“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”
(Trịnh Công Sơn)
Khi mới bước chân vào đạo, mình thành kính, thiết tha muốn được thấy rõ phương pháp nào dẫn mình đến sự chứng ngộ nhanh nhất. Như một tờ giấy trắng, chúng tatừ từ được nhuộm theo những gì mình tiếp xúc về đạo Phật. Nên có câu ‘Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật’. Ngày đầu đến chùa thấy tu theo Phật sao dễ quá, nhưng sau ba năm thì thấy Phật cũng mất luôn!
Điều đáng buồn là, lẽ ra, nếu tu tập mà không thấy tiến bộ thì bỏ công tìm minh sư hay đường tu khác, đằng này, lại trở nên nghi ngờ Tam bảo, nghi ngờ luôn cả bản thân, rồi xem thường chuyện tu hành. Và cuối cùng, trở thành một kẻ nhất-xiển-đề!
Nhất-xiển-đề, Phạn ngữ Icchantika, là một khái niệm nói về một hạng người ‘đặc biệt nguy hiểm’ trong đạo Phật, mà hạng người này cũng tồn tại trong các tôn giáo khác. Theo dịch nghĩa chữ Hán, nhất-xiển-đề là bất tín hay tín bất cụ, nghĩa là không có lòng tin, không đủ lòng tin. Lòng tin ở đây được hiểu là tin vào Tam bảo, vào lý nhân quả – duyên sinh, và nghiệp báo.
Trong kinh Tăng chi (chương Ba pháp, phẩm Ba hạng người), hạng người gọi là ‘không hy vọng’, được mô tả như sau: ‘Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng hiện tướng là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh’. Như vậy, tất cả đều là sống hình tướng, bề ngoài dù trên danh nghĩa là người tu theo Phật pháp.
Cũng theo kinh Tăng chi (chương Bốn pháp, phẩm Kesi), Đức Phật mô tả hạng người này như sau: ‘Bị giết hại, này Kesi, là con người này, trong giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới’. Rõ ràng, họ không còn coi trọng giới luật, nên không còn xứng đáng được thọ giới. Và tất nhiên, họ cũng chẳng màng đến chuyện họ có được xem là Phật tử hay không! Theo kinh Đại bát Niết-bàn (quyển 1): ‘Nhất-xiển-đề là kẻ dứt tuyệt gốc rễ của mọi điều lành, lòng không nương theo bất cứ pháp lành nào, thậm chí chẳng sanh được một niệm lành”.
Làm người, ai cũng từng có lỗi lầm. Nên Phật có nói về hai hạng người tốt: Một là người chưa bao giờlầm lỗi. Còn hạng thứ hai, là người có lỗi mà biết ăn năn, hối quá, sửa sai. Tuy nhiên, kẻ gọi là nhất-xiển-đề đã không còn biết tàm, biết quý. Họ đã trở thành một chuyên gia lừa đảo (con artist), không sợ nhân quả, không tin đạo thánh; chỉ nghĩ lợi về mình và dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng danh nghĩa Phật pháp để thành công.
Dù người có hám danh, như ngài Cầu Danh Bồ-tát (tiền thân Phật Di Lặc) được mô tả trong kinh Pháp hoa, nhưng biết hổ thẹn và sợ nhân quả cũng vẫn có cơ hội tu tập giải thoát. Đây là điểm chính yếu mà Phật đã dạy trong kinh Trung Bộ (kinh số 27): ‘Phật lấy hình ảnh người thợ rừng theo dấu một con voi lớn để giải thích làm cách nào đệ tử đạt đến sự xác tín hoàn toàn đối với chân lý Ngài dạy’ (Ni sư Trí Hảidịch). Tu tập thành tựu theo những điều Phật dạy, như là thợ rừng theo dấu chân voi, là mục đích tối hậu mà Đức Phật đã truyền trao giáo pháp cho chúng ta. Nên có nhiều mẩu chuyện rất cụ thể trong đờithường để chúng ta rút kinh nghiệm: Câu chuyện về một nhà tâm lý dạy cách nào để có hạnh phúcnhưng chính mình, khi bị hỏi, rất lúng túng vì ít khi có hạnh phúc. Hay, một vị sư có một người đệ tử nhờ sư khuyên bảo con của người này bỏ hút thuốc, nghiện rượu… nhưng oái oăm thay chính vị sư kia cũng đang hút thuốc và uống rượu. Hoặc, một bác sĩ chuyên giúp trị bệnh cho người, nhưng bản thânthì mệt mỏi, hay đau bệnh v.v…
Trên đây là những trường hợp điển hình cụ thể đang xảy ra nhan nhản khắp nơi. Nên người tu Phậtphải biết ứng dụng lời Phật dạy cho chính mình và thận trọng, gìn giữ tâm Bồ-đề của mình, không để bị rạn nứt. Giác Ngộ online ngày 29-5-2017 đã nêu lên ‘ba nhóm vấn nạn tiêu biểu’ hiện đang xảy ra nơi các tự viện, chùa chiền: Đó là (1) Phát triển khuynh hướng tư hữu cá nhân; (2) Không có khả năng quản trị ngôi đạo tràng của mình, có xu hướng sống tà mạng, nặng về cơ sở vật chất; và (3) Tình trạng lạm dụng các tiện ích công nghệ thông tin’. Đây là những tín hiệu cho thấy khuynh hướng nhất-xiển-đề đang ngày lan rộng mạnh.
Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) rất tâm đắc về pháp môn thiền Sơ tâm và pháp môn này được truyền thừa cho đến ngày nay. Ngài dạy rằng: Người tu học Phật pháp phải luôn giữ gìn cái tâm ban đầu (sơ tâm) vì nếu không, sơ tâm sẽ bị các pháp thế gian làm điên đảo, mộng tưởng. Khi sơ tâmbị bể vỡ, con đường để trở thành một người nhất-xiển-đề sẽ không xa vì lòng tin vào Phật pháp đang bị bào mòn, sút giảm, khô kiệt dần.
Đỗ Đình Đồng dịch Tâm Ban sơ, nguyên tác Zen Mind, Beginner’s Mind của Shunryu Suzuki: ‘Giả sử quý vị tụng Tâm kinh Bát-nhã chỉ một lần. Đó có thể là một sự tụng rất tốt. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với quý vị khi quý vị tụng nó hai lần, ba lần, bốn lần, hay nhiều hơn nữa? Có thể quý vị mất đi thái độban đầu một cách dễ dàng. Điều tương tự sẽ xảy ra trong những cách tu Thiền khác của quý vị. Quý vị sẽ giữ được tâm ban đầu của mình trong một lúc, nhưng nếu quý vị tiếp tục tu tập một, hai, ba năm hay nhiều hơn nữa, mặc dù quý vị có thể tiến bộ chút ít, quý vị bị mất ý nghĩa vô hạn của bản tâm’.
Sơ tâm như người mới biết đạo, đi chùa nên thấy ‘nhất niên Phật tại tiền’. Nếu chúng ta có thể giữ cho sơ tâm của mình giống như ngày mình mới biết đạo, háo hức muốn học hỏi, tu tập, thành kính, thiết tha thì dù mình có tu học bao nhiêu năm, cái sơ tâm vẫn trinh nguyên như ngày nào!
Sơ tâm là làm mọi việc, cho dù nhỏ hay lớn, đều xem như lần đầu, và làm hết mình, không so đo, tính toán lợi hại. Sơ tâm không bị mắc kẹt vào kinh nghiệm của những lần trước mà luôn mở lòng đón nhận những ý kiến mới. Tất nhiên, sơ tâm là nói về cái tâm lành, tâm tốt, tâm luôn hướng thượng.
Nhờ tính cách rỗng không của sơ tâm nên nó luôn giúp mình sẵn sàng mở lòng đón nhận mọi cái mới, luôn trung lập, và không có khái niệm về phe phái, hay chiều hướng. Chính nhờ vậy mà người giữ được sơ tâm trong sáng, luôn tỉnh giác với mọi hoàn cảnh và không bị mắc kẹt vào một pháp nào nên các thiền sư Nhật Bản gọi là ‘vô tâm’. Thiền Sơ tâm cho rằng mọi hành động là cơ hội hiển bày Phật tánhcủa ta – ‘bản lai diện mục’, cho nên mới nói: đói thì ăn, mệt thì ngủ đó là thiền.
Pháp môn thiền Sơ tâm là một phương pháp giúp giữ cái sơ tâm luôn trong sáng, giúp mình trở về cái tâm ban sơ, nguyên thủy thật sáng chói của chính mình. Chúng ta thấy tâm mình như gương sáng phản chiếu trung thực mọi sự vật, không tình cảm, không thiên vị, không bị dính mắc. Sơ tâm giúp mình sống thật với chính mình và với người khác.
Theo trên cho thấy, mối liên hệ mật thiết giữa sơ tâm và nhất-xiển-đề thật rõ ràng. Khi mình đánh mất sơ tâm, chúng ta trở nên chai cứng với giáo pháp, không còn sợ nhân quả, không còn biết hổ thẹn, chỉ biết hưởng thụ dục lạc. Cái đáng tiếc nhất là mình đã đánh mất chính mình, một con người háo hứcmuốn học Phật, thích tu, ham làm điều lành, sợ hãi điều ác lúc ban đầu nay bỗng dưng trở thành một người lão luyện về sự dối trá, gian xảo, ngụy tạo những hình thức tu tập mê tín, yêu ma để lợi dụng tình cảm, tiền tài. Hy vọng, đây là hồi chuông báo động cho tất cả chúng ta đang chao đảo niềm tin với Phật pháp, và là tiếng chuông cảnh tỉnh ai đó đang biến mình theo xu hướng nhất-xiển-đề sớm quay về tìm lại cái sơ tâm của mình.
(Thiện Ý
Tháng 6 năm 2017)