Giận là một trạng thái căng thẳng của tâm lý, thể hiện sự bức xúc, bực bội, thất vọng, chán nản về một sự vật hay hiện tượng nào đó trong cuộc sống. Giận cũng là một căn bản phiền não, là những hạt giống sân tiềm tàng trong con người, được chứa đựng từ vô lượng kiếp trước cho đến kiếp này. Có những cơn giận được bày tỏ một cách tế nhị và cũng có những cơn giận bùng phát một cách mạnh mẽ. Tầm mức của cơn giận có thể thay đổi từ bực mình nhẹ nhàng đến oán hận thâm sâu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn chúng ta đến cơn giận như khi bị la rầy, bị chống đối, bị hiểu lầm, bị hờn ghen, bị phật ý, bị ảnh hưởng đến quyền lợi, bị can thiệp vào đời sống riêng tư…
Phiền giận thường làm tâm ta bạo động. Nếu không nhận diện được tâm sân của mình để đối trị đúng cách, chúng ta thường rơi vào tình trạng ăn không ngon, ngủ không yên, thân tâm bức rức, không được an lạc. Giống như một quả bom hay trái pháo được cài đặt sẵn trong người, chỉ chờ có đủ điều kiện châm ngòi là sẽ nổ.
Người có tâm khí mát mẻ sẽ luôn cảm thấy bình thản trước những hỷ nộ ái ố của các pháp xung quanh và ngược lại người hay sân thường cảm thấy nóng bức, ngột ngạt. Ví như khi chưa tu tập, mình đi làm ở công ty bên ngoài, mỗi lần bị sếp la, mình hay buồn tủi. Làm việc mà bên trong ấm ức, đêm về ngủ không ngon giấc. Vào chùa làm việc cùng các bạn đồng tu, được học đạo cùng thầy, được sư phụ tin tưởng giao vị trí quản lý nên khi nhân viên gặp sai sót thì mình biết quán chiếu và niệm là “khó chịu à” hay “bực mình à” để không tức giận, không lấy cái sân đối xử với các bạn mà dùng lời ái ngữ hướng dẫn các bạn làm theo quy trình chung.
Chúng ta có khuynh hướng tạo nghiệp qua ba đường: thân, khẩu và ý. Sân bắt đầu từ ý niệm không thích, không hợp, không hoàn thành, không đúng tiêu chuẩn. Nếu chúng được nuôi dưỡng qua vọng tưởng, tâm trí mình sẽ hiện lên những hình ảnh bất thiện về đối tượng mà mình đang giận hay mình phải làm thế này thế kia cho hả giận. Hai vợ chồng cùng ra ghềnh đá ngồi chơi, sau một hồi tâm sự thì nảy sinh cãi vả. Người chồng tức giận dọa nhảy xuống biển để chứng minh mình đúng. Người vợ trong cơn nóng nảy đã không cản chồng mình. Hậu quả là anh chồng đuối nước qua đời. Bởi thế ông bà ta nói “Giận quá mất khôn” là như thế.
Những suy nghĩ, hành động bất thiện từ cơn giận như chất độc gặm nhắm tâm hồn và phá hoại tánh thiện trong ta. Chúng ta phá vỡ những gì mà mình gầy công xây dựng, cả vật chất lẫn tinh thần. Một ngọn lửa sân đốt cháy cả rừng công đức. Người Phật tử vào chùa làm công quả với tâm hoan hỷ sẽ mang lại nhiều phước báu. Tuy nhiên, khi làm việc, nếu không khéo léo giải quyết các tình huống va chạm, để tâm sân phát khởi thì sẽ làm hao tổn công đức của bản thân mình. Vào ngày rằm tháng bảy, khi vào chùa lễ Phật, tôi vô tình thấy một cô Phật tử làm công quả rầy một chú đang dùng đũa ăn cơm do chú này không biết nội quy ăn trong chùa là dùng muỗng. Chú Phật tử khi bị nhắc nhở đã nổi sân, đứng dậy đập vỡ chén cơm và đi về. Tôi thầm nghĩ nếu cô Phật tử góp ý với thái độ ôn hòa hơn và chú tiếp nhận một cách tích cực hơn thì sẽ không có chuyện đáng tiếc trên xảy ra.
Người hay giận thường có gương mặt u tối và sức khỏe không tốt. Tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu lên não, hệ thần kinh căng thẳng, dẫn đến xuất huyết bao tử và các bệnh liên đới khác như mất ăn, mất ngủ, tinh thần không được thoải mái.
Như Hòa thượng Thiện Siêu có dạy:
“Một chút giận, một chút hờn, lận đận cả đời ri cũng khổ
Trăm điều xả, ngàn điều bỏ, thong dong tất dạ rứa mà vui.”
Chỉ một chút giận, một chút hờn thôi cũng có thể biến cuộc đời mình trở nên đau khổ. Trăm điều xả, ngàn điều bỏ sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui, sự tự do và tự tại giữa cuộc đời. Thực tập lời Phật dạy, bên cạnh bố thí, cúng dường, phóng sanh… chúng ta còn biết tu than và tu tâm. Tu tâm ở đây có nghĩa là chúng ta phải luôn có chánh niệm trong từng hành động. Nhận thấy tâm mình lao xao, có dấu hiệu của sân hận nổi lên thì nhiếp tâm niệm “sân à” cho đến khi cái sân ấy qua đi. Hay khi nghe hoặc thấy sự việc làm mình khó chịu thì niệm là “nghe à”, “thấy à” và quán chiếu danh sắc để không bị các pháp ấy tác động, đồng thời theo dõi trạng thái của tâm cho đến khi trở lại thanh tịnh như ban đầu. Hơn thế, chúng ta mở lòng từ bi với đối tượng làm cho mình phiền giận.
Ai cũng muốn vui vẻ, không ai muốn buồn rầu. Nếu vì một nguyên nhân nào đó mà dẫn đến chuyện không hay thì hẳn nhiên người ấy cũng sẽ chịu nhiều đau khổ, và cũng có thể do mình đã từng có hành động không hay như thế với người khác nên giờ mình phải trả quả. Nghĩ được như vậy, mình thực tập buông tất cả dính mắc trong lòng để tình thương đong đầy và niềm an vui ngập tràn.
Tường Lam
Theo Phật Pháp Ứng Dụng