hệ thống quân sự nhằm bảo vệ an ninh cho đất nước họ, và bây giờ họ lại phải tiếp tục làm như thế cho hệ thống mạng. Khi tác giả còn là giảng viên tại trường Kent, khi cho bài tập về nhà đến sinh viên, rất nhiều bạn rất vô tư bê nguyên bản những bài viết trên mạng vào bài làm của mình và cũng vô tư xem nó là ý kiến của mình mà chẳng hiểu chút gì về nội dung được truyền tải. Nạn ăn cắp thông tin của người khác làm thông tin cho mình đầy dẫy đến nỗi không thể kiểm soát được bởi vì số lượng quá lớn. Sự phổ biến và cá nhân hóa quá lớn của các trang mạng làm mất đi tính chất cộng đồng vốn có của mạng lưới Internet, sự thâm nhập của những người ăn cắp tương tự như những tên trộm đột nhập vào một căn nhà và có bao nhiêu tài sản quý báu đều bị vơ vét hay bị trao đổi. Một số quốc gia quá đỗi vui mừng vì tốc độ phát triển của người sử dụng Internet hay công nghệ thông tin, nhưng họ không biết thiết lập môi trường xanh cho nó, bởi vì đồng hành với chúng là sự ô nhiễm và tệ nạn xã hội. Niềm tin của con người về thông tin trên mạng Internet rất lớn, nó trở thành công cụ hữu hiệu để truyền tải những thông tin không thật nhằm mục đích thương mại hay mục đích nào đó. Như vậy ngoài việc tạo dựng mạng, con người còn phải tốn kém thêm nhân lực và tiền bạc để bảo vệ an ninh cho nó, nhiều khi thiết tưởng, bảo vệ an ninh cho một trang mạng còn kỹ càng hơn bảo vệ bản thân khi đang chạy xe trên đường hay bảo vệ gia đình của mình?!.
Sử dụng mạng lưới Internet hay sử dụng thông tin trên mạng như thế nào là do ý thức của từng người sử dụng. Sự ra đời của Internet đã giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí và nhân lực, nhưng cũng nên làm môi trường này trở nên thân thiện hơn với con người. Đừng tưởng rằng hàng triệu hàng tỉ người sử dụng Internet hay truy cập thông tin mỗi ngày thì cho rằng nó thân thiện, không đúng như vậy. Internet thuở ban sơ cũng giống như trái đất thuở ban sơ. Ngày xưa trái đất rất xanh không có chỗ nào của tầng ô zôn bị thủng cả, nhưng bây giờ ô nhiễm khắp nơi, và chính con người làm nó trở nên tồi tệ như vậy chứ không ai khác. Internet cũng thế, từ khi ban sơ, nó cũng xanh và đẹp, nhưng hãy nhìn kỹ những gì mà con người đã biến Internet và những thông tin mà họ đưa lên môi trường này. Internet bây giờ có những chỗ cực kỳ độc hại giống như mảng ô zôn bị thủng trên bầu trời ở Nam cực. Con người phải đối mặt với hiệu ứng nhà kính của môi trường Internet, trong đó nhiều nơi bị thủng, bị ô nhiễm, hay quá dung túng cho những điều xấu xa. Nếu một mai Internet bị triệt tiêu hoàn toàn bởi một trận đại hồng thủy nào đó giống như trái đất hàng triệu năm trước làm cho loài khủng long bị diệt vong thì những thế hệ quá phụ thuộc và dính chặt vào Internet như không khí để thở sẽ sống như thế nào? Bạn cũng hãy nhớ rằng, thông tin trên Internet cũng là một trong những nguyên nhân ngày càng trở nên kỳ cựu khiến con người căng thẳng (stress) hơn, bên cạnh các nguyên nhân gây căng thẳng khác. Có rất nhiều loại thuốc được dùng để làm sạch máy vi tính hay các thiết bị máy vi tính, thì bạn sẽ chế ra những loại thuốc nào để làm sạch Internet đây? Phần mềm làm sạch môi trường Internet có tên Internet an toàn (Safe Internet) do một kỹ sư tên Bảo thiết kế nhằm ngăn chặn những chất ô nhiễm của Internet, nhưng liệu rằng nó có quét sạch được chất ô nhiễm hay là chỉ có tính chất ngăn chặn mà thôi? (19) Bạn thử suy nghĩ xem nguyên nhân của Internet bẩn là do đâu, việc thông tin bị lợi dụng là do đâu, việc bát nháo trong quốc gia Internet là do đâu? Có phải là do tâm của người sử dụng không? Nếu tâm muốn nó sạch thì nó sẽ sạch, nếu muốn nó bẩn thì nó sẽ bẩn. Vậy muốn cho Internet không bẩn, mần ơn hãy đi rửa sạch cái tâm của bạn đi. Khi cái tâm đã sạch rồi thì dù cái gì dơ cũng không làm cho nó ô nhiễm được đâu.
4. Duy Trì Các Giá Trị Văn Hóa
duy tri cac gia tri van hoa
Duy Trì Các Giá Trị Văn Hóa
Nhiều quốc gia đặc biệt là các quốc gia Châu Á thường xuyên kêu gọi người trẻ của nước mình bảo tồn và duy trì các giá trị văn hóa hoặc giá trị truyền thống. Tuy nhiên những loại hình văn hóa nào cần phải được bảo tồn và loại hình nào cần duy trì? Văn hóa hay truyền thống cần gìn giữ nhất thiết phải mang lại cho mình hạnh phúc ở hiện tại, có tác dụng tưới tẩm những hạt giống của niềm tin và hy vọng, hoặc đề cao công ơn của tổ tiên hay giá trị truyền thống gia đình. Những truyền thống này cần được bảo vệ và xây dựng để người trẻ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm xây dựng hạnh phúc từ tổ tiên. Các giá trị văn hóa cần có phương án phát triển không chỉ đơn thuần viết thành sách hay đem ra trưng bày trong phòng triển lãm. Một đô thị đậm nét truyền thống tốt đẹp hay đa dạng về bản sắc thường thu hút người trẻ hơn một thành phố quá đơn điệu thiếu thốn những sinh hoạt cộng đồng mang tính truyền thống. Văn hóa không chỉ là kiến trúc vật thể mà còn là tinh thần, tâm linh, phi vật thể. Vấn đề du nhập những văn hóa bên ngoài là điều tốt nhưng người trẻ cần tỉnh táo để có thể đi theo xu hướng văn hóa phù hợp. Nếu loại văn hóa đó có tác dụng tàn hoại thân tâm của họ thì họ nên từ chối và tuyệt đối không du nhập loại văn hóa như vậy. Người trẻ nên trước hết hãy đa dạng loại hình văn hóa nội địa cho thành công đã rồi hãy nghĩ tới việc du nhập các hình thức văn hóa khác.
Văn hóa được cho là thích hợp khi nó có tính nhân bản. Văn hóa không thích hợp thì ngược lại, làm suy đồi tính chân thiện mỹ của văn hóa, thậm chí rơi vào tình trạng mê tín. Văn hóa thờ cúng ông bà hay tổ tiên là cách để ghi nhớ và học tập theo tinh thần uống nước nhớ nguồn, con người phải quay về nguồn cội, quay về cái gốc của mình. Đây là loại văn hóa thích hợp, nuôi dưỡng người trẻ về ý thức gia đình hay cộng đồng. Tục tảo hôn duy trì tại một số vùng hẻo lánh ở Châu Á không mang lại hạnh phúc thực sự nào cho những bên tham gia mà còn vi phạm về lạm dụng tình dục trẻ em, thực hiện kiểu văn hóa này chỉ làm xói mòn đạo đức mà thôi. Đây là loại hình văn hóa không thích hợp, cản trở sự tiến bộ của xã hội và không tôn trọng sanh mạng con người.
Người trẻ nhiều lúc đắm chìm trong lối sống theo văn hóa hiện đại nhưng thực sự chưa sáng suốt để nhìn nhận văn hóa nào thích hợp hay không thích hợp. Văn hóa tiêu thụ chỉ làm cho họ trở nên quay cuồng và đánh mất giờ phút quý báu để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Văn hóa sống thử chỉ có thể gây đau khổ cho bản thân và cho người khác một khi những suy nghĩ của người trẻ chưa được chín chắn hoặc chưa đủ sức gánh vác trách nhiệm. Văn hóa tình dục theo kiểu trống rỗng khiến mất đi tính người, thậm chí dung túng cho những hành vi cẩu thả hay bừa bãi. Văn hóa tranh cãi khiến con người ngày càng trở nên bất đồng, phản biện xã hội có cái hay riêng nhưng sẽ bị phá vỡ nếu như không có sự nhất quán hay tiêu chuẩn chọn lựa chung. Có biết bao thế hệ cha ông trong quá khứ cũng như hiện tại đã chém giết nhau chỉ vì tranh cãi những học thuyết hay đấu tranh cho ý thức hệ. Như vậy mình có nên chọn lựa loại văn hóa không phù hợp này không? Xây dựng văn hóa cộng đồng là cách phát triển văn hóa hay vì nó giúp nâng cao tình người, mang con người đến với nhau để dễ dàng lắng nghe, trò chuyện và chia sẻ, trong đó tính nhân bản được phát huy cao độ. Văn hóa xanh góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bởi vì bảo vệ môi trường chính là bảo vệ con người, tôn trọng bản thân và đối thoại trực tiếp với thiên nhiên mà không có sự ngăn trở nào. Để xây dựng văn hóa như vậy, người trẻ phải biết thay đổi, thực tập thay đổi để có cái nhìn đúng đắn về bản chất của văn hóa, biến văn hóa thành chất liệu của sự vững chãi, chứ không thể để nó trở thành rào cản hay phương tiện tự tử tự giết chết mình. Văn hóa vật chất mà cứ lấn lướt văn hóa tinh thần thì nền kinh tế hay xã hội dễ dàng bị gãy đổ. Cũng như trong một doanh nghiệp đời sống tinh thần hay văn hóa tinh thần của người nhân viên bị xem nhẹ thì coi như người chủ doanh nghiệp đó thất bại nặng nề, nhân viên sẽ ra đi nhanh chóng. Để phủ sóng cho được văn hóa thích hợp cần có loại hình kiểu mẫu và có cộng đồng làm gương, bởi vì văn hóa có tính bắt chước rất lớn, và nếu như người trẻ thấy được tiềm năng hạnh phúc thực sự của văn hóa thích hợp thì họ sẽ thực tập và làm theo, còn nếu không họ chỉ biết đi theo trào lưu và chết ngay chính trong những trào lưu ấy.
5. Người Điên – Đi Vào Thế Giới Thực Để Tránh Thế Giới Ảo Hay Ngược Lại
nguoi ao
Người Điên – Đi Vào Thế Giới Thực
Để Tránh Thế Giới Ảo Hay Ngược Lại
Ở đây mình không muốn nói đến người bệnh về mặt tâm lý phải chữa trị tại bệnh viện tâm thần, mình lại đề cập đến những người hoàn toàn bình thường nhưng cư xử, suy nghĩ và lời nói như những người điên. Thế giới ảo xung quanh khiến mình trở nên điên khùng. Những suy nghĩ hay hành động điên rồ phát sinh ra bởi cái thực tại ô nhiễm, cho nên mình tìm kiếm vào thế giới ảo điên khùng để tránh né một cuộc sống không bình thường của thực tại. Một bộ não hoạt động quá chức năng hay hoạt động quá mức (17) sẽ dẫn đến tình trạng xuống cấp về mặt tinh thần và mình trở nên thiếu sáng suốt, khi đó những suy nghĩ và hành động xa dần thế giới thực. Những đam mê và dính mắc khiến mình trở nên đa đoan, mình càng cảm thấy thế giới này không đáp ứng được cái thực sự mình muốn, cho nên hóa điên. Mình điên trong những trò chơi ảo vọng, điên trong những cuộc phiêu lưu tìm kiếm cái xa vời, điên trong trò chơi say sưa không biết khi nào kết thúc, và điên kể cả khi mình vẫn đang tỉnh. Cái loại điên này ngày càng trở nên có “chiến lược” bằng những phương án hành động, lịch trình tác chiến hay dự án mênh mông. Sự khao khát tồn tại trong thế giới thực về mặt địa vị, ăn mặc hay tiền tài biến bản chất của nó trở nên ảo không thể chịu nổi. Và khi cái không thể chịu nổi đó quá bức bách, mình trở nên điên loạn, điên hơn bao giờ hết.
Tại Hoa Kỳ, theo nghiên cứu của Viện sức khỏe tinh thần quốc gia, những người có triệu chứng rối loạn tinh thần hay tâm thần ngày càng tăng, cứ bốn người trưởng thành thì có ít nhất một người bị khủng hoảng tâm lý và khoảng cách này ngày càng ngắn theo hiện đại của xã hội. (17) Nhiều người muốn bản thân bị điên cho rồi để không phải đối diện với những thế giới ảo của hiện tại, đó chính là nỗi khổ niềm đau ngay trong thể xác lẫn tâm hồn. Họ cố trốn tránh hiện tại, đau đớn về quá khứ cay đắng hay lo âu về một tương lai xa vời. Họ không có bất cứ con thuyền hay ít nhất là cái phao nào để mà bám víu, nỗi cô đơn tuyệt vọng trong họ lớn đến nỗi họ muốn điên hay chết đi để khỏi phải nhớ đến những nỗi khổ niềm đau đó. Cho dù họ là người hiếu thắng, người thích cạnh tranh, người giỏi biện luận, người thích lấn lướt hay người đam mê này nọ, thì đó cũng đều là những yếu tố khiến họ dễ dàng trở nên bị điên. Bởi vì những hạt giống này khi sinh sôi nảy nở trong họ làm cho họ rơi vào tình trạng bị dồn nén, bị thúc ép, bị ám ảnh, bị mong ước, bị suy nghĩ nhiều, bị băn khoăn, bị lo lắng, bị hồi hộp và rơi vào trạng thái căng thẳng hoặc trở nên nóng nảy khó chịu. Khi hạt giống nảy mầm bằng cây con, cái cây của căng thẳng và nóng nảy nếu không được chữa trị mà lại tiếp tục bị tưới bằng những dòng nước của căng thẳng và nóng nảy nữa thì nó sẽ thành cây đại thụ, một cây đại thụ bị điên, bị rối loạn hết tất cả các chức năng.
Người chiến binh luôn luôn tỉnh thức để biết rõ rằng anh là người bình thường, một kiểu bình thường đáng phải thực tập giữa thế giới đang điên. Tỉnh thức để biết rõ điều giản dị làm nên cái đẹp mầu nhiệm. Khi anh không chạy theo những ám ảnh mơ hồ thì anh sẽ đủ khả năng để nhận diện những cái đẹp đơn giản. Cái đẹp đơn giản lại bắt đầu từ cái đẹp cực kỳ nhỏ nhưng ý nghĩa của nó vô cùng to lớn. Chạy theo vật chất và tiền tài rồi cho là thước đo của sự thành đạt chính là một triệu chứng của điên loạn. Thực tập để nhìn nhận và thưởng thức cái đẹp đích thực chỉ có ở một tinh thần trong sáng, một cái tâm vững vàng và nói không với mọi cám dỗ. Sự nghèo khó không thể làm cho bạn trở nên sợ hãi nếu như bạn thực tập chấp nhận với hoàn cảnh, tìm niềm vui trong sáng trong sự thanh bạch, bởi vì hạnh phúc không nằm ở chỗ bạn có bao nhiêu tiền ở ngân hàng mà hạnh phúc nằm ở chỗ bạn tiếp xúc với sự sống ở hiện tại sâu sắc như thế nào. Sự tỉnh thức là một phép lạ giúp cho bạn làm được điều đó nếu như bạn thực tập chánh niệm ở trong mọi hoàn cảnh. Nhiều người cho bệnh tâm thần là tình trạng không bình thường của tâm. Vậy tiêu chuẩn của một tâm bình thường là gì để có thể xem xét một tâm không bình thường? Có phải cho rằng một tâm bình thường là phải đi theo các tiêu chuẩn của xã hội hay của luật pháp hay không? Hoàn toàn không đúng như vậy. Một tâm bình thường đơn giản là bình thường, nếu hiểu rõ là ở dạng “trung bình”, không quá cao độ hay không quá xuống thấp, tức là bình bình thôi. Con người thường hay tìm thuốc chữa khi đã có bệnh mà không chịu quan tâm nhiều đến cách phòng bệnh. Để khỏi bị điên, bạn nên thực tập thiền định, một phương thức thực tập phát triển tinh thần hay nhất và tuyệt vời nhất, bởi vì nó có tác dụng làm thanh tịnh hóa tinh thần, có khả năng đưa bạn về tình trạnh “bình thường” của tâm. Đối tượng của tâm ở đây chính là hơi thở. Hơi thở vào ra giúp bạn nhận diện cái khổ, ôm ấp cái khổ đó, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến khổ và giải quyết nó. Khi nguyên nhân của cái khổ được diệt tận gốc, tâm của bạn trở nên rất bình thường đến nỗi những cái đau tương tự hay lớn hơn nữa xảy đến, bạn vẫn bình chân như vại, không thể làm bạn gục ngã được. Ở đây mình không đề cập nhiều đến thủ thuật của thiền định nhưng mình chỉ cho bạn thấy là cần phòng bệnh hơn chữa bệnh, để khỏi bị điên thì nên thực tập ngay bây giờ. Bạn có thể cho rằng bạn đang bình thường đấy, nhưng người khác lại cho rằng bạn đang bị điên? Vậy bạn muốn là người điên hay người bình thường? Bạn hãy là người bác sĩ cho chính bạn, tự chữa trị cho mình để được là người bình thường đi nhé.
6. Sự Cầu Cứu Của Thực Tại
su cau cuu cua thuc tai
Sự Cầu Cứu Của Thực Tại
Nghiện những đam mê như là nghiện rượu, đưa bản thân con người xa rời và quên lãng thực tại. Mình thường hay lãng tránh thực tại để tìm kiếm cái không đâu như là đi vào thế giới ảo và say sưa trong đó. Giải thoát cho bản thân bằng cách trốn chạy thực tại là cách rất nhiều người trẻ đang vướng mắc vào và cho đó là cách hay để sống, là cách chứng tỏ bản thân hay là cách để giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống, nhưng kỳ thực chẳng có gì được giải quyết cả. Những suy nghĩ bế tắc, những thái độ tuyệt vọng, những nỗi khổ niềm đau hay đủ thứ tâm tư thất vọng được giải quyết bằng những trò chơi ảo trên mạng, trong vũ trường, sử dụng ma túy, nghiện ngập rượu bia hay đủ thứ kiểu dung túng khác hoàn toàn thực sự không giải quyết được gì, mà chỉ khiến cho mình trở nên bị kìm hãm hay phụ thuộc vào sự tha hóa của vật chất và sự trụy lạc của dục vọng. Những quan điểm sai lầm về thế giới ảo khiến cho mình dễ dàng gây tội ác hay những hành vi rất bạo động cho ngay chính bản thân của mình, và bản thân làm tội hay gây đau khổ cho mình. Sự thất thểu của mình dẫn đến tình trạng mất tự chủ của thân tâm, chứ không chỉ có rượu mới dẫn đến tình trạng như vậy. Mọi thứ trong thế giới ảo đều làm cho mình không phải là mình nữa, mình trở thành ai đó không bình thường và hoàn toàn xa lạ với thực tại. Mọi thứ trong thế giới ảo ở đây không chỉ đơn thuần là mạng lưới Internet, mà những thứ khác như đã nói ở trên, nói chung là cái dính mắc vào, cái mà mình cho là thiếu vắng nó mình không thể hạnh phúc được. Những đam mê hay dính mắc mà mình đang theo đuổi đó không bao giờ đem đến hạnh phúc ở hiện tại mà mình cứ lầm tưởng là nó mang đến cho mình hạnh phúc và tự ru ngủ mình bằng những thứ hạnh phúc tự làm ngu mình đi. Chẳng hạn như một trò chơi trên mạng làm cho mình phải chơi hoài mặc dù biết là mình chẳng bao giờ thắng cả, chẳng bao giờ “phá băng” cả.
Thực tại đang kêu cứu mà mình vẫn dửng dưng như không. Thực tại đang có đến hàng triệu trẻ em bị bỏ đói, bị lạm dụng sức lao động hay bị lạm dụng tình dục đến nỗi thực tại chịu không nổi phải giơ cao hai tay lên réo gọi khắp nơi. Trẻ em ở Trung Quốc bị vấn nạn sữa nhiễm độc mélamine, phải mang bệnh và thậm chí tử vong là tiếng kêu tới những người đang đi trong thế giới ảo của lợi nhuận. Thực tại sông Thị Vải đang ô nhiễm vì chất thải của nhà máy Vedan là tiếng kêu cứu tới những người đang kiếm sống bằng cách tàn hoại trái đất. Thực tại đang kêu cứu ở những trung tâm tài chính toàn cầu tới những người cho rằng xây dựng hạnh phúc bằng những phương tiện làm giàu vật chất hay khuyếch trương số lượng mà chẳng màng gì đến chất lượng. Thực tại kêu cứu vì quá nhiều người đang lo cái việc tranh giành đất đai, tranh giành quyền ảnh hưởng khu vực, tranh giành việc phân phối dầu lửa, tranh giành chạy đua vũ khí hạt nhân hay vũ khí hạng nặng, tranh giành liên kết quân sự, tranh giành diễn tập quân sự, tranh giành bay vào không gian, tranh giành từng thị phần trên thị trường, tranh giành từng địa vị xã hội, tranh giành từng giải thưởng, tranh giành tiêu xài, tranh giành từng lời ăn tiếng nói mà quên rằng tất cả những điều đó chỉ là cách đi lùi với tiến bộ xã hội, làm tha hóa đạo đức và gây chia rẽ trái đất, làm cho thực tại đã phức tạp càng trở nên phức tạp hơn.
Giải quyết những chuyện của thực tại bằng phương thức hợp tác, đối thoại, lắng nghe, và sử dụng lời nói ái ngữ hay bất cứ hành động bất bạo động nào khác để giúp thực tại trở nên êm dịu. Cách thức này nghe có vẻ đơn giản nhưng kỳ thực nếu thực hành thành công thì xã hội sẽ văn minh và tiến bộ. Nếu trẻ em được lắng nghe và chăm sóc chu đáo thì không có chuyện trẻ em bị ức hiếp vô cùng nặng nề như bây giờ, mạng sống của trẻ em được nâng niu từng chút một và tâm hồn của trẻ em được bảo vệ bởi tình thương thực sự, bằng những hành động thực sự, chứ không phải bằng những lời tuyên truyền vô nghĩa. Hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề chất độc da cam hay các vấn đề về ô nhiễm môi trường hơn là tìm cách kiện tụng, bắt bớ hay lý giải này nọ, bởi vì những chuyện này chỉ mang lại thêm hiềm hận, chỉ trích hay căm thù. Một khi đến gần nhau để hợp tác tìm ra những giải pháp làm thế nào giải quyết ô nhiễm, tẩy trừ chất độc, vá lại tầng ô zôn, gia tăng ý thức không tàn hoại môi trường, thông cảm và yêu thương nhau, chứ không phải tối ngày ăn cho no, mặc cho ấm ngồi đả kích nhau, để rồi cuối cùng mọi thứ cũng chẳng giải quyết được gì, trẻ em vẫn bị nhiễm bệnh, môi trường vẫn bị ô nhiễm, các nạn nhân chất độc da cam chưa được chữa trị gì nhiều, vậy thì chỉ trích hay đả kích nhau có ích gì, có chăng chỉ làm gia tăng thêm bạo động xã hội? Những trung tâm tài chính một thời cho rằng mình là ‘cái đinh’ của toàn cầu, nói đến chứng khoán hay tập đoàn tài chính phải nói đến tên của tập đoàn mình, thì phải hiểu rõ tính chất vô thường của nó. Sự sụp đổ của nhiều tập đoàn tài chính được cho là ông vua là một minh chứng rằng chẳng có gì bền vững. Thực nực cười khi cho một quan điểm kinh tế hay một hệ thống tài chính là muôn năm, là mãi mãi, không bao giờ có chuyện đó. Quan điểm có tồn tại nếu như trái đất bị một trận đại hồng thủy hủy diệt loài người, thì bạn có khả năng hùng biện cho quan điểm được cho là đúng đắn của bạn hay không? Thật mất thì giờ khi tìm kiếm các sự liên kết kinh tế, quân sự, hay hậu thuẫn về chính trị trong khi nhiều thứ của thực tại bạn không thể nào giải quyết được. Vậy thực tại của bạn là gì, có phải là những thứ mà mình vừa nêu ra hay không, hay là bạn lại công nhận nó, tìm kiếm những cái ảo tưởng ở đâu đâu, để rồi đến lúc nào đó bạn phải hét toáng lên rằng trời ơi bấy lâu nay thực tại của tôi ở ngay đây mà tôi nào có biết, tôi lo tìm kiếm nó ở tận bến bờ sâu thẳm, nghe sao xa vời quá. Người chiến binh đáng tiếc cho những ai đi tìm kiếm cái xa lắc như vậy, anh quay về với hơi thở ý thức rằng anh đang còn sống để có thể thực tập làm sạch thân tâm của anh, khi thân tâm của anh đã sạch sẽ thì mọi thứ khác sẽ dễ dàng sạch sẽ, khỏi phải lo tìm kiếm giải pháp chi nữa.
7. Dính Mắc Tài Sản Và Tình Cảm
dinh mac tai san
Dính Mắc Tài Sản Và Tình Cảm
Việc tìm kiếm, chất chứa và tích lũy tiền bạc hay của cải làm giảm khả năng thực tập buông bỏ và thực tập bố thí. Người có ý muốn chất đống tài sản và hãnh diện bằng những con số làm sao có thể chịu bỏ tất cả để sống thanh bạch. Tất cả các loại tài sản này cho dù nằm dưới hình thức nào, tài sản hữu hình hay tài sản vô hình, thực chất không thể đem lại an ninh tuyệt đối cho người nắm giữ chúng, bởi vì chúng dễ dàng trở nên mất an ninh và biến mất bởi những người tranh giành quyền thừa kế, kẻ trộm cắp, quốc hữu hóa, thiên tai hay hỏa hoạn. Nếu như mình cất giữ tiền bạc hay tài sản trong ngân hàng, sức mấy mình bảo đảm rằng ngân hàng đó không sụp đổ, cho dù họ có mua bảo hiểm cho tài sản của mình tại một công ty bảo hiểm lớn nào đó, nhưng mình không thể chắc chắn về sự sụp đổ liên hoàn của các tổ chức tài chính trong một khối kinh tế đang suy thoái hoặc lung lay. Tài sản vật chất nhìn có vẻ to lớn và bề thế nhưng thực chất cực kỳ mỏng manh, dễ bốc hơi và biến dạng. Chúng là nguyên nhân dẫn đến những tai họa, mâu thuẫn, tranh cãi, giành dựt, phiền não, và khi chúng trở về con số không thì mình cũng trở nên con số không luôn, mình trở thành cái mình nghĩ. Chính vì thế đưa mục tiêu cuộc sống là làm giàu thực chất là làm nghèo. Làm giàu mà trở nên sụp đổ thì có khác gì làm nghèo. Việc mang vác tài sản ra để bố thí với tâm trong sạch không mong cầu là cách thức làm giàu bản thân, chứ không phải là kẻ ngu si như quá nhiều người lầm tưởng. Buông bỏ đi rồi thì khỏe re.
Theo đuổi, níu kéo, mơ tưởng hay đắm chìm trong tình cảm quá mức dễ dàng dẫn đến mù quáng và đau khổ khi không được toại nguyện. Mình đau khổ vì sự ra đi của người thân, người yêu, người bạn hay những người mà mình quý trọng. Mình lệ thuộc vào tình cảm của mình lẫn tình cảm của người khác. Khi mình thương một người, mình muốn được đáp trả, và nếu như không được đáp ứng thì mình lại có sự giận hờn, đau khổ và tuyệt vọng. Khi tình yêu bị từ chối và mình trước đây cho rằng chỉ có tình yêu đó mình mới sống nổi, mình sẽ dễ dàng hành động sai trái và những hiềm hận trỗi dậy. Tình yêu dính mắc này không thể nào làm cho mình được giải thoát mà chỉ là cách thức bỏ tù bản thân. Mình luôn tìm cách chứng minh sự thắng thế trong việc chiếm đoạt tình cảm, chứng minh tình yêu hay bày tỏ sự hơn thua trong yêu đương, nhưng mình không nhận thấy rằng mọi thứ như vậy không bao giờ trường tồn và nó chỉ xuất hiện trong một giai đoạn nhất thời. Khi đã đạt được tình cảm đó rồi, mình sẽ nhanh chóng chán ngay và tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới, như vậy thì mình chẳng bao giờ thấy được bến đỗ cả.
Cuộc sống không kéo dài mãi mãi. Người chết đi phải lìa bỏ tài sản kể cả thân xác của họ để nối tiếp một kiếp sống khác. Anh chiến binh không thể mang đến kiếp sống tiếp theo bất cứ tài sản nào cho dù chỉ là một xu cũng không thể được. Tài sản không mang lại sự an toàn nên anh cần phải biết cái gì là an toàn cho bản thân. Thực tập buông bỏ là phương thức tìm kiếm sự an toàn. Thực tập tính khiêm cung trong việc sử dụng và tích trữ tài sản là cách bảo vệ an ninh cho mình. Bố thí hạnh phúc cho anh và cho những người anh gặp là cách thực tập tính vững chãi không dính mắc bất cứ thứ gì. Chìa khóa để chấm dứt mọi buộc ràng tức là hãy cắt đứt những sợi dây buộc ràng đó: buộc ràng về tài sản và tình cảm. Không ai cấm cản anh tích lũy tài sản hay yêu thương con người, nhưng tích lũy thế nào và yêu thương thế nào đừng để bị dính mắc, bởi vì một khi dính mắc thì lối thoát sẽ trở nên hiểm trở. Buông bỏ mọi dính mắc, mọi lo lắng sẽ không còn, thân tâm không phải vướng bận chuyện này chuyện nọ, đời sống trở nên an nhiên tự tại. Thế giới đã được giảng dạy quá nhiều về việc kiến tạo hạnh phúc bằng vật chất và yêu đương chớp nhoáng, thế thì anh cần tạo ra một cuộc cách mạng để thay đổi cái thái độ đó đi. Một thái độ xây dựng hạnh phúc trong hiện tại bằng những chất liệu vật chất giản đơn, bằng những tình cảm bình đẳng không phân biệt; khi đó hạnh phúc sẽ lớn vô cùng, không có máy ampe kế nào có thể đo lường được cường độ hạnh phúc của nó. Bạn hãy thử đi, bạn sẽ thấy cực kỳ thoải mái và tràn trề hạnh phúc như người chiến binh. Bạn đã mất quá nhiều thăng bằng trong cuộc sống, vậy thì bây giờ bạn hãy cân bằng lại. (20) Chẳng có gì là trễ cả. Thực tập buông bỏ mọi thứ, thực tập cắt đứt mọi dính mắc là cách để cho chính bạn được thăng hoa trong niềm vui và an lạc. “Không có gì đáng để cho chúng ta bám víu vào”, mọi thứ đều vô thường, có đó rồi chợt mất. Nếu bạn bám víu vào nó thì hóa ra bạn đã bạc đãi bản thân hay sao? Bạn chỉ cần thản nhiên mà đi, từng bước nở hoa sen, từng bước thấy thực tại nhiệm mầu, mắc mớ gì phải hối hả, mắc mớ gì phải chạy như bị ma đuổi.
8. Tranh Cãi Làm Chi
tranh cai lam chi
Tranh Cãi Làm Chi
Có người cho rằng đi học đại học là để tranh cãi, mục đích của nó là để chấp nhận hay phủ nhận chân lý. Chân lý ở đây do bản thân đặt ra rồi tự đưa vào một cuộc tranh cãi. Nhưng tranh cãi có thực sự là con đường duy nhất để phát triển tư duy của sinh viên hay người trẻ hay không? Một hình thức khác được đưa ra là tư duy phản biện trong đó mình phản biện lại một ý kiến hay một chân lý khác để xem xem nên đồng ý hay không đồng ý với nó. Nhưng kỳ thực có bao giờ mình nghĩ những cái cho là chân lý mang tính chất vô thường hay không? Một chân lý khi đã tranh cãi xong sẽ xuất hiện một chân lý khác ngay, một quan điểm vừa đưa ra sau khi đã giải quyết xong lại xuất hiện một quan điểm khác nữa, một bài tập tình huống vừa có đáp án thì lại tiếp tục có bài tập tình huống khác, tọa đàm này vừa mới kết thúc thì lại quảng cáo một buổi tọa đàm tiếp theo. Có bao giờ mình ngồi thống kê trên thế gian này từ khi loài người xuất hiện, có bao nhiêu chân lý đã được đem ra tranh cãi hay chưa? Có vị giáo sư cho rằng sống là phải học suốt đời, một ngày không học thì coi như đã chết. Như vậy tội nghiệp quá, nếu như hiểu câu này theo kiểu là cái gì cũng học, học theo kiểu chất chứa kiến thức thì học làm gì, còn học nhiều để làm việc phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thì chỉ có tác dụng tàn hại trái đất mà thôi. Mình có thể xem việc tranh cãi về giáo lý của pháp môn này và pháp môn kia khiến cho một tôn giáo dễ dàng rơi vào trạng thái không hòa hợp. Việc tranh cãi môn võ này tuyệt vời hơn môn võ kia dẫn đến tình trạng hiềm khích nhau, không học hỏi được nhau. Việc tranh cãi ý thức hệ này với ý thức hệ kia làm cho hận thù, gây chiến tranh đủ thứ kiểu.
Tranh cãi quá nhiều chỉ làm mất thì giờ của mình. Thay vì dành thời gian lắng nghe và học hỏi những cái hay của nhau thì mình lại rơi vào tình trạng tranh cãi. Xu hướng tranh cãi với ý niệm cho rằng để tìm ra lỗi hay để có phương án tốt nhất nghe có vẻ xuôi tai, nhưng kỳ thực lại làm cho mình trở nên lo lắng và căng thẳng. Một nhà giáo dục ở Mỹ cho rằng việc giáo dục con người là để đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và người đó có thể thích ứng nhanh chóng nhiều công việc khác nhau?! Như vậy một người ra trường phải thay đổi nhanh chóng để làm việc như cái máy hay làm việc như con người? Nền giáo dục như vậy được cho là hiện đại thì thật là tức cười. Ở trên một người cho rằng phải học suốt đời, ở dưới lại cho rằng phải giáo dục thế nào để thích ứng nhanh chóng với nhiều công việc khác nhau. Những người học suốt đời và làm hàng đống việc suốt ngày khó có nhiều thời gian để nhận diện những mầu nhiệm của sự sống, cải thiện thân tâm và học cách sống trong hiện tại. Tất cả những gì họ làm chủ yếu phục vụ một thứ tương lai mà họ vẽ ra để rồi từ nhỏ, họ bắt ép trẻ em phải học cái này, phải học cái kia, không có thì giờ nào để vui chơi hay tận hưởng tuổi thơ nữa. Đến lớn biết bao nhiêu môn học bị dồn nén phải trải qua, rồi đến khi đi làm họ còn phải chịu biết bao nhiêu buổi huấn luyện, cạnh tranh, áp lực công việc, chỉ tiêu, và nỗi ám ảnh bị sa thải.
Người chiến binh thực tập chánh niệm cả ngày để khỏi phải tranh cãi với người hay lý sự để dành thắng thua về sự hiểu biết. Quá nhiều diễn đàn trên Internet được lập nên để cãi lộn nhau nhưng mọi việc vẫn không đi đến đâu, chẳng có gì được giải quyết cho thỏa đáng cả và nhiều khi chẳng có gì được thực hiện sau một thời gian tranh cãi rất nhiều. Cũng như vài năm trước người ta tranh cãi chỉ vì việc có nên đội mũ bảo hiểm hay không để rồi sau đó chẳng ai chịu đội mũ bảo hiểm. Không cần phải nói gì nhiều, chỉ cần đưa ra quyết định phải đội mũ bảo hiểm thì phải đội thôi, tranh cãi chi cho lôi thôi, biết bao sinh mạng đang chết đi oan uổng vì không đội mũ bảo hiểm, vậy thì đâu cần thiết phải tranh cãi, lợi ích của đội mũ bảo hiểm đã quá rõ ràng thì phải đội đi. Tuy nhiên anh cũng có lúc cần tranh cãi nhưng tranh cãi như thế nào để có thể xây dựng được sự đoàn kết, sự đồng thuận và xây dựng tình huynh đệ. Có những buổi tranh cãi bạn cũng nên từ chối bởi vì nếu như bạn ý thức buổi tranh cãi không đi đến đâu thì tranh cãi làm chi cho mệt, dành thời gian nghỉ ngơi hay thực tập sự thảnh thơi. Đến lúc nào đó bạn cũng biết dừng lại, hay có những tiêu chuẩn cho buổi tranh cãi để buổi tranh cãi mang tính xây dựng vì cuộc sống hạnh phúc, chứ không phải tranh cãi rồi trở thành đả kích và chỉ trích. Thực tập hơi thở chánh niệm trước khi bước vào buổi đối thoại hay tranh cãi, và phải ý thức được rằng nói chuyện với nhau như vậy để chia sẻ, để hiểu nhau hơn, và để gỡ rối các gút mắc chứ không phải làm cho tình trạng trở nên rối như tơ vò. Sử dụng những lời ái ngữ và hãy tận dụng những buổi tranh luận thực tập lắng nghe và cần phải hiểu cho được vì sao người kia lại nói như vậy. Những lời chê bai và lời gây căng thẳng hoàn toàn không thích hợp cho buổi tranh luận, mà cũng phải, nên thay đổi chữ “tranh cãi” thành “thảo luận” thì nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn. Thảo luận với nhau để tiến bộ và mang lại hạnh phúc, không nên lạm dụng nó để trở thành chiến tranh hay đối đầu. Chính vì thế mỗi khi gặp nhau thảo luận một vấn đề, hãy lấy nó làm cơ hội để các bên trở nên thân thiện, gắn bó, vui tươi, cởi mở và hàn gắn, đồng thời biến nó thành một dịp để tâm sự hay bày tỏ ý muốn. Vậy thì bạn còn đợi gì nữa mà không thực tập điều này đi thôi.
9. Ảo Thuật Thế Gian
ao thuat the gian
Ảo Thuật Thế Gian
Khi xem ảo thuật, có khi nào mình tin nó là thật không nhỉ, hay chỉ là một kiểu ảo giác? Ở đây mình không muốn đề cập đến nghệ thuật ảo thuật theo kiểu của David Copperfield, mà mình lại nói đến bản thân đổi trắng thay đen nhanh như ảo thuật, nhiều lúc người khác tiếp cận mình thấy mọi cái ảo mà mình tạo nên y như thật. Khi còn nhỏ, mình không chịu lo nâng niu tuổi thơ, đến khi lớn mình tiếc nuối tuổi thơ sao trôi nhanh quá. Khi đã là thanh niên thiếu nữ, mình lại mơ ước sẽ không để đánh mất tuổi trẻ, nhưng đến lần này mình lại để cho tuổi trẻ vuột mất. Khi già cỗi mình bắt đầu lo sợ, chưa làm được gì mà mình sắp chết rồi sao, và cứ như thế tuổi già cũng không an nhàn bởi biết bao lo toan và nuối tiếc. Khi còn trẻ mình giả bộ như còn thời thơ ấu, giả bộ ngây thơ, giả bộ được khen như trẻ con. Khi mình già, thì lại giả bộ như còn trẻ, mình đi thẩm mỹ viện để căng da căng thịt và sử dụng đủ thứ mỹ phẩm cho da dẻ hồng hào tươi tắn như thuở đôi mươi. Mình làm ảo thuật ngay chính bản thân mà không biết thực sự đó có phải là thực hay không.
Có quá nhiều phép tính so sánh trong cuộc sống và mình định nghĩa hạnh phúc bằng chuẩn mực này chuẩn mực kia, nhưng không hề biết rằng nếu như mình đưa ra khái niệm về hạnh phúc có nghĩa là mình đã đánh mất hạnh phúc rồi. Mình tô vẻ hạnh phúc bằng những hành động cực kỳ khoa trương, tô điểm hình dáng, đánh bóng tên tuổi và biết bao điều chứng minh cho cái ngã của mình. Như vậy có phải mình đang làm ảo thuật cho chính mình hay không? Để khoa trương bản thân, mình sẵn sàng gia nhập làng nói dối để tâng bốc mình, riết rồi trong mình có một thói quen hình thành nên văn hóa nói dối, nói dối để người nghe tưởng là thật. Để tô điểm hình dáng, mình ăn mặc đủ thứ vải vóc kỳ dị, màu sắc sặc sỡ, để được khen là yêu kiều diễm lệ, trẻ trung xuân tươi, nhưng kỳ thực bên trong lại là một ổ bệnh hoạn, sống buông thả, hết sức thác loạn, và thậm chí tự ti. Để đánh bóng tên tuổi, mình lập trang web riêng, lập những vụ tai tiếng riêng, tạo nên những sự kiện thu hút sự chú ý, chẳng qua là để nhắc người khác nhớ đến cái tên của mình, nhưng sự thật là chẳng có gì cả. Phải chăng mình đang làm những trò ảo thuật? Để chứng minh cho cái ngã của mình, mình gào thét lên để tranh cãi, vận động binh khí và quyền lực để đàn áp, khủng bố tin nhắn hay điện thoại để hù dọa người khác, nhưng sự thật là gì, mình có thoát khỏi được vỏ bọc của thế giới ảo hay không, những trò đổi trắng thay đen và ngược lại có chứng minh được cái chất thực sự của mình hay không?
Người chiến binh thực tập lối sống bình dị để không có những phút giây nông nỗi. Khi bạn thực tập sự bình tĩnh và lắng lòng lại để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, những gì mình đang làm có giúp ích mình thực sự hạnh phúc ở hiện tại hay không, bản thân có thanh thản khi làm những việc đó, hay là sau khi làm xong bạn phải hét toáng lên rằng: trời ơi sao mà mệt mỏi thân xác tôi quá đi. Nếu thế thì làm làm gì để cho mệt mỏi như vậy? Khi bạn lắng lòng lại, con người chân thật của bạn sẽ xuất hiện, và kể cả con người giả dối của bạn cũng vậy. Nhưng điều kỳ diệu là bạn sẽ thấy ghê tởm cái giả dối và thấy đồng cảm với cái chân thật. Khi đó bạn sẽ quyết định làm điều gì và điều gì không nên làm. Cuộc sống lúc nào cũng khiến cho bạn quay quắc và khắc khoải thì thật tội nghiệp. Cuộc sống mà trắng thì trắng, đen thì đen thì không cần có những vỏ bọc nữa bởi vì mọi thứ đã rõ ràng rồi. Chấp nhận với cuộc sống đơn giản thì bạn thấy khỏe re, thấy cuộc đời thật rộng lớn làm sao, bạn mặc sức vẫy vùng. Bon chen làm chi cho mệt với đời, cuộc đời bon chen thì cứ để cho nó bon chen đi, bon chen chỉ mang lại điều cay đắng thôi. Còn bạn, bạn đã có một tuổi thơ đầy hồn nhiên, một tuổi trẻ đầy yêu thương, một tuổi già đầy an nhàn. Vậy thì bạn hãy lo mà tận hưởng nó cho rồi. Hạnh phúc là bây giờ và ở đây, từng giây phút trôi qua là từng thời điểm của sự hưởng thụ hạnh phúc, vậy mà bạn cứ lo làm gì. Nụ cười của bạn khiến cho mình hạnh phúc lắm, vậy tại sao bạn lại keo kiệt nụ cười. Bạn có biết khi bạn cười, bạn rất đẹp, và bạn mang đến cho mình cả một vườn hoa, đâu cần phải tô điểm dung nhan, đâu cần phải suy nghĩ để làm những trò ảo thuật của thế gian, bạn đâu có mất thì giờ để mà cười. Khi bạn cười, là lúc bạn tỏa sáng, bạn đâu cần phải đánh bóng tên tuổi nữa. Nụ cười nở ra như đóa hoa ngàn cánh, bạn không tốn đến một giây để làm việc đó và cũng không tốn lấy một đồng bạc để làm việc đó. Khi bạn cười, mọi lo toan và đau khổ của bạn và của mình đều tan biến. Cho nên nụ cười rất mầu nhiệm, vậy ta hãy cùng cười bạn nhé.
10. Hội Chứng Tự Tử
hoi chung tu tu
Hội Chứng Tự Tử
Giới trẻ tìm đến con đường kết liễu đời mình tăng nhanh đến nỗi các nhà xã hội học phải lên tiếng báo động nhưng kèm theo là chẳng có phương pháp thực tập nào hữu hiệu để hội chứng này không xảy ra nữa. Nhiều người chấm dứt đời sống của mình bởi những nguyên nhân như thất bại trong cuộc sống, công danh sự nghiệp không thành tựu, đau đớn về thể xác hay tình cảm, bị chê bai, bị làm nhục, và kể cả nguyên nhân không bình thường như chán đời hay bị người khác la rầy. Những vụ tự tử tập thể, rủ rê trên mạng lưới Internet tập trung ở một điểm để tự tử bằng hơi độc, chuyện tình tự tử kiểu Romeo-Juliet xuất hiện nhan nhãn và xã hội bất lực trước suy nghĩ dại dột như vậy. Người trẻ bơ vơ trong xã hội, thiếu thốn tình thương cha mẹ, mặc cảm tội lỗi hay thua kém người khác có xu hướng tự tử rất nhiều. Hành vi tự tử trở thành hội chứng và có biểu hiện của bắt chước. Hình ảnh tự tử trên phim ảnh, tiểu thuyết và trang mạng kích động bạo lực dễ dàng thúc đẩy người quẫn trí tìm đến cái chết. Suy nghĩ chỉ có cái chết mới có thể giúp họ tìm ra lối thoát và các phương tiện phục vụ cho cái chết được tìm thấy quá dễ khiến họ hành động, đồng thời suy nghĩ tiêu cực cũng làm mất tự chủ và bị lôi kéo bởi suy nghĩ nông nỗi. Việc giới trẻ bị bỏ bê khiến cho họ lăn vào dòng suy nghĩ hình như là họ chẳng được để ý hay quan tâm tới, vì thế họ thấy cuộc sống thừa thãi và đầy bi quan. Môi trường sinh sống không an toàn của người trẻ làm tinh thần bị lây nhiễm và bị chấn thương, và một khi sự lây nhiễm và chấn thương này không được làm sạch hay chữa trị thì họ sẽ giải quyết bằng cách phẫu thuật cho chính họ. Một xã hội quá mải mê phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng được nói là để phục vụ con người, nhưng sự chăm sóc và quan tâm đến người trẻ không hẳn là yếu tố đó, họ cần yếu tố khác để có thể trở nên vững chãi và kiên định.
Người lớn thường hay bận rộn và không đoái hoài đến những suy nghĩ hay phát triển về tâm lý của người trẻ. Họ hay nói rằng chỉ cần cho người trẻ học ở một trường nổi tiếng, hay cung cấp đầy đủ vật chất là có thể đủ và được tiếng biết lo cho con cái nhưng kỳ thực, con cái của họ lại cần bản thân họ nhiều hơn. Việc xa rời người trẻ, đôi khi còn trách móc chê bai họ, so sánh họ với người này người khác làm người trẻ trở nên tự ti. Người trẻ cảm thấy xa dần với thế hệ trước, họ như bị bỏ rơi và có cảm giác không được thừa hưởng hay tiếp nối thực sự với thế hệ trước, họ cho mình như cái đuôi hay con nợ của thế hệ cha mẹ, cho nên họ muốn cắt bỏ cái đuôi hay của nợ đó đi. Quan điểm của người lớn như bắt người trẻ phải đi theo quan điểm của người lớn, ép buộc con cái phải làm như thế này phải làm như thế kia mà không cần biết con cái có thích hay không, ra lệnh con cái như một ông tướng trong quân đội, sỉ nhục con cái trước mặt người khác, hay có những hành động dù là vô tình gây thương tổn đến tâm lý của người trẻ. Việc học hành hay làm việc quá tải khiến người trẻ không đủ sức chống chọi với mọi áp lực trong cái đầu còn quá yếu đuối và nhỏ bé dễ dàng bị sụp đổ trước phong ba bão táp. Như những cây giống khi được nuôi làm giống thì chúng hãy còn nhỏ, cần phải được ướm phân, tưới nước, để nơi có ánh nắng hay gió mát cho nó có đủ điều kiện thuận lợi mà phát triển. Người trồng cây sẽ nâng niu chúng từng li từng tí để chúng có thể lớn nhanh và khỏe mạnh. Nếu như những cây thực vật nhỏ bé yếu ớt bị đem ra ngoài giông tố bão lụt thì chúng sẽ không thể sống nổi và chết ngay. Người trẻ cũng vậy, dồn nén quá nhiều cho thân tâm của họ thì họ sẽ tiêu tùng dễ dàng. Trách nhiệm ở đây không phải chỉ biết đổ thừa cho người trẻ, mà chính người lớn, các bậc cha mẹ, xã hội, các nhà giáo dục, các nhà kinh tế đã góp phần làm cho người trẻ tự tử vì những thờ ơ hay đòi hỏi quá đáng của họ ở người trẻ. Người lớn không biết cách đưa đường chỉ lối, dìu dắt nâng niu, động viên quan tâm đến người trẻ cho nên người trẻ bỏ đi là phải rồi, ấy vậy mà người lớn chỉ biết ngồi đó than vãn cho sự dại dột của người trẻ.
Người chiến binh là một người trẻ, cho nên anh cần phải biết điều tiết lối sống của mình để tận hưởng niềm vui của cuộc sống. Bạn cũng vậy, có biết bao điều kỳ thú của sự sống đang chờ bạn khai phá, cho nên bạn không nhất thiết phải dính mắc vào việc học hành hay công việc. Mình đồng ý với bạn, học hành và công việc là những phương tiện góp phần nuôi dưỡng cuộc sống nhưng không phải vì thế mà chết chìm vì nó để rồi từ chối cuộc sống. Trò chuyện, tâm sự và lắng nghe người trẻ để hiểu được người trẻ đáng được quan tâm như thế nào, và bạn phải biết rằng cái mà người trẻ cần là được yêu thương, được lắng nghe, được trân quý. Một khi người trẻ được sống trong tình yêu thương của gia đình và mối quan tâm của xã hội thì họ sẽ có nơi nương tựa, có nơi để đi về, có nơi để nhớ nghĩ đến và có nơi xứng đáng để cống hiến, khi đó họ sẽ trân quý cuộc sống và nâng niu từng giây phút của sự sống. Sự rối nhiễu hay mất sóng về tâm lý bình thường của người trẻ khi xã hội quá đề cao cái tôi và lối sống vật chất cũng khiến cho người trẻ đánh mất thái độ và niềm tin về cái đẹp chân thật của cuộc sống. Một người trẻ quan tâm đến văn hóa tình dục và đem chuyện này chia sẻ với người lớn, nhưng thật đáng tiếc người lớn lại thẳng thừng từ chối chia sẻ, không những đã vậy lại còn lên án và chỉ trích người trẻ là tha hóa và suy đồi. Điều này khiến người trẻ sợ hãi và xa cách người lớn và từ đó về sau họ gần như cắt đứt truyền thông với người lớn vì họ cho rằng thật khó khi truyền thông với người khác một khi người đó có thái độ bảo thủ như vậy. Người trẻ lúc này tự tìm kiếm thông tin cho mình và vô tình rơi vào những cạm bẫy của mặt trái cuộc sống, khi không giải tỏa được hay quá chán chường thì lại tìm đến con đường tự vẫn. Như vậy, bạn có nhìn thấy tầm quan trọng của truyền thông to lớn như thế nào. Cha mẹ truyền thông với con cái, người lớn truyền thông với người trẻ, thành phố truyền thông với nông thôn, chính phủ truyền thông với người dân, người chủ truyền thông với nhân viên, vân vân. Một cuộc sống mà có truyền thông đầy đủ giữa người với người thì cuộc sống đầy ắp sự quan tâm, đầy ắp tình thương và xã hội hiện đại. Ngăn chặn truyền thông hay cố tình bỏ lơi chúng đi chỉ là cách tạo cơ hội giết chết sự sống.
Trích trong Người chiến binh trong thế giới ảo của Thiền giả Minh Thạnh.
Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
Theo Phật Pháp Ứng Dụng