1. Nhìn vào bản chất thương yêu của con nguời – Những trái tim đồng dạng

Những trái tim đồng dạng (P1)

Khuynh hướng tình dục đồng giới (TDĐG) trong cộng đồng ngày nay đã được nhìn nhận theo xu hướng cởi mở hơn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về người đi theo khuynh hướng này. Tính dục khác với tình dục, theo đó tính dục phản ánh tích cách con người, hình thành lối sống và xây dựng nên nhân cách của họ, còn tình dục đồng giới là sự thu hút về mặt tình cảm, tâm hồn, thể chất của một đối tượng cùng giới. Người đồng tính là con người, nên cũng nằm trong vùng của hạnh phúc hay khổ đau, khao khát được yêu thương, chăm sóc và chia sẻ. Do vị trí xã hội hay cái nhìn chưa cởi mở, họ chấp nhận đời sống khép kín, lập gia đình có con cái. Nhiều người công khai mối quan hệ với cộng đồng nhưng điều chắc chắn họ đã phải chuẩn bị tâm lý để có thể vững vàng trước mọi lời dèm pha. Người có khuynh hướng tình dục đồng giới vẫn có nhóm máu như người bình thường, cấu trúc gen bình thường, vẫn khoẻ mạnh, có tài năng và cống hiến cho xã hội bình thường. Tuy nhiên họ chịu sự hấp dẫn bởi người cùng giới, cho nên vấn đề đặt ra là đồng tính có phải là căn bệnh hay không, nếu là bệnh thì bệnh về thể chất hay bệnh về tâm lý? Các nhà khoa học về sức khoẻ tâm thân đều chia sẻ hành vi TDĐG định hình từ nhỏ, chịu sự tác động của xã hội và sự ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý từ bên trong mà hình thành nên. Cho nênTDĐG không phải là bệnh, không lây lan, không có hại cho cộng đồng. Người có khuynh hướng này không phải thời nay mới có mà từ xa xưa người ta đã chứng minh khuynh hướng đó, nhưng chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ và có tiếng nói lớn như hiện nay.

Nói về xã hội và ngay cả người đồng tính đã tồn tại chứng ghê sợ TDĐG. Tình trạng kỳ thị, ác cảm, khinh bỉ, chê bai phát xuất từ cộng đồng chưa có thái độ cởi mở, chưa chịu chấp nhận. Một phần là do họ không chấp nhận cách thức người đồng tính quan hệ tình dục, một phần là do bản thân người đồng tính có quá nhiều bạn tình, một phần là do quan niệm đây là một tình yêu không được tự nhiên và hơn nữa đa số luật pháp các nước vẫn chưa công nhận cộng thêm sự bác bỏ của một số tôn giáo. Người đồng tính sợ bản thân mình là đồng tính đã đành, họ còn sợ bị phát hiện là người đồng tính. Chủ nghĩa phân biệt giới tính được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ghê sợ này nên nếu như giới tính biểu hiện, người rất đau khổ, đau khổ vì sự kỳ thị của xã hội, người còn đau khổ vì không sống đúng với chính mình. Một số tổ chức hay hiệp hội được thành lập để chia sẻ với người, giúp người sống chan hoà trong cộng đồng và phần nào lắng nghe các ý kiến và quan điểm của người. Quan hệ nam nữ bấy lâu được xem là chuẩn mực xã hội và điều gì khác với chuẩn mực thì dễ bị lên án và chỉ trích. Nếu muốn không bị kỳ thị, người đồng tính phải xây dựng cho mình chuẩn mực xã hội của riêng họ, tạo dựng tiếng nói riêng và cộng đồng riêng. Khi người làm nhiều việc như vậy, vô hình chung văn hoá đồng tính hình thành và khi đã quen thuộc, các cộng đồng khác sẽ dễ dàng trở nên chấp nhận khuynh hướng đồng tính hơn. (1)

Ở Châu Âu, khoảng 1-2% người là đồng tính và con số này vẫn là thiếu số. Người đồng tính có thể được tìm thấy ở mọi ngành nghề, từ công an đến bác sĩ, từ công nhân đến nhà doanh nhân. Con số trên thực sự không chính xác lắm vì ít ai chịu công nhận mình là người đồng tính. Sự mặc cảm về xu hướng giới tính vô hình chung khiến họ thiếu thốn sự chia sẻ, sống không thật với chính mình. Do sự phát triển của tệ nạn xã hội, đồng tính không thật xuất hiện trong việc đua đòi theo phong trào, xem như một cách kiếm tiền hay giả dạng để phạm tội hình sự. Đồng tính có được xem là tha hoá hay không là tuỳ theo quan điểm và cách nhìn nhận của mỗi người. Tuy nhiên, cho dù nhìn nhận như thế nào theo như cách nói “đạo đức không phân biệt giới tính” mà một diễn đàn đã đăng tải thì cách sống của một con người quyết định đạo đức của họ nhiều hơn là dựa vào giới tính. Về mặc thể xác, người đồng tính hoàn toàn bình thường, về cách ăn uống, ăn mặc, cấu trúc cơ thể nhưng tâm lý thì lại khác, nhất là tâm lý yêu thương và tâm lý trong tình dục. Từ tháng 1/1993, Tổ chức Y tế thế giới đã loại đồng tính ái ra khỏi danh mục về bệnh tật ở loài người. Bệnh về thân hay bệnh về tâm cũng đều không dành cho đồng tính ái. Không phải người quan hệ đồng tính mới có nguy cơ cao về các bệnh lây qua đường tình dục mà quan hệ nam nữ không chung thủy vẫn có thể lây bệnh như thường. Điều này cho thấy người đồng tính có quyền được chăm sóc, được cung cấp đầy đủ thông tin về sức khoẻ và tăng cưòng các điều kiện chăm sóc y tế của họ. Người là một thực thể tự nhiên và cũng là một thực thể xã hội. Đối với thực thể tự nhiên, người trải qua quá trình hình thành, phát triển nên có đầy đủ nhu cầu tình cảm và tâm sinh lý. Đối với nhu cầu xã hội, người vẫn đi học, làm việc, phát triển sự nghiệp và nắm giữ vị trí hay có các mối quan hệ trong xã hội. Người đồng tính được xem là người thuộc giới tính thứ ba. Đã nói là giới tính thứ ba thì chắc chắn có giới tính thứ nhất và giới tính thứ hai. Vậy thì các giới tính công nhận sự có mặt của nhau để cùng chung sống an lạc, chỉ mới công nhận thôi, nhiều trái tim phần nào đã thở phào nhẹ nhõm. (2)

Quyền của người đồng tính cũng là nhân quyền. Cũng dễ hiểu, vì nguời đồng tính là con người nên họ có đầy đủ tất cả các quyền của một con người. Hoa Kỳ được xem là một quốc gia tự do nhất, nhưng quyền của người đồng tính vẫn chưa được bảo đảm như quyền kết hôn hay quyền đăng ký kết hôn giống bao nhiêu người khác giới đang được đăng ký kết hôn. Một số bang của Hoa Kỳ đã xem hôn nhân đồng giới là phạm pháp và họ nghiêm cấm các hình thức cấp giấy đăng ký kết hôn cho người đồng tính. Hãy xem lại khái niệm về phạm pháp. Hai người đàn ông hay hai người phụ nữ yêu thương nhau và muốn tiến tới hôn nhân để có thể chung sống và nâng tầm mối quan hệ của họ bị cho là phạm pháp thì nghe có vẻ nghịch lý. Hơn nữa nói rằng, cách thức quan hệ tình dục của người đồng tính là trái với tự nhiên và điều gì trái với tự nhiên thì không hợp với đạo đức. Hãy xem xét vấn đề quan hệ vợ chồng giữa người nam và người nữ. Nếu xem đó là chuẩn mực xã hội thì cách người đàn ông hay người đàn bà ngoại tình được cho là phạm giới trong Năm giới Cư sĩ bên Phật giáo. Đạo đức hay không là cách hành xử của người, cách họ ăn ở, cách họ sống và cách họ có giữ giới hay không. Nếu xem xét ở khía cạnh người đồng tính không còn cảm thấy hấp dẫn với người khác phái hay cảm thấy không hạnh phúc khi sống chung với người khác phái thì người lên án đồng tính sẽ nghĩ gì và nói gì về điều này. Nếu như người lên án đồng tính, vậy người sẽ lấy áp lực gì và sử dụng qui trình cải biên nào để biến một người đồng tính thành không đồng tính. Trong Phật giáo có câu có hiểu thì mới thương được, không hiểu mà thương thì chỉ làm khổ người khác. Vậy muốn thương người thì phải hiểu người, muốn chia sẻ và đồng cảm với người thì hãy trước tiên lắng nghe người đã. Mục đích của tôn giáo là mang lại tình thương cho nhân loại vậy thì nếu hai người cùng giới thương nhau và mong muốn tiến tới hôn nhân, với họ như vậy là hạnh phúc lắm rồi, thì hà cớ gì phải ngăn cản tiến trình xây dựng hạnh phúc của họ. Nếu như lên tiếng ngăn cản, họ sẽ khổ đau và dĩ nhiên gây khổ đau không phải là tôn chỉ của bất cứ tôn giáo nào. (3)

Rất nhiều người đồng tính thực sự có tài năng và sử dụng tài năng của mình đóng góp cho xã hội. Tài năng của họ đã được công nhận trong rất nhiều lĩnh vực và đối với nhà quản trị nhân sự, cần giúp các tài năng đồng tính phát huy hơn nữa khả năng làm việc và xây dựng môi trường làm việc không kỳ thị. Một khi người không bị kỳ thị, người sẽ được chấp nhận, được chào đón, được chia sẻ, người có cơ hội sống thật hơn và vì thế họ cống hiến tài năng của mình nhiều hơn. Nếu như ở trên có nhắc đến câu “Đạo đức không phân biệt giới tính” thì bây giờ cũng nên nhắc đến câu “Tài năng không phân biệt giới tính”. Các giám đốc nhân sự bỏ thì giờ để quản trị tài năng, không ai quản trị giới tính cả. Tuy nhiên, họ được đề nghị thấu hiểu giới tính của nhân viên để chia sẻ và đồng cảm, khuyến khích người xoá bỏ mặc cảm về giới tính mà vui sống trong công việc. Xã hội ngày càng cởi mở, người sẽ đánh bật tính mặc cảm trong mình để sống thật hơn và để được chấp nhận, người phải thực tập để sống cuộc đời đàng hoàng. Người thường cho mình không may mắn vì đã trót sinh ra làm người đồng tính nhưng hãy suy xét cho kỹ khi phán cho mình như vậy vì trong muôn loài, đã sinh ra làm người thì loài người là may mắt lắm bất kể đồng tính hay không đồng tính. Vấn đề là người có biết tu hay không, có biết làm điều thiện và có biết chuyển hoá khổ đau hay không. Một người không đồng tính mà sống buông thả, kiêu căng, ngã mạn, bao nhiêu vô minh lấp đầy thì không bằng một người đồng tính biết sống khiêm nhường, giữ mình và an lạc trong phút giây hiện tại.

Người đồng tính có thể thực tập thiền, nhận diện hạnh phúc và khổ đau trong mình để thấy chẳng có gì gọi là đồng tính cả. Đồng tính là một sự giả danh mà thôi. Lên án đồng tính là biểu hiện của người chưa biết yêu thương hay yêu thương chưa đủ. Người có quyền có hạnh phúc và tập thiền để biết hạnh phúc đang có mặt. Người hạnh phúc cho mình có nhiều đau khổ thì thật không hay, người đang có hạnh phúc và đầy dẫy các điều kiện của hạnh phúc mà không biết. Phật giáo khuyến khích con người có cái nhìn cởi mở, nhìn vào bản chất yêu thương của con người và nhu cầu hạnh phúc của họ. Cho dù người là ai, người đều muốn thương và được thương, muốn hiểu và được hiểu, muốn hạnh phúc và chế tác hạnh phúc. Nghĩ vậy thì có thấy ai là đồng tính đâu. Nếu kỳ thị thì chẳng qua bạn muốn chứng minh cái bản ngã không đồng tính của bạn thôi. Lắng nghe để thấy người đang muốn chia sẻ, muốn được hiểu. Nói lời ái ngữ để người gần gũi nhau hơn. Thở vào, con chấp nhận những sự khác biệt, dù người là đồng tính hay không, con vẫn yêu thương như nhau. Thở ra, con biết con đang trò chuyện với một người đồng tính và con nguyện nhìn sâu để hiểu rõ tình thương của người. Tình thương quan trọng hơn bất cứ cái gì khác. Người đang tranh chấp sực nhớ đến tình thương nên dừng cái tranh chấp đó lại. Người đang kỳ thị sực nhớ đến tình thương nên dừng cái kỳ thị đó lại. Nếu tranh chấp là do mình tranh chấp cái ích kỷ trong mình. Nếu kỳ thị là mình đang kỳ thị cái nhỏ bé của mình. Thở vào, con buông bỏ sự kỳ thị. Thở ra, con chấp nhận sự khác biệt hay thực tập sự đồng cảm. Về phần người đồng tính, thở vào, con học hạnh chung thủy, thở ra, con cẩn trọng trong việc gìn giữ hạnh phúc của con… (4)

Vấn đề đồng tính ngày nay không còn là vấn đề nhạy cảm vì vùng chấp nhận ngày càng rộng ra. Gia đình và xã hội nên lắng nghe nhiều hơn nói và khi đã hiểu rõ thì tìm lời chia sẻ. Chuẩn mực xã hội thay đổi và chuẩn mực đạo đức cũng thay đổi theo nhưng chấp nhận và yêu thương thì không thể thay đổi. Bản chất của con người là yêu thương và chỉ khi yêu thương, người mới thực sự là con người. Trong Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào, người thường nói yêu thương hết muôn loài, và xây dựng tình thương giữa người với người. Người đồng tính hay chuyển đổi giới tính cũng là người, biết chấp nhận và yêu thương họ thì mình mới yêu thương muôn loài được. Biết chấp nhận, biết yêu thương, mọi thứ trở nên tươi đẹp. Nhìn bông hoa hướng về ánh mặt trời để đón nhận tia nắng đầu tiên của bình minh, bông hoa khát khao sự sống như thế, huống chi là con người. Khi nói thương, người đừng nói một cách hình thức, mà hãy thương thật lòng. Đã thương thì cái gì cũng thương được, kể cả cái chất đồng tính của người, người cũng thương luôn. Cái hạnh phúc hay khổ đau của người lúc nào cũng liên quan đến mình, nên người vui mình cũng vui theo và người đau khổ, mình cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng. Nỗi đau có thể dài lâu nhưng dù dài lâu cách mấy, tình thương vẫn có thể xoá đi và làm khối nội kết tan chảy. Nếu bạn là người đồng tính, hãy nhớ tôi sẵn sàng lắng nghe bạn, hãy nhớ tôi đang chấp nhận bạn và cũng hãy nhớ gìn giữ hạnh phúc của chính bạn. Nỗ lực của con người là khen ngợi tình yêu để thể hiện tình yêu, dù là khác giới hay đồng giới, vẫn có thể chế tác hạnh phúc hay gây khổ đau. Thế thì tại sao không dành thời gian để chế tác hạnh phúc đi.

Nếu bạn cần một bàn tay, bàn tay tôi có thể ốm yếu nhưng đủ để dẫn bạn đi

Nếu bạn cần một bờ vai, bờ vai tôi có thể gầy gò nhưng đủ làm bạn ấm lòng trong mùa đông lạnh giá

Nếu bạn cần một nụ cười, nụ cười tôi có thể thật nhẹ nhưng đủ mang đến cho bạn cả mùa xuân

Nếu bạn cần một lời nói, lời nói tôi có thể giản dị nhưng đủ xua tan nỗi buồn trong bạn

Nếu bạn cần một ánh mắt, ánh mắt tôi có thể bình thường nhưng đủ tiếp sức nghị lực cho bạn

Nếu bạn cần một lời chia sẻ, lời chia sẻ tôi ngắn gọn nhưng đủ chân thành và hàn gắn những vết thương

Nếu bạn đang cô đơn, hãy nhớ rằng tôi đang có mặt cho bạn đây…

2. Ta với người tuy hai mà một – Những trái tim đồng dạng

Những trái tim đồng dạng (P1)

Ta với người tuy hai mà một

Ta với người tuy hai mà một nghe như một câu nói muôn thuở nhưng đó là một sự thật. Sự thật này hiển nhiên như đứng trên Địa Cầu thì mặt trời phải mọc ở hướng đông. Ta là một con người được kết hợp bởi tứ đại, đất, nước, lửa, gió và nhờ vào việc biết yêu thương, ta nằm trong nhóm động vật cấp cao. Hãy nhìn người đối diện, gương mặt có thể khác, suy nghĩ có thể khác nhưng nhìn một cách tổng thể, vẫn là tứ đại, vẫn là yêu thương. Người đồng tính và không đồng tính không khác gì nhau, vẫn là cấu trúc cơ thể người, vẫn là khát khao yêu thương mãi không nguôi. Người đồng tính có yếu tố không đồng tính và người không đồng tính có yếu tố đồng tính. Giống như nhìn bông hoa, ta thấy yếu tố của sức nóng của mặt trời, yếu tố mềm mại của nước và uyển chuyển của gió hay thân thể của đất nên hoa cũng là mặt trời và mặt trời chính là hoa. Một người luôn bận rộn với trăm lo ngàn lắng nhưng không phải họ không có yếu tố thảnh thơi, chỉ cần buông bỏ vài giây phút bận rộn, thảnh thơi hiện tiền với họ ngay lập tức. Người đồng tính cũng vậy, buông bỏ đau khổ, buông bỏ những dính mắc khổ đau, người sẽ có hạnh phúc, thậm chí hạnh phúc lớn hơn nhiều so với người không đồng tính. Giống đực hay giống cái chỉ là tên gọi, nếu như ngày xưa gọi con gà mái là giống đực và qui ước con gà trống là giống cái thì bây giờ cái gì gọi là cái và cái gì gọi là đực. Khi phân chia và đặt tên gọi để dễ dàng giao tiếp nhưng giao tiếp thành công là phải đặt mình vào vị trí của người nói, trở thành một với người nói, lúc đó mới mong mình hiểu người. Lúc đã hiểu người, ta với người trở thành một, không có gì khác biệt, nên người đồng tính cũng là người không đồng tính và người không đồng tính cũng là người đồng tính.

Nếu người có chất đồng tính thì bất kỳ ai cũng có cái chất đó, vấn đề là nó có nổi trội hay không. Người sinh ra mang trong mình yếu tố của cả cha lẫn mẹ, theo đó mà mang cả tính chất nữ lẫn tính chất nam. Nam giới hay nữ giới cũng vậy, đều mang hai yếu tố đó cả. Người cùng giới còn kỳ thị, đanh đá, ganh ghét nhau, nói chi là những người khác giới. Theo Phật giáo, trong con người luôn có một tâm sở gọi là tâm sở kỳ thị, như kỳ thị giữa thiện và ác. Đành rằng phải phân biệt giữa thiện và ác để phát huy cái thiện và tránh cái ác, nhưng người tu giỏi sẽ chấp nhận cả hai, các ác không phải là cái để tiêu diệt mà là để giúp đỡ và chuyển hoá. Hay có người ngồi tranh cãi đúng và sai rất mất thì giờ, không còn thời gian nào mà yêu thương nữa. Kỳ thị giữa giới tính nam và nữ khiến cho bất bình đẳng giữa người nam và người nữ. Lịch sử cho thấy phụ nữ phải đấu tranh cho quyền lợi của mình. Bây giờ người đồng tính đang đi vào cái con đường đấy đấu tranh cho quyền lợi của chính họ. Các chính phủ luôn tuyên bố quyền bình đẳng cho người phụ nữ đối với nam giới, biết đâu trong tương lai họ lại yêu cầu quyền bình đẳng cho thế giới thứ ba. Không kỳ thị là một nghệ thuật sống, nhưng trước hết là không kỳ thị chính mình. Một nữ đồng tính nói rằng mình sợ bị người ta nói ra nói vào, mình sợ bị dèm pha, mình sợ bị chỉ trích chê cười. Nếu nhìn kỹ, người đang sợ những cái ở bên ngoài mà không đối diện hay không chịu nhận diện cái sợ ở trong mình. Buông bỏ cái sợ trong mình thì dù bên ngoài nói gì, người vẫn tỉnh bơ thôi.

Đồng tính và không đồng tính, cũng chỉ là một. Điều này đã nói ở trên nhưng tôi muốn nhắc lại. Giống như nước Lào và nước Việt Nam cùng sống chung trên quả Địa Cầu, cùng hít thở không khí, cũng phải ăn, phải uống, phải mặc… Tuy nhiên dù là nước nào hay giới tính gì, các giá trị chung luôn được chia sẻ, như ham thích hoà bình và chán ghét chiến tranh. Trong tình yêu, bất cứ ai cũng muốn yêu và gìn giữ tình yêu đó dài lâu. Theo luật pháp, người nào phạm tội thì sẽ bị xét xử, không chừa một ai. Luật nhân quả là luật tự nhiên của vũ trụ, luôn công bằng với mọi chúng sinh, bất kể chúng sinh đó là ai. Ví dụ một cơn bão hay vụ động đất ập tới, có bao giờ nó đứng chờ chọn lựa giới tính đâu, đã nằm trong vùng thiên tai thì ai cũng phải gánh chịu thôi. Người đồng tính phải chết, người không đồng tính cũng phải chết, đã giống nhau như vậy thì hà cớ gì phải phân biệt chi nữa. Thay vào đó, chấp nhận nhau, cùng sống vui sống khoẻ có hay hơn không. Các quốc gia đánh nhau vì sự khác biệt về quan điểm chính trị hay ý thức hệ, chấp nhận sự khác biệt thì đâu có chiến tranh, đâu có kẻ thù. Vấn đề là thay đổi thái độ của mình, buông bỏ những thành kiến, kỳ thị, sợ hãi, khen chê, đúng sai, thiện ác. Đối với người đồng tính, công khai hay không công khai không quan trong, mà quan trọng là sống vui trong giây phút hiện tại và cái vui đó phải là cái vui đích thực, không phải là đi vào thế giới ảo mới gọi là vui. Máu của ai cũng đỏ và nước mắt ai cũng mặn, hãy trân quý sự có mặt của nhau, bởi vì người mà mình chỉ trích kia ngày mai có thể đã đi xa rồi, một lời chào mình cũng không kịp nói, huống chi nói lời yêu thương với họ. Đồng tính đâu có gì là ghê gớm mà phải đòi hỏi chấp nhận hay không chấp nhận. Chỉ cần nhìn vào bản chất yêu thương của họ, người sẽ đồng cảm và lắng nghe. Người đồng tính muốn không kỳ thị thì hãy không kỳ thị mình trước đã và không cần phải đòi hỏi người khác chấp nhận mình. Mình chưa chấp nhận được mình thì làm sao người khác chấp nhận mình. Tập sống an lạc trong hiện tại, mọi thứ xung quanh sẽ trở nên êm dịu và bản thân sẽ là một yếu tố êm dịu trong cộng đồng.

Sở dĩ cái này có vì cái kia có là một trong những nguyên lý của nhân duyên. Đã có người không đồng tính thì cũng có người đồng tính, cũng là sự giải thích về mặt nhân duyên. Cái gì cũng cần một quá trình, và tiến trình nhân duyên là một quá trình. Người có khuynh hướng đồng tính là một quá trình bởi chịu sự tác động của nhiều yếu tố như bản thân, gia đình, bạn bè, môi trường, xã hội. Việc đồng tính có được chấp nhận hoàn toàn hay không cũng là một quá trình. Quá trình này lâu hay mau là do các yếu tố làm nên chúng. Một ứng cử viên ra tranh cử tổng thống, ông ta phải sử dụng các hình ảnh, các lời hứa, các biện pháp chứng minh nhằm thúc đẩy niềm tin của công chúng nơi bản thân ông, có thế phiếu bầu mới nhiều và cơ hội thắng cữ sẽ khả quan hơn. Cộng đồng đồng tính muốn được chấp nhận cần xây dựng hình ảnh, lối sống, niềm tin từ cộng đồng không đồng tính, tức là củng cố mình trước thì mới mong người khác đón nhận mình. Người đồng tính đối mặt với tình yêu không bền vững vì thiếu sự ràng buộc và còn phải đối mặt với áp ực xã hội. Sức chịu đựng của người rất cao và có những nỗi đau tưởng chừng người không đồng tính cũng không thể nào chịu đựng nổi.

Tất cả cộng đồng cùng chia sẻ môi trường, kể cả môi trường văn hóa. Đồng tính đã định hình văn hóa riêng của mình, bằng chứng là có nhiều cộng đồng, câu lạc bộ đồng tính được thành lập, các websites chia sẻ ý kiến hay tâm sự của người đồng tính ngày càng nhiều. Người đến với nhau vì muốn được chia sẻ và cảm thấy an tâm hơn khi có người biết lắng nghe và cảm nhận. Có những người bạn không đồng tính nhưng làm việc theo nhóm có người đồng tính và họ đã chan hoà, cởi mở với nhau, chia sẻ những tâm sự cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Thậm chí người không đồng tính đi hỏi ý kiến của người đồng tính về việc làm thế nào giải quyết những tình cảm của riêng họ. Người biết tư vấn lẫn nhau để giúp nhau thì còn gì bằng. Trách nhiệm rất quan trọng, vì nhờ có trách nhiệm người biết tôn trọng, chia sẻ, và gìn giữ hạnh phúc. Hạnh phúc không phải từ đâu mà có, mà do mình tạo ra, nằm trong tay của mình. Nhiều khi hạnh phúc cần có sự đấu tranh nhưng cái đấu tranh không từ bên ngoài vào mà từ trong đấu tranh ra. Sự chấp nhận sẽ diễn ra một cách tự nhiên, chỉ cần người sống một cách thanh thản, chan hoà và yên vui. Nếu người lên án, mình chấp nhận tất cả, nhưng đến lúc nào đó, người sẽ mệt mỏi và thôi không lên án nữa và nhìn vào sự dễ chịu từ ái, người sẽ quay đầu 180 độ từ lên án sang chấp nhận. Về mặt xã hội, người là một yếu tố tạo nên hoà bình, về mặt tình cảm, người là một yếu tố của hạnh phúc lẫn khổ đau. Khổ đau trên thế gian này đã quá nhiều, đừng bao giờ góp tay xây dựng thêm khổ đau nào nữa. Địa ngục trên thế gian này đã quá nhiều, đừng bao giờ góp tay xây dựng thêm địa ngục nào nữa. Người đồng tính có mặt là để thử thách khả năng chấp nhận. Khi bạn chấp nhận được người thì bạn cũng chấp nhận được mình bởi vì nếu bạn kỳ thị người đồng tính, người đồng tính cũng sẽ có quyền kỳ thị người không đồng tính. Chấp nhận người đồng tính là cơ hội cho họ chấp nhận bạn, chấp nhận cái không đồng tính của bạn.

Thế giới này thống nhất nhờ vào sự đa dạng, tuy đa dạng mà lại rất đồng nhất. Da dẻ, nét mặt khác nhau nhưng ai nấy đều hít thở không khí để mà sống. Hơi thở hít vào thì phải thở ra mới sống được, còn hít vào mà không thở ra thì coi như chết. Có người này nên có người kia, có học trò nên có thầy giáo, có bệnh nhân nên có bác sĩ, có người dân nên có chính quyền… và có người không đồng tính thì có người đồng tính. Đã sống thì đừng đòi hỏi cao quá, vừa sức mình để có thể sống hài hoà và đỡ bươn chãi hơn. Một cộng đồng được cho là hạnh phúc khi các thành viên trong cộng đồng đó đều hạnh phúc. Một người hạnh phúc, cả cộng đồng được hưởng, một người khổ đau, cả cộng đồng không thể vui được. Người đồng tính ra đời để thử thách tính chia sẻ của cộng đồng. Chia sẻ là một thứ văn hoá và chia sẻ thì mới có hạnh phúc. Trong giao tiếp đa văn hoá, người ta thường yêu cầu người giao tiếp khả năng không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và kể cả giới tính. Chấp nhận là một khả năng chứ không phải kỹ năng. Kỹ năng là thông qua đào tạo mà phát triển còn khả năng mang tính bẩm sinh rồi thông qua kinh nghiệm thực tiễn mà phát huy. Kỹ năng chỉ mang yếu tố phụ trợ trong khi khả năng mang yếu tố chính yếu. Chấp nhận không là khái niệm cao thượng mà biểu hiện ở khả năng sống. Chấp nhận cao thì khả năng sống càng cao.

Trong một con người có hai tính chất là âm dương như mẹ cha và trời đất. Âm thể hiện cho những gì yếu đuối, nhỏ bé, thụ động, nữ tính, mềm mại, uyển chuyển… Dương thì ngược lại, đó là sự mạnh mẽ, to lớn. năng nổ, nam tính, cứng rắn, linh hoạt… Dù là ai, người đều mang hai yếu tố đó trong người, không thể tách yếu tố cha hoặc mẹ, trời hoặc đất ra khỏi cơ thể. Triết lý âm dương của Đông phương khẳng định cơ thể con người khoẻ mạnh nhờ hoà hợp tính âm và tính dương. Cái gì mạnh quá đều không tốt cho cơ thể, dễ sinh bệnh và rối loạn về tâm lý. Nếu như quân bình được thì sức khoẻ tốt và tinh thần sảng khoái. Khi ăn uống nóng trong cơ thể, người lựa chọn những món ăn mát để thanh lọc và giải nhiệt cơ thể. Điều chú ý là không có gì hoàn toàn dương và cũng không có gì hoàn toàn âm. Trong âm có dương và trong dương có âm. Người nữ cũng mang yếu tố dương và người nam cũng mang yếu tố âm. Nhưng theo Phật giáo, quan niệm tương tức thì trong cái này có cái kia, còn quan niệm không thì chẳng có gì âm cũng chẳng có gì dương, tuỳ theo điều kiện của nhân duyên mà cái này hay cái kia biểu hiện. Đồng tính là một biểu hiện và không đồng tính cũng là một biểu hiện. Tâm thanh tịnh thì các biểu hiện này cũng thanh tịnh, không có gì gọi là đồng tính hay không đồng tính cả. Người không đồng tính vẫn có thể đồng tính nếu các yếu tố đồng tính biểu hiện đầy đủ. Người đồng tính vẫn có thể không đồng tính nếu các yếu tố giúp cho không đồng tính biểu hiện đầy đủ. Phật giáo quan niệm không phân biệt giới tính bởi vì tất cả chúng sinh đều là con Phật, đồng tính hay không đồng tính cũng là con Phật. Trong thế giới này có nhiều hạng người và người nào biết lo thực tập hạnh phúc thì sẽ được hạnh phúc, nếu không sẽ mãi chìm đắm trong những khổ đau. Tám con đường chân chính là dành cho tất cả mọi người, tất cả chúng sinh, không phân biệt đối tượng nào. Người trở nên đẹp đẽ không phải vì giới tính của người là như thế nào mà vì tâm của người có đẹp đẽ hay chưa. Tâm người vốn thanh tịnh, quay về bản chất thanh tịnh của tâm, người vĩnh viễn không còn lo lắng sầu khổ về giới tính của mình nữa. (5)

Ta với người chẳng có gì khác biệt
Một cùng sống cùng thở cùng vui
Một cùng đau cùng khổ cùng cười
Hãy chấp nhận để niềm tin tươi mãi.

Nhìn mắt nhau xoá bỏ những sợ hãi
Nắm bàn tay thảnh thơi trên đường dài
Xem ta với người tuy hai mà một
Hãy cười đi đời vẫn tươi đẹp hoài.

3. Quan điểm của Phật giáo về đồng tính – Những trái tim đồng dạng

Những trái tim đồng dạng (P1)

Người thực tập Phật giáo là tìm về bản thể của sự vật, nhận diện sự vật đang hiện tiền trong phút giây hiện tại. Thực tại đang hiện tiền và chỉ nhận diện nó một cách đơn thuần, tức là không thêm gia vị làm cho bản thể của nó bị che khuất. Người đồng tính hay không đồng tính có cùng một bản thể, không từ đâu sinh ra và cũng không đi về đâu. Con người gặp nhau nhờ vào cái duyên, cái duyên bền lâu thì mối quan hệ cũng bền lâu. Lời tâm sự của một người đồng tính nam cho biết người đồng tính có khuynh hướng thay đổi bạn tình và nếu như mối quan hệ dài lâu giữa hai người bạn cũng không phải là chuyện hiếm. Thực tại có thể hạnh phúc hay khổ đau và thực tại là những người đồng tính đến với nhau cũng mang âm hưởng của hạnh phúc hay khổ đau. Cái duyên chân thật giúp họ có nhiều hạnh phúc hơn và cái duyên không chân thật khiến họ chất chứa nhiều khổ đau. Khi hạnh phúc lấp đầy, người vui vẻ cười đùa thấy sao cuộc đời thật đẹp. Khi khổ đau chồng chất, người than thân trách phận vì sao bản thân mang cái giới tính như vậy. Vậy có khác gì về người bình thường, cũng yêu cũng thương, cũng buồn cũng giận. Tư duy về đồng tính khiến họ tách biệt bản thân ra khỏi phần còn lại của thế giới, cứ nghĩ mình khác, khác với người không đồng tính. Thay đổi tư duy để thấy chẳng có gì khác cả. Tất cả chúng sinh và vạn vật đều cùng một bản thể, lúc nhân duyên đủ, hạnh phúc hay khổ đau sẽ có mặt hay biểu hiện, lúc nhân duyên thiếu vắng, hạnh phúc hay khổ đau sẽ vắng mặt hay chưa biểu hiện. Ngày xưa trong lúc đức Phật giảng pháp, có một vị tu sĩ đam mê vào sắc đẹp và tướng tốt của Thế Tôn. Vị tu sĩ nghĩ: “Sao trên đời lại có người đẹp như thế, ăn nói nhẹ nhàng như thế và uy nghi như thế?”. Vị tu sĩ thương cái thân của Thế Tôn, cảm cái tài của Thế Tôn. Biết được suy nghĩ của vị tu sĩ, đức Phật khuyên giải: “Hãy nghe này đại chúng, xác thân của ta rồi sẽ tàn hoại, dính mắc vào xác thân này là dính mắc vào điều không thật, hãy chuyên tâm thực tập để đạt đến giải thoát, đó là mục đích của người tu. Ta với người cùng một bản thể, nếu hành xử đúng đắn, nếu thực tập đúng đắn, chắc chắn một ngày nào đó, đại chúng và ta sẽ là một.” Dính mắc vào ánh mắt, nụ cười, xúc chạm dễ chịu, giống như những giới tính khác, người đồng tính cũng đau khổ như họ mà thôi.

Trong kinh Lăng Nghiêm có đoạn: “Nếu chúng sinh nhớ Phật và niệm Phật thì nhất định sẽ nhìn thấy Phật, cách Phật không xa.” Phật ở đây không là ông Phật ngồi chễm chệ trong chùa mà là ông Phật trong người, tính Phật trong người. Bất cứ chúng sinh nào cũng có Phật tính vì chúng sinh và Phật vốn đồng không sai khác. Chẳng qua chúng sinh còn mê và nếu giác ngộ thì sẽ thành Phật. Phật không phải là cái trở thành mà là cái tìm về, tìm về bản chất Phật của mình. Người đồng tính thực tập niệm Phật, niệm Giới, niệm Pháp thì bản thân nhanh chóng chuyển hoá khổ đau và thực tập hạnh phúc. Cho dù người là ai, khuynh hướng giới tính của người là gì, nếu biết tu tập thì trước sau như một, vẫn có thể giải thoát và tiếp xúc với hạnh phúc trong giây phút hiện tại.

Nhiều người đồng tính đặt nặng vấn đề tình dục lên quá cao nên rơi vào tình trạng hành vi tình dục ám ảnh. Người có đam mê tình dục lớn và trở nên dính mắc vào đó. Điều này chỉ có thể gây đau khổ cho người và dĩ nhiên không thể nào giải quyết được hết nỗi cô đơn. Nhu cầu tình dục cao thì phải xem xét lại cách ăn uống, các phương tiện mà mình tiếp xúc và tránh đi vào những thế giới ảo có tác dụng kích thích dục tình. Trong cuốn sách này tôi có trình bày một bài viết về Chuyển hoá năng lượng tình dục thành ra các yếu tố của bình an, nhẹ nhàng và từ bi. Trong trường hợp tìm kiếm sự thoả mãn với nhiều bạn tình khác nhau, vô hình chung người có thể đánh mất sự dễ thương của mình. Trên cơ thể có nhiều khu vực rất thiêng liêng, được xem là khu vực Tử Cấm Thành, đã là Tử Cấm Thành thì nội bất xuất và ngoại bất nhập. Người không nên ăn nằm với người không phải là chồng hay vợ của mình, hay người không phải là bạn tình mà người cho rằng người có thể đặt niềm tin và có trách nhiệm với mối quan hệ đó. Khi ham muốn hay dục tình trỗi dậy, người nên theo dõi hơi thở và quán chiếu những hành động có hại có thể gây ra nếu như việc thả lỏng dục tình lấn át mọi suy nghĩ. Một người đồng tính nam chia sẻ, khi dục tình trong người trở nên quá mạnh mẽ, anh đã đi tắm, rồi đi thiền hành, việc này giúp cho năng lượng đòi hỏi trong cơ thể có thể lắng dịu và chuyển thành năng lượng của bình an. Cuối cùng anh đã có thể giữ mình, không lên mạng tìm kiếm những cuộc tình một đêm hay quan hệ với người không có tình cảm. Đây là một cách tốt, vừa tôn trọng bản thân vừa tôn trọng kẻ khác. Cuộc sống chỉ tươi đẹp khi con người biết tôn trọng lẫn nhau. Luôn muốn quan hệ tình dục thường biểu hiện ở người có khả năng kiểm soát và kiềm chế bản thân kém. Nếu dành thời gian thực tập, người có thể giữ mình dễ dàng. Khi dục tình dâng trào, người mỉm cười và nói, dục tình đó à, nhận diện được nó là lúc bắt đầu có thể kiểm soát nó. Kiểm soát được rồi thì nó sẽ không ra oai, không còn làm hại người nữa.

Phật giáo luôn có thái độ khoan dung đối với tất cả chúng sinh, không chỉ đơn thuần nằm ở quan điểm mà cả người thực tập Phật giáo cũng có thái độ như vậy. Thật vô lý khi cầu nguyện, mà nói tôi chỉ cầu nguyện cho người không đồng tính, còn người đồng tính thì không cầu nguyện cho. Người Phật tử hồi hướng là hồi hướng cho chúng sinh mười phương bất kể người đó là ai, loài gì và ở cõi nào. Trong luật tạng, hành vi quan hệ tình dục đồng tính là bị cấm và sẽ bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn, cho dù hành vi đó dưới bất cứ hình thức nào. Người có khuynh hướng đồng tính sẽ không được xuất gia, tuy nhiên họ vẫn có cơ hội thực tập các lời giảng của Phật giáo. Người “đầy tình dục, khát vọng tình dục vô tận hay bị tình dục sai khiến” thì khó có thể gia nhập tăng đoàn, và nếu có gia nhập sẽ bị trục xuất ngay lập tức. Điều cần suy nghĩ là, khi đã là tu sĩ, người phải thực tập yêu thương hết muốn loài, không để tình trạng dính mắc tình cảm hay đặt nặng tình cảm với một ai đó, nhất là một người trong tăng đoàn. Trong qui định về việc cho phép một người thọ giới sa di trước khi thọ giới lớn hơn, có qui định người bán nam bán nữ hay người có khuynh hướng tình dục đồng giới, ngay cả người không có khuynh hướng này mà dục tình quá lớn cũng không thể gia nhập tăng đoàn. Tuy nhiên Phật giáo không lên án các hành vi này mà lại có thái độ bao dung, tức là chấp nhận và có cái nhìn cởi mở hơn.

Thật vậy, chấp nhận nhưng không khuyến khích là thông điệp của Phật giáo. Chấp nhận để người có thể được lắng nghe, được chia sẻ và nhất là được học các phương pháp giúp cho tâm an, thân an. Khi học Phật, người sẽ học các giá trị đạo đức trong hành vi ứng xử và áp dụng trong các mối quan hệ của mình. Đã có những khoá tu dành riêng cho người đồng tính ở nước ngoài và chủ yếu là chia sẻ các pháp môn giúp người thực tập hạnh phúc trong giây phút hiện tại, biết giữ giới và sống vui hơn với giới tính của mình. Con người nói chung hay tu sĩ nói riêng trở nên đẹp khi biết giữ giới, giữ uy nghi và nét đẹp trong sáng trong tâm hồn. Người đã sinh ra theo một giới tính nhất định thì người cứ đi theo, nhưng hãy dành nhiều thời gian để sống đẹp và khoẻ mạnh. Đây không chỉ giới hạnh trong một đối tượng nào mà tất cả đối tượng đều phải như vậy. Vấn đề thẩm định đạo đức được đặt ra dựa trên thẩm định chính mình. Chẳng hạn, ai đó nói dối mình thì mình sẽ buồn, biết vậy mình không nói dối người khác. Ai đó giết hại sinh mạng mình thì mình sẽ đau đớn lắm, biết vậy mình không giết hại sinh mạng ai cả. Ai đó ăn nằm với chồng hay vợ của mình thì mình sẽ khổ sở lắm, biết vậy mình giữ hạnh chung thủy, không ăn nằm với người không phải là chồng hay vợ của mình… Giữ giới là giữ hạnh phúc, và phẩm chất của hạnh phúc có cao hay không là nhờ biết giữ giới. Phật giáo chấp nhận người đồng tính vì thương họ, đồng đều như thương chúng sinh, muốn họ hạnh phúc, được chăm sóc và được lắng nghe. Nếu như không chấp nhận, người đồng tính dễ trở nên bất mãn và việc thực tập hạnh phúc càng xa rời. Thái độ gây hại với chính mình và kẻ khác đều là không đúng và đáng bị chê trách. Thái độ mang hạnh phúc cho chính mình và kẻ khác là đúng đắn và đáng ngợi khen. Một tôn giáo ra đời là mang tình thương và hàn gắn tình thương giữa các chúng sinh và các tôn giáo không nên đi ngược lại tôn chỉ này.

Hạnh chung thủy là điều bất cứ người nào cũng cần thực tập, người đồng tính cũng không ngoại lệ. Do tính chất ít bị ràng buộc và luật pháp chưa công nhận về mặt trách nhiệm, người đồng tính dễ đánh mất hạnh này. Nếu giữ được, người trở nên đẹp hơn và việc chấp nhận lối sống của người dễ dàng hơn. Mục đích cứu cánh của thực tập Phật giáo là giải thoát, tức là Niết Bàn, sự hoàn toàn tĩnh lặng hay thanh tịnh. Bất cứ ai cũng có thể đạt được mục đích đó, dù nhanh hay chậm. Nói về tình yêu đích thực, người vẫn có thể chế tác và tận hưởng nó. Cần hiểu rõ tình yêu đích thực là gì, đó là sự tôn trọng, chia sẻ và gìn giữ cho nhau. Làm được vậy, người đang có hạnh phúc và hạnh phúc này rất chân chính. Ngoại tình hay thông dâm làm phá hủy hạnh chung thủy, mang đau khổ đến chính mình và người khác. Trên thế gian này chưa bao giờ ngoại tình mà lại mang lại hạnh phúc cả, kể cả người trong cuộc, nếu cho là có thì đó là thứ hạnh phúc trá hình, không thật hay ảo tưởng về nó mà thôi. Hạnh chung thủy không chỉ áp dụng đối với trường hợp không ăn nằm sai trái mà còn áp dụng với việc người bạn của mình chưa sẵn sàng hay trường hợp sống thử, thử cho vui cũng không được. Nếu như sự quan hệ xác thịt của người đồng tính biểu hiện ở tôn trọng, tình yêu, thuỷ chung và hoàn toàn trong sáng thì được xem là không phạm giới bảo vệ tiết hạnh, giới thứ ba trong Năm giới Cư sĩ. Việc người đồng tính có quá nhiều bạn tình hay quan hệ với quá nhiều người là điều đáng tiếc, chỉ làm xói mòn hình ảnh của người và khiến cho sự chấp nhận của cộng đồng trở nên khó khăn hơn.

Gìn giữ hạnh phúc là không được dâm dục, khuyến khích người dâm dục hay ca ngợi sự dâm dục. Hành vi dâm dục không bao giờ đem lại sự thoả mãn thực sự mà chỉ là tìm kiếm cái tham lam và si mê. Biết tiết chế dục tình, người có thể giữ hạnh phúc, trước hết là bảo vệ sức khoẻ và có nhiều thời gian để cống hiến cho xã hội hơn. Tiết chế thái độ để giải toả những ưu lo, mặc cảm về giới tính hay xu hướng tình dục, sự buồn khổ, đau đớn gây ra bởi sự không tán thành của gia đình, bạn bè hay xã hội. Chỉ cần chấp nhận thái độ của xã hội, người sẽ không còn rầu rĩ khi phải đối mặt với họ nữa. Đơn giản là không bị kẹt bởi những lời nói ra nói vào, vấn đề là sống như chính mình. Nếu bản thân sống tốt, sống hay thì tự nhiên thái độ của xã hội sẽ thay đổi, thậm chí không nhất thiết phải đấu tranh gì cả, mặc nhiên xã hội cũng sẽ chấp nhận. (6)

Nếu giữ hạnh thủy chung

Gìn giữ đến tận cùng

Một tình yêu đích thực

Hạnh phúc rất hào hùng.

Người sẽ được chấp nhận

Bởi lối sống nghĩa nhân

Buông bỏ mọi dính mắc

Một hạnh phúc chánh chân.

Lòng khoan dung độ lượng

Bởi đức tính hiền lương

Chấp nhận hay phản đối

Cũng mang tính vô thường.

Khi cảm thấy bình tâm

Tình thương không sai lầm

Khuyến khích người chung thủy

Từng niềm vui nảy mầm.

4. Thực tập hành vi bình đẳng không phân biệt giới tính – Những trái tim đồng dạng

Những trái tim đồng dạng (P1)

Tâm bình đẳng là tâm không thiên vị, không cho rằng người này người kia có sự khác biệt. Các giới tính đều bình đẳng như nhau, muốn hiểu điều này phải buông bỏ cái tướng hay buông bỏ quan niệm về giới tính. Nếu còn chấp vào bất cứ điều gì, kể cả giới tính, khó mà thực tập tâm bình đẳng. Người tu cũng vậy, không chấp vào sa di hay tì kheo, đại đức hay thượng toạ. Hành giả không chấp vào pháp môn hay không chấp vào số bài hành thiền, không chấp vào thầy giỏi hay thầy dở, thầy nào cũng là thầy của mình. Chỉ cần khởi niệm phán xét, tâm chưa bao giờ bình đẳng cả. Người thường đòi hỏi được đối xử công bằng, nhưng khi đòi hỏi phát ra, bản thân của người đã đánh mất tính bình đẳng vốn có. Thực ra chẳng có gì gọi là đồng tính hay không đồng tính vì người mang giới tính này hay giới tính kia đều bình đẳng, như người giàu hay người nghèo, họ đã là bình đẳng, bình đẳng trong cái giàu và bình đẳng trong cái nghèo đó. Người thông minh thì cần xem họ đã làm gì để thông minh. Người kém thông minh thì cần xem họ đã làm gì để kém thông minh. Xét về mặt giới tính, họ đã làm gì để có giới tính như thế. Trong kinh Phật có nói, người mang thân nữ nếu có phát nguyện tu tập đến lúc nào đó sẽ mang thân nam, nếu không phải kiếp này thì sẽ là kiếp khác. Nếu nói giới tính không phải do mình chọn, đúng chỉ theo khía cạnh của khoa học mà thôi. Xét về khía cạnh nhân quả, giới tính là do nghiệp mang tới. Trong kiếp hiện tại hay quá khứ, do tạo nghiệp nào đó, người phải mang giới tính nữ, nam, đồng tính, lưỡng tính, hay vô tính. Người là cái do chính người tạo ra, nên giới tính nào chăng nữa vẫn bình đẳng mà thôi, bình đẳng ở bản thể của giới tính.

Không phân biệt giới tính là không suy nghĩ, lên tiếng hay có những hành động gây tổn thương hay làm hại liên quan đến các vấn đề về giới tính. Giới tính không là vấn đề đem ra bàn cãi vì càng bàn cãi thì càng phân biệt, mà là vấn đề cần lắng nghe hay chia sẻ, có thế mới đồng cảm và chấp nhận dễ dàng hơn. Nhiều người không thể chấp nhận nổi sự thật về giới tính, ngay cả với người thân trong gia đình, bao gồm cả con cái hay anh chị em, xem đó là sự sỉ nhục, và cố tình chối bỏ nó, thậm chí coi là tội ác. Một người mẹ đặt niềm tin quá lớn vào đứa con trai, coi đứa con là thành quả nuôi nấng và thần tượng của mình, khi phát hiện đứa con đồng tính, bà gần như suy sụp, bao nhiêu ước mơ và niềm tin tan biến hết. Bà đau khổ vì hành vi của đứa con, nhưng nếu như tạm thời dẹp đi những ước vọng, ngồi trò chuyện với đứa con của mình, không đơn thuần cho cơ hội đứa con chia sẻ mà bà cho chính bà cơ hội giải toả đau đớn trong tâm. Nếu không làm được như vậy, đứa con sẽ không dám đối diện với gia đình, đến lúc nào đó, bà sẽ mất đứa con này và dĩ nhiên đứa con và bản thân bà không bao giờ muốn điều đó. Trò chuyện với đứa con đồng tính đễ giữ con và hơn hết là hiểu con mình. Hai người đồng tính yêu thương nhau đơn thuần do sự bắt nhịp của hai tâm hồn, chứ không phải lợi dụng nhau hay sa vào lối sống sa đoạ như nhiều bà mẹ lầm tưởng, vì vậy thay vì nổi cơn tam bành, bịt mắt bịt tai không chịu lắng nghe hay tìm hiểu thì vô hình chung bà đang tự bỏ rơi con mình và lớn hơn nữa là giết chết con mình.

Bây giờ nói về việc cần xoá bỏ phân biệt giới tính trong phát triển sự nghiệp của một cá nhân nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Ngay cả việc thăng tiến, ít nhiều đã có sự cân nhắc giữa giới tính nam và nữ, nói chi đến người đồng tính. Bộ phim Philadelphia đã nói lên thực trạng phân biệt hay kỳ thị người đồng tính trong phát triển sự nghiệp. Bộ phim xoay quanh vấn đề đồng tính luyến ái, chứng ghê sợ đồng tính luyến ái và căn bệnh thế kỷ. Một luật sư trong phim đã kiện hãng luật Baker & McKenzi vào năm 1987 vì đã kỳ thị người bị AIDS khi cho người bị mắc bệnh này nghỉ việc. Còn nói về nghề nghiệp, một số công việc hay ngành học đặc thù chỉ dành riêng cho nam hay nữ, riêng người đồng tính phải che dấu giới tính của họ. Một số ngành đánh giá thấp phái nữ và đánh giáo cao phái nam hay ngược lại. Nhiều hãng cũng ngại tuyển lao động nữ vì do về hưu sớm của họ hay nghỉ hậu sản sau khi sinh con. Bên cạnh đó, tuyển dụng người đồng tính vào làm việc nơi có nhiều người theo đạo hay ba mẹ không cho phép con cái tiếp xúc với người đồng tính trong môi trường giáo dục vì sợ bị ảnh hưởng bởi cái gọi là “lệch lạc giới tính”. Những trường hợp như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp mất nhân tài trong thời đại cạnh tranh về nhân tài hay sự sáng tạo. Người làm nhân sự sẽ nhìn vào nhân tài và cái tâm của họ để tuyển dụng hơn là nhìn vào giới tính, đồng thời tạo môi trường làm việc không kỳ thị để các tiềm năng nhân tài được sử dụng đúng mức và phát huy hết tài năng của người. Con người thường có khuynh hướng bảo vệ giới tính hay bảo vệ phe cùng giới tính với mình, thậm chí có những nơi chỉ tuyển chọn người đồng tính vào làm việc. Không ai lên án cách tuyển dụng này, tuy nhiên hành vi tuyển dụng đó chỉ có thể làm gia tăng tính kỳ thị mà thôi. Phát triển sự nghiệp dựa trên tâm và tài là điều cơ bản mà bất cứ nhà quản trị nào cũng biết, vậy thì hà cớ gì phải phân biệt giới tính. Bây giờ nhiều người nữ thành công hơn cả nam giới, còn người đồng tính thì khỏi nói, họ có cả một kho tàng sáng tạo.

Mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, dù ở lứa tuổi, giới tính, sắc tộc hay tôn giáo nào. Ca sỹ Ricky Martin trên trang web cá nhân đã nói “Tôi tự hào là người đồng tính. Tôi hạnh phúc khi được là chính mình”. Đối với người, sống như là chính mình thì đã hạnh phúc lắm rồi. Với một người tên tuổi như Martin, phải đợi một khoảng thời gian mới công bố giới tính của mình thì đúng là phải có sự cân nhắc. Theo lời một đồng tính nữ, người đồng tính hạnh phúc không nhiều, nếu có chăng thì đó là sự may mắn, bởi những rào cản trong mối quan hệ của họ quá lớn. Để có được hạnh phúc, nhiều khi họ phải đấu tranh, đấu tranh với người thân, bạn bè thì khỏi phải nói, điều mà họ đấu tranh nhiều nhất là đấu tranh với chính họ, với đau khổ và thiếu thốn sự chia sẻ trong họ. Bởi vì hạnh phúc lắm lúc thật mong manh, nên họ thỉnh thoảng phóng đại hạnh phúc của mình và dù hạnh phúc nhỏ nhoi, họ đã trân quý hết sức. Người nữ đồng tính Thái Lan này chia sẻ, cô đã có hai mối tình nhưng không đi tới đâu và cô quyết định sống độc thân, không muốn tìm bạn nữa. Một số người đồng tính đòi hỏi quá cao nên đánh mất hạnh phúc của họ. Bên cạnh những người có hạnh phúc thật sự, không ít tìm kiếm hạnh phúc ảo trong những hớt hải của tình dục và buông thả chính mình. Vậy người đồng tính thực sự có hạnh phúc hay không, xin nhường câu trả lời cho chính người vì người đang ở trong cuộc, người sẽ biết rõ mình có hạnh phúc hay không?

Một Phật tử thực tập tâm bình đẳng đối với mọi đối tượng là đi được một bước tiến xa trên con đường giác ngộ. Người vẫn có thể thành đạt, có hạnh phúc, thể hiện tình yêu với tổ quốc, giữ được giới, hành thiền và đi đến thành tựu. Đã là Phật tử thì dù đối tượng kia là ai, người cũng thực tập tình thương mà thôi. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở học trò của mình, dù cho bị kỳ thị, dù bị lên án, phê bình hay chỉ trích, dù bị mỉa mai hay ăn nói không hay về bản thân, các bạn chỉ nên thực tập một điểm là thương yêu, chỉ có thương yêu chân thành mới khiến mọi sự kỳ thị hay lên án trở nên im bặt. Vấn đề là làm thế nào sống dễ thương trong giây phút hiện tại. Có lẽ người sẽ thắc mắc sao cái ông này cứ mãi nhắc đến thông điệp Sống Sâu Sắc Trong Hiện Tại, đơn giản vì con người thường hay quên hiện tại, chìm đắm quá khứ và mơ tưởng tương lai, quên đi cuộc sống mầu nhiệm trong hiện tại, thậm chí lên tiếng phản bác hiện tại rồi phản bội với hiện tại. Hiện tại người đang sống, hạnh phúc hay khổ đau chỉ có trong giây phút hiện tại. Khi hạnh phúc lên tiếng, mìm cười với nó, khi khổ đau lên tiếng, cũng mỉm cười với nó. Trong khổ đau mới thấy hạnh phúc quí giá biết dường nào và trong sự kỳ thị, người mới thấy rằng tâm bình đẳng rất quan trọng và người với người rất cần đến nhau. Hôm nay tôi nghe mẹ gọi điện thoại báo tin là cậu tôi bị mù hết một mắt. Trong lòng thấy đau nhưng trong cái đau đó chợt bừng lên một nỗi niềm, đó là đôi mắt của tôi, tôi vẫn còn đôi mắt sáng, tức là tôi đang có điều kiện của hạnh phúc. Thà rằng tôi bị mù để cậu tôi được sáng mắt còn hơn. Nhìn nỗi đau của người, mình không vô tâm đứng nhìn mà cần chia sẻ và giúp đỡ. Nỗi đau của người đồng tính cũng vậy, mình không nằm ngoài vùng phủ sống, mà hãy xem nỗi đau của họ như nỗi đau của mình. Nhưng người ơi, đừng bao giờ để nỗi đau nhấn chìm người, trong nỗi đau đó, người sẽ biết cách tìm ra chân lý của hạnh phúc. Đơn giản vì khổ đau chính là hạnh phúc, vẫn còn người biết yêu thương, biết nhận diện khổ đau để không bao giờ gây khổ đau cho người khác.

Không phân biệt giới tính là một trong những tiêu chí không phân biệt đối xử. Khi tôi đi dạy, tôi dặn lòng là phải không phân biệt học trò, dù trò giỏi hay không giỏi đều đối xử như nhau. Một người thầy công tâm, đối xử bình đẳng với các trò thì mới đáng làm thầy. Bởi vì làm thầy khó lắm, nội chữ thầy thôi là đã thấy khó rồi, nói chi làm thầy. Tôi nói với học trò, tôi thương các học trò như nhau. Học trò là những hạnh phúc lớn của tôi. Tôi thấy mình mang ơn các trò. Nếu ai hỏi tôi: Niềm vui của anh là gì? Tôi sẽ trả lời mà không ngần ngại: Đó là những học trò thân thương của tôi. Ngày mai này có thể tôi không đứng lớp nữa nhưng tôi vẫn mang những hình ảnh thân thương đó đi khắp bốn phương trời. Một số học trò tâm sự với tôi về giới tính. Tôi thấy vui vì được trò đó lựa chọn để chia sẻ. Nên tôi biết ơn trò đó. Cũng như người đồng tính, nếu không có sự trợ giúp của khoảng 100 người đồng tính nam và nữ tại Việt Nam và Thái Lan cho phép tôi trò chuyện và thực hiện một số câu hỏi khảo sát tâm lý. Tôi mang ơn người vì nhờ người mà tôi có thể hoàn thành cuốn sách này. Cuộc đời sẽ rất vui và đầy ý nghĩa nếu tất cả chúng ta đều biết ơn nhau. Vậy thì hà cớ gì phải phân biệt đối xử, bây giờ hãy tận dụng thời gian này mà có mặt cho nhau, nếu không thì sẽ không còn kịp nữa đâu. Hạnh phúc là biết trân quý sự có mặt của nhau. Thời gian trôi rất nhanh, sự sống cũng trôi rất nhanh, chấp nhận nhau để còn kịp trồng một nụ cười.

Xã hội cùng nhau thực tập xây dựng văn hoá không phân biệt, không phán xét, không kỳ thị. Đây là một hình thái văn hoá xã hội theo đó mọi người đều bình đẳng như nhau. Văn hoá này mang tính tự do, thân thiện và không áp đặt, mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Nói về hôn nhân dị giáo, nếu các tôn giáo chấp nhận cho người trẻ khác tôn giáo tiến tới hôn nhân thì hạnh phúc được chứng kiến được diễn ra vô biên như thế nào. Nếu chấp nhận hôn nhân đồng tính, người sẽ có cơ hội sống thật hơn và hạnh phúc của họ lớn hơn nhiều. Tâm không phân biệt là một tâm đẹp, đẹp như mặt trời vừa lên. Các nền văn hoá có thể khác biệt nhưng với tâm này, mọi thứ đều đồng dạng. Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn, trái tim của ai cũng có kiểu cấu trúc như thế và ai cũng cùng sống chung Địa Cầu và khi Địa Cầu đang có mặt, mọi người hãy cùng nhau tận hưởng sự sống, mang bình yên và hạnh phúc đến cho nhau. Điều 2 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người nói rất rõ rằng: “Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do nêu trong Bản Tuyên ngôn này mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến và các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, giống nòi hay các tình trạng khác…”. Tâm phân biệt chỉ có mặt ở những người có nhiều tham đắm, sầu khổ, ích kỷ và hẹp hòi. Tâm không phân biệt ngược lại có mặt ở những người biết bao dung, yêu thương, biết hạnh phúc và trân quý sự sống. Bình đẳng có thể là cuộc đấu tranh liên tục và không có hồi kết bởi tâm tán loạn trong ganh ghét của loài người. Muốn thực tập bình đẳng, phải thực tập từ trong tâm. Bằng cái tâm hay con mắt bình đẳng thì nhìn cái gì cũng bình đẳng cả. Phân biệt đối xử đã từng diễn ra cả với những trẻ em bị đe doạ và lạm dụng, với những phụ nữ vốn bị coi là thấp kém, với những người khuyết tật, người bị nhiễm bệnh HIV/AIDS và với những người bị mất khả năng về thể chất và tâm lý hay những người có xu hướng giới tính khác. Chính vì thế địa ngục hiện tiền từ những thái độ như vậy. Nhiệm vụ của chúng ta là đóng cửa địa ngục, xóa bỏ những đau khổ từ việc phân biệt đó bằng cách thay đổi thái độ đi. (7)

Thực tập tâm bình đẳng
Chẳng có chi khác biệt
Giàu sang hay hạ liệt
Tất cả đều như nhau.

Xoá bỏ những khổ đau
Bình đẳng thật nhiệm mầu
Xin chấp nhận hết thảy
Giải toả bao nỗi sầu.

5. Thực tập Năm giới Cư sĩ dành cho người đồng tính – Những trái tim đồng dạng

Những trái tim đồng dạng (P1)

Giới thứ nhất là bảo vệ sự sống của muôn loài.  

Con nguyện thực tập bảo vệ sự sống bằng cách không giết hại sanh mạng của con người và muôn loài, kể cả môi trường. Con quý trọng thân mạng mình và của kẻ khác dù ở trong bất cứ trường hợp nào. Con biết chỉ có thực tập yêu thương mới xóa bỏ hận thù, thân tâm nhẹ nhàng, giấc ngủ an lành và nét mặt hiền hòa.

Sự sống là điều kỳ diệu và bảo vệ sự sống là nhiệm vụ cao cả của nhân loại. Việc uống thuốc ngừa thai cũng có thể xem là giết hại sinh mạng, nói chi đến những hành động khác. Khi một con kiến cắn hay nhổ cái răng, người đã thấy đau, nhiều lúc chịu không nổi, và ai cũng muốn sống lâu, sống thọ, vì thế bảo vệ sinh mạng của mình hay của người. Hành động tự tử cũng là sự sát sinh, cho nên đau khổ đến thì chia sẻ và tìm phương pháp vượt qua, không có gì mà không giải quyết được. Nếu từ bỏ kiếp sống này, chưa chắc sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, có khi còn tồi tệ hơn. Đối diện với đau khổ để chuyển hóa nó, không đi vào con đường của sự nguy kịch, không chối bỏ cuộc sống hiện tại. Giữ giới này là giữ hạnh từ bi, giữ niềm vui hạnh phúc và bình yên mãi không thôi. Việc bảo vệ sinh mạng còn nằm ở chỗ bảo vệ phẩm chất làm cha mẹ của mình. Có thể người chưa có gia đình hay con cái nhưng yếu tố làm cha, làm mẹ đã có sẵn trong người nên không phải đợi đến lúc có thai mới gìn giữ, mà cần gìn giữ ngay bây giờ.

Giới thứ hai là tôn trọng quyền tư hữu.

 Con nguyện thực tập tôn trọng quyền tư hữu của người bằng cách không trộm cướp, không cưỡng ép, không cậy thế ủy quyền, không tích trữ đầu cơ, không làm giàu bất chính bằng bất công xã hội hay mồ hôi nước mắt của kẻ khác. Con quý trọng quyền tư hữu, thực tập nếp sống khiêm cung, đơn giản và thanh bạch. Con biết tôn trọng sự công bằng bình đẳng chính là nuôi dưỡng lòng từ bi, có nhiều thì giờ để tu tập chuyển hóa thân tâm và tránh nghiệp báo oán thù. Thực tập buông bỏ, sẻ chia với người đang thiếu thốn, cưu mang những người đang cần giúp đỡ sẽ mang lại cho con đời sống hiện tại được an toàn, được tin cậy và được thảnh thơi.

Thế giới này sẽ trở nên an lành nếu không có tình trạng trộm cắp và quyền tư hữu được tôn trọng. Khi lấy đi cái gì của người khác thì bản thân sẽ bị mất đi điều tương tự như vậy, thậm chí nặng nề hơn. Không cho mà tự lấy được xem là trộm cắp và hành vi này gián tiếp gây ra việc giết hại sinh mạng. Ví dụ số tiền hay tài sản đó được dùng để cứu trợ hay nuôi nấng gia đình mà bị mất cắp, bao nhiêu sinh mạng bị đe doạ. Tự lấy có nhiều hình thức: cướp lấy, trộm lấy, hăm doạ để đoạt lấy, lừa dối mà lấy, gian dối để lấy… Tất cả điều này làm người xa rời vẻ đẹp, mất đi sự thuần khiết của đôi bàn tay.

Giới thứ ba là bảo vệ tiết hạnh.  

Con nguyện thực tập bảo vệ tiết hạnh cho bản thân con và cho những người khác bằng cách không sống thử, không quan hệ trước hôn nhân, không quan hệ bất chính với người không phải là chồng hay vợ của mình. Dù là nam, nữ, hay người đồng tính, con quý trọng sự đoan chánh, hạnh phúc gia đình và bảo vệ từng tế bào của tổ tiên trong cơ thể. Con biết thực tập cho thân tâm khỏe mạnh thì gia đình và xã hội khỏe mạnh, cho nên con luôn điều phục con được trong sạch, lựa chọn sống trong môi trường trong sạch và tiếp xúc với các phương tiện trong sạch.

Bảo vệ tiết hạnh đồng nghĩa với việc gìn giữ hạnh thủy chung. Đã sinh ra làm người thì phải có thủy có chung, bất kể người là ai, nam hay nữ, đồng tính hay không đồng tính. Đức hạnh thủy chung thường được cho là hạnh của người phụ nữ nhưng người đàn ông cũng cần hạnh này vì đã nói là hạnh thì bất cứ ai cũng phải thực tập. Thực tập bảo vệ tiết hạnh không phân biệt giới tính và việc giữ gìn thân và tâm trong sạch giúp cho hạnh thủy chung rạng ngời. Cha mẹ cho người thân thể này, là sự tiếp nối của cha mẹ, nên bảo vệ bản thân trước những cám dỗ của tà dục là gìn giữ những hạt giống lành mạnh mà cha mẹ đã trao cho. Người được cho là số đào hoa không có gì gọi là hay cả, chỉ có thể mang lại khổ đau thôi, có gì vui đâu. Ngày xưa tôi nghe mẹ nói vui, một vợ nằm giường leo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm. Các nhà vua thời phong kiến có ai sống thọ nhiều đâu, nhiều vợ quá nên mau chết sớm vì tấm thân có được bồi bổ cách mấy rồi cũng tàn hoại, tâm có yêu nhiều cách mấy cũng đến lúc bệ rạc. Hạnh thủy chung là hạnh đẹp, ai chê cười mặc ai, không cần sống thử, không cần quan hệ tình dục trước hôn nhân, người vẫn thấy vui như thường. Đơn giản vì giữ gìn tiết hạnh là gìn giữ hạnh phúc và nếu đánh mất nó, người sẽ trôi lăn trong vòng lẩn quẩn của khổ đau.

Giới thứ tư là tôn trọng sự thật. 

Con nguyện thực tập nói lời sự thật để dâng tặng niềm vui và hạnh phúc đến cho người bằng cách không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời hai chiều và không nói lời ác ngữ. Tôn trọng sự thật là nuôi dưỡng tình thương, bảo tồn sự trung tín trong xã hội và xây dựng niềm tin giữa người với người. Con nguyện không tham gia chỉ trích, lên án hay phê bình những điều mà con không biết rõ, những điều có thể gây chia rẽ hay căm thù, và những điều tạo nên sự bất hoà của đoàn thể tu học, cộng đồng dân chúng, hòa giải dân tộc, an ninh khu vực và hoà bình thế giới.

Tôn trọng sự thật là tôn trọng chính mình, vì sự thật dù nói dối hay nói vòng vo cách mấy, sự thật vẫn là sự thật. Người giữ giới này rất cao đẹp, không chấp nhận văn hóa nói dối và làm nền tảng cho việc gìn giữ thủy chung. Khi biết yêu thương, người chỉ nói lời ái ngữ, nói lời hàn gắn, đem người với người lại với nhau, mọi thứ đều trở nên an lành. Tình thương đích thực không có chỗ của lời nói dối và có tôn trọng sự thật thì mới tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc. Sự thật chỉ là sự thật mà thôi nhưng dù cho có trốn chạy cách mấy, sự thật có phũ phàng cách mấy, thì sự thật vẫn góp phần làm giảm hay chuyển hoá khổ đau.

Giới thứ năm là bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm. 

Con nguyện thực tập bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm bằng cách không sử dụng rượu bia, các chất say, các chất ma tuý và những sản phẩm độc hại. Để bảo toàn hạt giống trí tuệ quý báu, ngăn ngừa những nguyên nhân sanh ra tội lỗi và không làm mất tự chủ hay rơi vào tình trạng ốm đau của thân tâm, con chỉ sử dụng các thức ăn thức uống lành mạnh có thể đem lại sự an lạc và thanh tịnh cho thân tâm con. Con biết thực tập giới này giúp cho gia đình yên vui, thân thể kiện khương, trí tuệ phát triển và xã hội hài hòa, cho nên bây giờ và về sau con không bao giờ uống các loại rượu bia, không hút các loại thuốc lá, không sử dụng các chất ma tuý, không ăn uống các sản phẩm có độc tố, và không tiêu thụ các sản phẩm độc hại  chứa đựng bạo động, khủng bố, cuồng tín, sợ hãi, thèm khát và hận thù.

Để bảo vệ thân tâm, người chỉ nên lựa chọn trong việc chọn bạn. “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Câu nói này không phải tự nhiên mà có. Muốn đời sống lành mạnh, hãy xây dựng một cộng đồng lành mạnh trong đó có những người bạn lành mạnh. Người chưa vững chãi quen bạn xấu sẽ dễ bị lôi kéo bởi những trò chơi ảo, bản thân sẽ thành cái ảo rất mau. Bên cạnh đó, thực tập chánh niệm nhằm chỉ tiếp xúc với các phương tiện trong sạch. Bây giờ thế giới ảo đang nhấn chìm rất nhiều người mà đã gọi là ảo thì đều mang tính chất của tà dục. Đi như chạy và chạy như bay. Việc tiêu thụ các sản phẩm độc hại được cho là sáng tạo cao, biểu hiện cái tôi, đề cao bản ngã chỉ làm người sầu khổ, đau mà không cảm nhận được cái đau, vui mà không biết mình đang vui. Một cô học trò trường Kent nói, tại sao phải giữ mình, đời sống này chỉ có một, tại sao phải tu chi cho uổng, sống hưởng thụ có vui hơn không. Nghe mà thấy thương, thương vì cô đang đau khổ mà không biết, đang bị mê lầm mà không biết. Kinh Tuổi Trẻ và Hạnh Phúc có chia sẻ, trong cái vui phi thời, vị ngọt thì rất ít mà cay đắng thì rất nhiều. Có mấy ai thấy trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, hạnh phúc mà người nhận thấy chỉ là sự phấn khích hay hứng thú mà thôi. Sức khoẻ thân và tâm rất quan trọng nên phải biết ngăn ngừa những yếu tố có thể gây nên sự tàn hại của thân và tâm. Đi vào thế giới say sưa có bao giờ giải quyết được sự cô đơn của người, hay một khi tỉnh giấc, nỗi cô đơn xâm chiếm và lấp đầy rồi lại tiếp tục chạy vào những cuộc vui trá hình như thế.

Giữ giới sẽ giúp duy trì đạo đức, tạo uy nghi và mang hạnh phúc cho bản thân. Có người cho rằng không uống rượu bia hay không ăn mặn là khắc khổ và cam chịu. Không phải như vậy, việc ngăn ngừa đưa các chất say vào cơ thể hay chỉ ăn các thức chay tịnh sẽ giúp thân tâm khoẻ mạnh, tức là gìn giữ hạnh phúc, là đi đúng con đường. Còn đưa chất say làm hư gan hư thận, chưa làm được gì nhiều mà bệnh tật phải mang, vậy hạnh phúc ở chỗ nào. Có người ngụy biện thế này, rượu bia làm từ gạo, từ nếp hay từ lúa mạch. Uống rượu bia thì cũng là uống nước gạo, nước nếp, nước luá mạch thôi. Ngụy biện thì vẫn là ngụy biện, để chống đỡ cho tật nghiện ngập của mình. Tại sao không nghĩ thế này? Thay vì lấy gạo, nếp, lúa mạch đi làm rượu bia thì sử dụng nó để nuôi những người đang bị đói khắp hành tinh hay giúp đỡ các loài động vật sử dụng loại thực phẩm này. Không giữ giới là biểu hiện của thời mạt phát và xã hội suy đồi là do giới luật không được giữ hay không được làm mới một cách thích hợp. Trong giới luật dành cho tu sĩ, tôi có đề cập đến việc một tu sĩ nam không được xúc chạm với nữ giới đã đành, còn không được xúc chạm với nam giới nữa, vì ngày nay hiện tượng đồng tính đã phát triển quá nhiều, nên đã cấm thì phải cấm cả hai giới và bổ sung vào giới luật. Điều này tạm thời có thể ngăn chặn tình trạng đồng tính trong các tăng đoàn. Có người hỏi, tại sao không chấp nhận đồng tính trong tăng đoàn. Điều này dễ hiểu, khi đi tu, người phải thực tập yêu thương hết muôn loài, tức là thương mọi đối tượng đồng đều. Nếu người đồng tính gia nhập tăng đoàn, người sẽ đặt nặng tình thương với một tu sĩ nào đó mà quên đi nhiệm vụ tu tập là yêu thương bình đẳng. Ý tưởng thành lập thiền thân của tôi cũng sẽ dựa trên quan điểm này. Người cần hiểu nếu đã là người đồng tính thì khó gia nhập tăng đoàn hay thiền thân. Tuy nhiên, người được khuyến khích thực tập các pháp môn Phật giáo để có thể tiếp xúc với hạnh phúc trong giây phút hiện tại và bước đi thảnh thơi trên con đường chánh pháp.

Phật giáo không ủng hộ cũng không phản đối việc quan hệ hay hôn nhân của ngườiđồng tính, nhưng khuyến khích họ giữ giới và thực tập Tam Học. Bản thân người sẽ tự điều chỉnh khi có hạnh phúc trong việc thực tập. Có một trường hợp đã từng xảy ra. Một vị tu sĩ thích quan hệ đồng tính đã rủ rê dụ dỗ những vị tu sĩ trẻ quan hệ đồng tính, sau đó bị phát hiện và buộc phải rời khỏi tăng đoàn. Ít lâu sau, có tin đồn rằng người đã tìm cách quan hệ với rất nhiều người trong cộng đồng. Tin đến tai đức Phật, Người đã yêu cầu đưa vào giới luật không cho những người đồng tính ái gia nhập tăng đoàn, nếu như phát hiện ra, người sẽ phải ra đi. Điều này là cần thiết để giữ sự trong sạch của tăng đoàn. Về thiền thân Đàm Linh Thất, khoảng ba hay bốn tháng tập sự thiền trước khi gia nhập thiền thân, vị cư sĩ được yêu cầu ở lại thất và sinh hoạt tu tập cùng với thiền thân, bên cạnh việc làm quen với các pháp môn tu tập, đây cũng là giai đoạn người được quan sát xem có dấu hiệu đồng tính hay không. Nếu không thì mới được gia nhập thiền thân. Phật giáo không dùng quyền lực nào để bắt buộc cả, mà chỉ chỉ đường, hướng dẫn và chia sẻ để các giới tính đi theo và thực tập. Đơn giản vì tâm thức là tối cao và không giới tính, và nói về nghiệp báo luân hồi thì có khi kiếp này làm thân nữ và kiếp khác lại làm thân nam. Phân biệt giới tính không phải là cách thực tập của Phật giáo mà Phật giáo chủ trương khuyến khích người giữ giới, trong đó có giới bảo vệ tiết hạnh. Trong Kinh Người Áo Trắng, dù người đồng tính hay không đồng tính, nhiệm vụ của người là giữ giới. Không có giới tính nào cao hơn giới tính nào và chẳng có giới tính nào là tuyệt đối. Người đồng tính không được gia nhập tăng đoàn những vẫn có thể đến chùa, nghe pháp và thực tập Phật giáo. Nếu như thực tập đúng đắn, người vẫn có hạnh phúc chân thật trong hiện tại như thường. Theo Kinh Nhân Quả, người đàn ông đời này không vợ hay người phụ nữ không chồng vì trong kiếp hiện tại hay tiền kiếp không biết giữ giới bảo vệ tiết hạnh, nói rộng ra người mang giới tính này hay giới tính kia cũng là do việc giữ giới của họ không được đề cao và thực tập miên mật. (8)

Trích sách Những trái tim đồng dạng – TG Minh Thạnh.

(www.sachminhthanh.wordpress.com)

Phật Pháp Ứng Dụng