Vì sao ta cứ trôi lăn trong vòng lẩn quẩn? (sinh)

quan-tri-nhan-duyen--p22

Vì sao ta cứ trôi lăn trong vòng lẩn quẩn? (sinh)
Một thời thôi không đi lang thang

            Đứa con được sinh ra, đi học, lớn lên, làm việc, lập gia đình, lo cho vợ con, trung niên, già và chết. Hầu như ai cũng như vậy. Cực quá thì ngồi than, than không ai nghe thì lên facebook than cho thiên hạ cùng nghe. Có người còn trách ba mẹ sinh ra đời làm gì mà số cực quá. Hội than và hội trách cũng ra đời, đầy dẫy trên các mạng xã hội. Người bế tắc trong cuôc sống và lẩn quẩn trong sự bế tắc đó. Khi bị rớt xuống sông mà không biết bơi, người cần cái phao để bám víu. Cuộc sống tạo ra nhiều điều nương tựa để người bám víu. Người bám víu vào tiền tài, người bám víu vào danh vọng, người bám víu vào tình yêu và đủ thứ bám víu khác. Cái phao có thể cứu người trong lúc hoạn nạn, tiền tài mua được thức ăn, danh vọng khiến người hả hê, tình yêu giúp người không còn cô đơn. Nhưng khi lên tới bờ, phải bỏ cái phao đi, không ai ôm cái phao đi trên đất liền. Tiền tài xài cũng hết, nên phải tiếp tục làm việc nuôi mạng. Danh vọng vụt sáng rồi chợt tắt, bằng không phải làm việc cật lực để duy trì nó. Tình yêu đến rồi đi, nếu ở lại cũng có lần nhạt nhòa, nên phải tiếp tục đầu tư để giữ nó. Người hay nương tựa những cái “rồi sẽ hoại” hay “rồi sẽ tàn phai” và  xem nó như chiếc phao để đi cho xong cuộc đời. Chiếc phao có lúc cũng sẽ xì và không đủ không khí để nổi trên mặt nước, người ôm chiếc phao sẽ chìm xuống đáy. Hỡi người đi lẩn quẩn, hỡi người đi vòng quanh, hỡi người đang đi hoang, hãy chấm dứt việc đi lẩn quẩn, chấm dứt việc đi vòng quanh, chấm dứt việc đi hoang, để mở cửa cuộc đời, để thấy cuộc đời thênh thang, còn vô số chỗ để đi. Nương tựa chính mình là cách hay nhất để mở cánh cửa của tự do, để được sinh ra trong tự do. Mỗi ngày là một ngày mới, người có tự do hay không tùy thuộc vào cách sử dụng nó. Nếu đem tiền tài, danh vọng, tình yêu bế tắc vào ngày mới đó, người đang đi vòng quanh và dễ bị chúng kéo cho đi hoang luôn. Người vẫn có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nhưng người đang đi hoang. Muốn trở về nhà, chỉ cần quay trở lại chính người. Một chàng trai đã có gia đình nhưng lại liên tục dan díu với nhiều người khác, người độc thân lẫn người đã có gia đình. Người này đang đi hoang và phiêu lưu trong tình ái. Phiêu lưu là có nhiều rủi ro và khi trở về thì bị thương rất nhiều, thậm chí không đủ sức để trở về nữa.

            Nếu đã đi lang thang thì thôi đừng đi lang thang nữa. Thời đi lang thang đã qua mà nhường chỗ cho thời thôi không đi lang thang. Người thì lang thang trong đường tiền tài và người thì lang thang trong đường tình yêu. Đường nào cũng vui, nhưng trong đó cũng có không ít nỗi buồn. Làm việc kiếm tiền thì cứ làm, lợi ích cho xã hội, nhưng đừng xem tiền tài như bánh xe bò, để rồi phải lang thang vì nó. Muốn yêu thương thì cứ yêu thương, nhưng phải tỉnh táo, phải có hạnh phúc, đừng nuông chiều tình yêu quá mức làm cho thân tâm héo hon. Làm gì cũng cần sức khỏe, bằng không sẽ úa tàn rất mau, tuổi còn trẻ thơ nhưng gương mặt phụ huynh. Đi lang thang nhiều thì làm gì có thời gian tận hưởng cuộc đời. Cuộc đời có thể chỉ như cơn gió thoảng và nó tinh khôi hay không tùy thuộc vào cách người sống. Hình như người có tập khí lang thang hay sao đó nên đi hoài không thấy bến đâu cả. Người đến chỗ tiền tài và lại ra đi, đến chỗ danh vọng và lại ra đi, đến chỗ tình yêu và lại ra đi. Mọi thứ đều ra đi mà người vẫn đứng đó, chờ đợi cái gì, đợi không nổi nên đi lang thang? Được sinh ra là may mắn, nhưng sinh ra để đi lang thang thì uổng quá. Nhiều mộng mơ phập phồng trong trái tim, nên người đi lang thang tìm kiếm mộng mơ. Nhưng mà mộng mơ ơi, người vẫn cứ mộng, người vẫn cứ mơ, vẫn cứ lang thang, và sự sống trôi dần qua kẽ tay, như dòng nước hay những hạt cát trôi tuột, không thể nắm lại được. Người biết bản thân đang đi lang thang, nhưng không đủ bản lĩnh và dũng cảm để chấm dứt tình trạng đi lang thang kia. Điều nương tựa luôn bay nhảy nên lang thang là cái chắc. Người “phượt” theo các điều nương tựa đó.

            Một sự vật nhỏ bé như hạt bụi và to lớn như địa cầu đều trải qua giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử. Giai đoạn của địa cầu diễn ra rất lâu, so với sự sống của loài người thì lâu hơn rất nhiều. Địa cầu nên gọi là đất tổ hơn là đất mẹ vì đã nuôi sống không biết bao nhiêu thế hệ. Địa cầu cũng bệnh chứ không phải không, rồi già nua và chết đi. Địa cầu tan rã và khi đủ điều kiện thì kết hợp thành địa cầu mới. Chúng sinh sinh tử vô cùng tận, không thể nào kể xiết. Có những lúc sinh làm người, lúc hân hoan sinh vào cõi trời, lúc tức tưởi trong muôn vàn địa ngục. Chúng sinh được sinh trong cách của những điều kiện mà chúng sinh đã làm. Sinh tử như nói đến tính lang thang vô bờ bến của chúng sinh và đã vô số kiếp trôi qua, khi vẫn còn ngồi đây, vẫn còn viết sách, vẫn còn đọc sách thì đường sinh tử kia vẫn đang chưa chấm dứt. Có bao giờ người tự hỏi, Đường sinh tử biết đến bao giờ mới chấm dứt? Có bao giờ người chán sinh tử hay chưa? Dẫu biết rằng trong sinh có tử và trong tử có sinh hay thọ mạng là vô lượng. Cách nói có thể làm vơi bớt phần nào khổ đau, nhưng cứ gá thân vào bụng mẹ hay vào bụng một chúng sinh nào đó, hay theo kiểu sinh sản khác thì người được tiếp nối, nhưng tiếp nối hoài sao. Làm sao để chấm dứt tiếp nối đây? Đức Phật đã nhập Niết bàn hơn 2,500 năm nhưng sao người vẫn còn ngồi đây. Người đã làm chuyện gì trong ngần ấy năm, người có lo tu hay không? Tu để an lạc, để thảnh thơi, nhưng đã đủ để giải thoát sinh tử hay chưa? Nhìn cho ra nguồn gốc của sinh tử, bao nhiêu vô minh, bao nhiêu tham ái, bao nhiêu nghiệp chướng, oằn chúng sinh trong bao nhiêu kiếp. Người sống tới trăm tuổi hay hơn nữa có thể cho là sống thọ, nhưng rồi cũng phải lìa trần, nhường chỗ cho con cháu. Đất tổ nuôi người nhiều lắm, người làm gì để nuôi đất tổ? Làm gì để trả ơn đất tổ, trả ơn Phật, trả ơn chúng sinh, nhiều không biết bao nhiêu mà kể? Chỉ có cách duy nhất trả cái ơn này là giải thoát sinh tử, thì đất tổ không còn lo nữa, Phật không còn lo nữa và chúng sinh cũng không còn lo nữa. Sinh tử là vòng lẩn quẩn mà cái vòng này to khủng khiếp. Đi một vòng địa cầu cũng không ôm nổi. Nhiều khi người đi lang thang qua các hành tinh vì có những hành tinh không đủ chỗ để đi.

            Bất cứ ai cũng hiểu chết là chuyện đương nhiên nhưng khi nó xảy ra, người vẫn cứ bàng hoàng, sợ hãi và không biết đường nào mà lần. Ai cũng chết, thì nói gì đến tiền tài, danh vọng hay tình yêu. Mấy cái này, tuổi thọ còn ngắn hơn cả đời người. Mạng chúng sinh mong manh như hạt sương thì tiền tài, danh vọng và tình yêu còn mỏng hơn cả sương. Vậy mà người ta vẫn sử dụng thân mạng mong manh để tìm kiếm những cái siêu mỏng, không thực có. Sinh ra và chết đi đều là mẫu số chung, không chỉ áp dụng cho chúng sinh mà áp dụng cho vạn vật. Mẫu số chung này lặp đi lặp lại nhiều vô số kể. Kiếp người phù du làm sao, như bông hoa sớm nở tối tàn. Chúng sinh có đời sống dài hơn bông hoa nhưng cũng nở rồi tàn. Sự nghiệp vĩ đại cách mấy cũng như phù du. Danh vọng tôt cách mấy cũng như phù du. Tình yêu bền vững cách mấy cũng phù du. Thổi một cái, bay đi tứ tán. Người đi lang thang thế nào mà bị đẩy vào thế giới của phù du, một thế giới không thật, có chăng chỉ là những vòng lẩn quẩn, như vòng kim cô, trói chặt chúng sinh vào số mệnh lang thang. Không biết có ai ví tình yêu như vòng kim cô chưa. Đeo vào lấp lánh và đẹp đẽ, nhưng thỉnh thoảng cũng gây nhức đầu, sổ mũi và cảm lạnh. Sinh ra hai bàn tay trắng và chết đi cũng hai bàn tay trắng. Vậy sao người vẫn cứ muốn lấp đầy, mà lại muốn lấp đầy những thứ siêu mỏng, nắm giữ không được, cầm vào thì lại bay đi. Mọi thứ đều bị hủy diệt và thay hình đổi dạng. Một trăm năm, hai trăm năm, ba trăm năm sau, người thương đó có còn gặp nhau, tình yêu đó có còn mặn nồng, tài sản đó có còn trong tài khoản? Chúng sinh tự đào mồ chôn lấy mình. Dù nằm trong quan tài có hàng chục người ăn mặc đẹp đẽ và hàng triệu người khóc ròng, người cũng tự chôn lấy mình.

            Trong lúc đang biểu hiện, người đã bị vọng tâm rất nhiều, nào cố chấp, nào khát khao, nào phân biệt, nào hờn giận, nào muộn phiền… nên tâm bị vẩn đục. Vọng tâm là tâm không được tinh khiết nên khi chết, người sinh về nơi không được tinh khiết. Nơi đó lại vọng tâm nữa thì người lại bị đẩy xuống hơn nữa. Không có cát lún nào đẩy người xuống cả, người đẩy người đi và kẹt vào trong đó, lúc thoát ra được thì lại đi lang thang. Cho đến khi vọng tâm được buông bỏ và chân tâm hiển lộ. Chân tâm là tâm vô phân biệt, không bị vẩn đục. Chỉ cần chấm dứt tình trạng đi lang thang thì chân tâm có dịp quay về. Mà chân tâm có đi đâu đâu, vẫn ở trong tâm của người, nhưng do đi lang thang nhiều quá và lẩn quẩn bao số kiếp nên nó bị vẫn đục, bụi đóng một lớp dày, phải hạ thủ công phu thì mới lau chùi cho nó sáng trong. Quán cái chết để không sợ hãi cái chết. Quán chết thế này, Thân này sẽ già và chết, tiền tài sẽ hết, danh vọng sẽ qua, và người cũng sẽ thôi yêu. Quán cho nó sâu sắc vào. Quán thân từ khi sinh ra, lớn lên, già, bịnh, chết, xác chết hoại tử, còn xương, xương cũng tan thành bụi. Nương vào thân để sống nhưng không sợ hãi khi thân già nua và chết đi. Quán tiền từ khi có vài đồng, trăm đồng, triệu đồng và tiền đầy ắp, rồi tiền tiêu tán đi, vơi dần, bị cháy, bị lũ lụt, bị khủng hoảng, bị phá sản, bị cướp bóc và rồi không còn gì. Nương vào tiền như phương tiện sống nhưng không sợ hãi khi tiền không còn hay bay đi đâu mất. Quán danh vọng từ khi bắt đầu sự nghiệp, phát triển sự nghiệp, sự nghiệp tột đỉnh, sự nghiệp bão hòa, sự nghiệp xuống dốc và sự nghiệp không còn nữa. Nương vào sự nghiệp để sống nhưng không sợ hãi khi sự nghiệp trở nên thất bại. Quán tình yêu từ khi mới nhen nhóm tình yêu, bắt đầu yêu, yêu đậm sâu, yêu nhạt nhòa và không còn yêu nữa. Nương vào tình yêu để sống nhưng không sợ hãi khi tình yêu vụt bay. Chết là điều tất yếu của vạn vật. Đâu phải có mình người chết đâu, ai cũng chết mà. Có người chết chung vậy thì sao lại buồn.

            Chết là một sự kiện mầu nhiệm giống như sinh ra vậy. Nhờ chết mà người được sinh ra. Không có chết thì làm sao người thay được các tế bào, thay chất thải trong cơ thể và nhìn thấy những tiếp nối.Người thay thế lẫn nhau qua các thời đại và muôn lượng kiếp. Ăn mừng sinh nhật thì cũng ăn mừng cái chết. Cái chết không hẳn là chia lìa, nó thông báo một đoàn viên mới sắp chào đời. Người sẽ có ba mẹ mới, có các điều kiện mới và hoàn cảnh mới. Tuy mới nhưng cũ vì người đang được tiếp nối từ những cái cũ, những cái mà người đã lập ra. Trong mới có cũ, không thể lấy cũ ra khỏi mới. “Happy” khi được sinh ra thì cũng “happy” khi được chết. Có người muốn sống lâu nên tìm thuốc trường sinh bất tử. Tìm được rồi thì ông này uống thuốc liền với hy vọng thuốc tác dụng. Vài chục năm sau, ông mới thấy thuốc tác dụng, tức là ông sống lâu hơn những người xung quanh. Có điều ông phải chứng kiến là ba mẹ chết, anh em chết, con cháu chết và các thế hệ khác chết. Ông còn lại có một mình và ông khổ. Lúc này ông mới nghiệm ra, Thì ra chết cũng là hạnh phúc đấy chứ. Không có gì gọi là bất tử, bất biến, mãi mãi và muôn năm. Kẹt vào thường còn thì khổ thôi, nên muốn cải biên thường thành vô thường. Cho nên nói, vô thường cũng là tin mừng và chết cũng là tin mừng. Do tình thương nên người muốn ai cũng sống lâu. Sợ hãi vì chết thì cái chết đến rất mau. Người nổi tiếng còn chết, đức Phật cũng phải chết, huống chi là người. Khi đang còn sống thì sống cho sâu sắc, cống hiến toàn bộ sức lực cho sự sống, làm một người phụng sự, làm một người yêu thương, thì lát nữa đây hay mai kia người có nằm xuống, cũng đâu có gì tiếc nuối. Bình thường hóa cái chết và chào mừng cái chết như là phần tất yếu của sự sống thì người sẽ an nhiên trong dòng sinh tử cho đến khi sinh tử tự nhiên không còn nữa. Chết thì chết tự nhiên, đừng chết vì những mục tiêu trá hình, như chết vì tranh giành tiền tài, cố leo lên nấc thang danh vọng, ráng níu giữ tình yêu. Xã hội cung cấp quá nhiều mục tiêu khiến con người chết sớm. Làm việc nhiều thì tốt, làm giàu xã hội thì tốt, yêu thương nhau thì tốt, nhưng nếu nhuộm vào đó sự tranh giành, bực bội, khó chịu, mệt mỏi, bon chen thì tội nghiệp lắm. Người chết yểu trong chính những danh sách mục tiêu kia. Danh sách mục tiêu cũng là vòng lẩn quẩn đấy.

            Người đã chăm sóc kỹ lưỡng để được chào đời thì cũng nên chăm sóc kỹ lưỡng để được chết. Chết không bao giờ là hết cả. Tứ đại tan rã theo tứ đại và thần thức lại đi tái sinh theo nghiệp. Sống sâu sắc trong hiện tại là cách chuẩn bị cho cái chết hay nhất. Đâu ai biết được khi nào sẽ chết, nên ngay phút này sống thật vui vẻ và an lành thì nếu lát nữa đây có chết thì hối tiếc gì nữa. Không cần phát nguyện trước khi chết sẽ biết ngày giờ. Điều này không quan trọng. Vấn đề là ngay giây phút này, người có an lạc không. Từng giây phút an lạc thì giây phút chết cũng an lạc, biết trước ngày giờ làm gì. Có thái độ thiện chí với cái chết thì dù cho cái chết tràn ngập khắp nơi, người cũng không sợ hãi. Biết sống thì cũng biết chết. Biết thì không sợ hãi cái chết và cũng không quá níu kéo cái sống. Sống chết đã định sẵn, mà chẳng ai định sẵn cả, ngoài chính người. Người tự phán cho bản thân sống hoặc chết. Không cần sống lâu mà chỉ cần sống có ích, có phụng sự, có niềm vui, có thảnh thơi, có an lạc. Người hay đọc truyện, xem phim, nghe nói nên bị cuốn hút bởi những ý tưởng phiêu lưu về sinh tử. Người là một dẫn chứng vĩ đại về sinh tử nên không cần bắt chước những câu chuyện về sinh tử. Muốn thoát sinh tử thì phải tu. Con đường giải thoát không nằm ngoài con đường sinh tử. Ngay trong sinh tử mà tu tập, mà chứng chấm dứt sinh tử. Yêu thương sự sống thì cũng yêu thương không sự sống. Sống sâu sắc thì cũng chết sâu sắc. Sống trong nụ cười thì chết cũng trong nụ cười, đây mới gọi là sinh tử đích thực. Muốn vòng lẩn quẩn chấm dứt thì đừng đi lang thang nữa. Đi nhiều cũng biết mỏi chứ và khi đi xa nhà thì cũng nhớ nhà chứ. Cho phép người được nghỉ ngơi, được trở về thăm nhà.

Hãy chào mừng cái chết
Như sự kiện sinh ra
Khi đã là đóa hoa
Thì cũng phải úa tàn.

Trong sinh đã có tử
Trong tử đã có sinh
Đời sống hết vô minh
Khi biết dứt sinh tử.

Con cứ đi lẩn quẩn
Sinh tử và tử sinh
Hãy dừng lại chính mình
Thôi không đi hoang nữa.

TG.Minh Thạnh

Sachminhthanh.wordpress.com

Phật Pháp Ứng Dụng