Vì sao trong cái thương có cái khổ? (thọ)

quan-tri-nhan-duyen--p13

Vì sao trong cái thương có cái khổ? (thọ)
Những kỉ niệm mong manh

            Năm mới người thường hay chúc nhau nhiều sức khỏe, trường thọ, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Nụ cười thật tươi được trao cho nhau. Trong hôn nhân, người cũng chúc nhau trăm năm hạnh phúc, thậm chí còn chúc đầu năm sinh con trai và cuối năm sinh con gái. Kinh tế suy thoái mà năm nào cũng sồn sồn một đứa con chắc chịu không nổi. Sau những niềm yêu thương là biết bao lo toan và trách nhiệm. Lo không nổi hay trách nhiệm không vẹn toàn sẽ bị trách, bị hờn, hạnh phúc ban đầu đã nhuốm màu sắc của buồn phiền. Trong cái thương có cái khổ và trong cái khổ có cái thương. Vì thương nên người muốn người kia cũng thương người, chỉ dành cho người, muốn sống đời với người, muốn dễ thương mãi với người. Nếu ngày nào đó, chẳng may người kia không thương nữa, hoặc ra đi đột ngột, người sẽ khổ lắm. Cái khổ tiềm tàng trong cái thương nên điều người gọi là yêu thương không có gì bền chắc, vấn đề là duy trì nó càng lâu càng tốt. Khi khổ đau tới, người thấy trong cái khổ có cái thương. Bấy lâu người thờ ơ với người đó, không thấy sự có mặt của người đó rất quan trọng, nên bỗng nhiên người đó ra đi và người bắt đầu thấy thiếu vắng và niềm yêu thương quay trở lại trong người. Thương và khổ tương tức với nhau như hợp và tan vậy. Khi đang hợp thì ngày tan đang đến gần. Đang thương nhau đó nhưng khổ cũng đang rình rập. Thương có sự nguy hiểm cũng như khổ vậy. Người đang sống cũng là đang chết dần nên trân quý sự sống thì cũng trân quý cái chết.

            Khi yêu thương, người thường xây dựng cho bản thân những kỉ niệm và khi yêu thương trôi qua, người nuôi dưỡng mình bằng những kỉ niệm. Nếu kỉ niệm đẹp thì người tiếc nuối và nếu kỉ niệm không đẹp thì người buồn tủi. Kỉ niệm khiến những điều mầu nhiệm của hiện tại bị đánh mất. Có người nói với tôi, đôi khi cũng phải sống vì quá khứ. Đơn giản vì hiện tại không giúp họ vẽ nên một hình hài nào hay không có thành tích nào nên cố bám víu quá khứ để có chút gì đó sống được trong hiện tại. Quá khứ vẻ vang hay thất vọng nhưng đã là lịch sử rồi, ngồi sống với quá khứ giống như loài động vật nhai lại. Người phải đi tiếp và tiếp tục cống hiến cho cuộc sống, bằng không sẽ giậm chân tại chỗ và suy thoái. Tình thương mà suy thoái thì tội nghiệp lắm. Ngày xưa báo Công an tường thuật những chuyện bạo động hay tội phạm, bây giờ các báo đều nói đến những chuyện bạo động và tội phạm. Đôi lúc tôi đọc báo Tuổi trẻ hay báo Thanh niên mà cứ tưởng là đang đọc báo Công an. Và các báo có chuyên mục hôn nhân gia đình và 90% những cuộc tình chia sẻ trong đó là đầy dẫy khổ đau. Nếu chồng không ngoại tình thì cũng hời hợt với hôn nhân hiện tại. Nếu vợ không đi ăn nem thì cũng mơ tưởng niềm vui khác. Nhiều kỉ niệm chua chát khiến người đánh mất niềm tin vào hôn nhân, thậm chí có người trầm cảm và điên loạn. Kỉ niệm có thể đã qua nhưng hãy xây dựng kỉ niệm mới để kỉ niệm đã qua đi cho vào dĩ vãng. Thương rồi khổ, khổ rồi thương, âu cũng là chuyện thường tình của thế gian, nhưng tỉnh táo lựa chọn con đường hạnh phúc. Học trò chia sẻ với tôi, Đôi khi nhớ thầy, nhớ những lúc cùng thực tập với thầy trong chùa hay trong công viên, thật là an lạc và thảnh thơi. Kỉ niệm này đẹp đấy, nhưng điều tôi mong mỏi hơn cả là trong giây phút hiện tại, học trò có thực sự an lạc không và có thực sự thảnh thơi không. Đôi lúc người sử dụng kỉ niệm đẹp để cố lấn át hay đè bẹp khổ đau đang biểu hiện trong hiện tại.

            Lúc người xây đắp những kỉ niệm đẹp trong hiện tại thì người đang làm cho tình yêu trở nên ngon lành. Đừng bao giờ đổ thừa cho chồng hay vợ vì sao họ ngoại tình. Người lúc nào cũng có phần lỗi trong đó, không ít thì nhiều. Người có chăm lo cho gia đình đầy đủ, có lắng nghe và chia sẻ đầy đủ, có thấu hiểu nhu cầu của gia đình, có mặt đầy đủ cho gia đình vào những lúc cần thiết… và biết bao nhiêu điều khác. Tình yêu cũng cần sự hòa hợp, như một món ăn, hợp khẩu vị, dù không mắc tiền nhưng người ăn rất ngon lành. Có người so sánh tình mẹ như nước trong nguồn, ngọt ngào như mía lau và đậm đà như xôi nếp một. Thế tình yêu được so sánh với cái gì? Có thể là hoa hồng, là chocolate hay ly cà phê. Hoa hồng thì lại có gai, còn chocolate và cà phê thì lại có chất đắng. Trong ngọt ngào có cay đắng như trong thương có khổ vậy.  Tình yêu có yếu tố của mơ mộng như mơ một ngôi nhà và hai đứa trẻ vậy. Chưa cưới nhau nhưng người đã mơ hai ngọn nến lung linh và nếu giấc mơ không toại nguyện, người buồn thương cho giấc mơ của mình. Học trò của tôi hay bị kẹt vào những giấc mơ và thường hay muốn lí giải những giấc mơ. Đời sống này đã rất ảo thì giấc mơ lại càng siêu ảo. Người có quyền mơ ước nhưng đừng cao siêu quá mà xa rời thực tế, rồi sống trong ảo mộng, tình yêu cũng bong bóng luôn. Tiếng Anh có từ “daydreaming” tức là trời chưa tối chưa đi ngủ mà đã mơ mộng giữa ban ngày rồi. Sự mơ mộng là tình trạng phóng tâm hay tâm đang bay nhảy, ma thất niệm bắt mình đi. Sở dĩ người mơ mộng vì người đang buồn chán hiện tại cho nên muốn hi sinh hiện tại cộng thêm chút mơ mộng, người mới có hạnh phúc. Chàng và nàng ngồi bên thềm, chưa cưới nhau, mới hẹn hò, bắt đầu suy nghĩ, sau này cưới nhau sẽ mua cái nhà thế này, trang trí phòng thế này, sẽ sinh hai đứa con, nếu con trai thì đặt tên Nam, sinh con gái thì đặt tên Lan, nhưng chưa xong, chàng và nàng còn tính tới chuyện cưới vợ gả chồng cho hai đứa con và mường tượng mình sẽ làm ông nội bà ngoại thế nào. Suy nghĩ xa quá, dừng ở chỗ cưới nhau và mua cái nhà là mừng rồi. Khi nào đạt được hai cái này thì hãy nghĩ tiếp. Nghĩ trước sợ bước không tới thì thất vọng, rồi buồn, rồi khóc, rồi than, rồi mất niềm tin, do người cả thôi, có ai mang khổ đau cho người đâu. Nhiều người không có kỉ niệm đẹp nào nên tự vẽ kỉ niệm để có chút an ủi thì tội nghiệp quá. Khi đã yêu thì cứ yêu đi, sống trọn vẹn trong tình yêu, nhưng trên đời này đâu chỉ có tình yêu nam nữ, còn nhiều thứ tình yêu lắm, mà nhiều khi mấy thứ tình yêu này lại có nhiều hạnh phúc hơn. Kỉ niệm nhỏ mà đẹp nên không cần phô trương kỉ niệm. Một cử chỉ chăm sóc, một câu hỏi han hay ánh mắt nhìn trìu mến cũng đủ tạo nên kỉ niệm, có tốn tiền gì đâu. Người không phải là đại gia tiền bạc, nhưng hãy là đại gia trong tình yêu. Người ta tạo kỉ niệm bằng xe hơi nhà lầu, bán xe hơi, bán nhà lầu thì tình yêu còn lại gì. Người tạo tình yêu bằng sự có mặt, bằng nụ cười, bằng quan tâm thì tình yêu thi vị hơn. Mùa xuân người ta cưới nhau rầm rầm, người vẫn còn ngồi đó, mình ênh, nhìn tuổi thanh xuân đi qua nhưng sao tâm hồn vẫn tươi trẻ, người không héo hon trong tình yêu. Không phải người không biết yêu mà vì người đã thấm thía tình yêu rồi.

            Thọ là những gì người đón nhận thông qua sắc trần, tưởng, hành và thức. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo ra thọ khổ hay thọ lạc. Tưởng yêu ghét, hành động và thức phận biệt cũng tạo ra thọ khổ hay thọ lạc. Nhìn thấy cô gái xinh đẹp, chàng trai có thọ lạc, thọ lạc này mang tính chất thế gian và hàm chứa cái dục trong đó. Nhưng sau đó suy nghĩ đến thân phận nghèo nàn, chưa có công danh sự nghiệp nên có thể cô gái đó không để ý tới mình nên chàng buồn và bắt đầu có thọ khổ. Thọ vô thường và vô ngã. Vô thường vì nó đến rồi đi, vô ngã vì không tự đẻ ra cái thọ hay bắt thọ phải như thế này thế kia. Tình yêu đầy dẫy những cảm thọ. Hạnh phúc được xem là biểu hiện của thọ lạc và khổ đau được xem là biểu hiện của thọ khổ. Cô gái nhân được tin nhắn của chàng trai, Hôm nay em đi học có mệt không, ăn cơm chưa, đang làm gì đó, có nhớ anh không? Thọ lạc hừng hẫy khắp châu thân của cô vì cô đang chờ tin nhắn mà. Thường thì chàng nhắn tin vào khoảng sáu giờ nhưng đến tám giờ chàng mới nhắn. Hai tiếng đồng hồ chờ đợi khiến cô tuôn ra bao nhiêu cái tưởng, không biết chàng đang làm gì, có bị tai nạn gì không, có nhớ mình không, sao giờ chưa nhắn tin cho mình, hay là đang la cà với cô gái nào khác… và hàng trăm suy nghĩ cứ liên tiếp bung ra, kể cả những kỉ niệm, những nghi ngờ, những nỗi buồn vu vơ. Hai tiếng đồng hồ cô nuôi thọ khổ và nó lớn dần, nếu lúc tám giờ chàng không nhắn tin, chắc nàng nổi khùng vì chịu không nổi. Không biết chịu không nổi cái gì nhưng điều thấy rõ là nghe tiếng bíp bíp và đọc tin nhắn là mọi thọ khổ tan biến, lúc này chỉ có thọ lạc thôi. Nàng vừa đọc tin nhắn và tự mỉm cười, rồi tự suy nghĩ, Cái anh này, đáng ghét, bây giờ mới chịu nhắn, làm người ta lo lắng gần chết. Hồi nào giờ chẳng biết lo lắng, tự nhiên lo lắng cho người dưng, cũng ngộ nhỉ. Suy nghĩ về người thương cũng khiến cho người có thọ lạc, một cảm giác tự sung sướng, nhưng thực ra không thể “tự” được vì không có tác giả của thọ, nó chỉ là biểu hiện của các điều kiện như ý tiếp xúc với đối tượng được suy nghĩ kết hợp với dây thần kinh tạo hưng phấn mà thôi.

            Cảm thọ tạo ra sự ưa thích và muốn cảm thọ đó tái diễn. Giống như một bản nhạc, nếu ưa thích bản nhạc đó, người sẽ mở đi mở lại để nghe, nên khi có thọ dễ chịu khi ở bên một người, người muốn thọ dễ chịu được lặp lại và ưa thích thọ đó. Đây gọi là thọ duyên ái. Người có sở thích về món ăn. Nàng hỏi chàng, Chàng thích ăn món gì nhất? Chàng nói, Anh à, anh thích ăn bánh xèo nhất. Và thế là nàng tìm mọi cách để tập làm bánh xèo và thường hay đãi chàng món bánh xèm, vì chàng thích ăn mà. Món bánh xèo khi ăn tạo thọ dễ chịu nên chàng ưa thích món này. Nàng biết vậy nên trổ tài làm bánh với ý muốn chàng thích món ăn thì cũng sẽ thích người làm ra nó. Khi làm món bánh, suy nghĩ về chàng trai, nàng có thọ lạc, nhìn chàng ngồi ăn, nàng có thọ lạc, và khi chàng khen một câu nữa thì thọ lạc bung khủng khiếp. Nàng thỏa mãn trong thọ lạc đó và khao khát sự kiện lại tiếp diễn. Danh sách các món ăn chàng ưa thích được lập và nàng tạo ra trong chàng nội kết và bản thân nàng cũng có nội kết. Thọ gây ra nội kết mãnh liệt vô cùng, vì khi ưa thích chất chồng thì người có khuynh hướng tìm kiếm để thỏa mãn cái thèm muốn. Như có người thèm ăn tiết canh thì khi có tiền, dù biết nguy cơ bệnh tiêu chảy cấp, nhưng không màng, kiếm món đó mà ăn cho bằng được. Nói về thọ nghe có vẻ nhẹ nhàng như thế nhưng khi dẫn đến sự ưa thích thì nó như cơn sóng thần, ngấm ngầm trong thân tâm, chỉ chờ dịp có cơ hội là bùng ra như trận hồng thủy. Một người ba ngày không ăn, tự nhiên có người bày ra trước mắt những cao lương mỹ vị nên họ ăn lấy ăn để, ăn nhồi nhét cho đầy bao tử, vì cơn đói hoành hành quá nhiều. Người tu cũng có thọ lạc, nhưng nó không hàm chứa dục. Họ có lạc thọ vì đã buông bỏ những cái dục, bình an đến từ tự thân và tâm, họ sung sướng vì không còn vướng bận vào dục, và vì thế hỷ lạc biểu hiện.

            Khi không còn dính mắc vào tình yêu của thế gian, người trở thành vị hảo hán tự do. Tình yêu của thế gian có thể là tình yêu nam nữ, tình yêu danh vọng hay tình yêu vật chất. Mấy tình yêu này khiến người mất tự do và bao nhiêu phiền não tuôn ra, người không còn ngây thơ và vô tư nữa. Ngày xưa người vô tư và ngây thơ làm sao, đẹp đẽ như hạt sương vậy, nhưng khi dính vào mấy con đường tình đó, người đánh mất tuổi thanh xuân dù tuổi đời còn rất trẻ. Tự do tan biến dần vì người kẹt đủ thứ và lo lắng đủ thứ. Học trò của tôi khi vừa mới mở công ty, cậu bắt đầu căng thẳng, rồi người yêu giận hờn, cậu cũng căng thẳng, những mục tiêu sự nghiệp đặt ra, sự căng thẳng tăng gia tốc. Nếu cậu muốn giải tỏa căng thẳng, tìm hạnh phúc trong công việc, tìm bình an trong tình yêu, tìm thảnh thơi trong sự nghiệp, chỉ còn cách là cậu phải hạ thủ công phu, tức là dành thời gian thực tập để đạt hạnh phúc, bình an và thảnh thơi. Thế Tôn chưa bao giờ vắng mặt, mà Thế Tôn là gì, là hạnh phúc, là bình an, là thảnh thơi. Phật tính đang ở trong người, Thế Tôn đang ở trong người, ba yếu tố kia đang ở trong người nhưng do bươn chãi quá mức, người đâu có tiếp xúc được và người căng thẳng trầm kha. Làm việc thì cứ làm việc, yêu thương thì cứ yêu thương, sự nghiệp thì cứ sự nghiệp nhưng người hãy tu trong lúc làm việc, tu trong lúc yêu thương và tu trong lúc phát triển sự nghiệp. Người sẽ thấy phẩm chất của sự sống trào dâng, không kẹt, không dính mắc thì người đã biết tu rồi. Thương rồi khổ và khổ rồi thương, cái thăng trầm của khổ thương có làm người mệt mỏi và người có nhu cầu chấm dứt mệt mỏi. Đường tình đã bao số kiếp trải qua, thôi thì giờ dừng lại, kiểm soát thọ, chấm dứt luyến ái, cho phép bản thân không mệt mỏi nữa. Thực tập im lặng bên trong và im lặng bên ngoài. Im lặng với tình yêu, dù tình yêu đẹp đẽ hay khổ đau, xin hãy cứ im lặng. Im lặng với đòi hỏi đang dàn trận trong tâm, dù hòa bình hay tan nát, hãy chấp nhận trong im lặng. Im lặng tuyệt đối thì không còn thương không còn khổ. Nếu có khổ thì tập thương luôn cái khổ. Khổ thôi mà, có gì đâu. Nói là “có gì đâu” chứ thực ra phải tập dữ lắm. Muốn ngồi không nhúc nhích trong trường khổ đau không phải chuyện dễ, tình thương phải lớn hơn rất nhiều mới có thể chuyển hóa được. Cầu cái không cầu, tu cái vô tu và yêu cái không yêu hay thương cái không thương. Làm được điều này thì im lặng được tuyêt đối. Cầu cái không cầu là không cầu gì cả vì mọi thứ đều cầu, tu cái vô tu là không tu gì cả vì mọi hạnh đều tu, yêu cái không yêu là không yêu gì cả vì mọi thứ đều yêu và thương cái không thương là không thương gì cả vì mọi thứ đều thương. Thương hết tất cả thì còn gì là không thương, nên không cần phải đặt ra tiêu chí phải thương ai, phải thương cái gì, lúc này người không thương không ghét, đã biết thương và thương thiệt.

Có những bình yên trong mưa nắng
Giản dị như hơi thở đầu đời
Khi thân tâm không còn gợn sóng
Khi số phận đã thôi long đong.

Có những bình yên giữa bão giông
Sâu lắng như mẹ ngân câu hò
Như con đò đã tìm về bến
Như thân phận không còn lênh đênh.

Bình yên trong tôi vẫn còn nguyên
Lúc tôi cất bước lên đạo thuyền
Và từ bi trong tim tôi hát
Đưa tôi về với cội bình yên.

TG.Minh Thạnh

Sachminhthanh.wordpress.com

Phật Pháp Ứng Dụng