16. Chánh Nghiệp Và Tà Nghiệp – Đời Tươi Tợ Hoa Xuân – Những Trái Tim Đồng Dạng

Chánh nghiệp và Tà nghiệp
Đời Tươi Tợ Hoa Xuân

          Chánh nghiệp là hành động đúng theo lẽ phải, đưa người sanh về cõi thiện hay vun bồi thêm công đức cho đến ngày giải thoát. Những hành động không phạm vào sự sát sinh, trộm cắp và tà dâm là những biểu hiện của chánh nghiệp. Ý thức những khổ đau do sự sát hại gây ra, con nguyện không tham gia giết hại sinh mạng, không cổ xúy cho sự giết hại sinh mạng, không khen ngợi việc giết hại sinh mạng. Đồng thời con quyết tâm thực tập bảo vệ sự sống của các loài sinh vật, con người, môi trường và lên tiếng bảo vệ sự sống muôn loài. Ý thức những khổ đau do việc mất mát tài sản gây ra, con nguyện không lấy của không cho, không cổ xúy cho sự lấy của không cho và không khen ngợi việc lấy của không cho. Đồng thời con quyết tâm thực tập tôn trọng quyền tư hữu, không làm giàu bất chính và không tư lợi dựa trên sự khổ đau của kẻ khác. Ý thức những khổ đau do tà dâm gây ra, con nguyện không ăn nằm với người không phải là chồng hay vợ của mình, không cổ xúy dâm dục và không khen ngợi dâm dục. Đồng thời con quyết tâm thực tập thân tâm, lựa chọn sống trong môi trường trong sạch, sử dụng các phương tiện một cách trong sạch và tiếp xúc với những nhóm người cam kết lối sống trong sạch.

        Kiến thức khoa học chưa chắc giúp phát triển được chánh nghiệp nhưng đạo đức học phần nào góp phần xây dựng chánh nghiệp. Ngày nay, đạo đức có thể bị bóp méo hay ảo đi nhiều nên người thực tập cần sáng suốt lựa chọn con đường đi. Việc giữ giới không làm đánh mất tự do, ngược lại làm phát triển tự do và bảo vệ hạnh phúc, nên không phạm giới để hạnh phúc thêm dài lâu. Đứa Phật dạy, Do cư xử mà các bậc hiền trí soi sáng tâm và trí tuệ bừng dậy. Tâm không ô nhiễm, hành động không ô nhiễm, tâm và hành động sạch đến nỗi, người khác sử dụng nó làm tấm gương để soi rọi vào. Người thực tập chánh nghiệp đích thực là bậc hiền trí vì không sa đọa vào những đường ác đạo, hơn nữa thấy được hạnh phúc chân thực là lối sống bình dị, bố thí và biết giữ gìn. Gần gũi các bậc hiền trí để học các hạnh hiền trí, nâng cao khiêm cung, từ tốn và sống chậm. Nhìn cách cư xử biết nhân cách của một người. Cách cư xử bao dung, tha thứ, hiền lành là biểu hiện của nhân cách từ bi, biết tu tập. Cách cư xử lên án, chỉ trích, dữ dằn là biểu hiện của nhân cách xấu ác, không biết tu tập. Muốn rèn luyện nhân cách, mình thực tập sự kiềm chế và tiết chế. Kiềm chế trước đòi hỏi của ngã mạn, muốn lấp đầy hay u mê tối tăm. Tiết chế trước những đòi hỏi về dục tình, chiếm đoạt và ba hoa. Kiềm chế được thì thân tâm thảnh thơi và tiết chế được thì thân tâm an lạc. Thân tâm nhiều lúc hành xử như con ngựa hoang hay con voi hoang, không biết tự chủ, để bị sai sử bởi tà dục. Tính ngựa hoang và voi hoang không được thuần phục, chúng sẽ trở thành những con mãnh hổ rất khó điều phục. Nhưng chỉ bằng một sợi tơ sen, mình có thể trói chặt con mãnh hổ nhờ theo dõi hơi thở hay đề mục thiền quán. Hơi thở ví như sợi tơ sen và theo dõi hơi thở là sử dụng sợi tơ sen trói mãnh hổ.

      Nghiệp là sự thật căn bản chi phối đời sống của chúng sinh nói riêng và vũ trụ nói chung. Gieo nghiệp thiện sẽ gặt hái quả thiện, gieo nghiệp ác thì gặt hái quả ác và không còn gieo nghiệp gì nữa, người mau chóng giải thoát. Sống cuộc đời thuần lương thì trước sau gì cũng gặp chuyện thuần lương nhưng ước nguyện như vậy vẫn còn phàm phu. Nếu phát nguyện bao nhiêu chuyện thuần lương đã làm từ những kiếp xa xưa đến nay để mong gặp Phật Pháp, tu tập nhiều thành tựu và mau chóng đạt quả vị giải thoát. Đời sống thuần lương là siêng năng làm điều thiện, tránh xa điều ác. Điều ác làm dễ nhưng điền thiện làm khó. Làm được điều thiện mà không kể công cũng khó. Không kể công được thì có chi gọi là điều thiện nữa. Soi lại những kiếp quá khứ mà mình đã làm hoàn toàn không khó, chỉ cần xét nhìn quả mình đang thọ hưởng. Quả hiện tại dễ chịu chứng tỏ quá khứ đã có đời sống thuần lương. Muốn soi kiếp tương lai cũng hoàn toàn không khó, chỉ cần xét nhân gieo hiện tại. Hiện tại sống đời thuần lương thì chắc chắn tương lai sẽ hưởng đời thuần lương. Thuần lương là lương thiện liên tục, làm những việc không khiến lương tâm bị tổn thương và cứ thế không ngừng nghỉ. Thế giới hiện đại này là thế giới trả nghiệp nhiều hơn và từ những nghiệp đang trả lại tiếp tục gieo tiếp nghiệp mới nên việc giải thoát ngày càng xa vời, minh chứng cho những khổ đau chồng chất. Nếu trước khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 diễn ra, số người đói là 400 triệu thì sau khủng hoảng, số người đói đã là một tỷ. Điều này nói lên con người sinh ra vừa khổ đau vừa may mắn. Khổ đau vì trả nghiệp triền miên và may mắn vì nhờ mang thân người mà lo tu tập. Mình phải có trách nhiệm với suy nghĩ, hành động và lời nói của mình. Người có trách nhiệm sẽ ngay lập tức hành chánh tư duy, chánh nghiệp và chánh ngữ. Người không có trách nhiệm không làm được những việc này và không có trách nhiệm đồng nghĩa với khổ đau. Mình đang bị tổn thương và chịu không nổi nên muốn người khác bị tổn thương với mình. Mình bán cái trách nhiệm của mình đi rồi. Vì trách nhiệm đời người lớn lao, mình trao dồi đức hạnh, không gây tổn thương cho ai và trước hết là cho mình. Dĩ nhiên, bảo toàn mình không bằng cách làm hại người khác. Thường xuyên chỉnh đốn và soi sáng bản thân. Không ai dám chắc rằng cả đời không làm hại ai, không nghĩ hại ai hay nói lời hại ai. Ngay cả suy nghĩ vi tế cũng có những suy nghĩ tàn hại. Nếu ngồi quán chiếu lại những gì mình làm từ trước tới giờ, chắc chắn mình chỉ muốn quỳ xuống sám hối mà thôi. Mình thường có khuynh hướng chạy theo tâm xà, rồi khẩu xà, rồi hành động xà, hơn là thực tập tâm Phật, khẩu Phật và hành động Phật, trong khi tâm Phật, khẩu Phật, hành động Phật là khả năng vốn có.

        Siêng năng làm điều thiện luôn là lời dạy của các bậc hiền trí. Siêng năng không làm điều bất thiện cũng có nghĩa siêng năng làm điều thiện. Người trẻ không biết nương tựa vào đâu nên nương tựa vào những điều sai lệch, vì vậy không nương tựa vào điều sai lệch đã là điều may mắn. Quán chiếu bản thân để thấy mình cần lười biếng điều gì và siêng năng điều gì. Lười biếng với điều bất thiện và siêng năng với điều thiện. Chánh nghiệp là siêng năng chân chính ở hành động thiện và tu tập là một trong những hành động thiện tối thượng. Khi hành động thì phải đến nơi đến chốn, không nửa vời, không hời hợt, không làm cho có. Sự lười biếng sẽ đẩy người xuống địa ngục rất mau vì khả năng thờ ơ với thực tại tăng vọt. Khổ đau cũng thờ ơ và hạnh phúc cũng thờ ơ. Chính sự thờ ơ này khiến mình xa rời sự sống.

        Cuộc đời này tươi tợ hoa xuân, đẹp và mỹ miều như hoa mùa xuân đang nở, cho dù đó là hạ, thu hay đông. Tôi đem bài kệ này để trên facebook với tựa đề kệ về Xuân, nhưng thật tiếc là rất ít người thấm nhuần triết lý xuân. Xuân chỉ là tên gọi và với người có tâm xuân thì dù hạnh phúc hay khổ đau thì xuân vẫn hiện tiền đấy thôi. Hạ là xuân, thu là xuân và đông cũng xuân. Tính xuân không biểu hiện ở thời khắc giao mùa của năm mới mà xuân này ở trong tôi, bao la và vĩnh cữu. Xuân đâu chỉ gói gọn trong lúc hoa mai nở đầu năm. Năm hết tết đến, mình trở về nhà, chúc tết ông bà, cha mẹ. Nhưng đừng có đợi đến tết mới cầu mong người thương nhiều sức khỏe bình an. Mỗi ngày hãy đi thăm ông bà thăm cha mẹ. Ông bà cha mẹ đang ở trong mình, mình thăm họ là thăm chính mình đấy thôi. Mình ơi, mình có khỏe không, mình có bình an không, hay bấy lâu nay mình đang rong ruổi để cho mình cô đơn héo úa, để cho ông bà cha mẹ cô đơn héo úa. Ngày nào cũng là xuân nên ngày nào cũng thăm ông bà cha mẹ, nhất là thăm mình. Để những ngày xuân trôi qua uổng lắm. Mình đang còn xuân thì sử dụng sắc xuân mà tô đẹp cho đời, đừng vướng vào những tình yêu nhỏ bé, những hành động thiếu chân chính để khi tuổi xuân qua đi, mình không ngồi hối tiếc sao thời trai trẻ trôi qua quá mau. Nhưng đã là tuổi xuân thì có bao giờ già, dù mình 20, 30, 50, 60 hay thậm chí 80. Nếu may mắn sống đến 90 thì vẫn còn xuân chán. Một bài hát có câu, Xuân đến xuân đi xuân lại tới, vì dù rằng mình có trôi qua nhiều mùa xuân, xuân vẫn như thế. Tâm xuân không phân biệt tuổi tác mà xuân càng lớn lên, người vẫn thấy thanh xuân, gừng càng già càng cay mà. Tâm xuân thì nhìn đời, nhìn đâu đâu vẫn thấy xuân. Tâm xuân nên nói lời xuân, hành động xuân. Ngày tết, ông bà hay dặn nói lời vui vẻ, không được nới những lời xấu, tức là nói lời xuân thôi, mình hãy áp dụng lời dạy mà nói lời xuân quanh năm. Ngày tết, cha mẹ dặn đi đứng cẩn thận, đi chùa, nghe pháp thoại, cúng dường trai tăng, tập thiền, giúp đỡ người nghèo khó, chia sẻ điều lành…, mình hãy áp dụng lời dạy mà hành động xuân quanh năm. Ngày xuân, ai cũng nở nụ cười xuân, mình hãy đem nụ cười này quanh năm. Đừng để mùa hè nắng gắt làm khô héo, đừng để mùa thu rơi rụng làm cô đơn, đừng để mùa đông băng giá làm lạnh lẹo. Dù mùa nào vẫn phải tu, vẫn phải hành động chân chính. Lúc nào cũng thế thì xá chi sự khác biệt của thời tiết, mùa nào cũng xuân như hành động nào cũng chân chính thì xá gì trả nghiệp.

       Tà nghiệp là những hành động phạm giới, dù ít hay nhiều dẫn đến sự bất tịnh nơi thân tâm do tưởng điên đảo mà ra. Hành động từ chối nghe pháp thông qua lời nói cũng là tà nghiệp, đơn giản mình đã từ chối làm điều thiện. Hành động quá dựa dẫm vào khoa học mà phỉ báng hành động dựa dẫm việc thực tập hạnh phúc Phật giáo đích thực là tà nghiệp. Quyết định do niềm tin sai lệch sẽ đưa đến đụng chạm, thương tổn, sầu muộn, phiền não và khổ đau. Những hành động được xem như tà nghiệp liên quan đến việc nam nữ đánh nhau, xem quân trận, xem súc vật hay người đánh đấu nhau, xem hát, nghe nhạc với nội dung kích động, làm tay sai cho kẻ khác, khen ngợi sự phạm giới, thậm chí mưu cầu sự phạm giới, sử dụng tà ma để xúi giục người phạm giới, khen chê pháp thoại, khen chê người nghe pháp thoại, chất chứa những phương tiện gây tàn hại… Tà nghiệp sẽ tạo nghiệp xấu và nghiệp xấu khiến người sinh về cõi xấu, còn lâu mới nhìn thấy bản thể của tâm, tức là khó thấy tính vô thường, vô ngã, tính bất định của tâm và dĩ nhiên làm sao tâm sáng trong, thanh tịnh.

        Sự nghiệp của người tu là tìm về bản thể trong sáng của tâm và không còn khổ đau nữa. Đã chánh nghiệp thì chỉ hành động mang lại hạnh phúc. Với Bồ tát Quán Âm, người hành động lắng nghe. Với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, người hành động nhìn sâu phát khởi trí tuệ. Với Bồ tát Địa Tạng, người hành động theo hạnh của đất. Tất cả đều là chánh nghiệp, hành phụng sự mang lợi ích đến chúng sinh, xây dựng mùa xuân hiện tiền vĩnh cữu. Hành động thành công là mang hạnh phúc đến cho mình và người và đó phải là hạnh phúc đích thực. Sự thành công không nằm ở yếu tố chỉ số theo kiểu chỉ số thông minh, chỉ số phát triển kinh tế hay chỉ số trong tài khoản ngân hàng mà thành công được đo lường ở phẩm chất của hạnh phúc do phẩm chất hành động mang tới. Giàu có chánh nghiệp là làm giàu chân chính, người biết mưu cầu hạnh phúc. Bố thí chánh nghiệp là bố thí hạnh phúc, làm cho tiếng cười vang mãi, niềm tin chói sáng và an lạc dài lâu. Học và hành tám con đường chân chánh là bố thí hạnh phúc, không cần tiền bạc, không cần quá nhiều công sức. Giống như ngồi yên và dừng lại. Ngồi yên là tâm ngồi yên không rong ruổi trong quá khứ, không mơ tưởng về tương lai. Dừng lại là không phóng tâm, không đòi hỏi, không kỳ thị. Gìn giữ bản thân đã là hành động chánh nghiệp cao cả, chưa làm gì nhiều, mình đã cống hiến hạnh phúc cho xã hội. Hãy làm một mùa xuân, mùa của giải thoát, mùa của an lạc.

Đời tươi tợ hoa xuân
Đây đạo lý thấm nhuần
Hạnh phúc hay đau khổ
Đời này vẫn còn xuân.

Xuân qua xuân lại tới
Rộn rã như gọi mời
Có chi mà phải đợi
Đây hiện tại bình yên.

Sự sống như thần tiên
Ôi lời mẹ dịu hiền
Bước đi như dừng lại
Hoa nở khắp mọi miền.

17. Chánh mạng và Tà mạng – Nếp sống thuần lương – Những Trái Tim Đồng Dạng

 

 Những trái tim đồng dạng (P4)

Chánh mạng và Tà mạng
Nếp sống thuần lương

         Chánh mạng là sinh sống bằng những nghề nghiệp lương thiện, đồng thời có khả năng giữ ít nhất năm giới cư sĩ. Hành động giữ giới là hành động lương thiện và sinh sống lương thiện không nằm ngoài mục đích giữ giới. Người có thành tựu hay không là nhờ vào giữ giới, cam đoan và thực hành giữ giới. Chánh mạng là một chi phần của tám con đường chân chánh dẫn đến diệt khổ và giải thoát. Thân mạng này là giả tạm và những gì người làm cũng nhằm phục vụ cho sự giả tạm ấy nên không mất thì giờ vào những công việc quá cầu kỳ, quá phức tạp, quá đòi hỏi và nhất là quá nguy hiểm không hỗ trợ cho việc giữ giới. Nếu lấy thân mạng này làm gốc, người dễ rơi vào sự cung phụng thân xác. Mắt thấy sắc đẹp thì sinh tâm dâm cuống, tai nghe lời dịu ngọt thì sinh tâm thèm khát, mũi ngửi mùi thơm thì sinh tâm dính mắc, lưỡi nếm thức ăn ngon thì sinh tâm tham đắm, thân có xúc chạm dễ chịu thì sinh tâm luyến ái. Vì muốn được thụ hưởng hơn phụng sự, người làm việc bán sống bán chết để đem đến sự cung cấp giả tạm nhằm nuôi cái thân giả tạm. Sống một đời trong sạch, rèn luyện đạo đức và thực tập tuệ giác, cuộc đời rủ bỏ những âu lo, chỉ còn lại màu xanh tươi mới. Xác thân này cần được chăm sóc để không bệnh tật, đủ sức khỏe để hành đạo, và hoằng đạo. Xác thân bấy lâu bị lạm dụng quá nhiều trong những tấn trò đời nên hãy chăm sóc cho nó, để xác thân được buông thư, an lạc và thảnh thơi. Khi chưa vững người nên xa lánh những pháp nhiễm ô, gần gũi thiện tri thức, học tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả. Đưa những tâm không biên giới này vào áp dụng đời sống hàng ngày để đủ sức thở, đủ sức cười, đủ sức thấy bầu trời xanh trong. Người không lo không phải là người vô tâm mà không lo tức là buông bỏ những bận rộn, kể cả những bận rộn không tên. Thời gian trôi qua như tên bắn và ngày nay phải sử dụng tốc độ của tàu siêu tốc để nói về thời gian nhưng chỉ cần buông bỏ bận rộn, người thảnh thơi ngay lập tức, thảnh thơi cả những thời khắc bận rộn nhất trong cuộc đời.

         Thành đạt không được đo lường ở những chỉ số, như chỉ số phát triển GDP, chỉ số chứng khoán hay chỉ số thông minh mà thành đạt nằm ở mức độ giữ giới của con người. GDP phát triển nhưng vẫn bảo tồn môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường, sự phát triển có phẩm chất hơn. Chứng khoán phát triển nhưng kèm theo đó là bao thứ lo toan, mệt nhọc, căng thẳng, vậy đây có gọi là thành tựu không? Chỉ số thông minh rất cao nhưng không hẳn là không hết vô minh. Một xã hội phát triển tri thức là điều tốt nhưng hãy mang theo nó sự thấm nhuần của đạo đức. Người thực sự thành đạt không đo lường bởi bằng cấp hay địa vị xã hội mà bằng tấm lòng và nhờ thế người quyết tâm thực tập chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp… Như một người dù chiến thắng ngàn quân địch trên chiến trường cũng không bằng chiến thắng bản thân mình. Sống để chiến thắng những thứ bên ngoài là chiến thắng tạm bợ, hết sức nhỏ nhoi. Người giỏi chỉ biết thực tập để chiến thắng mình thôi. Mình không chiến thắng nổi thì những cái gọi là chiến công hiển hách, công thành doanh toại, bản hiển đề danh cũng như huyễn. Thành đạt là tự do tuyệt đối một khi người liễu thoát tử sinh. Còn làm mồi cho cái chết, cái sinh thì người còn kẹt vào đủ thứ. Mình có quyền làm việc, kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp nhưng làm việc như thế nào để giới hạnh được bảo toàn. Giới không phải để thọ, để giữ mà giới để bố thí. Bố thí giới chính là đang giữ giới, nói cách khác là giữ hạnh phúc và bố thí hạnh phúc. Mục đích của người tu là vượt thoát tử sinh. Mình có quyền tu thì người khác có quyền không tu. Mình không được cho rằng những điều mình nói ra là hoàn toàn đúng. Cái mình nói chỉ là sự chia sẻ, tùy theo thuận duyên mà người nghe chấp nhận hay không, rồi từ đó bản thân người nghe có sự thấu hiểu và đón nhận. Nhưng nếu muốn thoát tử sinh, người thực tập đầu tiên là giữ giới và giới là nền tảng để đi xa hơn trên con đường tu học. Dù người làm nghề nghiệp nào hay lựa chọn nghề nghiệp, hãy dừng lại một chút để suy nghĩ, ngành nghề đó có giúp mình giữ giới không, môi trường làm việc có hỗ trợ mình giữ giới không, các đối tượng mình tiếp xúc có khuyến khích mình giữ giới không. Nghề nghiệp lành là làm những việc kiếm sống không hổ thẹn với lương tâm, tạo cội phước cho bản thân và con cháu, bảo tồn những hạt giống trong lành do tổ tiên trao truyền. Giảm thiểu sự tiêu dùng hay đòi hỏi để không nhất thiết phải bươn chãi quá mức. Sống đạm bạc để có đủ thì giờ tu tập.

        Đời sống chúng sinh là một tiến trình tạo nghiệp và trả nghiệp. Sự nghiệp thành đạt hay không cũng do nghiệp. Người học rất giỏi nhưng không thành đạt vì thiếu may mắn. Người học không cao nhưng vẫn thành đạt vì may mắn dư dả. May mắn ở đâu mà có? Có phải do nghiệp không? Dù chối bỏ nghiệp cách mấy, nghiệp vẫn đi theo người như hình với bóng, không thể bay lên mây hay lặn xuống biển sâu mà tránh được. Việc tôi ngồi viết mấy cuốn sách này cũng là sự vận hành của nghiệp duyên, nên nói tôi viết, tôi là tác giả, nghe sao có vẻ viễn vong. Tất cả đều đã định sẵn và cứ thế trôi đi. Nói vậy để hiểu sự nghiệp có hiển hách cũng chớ vội kiêu ngạo, có đó rồi sẽ mất đó. Sự nghiệp có điêu tàn cũng chớ vội buồn rầu, đến lúc nào đó cũng sẽ hiển vinh. Nhưng đừng kẹt vào cái thành hay bại. Thành bại có xá gì với đau khổ chất chồng mà cả thành lẫn bại gây ra. Thành cũng vui mà bại cũng vui. Cái vui này có được từ phẩm chất của việc giữ giới nên người không âu lo, rầu rĩ về thân phận hay số kiếp. Hai chữ vinh nhục không là gì cả, bởi cũng là sự vận hành của nghiệp. Người giàu sang cho rằng chắc kiếp trước ăn ở đàng hoàng nên hưởng nghiệp tốt, công việc thuận lợi. Người nghèo hèn cho rằng kiếp trước ăn ở thất đức nên trả nghiệp xấu, công việc không thuận lợi. Đây là phản ảnh của sự bình đẳng. Nghiệp chính là sự bình đẳng, là cuộc đời có trả có vay, gieo nhân gì thì gặp quả ấy. Sự nghiệp tốt hay xấu mà có giữ giới thì yên tâm, không lầm đường lạc lối. Bằng không sự nghiệp có tốt cách mấy cũng đang đi xuống. Giữ giới thì cái gì xấu cũng hóa ra lành.

        Giữ giới trong mọi hoàn cảnh là bảo vệ sự nghiệp và thế hệ tiếp nối. Làm như vậy để thế hệ tiếp nối không bị tổn thương bởi những hành động phạm giới của cha ông chúng. Bất cứ dự án phát triển sự nghiệp nào đều phải nghĩ đến con cái, thế hệ mai sau, nếu không con cháu sẽ đi xin ăn và nhiều khi cũng không xin được. Xây dựng sự nghiệp vô tội vạ là minh chứng cho tâm tham lam và ích kỷ. Tham vì chỉ biết vun xén cho mình, còn ích kỷ vì quên chừa phần cho kẻ khác.

        Ngược với chánh mạng là tà mạng, tức là mưu sinh bằng những việc gây tàn hại cho chúng sinh và môi trường. Những gì lấy ra từ đất phải trả lại cho đất, nếu không trả được thì mắc nợ, nợ không trả nổi thì nghèo túng, thiếu thốn. Những gì lấy đi của người khác phải trả lại cho họ, nếu không trả được thì mắc nợ, oan gia tương báo không biết bao giờ mới trả xong. Ý thức những khổ đau do sự trộm cắp gây ra, con nguyện tôn trọng quyền tư hữu, không làm giàu bất chính dựa trên khổ đau của kẻ khác, không tích trữ đầu cơ, không làm hại sinh mạng, không lừa lộc, chiếm đoạt tài sản, kể cả cái gọi là quốc hữu hóa, không lấy những của không cho hay không phải của mình. Tà mạng tự hoạt giới có đoạn, “Nếu Phật tử dùng ác tâm lợi dưỡng mà buôn bán nam sắc, nữ sắc, tự tay làm đồ ăn, tự xay, tự giã, xem tướng, bàn mộng, đoán sẽ sanh trai hay gái, dùng bùa chú, pháp thuật, làm nghề nuôi ó và chó săn, nghĩ ra phương pháp hòa hiệp năm thứ thuốc độc, nghìn thứ thuốc độc: độc rắn, độc sanh kim ngân, độc sâu cổ, đều là không có lòng từ bi, hiếu thuận. Nếu cố làm các điều ác như thế, Phật tử này phạm khinh cấu tội.” Nói tóm lại, nghề nghiệp nào ngăn chặn, tiêu diệt và loại trừ lòng từ bi đều là tà nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần một số nghề nghiệp được nêu ra trong đoạn giới cấm trên. Thân thể là phước điền, thân Phật là phước điền của chúng sinh. Hãy sử dụng thân này làm nghề nghiệp lành, nhằm phát khởi từ bi, tu từ bi và hành trì từ bi. Những nghề nghiệp hợp pháp thì nên làm, còn không thì thà chết cũng không làm. Thay vì sát sinh để lấy thịt phẩm thì trồng rau củ để ăn, vừa giữ sức khỏe, vừa giữ giới. Một học trò hỏi tôi, rau cải và sinh vật đều có cùng tự tánh, thì ăn rau cải cũng như ăn sinh vật thôi. Câu nói này không có gì sai cả, ngay trong Tỳ Kheo Giới, cũng có đoạn cấm sát hại cỏ cây hay cấm gây tổn hại hạt giống. Người tu cần ăn để tiếp tục hành trì giáo pháp và độ đời nên dù sử dụng đồ chay hay mặn đều phải quán nguyện, nguyện sử dụng thức ăn này để tiếp tục con đường tu và độ đời. Đây là việc làm của chánh mạng, còn sử dụng thức ăn, dù chay hay mặn mà không có chánh niệm, tạo năng lượng đi vào lối sống tà dục hay làm việc bất chính, đấy cũng chính là tà mạng vậy. Chánh mạng hay còn gọi là tịnh mạng, làm việc chân chính đến nỗi thân tâm an tịnh. Tà mạng còn gọi là ác mạng, làm việc bất chính đến nỗi thân tâm bất tịnh. Cuộc sống sung túc nhưng bức hại chúng sinh, cuộc sống này không đáng có. Bức tử một khu rừng, bức tử một cánh đồng, bức tử một dòng sông… đều đồng nghĩa với giết hại chúng sinh và vô hình chung mình bức tử chính mình. Nghề nghiệp lành không mang dáng dấp của bức tử mà làm cho mọi thứ trở nên trong sạch, dễ chịu, mát mẻ, êm dịu. Nếu công việc gây khổ sở thân tâm, tại sao cứ phải dính vào nó mà không thoát ra. Sinh sống có trăm nghìn cách, đâu phải chỉ cách bức tử mới sống được, nếu đang sống thì cũng là đang chết. Người xuất gia làm hai công việc chính là khất pháp và khất thực. Khất pháp là cầu xin sự chỉ dạy của Như Lai để học hỏi chánh pháp. Khất thực là đi xin thức ăn nhằm bảo tồn mạng sống mà cầu pháp hành trì. Ngoài hai cái này ra, người xuất gia không nên dính mắc vào bất cứ công việc nào khác. Dù hoàn cảnh khắc nghiệt hay khó khăn cách mấy vẫn quyết chí giữ tâm bồ đề, giữ tấm lòng son. Công việc của người tu rất quan trọng, là nền tảng của chánh mạng, làm gương mẫu hành xử cho chúng sinh thực tập chánh mạng. Nghề nghiệp chỉ là phương tiện kiếm sống, đừng để bị kẹt trong cái gọi là cơm áo gạo tiền. Mục đích làm người là ăn để tu, duy trì mạng sống để tu, không nhằm mục đích gì khác nữa. Giải trí có thể chân chính hay bất chính. Lấy việc câu cá làm giải trí hay xem đi săn là môn thể thao thì thật đáng tiếc. Nếu không có chánh niệm, sự hả hê của bản thân nhưng lại gây tàn hại chúng sinh, một cách vô tình nhưng chính vô tình lại kết chặt sợi giây oan lớn. Tiếp nối câu, Khi mê bùn chỉ là bùn, khi ngộ mới biết trong bùn có sen, là câu, Khi mê tiền chỉ là tiền, khi ngộ mới biết trong tiền có tâm. Sử dụng tâm trong sạch làm việc trong sạch để kiếm đồng tiền trong sạch và khi tiêu xài nó, tiêu xài có chánh niệm. Sử dụng tâm bất tịnh làm việc bất tịnh để kiếm đồng tiền bất tịnh và khi tiêu xài nó, tiêu xài hết sức thất niệm. Trong tiền có tâm là như thế. Tiền không có tội vì nó là phương tiện, chỉ có tâm sử dụng nó có vấn đề thôi. Nhắc lại phần bồ đề tâm thì cũng nhắc đến phiền não tâm. Làm việc với tâm bồ đề là làm việc chân chính hết lòng, không phải để tranh giành khẩu phần, mà hướng tới sự hoàn thiện, tự nhiên lúc nào đó sẽ có sự đền đáp. Làm việc với tâm phiền não là làm việc bất chính hết lòng, làm để vượt lên thứ hạng cao trong xã hội, càng cao thì càng phiền não và chưa bao giờ thấy hoàn thiện cả, ngược lại thấy cứ lõm vào, cứ thiếu hụt mãi. (15) Hãy tập làm người có từ tâm bi tâm và là đứa con hiếu thuận. Từ tâm nên thương yêu muôn loài, làm những việc mang lại lợi ích cho muôn loài. Bi tâm nên thương xót nỗi khổ của muôn loài, không làm những việc gây đau khổ cho muôn loài. Hiếu thuận nên bảo toàn những hạt giống do cha mẹ trao truyền, đồng thời cam kết giữ gìn những hạt giống tươi đẹp đó trao truyền cho thế hệ tiếp nối, nuôi mạng bằng công việc chân chính, bản thân không là đứa con lạc loài.

Bồ tát là thương yêu người xấu tốt đều như nhau.
Bồ tát là đôi mắt đẫm lệ mà miệng nở nụ cười.
Bồ tát là bàn tay đưa nôi ngày đêm không chợp mắt.
Bồ tát là ra đi không để lại dấu tích.
Bồ tát là ôm tất cả địa cầu chúng sinh mà an ủi.
Bồ tát là niềm vui bất tận trên con đường sinh tử.
Bồ tát là từ sỏi đá nở ra đóa hoa vô ưu.

Dù cho vật đổi sao dời
Dù cho ai nói ngả nói nghiêng
Dù cho sông cạn đá mòn
Dù cho thịt nát xương tan
Dù cho mặt trời mặt trăng có thể rơi xuống
Tâm bồ đề trong con không hề lay chuyển
Con vẫn nguyện đi trọn đường tu.

Ngoài tâm bồ đề cao rộng
Ngoài ước nguyện thương yêu sâu
Ngoài thực tập con đường chánh pháp
Con không còn mong ước gì nữa cả

18. Chánh tinh tấn và Tà tinh tấn – Tinh tấn Ba La Mật Những Trái Tim Đồng Dạng

Những trái tim đồng dạng (P4)

Chánh tinh tấn và Tà tinh tấn
Tinh tấn Ba La Mật

        Tinh tấn là sự siêng năng như siêng năng làm điều thiện, hành thiền, học hỏi giáo pháp và dĩ nhiên cần lựa chọn kỹ hành động mà siêng năng. Tinh tấn để có thói quen tâm linh cao thượng, dồi dào những pháp thiện và không đưa thân tâm vào trong xiềng xích ngục tù của cái ác. Lựa chọn làm điều thiện để sống hết lòng với nó, người thoát ra khỏi những cám dỗ nhất thời mà có thể trong phút chốc đẩy người xuống tận cùng của khổ đau. Tinh tấn trong việc giữ giới vì giới là cần thiết hơn cả. Chưa hành thiền, chưa bảo hiểm tâm, chưa nói được pháp, chỉ mới giữ giới thôi, người đã rất đẹp, đã chấp nhận mình là con Phật. Tinh tấn với tâm thiện cũng là lúc làm cho tâm bất thiện được nằm im hay chuyển hóa. Giống như người phụng dưỡng cha mẹ thì sẽ không còn thì giờ đi vào con đường giải trí đến khi nhận ra được việc chăm sóc hai đấng sinh thành là niềm vui, là sự hưởng thụ, người không còn tầm cầu sự hưởng thụ ở đâu nữa. Người có những nổ lực và năng lượng nên hãy sử dụng chúng một cách đích thực, tức là đi về con đường thiện, đẹp đẽ và tuyệt vời. Thiện là những hành động mang lại hạnh phúc cho bản thân và chúng sinh. Đẹp đẽ là làm cho đẹp, không làm cho xấu, như trồng hoa trong vườn là làm đẹp, còn hủy hoại cây cối là làm xấu. Tuyệt vời là điều đáng khen, được các bậc thiện tri thức khen ngợi. Làm việc gì cũng cần chú tâm và tinh tấn thì mới thành công. Không siêng năng mà thành công cũng hơi khó, nhất là đường tu học. Phải tập mới được. Chưa kiểm soát được cơn giận thì phải tập. Ban đầu chưa như ý nguyện nhưng dần dà sẽ quen, ai chọc cũng không nổi giận. Chưa nói được lời ái ngữ thì phải tập. Ban đầu còn khó khăn nhưng riết rồi cũng quen, ai nói gì vẫn một mực giữ lời tươi như hoa. Không tập mà đòi thành tiên thành Phật nghe có vẻ ảo tưởng. Ban đầu sẽ có nhiều khó khăn, giống như làm ăn vậy, nhưng vạn sự khởi đầu nan, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng, vấn đề là mình có xắn tay áo vào mà thực tập hay không. Một công ty vừa thành lập, muôn vàn điều bất thuận lợi, nhưng nhờ thế, một giám đốc gan lì mới xông pha trong thương trường, rồi cũng sẽ được đền đáp. Người tu không được để thối chí tâm ban đầu vì khi đã có những tiến bộ, người sẽ tha thiết với con đường hành đạo, dẫu biết rằng vẫn còn nhiều chông gai. Làm việc gì cũng phải kiên trì, không gãy gánh giữa đường, không để dậm chân tại chỗ. Soi sáng lại bản thân là cách đánh giá những điều làm được và những điều chưa làm được để tránh than vãn, kêu khóc. Trên facebook, một mạng xã hội dùng để chia sẻ thông tin, nhưng hình như người ta thích lên đây để trách móc, kỳ thị nhiều hơn. Đó là minh chứng cho sự lười biếng và cẩu thả trong các mối quan hệ, không chịu tu tập, nói theo kiểu là phóng oán khí cho nhau. Đối tượng của kiên trì phải đúng mới được, nếu không sẽ trở thành phá hoại. Công nghệ ngày càng phát triển và tội phạm công nghệ cũng tinh vi theo. Nếu sử dụng công nghệ phục vụ lợi ích con người thì còn gì bằng nhưng sử dụng nó một cách tích cực để gây án, tích cực này gọi là tiêu cực mới đúng. Sự phát triển của Internet cũng phải kèm theo sự phát triển của tội phạm mạng và đầy dẫy những tà dục mạng. Lên mạng để than vãn, trách cứ bâng quơ cũng là một thứ tà dục, tà dục trong cách hành xử yếm thế, lười biếng trong giao tiếp.

          Tinh tấn Ba La Mật là hành tinh tấn theo Bồ tát đạo vì muốn đạt vô thượng Bồ đề, muốn cứu độ chúng sinh. Tinh tấn trong việc mang ơn và ghi nhớ công đức mà các đời chư Phật đã vì chúng sinh mà chuyển pháp luân. Cách hay nhất là hỗ trợ các vị ấy trong việc hành đạo và hoằng đạo. Tinh tấn trong việc thực hành chánh pháp, làm người lái đò của cuộc đời, đem cuộc đời ra mà làm gương. Giúp bản thân đã đành, còn giúp người sớm mau lên bờ giải thoát đến muôn kiếp sau vẫn hành như thế. Chư Phật nhập Niết Bàn nhưng vẫn tiếp tục rải tâm từ đến chúng sinh mười phương, chỉ mong mỏi duy nhất chúng sinh quay đầu là bờ. Tinh tấn trong việc của người tu sĩ, yểm trợ người tu sĩ ngày đêm để duy trì và phổ biến chánh pháp khắp nơi. Chỉ vừa mới khởi tâm tu, người đã ban phát hòa bình cho nhân loại, nói chi y theo những lời chư Phật dạy mà hành. Tinh tấn trong việc tu tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả nhưng như vậy vẫn chưa đủ vì chúng sinh đang cần nhiều hơn thế, đó là tâm đại từ, tâm đại bi, tâm đại hỷ, tâm đại xả. Lúc này, người nhân rộng tâm của mình ra, tu cho gia đình, cho đất nước, cho xã hội, cho cộng đồng, cho chúng sinh mười phương. Tinh tấn trong việc có mặt tại nơi khổ đau nhất, nguy hiểm nhất, những nơi không ai dám tới nhất mà phổ độ chúng sinh. Người biết cách diệt khổ và chuyển hóa khổ đau, nên người bung nó ra, chia sẻ đến tận cùng các phương pháp tu tập để cái gọi là khổ đau kia không còn nữa, thậm chí từ điển các ngôn ngữ không biết định nghĩa khổ đau là gì. Tinh tấn trong việc hành thiền khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nghỉ… không cho bất kỳ bất thiện pháp nào làm hại bản thân. Đem đại tạng kinh và thiền tập ra giảng nói, vì chúng sinh mà tầm cầu giải thoát. Hương giải thoát sẽ đến với người biết vượt qua những cửa ải của trầm luân, của mất tự do. Tinh tấn trong việc cứu giúp chúng sinh đang ở cõi dưới lẫn cõi trên hướng về ánh sáng Phật Pháp, nhận ra chân lý, thấy được con đường, tìm về bồ đề tâm. Người từng xuống địa ngục, từng hưởng những thú vui ở cõi trời, thấm thía những khổ vui quá mong manh, những kiếp đọa đầy quá lao lung nên hạ quyết tâm đi đến tận cùng của giải thoát. Tinh tấn trong việc mang thức ăn đến cho các loài ngạ quỷ, các chúng sinh đang đói khát triền miên. Những thức ăn của giới, của niệm, của định, của tuệ để địa ngục đen tối bừng sáng, giải trừ địa ngục, cứu hết tất cả chúng sinh cùng an hưởng thái bình. Tinh tấn trong việc biến địa ngục thành thiên đàng và không còn địa ngục nào nữa. Tu tập hạnh của đất, theo gương Bồ tát Địa tạng, nguyện có mặt ở nơi mà đau khổ đang chất đầy, xin tha thứ, xin bao dung, xin ôm lấy muôn loài. Cõi A tu la, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục, cõi súc sinh đang than khóc triền miên, khổ sở vô cùng, đang chờ người đến mà có chút an vui. Vậy sao người còn chần chừ gì nữa, hãy ngẩng cao đầu, bước đi đường hoàng, thực hành chánh pháp không mệt mỏi. Người cho rằng người đang đau khổ nhưng những chúng sinh khác còn đau khổ biết là bao nhiêu, thậm chí gấp hằng hà sa số lần người. Chỉ cần chuyển hóa chính người, biết bao nhiêu chúng sinh được chuyển hóa. Mới có một mình đức Phật giải thoát, tiếp theo đó, biết bao chúng sinh đã nối gót Người mà giải thoát. Nên giải thoát của người quan trọng lắm, người hãy tinh tấn để làm nên chuỗi giải thoát. Cầu nguyện là chuyện tốt nhưng chỉ có cầu nguyện thôi chưa đủ mà phải dấn thân. Đạo Phật là phải dấn thân. Giải thoát là phải dấn thân. Dấn thân đòi hỏi tinh tấn Ba La Mật. Hãy là Bồ tát Thế Thân hay Bồ tát Dấn Thân. Thế thân là thay chúng sinh mà chịu khổ và dấn thân là đi vào vùng khổ đau chịu khổ cho chúng sinh. Chịu khổ không phải là dành cái khổ của chúng sinh để gánh chịu mà chịu khổ đích thực chính là vì chúng sinh mà chuyển hóa khổ đau. (16)

        Người tinh tấn có rất nhiều sức mạnh, đi đến nơi đến chốn vì năng lượng tu tập rất lớn. Trò chuyện với người, tăng thân hay thiền thân có nhiều năng lượng này, người hưởng được nhiều lợi lạc, có thể chuyển hóa được bản thân. Thực tập đến đâu, niềm vui lớn đến đó. Khi tôi viết từng trang sách, tôi đều cầu nguyện nặng lượng chư Phật và chư Bồ tát giúp tôi viết được những dòng chữ này để đọc giả đọc tới đâu sẽ thấy an lạc, quyết chí tu tập và mau chóng đạt quả vị giải thoát tới đó. Sự tinh tấn của chư vị Phật, Bồ tát có sức ảnh hưởng lớn tới tôi và thông qua đôi dòng chữ truyền tải đến quí vị, hy vọng quý vị sẽ thọ nhận lấy. Sức mạnh của tinh tấn thể hiện ở cảm xúc. Khi một cảm xúc tiêu cực chưa phát khởi thì đừng tạo cơ hội cho cảm xúc ấy phát khởi. Chánh niệm về cảm xúc để nhận diện rõ ràng về bộ mặt của cảm xúc mà dừng lại, đừng mơn trớn hay lả lơi theo cảm xúc làm cho nó bùng dậy lấn át những tâm hành thiện. Tàng thức chứa đựng nhiều hạt giống thiện lẫn hạt giống bất thiện. Nếu siêng năng nuôi dưỡng hạt giống thiện thì hoa trái thiện của nó sẽ biểu hiện. Trồng cây xoài, chăm sóc nó bằng tình thương, bằng lựa chọn hạt giống tốt, tưới cây thường xuyên, sử dụng loại phân bón thích hợp, đến ngày nào đó, người nông dân gặt hái trái xoài thơm ngon. Trường hợp siêng năng nuôi dưỡng hạt giống bất thiện thì ngay cả hoa trái cũng không có vì chúng bị sâu bọ, chim quạ ăn mất rồi. Năng lượng sử dụng đúng mục đích, năng lượng sẽ có ích, bằng không nó sẽ phá hoại cộng với lòng nhiệt tình sai trái, sự hủy diệt to lớn biết dường nào. Im lặng là một sức mạnh và tinh tấn trong im lặng là dừng lại những trận cuồng phong trong tâm, để cho tâm nghỉ ngơi, không ngọ nguậy cục cựa gì nữa. Tinh tấn phải có chọn lọc, nhất là đối tượng của tinh tấn. Trồng lúa thì được lúa, trồng nụ cười được nụ cười, trồng tình thương được tình thương. Còn trồng giận thì gặp phải cơn giận, trồng sự ganh ghét sẽ gặp phải ganh ghét, trồng hận thù sẽ gặp phải hận thù. Trồng cái gì thì nhận trái nấy, không ai trồng dưa hấu mà gặt khoai lang cả. Sức mạnh của tinh tấn biểu hiện ở việc chuyển hóa và thay thế các tâm hành bất thiện thành các tâm hành thiện. Muốn làm được vậy, phải nhận biết đâu là thiện và đâu là bất thiện. Thế giới ngày nay lẫn lộn giữa thiện và bất thiện nên người đi như lạc vào giữa chốn của những mớ bòng bong. Chế tạo vũ khí hạt nhân được cho là gìn giữ hòa bình hay đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là hiếu thảo, suy nghĩ như vậy là đi lạc. Tâm là nơi sinh ra vi trùng nhưng tâm cũng là thuốc kháng sinh. Mới đây xuất hiện loại siêu vi trùng kháng tất cả các loại thuốc. Người mắc phải siêu vi trùng này là xem như chết rồi, khó mà cứu chữa được. Nếu có siêu vi trùng thì người phải lập hàng rào bảo vệ thôi và chỉ có sự tinh tấn mới khiến cho bức tường ngăn cách thêm vững chãi. Siêu vi trùng có mặt là biểu hiện của tâm siêu bất thiện. Cách ăn ở của người khiến cho vi trùng khắp nơi. Những lời ăn tiếng nói cao siêu cách mấy, vũ khí đại bác tối thượng cách mấy, địa vị cao cách mấy cũng phải ngã gục trước siêu vi trùng nhỏ bé. Sức mạnh của tinh tấn biểu hiện ở việc mời mọc các tâm hành thiện biểu hiện. Nói vậy chứ rất nhiều người sợ cái thiện như sợ nghe một tiếng chuông chùa, giật nẩy mình như ngày tận thế đến. Người hoảng loạn trong những sợ hãi buồn tênh nhưng lại tích cực trong những tâm hành bất thiện. Hãy đi gặp gỡ bậc thiện tri thức, hãy cầu khẩn lời chánh pháp từ họ, hãy hành trì lời họ dạy để làm phát khởi tâm thiện, nắm lấy chúng, mỉm cười với chúng và mời chúng cư ngụ trong tâm địa của mình. Sức mạnh của tinh tấn kêu gọi, vận động, cổ vũ và lưu giữ các tâm hành thiện ở lại trong tâm, ngự trị nơi đó càng lâu càng tốt. Tâm thiện hay đi chơi lắm nên cẩn thận gìn giữ. Tâm thiện đi chơi quá lâu, tâm bất thiện sẽ đóng đô và gây bao nhiêu phiền lụy. Giữ đức tin mạnh mẽ vào chánh pháp, con đường đi sẽ thênh thang rộng mở, sóng to gió lớn không làm gì được. Nếu không tinh tấn, người trông to lớn nhất rất mềm yếu, ngã gục rất nhanh bởi một cơn gió mỏng manh.

        Tinh tấn ở những đối tượng bất thiện được xem là tà tinh tấn và tạo ra năng lượng tà. Trò chuyện với hạng người này rất nguy hiểm vì lúc nào cũng phải ở thế phòng thủ, đấu tranh. Năng lượng tà đẩy người đi vào nẻo bất thiện và hộ thân còn không được nói chi đến hộ người khác. Hăng hái trong việc thiện là thiện và hăng hái trong việc ác là bất thiện. Làm những việc mê tín không đúng theo chánh pháp cũng là tà tinh tấn. Người siêng năng trong việc lên án, chỉ trích, nói lời bạo động hay hành động phạm giới là những tà nghiệp. Siêng năng trong tà nghiệp là tà tinh tấn. Chấm dứt tà thì chánh lướt tới và chấm dứt chánh thì tà ra oai. Người đang bệnh tức là không khỏe và người đang khỏe tức là không bệnh. Ở đây không nói về thân mà nói về tâm. Tâm bệnh mà càng tinh tấn sẽ kiệt sức, héo hon, khuyết tật. Tâm khỏe mà càng tinh tấn sẽ cường tráng, mập mạp, tròn đầy. Tinh tấn trong những tội lỗi, người đi vào hướng của địa ngục, bán mình cho quỷ dữ. Đã gọi là quỷ thì chỉ có dữ thôi chứ không có hiền, mà đã dữ rồi thì chỉ có đau khổ chứ không có an lạc. Có đau thì sẽ khổ và có an mới có lạc. Muốn khổ, thử làm thân tâm đau xem. Muốn lạc, thử làm thân tâm an xem. Mọi thứ đều do lựa chọn. Siêng năng làm cho đau đích thực là tà tinh tấn. Siêng năng làm cho an đích thực là chánh tinh tấn. Hậu quả của tà là nghiệp chướng kéo dài và kết quả của chánh là mau đến giải thoát. Một học trò nói với tôi, giải thoát để làm gì khi không còn buồn vui, phải có buồn vui mới là đời chứ. Nói sao nghe vậy. Đơn giản vì cậu ấy cho rằng buồn vui của thế gian là cái đáng sống, là thường còn mà không biết cái buồn vui đó là do nghiệp, do tâm sinh.  Tinh tấn theo cái buồn vui của thế gian thì mãi ở lại thế gian, trong khi thế gian là gì, là sinh, lão, bệnh, tử, là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, thiên, nhân mãi không thôi.

Sức mạnh của tinh tấn
Đau khổ tan biến dần
Hành con đường hạnh phúc
An lạc cả tâm thân.

Điều thiện luôn cần mẫn
Niềm vui thật chánh chân
Cởi bỏ những xiềng xích
Tự do thật trong ngần.

19. Chánh niệm, Tà niệm, Thất niệm và Vọng niệm – Phép lạ là đi trên mặt đất – Những Trái Tim Đồng Dạng

Những trái tim đồng dạng (P4)

Chánh niệm, Tà niệm, Thất niệm và Vọng niệm
Phép lạ là đi trên mặt đất

         Niệm có nghĩa là tâm đang có trong lúc này, tại chỗ này và tâm ở chung với thân. Chánh niệm là nhận biết cái đang là, đang có mặt và diễn ra trong hiện tại, tránh sự rong ruổi về quá khứ hay phóng tới tương lai. Rong ruổi về quá khứ gọi là hoài niệm và phóng tới tương lai gọi là vọng niệm. Cả hai thứ niệm này đều không phải là chánh niệm vì người đánh mất mình trong hiện tại, và thực tại dĩ nhiên trở nên xóa nhòa. Nếu hiện tại bị lôi kéo bởi những hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, suy nghĩ của sắc dục thì chánh niệm cũng không có vì đối tượng niệm không chân chính. Niệm là buông bỏ quá khứ, tương lai lẫn hiện tại và chỉ còn thực tại đang là. Có bốn đối tượng của niệm: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Trong thực tập thiền, sử dụng các đối tượng này làm đề mục thiền quán để nhìn thấy tính vô thường, vô ngã và Niết Bàn của chúng. Quán chiếu về cơ thể, biết sự vận hành của cơ thể là niệm thân. Khi đi biết mình đang đi. Khi ngồi biết mình đang ngồi. Khi thân thể đau nhức, biết thân thể đau nhức. Khi thân thể khỏe mạnh, biết thân thể khỏe mạnh. An trú trong cái biết về thân thể như an trú trong sự đi, sự ngồi, sự đau nhức, sự khỏe mạnh là có chánh niệm về thân thể. Khi vui biết mình đang vui. Khi buồn biết mình đang buồn. Khi dễ chịu biết mình đang dễ chịu. Khi không dễ chịu biết mình đang không dễ chịu. An trú trong cái biết về vui, về buồn, về dễ chịu, về không dễ chịu là có chánh niệm về thọ. Không biết về thọ sẽ để cho các cảm xúc cuốn đi, trôi lăn trong những khoảnh khắc được cho là tâm trạng. Niệm tâm là niệm các loại tâm sở, được liệt kê trong sách Bảo Hiểm Tâm. Cho dù tâm thiện, tâm không thiện, tâm không thiện cũng không không thiện khởi lên, người thực tập niệm để nhận biết các dòng chảy của tâm nhằm làm lớn mạnh tâm thiện, giảm thiểu và làm yên tâm không thiện, bình thản với tâm không thiện lẫn không không thiện, đến khi không bị kẹt vào bất kỳ tâm nào. Tâm nào khởi lên thì niệm tâm đó, tính chất tĩnh lặng ở chỗ biết tâm. Niệm pháp là niệm đối tượng của tâm cho đến khi người và đối tượng của tâm trở thành một, không thấy sự khác biệt. Chánh niệm về pháp nghe có vẻ như quán chiếu những đối tượng bên ngoài mình nhưng nếu quán chiếu sâu sắc và hành trì đúng đắn, những cái bên ngoài cũng là bên trong và những cái bên trong cũng là bên ngoài cho đến khi chẳng có gì ngoài và cũng chẳng có gì trong. Việc chánh niệm chỉ có một đối tượng mà thôi và nếu niệm đối tượng khác thì phải buông đối tượng đang niệm. Vì vậy, người có thể niệm một vùng chánh niệm bao gồm nhiều đối tượng khác nhau, như khi đang ngắm nhìn phong cảnh có mây, trời, đất, nước, chim chóc, cây cối… và cả phong cảnh gọi là vùng chánh niệm. Tu là sử dụng chánh niệm để có mặt trong hiện tại, tiếp xúc thực tại cùng tột, biết chuyện đang hiện tiền bên trong và bên ngoài, lúc này thực tại mới hiện tiền.

            Chánh niệm là tỉnh thức và tỉnh thức là Phật. Phật là người tỉnh thức nên chánh niệm là Phật. Người tu đem chánh niệm ra mà hành trì vì có niệm thì mới có định và có định thì mới có tuệ. Môi trường tu học cần xây dựng môi trường chánh niệm hay văn hóa chánh niệm, theo đó mọi người nương nhau mà thực tập. Chánh niệm là một pháp tu để cho thân, miệng, hành động trở nên thanh tịnh. Sử dụng thân có chánh niệm trong việc sinh hoạt đời sống lành mạnh, đi vào chốn lành mạnh và ăn uống lành mạnh. Nói có chánh niệm là thực tập lời chánh ngữ, tôn trọng sự thật và cam kết hàn gắn các mối quan hệ con người. Hành động có chánh niệm là biết đang làm gì, không cho phạm giới mà đi vào con đường của phụng sự, tu tập. Niệm có nghĩa ức, nhớ và giữ gìn. Ức niệm là rà soát lại những gì còn nằm trong tàng thức và đánh thức nó dậy, như nhớ về kỷ niệm xa xưa, bây giờ nhắc lại, loại niệm này khiến người xa rời hiện tại. Nhớ niệm giống như học rồi nhớ lại và phát ra sự niệm. Đứa trẻ học thuộc lòng bài thơ, rồi đi trả bài cho thầy của nó, điều này hơi mang tính rập khuôn. Giữ gìn niệm như những lời khuyên được dạy và cố gắng nhắc nhở bản thân mà làm theo. Tụng giới là một cách khuyên tấn người giữ những gì đã được dạy để làm đẹp bản thân và nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Chánh niệm là làm chủ được chính mình, không để bị sai sử bởi những yếu tố bên trong lẫn bên ngoài như tâm bất thiện hay pháp bất thiện. Niệm một cách chân chính là không phán xét, không chỉ trích, không lên án về những đối tượng đang niệm. Khi hạnh phúc có mặt, niệm hạnh phúc, tâm sẽ không cố gắng níu kéo hạnh phúc, để hạnh phúc trôi đi tự nhiên. Khi khổ đau có mặt, niệm khổ đau, tâm sẽ không cố gắng xua đuổi khổ đau, để khổ đau đi đến tự nhiên. Có chánh niệm về thân gọi là tu thân, có chánh niệm về tâm gọi là tu tâm, có chánh niệm về hành động gọi là tu nghiệp… Cho nên nói tu là đem cái chánh niệm ra mà hành là như vậy. Biết chuyện gì đang xảy ra là biết niệm. Niệm nhưng không đòi hỏi nguyên nhân của niệm đích thực là nhận diện đơn thuần. Tìm hiểu về nguyên nhân của thực tại thì thực tại sẽ trôi đi. Người bị mũi tên bắn trúng thì lo chữa thương đã, đi kiếm tìm người bắn mình thì vết thương đã nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

         Người tỉnh thức là người không còn đau khổ, buông bỏ được quá khứ, hiện tại và vị lai. Đau khổ hay hạnh phúc không làm hại được người. Trong chiều sâu của người, tỉnh thức vẫn ở đó chờ đợi người kêu gọi và bừng dậy. Nghe một tiếng niệm Phật, như lời nhắc nhở người hãy tỉnh thức đi thôi. Hãy làm một người còn thức tức là không ngủ trong những bờ cõi sinh tử triền miên, tỉnh tức là không mê trong những xốn xang cuộc đời. Cuộc đời đôi khi phải thét lên để lấp liếm cho biết bao khổ đau không chịu nổi nhưng tiếng thét cũng là lời cảnh tỉnh vì người đã đi xa bờ giải thoát lâu quá. Tiếng chuông chùa hay nhà thờ, tiếng khóc trẻ sơ sinh lúc chào đời, tiếng mẹ tâm sự với đứa con, tiếng côn trùng rộn rã khi cơn mưa chiều vụt tắt, tiếng tụng kinh giục giã người đừng mê nữa, đừng ngủ nữa. Đó là những tiếng thét gọi mời, hỡi người lạc đường, hãy trở về mau. Mỗi phút giây tỉnh thức làm cho vườn hoa nở trong tâm, khắc ghi việc hành trì kinh điển trong tâm. Khi tâm đạt tới mức như kinh điển, đó là tâm kinh, như những bài kinh dạy người lắng tâm. Bát Nhã Ba La Mật gọi là tâm kinh vì là bài kinh vẽ nên bức tranh tỉnh thức của tâm, tâm không. Tâm người và ta là một và tâm nuôi dưỡng những trái tim đồng dạng, hình dáng trái tim có thể to nhỏ khác nhau, nhịp đập lúc nhanh lúc chậm, nhưng nhiệm vụ chủ yếu là đem máu trở về tim, như dù cho đứa con đi xa cách mấy, biền biệt cách mấy vẫn trở về nhà thăm cha thăm mẹ, như dù hành trì bài kinh nào, pháp môn nào, hơi thở cũng đưa người về với giải thoát, thăm Phật thăm Bồ tát. Mẹ đang ngồi đó, cất tiếng ru ầu ơ, đứa em nằm trong nôi, bóng mẹ hằn lên vách, sừng sững như ngọn núi Tu Di. Nhà bên, tiếng trẻ ê a hát bài mừng tết trung thu, giọng hát vang khắp phố phường kêu gọi người về với gia đình. Trên cao, trăng vừa lên, soi sáng cả đại địa, vài áng mây bay qua nhưng không đủ che khuất cả vầng trăng. Các sư chú đang tụng kinh, tiếng chuông vang vào pháp giới, mong cho ai đó nghe thấy mà quay về, thôi bước chân hối hả. Tỉnh thức để thấy mẹ, để thấy đứa trẻ, để thấy trăng, để thấy tiếng chuông, để lắng lòng nghe sự sống đang có mặt.

        Sự sống đầy dẫy những phép lạ. Mẹ là một phép lạ. Tiếng ê a trẻ thơ là một phép lạ. Vầng trăng là một phép lạ. Tiếng chuông là một phép lạ. Phép lạ không nằm ở chỗ đắc thần thông để bay trên mây hay nhấc người ra khỏi mặt đất mà phép lạ là đi trên mặt đất. Khi đi trên đường hay bước xuống cầu thang, tôi đều thiền hành vì tôi đang tận hưởng điều kỳ diệu của sự đi. Chạm đôi bàn chân vào mặt đất mà thấy sự sống ngút ngàn. Mình đi cho cha mẹ, cho trẻ thơ, cho vũ trụ bao la. Bấy lâu nay mình đi như bay, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ tiếng cười trẻ thơ, bỏ vũ trụ, bỏ sự sống và mình đang chết dần. Chỉ cần dừng lại, ngắm nghía đôi chân, đôi chân kỳ diệu đưa mình vào chánh niệm, vào Niết Bàn. Khi đi, người hãy đọc bài kệ, Từng bước cứ đi – Đạp vào sự sống – Không cần hối hả – Không cần vội vã – Niết Bàn là đây – Ở cuối chân mây – Mặt trời ló dạng – Khi đã chạng vạng – Trăng cũng vừa lên – Từng bước bỏ quên – Quá khứ tương lai – Hạnh phúc hiện tại – Bây giờ ở đây. Hối hả và vội vã giết chết sự sống nên mình hãy buông bỏ mà tận hưởng sự sống. Giải thoát là phá bỏ những vô minh đang xâm lăng sự sống, không làm cho sự sống bị héo tàn theo năm tháng. Chỉ cần bước một bước có chánh niệm, người đã giải thoát khỏi những buộc ràng của quá khứ, hiện tại, tương lai để an trú cùng với mặt trời, mặt trăng, trời xanh, mây trắng, chỉ còn lại Niết Bàn trong thực tại, đó đích thực là sự sống. Khi bước cầu thang, người hãy đọc bài kệ, Bước chân trên cầu thang – Thật khoan thai nhẹ nhàng – Từng bước vào tỉnh thức – Từng bước vào Niết Bàn. Lòng dặn lòng, một bước buông bỏ tâm tham, hai bước buông bỏ tâm sân, ba bước buông bỏ tâm si, nhiều bước buông bỏ những cái chấp. Tỉnh thức tức là biết khoan thai, biết nhẹ nhàng, biết chánh niệm, biết sự sống.

        Sự sống đích thực không có mặt của tà niệm. Niệm có, niệm không, niệm thành, niệm bại, niệm đẹp, niệm xấu, niệm tức, niệm giận là tà niệm. Thực tại không được niệm nhưng lại niệm quá khứ, niệm tương lai hay niệm ái dục trong hiện tại là tà niệm. Chánh niệm cho đến khi không còn niệm nữa, niệm như không niệm, không niệm như niệm, ấy đích thực là vô niệm, ngay cả thiện lẫn không thiện đều không cần niệm. Tự tánh vốn tịnh, nên dù niệm thiện hay ác cũng trở thành vọng niệm. Thấy rõ tự tánh của vạn vật đồng nghĩa với kiến tánh, giáp mặt với sự thật. Sự thật là vô thường, vô ngã, vô tướng và Niết Bàn. Người nhìn sự vật bằng con mắt vô thường, sự biến hoại không làm người thối lui. Nhìn sự vật bằng con mắt vô ngã, sự khác biệt hay đồng dạng không làm người sợ hãi. Nhìn sự vật bằng con mắt vô tướng, người chấp nhận một trong tất cả hay tất cả trong một. Nhìn sự vật bằng con mắt Niết Bàn, người không khởi tâm gì nữa giữa bão táp và bình yên. Thực tập tám con đường chân chánh dễ dàng dẫn tới an lạc, nhưng an lạc hay không an lạc cũng vậy thôi, như tịnh nhưng không chấp tịnh, ấy chính là tịnh vậy. Kẹt vào không tịnh là chấp và kẹt vào tịnh cũng là chấp, không kẹt vào gì cả, mọi thứ trở thành vốn dĩ của nó. Tâm biến chuyển không ngừng, như huyễn, nên chánh niệm về tâm có khác nào chánh niệm về cái đang thay đổi. Biết tâm thay đổi triền miên, vậy đừng có chấp tâm. Tâm người đang giận, giận rồi sẽ hết giận, vậy chấp tâm giận đó làm gì. Tâm người đang bình yên, bình yên rồi cũng dậy sóng, vậy chấp tâm bình yên làm gì. Nói trở lại vô niệm, vô niệm không có nghĩa là không có niệm hay không có chánh niệm mà vô niệm vì tâm đã tĩnh lặng nên còn gì đâu nữa mà niệm. Niệm thiện được cho là chánh niệm và niệm bất thiện được cho là tà niệm nhưng thực tập đến lúc nào đó niệm bất thiện phải buông nhưng niệm thiện cũng buông luôn, đấy đích thực là vô niệm. Vô niệm biểu hiện ở người vô tâm. Vô tâm không phải người có tâm bất nhẫn, hời hợt hay ác độc trong hành vi mà vô tâm là vô tất cả các tâm, bên trong chẳng hề lay động, bên ngoài như hư không, chẳng tới, chẳng lui, chẳng được, chẳng mất. Có thể nói vô tâm là tâm Bát Nhã. Ngay cả vô tâm cũng chẳng là vô tâm, đã không còn chấp thì cái gì gọi là vô tâm. Trong thiền, chánh niệm là cốt lõi và thực tập chánh niệm đến khi không còn niệm nhưng thực sự đang niệm. Mọi thứ đã cùng tự tánh thì còn cái gì nữa để mà niệm. (17)

        Người thường hay thất niệm do tính tham lam, sân hận và si mê. Thất niệm khi ăn, người không biết mình đang ăn, để suy nghĩ giận hờn, trách móc vào bữa ăn nên lúc ăn, người ăn giận hờn, ăn trách móc. Thất niệm khi đi, người không biết mình đang đi, để hớt hải, vội vàng vào chuyến đi nên lúc đi là tâm hớt hải, tâm vội vàng đang đi. Thất niệm khi nói chuyện nên người không biết mình đang nói, để những lời chia rẽ, buộc tội, chỉ trích phát ra vào tiến trình nói nên lúc nói, lời nói trở thành rắn độc, người đang nhả nọc độc của rắn. Ý thức về thức ăn và hành động khi ăn, người làm cho việc ăn có chánh niệm. Ý thức về bước chân và con đường, người làm cho chuyến đi có chánh niệm. Ý thức về lời nói và đối tượng nghe, người làm cho cuộc trò chuyện trở nên có chánh niệm. Thất niệm dễ dẫn đến tà niệm và tà niệm là hậu quả của vọng động mà nguyên nhân là thất niệm gây ra. Gió nổi lên, sóng biển trào dâng như tâm vọng động làm khổ đau chất chồng. Giữ chân tâm thì sẽ hết vọng tâm, muốn thế phải giữ chân niệm để trừ vọng niệm. Dừng một bước, tiến hằng hà sa số kiếp.

Trong đêm tối cơn mê vừa đến
Quờ quạng tâm đâu bến đâu bờ
Nhìn thực tại đẹp như bài thơ
Theo hơi thở tìm về chánh niệm.

Mắt lim dim đi như ma đuổi
Bao chìm nổi lủi thủi thân tâm
Trong chân niệm từ bi nảy mầm
Thôi vọng động tìm về tự tánh.

 20. Chánh định và Tà định – Sai một ly, đi ngàn dặm – Những Trái Tim Đồng Dạng

Những trái tim đồng dạng (P4)

Chánh định và Tà định
Sai một ly, đi ngàn dặm

          Chánh định là duy trì chánh niệm trên một đối tượng và an trú tâm trên đối tượng đó. Khi trở thành một với đối tượng, người hiểu rõ bản chất của đối tượng và trí tuệ phát triển. Đối tượng được an trú không phải là kế hoạch tấn công, hành vi phạm pháp hay chiến lược đấu tranh mà đối tượng ở đây là sự sống. Nhất tâm trên những đối tượng thuộc về sự sống, mà sự sống là thiện, thì người đang hành chánh định, mong muốn đạt chánh định trên cơ sở của chánh niệm. Sự sống rất đơn giản nhưng làm nên điều kỳ diệu, như ngắm nhìn bông hoa đung đưa trong gió, tiếng côn trùng rôm rả ngoài hiên, hơi thở đang trào dâng trong phế quản hay bước chân thảnh thơi rong chơi phố phường. Định không tự nhiên mà có và để có chánh định thì an trú trên những đối tượng chân chánh. Thực tập chánh niệm miên mật và đúng cách, định là thành quả của nó nhưng trong yếu tố chánh niệm đã có yếu tố chánh định nên dù hành thiền Minh Sát ở bài thứ nhất đúng đắn, người vẫn có thể đạt định như thường. Từ thiền định được dùng để chỉ quả của thiền tập. Định là hạnh phúc đích thực mà bất cứ loại thiền nào hướng tới. Nếu tuệ là hoa trái của định thì định là hoa trái của thiền tập. Người đứng ngoài tìm hiểu các ý niệm về định sẽ không bao giờ chạm được định vì định là thành quả của thực tập, không thể tự nhiên mà có.

         Cố tâm duy trì trên một đối tượng nhưng cố không có nghĩa là ép tâm đi vào đối tượng  mà để tiến trình tâm hòa nhập với đối tượng, thời điểm hiểu được đối tượng là thời điểm an trú trong định. Cái hiểu này không phải là hời hợt theo kiểu nhìn mặt bắt hình dong hay suy diễn về những hoàn cảnh tương tợ mà tâm trở nên choáng ngợp bởi đối tượng và nhận ra hình thái tĩnh lặng của nó. Tĩnh lặng là không còn tham, sân và si, cho nên phẩm chất của định là thiện, là tinh khiết, là sáng trong như sao mai hay hạt sương đọng trên lá. Người đã từng là cọng cây, ngọn cỏ, là hoa, là nắng, là hạt sương, an trú trên đối tượng cọng cây, ngọn cỏ, hoa, nắng, hạt sương cũng là an trú chính mình. Chúng sinh sống hời hợt vì không có chú tâm và khi chú tâm thì chú tâm trên những đối tượng phục vụ cho tham dục, tham sân và tham si. Chuẩn bị một bữa cơm một cách có chánh niệm nhằm mang hạnh phúc đến cho gia đình, mong mọi người dùng thức ăn mà có sức khỏe để tu tập và làm việc, người có định ngay trong việc nấu bữa cơm. Chuẩn bị một bữa cơm nhằm thỏa mãn cái tham ăn, chăm chút thiết kế nhiều lắm nhưng đây lại là tà niệm và tà niệm dẫn đến tà định, tà định là sự mỏng mỏi của ma lực. Chánh định không có mặt của những chướng ngại trong đời sống theo kiểu vượt lên đỉnh cao, được khen ngợi hay tìm kiếm sự ấm cúng. Để trở thành tỉ phú nằm trong danh sách thế giới, người ra sức làm việc với hy vọng được xướng danh, hy vọng này không mang đến giải thoát. Để trở thành sinh viên xuất sắc và dành học bổng, người ra sức nghiên cứu học hỏi với hy vọng được công thành danh toại, hy vọng này không mang tới giải thoát. Để có sự thoải mái trong chăn ấm nệm êm, người làm việc nhằm cung phụng sự ham muốn về tiện nghi vật chất hay tiện nghi tinh thần, hy vọng này khiến người chú tâm kiếm tiền nhưng lại không thể nào mang lại giải thoát. Giống như khi ngồi thiền để tìm kiếm sự an lạc, quên mất theo dõi tâm hay đối tượng an trú, đây là cái si của thiền tập, còn cố kiếm tìm. Duy trì được chánh niệm thì ngay cả an lạc cũng niệm và buông khi hết an lạc, đó mới gọi là tìm về định chân chính.

          Chánh niệm để tìm về định và thiền tập giúp hoàn thiện bản thân, mọi lo toan hãy để sang một bên. Trong lúc mệt mỏi hay phiền giận không nên ngồi thiền, có thể áp dụng thiền hành hay nằm thiền để buông thư thì tốt hơn. Hơi thở là đối tượng dễ dàng trụ tâm và nếu lệch lạc ra khỏi đối tượng thì niệm phóng tâm để nhắc nhở buông bỏ đối tượng đang phóng tâm mà quay về đối tượng cần trụ tâm là hơi thở. Hơi thở là sự sống nên trụ vào hơi thở là trụ vào sự sống. Thiền tập cần sự tinh tấn và nếu tinh tấn đúng mức, người sẽ có nhiều hạnh phúc trong khi thiền tập. Thiền là phương tiện hành chánh niệm mà tìm về định đưa đến giải thoát nhưng thiền không phải là giải thoát nên thiền nhưng không chấp thiền, ấy chính là thiền vậy. Tâm định có được từ thiền tập giúp người an trú trong hành động, lời nói và suy nghĩ mang phẩm chất của định, có sự quán chiếu, có sự đầu tư đích thực. Định trong hành động, người mang điều thiện đến cho mình và kẻ khác. Định trong lời nói, người không kỳ thị, phân biệt hay so đo giữa cái gọi là thiện hay cái gọi là ác. Định trong suy nghĩ là biết dòng tâm trôi chảy như thế nào trên đối tượng để một mực duy trì tĩnh lặng trên đối tượng đó. Nhờ định mà người chuyển hóa bản thân, chuyển hóa những khổ đau và vì thế cuộc sống được chuyển hóa. Chú tâm vào cuộc sống làm cho nó nở hoa, lấp lánh ánh mặt trời và lay động giữa đêm trăng rằm mát mẻ. Sự sống có nhiều điều kỳ diệu và hơi thở là sự sống gần gũi, nương theo hơi thở mà đem tâm trở về với thân, giúp định hiện tiền và trí tuệ bừng dậy. Những gì tán loạn trở nên trầm tĩnh hơn, những gì bình thường trở nên sâu sắc hơn và nhưng gì chưa hiểu được trở nên thông suốt hơn. Mặt trời lặn xuống nhưng mặt trời không tắt, mặt trời chỉ đi rong chơi qua bên kia địa cầu. Vô minh không có nghĩa không có trí tuệ mà chỉ là trí tuệ đang bị che lấp, quét sạch lớp mây mù, mặt trời sẽ hiện ra.

         Tâm được đặt sai chỗ, tâm sẽ biến đi ngàn dặm. Thiền có chánh thiền và tà thiền. Chánh thiền là thiền để nâng cao phẩm chất chân chánh của tâm và tà thiền là những cái tham và si trong thiền. Thiền để mong đắc thần thông, tận hưởng sự an lạc hay nhấc người ra khỏi mặt đất, đó là tà thiền. Định có yếu tố của sự quán chiếu trên đối tượng. Đối tượng thiện giúp định hướng về thành quả chân chính. Đối tượng không thiện giúp định nhìn vào tính không đáng dính mắc hay không đáng tham cầu của đối tượng mà quyết định rời bỏ đối tượng đó. Nếu không rời bỏ được, đó là tà định. Khi mỗi sát na đều là định thì mỗi sát na đó là thời khắc của tĩnh lặng, của nhất tâm, của tìm về chân như. Các sát na nối tiếp nhau và niệm nối tiếp nhau nhưng định vẫn như thế, đánh dấu thời khắc buông hết những tham vọng và dính mắc, là vẻ đẹp của người tu thiền. Lúc này, rất nhiều thứ rơi rụng, cái tham rụng xuống, cái sân rụng xuống, cái si rụng xuống, cái cho là tôi rụng xuống, và cũng vào lúc này, rất nhiều thứ nở ra, bình yên nở ra, vững chãi nở ra, an nhiên nở ra. Trong một phút đồng hồ có hằng hà sa số sát na và một giây phút có chánh định là hằng hà sa số tĩnh lặng phát khởi, đây gọi là hoa nở tự vườn tâm. Nói ngược lại, một phút nổi cơn giận, hằng hà sa số sát na phong ba bão táp, đây gọi là sai một ly, đi ngàn dặm.

         Định không xuất phát từ chánh tâm là tà định vì nhiều loại định mang tính chất tà. Tà tâm nên chỉ muốn thực tập tà niệm, an trú trên các tà đối tượng nên hướng người đang đi đó là lạc đường, xa rời chánh pháp. Thực tập đúng đắn sẽ có niệm lực và định lực và những lực chân chính này đưa người vào giải thoát. Niệm lực và định lực chưa đủ, phẩm chất tu học vẫn còn yếu kém và dễ dàng sinh tâm thối lui. Yếu tố tà không thích người tu, thấy người tu là ganh ghét, biết người đang ngồi thiền hay sắp sửa hành thiền, yếu tố tà đó phát khởi, muốn tiêu diệt ý nguyện thiền tập đi. Ngay cả khi đức Phật thành đạo, yếu tố tà liên tục tấn công Phật chỉ hòng mong người không nên hoằng bá Phật Pháp, không nên nhận đệ tử và không nên ở lại đời quá lâu. Nghiệp của thế gian khiến chúng sinh không còn nhìn thấy Phật Pháp nữa, nếu có thấy thì quá thờ ơ không đủ nghị lực thực tập, nếu thực tập thì không đến nơi đến chốn, nếu thành tựu rồi thì không còn muốn ở lại đời cứu vãn chúng sinh. Ngăn ngừa vọng niệm để tà định hay vọng định không có dịp phát khởi và hết sức chú ý trong quá trình theo dõi tâm, cho nên mong quý vị đọc và thực tập kỹ sách Bảo Hiểm Tâm nhằm đưa tâm vào trong vòng bảo vệ, không bị yếu tố tà đưa đẩy, làm xa rời chân tâm. Vọng tưởng về những điều được cho là cái thấy trong thiền tập có thể không đạt được định đích thực, ngay cả những cái thấy cũng phải buông luôn vì đã cho là thấy thì có khác nào niệm có niệm không trong khi niệm như vậy là tà niệm. Giác ngộ là tỉnh thức cùng tột nên trong lúc thiền là lúc thực tập tỉnh thức thì cái gì được cho là thấy thì phải niệm vì nếu không niệm rõ ràng, mọi thứ đều là vọng tưởng. Người tu thiền ngày nay thành tựu rất ít vì phát nguyện thấp, lo Phật sự nhiều và vọng tưởng to lớn. Tu thì phải đập tan bản ngã và thiền là phải dọn dẹp vọng tưởng. Tuy nhiên, nhờ các yếu tố tà hay vọng tưởng, người sẽ nhận ra tâm đang còn phân biệt, khi nhận ra đó, điều đang phân biệt trở nên không còn phân biệt, không còn vọng tưởng. Vọng tưởng chỉ vì không đang nhận ra điều đang phân biệt.

         Ma chướng luôn ngăn cản mình trong việc tu tập, nào là nghiệp, nào là ngã, nào là chấp… Nghiệp thì quá sâu dày, ngã thì nặng như núi và chấp thì bao la như biển cả mênh mông. Muốn tu thì phải chấp nhận việc trả nghiệp, san bằng núi mà lấp biển. Định như mặt đất bằng phẳng, không một chút gồ ghề của núi hay trũng sâu của biển cả. Ma chướng ngủ ngầm trong tâm, nhảy ra thử thách người tu. Người có đủ phước báu và công đức sẽ nhận ra ngay và chỉ mỉm cười với những trò hề của ma. Làm ma thì khổ lắm, vì lấy đau khổ làm sung sướng, nhìn thấy đau khổ là hạnh phúc vô cùng nên khi người hành trì tĩnh lặng, thực tập hạnh phúc, ma không còn đau khổ để ăn nữa. Nếu không nhìn rõ bản chất của khổ đau, người chìm đắm trong đó, mãi mãi làm tên nô dịch suốt kiếp lo chế biến thức ăn cho ma. Người có định xem đau khổ như cơn gió thoảng qua, qua rồi thì như xong, không còn phải trả nghiệp đó nữa, nhưng nếu là tà định hay không có định, cơn gió sẽ biến thành phong ba bão táp đi qua làng mạc quét sạch những cõi lòng hoang vu để lại sự xác xơ. Cám ơn khổ đau cho người cơ hội thực tập định trong nghịch cảnh nhưng đã gọi là cơ hội thì cái gọi là nghịch cảnh kia có xá gì. Nếu muốn chiến thắng ma chướng, định phải vững vàng và đến lúc nào đó ma trở nên kiệt sức đành phải bỏ cuộc. Người tu bỏ cuộc là người thất bại, kết đảng với ma, tập đoàn ma chướng ấy có dịp làm tha hóa làng mạc và hạnh phúc khi có người than vãn khổ đau.

         Phật là tỉnh thức nên niệm Phật là niệm tỉnh thức trong khi tỉnh thức là tiếp xúc với thực tại cùng tột và an trú trong thực tại đó, cho nên niệm Phật là niệm thực tại. Niệm Phật không hẳn là xứng danh một vị Phật hay một vị Bồ tát mà khi thực tập chánh niệm, người đang niệm Phật. Câu hỏi, Ai là người niệm Phật, là một công án thiền trong tiến trình hành chánh niệm. Phật tại tâm nên quay về tâm mà niệm, làm cho tâm trở nên chân chánh và tỉnh thức. Giống như lạy Phật, không phải lạy Phật bên ngoài mà lạy Phật bên trong. Người xá chào mình không xá chào thân tướng này mà xá chào Phật tính trong mình, mà người nào cũng có Phật tính nên người nào cũng có thể xá chào được. Vậy có ai là người niệm Phật hay xá chào Phật đâu nên không cần phải hỏi niệm Phật làm gì và tại sao phải niệm Phật. An trú trong chánh niệm là an trú trong niệm Phật nên nói tu thiền hay tu tịnh độ, cũng vậy thôi, nếu nói cách khác thì có gì gọi là tu thiền và có gì gọi là tu tịnh độ đâu, chẳng qua người chỉ làm chút ít nhân duyên mà trở về chân tâm. Một tiếng niệm là phút chốc an trú trong thực tại và dĩ nhiên sự niệm này mang lại định nếu niệm liên tục. Không niệm thì không có an trú và định chỉ là thứ lý thuyết tô điểm cho kinh điển. Những độc hại của thế gian khiến người không đủ sức niệm và định chẳng bao giờ biểu hiện cả. Nói là an trú trong định nhưng định cũng không bị kẹt vào vì nếu kẹt vào định, định ấy không phải là định.

Như chiếc lá, xanh ngắt một màu
Như bông hoa, vẻ đẹp thiên thâu
Hành chánh niệm, người đi vào định
Như bình minh, tỉnh thức từng hồi.

Trăng lên cao, người ngồi thiền tọa
Cho hoa lá nở nụ bình yên
Nhìn thực tại vẫn đang hiện tiền
Tâm viên mãn ngày đêm an trú.

Trong rừng sâu, người hằng vui thú
Với trăng sao gió mát cỏ cây
Tiếng chuông chùa giục giã nơi này
Người lạc đường quyết lòng quay lại.

Ngày giải thoát chỉ còn nay mai
Cầu mong người phát tâm nhẫn nại
Bằng một lòng an trú thực tại
Dưới Phật đài một đóa tâm kinh.

Trích sách Những trái tim đồng dạng – TG Minh Thạnh.

(www.sachminhthanh.wordpress.com)

Phật Pháp Ứng Dụng