11. Người Tình Thiên Thu – Những Trái Tim Đồng Dạng

Những trái tim đồng dạng (P3)

Này người tình hỡi, bấy lâu nay tôi tưởng nhớ đến người, dù đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống. Không phút giây nào mà tôi thôi không nghĩ đến người. Người đã giúp tôi đi từ hạnh phúc mong manh đến hạnh phúc vĩnh cữu, mà cũng đơn giản thôi, nhìn hoa biết là hoa, nhìn mây biết là mây, nhìn hạnh phúc biết là hạnh phúc, nhìn khổ đau biết là khổ đau và tỉnh thức trong từng phút giây. Người chính là tỉnh thức, là bậc giác ngộ, không, phải nói là bậc đại giác ngộ mới đúng. Bằng tình thương vô bờ, người mang hạnh phúc đến cho tôi bằng trí tuệ viên mãn, và rồi người yêu thương tôi với trái tim chân thật. Tình yêu đích thực của người đưa tôi ra khỏi vòng sinh tử, giải thoát sinh tử một cách rõ ràng. Ôi tôi thương sao ánh mắt ấy, ánh mắt của từ bi, thương sao nụ cười ấy, nụ cười đàm tiếu, thương sao giọng nói ấy, giọng nói vang rền như hải triều âm, thương sao con người ấy, hình tướng tỏa ra năng lượng của sự tu tập. Không có gì thay đổi được tình yêu của tôi dành cho người và người biết không tôi sẽ chẳng là gì, tôi sẽ không là ai, tôi sẽ chết mất nếu không có người. Và rồi người đi qua đời tôi, nhưng người không đi luôn, mà ở lại với tôi, cùng với tôi chia sẻ hạnh phúc và khổ đau. Tôi quỳ xuống đây, năm vóc phủ phục xuống đất, bỏ đi những ngã mạn buồn tênh để cầu hôn với người, bởi vì tôi muốn hòa tan với tình thương ấy. Người đã chấp nhận những ngu si, yếu đuối, xấu xí, vô minh của tôi để thay đổi tôi mà không cần một sự đền đáp nào. Ban đầu tôi quá ngỡ ngàng vì sự hy sinh ấy, rồi đến ngạc nhiên, ngạc nhiên vì tôi đã thay đổi trong vòng tay ôm ấp của người. Chưa bao giờ tôi nhận thấy một sự ích kỷ nào ở người, có thể tôi quá nhỏ bé trong tình thương vĩ đại nhưng tôi đã yêu người, không phải từ kiếp này mà từ vô thỉ, không phải vì người yêu tôi mà tôi yêu người mà vì bẩm sinh, từ lâu tôi đã yêu người rồi. Người chính là PHẬT, là THẾ TÔN.

Nụ hôn đầu đời không bao giờ quên được, nó đánh dấu tình yêu thời trai trẻ và mang theo suốt cuộc đời đi vào cõi vĩnh hằng. Nụ hôn của người là tình yêu bất diệt, là thực tại đang hiện tiền, là sự diệu hiền của mẹ mỗi khi đông về, là người tình thiên thu làm mát dịu những ngày hè. Hôm nay tôi quyết định tôn thờ người vì người là cha, là mẹ, là thầy, và người còn là người tình nữa. Khi hạnh phúc, người mong tôi hạnh phúc mãi mãi. Khi đau khổ, người vỗ về tôi, giúp tôi diệt khổ. Khi bệnh tật, người mang những liều thuốc chữa trị thân và tâm. Khi khỏe mạnh, người mang năng lượng tu tập lấp đầy châu thân. Con đường diệt khổ tức là con đường thực tập hạnh phúc. Chỉ cần thực tập bình an thì những khổ đau sẽ tự nhiên vắng mặt. Người luôn bên tôi mỗi khi tôi một mình và tôi không bao giờ cô đơn vì người lúc nào cũng có mặt cho tôi, kể cả trong giấc ngủ. Bên chiếc gối hàng đêm tôi đều gọi thầm tên người, hỡi người tình đầu tiên và cũng là người tình cuối. Tôi niệm người để thấy rằng tôi với người là một, người ở trong tôi và tôi ở trong người. Với người tôi xin hứa gìn giữ nghĩa tào khang, sự thủy chung, cho đến trong mơ tôi vẫn nghĩ đến người và người  sẽ soi sáng tôi trên từng bước chân. Tôi thương người không bằng lý trí, mà bằng con tim, bằng con người tôi. Người chính là THẾ TÔN, là THIÊN NHÂN SƯ.

Thỉnh thoảng, mẹ hỏi tôi, Chừng nào con lập gia đình? Tôi cười đáp lời mẹ, Con lập gia đình rồi mà. Ngày tôi quy y là ngày đăng ký kết hôn, ngày xuống tóc là ngày thiết lập một gia đình tâm linh và sau này tôi sẽ có nhiều đứa con tâm linh. Đại gia đình tâm linh này không bao giờ tan rã, luôn đầy ắp tiếng cười, tràn ngập tiếng ríu rít của yêu thương. Mỗi khi đi xa, người luôn ở bên tôi. Nếu chẳng may tôi xuống địa ngục, người vì tôi mà giáo hóa. Nếu tôi đến cõi trời, người vì tôi mà giáo hóa. Nếu sinh ra trong cõi nhân gian này, người cũng vì tôi mà giáo hóa. Tại sao người khổ cực như vậy, chịu biết bao hiểm nguy để phổ độ chúng sinh, cả cõi trời lẫn cõi người? Phật và chúng sinh không sai khác nên có thấy ai độ và được độ đâu. Người dạy, bố thí để diệt trừ tham, trì giới để diệt trừ sân và thiền định để diệt trừ si. Dù ở cõi nào, người cũng dạy như vậy và người tu thực tập những điều đó là cách cúng dường cao thượng. Nhiều lúc tôi giận hờn người, sao thực tập hoài mà vẫn còn tham, sân, si, người tỏ vẻ rất kiên nhẫn, hướng dẫn từng đường đi nước bước một cách cần mẫn. Lúc cãi cọ, người chỉ nói lời ái ngữ hay im lặng lắng nghe. Tôi thấy thật nhỏ bé trước tình thương vĩ đại, không phân biệt, không kỳ thị. Người ở trong tâm tôi và tôi thật sự rất đỗi tự hào khi được ở cùng người. Rồi đây tôi có những đứa con tâm linh tiếp nối và cũng là tiếp nối của người. Người biết không, được tâm sự và chia sẻ vui buồn với người, lắng nghe và được người chấp nhận, tôi hạnh phúc biết dường nào. Người nắm lấy bàn tay tôi, tay người trong tay tôi, tôi cảm nhận được hơi ấm của từ, bi, hỷ và xả trong đôi bàn tay ấy. Bàn tay gì mà thấm đượm tình thương, thân tâm tôi bình an và tĩnh lặng chi lạ. Tôi nguyện không bao giờ li dị tình thương của người mà suốt đời chung thủy, cùng người đi trọn con đường tu. Đôi khi, tôi có tư tưởng ngoại tình, chạy theo những tham đắm, những dục vọng, những si mê, nhưng người bao dung làm sao, người chấp nhận và bao dung tất cả, miễn sao tôi biết quay đầu về với gia đình tâm linh của mình, nơi có cha mẹ, anh chị em, có người tình thiên thu. Người là THIÊN NHÂN SƯ, là bậc ĐẠI TRƯỢNG PHU.

    Hãy hát mãi tình khúc thiên thu, cùng chúng sinh tu tập các hạnh Phật, nào là hạnh im lặng sấm sét, hạnh từ bi hỷ xả, hạnh lắng nghe, hạnh hoa, hạnh mẹ, hạnh bao dung muôn loài… Tập hoài không bao giờ cạn và tài sản tâm linh lớn mãi không thôi. Đừng bao giờ thối tâm vì chỉ cần một niệm tu khởi lên, hạnh phúc đã vô lượng vô biên. Trong kinh Kim Cang, Phật dạy, chỉ cần hành khoảng bốn câu trong kinh thôi, người đã được Phật biết và thấy, nói chi là hành trì, đọc tụng, giảng dạy toàn bộ kinh cho kẻ khác. Người đã thành Phật tự bao giờ, còn tôi thì sao, sao tôi vẫn còn mê mải trong thế giới lạc loài. Cái tôi ngu xuẩn của tôi ơi, đừng bao giờ như thế nữa, hãy dừng lại nhé, dừng lại rồi quay về, đoàn tụ với người. Về mà gặp những bậc đại trượng phu. Thế nào là đại trượng phu? Nghĩa là giàu sang mà không dâm, nghèo hàn mà không đổi, uy vũ không khuất phục được. Đây vẫn còn là nghĩa của thế gian, còn đối với xuất thế gian, bậc đại trượng phu không còn phân biệt giàu sang hay hèn mọn, thiện hay ác, quyền lực hay không quyền lực, và bên cạnh đó người thông suốt cả trời đất, thiên hạ. Những lời khen chê không động được tới người. Những hành động dễ chịu hay khó chịu không động được tới người. Những suy nghĩ tà dục hay không tà dục cũng không động được tới người. Đây gọi là tính vững chãi như núi, bởi vì người là ĐẠI TRƯỢNG PHU, là NHƯ LAI.

Người là bậc toàn tri, toàn giác, có cái biết và cái thấy vượt khỏi không gian và thời gian. Có những điều ngày nay khoa học chứng minh mà người đã biết trước thông qua thiền quán và trí tuệ siêu việt. Tri là biết, hiểu rõ mọi vấn đề, giác là hoàn toàn tỉnh thức. Phật có nghĩa là người tỉnh thức. Người đã hoàn toàn buông bỏ mọi ngã chấp, không còn vướng bận chuyện gì nữa, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Biết bao nhiêu kiếp, có thể so sánh như số cát sông Hằng, hay số hạt bụi trong tam thiên đại thiên, người đã tu tập và buông bỏ không ngừng nghỉ. Cái tôi đối với người nghe có vẻ lạ lẫm, người thành Phật nhưng thực ra người đã hòa đồng với chúng sinh. Trên thế gian này, có gì mà người không biết và tùy căn cơ mỗi chúng sinh, người thuyết pháp mà giúp chúng sinh giải thoát. Người đã trở về với chân tâm thật tánh, không còn bị nhiễm ô bởi các pháp của thế gian, tươi đẹp như những điều tươi đẹp. Điều gì là tươi đẹp nhất thì người tươi đẹp hơn cả thảy. Như Lai là như thế đó, không như huyễn mà như thật. Người có mặt trên thế gian là một sự kiện hi hữu, là phước báu của thế gian, là nhân duyên của chúng sinh. Ba mươi hai tướng tốt làm sao sánh bằng tâm chân thật và điều này làm nên vẻ đẹp của đấng toàn giác. Tôi thương và kính trọng người không vì cái đẹp của hình dáng, mà là cái đẹp của tâm, cái đẹp của vĩnh cữu. Người biết rõ ràng con đường nào dẫn đến cõi thiện, con đường dẫn đến cõi ác và con đường nào dẫn đến sự giải thoát. Nhưng người không ích kỷ, không ôm khư khư và chiếm hữu cái xuất thế gian mà lại bung nó ra, quay chuyển bánh xe pháp luân, làm rúng động cả cõi trời và người. Đã bao lần nói pháp, đã bao lần cứu độ chúng sinh, nhưng lúc nào người cũng nói, có pháp gì để nói, có chúng sinh nào để cứu, hay tôi nói pháp bao giờ đâu, có cứu chúng sinh bao giờ đâu. Tính khiêm nhường của người là như thế đó, kính thưa quý vị. Người chính là NHƯ LAI, là bậc MINH HẠNH TÚC.

Trên thế gian này có ai trí tuệ và đức hạnh như người. Tổng hợp tất cả các tri thức cũng không thể sánh bằng trí tuệ siêu việt. Tổng hợp tất cả cái đẹp cũng không thể sánh bằng nét đẹp của thanh tịnh mà người đạt được. Người diệt tận vô minh và trí tuệ bùng phát, không chỉ vì 49 ngày thiền định dưới cội bồ đề mà hằng hà sa số kiếp tu tập trợ duyên cho 49 ngày ấy. Biết bao nhiêu hạnh mà người tu tập, nếu kể ra đây không giấy mực nào có thể làm nổi, nếu có chăng thì đó là sự phỉ báng ngu xuẩn mà thôi. Người gìn giữ tri túc đến tận cùng của sự sống. Biết bao khổ đau, biết bao sự bất công, biết bao nghiệp chướng đọa đày, rồi cũng đến lúc nhường chỗ cho sự thanh tịnh và run rẩy trước bậc đại giác ngộ. Người xứng đáng nhận sự cúng dường của người và trời vì đã dứt hết phiền não. Phiền não có là gì khi nhìn nó bằng con mắt của tình thương. Thương được cả phiền não thì có còn được gọi là phiền não nữa không hay phiền não là yếu tố phát khởi sự dễ thương. Những hạnh lành đã làm xong, không còn vướng mắc vào cái gọi là thiện và ác nữa, vậy cứ thong dong đi trên con đường của Niết bàn. Không phải 80 tuổi người mới nhập Niết bàn mà thực ra người đã nhập Niết bàn từ khi hoàn thành sứ mệnh tu tập của mình. Người đã là Niết bàn từ cái đêm thứ 49 ngồi thiền định dưới cội bồ đề. Lúc này, hỏi cái gì người cũng giải đáp được và thông suốt mọi kiến thức thế gian và xuất thế gian. Người không phải ai xa lạ, người chính là PHẬT, NHƯ LAI, THẾ TÔN, ỨNG CÚNG, CHÁNH BIẾN TRI, MINH HẠNH TÚC, THIỆN THỆ, THẾ GIAN GIẢI, VÔ THƯỢNG SĨ-ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU, THIÊN NHÂN SƯ.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật. Đệ tử hôm nay ngồi dưới Phật đài, xin nguyện không trụ quá khứ, hiện tại và vị lai, thành tâm tri ân công đức không thể nghĩ bàn của tất cả chư Phật đã vì chúng con mà chuyển pháp luân.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật. Đệ tử hôm nay ngồi dưới Phật đài, xin nguyện thực tập bố thí, trì giới và tham thiền, thành tâm tri ân công đức không thể nghĩ bàn của tất cả chư Phật đã vì chúng con mà thuyết giảng kinh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật. Đệ tử hôm nay ngồi dưới Phật đài, xin nguyện phát tâm bồ đề, đi trọn đường tu và thực tập giải thoát trong giây phút này, thành tâm tri ân công đức không thể nghĩ bàn của tất cả chư Phật đã vì chúng con mà phổ độ chúng sinh.

Con ngồi đây giữa rừng đại ngàn
Cất lời ca tình yêu chứa chan
Tán thán ở mười phương chư Phật
Vì công đức không thể nghĩ bàn.

Người bên con suốt đoạn đường dài
Bao năm tháng con đã miệt mài
Quên ân người công lao khó nhọc
Hộ trì con thoát những nạn tai.

Người chính là tình yêu bất diệt
Tình yêu đầu và tình yêu cuối
Người trong con dù đêm hay tối
Người mở lối con bước từng ngày.

Xin chào nhé hỡi những đọa đày
Con tĩnh lặng hạnh phúc từ đây
Hẹn gặp lại một ngày tươi trẻ
Nhẹ bước chân tự tại nơi này.

12. Người Lái Đò Của Cuộc Đời – Dòng Nước Pháp Trong Ngần – Những Trái Tim Đồng Dạng

Những trái tim đồng dạng (P3)

Bát chánh đạo hay tám con đường chân chánh được gọi là con đường diệt khổ hay con đường hạnh phúc. Tám con đường là tám sự thực tập bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chánh kiến là nền tảng của đạo đức học, theo đó chánh là sự ngay thẳng, chân chánh, kiến là thấy là nhận biết. Nói chánh kiến là để phân biệt với tà kiến. Tà kiến là thấy cong queo, không nhìn nhận được bản chất đích đích thực của sự vật, nên tà kiến còn là sự không thể biết. Chánh tư duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh đúng theo lẽ phải, được các nhà tu công nhận và dẫn đến con đường giải thoát. Chánh ngữ là lời nói chân thật, ái ngữ, tạo nên sự hoà giải, bình đẳng và hàn gắn mối quan hệ giữa người với người. Chánh nghiệp là hành động chân chánh, không gây hại cho chúng sinh, hợp với lẽ phải, với đạo làm người, mang nhiều lợi lạc cho chúng sinh. Chánh mạng sinh sống bằng nghề nghiệp lương thiện, giữ được tối thiểu Năm giới cư sĩ, bảo vệ sự sống muôn loài, không gây nên tình trạng bất công hay khổ đau cho bất kỳ ai. Chánh tinh tấn là chuyên cần hay siêng năng thực hiện công việc theo đúng với chánh pháp, đem lại niềm vui cho bản thân và kẻ khác. Chánh niệm là ghi nhớ, nhận diện đơn thuần những hiện tượng đang diễn ra bên trong lẫn bên ngoài thân tâm, nhằm an trú trong hiện tại, tiếp xúc với thực tại cùng tột, không cho thân tâm bay nhảy khắp nơi. Chánh định là tập trung tư tưởng vào một đối tượng được gọi là đề mục quán niệm nhằm phát khởi chân lý, sự thật hay sự đúng đắn về đối tượng. Tư tưởng có thể được tập trung thông qua các loại thiền quán như quán thân bất tịnh, quán từ bi, quán nhân duyên, quán giới phân biệt, quán hơi thở… Trên đây là tám con đường chân chánh đưa chúng sinh vượt thoát những khổ ải trầm luân, như người lái đò đưa khách qua sông, vượt qua sóng to gió lớn đến bến bờ bình yên, vào vùng tĩnh lặng, không còn gặp nguy hiểm nữa.

Vi diệu pháp là điều tiếp theo người lái đò trình bày ra trước mắt những vấn đề liên quan đến những gì người tìm thấy bên trong người, quanh người và những gì người khao khác thành đạt. Học và hành vi diệu pháp để bảo hiểm cho tâm, biết và chánh niệm về tâm, biết tâm phát khởi như thế nào, diễn biến ra sao và kết thúc ở trạng thái gì. Các loại tâm sở được trình bày thấu đáo nhằm đưa người theo dõi và quan sát tâm. Tâm như một dòng chảy, ít khi chịu ở yên và các dòng chảy đó nối tiếp nhau không ngừng. Làm chủ được tâm và biết gọi tên loại tâm nào đang hiện tiền như tâm tham, tâm sân, tâm si hay tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả. Chánh niệm như người lái đò dẫn dắt con đò đi theo dòng chảy hay đi ngược dòng chảy. Nếu đi theo dòng chảy, bằng sức lực tối thiểu, con thuyền vẫn lướt đi nhanh chóng. Nếu đi ngược dòng chảy, sức lực phải mạnh lên hay cố gắng tối đa, con thuyền mới đi được. Nói vậy để thấy khi tâm thiện biểu hiện, người không dùng quá nhiều sức lực để nhận biết thì vẫn biết đó là tâm thiện, nhưng khi tâm bất thiện biểu hiện, người phải can đảm lắm mới đủ sức biết lấy, nhận ra và chuyển hoá. Người lái đò đưa khách qua sông, nhưng biết chọn bến đục bến trong mà neo đậu, biết chỗ nào có dòng nước xoáy mà tránh. Dòng nước tâm thật trong ngần nếu người biết gạn đục lóng trong. Như ly nước bột sắn dây, nếu khuấy lên thì ly nước đục ngầu nhưng nếu để nó yên một thời gian, ly nước bột sắn dây sẽ lắng trong, người nhìn rõ chỗ nào là bột chỗ nào là nước.

Nếu không có người lái đò thì muốn qua sông phải bắc cầu. Nhờ cây cầu mà người bên này gặp được người bên kia, tay bắt mặt mừng, niềm vui khôn xiết như đứa con đi xa bấy lâu trở về nhà. Pháp là con đường bắc cầu độ chúng sinh, là các pháp môn hay phương pháp tu hành mà đức Thế Tôn đã chia sẻ cho chúng sinh nhằm diệt trừ những khổ đau, an hưởng hạnh phúc, tìm về cội nguồn. Vì thế, pháp cũng là người lái đò và mình chính là người lái đò đó. Quy y pháp là quay về thật tánh của muôn pháp, chỉ ra tự tánh như như bình đẳng của sự vật. Tu pháp giống như tu bình đẳng, tu cho được cái tâm không còn phân biệt gì nữa. Còn phân biệt thì còn bị kẹt, không còn phân biệt thì không còn bị kẹt, không còn tham đắm, không còn dính mắc, tức là đã vượt thoát. Không phân biệt có, không, còn, mất, giàu, nghèo, thắng, thua, sinh, tử, dài, ngắn, mập, béo, xấu, đẹp, dơ, sạch… thì tất cả những điều vừa kể đều được vượt thắng, cái này gọi là vượt thắng sợ hãi. Giống như người bị kẹt vào giới tính thứ ba nên người còn sợ hãi. Không kẹt vào giới tính thì còn gì nữa mà sợ hãi. Nương tựa pháp nghĩa là quay về nương tựa vào sự học hỏi và hành trì các phương pháp tu học, đoạn trừ sự mê muội bấy lâu, chứng ngộ thật tướng bình đẳng của các pháp và chỉ có pháp bảo mới đủ công năng đưa chúng sinh vượt thoát. Điều này minh chứng cho người lái đò, dùng các phương pháp sử dụng mái chèo mà đưa đò qua sông. Người nhất quyết phải băng qua cho được con sông sinh tử, kiếp này chưa xong thì đến kiếp sau rồi kiếp sau nữa. Đừng để con thuyền mục nát, mái chèo vỡ làm đôi, giông bão nổi lên, người rớt xuống lòng sông rồi mãi mãi trầm luân, lặn ngụp trong sự luân hồi, không biết bao giờ mới trở về nhà.

Lúc mê, chư Phật, chư Bồ tát, chư tổ độ nhưng khi ngộ, người độ chính người. “Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ.” Người sợ vì không biết đi đường nào và vì mê nên lầm đường lạc lối, cứ chọn con đường của danh vọng, tham đắm và hờn ghen. Con đường chánh pháp đã có sẵn, không cần phải đắn đo hay do dự, người hãy lèo lái chính người mà đi trên con đường của hạnh phúc và bình an. Nếu nói người ngộ thì vẫn còn bản ngã, vẫn còn cái tôi. Ngộ nhưng có cái gì để ngộ đâu, như đắc nhưng có cái gì để đắc đâu. Ngộ hay đắc chẳng qua là tìm về bản thể chân thật của chính người thôi. Muốn ngộ thì phải hành trì chánh pháp, phải nhảy xuống sông, cầm mái chèo và vận hành con thuyền. Nếu chỉ muốn thôi, người mãi mãi không thể là người lái đò. Ngày nay, người miêu tả người lái đò thì nhiều trong khi người làm công việc lái đò thì ít quá. Hôm qua bỗng nhiên trên điện thoại di động, tôi nhận được tin nhắn, “Tại sao người đàn ông luôn tìm kiếm người phụ nữ tốt hơn trong khi họ đã có bên cạnh người phụ nữ tốt nhất rồi?”. Tôi mỉm cười khi đọc tin nhắn ấy nhưng không trả lời gì cả. 15 phút sau, tôi nhận tiếp tin nhắn, “Sao em hỏi thầy không trả lời?”. Tôi lại có dịp mỉm cười lần nữa và dĩ nhiên tôi cũng không trả lời. Thật ra tôi đã trả lời rồi, không biết người nhắn tin có hiểu câu trả lời của tôi không. Vấn đề không phải tại sao người đàn ông kia tìm kiếm người phụ nữ tốt hơn hay người phụ nữ tốt nhất mà vấn đề là mình có phải là người phụ nữ của người đàn ông đó không, mình hiểu được người chưa hay điều gì khiến mình cần người đàn ông này như thế. Trên đời có người tốt thì người khác tốt hơn, người giỏi thì người khác giỏi hơn, vốn dĩ vỏ quýt dày có móng tay nhọn mà. Hãy thử nhìn xem mình và người có thuận duyên với nhau không, mình và người đã làm gì để đầu tư cho tình yêu, để một trong hai người có đủ yêu thương không đi tìm kiếm những hạnh phúc bên ngoài. Người từng nói, đó là người yêu của mình, vậy người đã yêu thương thế nào để tình yêu vụt bay? Đây là minh chứng cho sự nương tựa bên ngoài mà quên đi nương tựa chính mình. Bên ngoài luôn thay đổi, không bao giờ thường còn, có đó rồi mất đó, vậy nương tựa cái rồi sẽ tan như bọt biển sẽ khiến người khổ thôi. Phật dạy, hễ có thương thì có khổ. Nhiều người không hiểu hỏi lại, sao thương lại khổ nhỉ, không thương mới khổ chứ. Thương một người, mình chỉ muốn người đó là của mình thôi, nếu không là của mình nữa, mình sẽ khổ lắm. Thương một người, mình muốn người đó cũng thương mình, nếu không mình rơi vào tình yêu đơn phương, mình sẽ khổ lắm. Thương một người, mình muốn người đó sống đời với mình, nếu người ra đi đột ngột, mình sẽ khổ lắm. Như vậy mình khổ vì người kia không đáp ứng danh sách muốn đầy ích kỷ của mình không. Muốn hạnh phúc, phải chăm sóc cho hạnh phúc của mình và coi lại bản thân đã yêu thương đậm sâu hay chưa.

Nếu muốn qua sông thì phải bơi, phải lội, phải chèo, phải bắc cầu chứ không thể đứng bên đây sông réo gọi bên kia đưa mình qua sông từ năm này sang năm khác, hay từ kiếp này sang kiếp khác. Để giải thoát, phải có công phu quán chiếu và thực tập miên mật. Mọi thứ đều vô thường mà cho là thường thì đó là vô minh. Mọi thứ đều vô ngã mà cho là ngã thì đó là vô minh. Mọi thứ đều bình đẳng và tĩnh lặng như Niết bàn mà cho là không bình đẳng và không tĩnh lặng thì đó là vô minh. Vô minh khiến con người khổ và cái khổ trùng trùng điệp điệp. Nhưng kẻ vô minh chưa bao giờ cho mình là vô minh, như kẻ say chưa bao giờ tự cho mình say.

Pháp là viên ngọc quý, là con đường của sự tỉnh thức, đưa người vào vùng của tỉnh thức và trở thành người tỉnh thức. Đây là đạo lý có một không hai, là duy nhất và không đạo lý nào có thể thay thế được. Con đường này đưa người ra khỏi sự tham đắm, si mê, ngục tù để đi vào sự an lạc, thảnh thơi, tự do và buông bỏ. Người có phước lớn hun đúc bao nhiêu kiếp mới gặp được pháp và nếu hành trì thì biết phước đức của người to lớn như thế nào. Hiểu và thương là hoa trái của thực tập pháp. Nhờ đó, người hiểu được những gì mà từ trước đến nay người chưa hiểu được và thương được những gì mà từ trước đến nay người chưa thương được. Có con đường để đi, người không còn bơ vơ, lạc lõng và sợ hãi mà chỉ thẳng tiến đến con đường giác ngộ. Vấn đề là người tu như thế nào và hành như thế nào. Người thật may mắn khi đi chung con đường mà hằng hà sa số Phật, hằng hà sa số Bồ tát, hằng hà sa số A la hán đã từng, đang và sẽ đi. Nên không có sự cô đơn nào mà người đang lầm tưởng, vì biết bao nhiêu Phật, Bồ tát và A la hán đang dõi theo từng bước chân người và hỗ trợ người tinh tiến.

Pháp trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều là như vậy và nếu trong tương lai có những vị Phật ra đời thì các đức Phật cũng đều giảng nói một thứ pháp bình đẳng. Vậy bây giờ đang được gặp Phật Pháp, tại sao không lo mà thực hành mà phải chờ hàng tỷ kiếp sau, đức Phật Di lạc ra đời? Pháp thành tựu bắt đầu từ đâu thì ở đó có pháp đó như ngọn đèn chiếu vùng nào, vùng đó sẽ sáng lên. Quá khứ có pháp quá khứ, hiện tại có pháp hiện tại và vị lai có pháp vị lai, nhưng dù thời điểm nào pháp cũng cùng tự tánh. Thật ra không có gì gọi là quá khứ, hiện tại và vị lai bởi vì thời gian là vô thường, biến chuyển trong từng sát na, vừa mới nói hiện tại đó thì nó đã thành quá khứ hay vừa mới nói tương lai đó, nó đã thành hiện tại và quá khứ rồi. Không kẹt vào thời gian, người vượt thắng thời gian. Cho rằng cõi tịnh độ chỉ có ở phương tây thì chưa đủ mà cõi tịnh độ cũng có ở phương đông, phương nam, phương bắc nữa. Không kẹt vào không gian, người vượt thắng không gian. Quá khứ pháp vô vàn, tương lai pháp vô lượng, hiện tại pháp thâm sâu nên dù thời điểm nào, pháp cũng vẫn là pháp, vô vàn, vô lượng và thâm sâu. Nhờ có pháp, đức Phật mới có thể bắc cầu độ chúng sinh và Phật chính là người lái đò, chúng sinh là con thuyền, người lái đò đưa thuyền qua sông. Sau khi Phật viên tịch, pháp trở thành người lái đò, là sự hướng dẫn các pháp hành mà Phật thuyết giảng, nên nói nương tựa Phật cũng là nương tựa Pháp và ngược lại. Lấy giáo luật và Pháp làm thầy thì giáo luật và Pháp là người lái đò thay Phật đưa đò qua sông. Hành giả thực hành pháp, nhìn rõ Phật tướng trong đó và làm sáng trong Phật tính trong người, đến lúc nào thích hợp, bản thân hành giả sẽ trở thành người lái đò của cuộc đời mình. Pháp bảo là tối thượng, không còn gì cao hơn cả. Người đang đói khát bên vệ đường, bỗng chốc vớ được một trái ngọt rơi xuống đất, người cầm lên ăn ngon lành. Trái ngọt kia cứu được sinh mạng của người đói mà tiếp tục sống. Pháp như thức ăn cứu người trong cơn nguy biến và làm khổ đau vắng mặt. Phật đã nấu cơm, làm thức ăn và dọn sẵn bàn ăn, chỉ cần người đón nhận và ăn thôi. Ăn đúng thì người sẽ trở nên tươi mát, khỏe mạnh, bằng không người sẽ héo hon, bệnh tật.

Con đường bát chánh đạo
Đưa chúng sanh vượt thoát
Biển khổ ải trầm luân
Vi diệu pháp thánh nhân
Dòng nước pháp trong ngần.

Con xin nguyện trang nghiêm
Thực hành không mệt mỏi.
Quá khứ pháp vô vàn
Tương lai pháp vô lượng
Hiện tại pháp thâm sâu
Bắc cầu độ chúng sanh.

Pháp là viên ngọc quý
Giúp hiện tại giác ngộ
Vượt thoát cả thời gian.
Đạo vô thượng đến đâu
Tâm đều được giải thoát.
Tự tu thì tự ngộ
Ơn Pháp bảo nhiệm mầu. (14)

13. Chánh kiến và Tà kiến – Suy nghĩ đúng đắn – Những trái tim đồng dạng

Những trái tim đồng dạng (P3)

Chánh kiến là con đường hành trì chân chính đầu tiên trong tám con đường thực tập hạnh phúc. Kiến là cái nhìn, cái thấy và chánh là ngay thẳng, xác thực. Chánh kiến là cái nhìn đúng đắn về thực tại, về vạn pháp, hay những gì xảy ra bên trong và bên ngoài thân tâm. Sự thực tập này ảnh hưởng rất mạnh đến thái độ sống hay thái độ tu tập vì suy nghĩ sai lệch thì thái độ cũng sai lệch theo. Thực tập chánh kiến ban đầu là hiểu rõ ràng bốn sự thật hay tứ diệu đế. Sự thật thứ nhất là khổ (dukkha). Nhưng chữ khổ ở đây không đơn thuần có nghĩa là đau khổ, mà còn bao hàm nghĩa bất toàn, không hoàn hảo, vô thường, trống rỗng, giả tạm. Tất cả những điều này có thể mang đến đau khổ. Sự thật thứ hai là tập (samudaya), tức là nguyên nhân của khổ. Chính lòng ái tạo ra sự tái sinh, gắn kết với thèm muốn đam mê từ lạc thú này đến lạc thú khác. Một sin viên trường Kent nói với tôi thế này, Đời sống này rất ngắn ngủi, đời sống trôi qua rất nhanh, tại sao không lo hưởng thụ những lạc thú trên đời, tại sao phải sống đời tri túc để chứng minh với ai chứ. Dĩ nhiên tôi chỉ nghe mà cười và không phản ứng lại câu hỏi này. Khổ thường trá hình trong các lạc thú phi thời và người tưởng đó là hạnh phúc, ai ngờ đó là nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Sự thật thứ ba là chấm dứt khổ. Cái khổ kia không phải là không bao giờ chấm dứt mà vẫn có cách để chấm dứt cái khổ tưởng chừng như thiên thu. Đấy chính là Niết bàn, là sự hoàn toàn vắng lặng những khổ đau và bất cứ chúng sinh nào cũng có thể tìm tới và đạp chân lên nó. Sự thật thứ tư là đạo, tức là con đường. Đây gọi là con đường Trung Đạo, con đường vượt thoát mọi cực đoan của đời sống. Cực đoan ở đây là chạy theo hạnh phúc của khoái lạc giác quan hay khổ cực giác quan. Trung Đạo chính là tám con đường chân chính, con đường bát chánh đạo.

Chánh kiến là nhận thức đúng về đạo đức của cuộc sống, về nhân duyên, vô thường, vô ngã, Niết bàn, về khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường thoát khổ. Nhân duyên nói đến cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt, nói cách khác vạn vật nương nhau mà sống. Vô thường nói đến sự không thường còn của vạn vật, thường xuyên thay đổi, không gì là muôn năm hay bất biết. Vô ngã nói đến không có cái ta trong tất cả các yếu tố được tiếp xúc, kể cả thân xác này cũng vậy. Có thể nói chánh kiến là cái thấy hay cái nhìn không chấp thường, không chấp ngã, và vì không chấp gì nữa cả, người buông bỏ được cái thấy phân biệt để đạt tới cái thấy bình đẳng. Tất cả mọi chúng sinh đều có thể giải thoát nếu như thực tập đúng theo chánh kiến mà chúng sinh đó tiếp nhận và phát khởi được. Nên đây gọi là con đường thực tập hạnh phúc để chuyển hóa khổ đau. Sự vắng lặng của khổ đau không nói về hình tướng mà nói về chuyển hóa từ chính người. Trong tiền kiếp, đức Phật bị vua Malinga chặt đứt cả thân thể nhưng vì không bị kẹt vào nhân, chúng sinh và thọ giả nên người không hề oán giận vua Malinga. Không bị kẹt vào nhân là không bị kẹt vào thân thể này, thân thể này không phải là ta, mà chỉ là sự giả tạm, đã hợp nên hình tướng nhân thì cũng có lúc tàn hoại. Không bị kẹt vào chúng sinh là không thấy ai hành hạ hay cắt đứt thân thể mình, chẳng qua chỉ là sự vận hành của nghiệp. Không bị kẹt vào thọ giả, thọ lạc, thọ khổ và thọ xả. Những cảm giác đó đều là do tiếp xúc củng bốn yếu tố, đất, nước, lửa và gió. Nếu có chăng thì chỉ là sự sáng tạo của cảm giác mà thôi.

Các pháp đều do phân biệt mà có nên không còn phân biệt nữa thì có gì gọi là pháp đâu, các pháp đều trở nên bình đẳng. Bố thí chánh kiến là sự thực tập để nhìn thấy sự bình đẳng không phân biệt kia và bản thân trở thành chân nhân. Chân nhân là người tu, tu là hành, là sửa đổi. Thực tập lời dạy của Phật thì mới là người tu, tức là sống thật với chính mình, không có giả dối, không có đeo mặt nạ. Quy y Pháp là để trở về nương tựa chánh kiến và chánh kiến là chánh pháp. Đem tài sản, của cải hay bố thí thân mạng cũng không bằng bố thí chánh kiến. Tài sản cho đi, nhưng còn tiếc nuối, yêu cầu quảng bá tên tuổi, thì đó đâu là chánh kiến. Bố thí thân mạng để phục vụ cho một tư tưởng sai lệch hay không đáng thì đó đâu là chánh kiến. Biết rằng tài sản này là vô thường, gây ra nhiều đau khổ, tạo nên sự tranh chấp, làm phát khởi tâm tham nên hành bố thí tài sản để diệt trừ đau khổ, xóa bỏ tranh chấp và chuyển hóa tâm tham. Nói là giúp người nhưng thực ra là giúp chính người, đây là cái thấy của chánh kiến, thấy về vô thường, thấy về cái khổ của chất chứa tài sản và sự mê muội của tâm tham. Biết rằng thân mạng này là vô thường, hy sinh mắt, máu, tim, thận… để cứu giúp bệnh nhân đang trong cơn nguy biến và mong người tiếp nhận rồi lợi dụng thân thể để tu tập giải thoát, không lợi dụng thân thể để hành dâm, tranh chấp, tước đoạt, kiện tụng… Các pháp hữu vi là vô ngã nên thực tập để không kẹt vào chúng. Chánh kiến làm nhiệm vụ của thực tập vô ngã, không bị kẹt vào các pháp để sinh ra hạnh phúc. Với người nghe tiếng chim hót thì thấy vui vẻ, nhưng người khác rất khó chịu. Hay có người nghe tiếng chuông nhà thờ thì thấy vui, còn người khác thì thấy sợ hãi. Vậy vui vẻ, khó chịu, sợ hãi có phải do phân biệt mà biểu hiện hay không. Nếu không phân biệt thì đâu còn cảm thọ phân biệt như thế. Bố thí chánh kiến là bố thí không phân biệt.

Chánh kiến là nền tảng của đạo đức học. Chánh kiến chính là tuệ và mục đích của giáo dục đạo đức học là phát triển trí tuệ. Có cái thấy đúng đắn thì nhìn sự vật, thậm chí chân tướng của vũ trụ đều đúng đắn. Bằng con mắt của sự sống thì nhìn đâu cũng thấy sự sống, nhìn Địa cầu có sự sống, nhìn mặt trăng có sự sống. Bằng con mắt của không sự sống thì nhìn đâu cũng thấy không sự sống, nhìn Địa cầu không có sự sống, nhìn mặt trăng không có sự sống. Ý niệm có và không đều gây nên khổ đau. Người có nhiều khổ đau vì bị kẹt vào những ý niệm đại loại như thế. Như câu, to be or not to be is a question, sống hay không sống là vấn đề. Vì ý niệm có hoặc không, người đặt câu hỏi này bị kẹt vào chúng rồi sầu khổ. Như cho rằng người già, bệnh tật rồi chết đi, không còn sự sống cũng là một ý niệm. Người đang còn thở, còn trẻ, và cho là còn sống cũng là một ý niệm. Vượt thắng được ý niệm sống chết thì vượt thắng được sinh tử nhanh chóng, nếu còn bị kẹt thì sẽ còn tái sinh. Chánh kiến còn miêu tả cái thấy vượt thoát những ý niệm. Bất cứ ý niệm nào phát sinh cũng chỉ nên nhận diện đơn thuần, bằng không, người kẹt vào dù là một ý niệm nhỏ nhoi, là rơi vào tình trạng chiến tranh của khổ đau dằng xé với hạnh phúc.

Ngược lại với chánh kiến là tà kiến. Tà kiến là cái nhìn sai lệch về sự thật do si mê, ngu dốt hay cố chấp. Tà kiến sinh khổ đau do chấp quá nhiều, mộng quá lâu và mê quá sâu. Người chấp vào có, không, vừa có vừa không, không có không không; chấp về thường và vô thường, chấp về ngã và vô ngã, chấp về Niết bàn và không Niết bàn, chấp về số lượng và không số lượng, chấp về bên trong và bên ngoài, chấp về thượng đế và không thượng đế, chấp về tư sản và cộng sản…, đủ thứ chấp và càng chấp thì khổ đau càng chồng chất. Một khi tâm dấy niệm phân biệt là có tà kiến, phân biệt về không gian, thời gian, giới tính, tuổi tác, kiếp sống, sinh vật, cỏ cây… Chánh kiến đem lại hạnh phúc bao nhiêu thì tà kiến mang lại đau khổ bấy nhiêu. Do phân biệt nên không thấy gì là bình đẳng, không thấy nghiệp và dễ gây tạo tác bất thiện. Người tu ban đầu còn phân biệt chánh kiến và tà kiến nhưng đến lúc nào đó sẽ không còn phân biệt giữa chánh và tà, như không phân biệt giữa thiện và ác nữa. Nếu còn phân biệt thì còn kẹt vào ý niệm giữa chánh kiến và tà kiến. Hãy nhớ rằng chánh kiến là một ý niệm và tà kiến cũng là một ý niệm. Đã nói là vượt thoát ý niệm thì có gì gọi là chánh kiến hay tà kiến nữa đâu.

Xa cách hiền thánh hay người tri túc quá lâu, tà kiến trong người sẽ trở nên sâu dày. Con đường giải thoát vì vậy ngày càng xa rời. Thời mạt pháp đang tiến bước, những ác ma lấp đầy thế gian, người tu mỏng dần. Ngày xưa, phương tiện tu tập rất ít nhưng người thành đạo rất đông. Ngày nay phương tiện tu tập rất nhiều nhưng người thành đạo rất ít. Điều này minh chứng cho tà kiến của người tu lẫn người không tu quá lớn. Người bị ngăn trở bởi những rào cản trên đường tu, như rào cản về chấp, chấp vào chùa, chấp vào pháp môn, chấp vào giáo phẩm, chấp vào thầy, chấp vào sự cúng dường, chấp vào sự an lạc giả tạm. Người trở nên bị ngộ độc trong những phương tiện ấy mà không biết nên tu mà cứ dậm chân tại chỗ, không thấy tiến, không thấy đạo, không thấy giải thoát. Người tu đã thiếu sự yểm trợ từ bên trong lẫn bên ngoài. Với bên trong, tăng đoàn không được chú trọng xây dựng. Với bên ngoài, các cư sĩ đã nuông chiều người tu quá mức. Một thời đại chúng sinh có ít phước báu và công đức, hơn nữa trở nên khó giáo hóa, không còn niềm tin nào vào chánh pháp. Người bị đánh lừa bởi tâm lý đám đông, bởi các học thuyết được tuyên truyền bằng công nghệ hiện đại hay bởi sự lôi kéo của tà dục. Người quên đi lời dạy của chư Phật năm xưa, rằng dù cuộc đời có bão giông, người vẫn một lòng một dạ thực tập chánh pháp cho đến ngày giải thoát. Có thể người tu đã sinh về cõi trời hay sinh về một Địa Cầu khác ấm êm hơn nên Địa Cầu này thưa thớt người tu. Đồng thời, cõi âm sinh lại làm người rất động và sử dụng Địa Cầu này để trả nghiệp. Thế lực ma quỷ thịnh vượng đến nỗi người đi như mò kim đáy biển, không biết đâu mà lần. Nhiều khi được chỉ dẫn phương pháp thực tập chánh pháp nhưng thật đáng tiếc, người đã đành đoạn quay lưng mà đi, ngôi nhà hạnh phúc không ở, chỉ muốn trú ngụ trong ngôi nhà cháy. Mọi thứ đều bốc cháy, hừng hực và thiêu rụi hết tất cả. Người làm hại lẫn nhau không ngừng nghỉ và hậu quả là thiên tai nổi lên, động đất dồn dập, bệnh tật triền miên. Tất cả cũng chỉ vì tà kiến, không chịu tu tập, không chịu làm mới mình. Thì giờ bị phung phí trong những trò chơi tranh quyền đoạt lợi, đi vào thế giới ảo hay làm nô lệ cho những hơn thua được mất. Vậy mà người vẫn than là bận rộn. Đừng để thế tục chuyển hóa người, đừng để tà kiến đánh mất người, đừng để vô minh sai khiến người. Ngôi nhà có đang cháy đến rụi dần nhưng vẫn còn những lối thoát hiểm. Đừng chần chừ mà không đi vào những lối thoát hiểm ấy.

Ba thứ tà kiến lớn nhất mà người thường mắc phải là tiền định kiến, tạo hóa kiến và vô nhân kiến. Tiền định kiến là mọi cảm thọ mà chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại chỉ do nhân duyên các hành nghiệp mà họ đã làm trong kiếp quá khứ mà thôi. Tạo hóa kiến là cho rằng mọi cảm thọ trong kiếp hiện tại do một đấng tối cao hay đấng toàn năng tạo ra. Vô nhân kiến là không có nhân duyên cho mọi hiện hữu. Tiền định kiến khiến người không muốn thay đổi hiện tại và chấp nhận số phận, đây là sai lầm. Tạo hóa kiến khiến người chỉ lo cầu nguyện mà không lo sửa đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn, đây là sai lầm. Vô nhân kiến khiến người không tin vào luật nhân quả, ra sức sống buông thả và làm hại chúng sinh, đây là sai lầm. Muốn phá tà kiến thì phải thực tập quán tà kiến. Chẳng hạn quán về thường thì làm sao nụ hoa nở thành bông hoa, em bé làm sao lớn lên và người già làm sao chết đi. Quán về ngã thì thân thể đang bệnh, yêu cầu thân thể đừng bệnh nữa có được không; trời đang mưa, yêu cầu trời đừng mưa nữa có được không; em bé bú sữa nhưng yêu cầu ăn cơm liền đi có được không. Quán về không nhân quả thì bắt cơm lên bếp không cần đổ nước xem cơm có chín không; khát nước mà không uống nước xem có hết khát không; đói bụng mà không ăn thì xem hết đói bụng không… Quán tà kiến là để diệt trừ tà kiến như đi vào phiền não để diệt trừ phiền não vậy.

Bấy lâu nay con ngu si lầm lỗi
Hạnh phúc khổ đau vì đâu nên nỗi
Cũng bởi vô minh tà kiến mà ra
Quyết định hôm nay cùng nhau thay đổi.

Trong thân tâm này trái tim nóng hổi
Một lý tưởng diệt trừ bao nông nổi
Bằng những cái nhìn sự thật chánh chân
Quyết chí tu hành giữ đạo thanh bần.

Mọi chúng sinh đều là những người thân
Sống cười an lạc nơi cõi hồng trần
Ân cần yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng
Thênh thang vững bước trên những con đường.

14. Chánh tư duy và Tà tư duy – Suy nghĩ đích thực – Những trái tim đồng dạng

Những trái tim đồng dạng (P3)

Trong khi chánh kiến là suy nghĩ đúng đắn về sự thật thì chánh tư duy là suy nghĩ đích thực về sự thật, sử dụng sự thật mà suy nghĩ. Đây là thứ suy nghĩ thực tế, không phải là thứ suy nghĩ mơ mộng, bay nhảy, lang thang hay xa vời. Người chỉ mới đọc vài câu chữ trong kinh mà đã cho là toàn bộ đạo Phật, rồi phán cho đạo Phật là như thế, người sẽ mang trong mình tri giác sai lầm. Đạo Phật đi vào cuộc đời, nói vậy cũng chưa đủ mà cần nói từ cuộc đời mà sinh ra đạo Phật. Nhờ có khổ mà người tìm đường thoát khổ, nên mới có đạo. Cái nhìn hời hợi của người đã khiến cho đạo Phật là một thứ gì đó cao siêu, ở trên mây, và gần hơn là ở trên cành cây. Đạo Phật không phải là những lý thuyết suông, đem ra giảng nói để vỗ tay hay tán thưởng mà được sử dụng để thực tập mang lợi ích cho mình và người. Đạo Phật có rất nhiều bài thực tập để chuyển hóa những khổ đau, xây dựng hạnh phúc đích thực nên đạo Phật là một tài sản vô giá và tài sản này vô cùng to lớn. Chánh tư duy là thấy được bản chất vô thường của vạn vật. Bất cứ cái gì đang hiện hữu đều trải qua các giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử. Đã sinh ra thì phải già, già thì phải bệnh, bệnh nặng chịu không nổi thì phải qua đời, rồi cứ thế đi tiếp con đường lẩn quẩn của vòng luân hồi. Nói về khổ đau, khổ không ở lại dài lâu mà cũng trải qua sự phát khởi, già đi, mệt mỏi và tan biến. Rồi khổ đau lại xuất hiện trở lại vì với người không tu, khổ đau chỉ tan biến tạm thời chứ không phải nó không có mặt, còn với người tu dù khổ đau hiện tiền hay không hiện tiền, người vẫn tự tại an nhiên. Hãy nhìn mình, nhìn người, nhìn vạn vật bằng con mắt của vô thường để thấy thương cả vô thường. Vô thường có thể là khổ và cũng có thể là hạnh phúc. Với người đang hạnh phúc, vô thường làm hạnh phúc đó tan biến, người sẽ thấy khổ lắm. Với người khổ đau, vô thường làm khổ đau đó tan biến, người sẽ thấy hạnh phúc lắm. Người thường hay chênh vênh trong những khoảnh khoắc của hạnh phúc và khổ đau như thế mà không chịu nhìn nhận rằng cái gì đến cũng sẽ tự nhiên đến và khi đến rồi cũng sẽ tự nhiên đi.

Sử dụng vô ngã để tư duy chính là chánh tư duy. Bất cứ tư duy nào mà sử dụng ngã đều là tà tư duy. Một người thương mình ngày hôm nay, ngày mai chưa chắc người ấy còn thương mình và sự thay đổi thương ghét là vô thường nhưng cho rằng mình là đối tượng người đó thương là ngã. Thương là chỉ để thương thôi, thương một đối tượng thì vẫn còn ngã. Vậy nói ghét một đối tượng cũng là ngã luôn. Vô ngã đặt trên tình thương là không thương không ghét mà cũng không phải là không thương không ghét. Vô ngã mang tính tự nhiên, phải là như thế, phải xảy ra như thế, phải kết hợp hay chuyển hóa như thế không thể tác động vào được. Gương mặt này nói là của người, vậy người kêu nó mập mạp hồng hào hay xinh đẹp hơn lên có được không. Sao kỳ vậy? Của người thì người điều khiển thế nào cũng được chứ? Đơn giản gương mặt này là vô ngã, nó chỉ biểu hiện ra thành gương mặt mà thôi. Nói gương mặt này là của mình, cái xe này là của mình, ngôi nhà này là của mình là những vọng tưởng. Nói của mình chỉ để chứng minh sự sở hữu về mặt luật pháp. Để diệt trừ vọng tưởng, người có thể thực tập quán bất tịnh. Thứ nhất, quán từ đầu đến chân, cơ thể gồm 36 vật bất tịnh như tóc, lông, móng, răng, da mỏng, dạ dày, máu mủ, thịt, gân, mạch, xương, tủy, gan, phổi, tim, lá lách, dạ dày, đồ ăn, ruột non, ruột già, phẩn, nước tiểu, nước mũi, nước miếng, mồ hôi, nước mắt, ghèn, ráy tai, cáu bẩn, óc, bong bóng, mật đàm, bầy nhầy, mỡ, mỡ sa, màng óc. Thứ hai, quán thây mới chết bầm xanh hoặc tím ngắt, thần thức rời khỏi thân, nằm một xó không thể cử động hay làm ăn gì được. Thứ ba, quán thân thể sình trương lên không còn thể trạng ban đầu được nữa. Thứ tư, quán thân thể nứt nẻ, bao nhiêu chất dơ chạy rịn ra. Thứ năm, quán thân thể mục rã không còn hình dáng ban đầu. Thứ sáu, quán sự hôi thúi bốc lên như mùi chuột chết. Thứ bảy, quán thân thể bị tấn công bởi các loài sinh vật nhỏ bé như vi trùng, giòi đục. Thứ tám, quán xương lâu năm bị mục rữa trở về với đất. Thứ chin, quán xương hay phần thân còn lại bị thiêu đốt, tan ra thành tro bụi, một cơn gió thoảng qua bay đi bốn phương tám hướng. Quán bất tịnh để làm giảm hay diệt trừ sự dính mắc vào thường và ngã. Nghĩ rằng đời sống này là thường còn nên dính mắc vào những trò chơi tà dục. Nghĩ rằng thân thể này là ngã nên chiều chuộng bằng những trò chơi tà dục. Người bị trùm kín bởi thường và ngã nên bị lạc vào tà từ duy vì suy nghĩ tà nên hành động, lời nói cũng thế mà tà theo, đi về hướng của bất tịnh. Thân thể bất tịnh cũng là đề mục thiền quán để thấy rằng thân thể này không phải là ta, ta không bị kẹt vào thân thể này nhưng nhở thân thể này mà ta hành trì giáo pháp, nên nói thân thể là đền thờ tâm linh là như thế.

Tư duy ở trình độ xuất thế gian là không còn bị kẹt vào ý niệm thường hay vô thường nữa. Chánh tư duy là sử dụng vô thường để quán chiếu vạn vật nhưng khi ở trình độ xuất thế gian, thường hay vô thường cũng vậy mà thôi. Người cứ mải mê ngồi tranh cãi, mất thì giờ lắm. Giống như trường phái duy tâm và duy vật, cứ tranh cãi mãi, còn thời gian đâu mà nhìn thấy nhau. Người tu có hai giai đoạn thực chứng. Giai đoạn thứ nhất là thực tập vô thường để biết rằng mọi thứ đều vô thường, nhưng vô thường không chỉ là khổ mà còn là hạnh phúc. Giai đoạn thứ hai là thực tập dù thường hay vô thường thì cũng vậy mà thôi, không còn kẹt vào bên nào nữa. Người tu thiền không kẹt vào thiền, người tu tịnh độ không kẹt vào tịnh độ. Tịnh độ là thiền và thiền cũng là tịnh độ. Trong sách Hơi Thở Tinh Khôi, tôi có đề cập một bài thiền niệm Phật còn gì. Vậy cái gì gọi là thiền, cái gì gọi là tịnh độ? Chấp vào thiền hay tịnh độ thì bao giờ mới gặp thiền hay gặp tịnh độ. Học trò hay hỏi tôi, Biết bao giờ con mới gặp thầy. Tôi nhắn lại, con đã gặp rồi đói. Hay người hỏi, Biết bao giờ mới được gặp Phật. Tôi cười, con đã gặp Phật rồi còn gì. Người nghĩ gặp tôi là phải thấy cái hình tướng của tôi hay gặp Phật là phải thấy cái hình tướng của Phật. Nghĩ vậy là đem cái ngã ra mà nghĩ hay đem cái tà tư duy ra mà nghĩ. Người và tôi là một thì người chỉ cần gặp chính người thôi. Phật tính trong người thì chỉ cần ngồi tâm sự với Phật tính đó thì người gặp Phật thôi. Có bao giờ người ngồi suy nghĩ, lúc 20 tuổi sao thấy hồi 10 tuổi ngây ngô, rồi 40 tuổi sao thấy hồi 20 tuổi ngây ngô, rồi 60 tuổi sao thấy hồi 40 tuổi ngây ngô, rồi 80 tuổi sao thấy hồi 60 tuổi ngây ngô. Người hình như ngây ngô qua các thời đại, nhưng trong thời đại đó, người không thấy mình ngây ngô, mãi sau này mới thấy. Cũng vậy, nếu tìm về được với chánh tư duy, người sẽ thấy mọi tư duy trước đây đều là tà tư duy, thấy sao mình bấy lâu dại dột quá, đánh mất mình quá.

Với xuất thế gian, mọi tư duy đều là tà tư duy cho dù đó là chánh tư duy hay tà tư duy, và mọi kiến đều là tà kiến cho dù đó chánh kiến hay tà kiến. Đã nói rồi, xuất thế gian thì còn gì đâu nữa mà phân biệt, cái gì cũng tự tại mà. Phật dạy quán khổ để bỏ ảo tưởng về vui. Chánh tư duy được dạy không phải để nói cho vui mà để thực tập, đem tư duy chân chánh mà nhìn cuộc đời. Người sẽ bớt khổ khi thấy người thân ra đi, bản thân thì cũng thay đổi, người thế này người thế kia, người ghét người thương. Tư duy chân chánh không làm hại được người nên người hãy cần mẫn thực tập đem con mắt vô thường, vô ngã, vô tướng mà nhìn sự vật trôi đi một cách bình an. Đừng bao giờ bị kẹt vào những ý niệm hay ngôn từ. Từ ngữ sử dụng để dễ dàng liên tưởng mà thôi và nhiều khi cái liên tưởng không như sự thật đang diễn ra. Nói vô thường không phải là để phân biệt với thường mà nói vô thường là để không bị kẹt vào thường lẫn vô thường. Những ý niệm hay ngôn từ đều có giới hạn, không diễn tả hết sự thật. Nếu hỏi tôi, thiền là gì. Chắc chắn tôi không trả lời và cách trả lời hay nhất là chính người phải nhào vô mà thực tập thiền thì mới hiểu được. Dù tôi có giải thích cách mấy người cũng chẳng hiểu được hay chỉ thấy lớp vỏ bề ngoài của nó mà thôi. Không kẹt vào ý niệm như người tu không kẹt vào chuyện tu. Nếu cho rằng vào chùa để được an lạc, thảnh thơi thì lầm to. Không phải vào chùa mới tu mà tu khắp mọi nơi, ở đâu cũng tu được. Cũng vậy, nói Niết Bàn là hoàn toàn tĩnh lặng, là tắt ngấm thì kẹt vào ý niệm tĩnh lặng, ý niệm tắt ngấm. Hãy nhớ rằng, trong vùng khổ đau vẫn có thể thực tập tĩnh lặng như thường.

Tà tư duy là sự suy nghĩ hay tư duy không dựa trên nền tảng căn bản của sự thật mà xa rời sự thật. Sự thật không được đem ra áp dụng để nhìn vạn vật. Suy nghĩ sai lệch về chân lý nên hành xử cũng sai lệch như vậy. Đọc một bài kinh, một trăm người hiểu theo một trăm cách khác nhau và nếu tổng hợp một trăm cách hiểu đó lại vẫn chưa chắc phản ánh cách mà kinh muốn nói. Đọc kinh chỉ để đọc kinh thôi. Đọc kinh không phải là để hiểu nhằm nâng cao kiến thức. Khi nhân duyên đầy đủ, trong lúc chú tâm đọc kinh, trí tuệ bỗng nhiên bừng sáng, như màn đêm tối tăm được thắp sáng bởi một ngọn nến. Sống để hưởng thụ, là tà tư duy. Sống để tranh quyền đoạt lợi, tom góp hạnh phúc về phía mình, là tà tư duy. Đời sống này kéo dài mãi mãi, thành tựu này kéo dài mãi mãi, là tà tư duy. Tà tư duy phát khởi và cứ thế leo thang từ đời này sang đời khác. Nhiều tà từ duy được trao truyền từ nhiều thế hệ rồi đi vào con cháu, con cháu trở thành nạn nhân của những trò tà tư duy của cha ông hay tổ tiên để lại. Tà tư duy làm cho tâm hồn trở nên tầm thường và điên loạn. Sống chỉ để vươn lên địa vị cao trong xã hội chẳng phải tầm thường là gì. Người tôn thờ cái bên ngoài hơn cái bên trong chẳng phải tầm thường là gì. Khi đau khổ đến, người không tìm hiểu nguyên nhân của nó để giải quyết mà chỉ nổi giận, trách cứ, than vãn hay chỉ trích, đây chẳng phải tầm thường là gì. Những trò chơi điên loạn được đặt ra để trốn chạy thực tại khổ đau làm xóa nhòa thực tại hạnh phúc. Mặt trời đang lên mang lại sự sống muôn loài nhưng người không đủ thì giờ để nhìn thấy, người đang điên loạn. Người thân thương đang có mặt cho người nhưng người không đủ thì giờ để nhìn thấy, người đang điên loạn. Hoa lá, cỏ cây, nụ cười bé thơ, tiếng líu lo của những đàn chim, đàn thiên nga đang tung tăng, chú chó chơi đùa với trái banh nhưng người không đủ thì giờ để nhìn thấy, người đang điên loạn. Trái tim còn khỏe, lá phổi còn thở, đôi mắt còn sáng, thân thể còn lành lặn nhưng người không đủ thì giờ để tận hưởng, người đang điên loạn.

Những tư duy tiêu cực dễ dẫn dắt đến tà tư duy. Cứ tin một cách mù quáng rằng cuộc đời này là khổ, không có hạnh phúc nên người đày đọa bản thân không dám tiếp xúc với đất trời bên trong và bên ngoài. Người thích đứng lẻ loi giữa những tòa cao ốc chọc trời không một bóng cây xanh trong khi đất trời ban tặng những hàng cây xanh rì ở công viên, đồng quê hay khu rừng. Suy nghĩ không đích thực về đạo lý nên người có thể tôn thờ đạo lý sai lệch. Giết hại sinh vật để cúng tế thần linh hòng mong hưởng an lạc thái bình nghe có vẻ sai lệch. Chưa thấy an lạc thái bình đâu, chỉ thấy sự kêu la rên xiết của chúng sinh. Đoạn trừ tà từ duy bằng cách quán tà tư duy, quán nguyên nhân của nó và quán tà tư duy dẫn người đi đến đâu, khổ đau hay hạnh phúc. Một người mình tự cho là làm hại mình, nên mình mong người đó gặp tai nạn hay chết đi cho rồi, tà tư duy. Một người có nhiều tài năng, làm việc giỏi giang, nhiều thành tựu, mình mong người sức cùng lực kiệt, đi chỗ khác cho khuất mắt, tà tư duy. Cuộc đời quá khổ sở, mình muốn tự sát để xong cho rồi hay đi đến cõi khác tốt đẹp hơn, tà tư duy. Thay đổi người khác bằng cách áp đặt, chuyên quyền, không nể nang ai, tự tung tự tác, tà tư duy. Bảo vệ sinh mạng mình bằng cách hy sinh sinh mạng của chúng sinh, tà tư duy. Mình làm sai, xúi giục kẻ khác theo mình, khen ngợi cái sai và tôn thờ cái sai, tà tư duy. Sở dĩ người có tà tư duy và không thể tiếp xúc với chánh tư duy là do cố chấp. Cố chấp có mặt vì nghiệp quá sâu dày. Nghiệp ngăn cản không cho minh hiện tiền. Người đi như kẻ mộng du, thức như đang ngủ mê. Tâm đang bất an nhưng tưởng là an, đang đau khổ nhưng tưởng hạnh phúc. Mọi thứ điều do tưởng mà ra. Tưởng cao siêu, tà tư duy càng dày đặc. Nhìn cọng dây tưởng con rắn, nhìn lá chuối đung đưa tưởng là ma, nghe người nói tưởng đang chỉ trích mình. Chánh niệm về tưởng để có cái nhìn đúng đắn hơn. Biết nhìn đúng đắn thì mới biết nhìn đích thực, từ đó mới mong hạnh phúc vẹn toàn.

Hãy chấp nhận để còn nhìn thấy nhau
Khóc than chi cho hoa lá úa màu
Tha thứ bao dung cho đời bớt khổ
Đừng để lệ đổ ánh mắt héo hon.

Xin đừng bước đi vào những lối mòn
Đừng suy nghĩ những đạo lý thường còn
Cất tiếng hát mà ngợi ca sự sống
Trời bão giông vẫn giữ tấm lòng son.

15. Chánh ngữ và Tà ngữ, Ái ngữ và Ác ngữ – Thơm Tho Từng Lời Nói – Những trái tim đồng dạng

Những trái tim đồng dạng (P3)

Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không tạo nghiệp bất thiện trong lời nói. Bài kệ Súc Miệng có đoạn,Súc miệng tâm sáng bừng – Thơm tho từng lời nói – Gói ghém từng câu chữ – Chánh ngữ hiện trên môi. Suy nghĩ đúng đắn và suy nghĩ đích thực giúp lời nói đẹp và nói đẹp cũng là hạnh. Súc miệng hay đánh răng là một bài thực tập chánh niệm, theo đó súc miệng chỉ để súc miệng hay đánh răng chỉ để đánh răng. Miệng và hàm răng là nơi biểu lộ những lời nói và nói như thế nào mà bản thân có thể có hạnh phúc, có an lạc, không bị mệt mỏi và hối tiếc. Chánh ngữ là nói lời sự thật, sự thật không đơn thuần là có sao nói vậy mà sự thật còn bao hàm chánh pháp trong đó như căn cứ vào nhân quả, không sinh không diệt hay tính không của sự vật để nói. Dù đối tượng lắng nghe là ai, lời nói trên chánh pháp không làm người chạy theo đối tượng. Chẳng hạn, để lấy lòng người, mình có thể rơi vào tính ba phải, nói hai lưỡi hay a dua theo hoàn cảnh. Sử dụng chánh pháp làm kim chỉ nam soi đường, như là vị minh sư của mình để không nhất thiết phải thuận theo hoàn cảnh vì tâm làm chủ hoàn cảnh, không để hoàn cảnh làm chủ tâm. Một số đứa bé sinh ra thiếu may mắn nên không nói được hay không nghe được. Hạnh phúc lớn nhất của chúng là nói những lời yêu thương và nghe những lời yêu thương. Chánh ngữ đề cập đến lời nói đẹp, không kỳ thị, không gây đau khổ, không tạo sự hiểu lầm hay không tạo chiến tranh. Điều này dễ hiểu, bất cứ ai cũng muốn lắng nghe lời nói tươi mát, tạo nên sự bình đẳng, phát khởi hạnh phúc, thấu hiểu lẫn nhau và xây dựng hòa bình. Người có từ tâm luôn nói lời chánh ngữ, lời nói của trang nghiêm và thánh thiện, khi cất lên ai cũng muốn nghe và chờ đón sự tươi mát phát ra thành âm thanh. Lợi ích lớn nhất của chúng sinh là được thọ hưởng những lời nói đẹp, những âm thanh vi diệu của chánh pháp nên quyết tâm không đánh mất thì giờ vào việc ăn nói phù phiếm, vô ích hay lời nói chia rẽ gây nên tình trạng lụi tàn trong sinh tử.

Miệng không chỉ để ăn mà còn chế tác món ăn và chánh ngữ là một tên gọi của thức ăn do miệng làm ra. Ở nhà hàng Việt Chay có một món ăn tên là Chánh Ngữ và khi ăn mình nguyện thực tập hạnh nói đẹp như tên món ăn để chánh ngữ mãi hiện trên môi. Có những thói quen trong lời nói cần được thực tập để chuyển hóa nhằm đem con người lại với nhau. Bấy lâu mình quen lên tiếng chỉ trích, phản bác, buộc tội nên người nghe khổ rất nhiều và mình cũng đâu có vui gì. Tại sao mình không thay đổi cách nói chuyện để biết hiểu, biết nghe và biết thương hơn. Bài kệ Nghe Điện Thoại có đoạn, Âm thanh xa ngàn dặm – Xây dựng niềm tin yêu – Mỗi lời là châu ngọc – Mỗi lời là gấm thêu. Châu ngọc phải dùi mài mới sáng trong, lời nói cũng cần phải dùi mài như vậy. Gấm phải cần người công phu dệt nên tà áo, lời nói cũng cần phải công phu như vậy. Nghe người ca sĩ hát một bài ca, ắt hẳn người phải trao dồi âm thanh và gọt dũa ca từ rất lâu mới cất lên âm thanh du dương như thế. Nói về sự dịu êm thì không có gì êm dịu bằng lời của mẹ. Khi lời mẹ cất lên, con chỉ muốn lắng nghe và buông xuôi mọi thứ chỉ để tập trung vào nghe thôi.

Tà ngữ là không sử dụng sự thật để thuyết lên điều thiện. Khi nói điều thiện, mình đang diễn thuyết tình thương và khi nói sự thật, mình đang đích thực nói pháp. Đức Phật nói pháp, vị tu sĩ nói pháp, mình cũng có thể nói pháp được nếu biết nói lời sự thật. Chiếc lá là bài pháp thoại về đất, nước, lửa và gió. Bông hoa là bài pháp thoại về không sinh không diệt. Vạn vật đang thuyết pháp, nếu biết lắng nghe, mình sẽ nghe được lời chánh ngữ. Nếu lời nói rõ ràng như sự thật của chiếc lá và đẹp đẽ như bông hoa, người đang thuyết pháp. Tà ngữ là một thất bại và chánh ngữ là một thành công. Mình nói lời hay, mang lại sự tin yêu cho người nghe, chứng tỏ mình đã có sự tu tập. Khi nói được lời đẹp, hãy đi vào vùng khó nói nhất để kiểm chứng lời nói của mình. Nhìn lại em bé khuyết tật không nói được ở trên, cái em thèm nhất là nói lời yêu thương; hoặc nghe một cụ già bệnh tật trên giường muốn trò chuyện với con cháu nhưng khó khăn lắm mới bật lên thành tiếng. Mình còn trẻ và khỏe, mình không bị khuyết tật, tại sao nói một lời sự thật lại khó khăn như vậy? Ai nói lên lời gì mà không làm khổ mình, không làm hại người là đang thuyết pháp. Ai nói lên lời gì mà làm khổ mình, làm hại đến người là đang hủy hoại giáo pháp. Hoàn cảnh có thể đưa đẩy người đi vào vùng tà ngữ, đánh mất sự kiềm chế như cơn giận lên cao, tâm tham đang ngự trị hay cái si đang lấp đầy, mình nên đi ra khỏi vùng tà ngữ đó bằng cách thực tập im lặng, quán chiếu hậu quả nếu tà ngữ văng ra. Nói cách khác, tà ngữ là kết quả của người bị cái tôi, bản ngã, các tâm bất thiện chinh phục. Thực tập thiền im lặng hay thiền lạy để buông bỏ những cái tôi hay buông bỏ những ô nhiễm còn ngủ ngầm trong tâm. Khi lạy, không phải tính từ bi hay hạnh tĩnh lặng của đức Phật chinh phục mình mà là tính tham, tính si, tính ngã mạn đã bị tính khiêm cung của mình chinh phục.

Im lặng để cho tôi thấy khổ đau hay hạnh phúc là một. Khổ đau phát khởi thì nhìn lại mình đã nói gì, làm gì, nghĩ gì để khổ đau xuất hiện. Hạnh phúc phát khởi thì nhìn lại mình đã nói gì, làm gì, nghĩ gì để hạnh phúc xuất hiện. Có bao giờ tà ngữ đem lại hạnh phúc không hay chỉ toàn khổ đau. Có bao giờ chánh ngữ đem lại khổ đau hay chỉ toàn hạnh phúc. Thực tập chánh ngữ thì khổ đau sẽ run rẩy, quỳ mọp dưới bức tường thành vững chắc của hạnh phúc. Do lụy vào hoàn cảnh, mình sẽ dính vào cái được cho là cảnh hạnh phúc hay cảnh khổ đau, đây gọi là sự nghiệt ngã hay bất hạnh của tâm. Tâm đang bị đói lả bởi những thèm khát hạnh phúc hay xa lánh khổ đau. Mong mỏi xa lánh khổ đau cũng là một thứ thèm khát. Im lặng là chánh ngữ. Im lặng không chỉ có nghĩa không nói lời nào mà là im lặng trong tâm. Tâm im lặng thì mọi nhu cầu không còn nữa. Bất cứ tiêu chuẩn nào đặt ra đều không đả động gì được đến sự im lặng. Tâm im lặng là tâm dừng lại, không đòi hỏi sự thọ hưởng nào nữa. Thông thường mình tập nói lời chánh ngữ, tức là phải nói ra, phải có âm thanh, nhưng cháng ngữ trong tâm là sự im lặng, lời nói không âm thanh. Tâm thường thích thọ hưởng nên luôn muốn duy trì vì duy trì là để thọ hưởng. Tâm buông bỏ những mong muốn thọ hưởng để không còn duy trì gì nữa. Mình thực sự đang im lặng trong trường hợp này. Im lặng trong chánh ngữ còn nói đến việc không kẹt vào những quy ước hay ý niệm. Người đời quy ước có nhiều tiền là hạnh phúc, không được thương là khổ đau, cái này là cái bàn, ông kia là giám đốc hay khối cầu lửa nhô lên ở phía đông mỗi buổi sáng là mặt trời. Đây chỉ là tên gọi của những hợp chất được đặt ra để dễ phân biệt nên không kẹt vào ý niệm hay tên gọi thì mình im lặng.

Ái ngữ là một bài tập của chánh ngữ. Ái không phải là luyến ái hay ham thích mà là tươi đẹp và dễ chịu. Nói lời tươi đẹp như một bức tranh, từng lời nói là từng đường nét và tổng hợp bài nói chuyện, mình vẽ lên một bức tranh sống động. Tiếng Anh gọi là lovable speech, ái ngữ, đem sự dễ thương, nhân ái, chân thật để biểu hiện thành âm thanh. Mình là hiện thân của sự dễ thương không thể chối cãi được và biết cách tỏ bày sự dễ thương đó. Con người đến với nhau do có nhiều sợi dây ràng buộc từ kiếp xa xưa hay kiếp này. Sự ràng buộc sẽ dễ thương khi mình biết giao tiếp bằng lòng nhân ái, bao dung, chấp nhận. Sự giao tiếp có mặt thông qua nhiều hình thức và ái ngữ là hình thức chiếm nhiều thì giờ, nhiều phương tiện, nhanh nhất và hữu hiệu nhất. Có câu, Lời nói gió bay. Thật ra không có bay đâu mà vẫn còn đọng lại, đầu tiên là đọng lại từ người nói, trong tâm người nói, sau đó mới đến người nghe và người nghe có đủ lắng nghe thì mới hiểu được những gì người nói. Lời nói có thể tạo công đức là lời ái ngữ. Dùng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, không nhất thiết phải hoa mỹ hay quá cầu kỳ. Ái ngữ là hương thơm của bông hoa chánh ngữ và là cách ứng xử đúng đắn để điều phục trước hết cho bản thân. Ái ngữ là lời nói của sự hiểu biết, hoa trái của công phu tu tập và hòa hợp trong sự thân thiện.

Lời nói của mẹ ngọt ngào và con chỉ muốn lắng nghe. Đứa cháu của tôi chỉ mới ba tuổi và tôi thấy bé cảm nhận tình thương trong lời nói của mẹ. Chị tôi đi chợ về, cất tiếng nói từ dưới nhà, bé ngồi trên lầu bỗng nhiên ngưng lại mọi hành động, tỏ vẻ nghe ngóng. Bé không muốn chơi những trò chơi nữa mà chỉ muốn tận hưởng lời mẹ nói từ xa. Bé biết mẹ đã về. Mấy tuần trước tôi không được khỏe, mẹ nhắn nhủ, Đến giờ uống thuốc rồi đó con. Lời nói gì mà nhẹ nhàng chứa biết bao yêu thương, chăm sóc. Tôi chưa kịp uống thuốc đã thấy khỏe rồi và cảm thấy bản thân có tội không biết gìn giữ sức khoẻ để mẹ phải lo lắng như thế. Khi lời nói ái ngữ sung mãn, mình không bao giờ muốn làm ai buồn, buộc tội ai hay lên án ai. Thực tập nói lời ngọt ngào như mẹ thì đi đâu cũng thấy yêu thương. Đôi khi phải nói lời ngọt ngào với chính mình vì bản thân bấy lâu đã phải hứng chịu biết bao tà ngữ. Khi suy nghĩ, mình đang nói chuyện với chính mình nên hãy dùng lời đẹp mà tâm sự với mình. Muốn ban tặng sự thanh cao, bản thân hãy làm sự thanh cao đó. Chưa nói được ái ngữ với bản thân, làm sao mình nói với người khác. Cho nên, khi suy nghĩ hãy suy nghĩ bằng lời ái ngữ, đừng để suy nghĩ bị lôi kéo vào tà dục, nếu không mình đang cố tình hưởng thụ trong suy nghĩ rồi thỏa thích trong đó. Mình đang bị lôi kéo bởi những tâm bất thiện. Vừa rồi tôi có đọc bài báo về việc các ông chồng thích nói lớn tiếng với vợ nhưng nói câu xin lỗi sau thấy khó quá. Nói lời không thiện rất dễ, thậm chí chửi thề mà thấy sướng cái miệng. Câu chửi thề là câu tục tủi, hôi thúi như đống phân. Tại sao lại đem đống phân đặt trên miệng của mình mà không chịu trồng những bông hoa tươi mát trên đó.  Một người bạn đang có hẹn với mình chờ hoài không thấy tới thì hãy suy nghĩ ái ngữ, cầu mong bạn được an toàn, có thể bạn đang bận việc nên chưa thể đến kịp hay bạn không khỏe mà lỡ hẹn với mình, cầu mong bạn có nhiều sức khỏe. Suy nghĩ về cuộc lỡ hẹn của bạn là ban tặng lời ái ngữ trong suy nghĩ, mình đã gần gũi bạn trong tâm tư rồi.

Ác ngữ là lời nói không đẹp, là biểu hiện của tâm tham, muốn giàng thắng lợi về phía mình. Lời nói gây chia rẽ, kích động hận thù, tạo chiến tranh là ác ngữ. Ng ười biết thực tập không bị kẹt vào những lời ác ngữ vì biết rằng đó là nghiệp của mình. Lời nói văng ra sẽ quay về phía người nên nói lời dễ thương, người sẽ nhận lời dễ thương, còn nói lời không dễ thương chắc chắn sẽ phải đón nhận những lời không dễ thương. Ăn nói như nước sôi tạc vào mặt người khác, ai ngờ lật ngược lại phía mình, người không phỏng mà mình bị phỏng, hết sức nguy hiểm. Ác ngữ vừa văn ra thì chính người nói vừa nhận một viên đá ứ ở trong họng. Ăn nói đẹp là phải ăn nói có ý tứ, không chỉ ý tứ ở đi đứng ăn mặc. Ngày xưa ba mẹ dặn con gái lớn đi đứng, ăn nói phải có ý tứ, tôi nghĩ con trai cũng nên như thế, cũng phải tập đi đứng, ăn nói có ý tứ. Ý tứ là lời nói phát ra từ suy nghĩ đẹp và những cái mình nói tùy thuộc vào cái mình suy nghĩ, bằng không mình bị chết đuối trong biển cả lời ác ngữ và nghĩ ác ngữ. Ăn nói thế nào là quyền tự do của mình nhưng làm khổ hay làm hại người khác bằng lời nói không phải là quyền tự do. Mình được giáo dục qua các thời đại để trao dồi nhân phẩm và đức hạnh, nên từ suy nghĩ thiện hãy phát ra lời nói thiện. Hãy xem lại tâm tham và tâm sân, chúng dẫn tới lời ác ngữ rất mau. Chúng la hét để mình sợ hãi và lời nói bị ô nhiễm, trở thành tàn hại, hết sức nguy hiểm. Ái ngữ là một hạnh bố thí, theo đó mình bố thí sự nhẹ nhàng, gần gũi, trì mến, tha thứ và bao dung. Không cần tốn tiền gì, mình vẫn hành hạnh bố thí. Đức Phật có khoảng 45 năm bố thí chánh ngữ, nói giảng pháp liên tục không mệt mỏi, đến khi cuối đời, Người vẫn hành bố thí. Nụ cười làm mình đẹp và chánh ngữ làm mình rạng rỡ. Chấm dứt những tối tăm của lời nói để mang lại ánh sáng cho gương mặt, đôi môi và tâm tư, mình nhé.

Vẫy tay vẫy tay chào nhau
Lời nói yêu thương nhiệm mầu
Xây dựng tin yêu khắp chốn
Từ giã khốn khó ra đi.

Diệu kỳ thay vầng trăng mát
Gió thổi bát ngát vào tim
Làm tan biến những đắm chìm
Khổ đau triền miên chuyển hóa.

Trong bùn hoa sen một đóa
Hào quang chói lóa đêm đen
Từ bi ngọn đèn soi sáng
Trên cao giọt nắng vừa lên.

Trích sách Những trái tim đồng dạng – TG Minh Thạnh.

(www.sachminhthanh.wordpress.com)

Phật Pháp Ứng Dụng