Vì sao ta buồn và vì sao ta vui? (xúc)

quan-tri-nhan-duyen--p11

Vì sao ta buồn và vì sao ta vui? (xúc)
Trò đùa của buồn vui

            Mùa Giáng sinh vừa qua, và ai cũng tất bật đón mừng năm mới. Năm mới là dịp những đứa con đi xa trở về nhà và đó là giây phút của đoàn viên. Người vui mừng vì tận hưởng giây phút của đoàn viên. Nhưng giây phút đoàn viên đó cũng sẽ qua và người rời gia đình để tiếp tục việc học hay việc làm. Lúc này nỗi buồn có thể xâm chiếm vì suy nghĩ về việc chia lìa choáng ngợp tâm trí. Nỗi buồn là trạng thái biểu hiện khi những gì diễn ra không như ý muốn. Nói đến nguyên nhân của nỗi buồn thì không thể kể hết được. Đó có thể là do học hành không thành tựu, sự nghiệp không thành công, sức khỏe không tốt, gia đình không đầm ấm hay yêu nhau nhưng phải chia lìa. Nỗi buồn được ví như trạng thái tiêu cực khi những thỏa mãn của mong ước không được đáp ứng. Liệt kê nguyên nhân của nó thì không thể hết được, vì nhiều vô số kể. Nỗi buồn trong tình yêu nhuốm màu của thất bại như thương người nhưng không được đáp trả hay không được tôn trọng. Một năm sau, năm mới lại tới và người trở về nhà, niềm vui lại phát khởi nhưng rồi cũng chóng vánh ra đi. Suốt năm đi học hay làm việc, người tìm đủ mọi cách để duy trì niềm vui khi xa nhà, như người tìm kiếm những người bạn, có những mối tình hay bươn chãi trong sự nghiệp. Đối tượng mang đến niềm vui cũng nhiều vô số kể tùy theo nhu cầu của mỗi người. Nhiều niềm vui phải tốn kém vật chất và tinh thần mới có được. Muốn xem phim Cuộc đời của Pi phải tốn tiền mua vé và cất công đi đến rạp chiếu phim để xem. Trong lúc xem phim người giải trí và dường như niềm vui có được do bộ phim mang lại. Nhưng sau đó niềm vui trôi đi khi bộ phim kết thúc, và chỉ có hơi hướm niềm vui còn sót lại sau đó. Vui buồn nối tiếp nhau mà ai cũng muốn niềm vui dài lâu và nỗi buồn cứ qua mau. Đọc đến đây người thấy buồn vui bị chi phối bởi hoàn cảnh và hoàn cảnh làm chủ trạng thái của người. Gặp một người dễ thương, người thích lắm và người dễ thương đó trở thành một thứ hoàn cảnh, làm thỏa mãn nhãn căn. Một sô ca nhạc với đủ thứ âm thanh ánh sáng bắt mắt thì được xem là mãn nhãn. Người vồ vập trong cái gọi là mãn nhãn đó và tầm cầu hình sắc dễ thương để được mãn nhãn. Buồn vui chẳng qua cũng là chỉ muốn tầm cầu được đáp ứng, nếu thỏa mãn thì vui và nếu không thì buồn. Một học trò của tôi muốn làm việc để kiếm tiền giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, bệnh tật hoặc gặp khó khăn. Mong ước chính đáng đấy chứ vì làm từ thiện thì cái gì cũng hay cả, nhưng có tầm cầu trong đó, nếu đạt được mà không biết tùy hỉ thì sẽ ngã mạn, bằng không đạt được thì rầu rĩ. Buồn vui lẫn lộn, không biết rõ vì sao người buồn và vì sao người vui.

            Buồn vui như một trò đùa và nó đẩy người đi qua sự sống, nên người tự mặc định sự sống hay cuộc đời là phải có buồn có vui. Đành rằng là thế nhưng lúc buồn, hãy buồn chính đáng và lúc vui, hãy vui chính đáng. Đừng bao giờ để nỗi buồn kéo dài quá lâu hay không biết rõ người buồn vì cái gì. Có câu, Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. Đây là cái buồn tương tư, người đời có thể cho là đẹp, theo kiểu tuy buồn mà đẹp, hay tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Dang dở thì sao mà đẹp được, người thường tìm cách an ủi mình như thế. Cuộc sống cứ trôi và người không thể để bản thân chết mòn mỏi trong nỗi buồn. Đừng cho nỗi buồn ngàn đời, vì cuộc sống lúc nào cũng buồn thì chán lắm. Nỗi buồn có thể giết chết người như hận thù vậy vì nó có tính chất gậm nhấm, làm người héo hon, làm người bơ vơ. Niềm vui có thể là đối nghịch với nỗi buồn, không buồn tức là vui, hay chẳng buồn cũng chẳng vui, bình thường thôi. Tôi cũng thích câu, Bình thường thôi.Bình thường hóa mọi cảm xúc thì buồn vui đâu là trò đùa. Tình yêu mà đùa giỡn thì mãi mãi người không bao giờ biết yêu thương và biết được yêu thương. Đem tình yêu ra mà đùa thì tội quá, không chỉ tội cho người kia, mà chính người đang rất tội nghiệp. Trên đường đời tất bật, bỗng gặp một người có thể chia sẻ buồn vui, và người bắt đầu có niềm tin vào người đó, bao nhiêu nỗi buồn niềm vui cứ thế mà trao cho nhau. Cũng hay đó chứ, vì nó giúp người giảm đi những nỗi khổ niềm đau hay chia sẻ những giây phút hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng mà người ơi, cái vui của thế gian không bao giờ vĩnh cữu, không có gì là thiên thu hay muôn năm, và nỗi buồn cũng thế, cũng làm cho người mỏi mệt và muốn dừng lại. Yêu nhau sao thấy khổ, mà hết yêu, không vướng bận gì thì thấy khỏe re. Có hai cô cậu học trò khi tôi dạy bên Greenwich FPT, lúc còn quen nhau thì tíu tít suốt ngày, nhưng vài tháng sau thì đường ai nấy đi, em đi đường em nhé, chàng trai nói vậy, và anh đi đường anh nhé, cô gái nói vậy. Người thấy không, tình yêu tràn ngập niềm vui và cũng tràn ngập nỗi buồn, có những hạnh phúc thì cũng có những đớn đau. Thôi thì tạm biệt tình yêu, về nhà đóng cửa, tự yêu lấy mình, tự mình làm người yêu của mình? Người làm vậy được không?

            Buồn quá không ai chia sẻ và tâm sự, người lên facebook và vung vãi nỗi buồn của người. Bây giờ nhiều mạng xã hội kết nối nhanh chóng, nó như phương tiện kết bạn, chia sẻ thông tin và xây dựng các mối quan hệ. Phương tiện nhiều như vậy nhưng sao người vẫn cứ buồn. Nếu đang vui mà lướt qua facebook, đọc phải một status buồn, chắc hẳn người không tránh khỏi bị vạ lây. Có những nỗi buồn mang tính chất lây nhiễm, nhiều khi người buồn vì nỗi buồn của ai đó. Nỗi buồn này khác với lòng trắc ẩn, hay tâm bi. Nỗi buồn không cách giải quyết thì rất đau thương, còn tâm bi là tâm thấu hiểu nỗi khổ của chúng sinh mà không gieo rắc nỗi khổ và tìm cách chuyển hóa nó. Có loài động vật nhai lại, như ăn cỏ rồi nhả ra để nhai lại. Người cũng có thể là loài nhai lại, nhai lại nỗi buồn. Những chuyện buồn cách đây hàng chục năm, dường như người đã quên rồi, bỗng chốc nhớ tới rồi đem ra kể, rồi buồn, rồi khóc, người bị làm cho đau thêm nhiều lần như vậy. Hay có người bị hãm hiếp cách đây vài chục năm, đã vượt qua cái đau đó rồi, nhưng giờ tự nhiên ngồi kể lại, cái đau trở lại, người như bị hãm hiếp lần nữa vậy. Một trong những nguyên nhân của nỗi buồn là do tư kiến, do cố thủ vào tư kiến riêng mà không chịu nhả ra, biết rằng tư kiến đó làm người khổ lắm, nhưng bị kẹt và không đủ can đảm để buông bỏ. Tất cả tư kiến đều là tà kiến, dù có vẽ vời cách mấy, những điều người cố gắng diễn bày cũng chỉ là tư kiến nên ý niệm vẫn còn và khi còn ý niệm thì người không thể vắng lặng được. Cho nên người đi tu là tu từ còn chấp đến vô chấp. Sự cố chấp cũng chỉ bảo vệ tư kiến mà tư kiến thì rất không cộng đồng. Tình yêu ngược lại có tính chất cộng đồng. Hai người đến với nhau đã là cộng đồng và đi vào cộng đồng thì gác lại những cái riêng mà đóng góp vào đó những cái chung. Muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình phải đi chung một hướng, tức là có sự đồng thuận, từ đồng thuận mà dẫn đến hòa thuận. Có câu, Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Câu tục ngữ có vẻ thậm xưng nhưng hàm ý trong đó, tình nghĩa vợ chồng, sự hòa thuận trong gia đình thì công việc to lớn như biển Đông, những khó khăn trong đời sống to lớn như biển Đông vẫn có thể vượt qua, và biển Đông trở nên không còn nhằm nhò gì nữa. Sự nhường nhịn rất quan trọng, nó không nói đến yếm thế hay nhu nhược mà do muốn giữ hòa khí nên nhường nhịn. Nó mang yếu tố của sự thỏa hiệp. Hai vợ chồng bàn bạc để thỏa hiệp, để đi đến quyết định chung. Vấn đề tài chính, con cái, chia sẻ công việc, chăm sóc gia đình hai bên, ở riêng hay ở chung… đều có thể thỏa hiệp. Cùng bàn bạc thì núi việc như biển Đông vẫn có thể giải quyết. Vấn đề là hãy khép cánh cửa của cố chấp và mở cánh cửa của chấp nhận. Đừng để cố chấp càn quét hạnh phúc gia đình. Gia đình là cả một sự nghiệp, nó quan trọng hơn sự nghiệp kiếm tiền. Việc kiếm tiền chỗ này không được thì kiếm chỗ khác, còn gia đình mất rồi, muốn tìm kiếm lại được cũng khó. Buồn vui thì cứ buồn vui nhưng đừng có chấp vào buồn vui. Buồn vui đến rồi đi, người cứ đối diện với nó. Làm chủ được buồn vui thì cũng kiểm soát được cảm xúc. Không lụy vào cảm xúc thì xá gì buồn vui. Buồn vui không thể là trò đùa vì đâu có ai muốn đời sống đầy dẫy những thăng trầm. Không chấp buồn cũng không chấp vui thì buồn vui đang có mặt đó, người không tức tưởi vì nỗi buồn và không hả hê vì niềm vui. Hai vợ chồng cãi nhau trong nhà rồi dẫn nhau ra đường cãi tiếp, cả xóm nghe, thậm chí có người mua bắp rang ra ngồi coi hai vợ chồng cãi, như đang xem phim tình cảm hay xem kịch trong nhà ngoài phố. Có chuyện gì thì đóng cửa dạy nhau, mà khi dạy nhau thì nói ngon ngọt người ta mới nghe. Cãi nhau do ai cũng chấp, không ai chịu buông bỏ tư kiến. Thương người thì thương luôn tư kiến của người kia, ôm lấy cái tư kiến mà chấp nhận nó. Chấp nhận được thì cần gì phải cãi nữa.

            Xúc không đơn thuần nói về sự xúc chạm giữa thân và đối tượng được xúc chạm mà còn nói tới các căn tiếp xúc với các trần của nó, như mắt xúc sắc, tai xúc thanh, mũi xúc hương, lưỡi xúc vị, thân xúc chạm và ý xúc pháp. Mắt xúc với sắc như mắt nhìn thấy được sắc, nhưng không hiểu theo nghĩa một chiều như mắt tìm kiếm sắc mà sắc cũng có thể tìm kiếm mắt. Mắt và sắc tìm kiếm lẫn nhau tạo nên duyên xúc. Do mắt có mặt nên sắc có mặt và nếu không có sắc thì mắt có để làm gì. Tai cũng vậy, âm thanh cứ tràn vào và tai làm nhiệm vu của nó. Khi tai nhận ra âm thanh thì giữa tai và âm thanh tiếp xúc với nhau. Còn cho rằng âm thanh thú vị hay không thú vị, lớn hay nhỏ, thích hay không thích lại là công việc của thức. Tình yêu tràn ngập xúc, mà xúc này là từ cả hai phía, như mũi của người xúc với hương của người kia, thân của người xúc với thân của người kia. Thân của người kia trở thành phương tiện tạo ra chạm, và chạm là trần của thân. Xúc chạm dễ chịu dẫn tới cảm thọ dễ chịu và xúc chạm khó chịu dẫn tới cảm thọ khó chịu, hay có những cảm thọ không dễ chịu cũng không khó chịu, thức giúp phân biệt những cảm thọ như vậy.

Thế giới đối với người là thế giới của sáu căn vì người tiếp xúc thế giới thông qua sáu căn. Vì thế, nếu xem người kia là một thế giới trong tình yêu thì mọi thứ xung quanh dường như không được chú tâm, người chỉ chú tâm vào người kia, nên có người nói ở bên em, anh thấy như thế giới ngừng quay, vì chỉ có người và người kia quay thôi, sáu căn của người đổ dồn vào người kia mất rồi nên trong phút chốc đó không còn thấy gì ngoài người kia. Người có mặt vì người kia có mặt và khi gặp gỡ người kia, như những gì đang có mặt gặp gỡ nhau, mà người ta gặp gỡ nhau thông qua cái gì, thông qua sáu căn mà thôi. Nói là anh John và chị Jennifer gặp nhau chứ thực ra sáu căn gặp nhau. Đây là nói còn nhẹ, chứ nói nặng hơn là năm uẩn gặp nhau, nặng hơn là nghiệp, hay nợ, mấy cái nợ cứ gặp nhau, mà nợ thì không trốn được đâu nhé. Có người đi tu mà nợ đòi dữ quá, bỏ chùa, bỏ sư phụ, bỏ các bạn đồng tu, chạy ra ngoài cưới vợ mà trả nợ. Nói rằng còn nhỏ chưa nắm rõ về xúc lắm thì không đúng. Đứa bé vẫn cảm nhận giá trị buồn vui của đời sống, nhưng nó chưa có đủ phương tiện để biểu hiện buồn vui của nó. Buồn vui của đứa bé biểu hiện sắc thái khác, có thể rất ngây ngô, nhưng nhiều khi sự ngây ngô khiến người ta thích trẻ thơ. Ai làm trò thì đứa bé cười và lúc đói bụng thì đứa bé khóc. Người lớn buồn vui và có đủ phương tiện bày tỏ buồn vui. Khi buồn vui đã lờn quá rồi thì người thấy chán ngay trong những buồn vui, và thấy sao ngày xưa người cứ đùa giỡn với nó. Học trò của tôi đọc cuốn Người Chiến Binh Trong Thế Giới Ảo thấy giống cậu quá, có vẻ như tác giả đang nói về cậu, nhưng cậu cho rằng cái thời ngây ngô đó đã qua rồi nên cuốn sách không có tác dụng với hiện tại của cậu mấy. Cậu quên mất là trong hiện tại cậu đang ngây ngô trong tình yêu, giống như ngây ngô với game online ngày xưa, có điều game online là trò của trẻ con thích chơi, còn giờ tình yêu lại là trò chơi của cậu. Biết vậy cậu nên đọc cuốn Quản Trị Nhân Duyên này thì sẽ ứng dụng ngay trong hoản cảnh hiện tại. Ứng dụng được không thì cũng do ý chí bằng không thì 20 năm nữa, đầu đã điểm tóc pha sương, buồn vui của tình yêu đã trải qua, có thể cậu ngồi nhìn lại sao lúc đó cậu ngây ngô thật. Tuy nhiên, có mấy ai thấy bản thân ngây ngô nếu buồn vui không nhào nặn trăm nghìn lần. Người tiếp xúc với trần nhưng không có chánh niệm nên buồn vui có nơi chốn để ở và người đi qua tháng năm bởi những buồn vui do chính người tự tạo, buồn thì nhiều quá và vui thì ít quá. Cuộc đời không lẽ chỉ có bấy nhiêu thôi sao?

            Thọ như những gì người nhận lấy và do phân biệt khi căn xúc với trần mà thọ được duyên ra. Xúc duyên thọ như cái người phải trả hay phải đón nhận khi để cho căn và trần gặp nhau dù có chánh niệm hay không có chánh niệm. Thật ra không có ai là người thọ, thọ là vô ngã và cũng vô thường. Vô ngã vì không thể tác động đến thọ và vô thường vì thọ đến rồi đi. Thực tập thiền quá Tứ Niệm Xứ thì cho rằng quán thọ khổ, điều này chỉ một chiều thôi, thọ khổ nhưng ai khổ, cái thọ nó khổ hay người cảm thọ khổ? Đã nói thọ là vô ngã thì không có cái ngã trong đó, thế thì thọ không thực có, như huyễn, vậy cái khổ kia có thể là gán ghép hay trá hình. Đây là do cách suy nghĩ thôi, cho nó khổ thì nó khổ và cho nó lạc thì nó sẽ lạc. Khổ hay lạc, buồn hay vui là do cách người nhìn nhận. Nếu nhìn nhận ngoại cảnh bằng con mắt của buồn thì cảnh đẹp hay hữu tình cách mấy, người vẫn buồn và quến cái buồn đó vào cảnh, người không còn ngắm được cảnh nữa mà đang ngắm nỗi buồn. Cảnh đẹp nhưng nỗi buồn ngự trị thì cái đẹp kia có nghĩa lý gì và cảnh trở nên buồn vì người đã pha màu cho nó bằng sắc thái của nỗi buồn. Cũng vậy, khi đang vui thì cái gì cũng chấp nhận được rất dễ, khung cảnh bình thường người chẳng bao giờ để ý hay chẳng bao giờ thích tự nhiên trở nên đẹp chi lạ và người dùng rất nhiều ngôn từ hoa mỹ để miêu tả cái đẹp đó. Niềm vui có sức xây dựng mãnh liệt, có thể đưa đến quyết định hàn gắn hay hào phóng rất nhanh. Nỗi buồn lại không có tính xây dựng lắm, nếu không làm chủ được, nó lại mang tính chất phá hoại, phá hoại bản thân đã đành, người còn phá hoại cả người thương nữa. Hòa giải với nỗi buồn và tìm hiểu nguyên nhân của nó rồi tìm cách giải quyết, bằng không nỗi buồn sẽ thành nội kết và ăn sâu vào đời sống của người. Sống mà lúc nào cũng buồn thì tội nghiệp lắm.

Buồn mà chi ta ơi
Những tất bật cuộc đời
Thôi yêu thương chóng vánh
Mà tìm về thảnh thơi.

Hãy vui đi ta ơi
Sinh ra vào ngày mới
Bước chân trong hiện tại
Cùng tìm về muôn nơi.

Tỉnh thức nữa ta ơi
Đây lời kinh gọi mời
Chợt đã biết dừng lại
Thì bình yên vừa tới.

TG.Minh Thạnh

Sachminhthanh.wordpress.com

Phật Pháp Ứng Dụng