Vì sao ta cứ muốn ôm vào? (thủ)

Quản trị nhân duyên - P18

Vì sao ta cứ muốn ôm vào? (thủ)
Người không cô đơn

            Khi đi tu, người sẽ được xuống tóc, thọ giới và truyền y bát. Người trẻ nguyện xuất gia không phải vì để tránh nghĩa vụ quân sự, thất vọng vì mất hết của cải, lo sợ bị nghèo đói hay nợ nần chồng chất mà tìm nơi ẩn dật. Người trẻ đi xuất gia vì hoàn toàn muốn sống trong Pháp bảo nhiệm mầu, đi vào con đường giải thoát nên tinh tấn thực hành suốt ngày đêm. Tụng kinh, ngồi thiền, làm việc trong chánh niệm, phát triển định và tuệ giác. Tất cả những điều này làm nên đạo Phật. Có thể nói đạo Phật được làm bởi những yếu tố không phải là đạo Phật. Tình yêu cũng được làm bởi những yếu tố không phải là tình yêu. Khi yêu thương một người, không chỉ đơn thuần là nói lời yêu, mà còn có những chia sẻ, chăm sóc, hỏi han, ước hẹn, thực hiện lời hứa, trách nhiệm về nhau… Nếu chọn con đường yêu thương và không chọn con đường xuất gia thì người cứ việc đi theo con đường đã chọn, nhưng khi đã quyết định yêu thương, người phải toàn tâm toàn ý với tình yêu của mình. Nếu muốn yêu thương thì hãy yêu thương ngay bây giờ, đừng đợi ngày mai hay ngày mốt. Thời gian đi mau và là kẻ thù của tình yêu. Nó có thể xóa nhòa rất mau những giây phút hạnh phúc. Nếu biết hạnh phúc thế gian ngắn ngủi, sao người không chọn con đường khác để đi. Nhìn cái thân này xem, nó như bình gốm, lỡ tay rớt xuống đất sẽ bể tan tành, hay như bóng trăng đáy giếng, nhìn thấy trăng nhưng không thể chạm được vào trăng, hay như thân cây chuối, lột hết các lớp vỏ bên ngoài cũng không tìm thấy lõi. Nhìn tâm người xem, nhảy từ tâm hành này sang tâm hành khác, tâm nào giận, tâm nào vui, tâm nào buồn, thương, giận, ghét. Tâm như vượn chuyền cành hay nhảy lóc cóc. Tâm có vượn tính và cóc tính. Tình yêu như bình gốm hay vượn chuyền cành thì mệt mỏi quá. Người đi xuất gia không phải trốn tránh tình yêu, mà người đang thực hiện một nhu cầu tình yêu khác, lớn hơn tình yêu của thế gian, tình yêu của người xuất gia không mang dáng vẻ của thân cây chuối hay con cóc nhảy dựng, mà người xuất gia đang thực tập chan hòa tất cả tình yêu nhưng không kẹt vào tình yêu nào cả.

            Chúng ta có xu hướng muốn lấp vào hay ôm vào đủ thứ. Người khổ vì cái gì cũng muốn ôm vào.Hôm kia, một cậu học trò nói với tôi, Người đời có hai thứ tầm cầu là tình và tiền, con thì đang tầm cầu tiền và con đang bận rộn ở chuyện này. Nghe tới đây tôi sực nhớ đến Kinh Hải Đảo Tự Thân, đức Phật dạy đại chúng về nương tựa chính mình sau khi thầy Xá Lợi Phất và thầy Mục Kiền Liên nhập diệt không lâu. Phật nói, Này đại chúng, trên đời có hai thứ tài sản mà người ta chạy theo người đời để tìm cầu, đó là tiền tài và pháp tài. Tiền tài là thứ người ta chạy theo người đời để tìm cầu. Pháp tài là thứ người ta có thể đi tìm cầu từ hai thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Như Lai là người không còn tìm cầu gì nữa, dù là tiền tài hay pháp tài. Người đời muốn ôm vào tiền tài và người tu cũng muốn ôm vào pháp tài. Tiền tài có nhiều phương tiện và pháp tài cũng có nhiều phương tiện. Một công ty muốn trở thành tập đoàn nên đa dạng hóa phương thức kinh doanh, mở rộng địa bàn và tham gia nhiều ngành nghề và tiền tài gia tăng theo con đường đó. Kinh do đức Phật nói thì nhiều lắm, nhưng chỉ hành vài câu trong kinh thôi, người cũng có thể đạt được giải thoát. Chẳng hạn, trong Kinh Từ Bi có đoạn, Nguyện yêu thương hết thảy chúng sinh – Như lòng mẹ bao la cần mẫn – Trăm cay ngàn đắng vẫn vui cười – Dù cho sinh mạng mất tất cả – Tình thương vẫn bao la thiên hạ – Từ bi thênh thang như trời xanh. Thực tập bao nhiêu đây thôi cũng đủ làm cho trái tim không biên giới, tình thương bao trùm thiên hạ và khi tình thương rộng khắp thì mọi phiền não sẽ chấm dứt, người sẽ giải thoát thôi. Kinh điển thì nhiều lắm, nói hoài không hết, diễn giải hoài cũng chưa xong nhưng vấn đề là có hành hay không. Người tu cũng có xu hướng ôm pháp tài, ôm kinh điển. Kinh điển mà không học, không hành thì kinh điển kia có khác gì xác chết.Dù cho xác chết đẹp đẽ cách mấy cũng chỉ là xác chết, không đem lại ích lợi gì. Người đời ngoài ôm ấp tiền tài ra còn đòi ôm ấp tình (tài) nữa. Một mối tình với họ có thể chưa đủ, chưa thấm chất khổ đau, nên phải có hai mối tình hay nhiều hơn nữa. Trên báo chí có đăng tải một người đàn ông có nhiều vợ và rất nhiều đứa con. Không biết câu chuyện có thật không nhưng chắc ông này cũng mệt mỏi lắm và các bà vợ chắc cũng không hòa thuận lắm. Càng ôm vào thì càng ngạt thở, ngạt thở thì giãy chết. Tiền tài ôm vào thì tiền đè chết người. Pháp tài ôm vào thì người quay cuồng trong quá nhiều phương tiện, không biết đâu mà lần. Tình ôm vào nhiều thì trông có vẻ hạnh phúc nhưng lại rất cô đơn. Càng nhiều thì càng thấy chưa đủ và càng thấy cô đơn. Vì sao vậy? Vì người chưa bao giờ biết đủ.

            Không ai ban phát sự cô đơn cho người ngoài chính người cả. Thực ra, con người không bao giờ cô đơn và trên chuyến hành trình, họ được sự yêm trợ của rất nhiều năng lượng. Một đứa trẻ sinh ra được cho là từ nay về sau, một mình gánh chịu những hạnh phúc hay khổ đau. Dù đứa trẻ còn ba mẹ hay không còn ba mẹ, đứa trẻ cũng không mồ côi. Các yêu tố ba mẹ, ông bà và tổ tiên vẫn biểu hiện chằng chịt trong đứa trẻ và đứa trẻ mang các năng lượng này đi vào tương lai. Đứa trẻ được yểm trợ bởi chính gia đình huyết thống của mình dù cho có đi một mình một bóng thì hằng hà sa số yếu tố tổ tiên vẫn đi theo. Có thể nói, giữ gìn thân tâm này là giữ gìn cho tổ tiên. Đứa bé mang yếu tố của tứ đại, của đất, của nước, của lửa, của gió, của không gian và thời gian nên đứa bé đi như cả địa cầu hay cả vũ trụ này đang đi. Địa cầu và đứa bé không nằm ngoài nhau. Vũ trụ và đứa bé không nằm ngoài nhau. Đứa bé không hề cô đơn mà đang được yểm trợ của cả địa cầu hay cả vũ trụ. Lại nữa, đứa bé mang theo ba ngôi tự tính Tam bảo là Phật tính, Pháp tính và Tăng tính. Ba tự tính Tam bảo này có sẵn trong đứa bé và yêm trợ cho đứa bé đến ngày giải thoát. Đứa bé và tự tính Tam bảo là một, không trong cũng không ngoài và tự nhiên như thế. Một chúng sinh vô cùng giàu có khi cất tiếng chào đời thì tại sao lại nói đời là bể khổ được. Đời chỉ là bể khổ khi người bắt nó khổ thôi. Cô đơn có thể là khổ và người có cảm giác cô đơn vì người cố tình rắc cô đơn lên người. Nhưng đọc đến đây thì người sẽ thấy bản thân không cô đơn tí nào vì người đang giàu có gia đình, bạn bè và thân bằng quyến thuộc. Tổ tiên đang có mặt đó, địa cầu đang có mặt đó và Tam bảo đang có mặt đó. Và đứa bé kia nở nụ cười mãn nguyện. Nó đã biết nó là người không cô đơn. Nụ cười của nó rất hạnh phúc vì phúc lớn lắm mới sinh ra làm người, vàtừ khi sinh ra, nó đã đoàn viên với tổ tiên, với địa cầu, với Tam bảo. Ba yếu tố này đã ôm nó vào lòng, để vỗ về, để yêu thương. Cho nên nếu muốn ôm vào, xin đừng ôm vào những điều làm cho người thêm cô đơn. Giàu mà cô đơn thì cài giàu này không đáng. Yêu mà vẫn cô đơn thì tình yêu này không đáng. Người không cô đơn là người không sống chung với ai nhưng vẫn thấy mình giàu có, vì tất cả những gì người muốn đều đã có sẵn cho người rồi.

            Do chấp vào ý niệm cô đơn nên người cứ cô đơn và cảm giác cô đơn đó xâm chiếm đời sống đáng lẽ phải được nhìn nhận ở sự mầu nhiệm của nó. Chấp này là thủ và thường người bị kẹt vào bốn thủ sau đây: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ. Dục thủ là chấp vào sáu trần và muốn nắm giữ sáu trần. Do tưởng sáu trần là thật nên muốn nắm giữ chúng để thọ hưởng. Sự phân biệt ăn sâu vào thức và người khổ não vì không nắm giữ được hay không đạt ý muốn. Kiến thủ là chấp vào sự hiểu biết hay cái thấy mặc dù sự hiểu biết hay cái thấy không đúng với sự thật. Một tiến sĩ có học vị cao nhưng vẫn vô minh do chấp vào hiểu biết trong khi hiểu biết này có thể mang tính chất của si mê hay của tham lam, sân hận, ngã mạn… Giới cấm thủ là chấp vào qui tắc, nghi thức cúng tế, kể cả việc coi ngày tốt xấu hay sắp xếp phong thủy. Thậm chí tin vào một đấng tạo hóa có quyền phán quyết mọi hiện tượng thì cũng là giới cấm thủ. Thời đức Phật, không có một bài kinh nào do chính đức Phật nói là phải cúng kiến hay đốt vàng mã, kể cả cúng sao giải hạn. Nếu có thể cúng sao giải hạn thì trên đời này không ai cần phải tu cả, chỉ cần làm chuyện xằng bậy rồi cúng sao giải hết hạn. Điều này thật vô lý, nhưng người ta chấp vào điều vô lý đó và chạy theo những điều vô lý. E rằng không đủ phước báu để nhìn ra chân lý mà thôi. Người như vậy rất đáng thương, mong rằng họ có đủ phước duyên nhìn ra cái chân thật của Phật Pháp mà chọn đúng con đường để đi. Mê tín và cuồng tín cũng là giới cấm thủ. Hai loại niềm tin này rất dễ dẫn đến sự bảo thủ và chấp vào những điều làm cho người xa rời sự thật.

Ngã luận thủ là chấp vào một cực ngã hay chấp vào một mạng ngã. Chấp vào cực ngã, như giới cấm thủ, là tin có một đấng tối cao sáng tạo ra tất cả mọi thứ và chấp vào mạng ngã là tin vào bản ngã hay cái tôi. Tất cả thủ đều là ý niệm, khái niệm, định nghĩa hay tưởng tượng ra. Chính vì tưởng tượng nên không thật dù vẻ bề ngoài của nó có vẻ rất thật, rất hào nhoáng. Tình yêu thì đầy ắp những cái thủ. Người kẹt vào sáu trần như hình dáng, lời nói, mùi hương, vị nếm, tiếp xúc, đối tượng của pháp hay các hoàn cảnh. Tình yêu được cho là hạnh phúc hay khổ đau đều đem sáu trần ra mà lí giải. Các điều kiện về tình yêu cũng được đặt ra, như người chồng hay vợ cần thỏa mãn những điều kiện sau đây thì mới có hạnh phúc, bằng không sẽ khổ đau. Người được nuôi dưỡng bằng những ý niệm về hạnh phúc hay khổ đau torng tình yêu. Những ý niệm này xoắn xuýt lấy người và người chông chênh trong những rừng ý niệm đó. Cũng có người tin vào tình yêu như một chân lý tuyệt đối, như là sinh ra và lớn lên thì phải lập gia đình, phải lấy chồng, phải lấy vợ, hay mấy người đi tu là những người khổ vì tình cả. Vợ chồng hay cãi nhau một phần là do ai cũng chấp vào ý niệm bản ngã và bản ngã đó lớn hơn cả người của họ, có thể to như núi Tu Di vậy. Chung quy lại con người có thủ cố hữu không đơn thuần trong tình yêu mà còn trong các đời sống khác, như kinh doanh, chính trị, khoa học… thì sẽ vẫn phải chịu khổ đau. Một mình khổ đau chưa đủ lại còn khiến cho người khác bị lây khổ đau. Trong vở cải lương Đoạn Tuyệt có dịp tôi xem thì mới thấy người ta bị chấp thủ như thế nào. Đức bé bị bệnh không lo dẫn đi bác sĩ để khám và uống thuốc mà mời thầy cúng về để đuổi tà ma. Thậm chí đánh vào thân của đứa bé đến nỗi nó chết luôn. Hoặc là công việc làm ăn thất bát thì đổ thừa cho phong thủy không hợp, do cái cửa nên phải sửa lại cái cửa để làm ăn tốt hơn. Thật tội nghiệp đúng không.

            Thủ làm duyên cho hữu phát khởi như tái sinh vào cõi khổ hay ngay trong hiện tại đã phải chịu khổ. Chấp vào đoạn kiến thì sẽ ra sức làm điều sai trái vì không tin vào đời sau, không tin vào nhân quả nghiệp báo, đến khi gặp phải cảnh khổ, có hối cũng không kịp. Cái gọi là vô thần khiến không biết bao nhiêu người đánh mất nơi nương tựa. Đến khi gần chết hoặc chết rồi mới thấy thiếu vắng nương tựa như thế nào. Chấp vào dục thì chạy theo dục thôi, thậm chí suốt đời cũng chỉ chạy theo dục. Người đã có vợ nhưng liên tục phạm giới, quen rất nhiều người khác bên ngoài, âu cũng là do dục thủ lôi kéo. Không kiềm chế được thì muốn chiếm hữu, chiếm hữu càng nhiều càng tốt, để thỏa mãn, nhưng càng thỏa mãn bao nhiêu vẫn không bao giờ biết đủ vì cảm giác thỏa mãn không thực có, nên không bao giờ biết đủ. Đến khi bệnh tật đến hay tai ương đến thì có hối cũng không kịp nữa. Hay có người nói với tôi, để 60 tuổi rồi hãy đi tu, giờ còn trẻ lo hưởng thụ, mai mốt già rồi tu cũng chưa muộn. Có chắc không, có chắc sống được đến 60 tuổi không. Nhiều người đã ra đi khi vẫn còn trẻ thơ hay mái đầu vẫn còn xanh. Người quá tin tưởng vào tuổi thọ mà không biết đời người như cái phẩy tay hay ngắn như một hơi thở. Trái đất còn mong manh nói chi là mạng sống này. Không phải tự nhiên người ta cho ra đời ngành bảo hiểm hay quản trị rủi ro. Bởi vì người ta thấy đời sống này tràn ngập những rủi ro và ngay cả bảo hiểm cũng không kham nổi các rủi ro đó. Bảo hiểm chỉ có thể đảm bảo phần nào về mặt tài chính, còn về sinh mạng thì khó lắm. Có bộ phim mang tựa đề Bảo hiểm tình yêu. Tựa đề đặt ra để thu hút khán giả thôi chứ thực ra tình yêu làm sao bảo hiểm được vì làm sao đem tiền ra để gìn giữ tình yêu. Tình yêu đã chết thì có bao nhiêu đi nữa cũng không thể mua nổi tình yêu chân thành. Ôm vào mấy cái thủ này do người thấy cô đơn quá, nên ráng ôm vào để có vẻ được nương tựa, có vẻ được bình an, có vẻ không sống một mình. Kỳ thực, buông bỏ mấy cái thủ này người không còn cô đơn nữa và tự do ngay lập tức. Tự do nằm ở chỗ biết buông bỏ, biết dứt ra và phải dứt ra tận gốc.

Cuộc đời này như một sàn diễn
Bao nhiêu vở tuồng trong đảo điên
Kẻ khóc người cười trong nước mắt
Đâu biết sự sống đang hiện tiền.

Ngày mai con trở về cát bụi
Xin để lại đời một chút vui
Con biết thân này như huyễn mộng
Nên con khoác chiếc áo nâu sòng.

Nhìn nhau bằng đôi mắt yêu thương
Để bình yên lan tỏa con đường
Cho bầu trời hòa tan vào đất
Cho ánh nắng lấp lánh giọt sương.

TG.Minh Thạnh

Sachminhthanh.wordpress.com

Phật Pháp Ứng Dụng