Đó là câu hỏi mà nhiều thế hệ tiền nhân của chúng ta từng trăn trở. Và dẫu không phải mới, nhưng câu hỏi ấy vẫn luôn cần thiết cho mọi hoàn cảnh, hiện tại và cả sau này đối với người con Phật, cả giới xuất gia lẫn cư sĩ tại gia.
Rất nhiều câu trả lời tùy vào nhận thức và kinh nghiệm cũng như mục tiêu hướng đến của mỗi cá nhân, tổ chức. Và tất nhiên, một khi tự nhận là Phật tử, thì chắc chắn trong suy nghĩ, lời nói và hành động mỗi người phải chuyển tải được Phật chất, đầy tình thương trong ánh sáng của trí tuệ.
Trí tuệ trong đạo Phật không phải là minh triết hay kinh nghiệm mang ý nghĩa minh triết, hoặc sự thông minh, khôn khéo, mà là chánh niệm và tỉnh thức. Chánh niệm là năng lượng giúp cho con người nhận biết được tự thân và thế giới chung quanh mình duyên sinh và vô ngã.
Khi chánh niệm chúng ta sẽ tỉnh thức, sống trong thời duyên mà không bị cuốn theo, nhấn chìm trong cuộc đời với cám dỗ tiền tài, danh vọng, cả sự được mất, làn sóng hơn thua, đưa tới sự tranh giành, hay chạy theo sự hưởng thụ tầm thường.
Và chánh niệm không tự nhiên có, mà phải từ sự tu tập trong đời sống hàng ngày. Hướng sống đó được gọi là “ngược dòng”, không buông xuôi, trôi theo các lạc thú trong đời. Nó đem đến sự vững chãi cho nhân cách của người tu, làm cho mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động đều chuyên chở “Phật chất” – người sống trong tỉnh thức. Thiết nghĩ, đó là chất liệu mà cuộc đời cần, cũng là yếu tố bảo đảm cho những gì được mệnh danh là việc Phật (Phật sự).
Cũng theo truyền thống hơn hai ngàn năm qua, được tiếp nối cho đến ngày nay, những ngày này ở khắp nơi theo truyền thống Phật giáo Bắc tông diễn ra lễ tác pháp an cư kiết hạ, khởi đầu thời gian 3 tháng tịnh tu của chư Tăng, Ni.
Theo đó, từ thời Đức Phật tại thế, Ngài đã chế định, mọi việc du hành hóa duyên của Tăng phải tạm dừng, chuyên tâm trau dồi các pháp hành nhằm chế tác, bổ sung năng lượng chánh niệm, tỉnh giác trong tinh thần chia sẻ nơi cư trú, điều kiện vật chất, nói lời khích lệ, sống hạnh hỷ xả, tôn trọng giới đức, giúp nhau cùng hiểu đúng và tiến tu…
Qua các thông bạch của Giáo hội, truyền thống đó vẫn còn được nhấn mạnh, xem là hoạt động mang tính sống còn đối với Giáo hội các cấp. Mặc dù trong các nội dung liên quan về an cư mà Giáo hội phổ biến không yêu cầu hạn chế tối đa, hoặc tạm ngưng các hoạt động mang tính chất hành chánh, sự kiện hướng ngoại, dành mọi quan tâm cho các pháp hành đặc thù, nhưng chắc hẳn mọi người sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc an cư, có những điều chỉnh để làm sao giữ được nếp sống này. Việc học và thực hành pháp là Phật sự quan trọng nhất trong các Phật sự, nói như Thông bạch về an cư của Trung ương Giáo hội, đó là việc làm “giữ gìn quy củ tòng lâm, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội”. Bởi nếu thiếu năng lượng học pháp và hành trì pháp, thì mọi việc làm, kể cả những việc được cho là vì tình thương, trách nhiệm… đều không đúng tinh thần mà Đức Phật đã dạy, khó để có thể đem đến lợi lạc cho tự thân và số đông, hiến tặng cho đời một cách đúng nghĩa theo đạo Phật.
(Thích Pháp Hỷ)