Nếu người ta không thích hồn thơ táo bạo, cách tân như Vi Thùy Linh hay suy tư trầm ngâm kiểu nam giới như Nguyễn Trọng Tạo mà muốn tìm đến một hơi thở nhẹ nhàng, đầy ý vị và đượm chất Phật giáo thì sẽ không thể bỏ qua thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ.

Triết lý Phật giáo trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Làm quen với thơ Lâm Thị Mỹ Dạ dẫu chưa đọc hết thơ bà, người đọc vẫn cảm giác đó là một hồn thơ đầy những trăn trở, suy tư về chính mình, cuộc đời, về được mất, hư vô của kiếp người mang hơi thở của giáo lý nhà Phật. “Một mình” và “tôi về với tôi” là hai bài thơ thể hiện rất rõ tư tưởng ấy.

Bài thơ “Một mình” được làm theo thể thơ lục bát truyền thống, không có nhiều sự cách tân về nghệ thuật nhưng vẫn đầy lôi cuốn người đọc. Đề bài thơ “Một mình” đã toát lên nỗi cô đơn của nhà thơ. Thêm vào đó, xuyên suốt thi phẩm, Lâm Thị Mỹ Dạ dùng đến tám từ “Một mình” và tới mười từ “một” tô vẽ nên không gian bao la còn nhân vật trữ tình thì trơ trọi, thả hồn vào những suy nghiệm của một người từng trải. Khổ thơ đầu tiên dày đặc những “một mình ta”:

Bây giờ chỉ một mình ta
Một mình ta với bao la một mình
Bây giờ chỉ một trái tim
Một mình tung hứng, một mình vết thương

Bốn câu thơ đối nhau từng vế câu, từng cặp câu. Nếu hai câu thơ đầu, nhà thơ xoáy vào bản thể “một mình ta” giữa muôn ngàn “một mình” khác. Dẫu cho “bao la” là người nhưng họ cũng đều “Một mình” – những cá thể đơn độc, nhỏ nhoi. Vì vậy, nỗi cô đơn của nhà thơ càng dâng lên, xâm chiếm hết linh hồn. Từ góc nhìn bản thân mình mang tính hướng ngoại, so với chiều kích không gian thì nhân vật trữ tình nhìn sâu vào tâm hồn mình, nơi con tim thổn thức cũng vẫn phải chịu cảnh “một mình” như khổ chủ. Qua biện pháp nhân hóa, trái tim biết tự tung hứng nhằm diễn tả trạng thái chủ động của nhà thơ. Bà tự mình đem trái tim ra đùa giỡn, thử thách, đối mặt với mọi tình cảm xung quanh. Nhưng cuối cùng, cái bà nhận được nhiều nhất là “vết thương”. Trái tim ấy bị va đập, trầy xướt. Qua bốn câu thơ, người đọc cảm nhận một con người cô đơn bởi hoàn cảnh thực tại lẫn trong tâm hồn. Dường như người phụ nữ ấy từng trải qua biết bao nhiêu nỗi bất hạnh, đắng cay, để rồi nhìn lại mình vẫn là kẻ độc hành trên đường đời. Nhà thơ còn  chiêm nghiêm được nhiều điều hơn thế:

Triết lý Phật giáo trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Khóc ta hạt bụi vô thường
Mai kia tìm chốn cội nguồn nghỉ ngơi
Cười ta cũng một kiếp người
Cây sầu đông lá ngoài tươi trong vàng

Bằng biện pháp đảo ngữ, đưa động từ “khóc, cười” lên đầu câu nhấn mạnh cảm xúc thường có của con người. Dù khóc vì đời mình là hạt bụi vô thường hay cười vì nghĩ mình cũng sống được một kiếp người thì tác giả cũng ngộ ra được nghĩa chân thật của trần gian này. Đó là : “Khóc ta hạt bụi vô thường / Mai kia tìm chốn cội nguồn nghỉ ngơi”. So sánh mình mình là hạt bụi vô thường thực ra là nhà thơ đã nhìn nhận được thực sự đời sống con người. Dầu giàu sang hay nghèo hèn thì ai cũng phải đối mặt với vô thường, thân thể xinh đẹp hay xấu xí rồi cũng trở về với cát bụi, tìm về “cội nguồn nghỉ ngơi” mà thôi. Từ nỗi đau để thấy mất mát và dù trong hạnh phúc khi đang mỉm cười nhà thơ cũng vẫn nghĩ: “Cười ta cũng một kiếp người / Cây sầu đông lá ngoài tươi trong vàng”. Dẫu trong sung sướng, tác giả cũng nhìn thấu được cái gọi là hạnh phúc. Chút hân hoan ngắn ngủi ấy đã chứa trong đó nỗi buồn, chia li, cái chết. Thực ra, chiêm nghiệm của nhà thơ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi giáo lý của đức Phật. Mọi thứ trên thế gian đều là giả tạm, cười vay khóc mướn trước những cảnh không thật. Để rồi, mãn kiếp ta lại trở về với cát bụi. Thế nhưng, nét mới ở đây là thay vì những giáo lý khô cứng, khó làm những người còn ham sống, ham hưởng thụ cảnh hoa vinh chấp nhận thì những câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ buộc người ta phải ngừng lại giây phút mà suy ngẫm, mà gật gù chấp nhận.

Những câu thơ tiếp theo chuyên chở một hàm ý mơ hồ: “Ai tìm ai giữa mênh mang / Chỉ còn mây trắng giăng hàng khuất che”. Hai câu thơ đầy tính nhạc, cái mênh mang của đất trời đồng thời kéo cả cái mênh mang của của câu thơ. Câu hỏi “ai tìm ai” tạo nét mơ màng bởi cách dùng đại từ phiếm chỉ, không xác định rõ, hỏi người hay hỏi chính mình. Bốn câu thơ cuối dồn chứa nhiều ý nghĩa:

Một mình lắng, một mình nghe
Ơ kìa cái cõi – đi – về gang tay!
Một mình cho hết đêm nay
Ta ngồi với Chúa ôm đầy nhân gian

Nếu lắng nghe chỉ nghiêng về thính giác thì khi ngắt đôi từ ra chia câu thơ thành hai nữa lại đem chiều cảm nhận mới. Người phụ nữ ngồi một mình trong đêm đen ấy lắng lòng mình để suy ngẫm về mọi thứ trong cuộc đời, để nghe hết những biến động không ngừng. Đáng tiếc, cô vẫn chỉ lắng chỉ nghe “một mình” mà thôi. Sau khi đã dùng cả tâm hồn mình để nghiêng tai cảm nhận thì nhân vật trữ tình lại thốt lên: ơ kìa cái cõi – đi – về gang tay!”. Nếu thiền sư tĩnh tọa để ngộ đạo thì nhà thơ với lắng nghe trong im lặng, để một mình suy tư đã thốt lên khi nhìn thấu cõi đời này bằng từ “ơ kìa” thảng thốt mà cũng đầy trêu ngươi. Người ta thường nói đời người chỉ bằng gang tay. Lối nói hình tượng cõi đi về gang tay để nhấn mạnh cuộc đời này là không thường còn, có đó rồi mất đó. Chỉ “một mình cho hết đêm nay” mà nhà thơ đã nhìn cả chiều dài đời người mà nhân gian không phải ai cũng nhận ra. Dòng đời với biết bao nhiêu biến đổi, mất đó rồi còn đó. Nếu những câu thơ trước, người đọc nghe được mùi vị của thiền môn thì câu thơ cuối lại là hình ảnh của tôn giáo khác: “Ta ngồi với Chúa ôm đầy nhân gian”. Nhà thơ nhắc đến Chúa do một tương ứng với hoàn cảnh sáng tác đêm Noel nhưng cũng có thể vị chúa đó không khoác lên mình một tôn giáo nào cả mà là đấng thiêng liêng của nhân vật trữ tình, người có thể thấu hiểu và san sẻ cùng với nhà thơ. Câu thơ cũng có thể hiểu là sự phá tan lằn ranh tôn giáo, dẫu những triết lý mà nhà thơ hiểu được có gần gũi với giáo lý nhà Phật hay là của Chúa thì cũng đều đi đến một chân lý. Đó chính là sự vô thường của đời Người.

Như vậy, từ hoàn cảnh cô đơn một mình, gặm nhấm những nỗi buồn, thương tổn và trong không gian im lặng, nhà thơ thả hồn, tri nhận được nhiều điều trong cuộc sống, đời người. Bài thơ vì thế, nhẹ nhàng mà thấm sâu vào lòng người.

Vẫn với chất giọng ấy, “tôi về với tôi” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tiếp tục khiến người đọc bị rung cảm, hấp dẫn.

Bài thơ “tôi về với tôi” in đậm trong tôi hình ảnh một “người im như bóng”, cái im lặng như tờ ấy cứ day dứt mãi người đọc. Phải chăng đó là chìa khóa mở tất cả những câu thơ trước, là khởi đầu và cũng là kết thúc cho chuỗi những suy tư của nhân vật trữ tình. Cái im lặng ấy là cánh cửa mở đầu cho tất cả những “thả” của tác giả:

thả trăng cho rằm
thả mây cho gió
thả xanh cho cỏ
tôi về với tôi

“Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vớ vẩn cùng mây”. Nhà thơ là người luôn đem hồn mình cột với mây trời, non nước, say với trăng hoa tuyết nguyệt. Họ như muốn ôm cả đất trời vào lòng, để tận hưởng, để độc chiếm. Thì nay, tác giả đã chấp nhận thả hết thiên nhiên về với chính nó “thả trăng cho rằm/ thả mây cho gió; thả xanh cho cỏ” vì có muốn níu ánh trăng lên, cột mây hay ôm màu xanh của cỏ thì vẫn không giữ được. Bởi nhận ra mình đã từng níu giữ những điều vốn không thuộc về mình dẫu là thiên nhiên, cây cỏ nên nhà thơ đã “thả” để “tôi về với tôi”. Hành động “thả” ấy chính là sự buông xả trong tâm hồn, xả bỏ hình ảnh vô cùng đẹp, lãng mạn vốn dĩ không bao giờ thuộc về mình. Tiếp đến, nhà thơ lại thả đi:

thả người thục nữ
hồn nhiên nói cười
thả người tục luỵ
danh vọng đua đòi
thả hết thả hết
tôi về với tôi

Trước mọi cảnh vật xung quanh, đẹp đấy mà thi sĩ cũng đã xả bỏ thì nay cô tiếp tục bỏ, không quan tâm đến mọi người xung quanh từ những người vui vẻ, hồn nhiên đến những người tranh đua được mất chốn công danh. “Thả hết thả hết” như một lắc đầu nhắm mắt bỏ qua tất cả mọi thứ, không muốn đọng lại trong tâm trí mình nữa. Cuối cùng lại chỉ để “tôi về với tôi”. Khổ thơ tiếp theo hướng vào xả bỏ chấp trước của chính mình:

thả thời thiếu nữ
khuất vào xa xăm
thả chùm tóc bạc
trắng cả ngàn năm

Nhân vật trữ tình ấy rũ bỏ thị phi yêu ghét xung quanh, giờ đây xem nhẹ cả thời gian đã qua khi còn là thiếu nữ, cho nó chìm khuất vào “xa xăm” như lâu lắm rồi. Quá khứ không lưu luyến và cả tương lai tuổi già cũng không làm nhà thơ bận tâm.

ai đem nụ cười
chạm vào nước mắt
niềm vui có màu
nỗi buồn trong vắt
tôi về với tôi

Người phụ nữ từng trải ấy, buông bỏ mọi thứ và hơn thế chị còn chiêu cảm được nhiều điều. Đại từ phiếm chỉ “ai” đó không cụ thể chỉ cho một người nào bởi nó là tất cả mọi người. Đời người ai cũng có những lúc mỉm cười và cả những đau khổ, thậm chí hạnh phúc mà một người có cũng từng chan chứa bao nhiêu nước mắt. Niềm hân hoan, vui sướng của mỗi người sẽ không giống ai, có người vui vì tiền, có người vui vì tình và có người vui vì sự nghiệp. Mỗi niềm vui ấy mang một màu sắc khác nhau vì thế nó mới “có màu”. Ngược lại, nỗi buồn chỉ một màu “trong vắt” đó là màu của nước mắt, đau thương, bi lụy thì ai cũng như ai. Vượt trên tất cả nhưng hạnh phúc, khổ đau, nhà thơ lại “tôi về với tôi”

Để có những trải nghiệm ấy, phải là người từng vượt qua biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, từng muốn ôm tất cả vào mình từ những hạnh phúc đến đau khổ nhất. Khi nhận ra “lòng tham” của mình không mang lại được gì, để đi quãng đời dài, người phụ nữ ấy mới hiểu, mới chấp nhận “thả” hết. Những nỗi niềm, những xả bỏ ấy được thốt lên thành những câu thơ thì những câu thơ ấy là đời người nghệ sĩ, là tinh huyết. Thế nên:

thơ như máu thắm
tan vào hư vô

Không phải ai cũng có thể “thả” đi mọi thứ dù đó là niềm vui hay nỗi buồn. Có nhiều người biết kí ức buồn sẽ chỉ làm mình thêm đau khổ nhưng mấy ai có thể quên đi, buông bỏ. Ngược lại, có bao nhiêu người không so đo với được mất của người khác hoặc có thể dửng dưng, bình lặng trước hạnh phúc, thành công của mình. Cái lớn lao hơn là sắc đẹp và tuổi già, có mấy ai từng không luyến tiếc và sợ hãi. Thế mà, nhà thơ đã cố “thả” hết mọi thứ. Bởi người phụ nữ ấy thấm thía những giáo lý của nhà Phật:

đời bao phúc hoạ
gieo, gặt bất ngờ
mỏi không thể nghỉ
đau không còn kêu
người im như bóng
tôi về với tôi

Nữ thi sĩ hiểu vô thường của kiếp nhân sinh, phúc hay họa đến bất ngờ do những gì mà mình từng gieo tạo. Đã hiểu luật nhân quả rồi thì còn có gì trách móc, não nề trước khổ đau hay tự mãn với hạnh phúc của mình. Thế nên, dù đã nếm trải nhiều bão tố thì nhà thơ chấp nhận hết bởi hơn ai hết, bà hiểu: dù có mỏi mệt cũng không thể buông xuôi, có đau đớn, kêu gào cũng không ai hiểu. Vì vậy, nhà thơ lẳng lặng mà chấp nhận, mà “thả”, xả bỏ mọi thứ. Sau những phút lòng dậy sóng dữ dội, thả hồn mình ngẫm mọi chuyến biển của vạn vật, nhân vật trữ tình còn trơ lại “người im như bóng”, và “tôi về với tôi”.

Bài thơ dùng phép lặp với câu thơ “tôi về với tôi” ở cuối mỗi đoạn thơ mang ý nghĩa đầy hàm súc. Phải chăng đó là khát khao cháy bỏng, mục đích cuối cùng của người phụ nữ ấy muốn gạt bỏ tất cả để trở về với chính mình. Sau mỗi hành trình buông bỏ từ việc thả đi những đam mê lãng mạn, những thị phi cuộc đời đến không màn thời trẻ, tuổi già và những hạnh phúc, khổ đau của một đời con người, nhà thơ như tiến gần về phía bản thân mình hơn. “Tôi về với tôi” ở đây không phải là về với cái tôi cá nhân mà là về với chính “bản lai diện mục” thuần khiết nhất của mình. Đó mới chính là ham muốn tột bậc của thi sĩ. Thế nhưng, cái “im như bóng”, lặng như tờ ấy sau những phút trải lòng dậy sóng có thực sự đã phẳng lặng. Trong tĩnh có động, liệu những phút giây tưởng như chết lặng, im bặt ấy, nhà thơ có thực sự đã “thả” được hết? Hay chăng sóng lòng vẫn tiếp tục vỗ và nhà thơ vẫn với hành trình vượt thoát chính những ràng buộc mình. Bài thơ kết thúc là một câu bỏ ngỏ để mọi người tự tìm cho mình câu trả lời.

Nếu những ai từng trải, từng khổ đau, hạnh phúc và từng khao khát mãnh liệt quăng bỏ đi mọi thứ trách nhiệm, ràng buộc để được “tự do” trong tâm hồn thì sẽ không thể không gật đầu tán thưởng bài thơ “Tôi về với tôi” của Lâm Thị Mỹ Dạ. Bằng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc như nhân hóa, điệp từ, so sánh, nhà thơ đã chuyên chở được tư tưởng của mình đến với độc giả mà rất nhẹ nhàng, từ tốn mà sâu lắng, du dương.

Hoàng Linh
Phật Pháp Ứng Dụng