Trong đầu tháng Bảy vừa qua, vụ thảm sát ở Bình Phước không những gây rúng động ở trong nước mà còn lan ra tới hải ngoại vì tính cách dã man của nó. Một số người dân lo sợ tới nỗi không biết một ngày nào đó, một hung thủ nào hay một băng đảng nào đó sẽ đến “cắt cổ chúng tôi” – phản ảnh tình trạng lo sợ trong quần chúng về một xã hội vô cùng bất an. Rất may cơ quan an ninh đã nhanh chóng tìm ra manh mối, bắt giữ thủ phạm, đồng thời tiến hành thủ tục đưa các hung phạm ra trước pháp luật.
1) Đối với cô Lê Thị Ánh Linh: Phải nói rằng đầu dây mối nhợ của vụ thảm sát này bắt nguồn từ cô Lê Thị Ánh Linh. Nếu không có việc cô cự tuyệt mối tình đã kéo dài 4 năm với Nguyễn Hải Dương thì chắc chắn không có thảm kịch này. Qua tin tức và hình ảnh trên báo chí, chúng ta có thể phỏng đoán cô Lê Thị Ánh Linh có chút nhan sắc, không được học hành nhiều, tính tình lãng mạn, ỷ vào tiền bạc của cha mẹ cho nên có cuộc sống phóng túng, Bằng cớ là cô đã yêu một thanh niên nổi tiếng ăn chơi tại địa phương, đem rất nhiều tiền cho cậu này rồi cũng bỏ để rồi yêu Nguyễn Hải Dương, ăn ngủ chung tại nhà, cho lái xe đưa đón cô v.v..như vợ chồng, cho cậu này mượn 500 triệu mua đất để xây dựng sự nghiệp nhưng cuối cùng lại thấy Dương không xứng cho nên lại đi yêu một cậu khác…không biết có giàu hoặc học giỏi hơn Dương không?
Từ thảm kịch này chúng ta thấy con cái không phải lúc nào cũng là nguồn an ủi hay hạnh phúc cho cha mẹ mà đôi khi nó là nghiệp chướng hay thảm họa của cha mẹ. Cho nên các cụ xưa nói, “Con là nợ, vợ/chồng là oan gia” quả không sai. Luận xa hơn nữa chúng ta thấy, đẻ con gái có nhan sắc chớ vội mừng, đẻ con gái xấu chớ vội buồn. Con gái đẹp giống như bông hoa có hương sắc cho nên ong bướm lượn quanh. Khi ong bướm bu đầy thì ghen tuông nảy sinh. Ghen tuông, được mất trở nên hận thù, từ hận thù tới thảm sát …giết mình hay giết người yêu, giết cả nhà người yêu để trả thù. Chuyện này đã có từ ngàn xưa rồi. Còn con gái xấu thì bướm ong ít lượn quanh. Khi bướm ong ít lượn quanh thì cậu nào yêu là yêu thật lòng. Còn yêu rồi mà bị một cô gái xấu bỏ thì không cay cú bằng bị một cô gái đẹp, nhà giầu bỏ. Có khi còn mừng nữa, vui vẻ ra đi để kiếm cô khác đẹp hơn cho nên không có thảm sát. Do đó, đẻ con gái xấu có khi là điều tốt lành cho gia đình không biết chừng.”Tái Ông Thất Mã” là ở chỗ đó.
2) Đối với cậu Nguyễn Hải Dương: Theo dõi những tình tiết cùng cách đối xử của cô Lê Thị Ánh Linh với Nguyễn Hải Dương thì chúng ta thấy Dương là con người không có nghị lực, thiếu lý trí và sống bằng cảm tính. Không có nghị lực là vì Linh đã nhiều lần giúp Dương cơ hội tiến thân như giúp cho học Đại học Tài chính-Kế toán, rồi cho mượn 500 triệu để mua đất trồng cao su để tạo dựng sự nghiệp…cuối cùng thì Dương cũng “sôi hỏng bỏng không”. Theo thói thường, mình là con nhà nghèo, phải lấy cái học để bù đắp lại cái nghèo hoặc cố gắng tạo dựng sự nghiệp làm vui lòng “cha mẹ vợ tương lai”.
Người yêu đã hết lòng giúp mình như thế, giống như Dương Lễ hết lòng giúp Lưu Bình mà Lưu Bình không nên người thì còn nói chuyện gì nữa? Trong sử sách biết bao nhiêu con trai nhà nghèo lấy vợ là các tiểu thư con quan đại thần cũng là nhờ việc học. Mình nghèo, không hiếu học hoặc chăm chỉ làm việc thì làm sao ngoi lên… ngoại trừ đi ăn cướp.
Đã thiếu nghị lực, Dương lại là người không có lý trí. Nếu có lý trí thì Dương phải thấy Linh đã đối xử với mình quá tận tình, quá đẹp, mà cha mẹ mình cũng không lo cho mình được như thế. Chỉ vì mình không “nên thân” cho nên Linh buộc lòng phải “dứt đường tơ”. Nếu có lý trí thì Dương phải hiểu rằng bên cạnh chữ Tình, Linh còn có chữ Hiếu nữa chứ. Linh yêu Dương mà Linh biết thông cảm cho Dương. Còn Dương yêu Linh thì Dương lại không thông cảm cho Linh. Như thế có thật sự Dương yêu Linh không? Hay chỉ là tham vọng và tự ái? Đã thiếu lý trí, Dương lại không có bạn tốt hoặc không phải là đoàn sinh Gia đình Phật tử hoặc thành viên của các Câu lạc bộ Thanh niên phật tử cho nên không có lời khuyên bảo tốt.
Nếu trong gia đình thờ Phật, trước nỗi đau như thế, trước quyết định ghê gớm như thế, Dương có thể đến chùa để vấn hỏi ni/sư thì chắc chắn không có thảm họa như ngày hôm nay. Các ni/sư sẽ cho Dương thấy “Lý Duyên Sinh” tức tình yêu, cam kết hay thỏa hiệp là do hai tham vọng, hai ý muốn, hai ước vọng, hai khát khao gặp nhau ở một thời điểm nào đó. Khi tham vọng, ý muốn, khát khao…thay đổi thì cam kết hay tình yêu hay thỏa hiệp tan vỡ. Do đó có thể nói tình yêu chỉ là một “ảo ảnh” của tâm, của khát vọng. Phật dạy “Ái biệt ly khổ” tức yêu nhau mà phải chia ly thì đau khổ. Đau khổ là thường tình vì người ta tưởng rằng cái người mà ta đang yêu là “vật sở hữu” của mình. Nay “vật sở hữu” mất đi, ta nuối tiếc và ghen tuông, hận thù nếu “vật” ấy lọt vào tay kẻ khác.
Thế nhưng, nói thật ra trên cõi đời này không có cái gì là “của mình”. Ngay cả hàng trăm triệu cặp vợ chồng đang sinh sống với nhau kia cũng không phải là “vật sở hữu” của nhau. Bởi vì khi ly dị một cái thì đường ai nấy đi, không trách nhiệm, không máu mủ…may mắn lắm là trở thành bạn. Do đó, người yêu hay vợ chồng chỉ là sự nối kết hay nói theo thuật ngữ nhà Phật- chỉ là “Duyên” trong một khoảnh khắc nào đó.
Trong cuộc đời quá nhiều đổi thay nhanh chóng như thế này, chưa chắc cứ tiếp tục sống với nhau là hạnh phúc và chia ly là đau khổ. Chẳng hạn Dương cứ tiếp tục sống với Linh như thế này dăm ba năm nữa, có khi là địa ngục không biết chừng. Do đó, nếu có chia tay thì cũng chỉ như con thuyền rời xa bến, như con chim truyền từ cảnh này sang cành khác, như đám mây trên trời hết hợp rồi tan…Nếu thật sự Dương thương Linh thì xin Dương hãy cầu nguyện cho Linh lấy được người chồng xứng đáng và trăm năm hạnh phúc. Đúng ra Dương phải cám ơn Linh về những ngày tháng hạnh phúc tuyệt vời mà Linh đã dành cho Dương. Tại sao Dương lại thù oán và tìm cách giết hại Linh? Nhưng sự việc lại không đi theo con đường tốt lành như vậy. Thế mới hay “tình là dây oan” – sợi dây oan nghiệt ghê gớm nhất trong những sợi dây đang trói buộc con người. Hành động của Dương quá tàn bạo do mất hết lý trí và vụ án này có thể trở thành “bia miệng” để lại đời sau và Dương cùng đồng phạm Vũ Văn Tiến sẽ phải trả một giá rất đắt theo Luật Nhân Quả.
3) Về người bố: Có thể nói ông Mỹ đã quá nuông chiều con gái và có quyết định sai lầm khi cho Dương ở lại trong nhà như con rể mình trong bốn năm trời. Thông thường, khi con gái đã tới tuổi lập gia đình và có ý trung nhân. Và sau khi vợ chồng đã đồng ý thì phải tìm cách tác hợp cho chúng nó. Cho chúng nó tiền bạc để ra riêng, tự do sống hạnh phúc và tạo dựng sự nghiệp. Để một thanh niên xa lạ sống trong nhà với con gái mình, cho xe đưa rước con gái mình đi học như vợ chồng mà không có đám cưới, không phải là con rể thì coi sao được. Không có một gia đình nào có lối sống kỳ lạ như vậy. Để rồi bốn năm sau lại nói “không môn đăng hộ đối”. Chẳng lẽ trong bốn năm đó ông Mỹ không hề biết gì về gốc tích, lý lịch của Dương hay sao? Quá nuông chiều con, quyết định mù mờ không dứt khoát, cộng thêm với tính tình lãng mạn của con gái đã trở thành “cộng nghiệp” gây thảm họa cho gia đình.
4) Về cậu bé tên Vỹ: Cậu bé này gọi vợ ông Mỹ là dì ruột, mới 14 tuổi mà ham chơi games và đá gà là thú vui – vừa giải trí vừa cờ bạc của người lớn. Ham chơi games và mê đá gà đã là tệ hại nhưng còn có thể tha thứ. Nhưng nhận lời mở cửa cho một người lúc nửa khuya để vào ăn cướp nhà của dì/dượng mình thì thật không thể tưởng tượng được. Không biết cậu bé này có được đi học không và trong suốt thời gian sinh sống tại đây, cậu có bất mãn hoặc căm thù dì/dượng mình gì không? Có lẽ từ cổ chí kim mới thấy một cậu bé có hành vi ghê gớm như vậy.
Từ kinh nghiệm đau thương này chúng ta có thể rút ra bài học đau thương là: Không nên nuôi cháu trong nhà ngoại trừ chúng nó còn nhỏ hoặc cha mẹ đã chết hết. Nếu chúng nó còn cha mẹ và đã lớn tới 12, 13 tuổi thì – nếu có thương thì cho tiền để cha mẹ chúng nó nuôi chúng nó. Nuôi cháu trong nhà, la mắng cũng khó vì mình không phải là cha mẹ. Không la mắng thì hư. Khắt khe quá thì sinh thù oán. Thà ở xa mà tình nghĩa vẹn toàn và không trách nhiệm. Đôi khi tình thương đặt không đúng chỗ lại là thảm họa.
5) Về vai trò của xã hội: Có lẽ không gì tốt hơn là trích dẫn một bài báo của trang điện tử VOV, “Luật sư Lê Luân cho rằng, những vụ án giết hại nhiều người với tính chất man rợ này là kết quả của sự giáo dục chưa đầy đủ, thanh niên tiếp cận các thông tin mang tính bạo lực từ game, truyện, phim ảnh,… Cũng với đó là luật pháp chưa đủ nghiêm minh, chưa xử lý triệt để tội phạm, lại gây ra oan sai trong thời gian qua nhiều vụ án nên dễ tạo ra sự coi thường”.
Tuy nhiên hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát triển trên toàn quốc và đã có Ban Trị sự tới cấp Quận/Huyện và các chùa ở các xã, dù là xã xa xôi.
Trước nguy cơ bất ổn của xã hội ngày càng lan rộng, có lẽ cũng cần phải tìm cách ra tay “tế độ” tức góp một tay, phối hợp cùng các đoàn thể thanh thiếu niên, phát động rầm rộ một chiến dịch nói về sự nguy hại của tình yêu điên rồ, tinh yêu lãng mạn, của ngoại tình, phản bội…và làm sao giải quyết những tình huống đau thương đó bằng biện pháp an lành, không gây chết chóc cho mình, cho người, không làm tổn thương đến gia đình và xã hội. Và chùa chính là địa bàn tốt đẹp nhất để bàn luận và cố vấn về những vấn đề rất nguy cấp này.
California ngày 11/7/2015
Nguồn: www.phatgiao.org.vn