Vì sao ta không trường sinh bất tử? (lão tử)

quan-tri-nhan-duyen--phan-cuoi

Vì sao ta không trường sinh bất tử? (lão tử)
Khi tình thương còn trong lồng ngực

            Sở dĩ người không thể trường sinh bất tử vì người sống phải nương nhờ vào các yếu tố đến từ bên ngoài rất nhiều. Người cần không khí để thở, cần nước để uống, cần thức ăn để ăn và nhiều cái cần khác. Nếu các điều kiện này không được cung cấp, người sẽ chấm dứt kiếp sống này và tái sinh trong kiếp sống khác tùy thuộc vào những gì người đã tạo trước đó, như là một sự tiếp nối. Cho dù thọ mạng là vô lượng nhưng cái gọi là thọ mạng đó biến chuyển không ngừng, và nó đi ngang qua vô số kiếp. Người muốn trường sinh bất tử vì người sợ chết và do không thấy cái chết đang diễn ra nên tìm cách làm cho cái chết lâu đến. Có người chết rất tự nhiên, nằm ngủ rồi chết, nhưng cũng có người chết rất khổ, đau bệnh, hoặc bị tai nạn, hoặc bị giết hại mà chết. Cho dù công thành danh toại, tình yêu đậm sâu, của cải chất đống thì cái chết cũng đến và ra đi hai bàn tay trắng. Những gì được tạo ra đều không thể mang theo, chỉ có nghiệp mang theo và cuộc sống tiếp theo có hạnh phúc hay không tùy thuộc vào những gì đã làm trước đó. Ham muốn trường sinh bất tử cũng là cái tham, tham sống lâu, tham sống mãi mãi. Nếu sống lâu mà không tu thì chật đất, ác nghiệp sâu dày và sẽ không còn trường sinh bất tử nữa. Dù sống trăm năm mà không thấy pháp sinh diệt trong khi sống một ngày mà chứng được pháp sinh diệt thì thọ mạng ngắn không hề gì. Nếu sống ít đi để người khác có cơ hội được sống thì thọ mạng ngắn cũng không hề gì. Có anh học trò hỏi tôi, Thầy ơi, gia đình con đi hỏi ba ông thầy, ai cũng nói con và bạn gái xung khắc, nếu cưới nhau thì con sẽ chết yểu, lo quá thầy ạ, thầy là ông thầy thứ tư nhé. Chưa chết đã lo rồi đấy. Tôi thì không biết coi tuổi xung khắc gì đâu nhưng cũng khuyên cậu học trò, Con đừng có lo lắng như thế, nếu hai vợ chồng sống với nhau cả trăm năm mà không có thương nhau đâu có bằng hai người sống với nhau chỉ mới có một ngày mà thương nhau thiệt. Vậy mà cuối cùng anh cũng cưới vợ rồi sinh con đẻ cái. Quả thật cũng có những cặp vợ chồng sống vì tình nghĩa, vì con cái hơn là tình yêu, và cũng có cặp nam nữ thương nhau nhưng không thể đến với nhau vì giới cấm thủ, vì khác biệt tôn giáo, vì sự cản trở, vì chênh lệch tuổi tác, vì môn đăng hổ đối và đủ thứ vì khác.

            Trời lúc nắng lúc mưa, nhưng cũng có lúc mưa nắng và cũng có lúc không nắng không mưa. Thời tiết thất thường giống tình cảm của con người, lúc thương, lúc không thương, lúc thế này thế kia. Dù sao đi nữa, khi tình thương vẫn còn trong lồng ngực thì vẫn cứ nguyện thương yêu. Ngày mai hay lát nữa đây người có thể ra đi hay người kia có thể ra đi, lời yêu thương hay lời chia tay cũng không kịp nói, nên nếu muốn yêu thương thì hãy yêu thương ngay giây phút này. Hiện tại có sức mạnh kỳ vĩ, nó không du dương như tiếng dương cầm, không rạng rỡ như bình minh buổi sáng, không đẹp đẽ như bảy sắc cầu vồng, nhưng quyền năng của hiện tại thì không thể chối cãi, vì nó dạt dào như biển cả mênh mông. Có duyên mới gặp nhau chứ không phải tự nhiên mà gặp. Khi gặp nhau thì hãy ban tặng yêu thương, có gì mà phải nuối tiếc. Người ta cứ chạy đua theo những thói cạnh tranh nhất thời. Trên thương trường thì giành từng chút thị phần. Trên chiến trường thì giành từng mạng sống hay từng miếng đất. Nếu có người thương nhau thì thế giới này đỡ biết mấy. Phim ảnh có quá nhiều bạo động và người ta làm phim tình cảm. Phim tình cảm thì quá ủy mị và đau thương nên người ta làm phim hài. Người cứ chạy qua chạy lại và chưa bao giờ thỏa mãn. Tình yêu cũng không mưa thuận gió hòa. Có gặp được nhau trong hai trăm năm hay ba trăm năm nữa đâu mà không lo yêu thương nhau đi. Sự đấu đá của chính trị khiến người ta giết đồng loại của mình và do đấu đá nên thì giờ đâu mà yêu thương. Trái tim còn đập trong lồng ngực, người thương vẫn còn có mặt đó thì hãy cho trái tim và người thương cơ hội để lắng nghe, để hiểu biết và để yêu thương. Mùa xuân qua thì mùa xuân sẽ lại tới, nhưng người không chờ đợi mùa xuân hay ước hẹn với mùa xuân. Mùa xuân đã có sẵn trong giây phút hiện tại. Bằng tâm xuân rải đi khắp nơi thì mùa nào gọi là hạ, thu và đông. Bốn mùa chẳng qua là sự di dời của thời tiết.

            Con tàu Titanic có nhiều khoang khác nhau. Khoang dành cho người giàu có, khoang dành cho trung lưu và kể cả khoang dành cho hạ lưu nữa. Nhưng chết thì không có lựa hạng. Người nghèo chết, người giàu chết, người khá giả chết, xung quanh đây nhà nào cũng có người chết và thử tưởng tượng người nằm trong cái hòm kia là mình. Một lúc nào đó, không sớm thì muộn, người sẽ nằm trong cái hòm đó. Được nằm trong hòm là cũng có phước lắm vì biết bao người đâu có hòm để nằm. Bây giờ người ta còn thiêu và đem tro vào chùa hay rải xuống sông. Được đem vào chùa hay được rải xuống sông cũng là có phước lắm vì còn có cái chùa để đem vào và còn có con sông để rải. Nhiều nơi đâu có chùa đâu mà đem vô, hoặc phải đóng ti ền rất cao. Bố của học trò tôi mất, muốn đem hình ảnh và bài vị vào trong chùa để nhưng chùa yêu cầu đóng 40 triệu đồng (giá của năm 2013). Tôi nghe mà cũng giật mình. Người nghèo làm sao có tiền mà đóng, nên thôi để ở nhà rồi hàng ngày tụng kinh cầu siêu. Nhiều nơi cũng không có sống để rải tro vì sông cạn hết hay con sông nằm ở nơi xa lắm. Trước khi con tàu Titanic chìm xuống biển, người ta có những trò vui, trò buồn, trò giận, trò hờn, trò thương, trò ghét và các trò khác diễn ra trên đó. Đến khi cái chết gần kề, người ta mới giật mình, thấy sự sống còn sao mà mong manh quá. Nếu có người chấp nhận cái chết thì cũng có người cố giành cái không chết cho bằng được. Những người còn sống âu cũng là phước phần của họ. Những người chết sinh ra những nơi khác nhau, những ngày khác nhau, nhưng lại chết cùng một ngày. Chết chung như cộng nghiệp. Những người có hành động nghiệp tương tự nhau sẽ sống chung trong một hoàn cảnh và sau đó lại chết trong một hoàn cảnh tương tự. Một quốc gia sống dưới một chế độ chính trị cũng là cộng nghiệp.

Không ai trốn được cái chết, dù muốn bay vào sao hỏa để thử nghiệm cũng phải chết thôi. Những người tu tiên đi vào chốn non cao hay vào hang động nằm sâu trong rừng thì cũng chết. Tiên mà còn ở trần gian thì là tiên mắc đọa, nhưng nếu sinh về cõi trời thì đến lúc nào đó cũng rớt xuống để bị đọa tiếp. Nói cho vui vậy chứ khi chưa chứng được quả giải thoát, sinh vào cõi trời đi chăng nữa thì sau khi hưởng hết phước phần thì vẫn cứ phải chết. Chết có thể được hiểu là chuyển từ kiếp này sang kiếp khác hay từ dạng này sang dạng khác. Chuyển từ trẻ thơ sang thanh niên, từ thanh niên sang trung niên, từ trung niên sang lão niên cũng có thể gọi là thay hình đổi dạng. Nhờ chết mà người được tiếp nối như thế và chuyện chết diễn ra như cơm bữa, nên đừng trốn chạy cái chết, chấp nhận và chào mừng cái chết như sự kiện được sinh ra. Đời sống có nhiều thử thách. Đối diện, chấp nhận và vượt qua thử thách thì con người phát triển. Phát triển đến lúc cũng phải thoái trào và chết. Cá chép tượng trưng cho sự tinh tấn, vượt vũ môn và hóa rồng. Cá chép trở thành rồng là một kỳ công và thay hình đổi dạng. Cá chép đã đi vào con rồng nên cá chép không có chết. Người cho là ai cũng chết thì vẫn còn kẹt vào tướng. Tướng cũng không có chết nữa, nó chỉ tan thôi và đi ntheo các điều kiện tạo nên nó. Con rồng rồi cũng sẽ thay hình đổi dạng, cũng sẽ tan rã, chứ không thể là con rồng mãi. Người thường đóng vai trò kích hoạt, tức là sử dụng các điều kiện để kích hoạt quá trình thay hình đổi dạng. Vô thường làm duyên cho quá trình này được thành tựu. Thực chất chúng sinh nào cũng trường sinh bất tử, chỉ có tướng là không trường sinh bất tử thôi. Thọ mạng vô lượng thì không phải trường sinh bất tử chứ là gì. Chết là tứ đại tan rã, còn thọ mạng thì không chết. Sống là để yêu thương và nếu chọn con đường tu thì sống để tu tập. Đã yêu thương và tu tập ngay trong ngày hôm nay thì ngày mai có chết thì cái chết đâu làm cho người khổ.

Sinh ra bàn tay trắng
Chết rồi cũng trắng tay
Sống an nhiên tháng ngày
Hạnh phúc trong hiện tại.

Dù có lên non cao
Đi vào nơi rừng sâu
Hay lặn xuống đáy biển
Cũng không sao khỏi chết.

Chỉ có nghiệp mình tạo
Là sẽ đi theo mình
Như là bóng theo hình
Bất kể nhục hay vinh.

Cái chết luôn gần kề
Không thể nào mặc cả
Biết vậy hãy quay về
Tu đi thôi kẻo trễ.

Tài Liệu Tham Khảo

(1) Vô Minh Là Gì? – Hoàng Phong, Phật Học Cơ Bản, Trang Nhà Quảng Đức.

(2) Luật Hấp Dẫn Là Gì? – Nguyen Xuan, Hữu Hưng, sưu tầm từ Baihocthanhcong.com, Trần Đình Hoành,dotchuoinon.com, bài đăng trên Nghiencuukinhtehoc.com, ngày 16.10.2010.

(3) Mười Hai Nhân Duyên – Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng, trích trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Phi Đài Tụng Kệ, Tạng Thư Phật Học.

(4) Ly Hôn Gia Tăng Ở Việt Nam Qua Con Mắt Phóng Viên Nước Ngoài – ABC, More Vietnamese couples calling it quits, bayvut.com.au

(5) Vòng Luân Hồi – Thích Nữ Giới Hương, Nhà xuất bản Phương Đông, Tủ sách đạo Phật Ngày Nay.

(6) Kinh Tuổi Trẻ Và Hạnh Phúc – Kinh Tam Di Đề, KInh số 1078 của b ộ Tạp A Hàm trong tạng Hán (99, tạng kinh Đại Chính), tương đương kinh Samidhi của Tương Ưng Bộ (Samyutta Nik à ya I,2.10), Thích Nhất Hạnh dịch.

(7) Cô Đơn Vào Đời – Dịch Phấn Hàn, không rõ Nhà xuất bản.

(8) Kinh Từ Bi – Thiền Môn Nhật Tụng 2013, TG Minh Thạnh.

(9) Tâm Không Xao Động Vì Pháp Thế Gian – 38 Pháp Hạnh PhúcMahà Thông Kham Medhivongs

, Minh Đức Triều Tâm Ảnh hiệu đính, Kinh Hạnh Phúc.

(10) Có Đi Có Lại Mới Toại Lòng Nhau – Khánh Duy, Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam, 11/11/2010.

(11) Kinh Mười Hai Nhân Duyên – Kinh Đại Bát Niết Bàn, quyển 2, phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, trang 178, Trường Bộ 15, Tương Ưng Bộ, chương 12, kinh 65, phẩm 6, kinh 60.

(12) Dị Học Giác Phi Kinh – Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ mười, Đại Tạng Tân Tu 198, tương đương với Kalahavivàda Sutta, Sutta-Nipàta 862-877, Đạo Bụt Nguyên Chất, Thích Nhất Hạnh.

======

Kinh Mười Hai Nhân Duyên

1. Một lần, tại tinh xá Jetavana, Phật đã giảng cho đại chúng nghe về Mười hai nhân duyên.

Này các thầy, chúng sinh đều đồng có mười hai nhân duyên, bao gồm: phiền não quá khứ gọi là vô minh, nghiệp quá khứ gọi là hành, hiện tại lúc sơ khởi nhập thai gọi là thức, năm phần nhập thai chưa đủ bốn căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi gọi là danh sắc, các căn này đầy đủ gọi là lục nhập, ban đầu chưa phân biệt khổ vui gọi là xúc, sau đó biết phân biệt khổ vui gọi là thọ, thích hưởng thụ năm thứ dục gọi là ái, tham cầu và dính mắc vào các đối tượng bên trong và bên ngoài gọi là thủ, do ham thích thủ mà khởi nghiệp thân, miệng và ý gọi là hữu, thức hiện tại làm cho sinh trong tương lại, tất cả danh sắc, lục nhập, xúc và thọ trong hiện tại làm cho già, bệnh và chết trong tương lai.

2. Chúng sinh từ sinh đến già chết đều có đủ mười hai nhân duyên nói trên, trừ khi phôi thai chết yểu. Chúng sinh cõi sắc không có ba loại thọ, ba loại xúc và ba loại ái, không có già và bệnh nhưng cũng được xem là đủ. Chúng sinh cõi vô sắc không có sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, già và bệnh nhưng cũng được xem là đủ. Có thể nói rằng chúng sinh có đầy đủ mười hai nhân duyên.

3. Này các thầy, trong kiếp trước, ta chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ thanh vắng, thực tập tu thiền vắng lặng và thiền minh sát đã nghĩ thế này, Vấn đề nan giải của thế gian là sinh, già, bệnh, chết, dời đổi, thọ sinh. Tuy nhiên, chúng sinh cứ hay nương tựa và bám víu vào sự sống và không biết rõ ràng về các đau khổ đó.

4. Quán chiếu tường tận, ta thấy có hữu nên có sinh, vì duyên hữu nên có sinh. Quán chiếu tường tận, ta thấy có thủ nên có hữu, duyên thủ nên có hữu. Quán chiếu tường tận, ta thấy do chấp giữ vào các pháp, nghĩ nhớ và vương vấn làm cho ái dục tăng trưởng, có ái nên có thủ. Ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên già, bệnh, chết và thế là ưu, bi, khổ, não. Ái chính là nguồn gốc của những đau khổ.

5. Này các thầy, các thầy nghĩ thế nào? Nhờ dầu và tim đèn mà đèn được thắp sáng, nếu thêm dầu và tim thì đèn sáng lâu không?

Bạch Thế Tôn, nếu thêm dầu và tim đèn thì đèn cháy lâu hơn.

Này các thầy, cũng vậy, đối với sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp mà chấp thủ hay dính mắc càng nhiều, đồng thời hay nghĩ nhớ, thích thú, vấn vương thì ái càng tăng trưởng. Ái tăng thì thủ, hữu, sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não cũng tăng theo. Phải biết ái là nhân duyên sinh đau khổ.

6. Này các thầy, quán chiếu tường tận, ta thấy không có sinh thì không có già, bệnh, chết. Nếu sinh diệt thì già, bệnh, chết không còn. Quán chiếu tường tận, ta thấy nếu hữu không thì sinh không, nếu hữu diệt thì sinh diệt. Tiếp tục quán chiếu tường tận, ta thấy thủ không thì hữu không, ái không thì thủ không. Nếu ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não đều diệt. Muốn dứt sinh, già, bệnh, chết, và những đau khổ thì trước tiên hãy thực tập diệt trừ tham ái.

7. Này các thầy, các thầy nghĩ thế nào? Nếu đem bỏ tim đèn, đổ hết dầu thì đèn kia có thắp sáng được không?

Bạch Thế Tôn, không còn tim đèn và dầu thì ngọn đèn không thể thắp sáng được.

Này các thầy, cũng vậy, các thầy không còn chấp thủ vào các pháp, mà lại thực tập quán vô thường, quán bất tịnh, khổ, ly dục, xả ly, diệt tận, không còn ham muốn, không nhớ nghĩ, không tham đắm, không dính mắc thì ái không sinh. Ái không sinh thì sinh, già, bệnh, chết và những đau khổ không còn nương vào đâu để có mặt.

Phật nói kinh này xong, các thầy đều hoan hỷ tiếp nhận và thực tập theo. (11)

=====

Kinh Đạo Lý Duyên Khởi

1. Vì đâu mà có tranh cãi đấu tụng? Vì đâu mà người ta làm khổ nhau, gây sầu thương cho nhau và ganh ghét nhau? Vì lý do gì mà người đời thường sử dụng ác ngữ để hủy báng nhau? Xin Phật giảng cho chúng con về gốc rễ của vấn đề này.

2. Cái khả ái là nguồn gốc của mọi tranh tụng. Nó gây ra ganh tỵ, tật đố, ưu sầu, khổ não. Vì muốn hủy báng nhau cho nên người ta mới sử dụng vọng ngữ. Chính nó là gốc rễ đưa tới mọi hủy báng chống đối nhau.

3. Nhưng cái khả ái ấy ở đời do đâu mà có? Từ đâu mà ái phát sinh trong cuộc đời? Bỏ cái gì đi thì ái mới không còn và lúc ấy thì con người mới không đau khổ?

4. Chính ham muốn của mình làm cho mình vướng vào cái khả ái của thế gian. Và khi cái ham muốn lớn mạnh sẽ tạo ra nhiều khổ đau. Không buông bỏ được cái hữu cũng là do nó. Và vì có cái hữu này cho nên mới có những cái hữu tới sau.

5. Cái gì làm phát sinh ra cái ham muốn bắt ta chạy theo dục lạc trong cuộc đời? Do đâu mà phân biệt được cái lành, dữ, xấu, tốt? Do đâu mà có cái bắt đầu và cái chung cuộc? Xin bậc đại sa môn chỉ dạy: chúng con phải tuân thủ theo các pháp môn hành trì nào?

6. Cái ham muốn ấy phát sinh từ chuyện mình thích ý hay không thích ý. Dục cũng từ nhân duyên mà sinh khởi. Chỉ khi nào thấy được lý do sắc thân vì sao từ hưng thịnh lại đi đến tàn hoại thì người đời mới bắt đầu biết phân biệt quán chiếu.

7. Khi biết rằng mình đang bị dối gạt (bởi cái vỏ bên ngoài của các pháp) thì con người mới biết hoài nghi. Lúc bấy giờ ta mới nhận diện được hai mặt đối nghịch của các pháp. Thực tập quán niệm như thế nào để khám phá ra được con đường dẫn về tuệ giác. Phải có tâm mong cầu hiểu được giáo pháp ta mới thấy rõ được phép hành trì.

8. Cái có và cái không từ đâu tới? Tại sao người thân và người không thân một ngày kia cũng đều phải chết? Còn vấn đề cái thêm và cái bớt nữa. Xin đức Thế Tôn thuyết giảng cho chúng con về gốc rễ của hiện pháp?

9. Cái ái và cái không ái là do sự xúc chạm mà sinh khởi. Chúng tới rồi chúng đi, chúng sinh rồi chúng diệt, chúng không thể có mặt (nếu không có xúc chạm). Cái có và cái không, cái thịnh và cái suy cũng cùng trong một ý nghĩa đó. Bậc hiền giả giải thích về gốc rễ của hiện pháp một cách tường tận như thế.

10. Nhưng sự xúc chạm kia từ đâu mà đến? Vì nguyên do nào mà người ta lại bị vướng vào sắc dục của thế gian? Phải thực tập quán niệm như thế nào để không còn phân biệt chấp trước? Tại sao lại có sự vướng mắc vào sắc dục?

11. Do có tâm và vật (danh sắc) mà có xúc chạm. Vì có cái có nên danh và sắc mới khởi dậy. Phải vượt qua vô minh mới đạt được giải thoát. Phải thấy được rằng danh và sắc là nền tảng của xúc chạm.

12. Làm thế nào để buông bỏ được sự ham muốn về danh và sắc? Vì lý do gì mà phát sinh các loại tham ái? Làm sao cho tâm đắm trước tham ái được tiêu diệt tận cùng? Phải biết và hành trì theo giáo lý (bốn) sự thật như thế nào mới có thể đạt tới giải thoát?

13. Phải lìa bỏ ý niệm về tưởng, về sắc, về cái vô tưởng và về cái bất hành tưởng. Phải đoạn trừ tất cả và không vướng mắc vào ý niệm nào. Bởi tưởng là gốc rễ của mọi hý luận đem tới nhiều đau khổ.

14. Những điều con thưa hỏi đều đã được giải đáp. Nay xin đức Thế Tôn thuyết giải thêm cho chúng con: hành trì như thế nào để có thể trở nên một bậc toàn thiện? Còn có con đường nào khác hơn con đường mà bậc tôn đức đã chỉ bày hay không?

15. Đã biết là mình đang đi trên con đường (bát) chánh thì còn sợ gì bị sai lạc? Đó là con đường dẫn tới quả vị tuệ giác. Vị mâu ni thiền định dưới một gốc cây trong rừng. Không có con đường nào đẹp hơn thế.

16. Hiểu như thế rồi thì các vị phải một lòng hướng về (sự thực tập). Một bậc tôn đức được giải thoát thì không còn bị ràng buộc vào nghi lễ và giới cấm nữa. Một người như thế có thể vượt qua mọi phiền não một cách mau chóng trong cuộc đời. Vị ấy vượt thoát được thời gian và không còn trở về luân hồi nữa. (12)

(Dị Học Giác Phi Kinh – Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ mười, Đại Tạng Tân Tu 198, tương đương với Kalahavivàda Sutta, Sutta-Nipàta 862-877, Đạo Bụt Nguyên Chất, Thích Nhất Hạnh)

TG.Minh Thạnh

Sachminhthanh.wordpress.com

Phật Pháp Ứng Dụng