Vậy nhưng có những người tu tập đến nửa đời người vẫn không thấy tinh tấn, vẫn không tìm thấy an lạc trong cuộc đời. Đó vì: Tu cũng phải biết cách.

Nhân khóa tu một ngày an lạc lần thứ 27 tại Tu viện Tường Vân, Thượng Tọa Thích Phước Nghiêm –  Ủy Viên Hội đồng Trị sự – Phó Ban Hoằng Pháp Trung Ương đã cùng chia sẻ với đại chúng bài pháp thoại: Tri hành hợp nhất – con đường đưa đến an lạc.

Tri hành hợp nhất - con đường đưa đến an lạc

Trước hết, tu tập cần quyết chí, không thể “Ta Bà cũng muốn ở, Tây phương cũng muốn về”. Khi ta đã xác định vãng sanh cực lạc thì cần quyết đoán, tránh xa Ta Bà.

Người đời nay quy y đầu Phật, phần nhiều hoặc vì bệnh khổ mà phát tâm, hoặc vì báo đáp ơn song thân mà niệm Phật, hoặc vì bảo vệ gia đình, sợ tội đọa địa ngục mà trì trai. Tuy có lòng tin nhưng không quyết chí, bán tín, bán nghi, nửa tiến, nửa lùi, rốt cuộc không làm được việc gì, làm sao mong vãng sanh cực lạc?!

Điều cốt lõi của học hỏi Phật giáo nằm ở việc thực hiện những gì ta học được trong quá trình tu tập. Tu học không cần quá nhiều, mà cần sự thành tâm, hiểu và ứng dụng được những điều tu học vào cuộc sống. Chỉ cần hiểu được 1 bài kệ, 1 câu kinh mà biết ứng dụng vào đời sống cũng đã đủ cho 1 đời an lạc. Nhiều người theo học hết đạo tràng này đến đạo tràng khác mà vẫn chưa biết được gì về Phật pháp, mà vẫn chưa tìm thấy an lạc. Đó là vì họ tu tập không đúng cách, họ không biết ứng dụng những gì học được vào cuộc sống. Học, hiểu mà không áp dụng vào cuộc sống thì sau 10 năm, 20 năm, hay 30 năm vẫn không tìm thấy an lạc.

Thượng tọa chia sẻ: trong chùa, Đức Phật Thích ca Mâu ni thường được thờ chung với Bồ Tát Phổ Hiển và Bồ Tát Văn thù Sư lợi. Xem cách sắp đặt này, ta cũng đúc kết được căn bản của việc tu tập.

Đức Phật Thích ca Mâu ni đại diện cho sự giác ngộ, là người đã dứt khỏi luân hồi, đạt giác ngộ hoàn toàn.

Bồ Tát Văn Thù Sư lợi đại diện cho trí tuệ. Từ bi luôn phải đi cùng Trí tuệ. Tu học để có lòng từ bi nhưng phải có trí tuệ để biết phân biệt đúng-sai, thiện-ác.

Bồ Tát Phổ Hiển đại diện cho hạnh nghiệm làm – nghĩa là dùng trí tuệ, hiểu biết để thực hiện bằng hành động. Người tu học dù có hiểu biết, có trí tuệ nhưng không đem những điều mình học được để ứng dụng vào cuộc sống, thì những điều mình biết cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi.

Do vậy, Trí phải luôn song đôi với Hành. Đó mới là con được tu tập đúng đắn và đưa tới an lạc.

Tri hành hợp nhất - con đường đưa đến an lạc

Tu học không bao giờ là sớm. “Đã biết vô thường, sao còn phiền não?”, sao không nỗ lực tu tập và sống tốt ngay từ lúc này? Ai cũng phải có một chuyến đi xa, một chuyến đi cuối cùng cho cuộc đời mình. Vậy, ta đã chuẩn bị những hành trang gì cho chuyến đi xa này? Vẫn biết danh lợi, bạc vàng đều không thể mang theo vậy mà con người vẫn không chịu buông bỏ. Phải nên đinh ninh trong lòng rằng chỉ có phước báo do tu tập mới đồng hành với ta trong chuyến đi này. Không còn là sớm nữa, hãy nhanh chóng buông bỏ danh lợi, đoạn tuyệt Ta bà, một lòng tu tập. Hòa thượng Thích Đức Niệm có viết

“Vô thường khắp nẻo Ta bà
Kiếp người danh lợi chẳng qua bọt bèo.
Khôn thì tìm Phật nương theo
Dại thì đuổi bắt bọt bèo lợi danh
Kiếp người quá đổi mong manh
Sớm nên tỉnh ngộ để thanh tịnh lòng.”

Tu tập muôn vàn gian khó, ví như con thuyền đi ngược dòng nước, chỉ một chút bất cẩn sẽ bị cuốn theo dòng nước. Người tu tập nếu chỉ buông lơi bản thân, không vững chí trong một phút, sẽ bị đẩy trở lại Ta Bà. Xuôi theo sinh tử thì dễ, đi ngược sinh tử mới khó. Nhưng “muốn đến thì phải đi”. Đường dù xa nhưng gắng đi sẽ tới. Đường dù gần mà không chịu bước chân thì có bao giờ tới nơi? Trên đường tu tập, thượng tọa khuyên mỗi người nên giữ 3 chữ Nhẫn: Thân nhẫn – Khẩu nhẫn – Ý nhẫn. Nghĩa là ở nơi thân thì cam chịu đau khổ mà không đối phó lại bằng cử chỉ, hành động trả thù; ở nơi miệng không thốt ra những lời hung ác, nguyền rủa, và nhất là ở trong lòng thì cũng phải dẹp xuống, đánh tan cơn tức giận, nỗi oán thù, không cho nó vươn lên, vùng dậy.  Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, nghĩa là một niệm sân khởi lên muôn ngàn nghiệp chướng theo đó mà mở ra. Ta nuôi dưỡng tánh nhẫn nhục là vì một đại nguyện, một mục đích cao quý, một tình thương lớn lao, một trí tuệ sáng suốt. Ta nhẫn nhục là vì muốn trau giồi đức tánh, muốn đối trị cái bệnh nóng giận do tham lam, ích kỷ, ngạo mạn, si mê gây ra.

“Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn” –  Thân người khó được; gặp được Phật pháp càng khó hơn. Những người có duyên gặp được Phật pháp, biết quyết tâm tu tập, giống như hoa Ưu đàm tuy không đẹp nhưng thơm ngát và luôn mang đến những tin vui, những phước báo lớn cho cuộc đời.

Lily Trần (Biên soạn)

Theo Phật Pháp Ứng Dụng