Nếu ta quan sát kỹ thì từng giây từng phút trong cuộc sống này trôi qua rất nhanh. Khi khát ta muốn uống nước, ta cầm cái ly rót cho đầy nước và uống cho đã cơn khát. Khi uống xong ta không còn khát là hiện tại, hành động cầm cái ly và rót nước lúc nãy đã là quá khứ. Nhưng đến một lúc nào đó ta lại khát nước nữa thì sự việc ta không còn khát bây giờ đã đi vào quá khứ. Mình đang sống tức là đang chết dần đi. Hằng ngày trên cơ thể chúng ta có hàng triệu tế bào chết đi thay vào đó là nhũng tế bào mới được hình thành. Mỗi sáng thức dậy ta hay ngắm nhìn những hạt sương mai long lanh đọng lại trên lá sau một đêm dài. Nhưng sương mai ấy rồi cũng tan biến dưới ánh nắng ban mai và ta rồi cũng sẽ tan biến theo thời gian.
Không có gì gọi là hiện hữu mãi mãi trên thế gian. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Mọi thứ tương tác nhau như một quá trình. Hạt sương không hề tan biến mà hạt sương chỉ bốc hơi và ngưng tụ ở một trạng thái khác. Ly nước cũng không hề mất đi mà ly nước đang tồn tại trong cơ thể dưới dạng khác để nuôi sống cơ thể. Tất cả không hề mất đi mà chỉ thay hình đổi dạng từ trạng thái này sang trạng thái khác. Ta thường tự hào vì đã phát minh ra những con tàu vũ trụ có thể bay ra khỏi Trái Đất, hay những công trình hiện đại bậc nhất, nhưng trước sức mạnh của thiên nhiên thì tất cả to lớn vĩ đại đó cũng sẽ tan thành cát bụi. Con người dù có thông minh sáng tạo đến cỡ nào cũng không chống chọi được với sức mạnh của thiên nhiên. Thân mạng nhỏ bé cũng sẽ già nua bệnh tật và chết đi trong tích tắc. Lúc này, bạn bè, bà con, gia đình, quyến thuộc, của cải đều không theo ta được, chỉ có nghiệp theo ta như hình với bóng.
Chuyện kể rằng có một bầy vịt thịt bên hồ nước bơi lội tầm ca, cuộc sống trôi qua vô cùng đắc ý. Trong đó đặc biệt có con vịt xám chẳng giống ai vì nó tính tụy thị rất cao. Vịt xám không muốn giống như những con vịt khác say đắm trong biển lạc thú để thời giờ quý báo trôi qua vô ích. Vịt xám vì muốn hơn người nên hằng ngày dậy sớm tập thể dục, học vi tính, đọc sách, học ngôn ngữ, siêng năng vô cùng. Cuối cùng một ngày kia khổ học hữu thành. Xuân đi thu tới vụ thu hoạch cuối cùng cũng đến và số phận của bầy vịt này sẽ bị làm thịt. Vịt xám biết số phận mình sắp chết và ngồi than thở rằng, Tôi siêng năng cả đời làm sao có thể chết như vậy được chứ”.
Số phận của vịt thịt là như thế, “Túc mệnh nan đào” là định mệnh khó tránh thoát. Chọn lựa một cuộc sống như thế nào đó là quyền lợi của mỗi người. Mình siêng năng tu tập là để tránh dữ làm lành và chuyển hóa những khổ đau. Một cuộc sống thong thong cũng không sai, một cuộc sống siêng năng cũng không sai, nhưng sống mà biết giúp đỡ người khác, biết sẻ chia với người thiếu thốn và tri túc đến của đã có, không tham cầu quá mức thì cuộc sống mới thật đáng quí.
Thỉnh thoảng tôi hay ngồi nghĩ lại ngày xưa sao mình bồng bột thế không biết. Mình không biết chăm sóc bản thân, mình uống bia ăn uống những sản phẩm độc hại vui chơi thâu đêm mặc cho thân thể này rệu rạ. Đến khi thức tỉnh thì người đã mang vài thứ bệnh, lúc này mới biết trân quí những lúc khỏe mạnh. Thông thường mình có xu hướng giải quyết căn bệnh hơn phòng căn bệnh. Đau bao tử, mình uống thuốc, chứ mình không tìm hiểu nguyên nhân vì sao để tránh bị đau bao tử, mình nên ăn uống đúng giờ, không thức khuya không uống rượu bia. Thực tập cho mình những nguyên tắc như vậy thì may ra sức khỏe mới không đau bệnh.
Tôi còn nhớ có một lần đi phát cơm từ thiện ở bệnh viện ung bướu mà thấy tội nghiệp cho những người ở đây. Người thì có những cục bướu mới phát nên còn có thể tự ăn uống được nhưng có những người cục bướu to cỡ vài kí ăn uống rất khó khăn và khổ sở. Cách đó vài phòng là những bệnh nhân ở giai đoạn cuối và những cục bướu đang tái phát khiến họ phải nằm vật vã đau đớn trên giường bệnh. Họ ăn không được, ngủ cũng không được nên kêu la than khóc bên cạnh những người thân đang chăm sóc họ. Và có một số ít người tôi thấy họ lận chuỗi và đọc chú đại bi, chắc có thể họ đang cầu nguyện một điều gì đó. Thấy vậy mình mới biết giờ phút mình còn khỏe mạnh là điều hạnh phúc nên phải tu tập liên tục không ngừng nghỉ chứ đừng đợi đến già, bệnh rồi mới lo tu, mới lo đọc kinh cầu nguyện. Nước đến chân thì không kịp nhảy nữa đâu và đau khổ không thể phân biệt già trẻ lớn bé, giới tính hay tôn giáo.
Đa phần do nhiều người bị vô minh che lấp, không hiểu luật nhân quả, nên lúc sống gieo nhân bất thiện mà không biết. Nếu mình muốn ăn vú sữa, phải trồng cây vú sữa. Thay vì trồng vú sữa mình lại đi trồng khổ qua. Mùa thu hoạch đến, mình cầu nguyện: tại sao số con khổ thế này, mọi người ai cũng có vũ sữa ngon ngọt, còn con có trái khổ qua, đắng quá ăn không được, xin Quán Thế Âm Bồ Tát cứu con… Mình có cầu nguyện hàng trăm hàng triệu kiếp cũng chẳng biến trái khổ qua thành trái vú sữa. Mình phải gánh hậu quả của những gì mình tạo ra. Cho nên mình hãy tu tập ngay từ bây giờ chứ đừng có hứa hẹn gì nữa. Mỗi ngày phải đặt ra cho mình thời gian nào là giờ công phu ngồi thiền, thời gian nào đọc kinh. Siêng năng tu tập chứ không dễ duôi Phật pháp, không nên mất niềm tin vào Phật pháp và cũng không ngừng lại việc tu tập ở bất kỳ nơi đâu. Xa lánh bạn đồng tu, xa lánh thầy thì mình đã tự tạo cho mình một trái khổ qua. Vì mình chưa có kinh nghiệm thực tập để chuyển hóa những khổ đau và cũng chưa có trí tuệ sáng suốt để phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Nhiều khi mình đi vào con đường sai lầm mà mình cũng không hề hay biết, nên gần gũi những bậc thiện tri thức, gần gũi thầy và bạn đồng tu, vì nhờ vào năng lượng tu tập của họ mà mình có thể nương vào mà thực tập.
Thành công hay thất bại một quá trình chứ không phải là một sự kiện. Gom góp những điều kiện của thành công thì sẽ thành công, còn gom góp những điều kiện thất bại thì thất bại. Việc tu tập cũng vậy, tu tập là một quá trình chứ không thể nào mới tu buổi sáng mà buổi chiều đòi hỏi mình phải thành tựu được. Nó phải có một quá trình từ thấp đến cao từ dễ đến khó, từ chưa thành tựu đến thành tựu. Có thể quá trình đó ngắn dài hoặc là lâu hơn nữa tùy theo phước duyên và phương pháp tu tập của mỗi người. Tuy nhiên điều kiện kiên quyết mà người tu phải thực hiện đó là phải đoạn tận điều ác. Tâm không suy nghĩ điều ác, miệng không nói lời ác ngữ, thân không làm điều ác, không sát sinh trộm cắp tà dâm, lúc nào cũng phải nuôi dưỡng và bảo vệ thân tâm .
Đệ tử nguyện thực tập
Ba hạnh thuộc về thân
Không sát sanh mà phóng sanh
Không trộm cướp mà bố thí
Không tà dâm mà đoan chánh.
Sự sống là điều kỳ diệu. Mọi loài trên thế gian đều mong muốn được sống. Bản thân mình khi đau nhức, chảy máu tí xíu đã chịu không nổi huống gì những sinh mạng như con gà, con vịt phải chịu cảnh bị cắt mổ đau đớn để làm thức ăn cho con người. Nỗi đau của chúng lớn hơn ta gấp trăm ngàn lần vì chúng quá nhỏ bé không đủ sức mà chống chọi lại. Chúng cũng có các căn, có mắt, có tai, có mũi, có lưỡi, có thân và máu của chúng cũng đỏ như máu của ta. Hà cớ gì mình lại đi giết hại, chia cắt bầy đàn của chúng để phục vụ cho việc ăn uống của mình. Chúng sẽ oán trách và tìm ta để đòi mạng trong nhiều kiếp. Nếu chúng ta không muốn chúng báo oán thì đừng có tạo nghiệp sát sanh mà thực tập ăn chay để bảo vệ sự sống của muôn loài. Để sám hối những lỗi lầm do việc ăn mặn và sát sinh thì nên phóng sanh chim cá nhằm chuyển hóa lòng hung ác thành lòng từ bi, sự thù oán đổi thành ân nghĩa. Cầu nguyện cho chúng không oan trái lẫn nhau, sau khi rời bỏ thân mạng này được sinh vào cõi lành, có nhiều thuận duyên với Phật Pháp và tu tập đến ngày giải thoát.
Không trộm cướp mà bố thí. Mình hãy làm những nghề nghiệp lành, sống ở những nơi có nhiều cơ hội kiếm việc làm để không rơi vào tình trạng túng thiếu để rồi trộm cướp. Cho dù chết đói mình cũng không bao giờ lấy cắp của không cho, quyết giữ cho thân này trong sạch. Lúc nào mình cũng phải tâm niệm là hãy cho đi đến tận cùng, bố thí đến tận cùng. Nếu như thân mạng này mà có thể cứu sống được sinh mạng người khác thì mình vẫn cho đi thân mạng này. Cúng dường những bậc chân tu và giúp đỡ chia sẻ của cải vật chất với những người thiếu thốn. Cho đi tức là nhận và nhiều lúc mình nhận lại còn nhiều hơn cái cho đi.
Không tà dâm mà đoan chánh. Hãy để cho tâm mình trong sạch như lưu ly, đừng để cho tâm nổi lên sự dâm cuống nào cả. Một khi tâm tà dâm nổi lên thì phải niệm tâm tà dâm đó đến khi nào lắng dịu xuống thì thôi. Nếu không biết cách chuyển hóa nó thì nhiều khi nó tác động ngược lại mình thì coi như việc tu tập bấy lâu nay trở nên vô ích. Quán thân thể này là đền thờ tâm tinh, là một đại gia hôi thối không có gì đáng để luyến ái. Thân này sẽ già, thân này sẽ bệnh, sẽ trở về với cát bụi khi tâm thức không còn biểu hiện. Phải gữi gìn thân thể đoan chánh, giữ gìn tiết hạnh mà ba mẹ đã trao truyền. Không được quan hệ tình dục trước hôn nhân, không ăn nằm với người không phải là chồng hay vợ của mình. Khi đã có gia đình, giữ gìn hạnh thủy chung và nghĩa tào khang, một vợ một chồng, không ngoại tình tư tưởng rồi tìm thú vui bên ngoài.
Đệ tử nguyện thực tập
Bốn hạnh thuộc về khẩu
Không nói dối mà nói thật
Không nói lời chia rẽ mà nói lời hòa giải
Không nói lời thô ác mà nói lời ôn hòa nhã nhặn
Không nói lời thêu dệt mà nói lời chắc đúng.
Không nói dối mà nói thật. Không nói dối là nghĩ thế nào nói thế ấy, trong lòng và lời nói không trái nhau, việc phải thì nói phải, việc quấy thì nói quấy, việc có nói có, việc không nói không. Mình không có nên nói dối để tự nâng mình lên. Trừ trường hợp mình nói dối để mà cứu người bởi vì tình thương mà mình mới nói dối, còn nói dối để bẻ cong sự thật thì đó là đang tạo nghiệp.
Không nói lời chia rẽ mà nói lời hòa giải. Không nói hai lưỡi: từ bỏ lời nói phù phiếm. Không nói lời đâm thọc, phản gián, gặp người bên này thời nói xấu bên kia, gặp người bên kia lại nói xấu bên này để gây ác cảm, bất hòa giữa hai người. Trong cuộc xung đột giữa hai sắc tộc thì mình nên nói những lời hòa giải chứ không chỉ trích nói rằng sắc tộc này đúng hay sắc tộc kia sai để cố tình chia rẽ hai sắc tộc này với nhau. Đúng sai chỉ là ý niệm, do kẹt vào ý niệm mà sanh tâm phân biệt. Dùng những lời nói bất bạo động để mà hòa giải, chế ngự sự bạo động. Có những người tuy bất bạo động nhưng lời nói bạo động khiến cho xung đột chiến tranh, cho dù có chiến thắng kẻ thù cũng sanh vào cõi dưới.
Không nói lời thô ác mà nói lời ôn hòa nhã nhặn. Không nói độc ác: tránh xa những lời chửi rủa, thô bỉ, xấu xa. Chỉ nói những lời nhu hoà, êm tai, tao nhã khiến vui lòng người. Những lời nói ác ngữ, thô bạo thì nên tránh không nói một lời, mà hãy nói những lời ái ngữ mang yêu thương hòa nhã đến người nghe. Khi một người đang nổi giận mà mình nói lời thô ác thì chẳng khác nào thêm dầu vào lửa. Nói những lời nhẹ nhàng để làm lắng dịu cơn giận của người kia. Khi nói mình nói với tâm gì? Có những người khẩu xà tâm Phật do họ quen nói những lời thô ác mặc dù tâm họ là tâm Phật nhưng vẫn còn tạo tội. Và có những người tâm xà khẩu Phật, thuyết pháp rất hay được nhiều người tôn trọng nhưng toàn làm những chuyện tầm bậy thì sẽ sanh vào cõi dưới.
Không nói lời thêu dệt mà nói lời chắc đúng. Không tham gia tụ nhóm nói lời hàm tiếu, không thêu dệt nói những lời nói hoa mỹ để cho câu chuyện thêm hấp dẫn. Nghĩa là không trau chuốt lời nói, không thêu hoa dệt gấm, không ngọt ngào đường mật để lung lạc lòng dạ của người, để quyến rũ làm những điều sái quấy. Những kẻ nói lời thêu dệt là những kẻ có lòng dạ bất chính, lợi dụng lòng dễ tin của người để trục lợi. Những người nầy thường bị chê cười, khinh rẻ và mọi người tránh xa để khỏi bị tổn hại tài sản, danh giá và tánh mạng. Không nói thêu dệt: không nói ngoa, không nói sai lạc sự thật để người khác phải mê lầm. Chỉ nói những lời chân thật, đúng chắc, không thêm, không bớt. Theo Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” người không nói lời thêu dệt sẽ được ba điều lợi ích: “Ðược người trí thức yêu mến; Hay đáp được những câu hỏi khó khăn; Ðược làm người có uy đức, cao quý trong cõi nhân thiên”.
Đệ tử nguyện thực tập
Bà hạnh thuộc về ý
Không có lòng tham lam bỏn xẻn mà sanh lòng rộng rãi bố thí
Không có lòng hờn giận ganh ghét mà sanh lòng tùy hỷ xót thương
Không có lòng si mê tà kiến mà sanh lòng sáng suốt nhận hiểu chơn chánh.
Không có lòng tham lam bỏn xẻn mà sinh lòng rộng rãi bố thí. Mình không có tính tham lam bỏn xẻn, những tài sản mà người khác để sơ hở mặc dù là cây kim cọng chỉ mình cũng không lấy bỏ túi mà cho là của mình. Ở đời có năm món dục lạc mà người ta thường ham muôn nhất là : tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Năm món ham muôn ấy, thật ra vui ít mà khổ nhiều. Như tham tiền của phải bị đày đọa thân xác, đôi khi còn dùng những phương tiện bất chính để thu tóm về mình, và khi mất thì vô cùng đau khổ. Tham sắc thì tốn tiền nhiều, mất sức khỏe, hao tổn tình thần, đôi lúc mất cả danh dự. Tham danh vọng quyền tước thì phải vào lòn ra cúi, lao tâm khổ trí… Tham ăn uống cao lương mỹ vị thì nhiều bệnh khó trị, thân thể mệt nhọc, mạng sống không thọ. Tham ngủ nghỉ thì trí não hóa đần độn, tối tăm.
Không có lòng hờn giận ganh ghét mà sanh lòng tùy hỷ xót thương. Không giận hờn là vẫn giữ được bình tĩnh, điềm đạm, nhu hòa trước những cảnh trái ý, nghịch lòng. Giận hờn là một tính xấu rất tai hại. Nó như ngọn lửa dữ đốt cháy cả mình và người chung quanh. Kinh Phật có câu: “Một niệm sân hận nổi lên thì trăm nghìn cửa nghiệp chướng đều mở. Lửa tức giận một phen phát ra liền đốt tất cả rừng công đức”. Mình không có lòng hờn giận ganh ghét đối với bất kì ai vì tất cả chúng sanh đều rất đáng thương. Một người cho dù lời nói không dễ thương, hành động không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn chút dễ thương thì mình phải tìm cách quán chiếu mà trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Khi họ thành công thì mình nên tùy hỷ với sự thành công của họ, khi họ thất bại thì mình nên xót thương chứ không chê bai hay đè ép cho người đó đi xuống. Hãy động viên an ủi để người đó đi lên.
Không có lòng si mê tà kiến mà sinh lòng sáng suốt nhận hiểu chơn chánh. Tà kiến ngược lại với chánh kiến nghĩa là không tin vào Tam Bảo, vô ngã, vô tướng, vô thường mà thay vào đó tin vào bái sám, cúng tế, thờ thần lửa, thần nước, không tin vào nhân quả nghiệp báo, không tin vào con đường bát chánh đạo. Mình bị tâm lý đám đông kéo đi. Có trường hợp thực tập không đúng, thậm chí còn có số người tin rằng giờ tôi phạm tội sau đó sám hối thì hết tội. Có người tin như vậy. Niềm tin như vậy là không sáng suốt. Đoạn kiến, thường kiến và giới cấm thủ cũng là tà kiến.
Đoạn kiến là mình tin vào kết thúc cuộc đời, cho rằng cuộc đời này là duy nhất, chết là hết nên ra sức hưởng thụ, ra sức mắng chửi Tam Bảo, không tin nhân quả nghiệp báo, không tin kiếp trước kiếp sau cho nên mình rất dễ phạm giới. Thường kiến là cho rằng đời sống này là vô thường mà cứ cho nó là muôn năm. Chính vì dính mắc vào thường kiến nên khi vô thường tới mình khổ vô chừng. Yêu nhau rồi tưởng yêu mãi mãi về sau, điều này đẹp nhưng chỉ có trong chuyện cổ tích. Đã gặp nhau thì phải tan, đã có hạnh phúc thì phải có khổ đau. Đã yêu thì sẽ tới lúc không có yêu nữa. Khi biết như vậy thì không có khổ gì hết.
Giới cấm thủ như là những giới làm khổ mình làm khổ người, coi bói xem phong thủy, chọn ngày tốt xấu lấy chồng lấy vợ.
Đệ tử nguyện thực tập
Tất cả mười hạnh lành
Thân khẩu ý trong sạch
Làm lợi lạc chúng sanh.
Thân, khẩu, ý trong sạch thì mình đã giúp cho chúng sanh có nhiều lợi lạc, là người con có hiếu, là một người Phật tử thành công. Lúc nào cũng phải nhắc nhở bản thân rằng hôm nay mình đã thực tập được những gì, mình có phạm vào ba nghiệp của thân khẩu ý hay không. Nếu như chúng ta thực hiện mười hạnh lành này thì không những trong đời sống hiện tại được hạnh phúc an lạc mà sau khi thân này kết thúc sẽ được sinh vào cảnh giới an lành. Từ ngàn xưa các vị hiền nhân, thánh, Bồ Tát và chư Phật đã thoát khỏi sinh tử, luân hồi, chứng được Niết Bàn đều bắt đầu lấy mười hạnh lành này làm căn bản tu hành. Là Phật tử, chúng ta cần phải thực hành, cần phải bắt tay vào việc làm và nhất là theo đúng mười hạnh lành này mà hành động. Nó có công năng ngăn chặn các hành vi độc ác, đối trị các điều không lành và làm ba nghiệp (Thân, Khẩu, Ý) thanh tịnh. Khi ba nghiệp được thanh tịnh thì con người thoát ly sanh tử, chứng quả Niết bàn. Nếu đem mười hạnh lành này hồi hướng cho toàn thể chúng sanh, năng lượng bình an sẽ phát khởi. Chỉ có vậy chúng ta mới xứng đáng là một Phật tử chân chính và thấy tất cả sự lợi ích thiết thực của đạo Phật. Chúng ta diệt trừ các điều ác gây tai hại cho người và tích cực làm việc thiện, giúp đỡ và đem đến an vui cho mọi người chung quanh mình.
Nguyên Phước Độ
Theo Phật Pháp Ứng Dụng