Cảm giác cô đơn ngày nào không còn hiện hữu. Sự trống vắng, lạc lõng ngày xưa đã được thay bằng sự nương tựa vững chãi nơi đôi chân tiếp xúc cùng mặt đất. Tâm hồn héo hắt vì những cảm giác tiêu cực bấy lâu gặm nhắm nay đã được tưới tẩm bằng những hạt giống Pháp mát lành.
Con người thường cô đơn trong nhiều hoàn cảnh. Dù là bác sĩ, giáo viên hay doanh nhân…, còn tham ái thì đều không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Yêu thương là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Người cảm thấy cô đơn vì nghĩ rằng mình không được người thân, bạn bè dành thời gian như mong muốn. Người đói tình thương như đứa trẻ đói sữa mẹ muốn òa khóc mà không được nên đành ôm ấp nỗi phiền muộn ấy trong lòng. Một số trẻ vị thành niên chia sẻ rằng chúng em cô đơn quá vì ba mẹ suốt ngày đi làm kiếm tiền, không có thời gian trò chuyện và dạy bảo các em. Ông bà trong gia đình bảo chúng tôi cô đơn quá vì con cháu mãi đi làm ăn không thấy về thăm. Cô gái bảo tôi cô đơn quá vì đã gần ba mươi tuổi mà vẫn chưa có người yêu. Hay một nhà tỷ phú đến tuổi về chiều chia sẻ ông cô đơn quá vì đã dành hết tuổi trẻ cho công việc nên giờ đây ông băn khoăn về việc tìm bạn đời vì không tin có người yêu mình thật sự. Thậm chí có người khi đã lập gia đình rồi vẫn rơi vào tình trạng đồng sàng dị mộng vì cho rằng người hôn phối không hiểu được mình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cô đơn. Nguyên nhân thứ nhất có thể kể đến chính là sự khép mình. Vì không mở lòng giao tiếp được với người xung quanh, không có niềm tin vào mọi người nên ta ngại giao tiếp và tự chôn thân vào vỏ ốc vô hình ngày này qua tháng nọ. Dần dần, việc kiềm chế tâm lý, không được giải tỏa dẫn người đến sự bất mãn về cuộc sống và tự cô lập bản thân. Người cô đơn hiếm khi được thanh thản và vui vẻ. Người ôm khối đá ngàn cân đè lên cuộc sống tốt đẹp của mình. Chúng ta không chỉ cô đơn khi không có ai bên cạnh mà còn cảm thấy lạc lõng khi sống trong gia đình, khi học trong lớp hay đi giữa khu mua sắm đông người… Đi xe buýt, thấy một bạn gái có người yêu đón, mình không có ai đón cũng cảm thấy cô đơn. Ngồi uống café thấy người ta có đôi có cặp, có bạn có bè, mình chỉ một mình cùng ly café cũng thấy cô đơn. Như vậy, ta có thể thấy cô đơn đến từ sự vọng tưởng trong tâm. Từ vọng tưởng sinh ra phiền não, đưa người trầm mình vào mộng mơ không thực. Người tự làm khổ mình, làm khổ người thân rồi gán sự sầu muộn đó cho hai từ cô đơn. Cô đơn không có lỗi, lỗi xuất phát từ ảo vọng phù phiếm của con người. Kẹt vào ý niệm cô đơn hay còn được gọi là tình trạng thất niệm sẽ làm chúng ta đánh mất bản thân, đánh mất sự an lạc, hạnh phúc trong hiện tại.
Dân cư ở những đất nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… luôn được tôi luyện nếp sống độc lập ngay từ nhỏ. Dù một mình hay giữa đám đông họ vẫn yêu đời và lạc quan. Trẻ em tự xếp đồ dùng, tự ăn uống, tự đứng lên khi vấp ngã. Nhiều thanh niên đi giải trí hay du lịch một mình. Người già sống tự túc trong nhà hoặc viện dưỡng lão để con cháu làm việc cống hiến cho đất nước. Trong khi đó, người Việt Nam có khuynh hướng sống và làm việc theo cộng đồng. Một gia đình Việt Nam thường gồm nhiều thế hệ ông bà cha mẹ con cháu sống cùng nhau. Tình trạng nuông chiều con cái quá mức được gọi là bị thương, không phải được thương. Vì tập cho con cái phụ thuộc vào cha mẹ quá nhiều nên khi không có cha mẹ, người con ấy sẽ rơi vào trạng thái bơ vơ, không nơi nương tựa. Có những người con cảm thấy cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình vì các thành viên không hiểu nhau, tạo nên bất đồng, từ đó không còn tha thiết giao tiếp với nhau nữa. Do đó, cảm giác cô đơn xuất hiện. Vì không hiểu nhau nên chúng ta không cảm nhận được tình thương dành cho nhau.
Một nguyên nhân khác của cô đơn chính là tâm tham ái. Vì không làm chủ được thân tâm, người rong ruổi tìm cầu hạnh phúc phi thời mà quên mất người thân đang ở đây, Tam Bảo đang ở đây, tình thương đích thực đang ở đây, không đâu xa. Mỗi một người là một cá thể làm nên gia đình, trường học, quốc gia… Chúng ta nương vào nhau mà sống nên không thể gọi là cô đơn. Dù ở một mình trong phòng, ta vẫn có cái bàn, chiếc ghế, hay con kiến, con thằn lằn làm bạn. Dù không ai bên cạnh, ta vẫn có ba mẹ và Tam Bảo trong thân tâm biểu hiện. Quán chiếu những điều đó, ta thấy cô đơn không có thực mà chỉ do vọng tưởng mang lại. Người cô đơn là sắc pháp, ý niệm cô đơn là danh pháp. Nếu xét về tánh không thì dù là sắc hay danh cũng là vô thường. Không có người cô đơn cũng không có cảm thọ cô đơn. Kẹt vào cô đơn là kẹt vào ý niệm, tự tạo nội kết phiền muộn cho bản thân và người thân xung quanh.
Có bài thơ:
“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạc lõng của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người”(1)
Cô gái lấy chồng rồi mà vẫn lạc lõng bơ vơ vì người mà cô muốn gắn bó là một hình bóng khác, không phải người chồng hiện tại. Bên một người mà như cạnh vạn người dưng. Cảm giác nhớ nhung, u hoài về một người thương đã xa khiến cô và người chồng hiện tại đều không được an lạc và hạnh phúc. Sống mà phải chôn giấu một điều thầm kín mang tính chất phản bội, phạm giới trong tư tưởng thì dù xuân, hạ, thu, đông cũng có vui bao giờ? Sự cô đơn trong tình yêu của người dị tính lớn như một thì đối với người đồng tính, cảm giấc ấy có thể gấp mười lần vì họ phải sống giấu mình, khép kín trong cả gia đình và xã hội. Vì mặc cảm bản thân, đói tình yêu, đói sự cảm thông, chia sẻ nên một số người dễ sa ngã trước cám dỗ của cuộc sống, đôi khi dẫn đến kết cục đau thương, không lối thoát.
Tất cả các chúng sinh đến với trần gian một mình và ra đi cũng chỉ một mình. Người vốn cô đơn nhưng sao cứ thích sum vầy? Một số người con trách cha mẹ mình dù đã lớn tuổi nhưng vẫn đi tìm tình yêu. Họ không biết rằng trong lúc họ đang êm ấm với gia đình riêng thì người cha hay người mẹ sống cô quạnh của họ lúc tuổi già rất cần một người để sẻ chia, bầu bạn suốt quãng đời còn lại. Nếu không hiểu được nỗi lòng và giúp người thân vượt thoát cô đơn, đôi khi chúng ta vô tình tạo ra khoảng cách và đánh mất tình cảm đáng quý lúc nào không hay.
Giữa cuộc sống bộn bề nhiều thế sự, yên tĩnh một mình để tịnh tâm là điều rất cần thiết. Quán chiếu tất cả những gì đã qua sẽ giúp ta tìm được đường đi sáng suốt cho tương lai. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng việc suy tư này để khép mình và vọng tưởng sự việc trở nên trầm trọng vì điều này có thể dẫn chúng ta đến stress và tự kỷ. Đức Phật đã dạy: “Không truy tìm quá khứ – Không ước vọng tương lai – Quá khứ đã qua rồi- Tương lai thì chưa đến – Quán chiếu vào cuộc đời – Thấy rõ được vạn pháp – Không kẹt vào pháp nào – Lìa xa mọi ái nhiễm – Sống an lạc như thế – Tức là sống một mình.”(2) Đi trong thế gian nhưng không nhiễm pháp của thế gian sẽ mang đến cho ta một thân tâm thuần khiết và trong sạch. Bằng trí tuệ, chúng ta thấy được mọi thứ trong cuộc đời này đều vô thường, giả tạm. Thân này và tư duy này cũng là vay mượn của tứ đại theo nghiệp duyên mà biểu hiện thì cảm giác cô đơn chỉ là ý niệm không thật. Nhận biết được được danh pháp cô đơn và sắc pháp thân người, không gì là ta và không cảm thọ nào là của ta thì dù một mình hay giữa đám đông, ta vẫn tự do và an lạc.
Sống một mình không có nghĩa là cô đơn. Ngày xưa Đức Phật bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh cũng chỉ để một mình ra đi tầm đạo, tìm nguồn an lạc đích thực cho nhân loại. Hạnh phúc đích thực không đến từ sự hưởng thụ của năm dục: tài, sắc, danh, thực, thùy, hạnh phúc đích thực đến từ sự thanh tịnh của tâm hồn qua việc thực tập thiền tuệ, rũ bỏ những phiền não trần lao. Vì lẽ đó, các tu sĩ thường tìm về nhập thất ở nơi hoang vắng để tập trung tu tập, thanh lọc thân tâm, mong sớm được thành tựu.
Thiền sinh khi thực tập phát sinh cảm thọ cô đơn không chối bỏ hay kiềm chế cảm thọ ấy mà phải biết nhận diện và chuyển hóa. Cô đơn là một biểu hiện vi tế của sự thất niệm. Do đó, khi nhận diện được cảm thọ cô đơn, chúng ta cần quán chiếu đâu là sắc pháp, đâu là danh pháp và niệm “phóng tâm à”. Khi cảm thọ qua đi, chúng ta cũng niệm “hết phóng tâm à” và tự nhắc mình phải quay về con đường chánh pháp, dành thời gian thực tập thiền tuệ, tụng kinh, sám hối, làm từ thiện…, không để những chuyện phiền não của thế gian nhiễm vào.
Tu tâm thôi chưa đủ, chúng ta phải tu cả thân. Mục đích của việc tu học là tiếp xúc được với bản chất của an lạc giải thoát, không phải sống bằng những danh từ và ý niệm. Gọi tâm về với thân, an trú trong hiện tại sẽ giúp ta rũ bỏ được những phiền não của đời thường, đồng thời xoa dịu và làm mát mẻ tâm hồn sau những bộn bề của cuộc sống. Các chúng sinh không bao giờ cô đơn vì tất cả chúng ta đều có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, Tam Bảo trong tự thân để nương tựa. Vì thế, hãy ban tặng sự tỉnh thức và an lạc cho tâm hồn mình.
Trần gian bé thế thôi
Hữu duyên tự tìm nhau
Vô duyên rồi cũng lạc
Sống thảnh thơi an lạc
Sẽ không còn cô đơn
Em có nghe gì không?
Tình thương của Tam Bảo
Tình thương của gia đình
Tình thương của chúng sinh
Tình thương đang vang dội
Khắp các nẻo phố phường
Trong phút giây hiện tại
Là tình thương đích thực.
——–
(1) Trích thơ Hai sắc hoa Ti-gôn – TTKH
(2) Kinh Người Biết Sống Một Mình – HT. Thích Nhất Hạnh dịch, (Tạp A Hàm, kinh số 1071, tạng Kinh Đại Chánh)
Một số thông tin tham khảo từ bài giảng “Cô đơn” của ĐĐ. Thích Phước Tiến