SI là si mê, mê muội không nhận định đúng sai, có chỗ gọi là vô minh hay còn gọi là ngu dại. Đối với sự vật hiện tiền, tâm tánh mờ ám, không có trí huệ sáng suốt để phán đoán việc tốt xấu, hay dở, lành dữ, đúng sai v.v… nên mới làm những điều tội lỗi, làm tổn hại cho mình và người.
Chúng ta ngu si mê muội nên chấp thân tâm làm ngã là căn bệnh thâm căn cố đế của mọi người, cho nên ai cũng thừa nhận cái hay suy tư, nghĩ tưởng, phân biệt, nhận thức, cảm thọ làm tâm mình. Có người nói rằng tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu, vậy những lúc không suy nghĩ là ai, chẳng lẽ mất mình hay sao?
Bởi do si mê chấp thân này làm ngã nên ta sanh tham đắm dính mắc vào nó, tưởng nó chân thật, nó lâu dài, nó sang quí và cao cả. Khi tham không được, liền nổi cơn oán giận thù hằn. Do si mê về thân, nên ta mới quí thân và quí luôn những vật sở hữu của ta. Thế nên những nhu cầu về vật chất của bản thân, chúng ta lúc nào cũng tham muốn cho được đầy đủ sung túc.
Chấp thân này làm ngã là bệnh thông thường của mọi người. Tất cả người thế gian ai cũng chấp thân này làm thật ngã, là ta, là của ta. Bởi chấp thân này làm ngã nên thấy nó thật, nó lâu dài, nó cao cả quí báu, rồi đắm mê tham lam vì nó. Thân của ta mà bị ai xúc phạm đến liền nổi sân lên, mặc dù người ta nói bằng sự thật rất hợp lý. Như thân ta đen lùn xấu, người khác chê “lùn xấu”, ta liền bực tức khó chịu. Ngược lại, thân ta đen xấu mà có ai mới gặp liền khen sao hôm nay em thấy anh “đẹp trai”, ta liền hoan hỷ, vui vẻ.
Chúng ta vì tham có nhiều của cải vật chất, nên ai cũng tranh đua giành giật bất kể sự khổ đau của người khác. Do đó, tạo nghiệp trả vay từ đời này đến kiếp nọ không có ngày thôi dứt. Vì tham và quý thân nên khi thân sắp hoại, người ta sanh ra lo lắng, sợ hãi. Nỗi lo sợ mất thân là sự khủng khiếp nhất của con người. Vì thế, tiếng “chết” coi như là một điều cấm kỵ, chúng ta không bao giờ dám dùng đến. Bởi si mê chấp thân nên chúng ta cứ như thế mà mãi mãi khổ đau trong luân hồi sanh tử vô cùng tận.
Rồi cho đến chúng ta chấp tâm này làm ngã, cái hay suy tư nghĩ tưởng có cả trăm ngàn thứ, buồn thương, giận ghét, phải quấy, tốt xấu, hơn thua, đúng sai, thiện ác, lành dữ, tâm niệm luôn dời đổi liên tục không lúc nào dừng nghỉ. Khi nghĩ thiện là tôi, vậy khi nghĩ ác là ai, không lẽ cái tôi có nhiều thứ như vậy hay sao?
Tâm niệm luôn thay đổi triền miên không có lúc nào dừng nghỉ, nhưng chung quy cũng nằm trong hai tâm niệm thiện ác. Từ đó suy ra tâm niệm luôn thường xuyên thay đổi theo thói quen huân tập hằng ngày, sở dĩ con người tranh đấu giết hại lẫn nhau là do ngu si chấp ngã mà ra.
Ai cũng muốn mình hơn thiên hạ và tham lam bắt mọi người phải phục vụ cho mình. Con người phục vụ cho con người vì có giai cấp chủ và tớ, theo quan niệm của đấng sáng tạo mọi thứ đều cố định cả không thể nào thay đổi được. Loài vật dùng để cúng tế thần linh và đáp ứng cái ăn cho người, ai theo truyền thống này sẽ cám ơn thượng đế đã ban tặng cho họ có sự sống.
Chúng ta cứ nghĩ rằng mọi cái, mọi thứ, đều do đấng tối cao sắp đặt, phụ nữ thì có nhiệm vụ sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường lo mọi việc trong nhà, không được làm việc quan hệ bên ngoài. Giai cấp quý tộc thì được quyền ăn trên ngồi trước, bóc lột kẻ cùng đinh hạ tiện để phục vụ cho bản ngã của mình, cũng từ sự phân biệt tính toán khôn ngoan của ý thức con người.
Từ si mê mới cho rằng đời sống dài cả trăm năm nên lo tạo dựng sự nghiệp, gia đình, công danh, tài sản, của cải để con cháu đời sau hưởng đến khi tắt thở cũng chưa mòn. Vì vậy mà cả một đời mấy chục năm ròng ta cứ lao vào hình thức vật chất mà không nghĩ đến tâm tư của mình trong sáng hay tối tăm; không màng đến việc trau dồi nhân cách, đạo đức mà chỉ đuổi theo những cái tạm bợ, phù phiếm bên ngoài.
Đời này chúng ta tạo lập, xây dựng mà nếu lỡ phải chết giữa chừng thì khi ra đi tâm tiếc nuối dấy khởi, ta phải chịu tái sinh chỗ thấp kém, có khi phải đọa làm chó trở lại để giữ của vì ngu si mê muội.
Thế cho nên, Phật nói si mê là gốc của luân hồi sống chết không có ngày cùng, chúng sanh phải thăng lên lộn xuống mãi trong ba cõi sáu đường gốc cũng từ si mê mà ra. Ta đam mê sự sống, danh vọng, sắc đẹp, quyền lực, tiền bạc, của cải. Chúng ta thường sống với những ảo tưởng, nhớ nghĩ về quá khứ hoặc mơ mộng đến tương lai. Chính đó là gốc rễ của si mê.
Chúng ta phải thường xuyên quán chiếu thân, thọ, tâm, pháp mới có thể biết rõ mạng sống vô thường, thân này không thật có. Biết thân này không có giá trị chân thật thì chúng ta không còn tham ái, luyến mến nó nữa. Được như vậy chúng ta sẽ biết cách làm chủ bản thân.
Tuy nhiên, chúng sinh cang cường với bản tánh tham lam khó dời đổi, mới tu có vài ba năm hoặc hai ba chục năm mà cứ đòi thành Phật? Chính khi đó, nghe ai nói tu ba tháng đến sáu tháng thành Phật liền thì ham quá, mới bán hết nhà cửa mà dâng cúng cho người đó. Tu một thời gian không có kết quả mới té ngửa ra tại mình si mê, đần độn nên đã “giao trứng cho ác” mà không hay, không biết.
Lời Phật dạy từ trước đến nay chính yếu tu là biết cách gạn lọc nội tâm; giống như một lu nước đục muốn nước được trong phải có thời gian gạn lọc, tuy thấy nước trong nhưng cặn bã vẫn còn dưới đáy lu, gặp duyên thì nước sẽ đục trở lại. Phiền não tham-sân-si là cặn cáu, tuy có định tĩnh đôi chút nhưng vẫn còn mờ tối. Muốn nước thật sự được trong ta phải đổ nước trong sang lu khác, khi cặn bả hết thì có quậy nước vẫn trong. Tâm ta trong sáng thì mọi thứ phiền não, khổ đau cũng tan hoà vào hư không.
Một người tham tiền đam mê cờ bạc, nên đến khi thua hết tiền của mà cũng không ăn năn hối hận từ bỏ. Do si mê chấp ngã nên cái ta của mình cứ thế loanh quanh suốt ngày chỉ sống với sự thương yêu ghét bỏ mà ưa người này, ghét người kia, thích vật này, ghét việc nọ. Không biết đạo đức, nhân quả, không biết suy xét điều hay lẽ phải, chỉ thích chạy theo âm thanh, sắc tướng, mùi vị, cảm xúc mà thôi.
Có một người vì si mê tham muốn quá đáng, nên giữa lúc ban ngày đông người, lại vào tiệm giựt vàng. Khi bị mọi người bắt được giải lên cơ quan điều tra xét hỏi: “Bộ anh không thấy mọi người ở chung quanh và không sợ tù tội hay sao”? Anh ta trả lời rằng: “Lúc đó tôi chỉ thấy có vàng thôi, nên làm cho tôi mờ mắt mà sinh lòng tham muốn! Chúng ta nên biết, trong lúc tham lam mà có sự si mê kèm theo thì rất nguy hiểm!
Thích Đạt Ma Phổ Giác