Lượn qua các trang báo mạng thấy người Sài Gòn đổ xô đi mua cá lóc nướng trui để cúng thần Tài. Trong đạo Phật không có thần Tài, Quan Công, Thổ Địa…Nhưng nhiều người lại lầm tưởng “tục” này xuất phát từ đạo Phật. Thậm chí chính những người Phật tử chẳng có hiểu quy củ nhà Phật cũng thờ cúng và “nịnh” thần tài bằng vô số lễ vật như số đông.

Nhân ngày mà người ta gọi là Ngày cúng thần Tài, người biên tập trang nhà xin kể chuyện Thần Tài cho các bạn độc giả gần xa hiểu hơn về Thần Tài trong quan điểm đạo Phật và chúng ta nên làm gì để có thật nhiều tài lộc – đúng như câu chúc “Phúc lộc đầy nhà, năm năm như ý” mà nhiều người thường mong muốn nhân ngày đầu năm!

Thần Tài xuất phát từ nước nào?

Có rất nhiều điển tích về thần Tài, nôm na người ta hiểu thần Tài là xuất phát từ tập tục của người Hoa. Nhưng chẳng thể nói cái gì xuất phát từ người Hoa (người Tàu) nó cũng là xấu, là hủ tục, là cho rằng Việt Nam ta bị mang tiếng nô lệ, phụ thuộc. Nền giáo học của Trung Quốc có bề dày lịch sử, những kiến thức của giáo dục Trung Hoa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những cái gì thuộc về chân giáo dục, văn hóa thì luôn có giá trị xuyên thời gian và không gian, không hạn chế quốc gia, sắc tộc, thời đại.

Thần Tài là biểu pháp cho hạnh bố thí

Ý nghĩa ban đầu việc thờ thần Tài của người Hoa xuất phát từ câu chuyện về một nhân vật có thật trong lịch sử là Phạm Lãi. Phạm Lãi là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông hết lòng giúp vua Việt Vương trong cơn hoạn nạn và phò tá vua Việt để báo thù Ngô Phù Sai. Đất nước bị diệt vong mà Phạm Lãi còn có thể giúp Việt Vương khôi phục hưng thịnh trở lại là một điều không dễ dàng. Nhưng khi đất nước ổn định, Phạm Lãi là người hiểu rõ tính cách, con người của vua Việt Vương Câu Tiễn. Vua là người có thể chia hoạn nạn mà không thể chia giàu sang. Lúc hoạn nạn, mọi người đồng tâm hiệp lực, cứu đất nước, cứu dân tộc, đánh bại quân địch, mình được thắng lợi, thống nhất rồi, những người làm được việc như vậy không cần nữa, thủ đoạn cuối cùng là đem họ ra xử tử. Phạm Lãi rất thông minh, giúp cho Câu Tiễn phục hồi đất nước, rồi ông ta bỏ trốn, không cần chào vua Việt mà lặng lẽ trốn đi. Ông thay tên đổi, vốn từ họ Phạm đổi thành họ Đào. Mọi người hoàn toàn không biết gốc gác ông ta khi ông thay tên đổi họ.

Từ đó người ta chỉ biết ông tên là Đào Châu Công, làm nghề buôn bán. Ông buôn bán mấy năm thì phát tài, tiền của rất nhiều. Nhưng ông không tích của, làm được nhiều tiền liền đem số tiền của này bố thí cho những người nghèo khó. Số còn lại chỉ giữ cho bản thân làm ít vốn nhỏ. Sau đó ông lại chăm chỉ làm việc, làm qua mấy năm lại phát tài nữa, phát tài lớn, phát tài lớn lại bố thí nhiều. Vận mệnh nhiều của rồi có lúc lại hết, cái lý ‘ba tụ ba tán’ rất thâm sâu nhưng Đào Châu Công là người trí tuệ, ông hiểu rất sâu sắc việc này.

Người Phật tử học gì từ thần Tài?

Người đời sau thờ thần Tài chính là thờ Phạm Lãi. Nhưng họ chẳng giống người thời nay. Người bây giờ thờ thần Tài rồi cầu mong thần dẫn của cải, tài lộc vào đầy nhà mình. Họ nịnh thần Tài đủ thứ vật chất hình thức. Những người buôn bán không ngày nào không cúng thần Tài. Thậm chí có lúc buôn bán ế ẩm thì lại quay sang “trách móc” thần Tài không tốt. 

Đức Phật vẫn thường dạy chúng ta “Bản lai chúng sanh vốn là Phật”. Lại nói “Phật, chúng sanh tâm vô sai biệt”, thể  (bản chất) là một nhưng tướng (hình thái bên ngoài) thì biến hiện uyển chuyển, linh hoạt. Người thời của Đào Châu Công (Phạm Lãi) tôn thờ ông là để học tập tấm gương từ nơi ông. Ông cũng không khác gì Phật, bồ tát hóa thân dạy cho người đời về bài học trong cuộc sống “Bố thí nhiều thì giàu sang ắt đến”. Học tập tinh thần làm việc chăm chỉ, học hạnh bố thí của ông; có tiền tài nhiều phải đem tán ra, bố thí rộng khắp, không nên tụ. Tài mà tụ lại thì là mầm gốc của họa hại.

Thần Tài là biểu pháp cho hạnh bố thí

Người đời ai ai cũng mong giàu sang, sức khỏe, tướng mạo xinh đẹp. Song, giữa việc làm của họ với tâm nguyện sở cầu lại chẳng tương ưng. Tại sao không tương ưng? Thần Tài dạy bạn một chân lý rất hay không khác gì thay Phật dạy cho chúng ta “Muốn giàu có hãy học hạnh bố thí tài”. Nếu trong mạng vốn không có tiền tài, làm ăn rất khó khăn, bạn phải mạnh dạn xả ra, bố thí. Làm việc tốt giúp người lâu ngày như mưa dầm thấm lâu, vận mạng bạn cũng từ từ thay đổi. Nhiều người chưa bố thí đã sợ hãi rằng nếu tôi bố thí hết thì ngày mai lấy gì mà sống? Là do bạn chưa hiểu thông lý nhân quả mà đức Phật vẫn nói. Gieo nhân tốt, hái quả ngọt. Hôm nay bạn bố thí hết sạch, thiên thần hộ pháp chẳng bao giờ bỏ rơi bạn. Chưa đến ngày mai thì bạn đã có đầy tiền tài vào nhà rồi!

Chúng ta là những người Phật tử, nếu trong nhà theo tín ngưỡng thờ thần Tài, thổ Địa từ ông bà, cha mẹ truyền lại, muốn “nịnh nọt” một chút để cầu phước báu, cách tốt nhất là chân thật học theo hạnh của thần Tài Phạm Lãi “từ bi bố thí giúp người”, chăm chỉ làm việc, hoàn cảnh sống của mình đơn giản, tri túc một chút…Vận mạng của con người gắn liền với nhân quả, Phật bồ tát không can thiệp vào nhân quả của mỗi người, nhưng Phật từ bi chỉ dạy chúng ta cái chìa khóa để có thể thay đổi được vận mạng.

Nếu chúng ta muốn được sự gia hộ của chư Phật Như Lai nhiều hơn, thì chúng ta phải thật sự dụng công, cần buông bỏ nhiều, buông bỏ nhiều thì sẽ đạt được. Ví dụ như tài thí, bạn đem tài đi bố thì thì sẽ lại tiếp tục phát tài. Phát tài rồi thì làm sao? Lại đem hết số phát tài đó đi bố thí. Rất nhanh đem nó cho đi hết. Cái thứ này không nên lưu lại. Tài người xưa gọi là “thông hóa”, giống như nước chảy, nhất định phải lưu thông. Đi nhiều đến nhiều, đi ít đến ít, không đi thì không đến, thông hóa thì phải lưu thông mới được. Tài không được tích, vừa tích thì sai, trên kinh Phật nói “tích tài tán đạo”, đạo sẽ không còn. Cho nên tài không nên tích, tài nhất định phải dùng, đặc biệt phải giúp đỡ người khổ nạn. Cho nên chúng ta làm nhiều lợi ích xã hội, sự việc lợi ích đại chúng xã hội, đây là công đức chân thật, mới là chân thật học theo Thần Tài.

Ban đầu những người làm kinh doanh ở Trung Hoa thờ thần Tài với ý nghĩa nhắc nhở mình cũng phải làm được như Phạm Lãi. Người Đài Loan lạy thần Tài là Quan Công. Quan Công với chuyện phát tài lại không liên quan gì tới nhau. Quan phu tử là trung nghĩa, điển hình cho cách sống trung nghĩa, là khuôn mẫu của trung nghĩa, không liên quan gì đến phát tài. Phạm Lãi có liên quan lớn đến sự phát tài, người này rất biết buôn bán, hoàn toàn hiểu được Tứ Nhiếp Pháp của đạo Phật.

Thời đó đạo Phật chưa truyền vào Trung Quốc. Cho nên người Đài Loan thờ Quan Công với ý nhắc nhở mình là không thể lấy đồng tiền bất nghĩa, bất nghĩa tức là không hợp với đạo lý. Trong từ điển giải thích chữ “nghĩa” là tuần lý viết nghĩa, có nghĩa là tuân thủ đạo lý, không trái ngược lại đạo lý. Đạo là gì? Ngũ Luân là đạo, Ngũ Thường là đạo, Tứ Duy Bát Đức là đạo. Người kinh doanh lấy lợi nhuận, cầu phát tài nhưng không thể đi lấy những đồng tiền bất chính, làm việc phi pháp mà cầu tài.

Ý nghĩa thờ Thần Tài, Quan Công chính là như vậy. Biến chuyển qua chiều dài lịch sử, mọi thứ thay đổi, con người không còn đọc sách xưa, gốc gác đã bị lãng quên nên từ ý nghĩa chân thật ban đầu đã biến tướng thành hủ tục rất kinh sợ. Người ta đổ xô đi mua cá lóc nướng trui cúng thần Tài để mong cầu Lộc, cầu Bình An thì thật đã làm biến tướng ý nghĩa tốt đẹp ban đầu về việc cúng thần tài của người xưa. Thần Tài chắc chắn chẳng hoan hỷ khi bạn mong bình an, hạnh phúc đến nhà mình mà lại đi cướp mạng sống của những chúng sanh khác chỉ vì chúng yếu sức hơn mình. Bạn không bố thí, tiền tài không dám xả ra mà chỉ cầu mong nó vào nhà mình thì chắc chắn chẳng đạt được như ý muốn. Điều này chẳng ăn nhập và đúng như đạo lý nhà Phật.

Hi vọng rằng, qua bài viết này của trang nhà, người Phật tử có cái nhìn nhận quay lại ý nghĩa chân chính và hình tượng biểu pháp rất tuyệt của Thần Tài. Từ đó chính bản thân mình nếu có gặp hình tượng thần Tài ở bất cứ chỗ nào thì cũng như một lời nhắn nhủ rất tâm huyết về học hạnh bố thí, về chiếc chía khóa để đem đến thành công về sự nghiệp tiền bạc.

Duyên Sen
Theo Phật Pháp Ứng Dụng