Phật giáo thâm nhập vào nước ta và có những ảnh hưởng nhất định về xã hội, văn hóa. Mỗi thời kỳ khác nhau, tùy vào chính sách của nhà nước đối với đạo Phật mà Phật giáo ảnh hưởng đậm nhạt nhất định. Nhưng xét đến cùng, cái cội gốc đạo Thích với những triết lý từ bi, khoan dung, an hòa với nhau đều phù hợp với cách nghĩ của nhân dân.

Triết lý nhân quả trong các khúc ngâm

Người ta tìm đến Phật giáo để yên ổn tâm hồn, nhiều nho sĩ tìm đến Phật giáo để giải quyết những khúc mắc, những chướng ngại thăng trầm trong cuộc đời con người mà Nho giáo hay Đạo giáo không thể giải quyết được. Đó chính là lý do mà xuyên suốt từ mấy ngàn năm nay, Phật giáo vẫn tồn tại và có chỗ đứng nhất định trong lòng dân tộc Việt Nam. Ở bài viết này, người viết muốn bàn về triết lý nhân quả được tìm thấy trong các khúc ngâm giai đoạn từ thế kỷ XVIII – XIX như Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều), Ai tư vãn (công chúa Ngọc Hân), Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du) và Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ).

Triết lý về nhân quả không chỉ xuất hiện trong văn học thành văn mà đã tồn tại trong những câu ca dao truyền miệng như:

– Lễ Phật thì đặng việc hiền
Bao nhiêu nghiệp chướng não phiền đều tan.

– Ông bà kiếp trước khéo tu
Kiếp này con cháu võng dù nghinh ngang.

Biểu hiện của Phật giáo không chỉ được tìm thấy trong ca dao, tục ngữ mà còn qua truyện cổ tích. Những truyện như Tấm Cám, Con muỗi hút máu hay Cây khế đều chuyên chở rất nhiều bài học về nhân quả, nghiệp báo, con người nếu “ở hiền gặp lành”, ngược lại “gieo gió gặt bão”.

Sang thế kỷ XVIII đến cuối thể kỷ XIX, khi mà Phật giáo đã tồn tại rất lâu đời trên đất nước ta và ảnh hưởng đến sáng tác của các tác giả trong đó có các khúc ngâm. Chúng tôi bắt gặp muôn màu muôn vẻ những nỗi đau mà con người gặp phải thể hiện trong các tác phẩm. Đó là những người chết bất đắc kỳ tử trở thành những hồn ma chịu đói khát, không ai nhang khói (Văn tế thập loại chúng sinh – Nguyễn Du). Một người cung nữ xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn, những tưởng được vua yêu chiều sung sướng nhưng ngày một bị lạnh nhạt, hờ hững, chôn cả tuổi xuân nơi lãnh cung (Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều). Một người vợ đau đớn không thể chấp nhận được sự ra đi của chồng (Ai tư vãn – Ngọc Hân công chúa). Những nỗi đau, u uất ấy của các nhân vật trong ngâm khúc không làm sao tả xiết và họ luôn nảy sinh những câu hỏi về những nghịch cảnh mà mình gặp phải, những suy tư, chiêm nghiệm về kiếp người. Vì vậy, người ta thường tìm nguyên nhân gây đau khổ. Đọc các khúc ngâm, thật dễ thấy tư tưởng “thiên mệnh” “thuyết tài mệnh tương đố” chi phối mạnh mẽ đối với tư tưởng con người. Bên cạnh đó, các tác giả ngâm khúc còn tin vào nguyên nhân gây nên nỗi khổ đau của con người là do nghiệp quả mà họ nhận lấy từ nhiều đời nhiều kiếp. Đây chính là tư tưởng chịu ảnh hưởng của Phật giáo

Trong Từ điển Phật học Hán – Việt, nhân quả được hiều như sau: “nhân là cái năng sinh, Quả là cái sở sinh. Có Nhân ắt có Quả, có Quả ắt có Nhân. Đó là lí Nhân Quả. Phật giáo coi lí này thông suốt cả ba đời mà thuyết về sự báo ứng của thiện ác. Kinh Quán Vô Lượng Thọ: “Tin tưởng sâu sắc vào lí, Nhân Quả, chẳng báng bổ Đại thừa” [Kim Cương Tử (1998), Từ điển Phật học Hán – Việt (tái bản có sửa chữa và bổ sung), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, trang 842]. Con người chịu sự chi phối của những gì mình tạo ra trong cả ba đời là quá khứ, hiện tại, vị lai. Những đau khổ mà một người phải nhận có thể không phải do đời này họ gây ra mà là do muôn ngàn kiếp trước. Thế nên, trước những đau đớn không thể lấp đầy hay là oan khiên không được cởi bỏ, các nhân vật trữ tình thốt lên những câu hỏi. 

Hẳn túc trái làm sao đây tá?

Hay tiền nhân hậu quả xưa kia?

(Cung oán ngâm)

Triết lý nhân quả trong các khúc ngâm

Người cung nữ trong Cung oán ngâm có những phút giây suy nghĩ về những đau khổ trong cuộc đời. Nàng từng muốn vứt bỏ mọi thứ, đoạn tuyệt tình duyên để tìm đến nương nhờ nơi cửa Phật. Thế nhưng nàng thừa nhận mình không thoát khỏi “vòng phu phụ”. Và để tự an ủi mình, người cung nữ đổ cho nhiều lý do như mình là tiên bị đày xuống trần để trả nợ hoặc do nhân quả mà mình gieo từ kiếp trước. Ở hai câu thơ trên, “Túc trái” là những tội nợ kiếp trước còn “tiền nhân hậu quả” là nguyên nhân kiếp trước và dẫn đến hậu quả kiếp này. Lởi tự nhủ của người cung nữ hay cũng là sự chiêm nghiệm của nhà thơ. Nguyễn Gia Thiều hiểu những đau khổ mà mình nhận trong kiếp này, cụ thể là con đường công danh nhiều lần thăng chức rồi giáng chức, và phải chịu sự lạnh nhạt của nhà vua. Ông hiểu luật Nhân quả nên biết rằng những nỗi buồn mà mình nhận đời này là do tội nợ kiếp trước gây ra.

Với Cao Bá Nhạ, trước cái chết cận kề, nỗi oan ức không mong được tỏ bày, ông đã tự ý thức, suy tư về cuộc đời mình và hỏi:

Ngẫm đời trước vốn không oan trái

Sao kiếp này vướng mãi gian truân.

(Tự tình khúc)

Tác giả cho rằng “đời trước vốn không oan trái” là nhân tốt mà sao ông lại gặt quả xấu “sao kiếp này vướng mãi gian truân”. Câu thơ thực chất chỉ là lời than thở, âu sầu vì tác giả bất lực trước thực tại, không có cách nào minh oan cho mình.

 Sống trong cảnh tù tội, Cao Bá Nhạ trải qua biết bao nhiêu cảm xúc lúc thì oán than cho kiếp của mình, khi thì tuyệt vọng, sầu não nhưng có lúc lại lạc quan, tin tưởng sẽ  có ngày mình được tai qua nạn khỏi nhờ vào:

Còn tiên thế ít nhiều dư phúc,

Chắc linh đài chin khúc đan tâm.

Hóa cơ vãng phục chẳng lầm

(Tự tình khúc)

Ông hy vọng rằng chút phúc đức của đời trước mà mình có sẽ mang lại quả tốt đẹp cho đời này của ông sẽ được vua tha chết, được sống những ngày thanh bần như trước kia. Niềm lạc quan “hóa cơ vãng phục” của ông dựa vào thuyết Nhân quả của nhà Phật mà có.

Trước nỗi đau mất chồng, Bắc cung hoàng hậu oán trời trách đất, thẩn thờ, xót xa. Không thể chấp nhận sự thật, bà càng nghĩ càng thấy sự ra đi của nhà vua là quá vô lý. Bởi công chúa thấy các vị vua anh minh trong sử sách như vua Thang, Võ, Nghiêu, Thuấn vì yêu thương nhân dân, nên “Công nghiệp nhiều, tuổi thọ thêm cao”, “Công đức dày, ngự vận càng lâu”. Đó là cái quả hiện đời họ được hưởng. Vậy cớ sao vua Quang Trung, vị anh hùng áo vải đã giúp dân, giúp nước, đem lại thái bình cho quốc gia, “công dường ấy” mà quả nhận lại “Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?”. Có lẽ trước nỗi mất mát quá lớn, bà không thể chấp nhận được sự thật quá phủ phàng. Vì thực tế, dẫu nhân mà vua Quang Trung làm đời này là “Giúp dân, dựng nước biết bao công trình” vậy quả lại là tuổi thọ ngắn. Nếu chiếu theo lý nhân quả ba đời, chúng ta có thể hiểu nếu nhà vua đem lại hạnh phúc no ấm cho nhân dân, dù ông không được hưởng quả tốt kiếp này thì sang kiếp khác, nhà vua cũng sẽ được hạnh phúc, gia tăng niên kỷ mà thôi.

Với Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du đang dùng những lời thơ như tiếng kinh cầu siêu cho các vong linh chết bất đăc kỳ tử, không ai thờ tự, nhang khói. Họ trở thành những cô hồn sống lang thang, vất vưởng, chỉ chực chờ những bữa cơm cúng thí vào các ngày Rằm, đặc biệt là ngày Xá tội vong nhân. Trong Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du không hẳn đã đặt ra những câu hỏi về nhân quả mà ông nêu lên cuộc đời khi còn sống của các cô hồn và cái chết mà họ đón nhận tương xứng với những gì họ gây tạo. Dù bài văn tế nói đến “thập loại chúng sinh” nhưng thực ra trong bài có mười sáu hạng người, cũng là mười sáu nghiệp khác nhau.

Triết lý nhân quả trong các khúc ngâm

Hạng người thứ nhất là hạng tranh vương tranh bá, không phải là vua theo kiểu cha truyền còn nối. Họ cũng không phải vì muốn khởi nghĩa để giúp dân, giúp nước mà là vì “tính đường kiêu hãnh, Chí những lăm cất gánh non sông”. Câu thơ gợi nhớ đến trường hợp điển hình là Sở Bá vương Hạng Võ, tranh ngôi vị với Lưu Bang, đến khi thất thế lại đâm cổ tự vẫn trên bờ Ô Giang. Vì lòng tham làm bá vương mà họ đã  gây biết bao nhiêu tội ác, “máu tươi lai láng xương khô rụng rời”. Những ác nghiệp đó đã gây nên vô số những oan gia trái chủ đòi mạng:

Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc.

Quỷ không đầu đón khóc đêm mưa.

Vì lòng tham tranh hơn thua, chiếm ngôi đoạt vị của một cá nhân mà khiến cho biết bao người chết oan uổng, trở thành những oan hồn lạc loài, nheo nhóc. Vì nhân mà họ gây ra quá ác nên nghiệp quả mà họ phải nhận khi chết đi rồi, bị “quỷ không đầu” đón khóc đòi đầu, đòi mạng. Vì thế, cô hồn của y không biết bao giờ mới được siêu thoát “Mà cô hồn biết bao giờ cho tan”.

Hạng người thứ hai là những công chúa là ngọc cành vàng. Nguyễn Du chọn hình ảnh những nàng công chúa vì họ là những con người mỏng manh, yếu đuối, cuộc sống dựa hẳn vào gia đình quyền quý của mình. Họ tự mãn vì mình là con nhà cao sang, danh giá, “Những cậy mình cung quế phòng hoa”. Đến một ngày, họ vua này lên thay họ vua khác thì số phận của họ bi thiết vô cùng. Những nàng công chúa quý tộc này khi gặp cảnh gia tộc mình không còn đứng đầu đất nước, nghĩa là từ nay, thân phận cao quý của họ cũng mất. Họ nghĩ rằng tìm đến cái chết là giải quyết được tất cả. Thế nên, họ mới nghĩ đến chuyện quyên sinh:

Trên lầu cao dưới dòng nước chảy

Phận đã đành trâm gãy bình rơi

(Văn tế thập loại chúng sinh)

Thế nhưng, họ không hiểu rằng chết không phải là hết. Một trong năm tội lớn nhất mà đức Phật nêu lên cho con người là tự hủy hoại chính mình. Nếu ai mắc phải tội này thì khó được siêu sinh. Vì vậy, những người “cung quế phòng hoa” này mới phải chịu cảnh:

Đau đớn kẻ không hương không khói

Luống ngẩn ngơ trong cõi rừng sim

(Văn tế thập loại chúng sinh)

Loại người thứ ba là quan lớn “mũ cao áo rộng”, ỷ mình có quyền chức trong tay, muốn đổi đen thay trắng “Ngọn bút son thác sống ở tay” đã đưa biết bao nhiêu người vô tội chết oan ức, thành “Trăm loài ma mồ nấm chung quanh”. Hạng quan này bao gồm cả quan văn và quan võ – thành phần chóp bu của đất nước. Chúng vừa hại biết bao người, vừa thao túng quyền hành trong tay mình nên ngày càng được “thịnh mãn” giàu sang nhưng cũng đồng nghĩa với “oán thù càng lắm”.

Đã thế, hạng người này còn vui chơi hưởng thụ “lầu ca viện hát” mà không lo tu nhân tích đức thì càng tạo nên nhiều “oán thù”. Đến một ngày họ phải thọ khổ, lúc ấy thì “nghìn vàng khôn đổi được mình”, gia tài, quyền thế, những cuộc vui chơi cũng không cứu được họ. Họ trở thành “cô hồn thất thểu dọc ngang” với oán thù chồng chất một mình phải trả. Nguyễn Du bắt chúng phải đeo nặng những oan uổng mà chúng gây ra và không có cách nào có thể tìm cách siêu thoát được. Phải chăng Nguyễn Du không chỉ nói những người đã chết mà là lời cảnh tỉnh cho những con người giàu có mà tham lam còn sống trên cõi đời hãy nhớ luật Nhân quả mà hồi tâm chuyển ý?

Loại người thứ tư là hạng tướng võ lớn. Những kẻ này chiến đấu không phải vì giết giặc cứu nước, đem lại bình yên cho nhân dân mà là vì “Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung”. Vì lòng tham công danh, họ không chỉ bất chấp tính mạng mình mà còn đem cả hàng ngàn người vào cuộc chiến:

Phơi thây trăm họ làm công một người!

Khi thất thế cung rơi tên lạc,

Bãi sa trường thịt nát máu trôi

(Văn tế thập loại chúng sinh)

Những tên tướng trận này chết đi trở thành “nắm xương vô chủ” “Nào đâu tế tự, nào đâu chưng thường ?”

Loại cô hồn thứ năm là bọn trọc phú ham làm giàu, bủn xỉn từng đồng đến khi chết đã không mang được của tiền nào lại còn:

Khóc ma mướn thương gì hàng xóm

Hòm gỗ ra bó đóm đưa đêm

Hạng thứ sáu là những những nho sinh, thầy đồ, vì qua còn đường thi cử, đỗ đạt làm quan, kiêu hãnh với đời mà dấn thân vào chốn thị thành. Họ ăn uống kham khổ lại không được vợ con chăm sóc “kiêng khem” nên “phải tuần mưa nắng” thì không qua khỏi. Họ chết trong đơn độc, không có người thân thích ở bên:

Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng

Anh em thiên hạ làng giềng người dưng

Với sáu loại cô hồn kể trên, Nguyễn Du diễn đạt mỗi loại mười hai câu nhưng các loại tiếp theo, tác giả rút ngắn câu chữ lại, có lẽ nhà thơ cho là không tiêu biểu bằng:

Cũng có kẻ vào sông ra bể…
Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê
Cũng có kẻ đi về buôn bán…
Gặp cơn mưa nắng giữa trời
Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?
Cũng có kẻ mắc vào khóa lính…
Buổi chiến trận mạng người như rác
Phận đã đành đạn lạc tên rơi…
Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa…
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa…
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất…
Sống nhờ hàng xứ chết vùi đường quan
Cũng có kẻ mắc oan tù rạc…
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha…
Cũng có kẻ đắm sông chìm suối,
Cũng có người sẩy cối xa cây
Có người gieo giếng thắt dây,
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành
Người thì mắc sơn tinh thủy quái
Người thì phải nanh khái ngà voi
Có người có đẻ không nuôi
Có người sa sẩy có người khốn thương….

(Văn tế thập loại chúng sinh)

Mỗi một cô hồn là mỗi một hoàn cảnh sống, nghiệp thọ lãnh khác nhau. Thế nên Nguyễn Du mới viết:

Mỗi người một nghiệp khác nhau

Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ

(Văn tế thập loại chúng sinh)

Chữ “nghiệp” mà Nguyễn Du sử dụng ở đây mang đúng ý nghĩa của nhà Phật. “Nghiệp” có thiện nghiệp (nghiệp nhân tốt đưa đến quả báo tốt) và ác nghiệp (nghiệp nhân xấu gây ra quả báo xấu). Các cô hồn khi con sống vì vô minh che kín, cứ đua nhau làm những điều ác, chẳng ai chịu thua ai. Ngờ đâu, lúc vô thường ập đến, những con người tự phụ ấy chỉ còn là “hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ”,  mà chịu những cái chết khác nhau. mãi lặn ngụp giữa ba vòng ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, lưu chuyển muôn đời, khổ đau vô tận. Nhưng dù chết như thế nào, họ đều trở thành những hồn ma không được siêu thoát, là những “hồn mô côi” không được thờ cúng, đói khát, khổ sở. Họ lang thang ẩn nấp mọi nơi như “dọc bờ dọc bụi”, “ngọn suối chân mây”, “bụi cỏ bóng cây”, “cầu nọ quán này”, “đầu chợ cuối sông”…, không biết tới bao giờ mới được siêu sinh. Những nghiệp mà khi còn sống họ đã gây tạo như giết người để mình thành bá chủ hay thành danh tướng hoặc tự hủy hoại thân mình, sống tham lam ích kỷ…đã đẩy tới nghiệp báo không tốt lành. Như vậy, quy luật Nhân quả nghiệp báo luôn bao phủ đến cuộc đời con người. Những gì mà chúng ta nhận được an vui hay gánh chịu khổ đau thì đều do tự mình tạo chứ không phải dựa vào một thần linh nào cả.

Như vậy, những câu hỏi về nhân quả trong các ngâm khúc mang nhiều khía cạnh khác nhau. Trước những bế tắc trong cuộc sống, người thì không hiểu làm sao mình bị tù đày, người thì trốn tránh án oan khiên suốt mấy năm trời mà vẫn không thoát khỏi vòng vây bắt của triều đình. Một ngươi vợ đau đớn vì nỗi mất chồng, người cung nữ chết dần chết mòn trong cung cấm… Các nhân vật trữ tình luôn oán than, tự hỏi trời đất, hóa công và cả dựa vào thuyết nhân quả của nhà Phật, để tự nói với mình, xoa dịu vết thương cho chính mình. Riêng với Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du muốn nói nhân mà mười sáu hạng chúng sinh đã gây ra trong cuộc đời sẽ nhận thấy các nghiệp tương ứng. Phải chăng, ông cũng đang muốn cảnh tỉnh những con người sống trong thời kỳ đó, hãy nghĩ đến những đau khổ mà mình sẽ nhận khi làm điều ác để ngừng tay. Đặc biệt là tầng lớp thống trị ngừng những cảnh binh đao loạn lạc vì lòng tham của gia tộc mình, để đem lại yên bình cho nhân dân.

Nhuận Đoan

Theo Phật Pháp Ứng Dụng