Vì sao ta muốn có sự tiếp nối? (sinh)

quan-tri-nhan-duyen--p21

Vì sao ta muốn có sự tiếp nối? (sinh)
Bản năng của chúng sinh

            Không phải gần đây mà đã từ lâu người ta đã nói tới phát triển bền vững. Bền vững không đơn thuần là lợi nhuận liên tục hay duy trì lợi nhuận mà nghĩ đến sự tiếp nối, đến thế hệ mai sau. Phát triển kinh tế nhưng giữ được môi trường, tái tạo tài nguyên hay truyền lại những kinh nghiệm quý báu cho con cháu thì mới gọi là bền vững. Người không đơn độc và không kết thúc mà còn có sự tiếp nối, ngay trong hiện tại và đi vào tương lai.  Có thể người chưa có con, nhưng các yếu tố làm nên đứa con đã có sẵn trong người. Không phải khi có thai hay sinh con, người mới gìn giữ mà người gìn giữ ngay từ khi còn là ấu thơ.Các yếu tố làm nên đứa con được hun đúc qua nhiều thế hệ, nên nếu gìn giữ được như thế là người cho đứa con cơ hội được chào đời trong yêu thương bền vững và phát triển bền vững. Không phải khi có thai thì không uống rượu bia hay hút thuốc lá mà cần nuôi dưỡng thân tâm ngay từ nhỏ. Thân tâm khỏe mạnh, hạt giống sẽ khỏe mạnh. Người lúc nào cũng có sự tiếp nối, mà cũng không cần nói về đường con cái chi cho xa xôi, người là sự tiếp nối của chính người. Người của ngày hôm nay là tiếp nối của người của ngày hôm qua, nên muốn có tiếp nối bền vững, không gì khác hơn là sống một đời lành mạnh thì sự tiếp nối sẽ lành mạnh. Không ai chuyên lo ăn chơi mà sống khỏe mạnh được. Thân tâm bệ rạc thì tiếp nối bệ rạc. Muốn có hạnh phúc, chỉ còn cách sống hạnh phúc, sống vui khỏe ngay bây giờ. Muốn vậy, phải tránh xa những chất độc có tác dụng gây độc, gây tử vong, hay gây tàn hại thân tâm. Nếu thương thân tâm này hay thương con cháu thì người sẽ gìn giữ. Gìn giữ bản thân là gìn giữ cho người và các thế hệ tiếp nối. Đừng như những công ty gây ô nhiễm môi trường, kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp ngày mai, bất chấp thế hệ tương lai. Tình yêu cũng cần sự tiếp nối nên tình yêu cũng phải giữ gìn. Lúc này tình yêu sẽ bền vững hơn. Người trẻ thích yêu chớp nhoáng và bị vật chất choáng ngợp nên đôi khi cũng yêu nhau nhưng không được bền vững. Một chàng trai tâm sự, Con kiếm tiền lương 20 triệu một tháng nhưng người yêu con chưa muốn cưới vì thấy lương con còn thấp quá, sợ con lo cho cô ấy không nổi, trong khi xung quanh cô ấy toàn những người kiếm 50-60 triệu thôi. Tình yêu bị vật chất sai sử thì nếu vật chất đội nón đi, tình yêu kia liệu có bền vững?

            Bản năng của chúng sinh là hướng về hạnh phúc. Chúng sinh đó dù đẹp đẽ hay xấu xí, trẻ trung hay già nua, cư sĩ hay tu sĩ, loài này hay loài kia đều muốn tìm về hạnh phúc cả. Thử nói chuyện với tên khủng bố, chắc chắn họ cũng muốn hạnh phúc. Sở dĩ con người khổ đau vì chưa biết cách làm cho mình hạnh phúc. Người làm đủ thứ chuyện, đi học, đi làm, tham gia các câu lạc bộ, tập thể dục, hay tìm kiếm người thương cũng là cũng để mưu cầu hạnh phúc. Tuy nhiên do làm nhiều thứ quá nên hạnh phúc đang có đó nhưng không tiếp xúc được, vì chạy theo những danh sách của hạnh phúc. Ngày nay chưa chắc loài người hạnh phúc hơn với những gì cha ông đã từng hạnh phúc. Hạnh phúc được đặt điều kiện và tình yêu cũng bi rào cột bằng những điều kiện. Người có vẻ yêu nhiều hơn và sử dụng nhiều phương tiện để bày tỏ tình cảm, nhưng cách con người yêu nhau nó cứ sao sao đấy, không còn lãng mạn, không còn đậm đà nữa. Sự dễ dãi trong tình yêu khiến con người dễ chán nhau và vượt qua những giới hạn cần thiết phải có. Tình yêu truyền thống cũng hay, nhưng truyền thống không được giáo dục, không được kế thừa nên truyền thống mất dần đi. Giá trị truyền thống phải có sự tiếp nối, bằng không sẽ mai một và bị thay thế bởi những yếu tố không tôn vinh được tính trọn vẹn và bền vững của tình yêu.

            Sinh là sự biểu hiện khi các điều kiện đầy đủ và người đời thường lầm tưởng là đang có, đang sống, đang hiện hữu hay đang tồn tại. Đã có sinh thì phải có diệt, còn gọi là không còn biểu hiện khi các điều kiện bắt đầu tan rã hay không còn kết hợp nữa và người đời thường lầm tưởng là đang không, đang chết, đang không hiện hữu đang không tồn tại. Không có gì sinh ra mà chỉ biểu hiện các điều kiện được kết hợp mà điều kiện này không thể kể hết được. Con người có sự tiếp nối nên không sinh ra và cũng không mất đi, nói dễ hiểu là không sinh không diệt. Chiếc lá mọc ra từ thân cây, úa tàn rồi rơi xuống đất, phân hủy và rễ cây hút những tinh túy của đất để nuôi dưỡng thân cây, rồi thân cây lại mọc ra và trở về đất. Có vẻ lá cây vừa mới luân hồi, nhưng lá cây mọc ra kia không phải là lá cây rụng xuống được nói lúc đầu, nhưng qui trình tạo ra lá cây mới không gì khác biệt. Chúng sinh sinh ra tùy theo các yếu tố mà chúng sinh đã hun đúc từ trước. Cây lớn lên từ măng thì đó là cây tre. Cây lớn lên từ hạt xoài thì đó là cây xoài. Cây lớn lên từ hạt lúa thì đó là cây lúa. Hoàn cảnh và hạt giống tạo ra giống cây khác nhau. Chúng sinh cũng thế, hạt giống được gieo tốt lành sẽ sinh ra tốt lành và hoàn cảnh tốt lành sẽ hỗ trợ nuôi dưỡng các chúng sinh tốt lành. Thọ mạng là vô lượng nên sinh chỉ là một sự kiện, nó đánh dấu một kiếp sống mới. Tình yêu muôn màu vẻ nên hàng triệu cặp vợ chồng cũng không bày tỏ tình yêu giống nhau. Tùy theo nhận thức của từng người mà cung bậc của tình yêu được diễn ta theo cảm xúc của riêng họ. Tình yêu không tự nhiên mà có, nó biểu hiện theo các điều kiện khiến nó biểu hiện mà thôi. Đứa bé nhỏ xíu có sẵn tình yêu nhưng chưa bày tỏ được vì điều kiện chưa đủ. Do muốn có sự tiếp nối nên sinh diệt liên tục. Nhờ vô thường mà tiếp nối được mỹ mãn. Em bé lớn lên và người lớn là tiếp nối của em bé. Nụ hoa nở thành hoa và bông hoa là tiếp nối của nụ hoa. Chấm dứt khổ đau là tiếp nối của khổ đau vì không gì làm cho khổ đau mãi mãi, trừ khi các điều kiện làm nên chúng tiếp tục được chế tác. Người sinh diệt trong từng sát na. Hàng triệu tế bào sinh ra và được thay thế trong mỗi sát na. Cơ thể là cỗ máy kỳ diệu. Nó giúp cho chuyển hóa cơ thể, như từ thức ăn, chọn lọc chất dinh dưỡng và thải ra những chất không cần thiết. Ăn uống đã có sinh diệt trong đó. Thực chất không có gì sinh cũng không có gì diệt, mà nên gọi là quá trình chuyển hóa, hay quá trình thay hình đổi dạng. Thức ăn đi vào cơ thể nhưng thức ăn đâu mất đi. Chất dinh dưỡng đi vào cơ thể để nuôi và sản sinh tế bào, còn chất thải đi ra ngoài qua đường tiêu hóa. Thức ăn chuyển đổi thành chất thải và chất dinh dưỡng, dĩ nhiên nó phải kết hợp với nhiều yếu tố khác nữa. Bản năng của chúng sinh là tính chuyển hóa, dù chối bỏ thì vẫn như thế. Chúng sinh có thể vẫn còn trầm luân nhưng đến lúc nào đó khi đủ điều kiện thì cũng chuyển hóa con đường trầm luân. Cái gọi là vòng luân hồi cũng chưa chính xác vì nếu gọi là vòng thì làm sao chư Phật vượt thoát sinh tử. Con người vẫn có thể giải thoát và giải thoát là một khả năng có thể minh chứng được. Khi chưa đủ điều kiện, chúng sinh sẽ là chúng sinh, nhưng việc là chúng sinh đã là mầu nhiệm. Khi đủ điều kiện, chúng sinh sẽ là Phật, nhưng tính chất mầu nhiệm cũng không khác biệt lắm, vì trong chúng sinh đã có Phật. Vì điều kiện mập mờ, nên Phật tính đó ngủ yên mà thôi.

            Do tính vô thường của vạn vật nên sinh đi đến tử hay cái biểu hiện đi đến không biểu hiện, đây gọi là sinh duyên lão tử. Lão tử là già rồi chết, nhưng có những người còn trẻ lắm đã chết. Trẻ sơ sinh chết, thiếu niên chết, thanh niên chết, trung niên chết. Chưa già mà đã chết. Chết không nằm ở cuối đường mà còn nằm ở đầu đường và khắp con đường. Chết là một quá trình. Người đang sống cũng là đang chết, đang chết dần. Một ngày qua là đời sống ngắn lại và cái chết cận kề. Mỗi ngày hàng triệu tế bào chết đi, không phải là chết đang diễn ra chứ là gì. Chết không nằm ngoài cái sinh và sinh không nằm ngoài chết vì sinh và chết nằm trong nahu. Khi vừa mới sinh ra, người đã bắt đầu chết rồi. Sinh như kết hợp của các điều kiện được biểu hiện đầy đủ. Lúc các điều kiện này tan rã, người không còn biểu hiện nữa nhưng thực chất người sẽ được tiếp nối theo hình thái của những điều kiện mà người đã từng tạo ra. Sinh ra hay chết đi có thể là những sự kiện hạnh phúc hay khổ đau tùy thuộc vào cách nhìn nhận của người trong cuộc. Nếu đem đời sống này chất liệu của tu tập, thì việc sinh ra là một kiếp tiếp tục con đường chánh pháp của những kiếp trước, còn nếu các hệ lụy và ràng buộc tiếp tục được chế tác thì đó có thể là con đường của khổ đau. Sự tiếp nối khiến chúng sinh cứ sinh ra rồi chết đi hoài, không biết bao giờ mới dừng lại. Bản năng của chúng sinh có thể được cho là cuộc hành trình của chuỗi dài sinh tử nhưng bản năng của chúng sinh vẫn có thể chấm dứt sinh tử, làm cho luân hồi vỡ tan tành. Chỉ cần thay đổi hướng đi thì cái vòng đó sẽ không kéo thành vòng nữa.

            Tình yêu ràng buộc đem đến nhiều hệ lụy và người đi lẩn quẩn trong vòng hạnh phúc và khổ đau. Tứ Diệu Đế hay Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm nói đến sự thật thứ nhất là khổ, là vắng mặt của hạnh phúc hay vắng mặt an lạc. Thất niệm trong tình yêu có thể mang đến nhiều khổ đau và người có vẻ yêu thương rất nhiều, nhưng vẫn khổ đau. Khi không có mặt cho nhau, người rong ruổi tình yêu ở chỗ khác và khi không thương nhau thật lòng, ai cũng đeo cho mình một cái mặt nạ thì tình yêu lạc lối. Người ta khổ vì cứ phải gặp mặt hay cứ phải đóng kịch. Nhiều bậc ba mẹ đã li dị nhưng trước mặt con cái phải đóng kịch, để làm tròn vai diễn của mình. Chuyên viên tâm lý bà Lý Thị Mai thường tư vấn về những lắc léo trong tình yêu cho những người đang yêu, nhất là cách hành xử và định hướng trong tình yêu. Bà khá tôn trọng các tiêu chí về thủy chung, về gìn giữ bản thân không đi quá giới hạn và cả nhân quả trong đó. Tình yêu có thể đẹp nhưng cũng nhiều rắc rối nên không biết làm thế nào thì nhờ người gỡ rối tơ lòng. Ban đầu tình yêu còn nhỏ bé, còn chập chững, còn tí hon, nhưng theo thời gian mà tình yêu sẽ lớn dần. Ràng buộc mang lại cảm giác được an toàn và che chở, nhưng về lâu dài không thể tránh khỏi các hệ lụy. Cho tình yêu không gian để thở và tình yêu cũng cần tự do. Tự do là chất liệu căn bản của hạnh phúc đích thực. Ở đây tôi không nói về tự do yêu đương mà tự do trong tự thân hay tự do nội tại. Khi thân tâm không còn bị ràng buộc gì nữa thì người tự do. Tự tại nói lên tính chất tự do, bình thường hóa mọi cảm xúc và thấy được yếu tố như huyễn của vạn vật, kế cả cái gọi là tình yêu. Người cũng cần thẩm định lại phẩm chất của tình yêu, xem khi bắt đầu yêu thương tới giờ, người có nhiều tự do hơn không. Mất tự do không phải là bị kiểm soát, bị chất vấn mà mất tự do là thân tâm bị ràng buộc bởi những cảm xúc buồn vui. Có người cho rằng không có buồn vui thì sống làm gì. Đành rằng là vậy. Nhưng người thường xuyên buồn hơn vui và lúc vui thì cái vui rất ảo. Xét về cảm thọ thì có thọ buồn, thọ vui, nhưng cũng có thọ không buồn không vui, và thậm chí là thọ buồn vui lẫn lộn, không rõ ràng. Thọ không thực có, đều bị chi phối của ngoại cảnh, buồn vui cho điều không thực có thì không phải ảo chứ là gì. Do chạy theo cảm thọ nên người được gá vào thân này để làm cho cảm thọ có vẻ được tiếp nối. Người tìm kiếm thọ lạc để mong nó được kéo dài mãi. Bản năng của chúng sinh là khoái lạc trong sự tìm kiếm, cho dù kết quả tìm kiếm rất nhỏ bé hay rất ngắn ngủi. Tôi có đứa học trò đạp xe đạp từ Sài Gòn ra Vũng Tàu để gặp một cô gái mà cậu thầm thương trộm nhớ, nhưng ra tới Vũng Tàu rồi thì cô này từ chối không gặp, và anh chàng thọ khổ. Người có thể làm một chuyện rất lâu để hưởng một thứ lạc trong tích tắc.

            Các điều kiện đầy đủ giúp người gặp gỡ người kia và duyên đẩy cho hai người gặp nhau. Duyên như là môi giới trong tình yêu, đem hai trái tim lại với nhau. Ở Việt Nam, đám cưới chay ngày càng nhiều. Trong bữa tiệc cưới, người ta tổ chức tiệc chay và lễ cưới được làm theo nghi thức Phật giáo. Các nhà sư sau khi chúc phúc và giảng dạy về bổn phận người chồng và người vợ, hai vợ chồng có thể lạy Phật phát nguyện giữ hạnh chung thủy. Điều này hay đấy chứ. Đám cưới mà đãi tiệc chay, thậm chí còn thực tập phóng sinh, giúp không sát sinh và giữ được giới. Hơn nữa, hai người cam kết với nhau về đạo vợ chồng, về áp dụng đạo đức Phật giáo vào đời sống hôn nhân. Kinh tế nhiều khó khăn, đám cưới tiết kiệm phần nào giảm đi chi phí và cô dâu, chú rể đỡ mệt. Giảm thiểu các nghi thức và sự chuẩn bị, ngày cưới có nhiều không gian và thời gian, người sẽ thấy thoải mái hơn. Bản năng của chúng sinh là thích ôm vào, nên bận bịu và lo toan đủ thứ. Buông bỏ bớt thì cuộc sống dễ thở, có thì giờ để tận hưởng sự sống và sống lâu hơn. Cuối tuần, vợ chồng rủ nhau lên chùa nghe pháp, niệm Phật, hành thiền, tụng kinh, tụng giới. Đây là cặp vợ chồng đẹp. Không tốn tiền gì cả, mà còn nuôi dưỡng những hạt giống lành mạnh, và truyền thừa lại cho con cháu sau này. Đứa con là tiếp nối của ba mẹ. Đây là điều may mắn. May mắn hơn nữa khi ba mẹ có tu và hướng dẫn cho sự tiếp nối của mình tu tập. Cả gia đình tu tập là gia đình may mắn. Cả xã hội tu tập thì còn gì bằng. Phước đức lớn nhất là như vậy đó.

Tâm này bao trùm cả pháp giới
Nên hãy làm cho tâm thảnh thơi
Cho bình yên bay vào vũ trụ
Cho từ bi xóa tan ngục tù.

Hôm nay gieo hạt giống bồ đề
Để tâm này không còn ngủ mê
Từng bước chân có dịp quay về
Sống sâu sắc an vui hiện tại.

Con nhớ hoài lời Thầy thường dạy
Dù có đi khắp bốn phương trời
Dù tình đời lúc đầy lúc vơi
Đừng lả lơi theo những gọi mời.

Nơi nhân gian hành xử bất động
Nơi tấm thân giữ vững tay chèo
Đường về bến còn lắm cheo leo
Hãy nhớ rằng trong tâm có Phật.

TG.Minh Thạnh

Sachminhthanh.wordpress.com

Phật Pháp Ứng Dụng