Vì sao người thì hạnh phúc và người thì khổ đau? (hữu)

Quản trị nhân duyên - P19

Vì sao người thì hạnh phúc và người thì khổ đau? (hữu)
Sự reo mừng của các vì tinh tú

            Sống sâu sắc trong hiện tại, người sẽ được là chính người, bằng không người đang diễn tuồng. Hầu hết mọi người đều đang đóng vai, người đóng vai chồng, người đóng vai vợ, người đóng vai bác sĩ, người đóng vai trẻ thơ… Người có thể là nhà biên kịch, là đạo diễn và kiêm luôn diễn viên. Cuộc đời như một sàn diễn và địa cầu là sàn diễn khổng lồ. Sở dĩ vai diễn được đề cao vì sự thật bị chối bỏ, nên người diễn để không phải tiếp xúc sự thật trong hiện tại. Trong tình yêu cũng có vai diễn, như một vở cải lương, có vui, có buồn, có bi, có hài, có thương, có ghét. Tầm nhìn của tình yêu quá lớn nên người hầu như xa rời trong tình yêu. Các giá trị cốt lõi của tình yêu không được xây dựng trong hiện tại nên người mơ tưởng về tương lai và khi tương lai tới, các giá trị không đạt được, người chỉ có thất vọng mà thôi. Sứ mệnh của tình yêu nếu được hun đúc bằng thủy chung, bằng tào khang thì tình yêu sẽ bền vững hơn. Nhìn người bằng năm uẩn hay lục nhập thì cách nhìn này rất trần tục. Dĩ nhiên, còn tình yêu, còn luyến ái thì vẫn còn trần tục. Nhìn người bằng con mắt phi vật chất, tức là tạm thời để qua một bên những điều mang tính chất hình tướng, người sẽ yêu thương sâu đậm hơn vì hiểu được người kia. Tốt gỗ hơn tốt n ước sơn nên kẹt vào hình tướng để quyết định yêu thương thì yêu thương cũng lụi tàn theo hình tướng, thậm chí lụi tàn nhanh hơn nhiều một khi hình tướng không đáp ứng những nhu cầu về thể xác.

            Có phải người đang trôi dạt hay không? Do không biết đi về đâu, không biết thương ai và không có ai thương nên người đi vòng quanh. Không yêu thì tìm kiếm để được yêu. Được yêu thì hoặc muốn trốn chạy hay muốn được yêu hơn nữa. Nó cứ như vòng lẩn quẩn, trói chặt người trong vòng xoáy của khổ đau. Người thường hư cấu về hạnh phúc và khổ đau, như không phải hạnh phúc nhưng lại cho là hạnh phúc, không phải khổ đau thì cho là khổ đau. Các chàng trai tự cho số đào hoa là hạnh phúc, trong khi nhìn kỹ sẽ thấy đào hoa có thể mang lại khổ đau. Nhiều người theo hay ngỏ lời thương có vẻ thích thú nhưng cũng khiến người phân vân, lựa chọn. Không chọn thì người kia sẽ buồn và chọn rồi thì phải lên kế hoạch để duy trì tình yêu. Nếu sau này hạnh phúc thì tâm đắc với lựa chọn, bằng không thì ngồi tiếc sao không chọn người này người kia. Có những khổ đau nhỏ thôi, nhưng do hư cấu thêm, do tưởng tượng hay do tri giác sai lầm, người làm cho khổ đau nhỏ thêm sâu dày. Hạnh phúc của người tu rất bình thường nhưng lại mầu nhiệm. Mầu nhiệm đến từ những điều bình thường. Người tu không lo lắng về tương lai của tình yêu mà tình yêu của họ hướng đến tất cả chúng sinh trong hiện tại. Khi giác ngộ, họ vượt thắng tất cả hạnh phúc. Họ đã không còn hạnh phúc vì đã hạnh phúc tất cả. Hạnh phúc của giác ngộ là một trạng thái tự nhiên, vô điều kiện, chấm dứt sự sỡ hữu, kể cả sở hữu ý niệm. Ý niệm bị nắm giữ hay niềm tin bị mắt kẹt trở thành một thứ sở hữu, bị cho là bất di bất dịch, không gì thay đổi được, và người tự làm khổ, nhưng chưa đủ, người đan tâm đem ý niệm riêng làm khổ người khác nữa. Hai người thương nhau nhưng thuộc hai tôn giáo khác nhau, không thể đến vì khác biệt tôn giáo. Niềm tin tôn giáo bắt người phải xa nhau hay không được cưới nhau thì tôn giáo này phải xem lại thôi. Tôn chỉ của thực tập tôn giáo là xây đắp tình thương, hơn là số lượng người đi theo.

            Nhìn người bằng đôi mắt nguyên thủy, tức là rất trong trẻo. Nguyên thủy thuở ban sơ như một đứa bé trắng tinh, không một vế nhơ nào. Nguyên thủy thì không còn phân biệt. Tình yêu thì còn phân biệt vì còn lằn rnah giới của sở hữu và kỳ thị nên tình yêu có thể muôn thuở nhưng không nguyên thủy. Người tu thực tập nhìn vạn vật bằng đôi mắt nguyên thủy để không chấp vào ta và của ta nữa. Người tu thấy bản thân không có gì cả, thân này không thực có, tâm này không thực có, tất cả đều đang diễn, dù là thân hay tâm. Người tu cũng đam mê tình yêu, nhưng không phải tình yêu của thế gian, mà là tình yêu có đức hạnh và rèn luyện khả năng chấm dứt luyến ái. Bài thực tập đối trị với ái dục hay chuyển hóa năng lượng tình dục là phải rèn luyện, bằng không thì nó dễ sinh ra luyến ái lắm. Tình yêu của người tu to lớn như biển cả và đón nhận tất cả các đối tượng của tình yêu nhưng không luyến ái đối tượng nào. Biển không kỳ thị vì biển tiếp nhận rác rến từ đất liền nhưng lại đẩy vào bờ những con sóng sạch sẽ vì biển có tính chất dung chứa và thanh lọc. Người tu cũng thực tập dung chứa và thanh lọc như biển, dung chứa tình thương và thanh lọc sự luyến ái.  Người tu không trốn chạy tình yêu mà đối diện với nó và thấy tình yêu có tính ngục tù hơn là giải phóng. Con người nói là yêu thương nhau nhưng thực ra là sống trong những ý niệm về tình yêu hơn là sống trong tình yêu.

            Người đời hay phó thác thân mạng cho tình yêu và sống chết vì tình yêu đó. Có thể nó rất cao cả và đẹp đẽ, đủ để duy trì một kiếp sống, nhưng đó vẫn là đi trong vòng lẩn quẩn hay đi vòng quanh. Tình yêu có thể ô nhiễm hay vô nhiễm. Tình yêu đau khổ quá là tình yêu ô nhiễm và tình yêu với nhiều hạnh phúc là tình yêu vô nhiễm. Đây chỉ là ý niệm của tôi, nhưng nếu quyết định yêu thương thì phải có hạnh phúc, còn nếu không phải xem lại cách yêu thương. Yêu thương mà khổ vô chừng thì coi chừng, nó chỉ là mớ oan trái người phải trả và không khéo lại tiếp tục tạo oan trái nữa. Chậm có thể lại chắc, nhanh có thể lại không hay. Tình yêu xây dựng từng bước vững bền. Nhiều cặp yêu nhau rất lâu mà chưa bao giờ đám cưới, đến khi tiến tới hôn nhân, tình cảm của họ thêm đậm sâu. Dính vào tình yêu ráo riết hay tình yêu cực nhọc đều khổ cả. Ráo riết thì vòng quay của nó sẽ xoay nhanh như chiếc bánh xe. Cực nhọc thì không có thì giờ yêu, phải lo tài chánh, phải lo cơm ăn áo mặc, phải lo sự nghiệp. Sự nghiệp chưa xong mà lo yêu đương thì chắc cũng mất thì giờ và mệt sức lắm, chưa nói đến suy nghĩ cũng bị choáng chỗ. Tình yêu chết là bên nhau nhưng lửa đã tàn, tình nghĩa cũng không. Tình yêu sống là hương nồng ấm lạnh, dù xa nhau nhưng vẫn nghĩ về nhau. Những cái này cũng chỉ là ý niệm của tôi, nên quí vị đọc chỉ để đọc thôi, đừng có kẹt vào nó. Tùy duyên mà có sự đón nhận. Trong việc thực tập chánh pháp, lời Phật dạy gọi là pháp (dharma) nhưng nếu học xong mà không hành, chỉ làm bề dày kiến thức thì pháp kia là pháp sĩ diện, hay pháp chết (dead dharma), còn nghe xong mà hành, hành mà có thành tựu, thành tựu mà đem chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người thì pháp kia là pháp thông minh, hay pháp sống (living dharma). Nhiều lời dạy nhiều cho việc gìn giữ tình yêu, nhưng tùy hoàn cảnh mà áp dụng, nếu muốn tình yêu còn sống mãi hay làm sống dậy một tình yêu.

            Tình yêu thực sự lên ngôi nếu người trân quý phút giây hiện tại mà người thương đang có mặt đó. Người tu xem giây phút hiện tại là địa chỉ của Phật, là giây phút tỉnh thức vẹn toàn. Người cũng có thể gìn giữ tình yêu trong hiện tại, giây phút của hạnh phúc ngọt ngào. Người tu thường quán chiếu thân tâm này và vạn vật xung quanh để thấy bản thân là sự hòa tan của đất trời. “Bản thân” không đơn thuần nói về thân, mà còn nói về tâm. Thân và tâm nằm trong nhau nên nói bản thân cũng là nói đến bản tâm. Thân và tâm giúp đỡ nhau, cùng có mặt để biểu hiện ra con người. Tu tâm thì cũng phải tu thân, mà theo tứ niệm xứ thì cũng phải tu pháp và tu thọ nữa. Thân này là do năm uẩn mà hợp thành, trong phần sắc có đóng góp của tứ đại hay bốn yếu tố, là đại diện của đất trời. Người đi là làm cho đất trời cùng đi. Tâm này chảy như dòng sông và nó tạo ra thế giới xung quanh hay làm ra những chuỗi phản ứng bên ngoài. Thân hòa tan vào đất trời thì tâm cũng hòa tan vào đất trời. Nếu không thì làm sao tâm thấy thân đang hòa tan. Hòa tan không phải là biến mất mà có mặt trong đất trời và đất trời cũng có mặt trong thân tâm. Tình yêu có thể làm cho sự hòa tan đó diễn ra trôi chảy. Hòa tan nằm ở chỗ đồng thuận, hòa hợp, chia sẻ và có mặt đích thực cho nhau. Đặc biệt là biết buông bỏ những cái chấp, nhất là những cái chấp khiến người thương đau khổ.

            Lớp học có khoảng 50 sinh viên, cùng học một thầy, cùng học một chương trình, nhưng sau khi ra trường, người thì dễ kiếm việc, người lần không ra việc, người thành công rực rỡ, người thành công xoàng xoàng hay người chẳng thành công gì cả. Tình yêu như đi học, ban đầu chưa biết yêu là gì, nhưng rồi sau đó học yêu, biết yêu và muốn thành công trong tình yêu. Thực tế không phải ai cũng thế. Bởi vì người rất hạnh phúc và cũng có người rất khổ đau, dù cơ hội yêu thương công bằng như nhau cho mọi người. 50 sinh viên ra trường với mức độ thành công hay thất bại khác nhau vì cách học và các điều kiện họ tom góp sau nhiều năm để rồi gặp thành công hay thất bại, nên cần xem lại cách học và cách làm việc. Tình yêu không phải ai cũng thuận buồm xuôi gió. Không thể nói may mắn hay hiểu biết về tình yêu, vì có những chuyên gia tình yêu, chuyên tư vấn cho người khác cách ứng xử trong tình yêu, nhưng bản thân họ cũng khổ sở vì tình yêu đó.Hạnh phúc hay khổ đau là do cách người đầu tư cho nó. Nếu khao khát hạnh phúc, người nên đầu tư cho tình yêu một cách hạnh phúc, bằng không nó gieo trồng khổ đau trong quá trình đầu tư đó, và khi khổ đau trổ ra, người buồn bã hơn bao giờ hết. Tôi có cậu học trò vừa nhắn tin, Thầy ơi con buồn quá đi. Tôi hỏi lại xem có chuyện gì thì không nói. Tôi đoán chắc là buồn tình. Cậu này làm ăn khá tốt nên tiền không buồn mấy, chỉ có tình thôi. Tình yêu đầu tư không đúng cách cũng như đầu tư vào thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu trồi sụt thất thường, tình cảm con người cũng trồi sụt thất thường như vậy. Bình tĩnh thì điềm nhiên với trồi sụt, đủ tỉnh táo đưa ra quyết định hợp lí, bằng không thì đánh mất tình yêu, khi bình tĩnh lại mới thấy sao lúc đó mình dại dột quá. Vì vậy, người đừng xem thường sức mạnh của sự điềm tĩnh, nó ảnh hưởng đến muôn mặt của đời sống.

            Những đêm không trăng, tôi hay ra đứng ngoài ban công và ngắm nhìn những vì tinh tú. Chúng tuy nhỏ và ở rất xa, nhưng nhiều vô số kể và vì tinh tú nào cũng lấp lánh. Tôi hay ví von sự lấp lánh của chúng là do chúng đang reo mừng. Nhưng vì sao chúng reo mừng? Chúng có nhiều không gian thênh thang, cả bầu trời cao rộng và chúng an trú nơi chúng đang biểu hiện. Những điều bình thường mà người thường hay thờ ơ nhưng lại mang đến nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là những gì cao siêu, không ở tòa nhà chọc trời hay thức ăn cao lương mỹ vị. Hạnh phúc có thể được tìm thấy ở hơi thở tinh khôi, tiếng cười nức nẻ của trẻ thơ, lời dặn dò của mẹ hay sự reo mừng của một vì tinh tú. Xung quanh người, muôn vàn điều mầu nhiệm đang có mặt đó và người chỉ thực sự hạnh phúc khi biết cách tiếp xúc với chúng. Có lần tôi ngồi nghe dòng chảy âm thanh và thấy thú vị, đây là tiếng gà gáy, đây là tiếng chó sủa, đây là tiếng người đạp xe, đây là tiếng còi xe buýt, đây là tiếng chuông, đây là tiếng kéo cửa, đây là tiếng điện thoại di động … Các âm thanh nối tiếp nhau, có những âm thanh chồng lên nhau, và tất cả đều là âm thanh của sự sống. Chỉ cần ngồi nghe âm thanh thôi, người sẽ thấy sự sống tràn ngập khắp nơi và tự nhiên hạnh phúc. Đây không phải là tự kỷ ám thị, mà là học cách nhận diện và đón nhận sự sống. Vì tinh tú vui mừng vì người có mặt cho nó. Người hoàn toàn không đơn độc vì hằng hà sa số các yếu tố giống như vì tinh tú sẵn sàng có mặt mỗi khi người cần tới. Người không hạnh phúc vì người chạy theo những thứ không có mặt cho người nên người cố tìm cho ra, nắm cho chặt và không chịu thả đôi bàn tay. Người không khổ đau vì người chấp nhận hạnh phúc là điều gì đó rất giản dị, nên mong cầu giảm thiểu và người hài lòng với mong cầu giảm thiểu kia.

            Hữu như là sự biểu hiện để thỏa mãn ái và thủ. Thân biểu hiện để thỏa mãn sắc trần thông qua sắc căn, hay thỏa mãn những cái gọi là ngã riêng biệt. Người hay kẹt vào ý niệm về có của thân hay của tâm, hoặc ý niệm về không của thân hay của tâm. “Không” trong Tâm kinh bát nhã là vượt thoát cả ý niệm có và không. Thân tâm này biểu hiện tùy theo các điều kiện giúp cho chúng biểu hiện nên hữu không hẳn là “có” hay “không có”, mà nên hiểu là sự biểu hiện. Lúc thân này tan rã thì không phải là “không còn” mà thân đi theo các điều kiện tạo nên chúng hay theo các điều kiện mà chúng sẽ được dẫn tới. Chúng sinh luôn khao khát biểu hiện để chứng minh đây là thân ta và đây là tâm ta. Khao khát tạo nhân đẩy tới biểu hiện. Duyên có tính chất đẩy hay tính đòn bẩy, nó làm cho các điều kiện được kết hợp với nhau và quả biểu hiện ra, như một chu trình tự nhiên. Một phản ứng hóa học giống như tiến trình nhân duyên. Đem chất này kết hợp với chất kia tạo ra chất mới nếu chúng có tính tương tác. Nhân duyên là những chuỗi phản ứng giống như theo kiểu hóa học, nhiều vô số kể. Người hạnh phúc vì chuỗi nhân duyên này được tương tác thích hợp, theo đó các chất liệu của hạnh phúc được trưng dụng đúng đắn và phản ứng hạnh phúc xảy ra. Người khổ đau cũng y chang, các chất liệu của khổ đau được trưng dụng và phản ứng khổ đau xảy ra. Vì tinh tú trên trời đêm kia không phải ban đêm mới sáng mà ban ngày nó cũng sáng, nó sáng cùng với mặt trời. Do mặt trời quá sáng nên người không thấy ánh sáng của vì tinh tú đó mà phải chờ đến đêm, nền trời đen giúp cho ánh sáng của vì tinh tú được phát huy. Cũng vậy, hạnh phúc là ý niệm hơn là “có” hạnh phúc. Người chỉ có thể cảm nhận hạnh phúc, chứ không thể cầm nắm và trao tay hạnh phúc. Hạnh phúc đang biểu hiện nhưng không được đón nhận vì màn khổ đau quá dày đặc, nó làm chói lóa hạnh phúc hay làm cho hạnh phúc bị ẩn. Khổ đau là ý niệm hơn là “có” khổ đau. Người chỉ cảm nhận khổ đau, chứ không thể nắm nó trong lòng bàn tay. Vậy để chấm dứt hạnh phúc hay khổ đau, có phải chỉ cần thay đổi ý niệm, tốt hơn là chấm dứt ý niệm. Cách chấm dứt ý niệm hay nhất là không kẹt vào ý niệm nào, kể cả ý niệm được gọi là mười hai nhân duyên.  

Con ngồi đây tâm bừng như tinh tú
Từ một điểm thấy vũ trụ bao la
Hãy làm cho những phiền não nhạt nhòa
Từ bi nở hoa trái tim bừng dậy.

Bình yên đây bao năm con không thấy
Bởi vì con chạy theo những giận hờn
Những lo toan những mệt mỏi không tênh
Những danh vọng che khuất đi tầm mắt.

Đời sống qua con đã trả giá đắt
Để tình thương trôi vuột khỏi tầm tay
Nay con quyết chí tu tập tháng ngày
Thong dong giữa trời như áng mây bay.

TG.Minh Thạnh

Sachminhthanh.wordpress.com

Phật Pháp Ứng Dụng