Vì sao trong cái khổ có cái thương? (thọ)

Quản trị nhân duyên - P14

Vì sao trong cái khổ có cái thương? (thọ)
Hương vị của buổi chiều yên ả

            Có một lần đức Phật gặp một người đàn ông còn trẻ nhưng có vẻ mệt mỏi và buồn bã. Ông kể với Phật là con trai duy nhất của ông vừa mới  qua đời nên ông buồn khổ lắm. Ngày nào ông cũng ra ngoài bãi tha ma mà than khóc, Con ơi, bây giờ con ở đâu? Ông trở nên tiều tụy vì thương nhớ con mình. Phật nói, Này ông, trên đời này hễ có thương là có khổ. Người đàn ông liền phản đối, Thầy nói vậy sao được, thương thì làm sao khổ được, thương chỉ đem lại hạnh phúc và niềm vui mà thôi. Người đàn ông tỏ ra bất bình rồi bỏ đi. Đi một lát thấy có nhóm người đang ngồi đánh bài nên ông ngồi xuống kể cho họ nghe. Nhóm người tỏ vẻ thông cảm, Đúng là ông thầy tu đó nói không có lí gì hết, thương làm sao mà sầu khổ được, nó chỉ có hạnh phúc và niềm vui thôi.

            Câu chuyện nhanh chóng lan khắp kinh thành và ai nấy đều bàn tán sôi nổi, cuối cùng cũng đến tai vua Pasenadi. Hôm đó, trong bữa cơm chiều, vua nói với hoàng hậu, Vị sa môn mà ai cũng gọi là Phật chắc không giỏi lắm đâu. Hoàng hậu hỏi, Sao vậy đức vua, có ai đã chê vị sa môn đó sao? Đức vua kể lại câu chuyện mà ngài đã nghe được cho hoàng hậu nghe. Hoàng hậu Mallika phản hồi, Nếu như đức Phật đã nói như vậy thì chắc chắn đó là sự thật. Đức vua tỏ vẻ phật ý nên nói, Nàng suy xét thử xem, đừng như một đứa học trò, hễ ông thầy nói gì thì cứ phải nghe theo. Hoàng hậu chỉ im lặng nhưng bà cũng muốn học hỏi thêm nên ngày hôm sau bà nhờ một người bạn tên Nalijangha tới thăm Phật và nhờ Phật chỉ dạy.

            Nalijangha đến thăm Phật và được Phật dạy như sau, Tại thành Savatthi có một cô thiếu nữ vừa mất mẹ, cô khổ quá đến bấn loạn cả thân tâm, ngày nào cũng đi ngoài đường gặp ai cũng hỏi, Ông có gặp mẹ tôi đâu không, bác có thấy mẹ tôi đâu không? Cũng tại thành Savatthi, có hai người nam nữ yêu nhau nhưng do gia đình không chấp thuận nên họ quyết định tự tử vì họ cho rằng chỉ có cái chết mới giúp họ ở bên nhau mãi mãi. Tôi chỉ mới kể hai câu chuyện thôi mà đã thấy trong cái thương có cái khổ rồi.

            Nalijangha kể lại những gì Phật nói cho hoàng hậu Mallika nghe. Hoàng hậu chờ dịp thuận tiện hỏi vua, Bệ hạ có nghĩ là công chúa Vajiri là người bệ hạ thương yêu hết mực hay không? Đức vua đáp, Đúng như thế, ta rất đỗi thương yêu con gái của ta, không gì sánh bằng tình thương này cả. Hoàng hậu tiếp, Vậy nếu có chuyện chẳng lành xảy ra với công chúa thì bệ hạ có sầu khổ hay không? Đức vua giật mình, Trời đất ơi, trong cái thương có những mầm mống của lo lắng, sầu khổ, thất vọng, buồn bã hay sao. Tự nhiên gương mặt vua biến đổi thần sắc, ngài không còn tỏ vẻ bình thản như khi nãy. Lời nói của Phật khiến vua ngẫn ngơ, trong phút chốc ngài nhận ra sự phũ phàng của tình cảm. Vua nói, hôm nào thuận tiện, nàng dẫn ta diện kiến đức Phật. Hoàng hậu mỉm cười, bà nghĩ đức vua đã hiểu ra chuyện.

            Câu chuyện trên đây nói đến chuyện đức Phật dạy về việc trong thương có khổ, nhưng theo chiều ngược lại cũng có thể hiểu trong khổ có thương. Khi bị nhức răng, người khổ lắm vì nó hoành hành không ngủ được, ăn uống cũng khó khăn nên người quyết chí phải bảo vệ răng miệng và biết thương cái răng của mình. Cũng vậy, tôi làm trong ngành nhân sự nên biết nhiều bạn trẻ hay kén chọn công việc, có tính đứng núi này trông núi nọ, đòi hỏi mức lương và điều kiện làm việc nhiều khi không phù hợp với năng lực. Nền kinh tế suy thoái, nhiều người thất nghiệp mới thấy trong khó khăn, có một công việc là đáng trân trọng, nên hãy cố gắng làm mà giữ việc. Lại nữa, với tình cảm gia đình, ba mẹ, vợ chồng, con cái, nhiều khi người cứ tưởng người thương sẽ sống đời nên thờ ơ hoặc không quan tâm chăm sóc chu đáo. Đột nhiên ba mẹ ra đi, vợ chồng ra đi, con cái ra đi, người khóc tức tưởi và nuối tiếc sao lúc người đó còn sống, người đã không có mặt trọn vẹn hay chăm sóc trọn vẹn. Và người ngồi tiếc nuối quá khứ, mặc cho hiện tại bị ruồng bỏ. Trong khổ đau vì người thân ra đi, người chợt nhận ra trong giây phút này người vẫn còn những người thương khác nữa nên người quyết chí thay đổi, người sẽ không như trước, người sẽ có mặt cho người thương và chăm sóc người thương chu đáo hơn. Đây gọi là trong khổ mà nhận ra thương hay trong khổ có thương. Cho nên nhiều khi người dại dột lắm, người bỏ mặc người thương để chạy theo những yếu tố hay hoàn cảnh khiến cho việc xa rời người thương càng lớn.

            Một buổi chiều đi dạy về, đường phố rất đông đúc, tôi chạy vào một con hẻm vắng vẻ. Trong con hẻm, những ngôi nhà san sát nhau, nhưng không hiểu sao người dân ở đây rất thích trồng thiên lý. Những dàn thiên lý trổ hoa rất đẹp. Tôi dừng xe lại ở một góc phố và ngồi trên xe mà nghỉ ngơi. Buổi chiều thật yên ả, mệt mỏi của công việc gần như tan biến khi tôi dành chút thì giờ để thư giãn. Lát sau, mấy đứa nhỏ ở gần đó ôm banh chạy ra. Tụi nhỏ chơi đá banh, cười nói rôm rả. Chúng thật dễ thương, rồi tụi nó thấy tôi ngồi gần đó nên rủ tôi ra chơi đá banh luôn. Tôi cũng hơi thích thú nên ùa ra chơi với tụi nhỏ. Lúc đèn đường lên thì mẹ tụi nhỏ gọi tụi nhỏ vào ăn cơm. Tôi tạm biệt tụi nhỏ và lên xe ra về. Lúc này đường phố cũng bớt đông và đèn đường cũng vừa lên. Hương vị của buổi chiều thật yên ả và tôi tận hưởng nó. Có thể cuộc sống có nhiều tất bật, nhưng dành cho mình một chút thời gian dừng lại và thư giãn, người sẽ thấy đời sống cũng thi vị lắm đấy. Tôi không có sống chung với mẹ nên những lúc về nhà là tranh thủ nói chuyện với mẹ. Mẹ tôi cũng hay nhõng nhẽo với tôi, cũng phải thôi, người già thường thích nhõng nhẽo với con cái. Mà mẹ tôi nhõng nhẽo rất có nghệ thuật, nên tôi thấy hạnh phúc khi trò chuyện với mẹ. Không ai có thể sống đời với người, kể cả tấm thân này. Trong tình yêu, người có thể kêu ca sao bản thân không có ai yêu thật lòng hay bản thân cô đơn quá thì sao người không hướng tình yêu của người về các đối tượng khác, như gia đình, như trẻ em, như thiên nhiên, như bạn bè. Còn nhiều thứ để người thương lắm, nên đừng tự dằn vặt mình sao tình yêu quá mong manh, sao khổ nhiều hơn vui. Cởi mở lòng ra một chút thì có gì gọi là cô đơn nữa đâu. Trong khổ đau, người tìm ra hướng đi cho tình yêu mới. Không phải tình yêu không tìm đến người mà chỉ do người chưa bình thản với sự thay đổi của tình yêu.

            Nhiều diễn đàn và hội thảo được tổ chức để thảo luận về làm thế nào để có hạnh phúc trong đời sống hôn nhân. Điều này cũng hay vì nhiều người có thể chia sẻ các phương pháp hạnh phúc và các phương pháp chuyển hóa những khổ đau trong đời sống gia đình. Người trẻ có thể học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, nhất là từ ba mẹ hay ông bà của mình. Đừng bao giờ ôm khư khư khổ đau. Nếu có khó khăn thì chia sẻ ra, tìm những người đáng tin cậy để chia sẻ, những lời khuyên của họ phần nào đó giúp ích cho lựa chọn của mình. Nhưng điều quan trọng hơn hết là đối tác hay vị hôn phối cũng có sự lựa chọn. Nếu một trong hai người có tri giác sai lầm thì hãy nói ra những sai lầm để cùng nhau sửa chữa. Tình yêu là quá trình đầu tư, mà đã đầu tư thì phải có đối tác, có đối tác thì phải có hợp tác. Trong một chu trình thường có những câu hỏi thông dụng đặt ra như ai, cái gì, như thế nào, ở đâu, lúc nào và tại sao. Ai là người mình thương, cái gì là điều cần chia sẻ, ở đâu là nơi người cần có mặt, lúc nào là thời điểm thích hợp để bày tỏ và tại sao người và người thương có những hành xử như thế. Thảo luận tốt hơn là tranh luận vì thảo luận giúp nâng cao hiểu biết nhiều hơn là tranh luận, tranh luận khó có thể dẫn đến con đường bình an trong tình yêu. Biết nhau và thấy nhau là hai chuyện khác nhau. Thảo luận để thấy nhau hơn. Tìm hiểu về sở thích ăn mặc của người thương chỉ để biết người thương thôi chứ chưa thấy, nhưng khi trò chuyện, tâm sự, chia sẻ, bày tỏ, trao đổi ý kiến, giải quyết những khó khăn và ứng xử trong tình yêu giúp thấy được người. Chính cái thấy này giúp hai người hiểu nhau. Sở dĩ hai người sống với nhau nhưng không thấy nhau, theo kiểu đồng sàng dị mộng. Có bốn yếu tố khiến người không thể thấy nhau, có thể xem như bốn dòng lũ lụt cuốn phăng tình yêu. Bốn dòng lũ lụt này là dục hải, hữu hải, kiến hải và vô minh hải. Do ham muốn quá mức, người có những đòi hỏi quá đáng với người thương nên không đáp ứng được. Do muốn chiếm hữu quá mức, nên người giăng ra những kiểm soát và người thương nghẹt thở. Do chấp vào tư kiến nên không tìm thấy sự hòa hợp và gia đình không còn đầm ấm. Do thiếu hiểu biết, không chuẩn bị kĩ lưỡng về hôn nhân nên hôn nhân trở nên khập khiễng, gia đình tan vỡ. Gia đình là một đơn vị của xã hội, nó liên quan đến hạnh phúc của xã hội. Một xã hội có hạnh phúc khi từng yếu tố gia đình có hạnh phúc. Gia đình có hạnh phúc khi từng thành viên có hạnh phúc. Hạnh phúc không là gì cao siêu cả, nó có thể giản dị như buổi chiều yên ả vậy. Quản lí những yếu tố có thể gây ra khổ đau thì khổ đau giảm thiểu. Chế tác những yếu tố có thể làm gia tăng hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ thăng hoa. Thỉnh thoảng tình yêu cũng cần khổ đau một chút thì hương vị mới thêm đậm đà. Nhờ một chút khổ đau người mới thấm thía người cần hạnh phúc nhiều như thế nào để không đan tâm tạo ra khổ đau nào nữa.

            Hạnh phúc trào dâng mang lại cảm thọ dễ chịu hay cảm thọ khoái lạc và dĩ nhiên người thích loại cảm thọ này hơn hẳn các loại cảm thọ khác. Cảm thọ này có thể nuôi dưỡng người nhưng cũng có thể khiến người thất điên bát đảo. Khi tiếp xúc với trời xanh mây trắng, tiếng cười trẻ thơ hay nghe câu kinh tụng, người thấy an lạc và sự an lạc này giúp người dễ chịu, người có cảm thọ dễ chịu, cảm thọ này khá lành mạnh vì nó không đi về hướng của ái dục. Tuy nhiên, khi ăn món ăn yêu thích, uống thức uống yêu thích, trời nóng thì bật máy lạnh lên, nghe bản nhạc yêu thích hay vừa nói chuyện với người được yêu thích được cho là hợp gu thì người cũng dễ chịu, trong sự dễ chịu này có hàm chứa phấn khích trong đó, cảm thọ dễ chịu cũng phát sinh, nhưng nó đi về hướng của tiêu thụ, của dục nhiều hơn. Nói quán thọ khổ cũng chưa hẳn, chỉ là một chiều, có thể quán thọ lạc hay quán thọ thanh tịnh, tùy theo cách nhìn nhận. Sở dĩ ban đầu nói quán thọ khổ là do chúng sinh chạy theo thọ dục nhiều quá nên quán khổ để thấy tính không đáng dính mắc hay không đáng tham cầu của nó. Kẹt vào thọ khổ thì không thể tiếp xúc được với thọ an vui hay thọ dễ chịu có tính chất an vui, cũng như kẹt vào khổ thì không thấy thương trong đó, nên đôi khi không cần xa lánh khổ, khổ đang tạo điều kiện cho người biết yêu thương. Buổi chiều đi làm về xe có thể đông đúc, nhưng khoan vội rầu rĩ, vì chạy xe trên đường ồn ào quá, về nhà yên tĩnh, nhìn thấy người thương mới biết gia đình là chốn về bình an.

            Sự yên tĩnh đang biểu hiện do có mặt với gia đình và đây là sự thật. Có những yên tĩnh do vọng tưởng như tưởng tượng mà ra. Tâm thường nghĩ về quá khứ và tương lai, hay suy tưởng trong hiện tại. Suy nghĩ cũng có thể dẫn đến thọ như ý tiếp xúc với pháp. Trong lúc ý và pháp chạm vào nhau, thọ lập tức biểu hiện. Nghĩ về kỉ niệm đẹp, thọ dễ chịu biểu hiện nhưng khi dòng suy nghĩ bị đẩy tới tiếc nưới kỉ niệm, thọ khó chịu hay thọ khổ đau biểu hiện. Người chìm đắm trong quá khứ có hai dạng: quá khứ vẻ vang hay quá khứ đau khổ. Quá khứ vẻ vang được nhắc lại và thọ hả hê tràn ra, nhưng trong hả hê đó có kiêu mạn nên nếu không nhận diện được, người bị kiêu mạn kéo đi rồi bị tâm bất thiện sai sử lúc nào không hay. Qua khứ đau khổ bỗng hiện về vì trước đây chưa được chuyển hóa tận gốc nên trong tàng thức, mầm mống khổ đau vẫn có đó, chỉ chờ cơ hội mà bùng dậy. Khổ đau đã qua được nhớ lại và làm trái tim co thắt lại, buồn bã hay tức giận trồi lên và khổ đau cứ thế xây nhà cao tầng. Thù hận cũng giống như thế, do không hóa giải tận gốc nên nhắc tới đối tượng của thù hận là nổi sân ngay lập tức, thậm chí thề không đội trời chung. Thọ khổ vì thế nấn ná thêm và nếu không có chánh niệm, thọ khổ sẽ ngùn ngụt như ngọn lửa trong lò bát quát thiêu đốt Tôn Ngộ Không. Có những giây phút thăng hoa trong tình yêu khiến người mê mẩn, tình yêu trong suy nghĩ của người sao đẹp và diệu kì, người thấy hạnh phúc. Khi mới quen nhau, một ngày không gặp là thấy như thế kỉ và người chờ đợi đến ngày hẹn hò gặp gỡ người đó. Trước đây thì ăn mặc lôi thôi lết thết nhưng khi gặp người đó thì bắt đầu trau chuốt cho bộ dáng. Lúc mới cưới, người mong hết giờ đi làm để về nhà có thể gặp người đó và trong suốt thời gian làm việc, không ít một lần người bồn chồn và đứng lên ngời xuống. Và điện thoại di động được lấy ra, dòng tin nhắn được đánh, Em đang làm gì đó, có nhớ anh không, anh sắp xong việc rồi, lát chạy qua chỗ em làm đón em nhé. Dòng cảm thọ tuôn ra như suối, người thấy dễ chịu khi có ai đó bên cạnh, có ai đó để quan tâm và có ai đó để đón đưa. Thọ được xem là dễ chịu khi “có” ai đó hay ít nhất là một mối quan hệ tối thiểu nào đó và do không dằn được sự thiếu thốn tính dễ chịu của cảm thọ, người muốn nâng điều cho là “có” đó hay mối quan hệ lên tầm cao mới. Sự yên ả bị tác động bởi ngoại cảnh và nếu không còn “có” nữa, tính chất yên ả kia không được đón nhận. Trong yên ả có tính chất không yên ả, như trong thọ dễ chịu hàm chứa sự không dễ chịu. Nếu hai người yêu nhau mà chia tay, sự không dễ chịu hay khổ đau phát sinh liền, dù cho chối bỏ cách mấy thì khổ đau vang đang biểu hiện đó. Người yên ả trở lại mau hay chậm tùy thuộc vào bản lĩnh và cách suy nghĩ mà đường tình yêu thì… chúng ta đều là những con nai ngơ ngác.

Ta như con nai vàng ngơ ngác
Dáo dát tìm kiếm chút tình yêu
Lưới ái tình chỉ có bấy nhiêu
Một chiều bỗng dưng không yên ả.

Ta đi khối tình về nghiêng ngả
Mưa rơi lả chả bên hiên nhà
Mà người thì đã rời quá xa
Để lòng ta buồn như phiến đá.

Dẫu biết đường tình nhiều đau khổ
Nhiều trắc trở, lo lắng miên man
Thế sao ta cứ mãi vội vàng
Quyết chí yêu người cho bằng được.

TG.Minh Thạnh

Sachminhthanh.wordpress.com

Phật Pháp Ứng Dụng