… thế mà chúng ta thấy có một sự khác biệt lớn lao giữa một người sống với đạo Phật và một người thường tục. Người sống với đạo Phật thì mãn nguyện, không lo sầu, thảnh thơi, thanh tịnh, tự do và an lạc. Trong khi đó, người phàm thì luôn luôn phiền não, bất toại nguyện, lo sợ, khổ đau, than khóc. Vậy, đâu là điểm đã tạo nên những cuộc sống khác nhau đến vậy?

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng: muôn loài đều đi tìm hạnh phúc. Ðạo Phật cũng thế, cùng chung với loài người, đạo Phật đi tìm hạnh phúc – không như quan niệm của những người ngoại đạo, cho rằng Đạo Phật là khổ hạnh, từ bỏ cuộc đời, sống cô đơn, bất hạnh. Bởi nếu đạo Phật là sự chối bỏ hạnh phúc, tìm kiếm khổ hạnh thì chắc là đạo Phật đã không còn đến ngày nay. Người ngoại đạo quan niệm sai lầm như vậy bởi hạnh phúc chân chính theo quan niệm của đạo Phật rất khác với hạnh phúc mà con người thường lầm tưởng.

Con người thường nghĩ rằng họ có thể tìm được an lạc và hạnh phúc nếu có thật nhiều vật chất để thỏa mãn các giác quan của họ. Nhưng, đó là việc không bao giờ làm được. Chúng ta càng cung cấp nhiều thứ cho các giác quan của mình thì chúng lại càng đòi hỏi thêm nhiều hơn nữa. Không bao giờ con người thấy đủ bởi không ai có thể làm thỏa mãn cơn khát vô tận của các giác quan. Con người đau khổ trong những thèm khát, tham vọng, cố làm việc cực nhọc cho tới hơi thở cuối cùng để mong làm thỏa mãn các khát vọng của họ nhưng tới lúc chết họ vẫn không thể đáp ứng được cơn khát của các giác quan của mình.

Đạo Phật không quan niệm vàng bạc, ngọc ngà châu báu là hạnh phúc. Hạnh phúc càng không phải đặt chân vào lâu đài tình ái. Hạnh phúc không phải hình thành từ chất liệu ngũ dục thế gian…không phải chạy theo tiếng gọi của mỹ nhân để được nghe lời hay ngọt ngào, âu yếm cho là hạnh phúc, những thứ này chỉ làm cho tâm con người quay cuồng trong vòng xoay sinh tử, không biết bao giờ ngưng nghỉ, và tạo thêm khổ đau.

Phật giáo với con đường tìm hạnh phúc

Phương pháp hữu hiệu của Đức Phật để dập tắt cơn khát này là chuyển biến sao cho các giác quan của chúng ta trở nên thanh tịnh, thay vì cố gắng làm thỏa mãn chúng. Muốn như vậy, chúng ta phải hiểu bản chất đích thực của cuộc đời này và những quy luật trên thế gian để chúng ta không trở thành nô lệ của các giác quan. Chúng ta phải học cách kiểm soát các giác quan và tâm trí qua tu tập, khắc kỷ và tự chế. Chúng ta phải học tập để đạt được sự hài lòng với hiện tại của mình. Rất ít người ý thức được rằng nguyên nhân của đau khổ là do sự chấp thủ và khao khát của họ đối với nhiều thứ. Họ không chịu hiểu rằng một ngày kia họ sẽ phải giã biệt tất cả mọi thứ mà họ trân quí trên thế gian này.

Chúng ta nhớ lại, đức Phật Thích Ca đã từ bỏ mọi thứ (những thứ mà Ngài có hơn người đời rất nhiều) không phải vì Ngài từ bỏ hạnh phúc để đi tìm khổ hạnh mà vì Ngài thấy rằng những thứ hạnh phúc mà Ngài đang có chỉ là hạnh phúc tạm bợ đặt căn bản trên sự vô thường và vô ngã của thế gian. Bởi thế Ngài bỏ tất cả để tu hành, thực hiện cái hạnh phúc tối thượng và vĩnh cửu. Sự từ bỏ của đức Phật là một bài học vô giá cho thế gian, cho mỗi một thân phận con người, rằng: Hạnh phúc thì không có ở kia, ở nơi những sự vật rỗng không và tiêu hoại, mà chỉ có ở đây – ngay trong mỗi con người.

Hạnh phúc trong Đạo Phật luôn luôn đòi hỏi sự hành trì thâm hậu ở mỗi con người. Con người luôn ý thức và làm chủ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và những vật chất hữu vi chỉ là phương tiện sống. Mục đích chính là con người phải biết quay về đời sống tinh thần tu tập diệt trừ mọi phiền não để tâm hồn thanh tịnh, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại.

Hạnh phúc là những ai biết quay về với đời sống tâm linh cao cả, sống quay về với chính mình và giây phút hiện tại. Nếu chúng ta rời khỏi mình mà chạy tìm cầu ở ngoài thì làm mất đi cái gì quý giá nhất, lạc vào tà kiến, ấy chính là quên đi cái sáng suốt vốn có của mình (Phật Tính). Chân lý hạnh phúc không chờ đợi ở kiếp sau, và cũng không cần tìm kiếm một nơi nào khác, chân lý có thể hiện hữu ngay bây giờ và ở đây. Trong tất cả mỗi người ai cũng có một nguồn hạnh phúc chân thật, nhưng con người không biết nhìn nhận hạnh phúc này, mà đi tìm cầu cái hạnh phúc giả tạm kia.

Con đường còn dài trước mắt. Tuy nhiên cuộc hành trình dài nhất cũng phải bắt đầu bằng một bước chân. Còn nhiều bước chân phải đi, nhưng tiên quyết là bước đầu tiên, mà ở đây là tâm thực tập quán tưởng về vô thường. Ta không chỉ quan tâm về tính vô thường của những của cải vật chất mà chúng ta cũng phải quán về sự vô thường của bản thân.

Lily Trần (Tổng hợp)
Theo
Phật Pháp Ứng Dụng