Xót xa hơn, nhiều vụ án hiện nay làm người nghe không khỏi chạnh lòng khi mà hung thủ và nạn nhân có mối quan hệ vô cùng mật thiết: bà cháu, cha con, vợ chồng, anh em … Trước những trường hợp như vậy, nhiều người tự hỏi tại sao lại có thể có chuyện đó, những con người ruột thịt, cùng huyết thống hoặc những người đã đầu ấp tay gối bao nhiêu năm trời, sao lại nỡ hành xử tàn nhẫn, mất nhân tính như vậy. Nhưng dưới góc nhìn nhân quả của Phật giáo, mọi thứ đều được sáng tỏ và sẽ giúp xoa dịu được phần nào nỗi đau của người trong cuộc.

Trước khi xét vấn đề tội phạm hình sự dưới góc nhìn nhân quả. Người viết sẽ liệt kê một vài vụ án điển hình, đang làm nhức nhối và gây căm phẫn trong dư luận.

Chồng giết vợ

Ông Nguyễn Kim Đức (quận Long Biên, TP. Hà Nội) ném người vợ bại liệt xuống dòng sông Đuống đang chảy xiết. Qua lời kể của các nhân chứng có mặt tại hiện trường, ông Đức dừng xe máy giữa cầu, bế người vợ bị bại liệt ngồi sau xe rồi bất ngờ ném qua thành cầu. Người phụ nữ dù bị liệt 1 tay nhưng tay kia vẫn còn bám được vào lan can, miệng kêu “cứu tôi với”. Những người chứng kiến định chạy tới hỗ trợ kéo người phụ nữ đó lên thì ông Đức tiếp tục gỡ tay rồi đẩy vợ rơi tõm xuống dòng sông chảy xiết, đục ngầu. Mọi người vội vã chia nhau đi tìm nạn nhân và gọi những chiếc thuyền ở gần đó đến hỗ trợ việc tìm kiếm cứu hộ, đồng thời bắt giữ người đàn ông giao cho cơ quan chức năng.

Sau khoảng 30 giờ sau, thi thể bà Hiền được tìm thấy ở đoạn khúc quanh sông thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh, cách nhà chừng 15km. (lược thuật theo afamily.vn).

Vợ giết chồng

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An, nhà báo Lê Hoàng Hùng (SN 1960) và vợ Trần Thúy Liễu (SN 1971) trú tại Long An. Đến năm 2005, do bà Liễu có quan hệ tình cảm với ông Nguyễn Văn Tâm (trú cùng phường) nên tình cảm vợ chồng rạn nứt.

Đến năm 2010, mâu thuẫn ngày càng trầm trọng hơn khi bà Liễu cùng ông Tâm và người thân trong gia đình thường sang Campuchia đánh bạc. Ông Hoàng Hùng phát hiện vợ có quan hệ tình dục với người tình nên thường ghen và đánh vợ.
Bà Liễu đánh bạc và vay nợ nhiều người nên đòi bán nhà, nhưng ông Hùng không đồng ý. Bà Liễu tức giận, đã thực hiện hành vi dùng xăng đốt chồng. Mặc dù đã được cứu chữa nhưng nhà báo Hoàng Hùng đã không thể qua khỏi. Trần Thúy Liễu sau đó đã đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận hành vi giết chồng.

Chiều 29-3, TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức chung thân đối với bị cáo Trần Thúy Liễu – hung thủ sát hại chồng là nhà báo Hoàng Hùng. (lược thuật theo tienphong.vn)

Cháu giết bà

Khoảng 18h ngày 20-4, CAH Lý Nhân, Hà Nam nhận được tin báo bà Nguyễn Thị Yến, SN 1940, trú tại xóm 6, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân bị tử vong chưa rõ nguyên nhân tại nhà ở, trên người có nhiều thương tích.

Lực lượng công an đã nhanh chóng làm rõ Đinh Quang Vinh, SN 1997, cháu nội bà Yến chính là hung thủ. Bước đầu Vinh khai nhận biết bà Yến có nhiều tiền nên do cần tiền trả nợ và mua điện thoại sử dụng, Vinh đã nảy sinh ý định giết bà nội của mình.

Để có tiền, đứa cháu đã dùng then cửa và ghế gỗ đập nhiều nhát vào đầu, trán bà nội rồi dùng chiếc kéo nhọn đâm tiếp vào vùng ngực trái của nạn nhân sau đó ung dung lấy 20.000đ đi chơi điện tử và cắt tóc. (lược thuật theo tienphong.vn).

Con giết cha mẹ 

Trưa ngày 14/6, hàng xóm nghe thấy nhiều tiếng la hét thất thanh trong khu lán trại của gia đình ông Lê Cẩm Minh (Thanh Hóa). Khi mọi người chạy sang thì ông Minh cùng vợ nằm gục trên vũng máu, bất tỉnh
.
Hàng xóm hô hào đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng ông Minh đã chết từ trước đó. Bà Bùi Thị Lan (vợ ông Minh) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương do trúng nhiều cú đánh vào vùng đầu.

Kẻ tình nghi gây ra án mạng chính là cậu con trai út Lê Cẩm Quynh (sinh năm 1990) đã bị bắt giữ ngay sau đó. Nhà chức trách cũng thu giữ một cây búa đinh và một khúc gỗ dính máu được cho là hung khí gây án.

Theo lời khai ban đầu của Quynh, do bức xúc chuyện gia đình với cha mẹ nên khi ba người đang ngồi ăn cơm trưa, hắn bất ngờ xách búa đinh và cây gậy trong góc nhà đập nhiều nhát vào đầu, mặt cho đến khi ông Minh, bà Lan nằm gục dưới đất. Gây án xong, Quynh không bỏ trốn mà vẫn ở lại căn lán cho đến khi bị bắt (lược thuật theo ngoisao.net).

Đó chỉ là những trường hợp trong hàng ngàn dẫn chứng cho sự tha hoá và biến chất của con người trong xã hội ngày nay. Đứng dưới góc độ tâm lý tội phạm những bất hoà, mâu thuẫn và sự giao dục trong gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ án thương tâm như thế. Nhưng dưới góc nhìn nhân quả trong Phật giáo, chúng ta có thể tìm hiểu vấn đề ở một mức độ sâu sắc hơn.

Trước hết, chúng tôi muốn nêu lên khái niệm nhân quả là gì?

Trong Từ điển Phật học Hán – Việt, nhân quả được hiểu như sau: “nhân là cái năng sinh, Quả là cái sở sinh. Có Nhân ắt có Quả, có Quả ắt có Nhân. Đó là lí Nhân Quả. Phật giáo coi lí này thông suốt cả ba đời mà thuyết về sự báo ứng của thiện ác. Kinh Quán Vô Lượng Thọ: “Tin tưởng sâu sắc vào lí, Nhân Quả, chẳng báng bổ Đại thừa” [Kim Cương Tử (1998), Từ điển Phật học Hán – Việt (tái bản có sửa chữa và bổ sung), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, trang 842].

Nhân quả là hai trạng thái nối tiếp nhau, phàm có nguyên nhân phải có kết quả. Tuy nhiên, nhân chưa hẳn đã sanh ra quả mà phải có những yếu tố tác động ảnh hưởng đến quả gọi là duyên. Do đó, nói đủ là nhân – duyên – quả. Duyên thuận hay nghịch sẽ hình thành quả tương ứng. Về việc phân loại nhân quả, theo Phật học cơ bản,  tập một, bài Nhân quả chia làm nhân quả đồng thời và nhân quả khác thời. Nhân quả đồng thời là loại nhân đi đến quả rất nhanh. Nhân quả khác thời là loại nhân quả mà phải đợi một thời gian mới có kết quả. Khoảng thời gian đó lại được chia làm ba loại như sau: hiện báo, sinh báo và hậu báo. Hiện báo là gieo nhân và gặt quả ngay trong một đời. Sinh báo là gieo nhân trong đời này một đời kế tiếp sau đời này chúng ta thọ cái quả báo. Và hậu báo là gieo nhân đời này nhiều đời sau sẽ hưởng cái quả báo đó. Như vậy chúng ta hôm nay là hậu báo của nhiều đời về trước đồng thời cũng là sinh báo của một kiếp trước khi chúng ta tái sinh. Tiếp đến chúng ta cũng đang thọ hưởng nhân quả trong cuộc đời này và tiến trình nhân quả phải có thời gian.

Theo duy thức học, tiến trình nhân quả trải qua ba giai đoạn:

“Dị thời nhi thục (ripening at different times) là không chín cùng một lúc. Khi ta “giú” (giấm – ủ) trái cây cho chín, không phải tất cả các trái cây cùng chín một lúc, mãng cầu chín trước rồi đến chuối, mít chín sau. Đó là dị thời, tức là khác thời. Những hạt giống trong chúng ta do ông bà, thầy bạn gieo vào và tưới tẩm sẽ chín trước hay chín sau tùy thời gian. Hạt giống nào cũng cần thời gian để chín và sự thực tập là tưới tẩm những hạt giống đó. Với thời gian và sự tưới tẩm hạt giống sẽ lớn lên đúng lúc và sẽ chín mùi.
–   Dị loại nhi thục (ripening of different varieties) là chín tùy theo loại. Trái chuối khi chín sẽ thành chuối chín chứ không thành mãng cầu chín, mãng cầu khi chín sẽ thành mãng cầu chín chứ không thành chuối chín.
–   Biến dị nhi thục (ripening and changing) là khi chín thì biến dạng chứ không giống như khi mới sinh. Trái cam khi chưa chín thì xanh và chua, khi chín rồi thì vàng và ngọt.” (Dị thục và luật đồng thanh tương ứng – langmai.org)

Ba cái ý nghĩa này rất là quan trọng đối với người học về phật pháp để tìm hiểu được lý nhân quả này. thứ nhất khác thời mà chính có ý nghĩa là từ nhân cho đến quả phải trải qua một giai đoạn thời gian, và giai đoạn thời gian trong thuật ngữ căn bản phật học là hiện báo sinh báo và hậu báo mà chúng tôi đã nói ở trên.

Nhìn nhận các vụ án hình sự dưới góc nhìn nhân quả

Sau khi nêu một số khái niệm và hiểu biết sơ qua về nhân quả, chúng tôi sẽ lý giải các vụ án thương tâm mà nạn nhân và kẻ giết người có mối quan hệ ruột thịt vô cùng thân thiết. Theo quan điểm Phật giáo, mọi mối quan hệ của con người chia thành 4 loại: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Cha mẹ, anh em, con cái trong một gia đình cũng không nằm ngoài những nhân duyên phức tạp đó. Vì thế, những người là cha, là mẹ, là bà, là vợ hay chồng trong các vụ án trên, xét theo lý nhân quả, họ có thể đã từng giết người ở kiếp trước hoặc nhiều kiếp trước nên kiếp này phải đền mạng. Mối quan hệ gia đình lúc này thuộc một trong bốn mối quan hệ: báo oán. Hiểu như vậy thì để làm gì? Để người trong cuộc bớt đau đớn, bớt than thân trách đời và hỏi câu hỏi tại sao. Chúng ta sẽ hiểu được rằng số phận của mỗi người là do chính chúng ta tự quyết định lấy chứ không phải do một ông trời ông Phật một thượng đế, một đấng quyền năng nào. Những đau khổ mà một người phải nhận đều phản ánh của một nhân tố trong cuộc đời này hay là nhiều đời trước. Chúng ta phải tin sâu sắc điều này. Bởi vậy, những nạn nhân trên do nhân duyên phước báo nghiệp chướng túc nghiệp mới đưa đến quả sát thân như thế.

Vậy vấn đề là làm thế nào để hoá giải những ác nghiệp mà một người đang và sẽ nhận. Nếu chỉ hiểu nhân quả là gieo gì gặt nấy: trồng dưa được dưa, trồng đầu được đậu, giết người thì phải đền mạng. Đời này hay vô lượng kiệp đời trước chúng ta giết một con tép chẳng hạn, vậy thì kiếp sau ta phải hoá thành tép để bị giết lại sao? Nếu vậy, ai có thể đạt được giác ngộ, giải thoát, vãng sanh cõi lành. Lúc đó, nhân quả trong nhà Phật thiết lập ở một mức độ rất thấp.

Vậy nên hiểu nhân quả như thế nào cho đúng.

Nếu chúng ta gieo một nhân ác và chúng ta tiếp tục làm ác không biết tạo nhiều công đức lành thì cái tội ác này sẽ bị bổ sung bởi những cái không phải là chính nhân tố này nhưng nó làm chúng ta tội càng ngày càng nặng hơn. Ngược lại, chúng ta làm điều ác nhưng biết làm cả những việc lành thì tất cả những cái này đan xen làm cho kết quả của chúng ta có thể nhẹ hơn ban đầu. Vì vậy cái tác dụng của dị loại nhi thục này mang tính cách bổ sung hỗ tương và nhân quả. Ví dụ một tảng đá nặng 5kg. Em bé ôm thì thấy nặng, một người lớn ôm thì thấy đỡ nặng hơn, đến một lực sĩ ôm thì thấy nhẹ. Như vậy, tảng đá không thay đổi về trọng lượng nhưng tuỳ vào từng người mà thấy nặng nhẹ khác nhau. Nếu kiếp này hay vô lượng kiếp về trước, chúng ta gieo trồng những hành động không tốt nhưng chúng ta biết ăn năn, hướng thiện, sống tốt thì sẽ hoá giải và làm nhẹ cái quả báo xấu đi. Tại sao Phật giáo lại khuyên những người mẹ khi mang thai nên đọc kinh Địa Tạng, niệm Phật, trì chú. Vì nếu bào thai là oan gia, tương lai sẽ làm những việc cho gia đình đó đau khổ, thậm chí là xảy ra những thảm sát như chúng tôi vừa nêu thì việc đọc tụng kinh sẽ giúp hoá giải dần những ác duyên đó. Ngược lại, nếu đứa con sanh ra báo ân thì quả sẽ càng trở nên tốt đẹp hơn. Với các cặp vơ chồng, những Lễ Hằng Thuận trang trọng và ý nghĩa tại chùa là tiền đề để họ hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn, trân trọng nhau, hạn chế được những trường hợp thương tâm kể trên.

Tóm lại, dưới góc nhìn nhân quả trong Phật giáo, người ta có thể lý giải được nhiều vấn đề, nhiều nỗi đau khổ và thức tỉnh mình trong từng hành động, việc làm, lời nói. Thêm một điều nữa, hiểu nhân quả nhưng cũng nên bồi đắp lòng vị tha. Điều đó là cần thiết đối với những người thân của hung thủ và nạn nhân trong các vụ án hình sự. Dẫu biết, người mất đi đem lại biết bao đau đớn cho người con sống. Dẫu biết, kẻ sát nhân dù với bất kỳ lý do nào cũng khó có thể tha thứ được. Nhưng trước những hoàn cảnh bi đát như thế, chúng ta nên kìm lòng mình, cố gắng, thật sự cố gắng tha thứ và bao dung. Bởi, đó là cách tốt nhất giúp lòng người ở lại thanh thản và cũng là lối thoát lương tâm cho những người có tội, để họ có cơ hội chuộc lại lỗi lầm.

Nhuận Đoan
Theo Phật Pháp Ứng Dụng