Từ khi đất nước còn nghèo khó Người Việt Nam vốn đã giàu tính nhân văn được thể hiện qua những câu tục ngữ: nghèo cho sạch rách cho thơm, rách giấy phải giữ lấy lề …đã ăn sâu vào tim óc của mọi người. Bản chất người Việt không xấu, nền giáo dục đạo đức vốn có thừa vậy mà tự bao giờ những thói hư tật xấu của một bộ phận nào đó lại rộ lên như thế? Nhân cách con người bắt nguồn từ sự giáo dục: sự dạy dỗ trong gia đình và ngoài xã hội, một số ít đặc biệt có nhân cách từ trong bụng mẹ. Những gia đình thờ ơ với việc giáo dục thế hệ tương lai để rồi những thói quen khó bỏ vô tình làm nên tính cách kém cỏi của con người.
Đọc qua bài báo viết về hai du khách Việt Nam bị bắt vì tội ăn cắp kính đeo tại Thụy Sỹ, làm cho nhiều người Việt Nam rất là bức xúc, thậm chí e ngại khi phát biểu: “thật là xấu hổ vì mình cũng là người Việt!”. Bên cạnh đó, Singapore từ chối nhập cảnh nhiều nữ hành khách Việt cũng làm dấy lên nhiều dư luận tiêu cực. Thật ra, thói hư tật xấu thì quốc gia nào cũng có, đó là chuyện muôn thuở của thế giới loài người, nhưng khi người Việt “bị nhắc đến nhiều” thì chúng ta cần nhìn lại một chút vậy thôi!
Khi sang Nhật, tôi được nghe việc một số cá nhân làm xấu hổ cả cộng đồng nhất là việc ăn cắp đồ trong siêu thị, đem bán cho người Việt ham của giá rẻ. Khi được bạn bè đồng hương khuyên nhũ thì họ chề môi bảo rằng: “đồ đạo đức giả, không làm thì để họ làm, đừng bày đặt lên lớp dạy đời”. Nghe nói như vậy mình cảm thấy cách phát ngôn vừa tham lam ích kỷ mà lại vừa vô đạo đức. Vì quyền lợi cá nhân mà làm xấu hổ cho cả cộng đồng, đánh mất niềm tin với người bản xứ, phụ ơn của chính phủ nước họ đã cưu mang bảo bộc mình…Chúng ta cảm thấy nỗi đau và lòng tự ái cho dân tộc bị tổn thương.
Mọi người hay bao biện: “bần cùng sinh đạo tặc”. Việc này không hoàn toàn đúng, vì những trường hợp phạm pháp ăn cắp không phải vì nghèo: một số người đang làm ăn sinh sống tại hải ngoại, không hề thiếu cơm áo gạo tiền; những người đi du lịch Châu Âu thì cũng không thể là người nghèo? Điều này cho thấy rằng: có tiền vẫn tham. Đây thuộc về cá tính xấu chứ không phải vì hoàn cảnh.
Năm 2005, tôi hướng dẫn người Việt sang Thái Lan dự lễ Vesak. Sau đó, đoàn có đi tham quan một số điểm du lịch khá nổi tiếng trên đất Thái. Những nơi bán thức ăn bánh, kẹo, đồ khô bao giờ cũng để mỗi loại một ít cho khách tham quan ăn thử trước khi mua. Nhưng khi đoàn Việt Nam bước vào, thì những mẫu thực phẩm trưng bày đều hết sạch nhưng dường như không có ai mua một thứ gì. Ngại quá, tôi ráng tìm một cái gì đó và khuyến khích một số người cố gắng mua đừng làm mất mặt trong đoàn như thế. Đúng ra, chúng ta muốn mua món nào thì mới nên thử, còn nghĩ rằng đồ thử không tính tiền nên chúng ta tùy tiện ăn bừa là quá thiếu lịch sự.
Nhìn hiện tượng những người ăn sang mặc đẹp lại đi tranh giành một món ăn nào đó tại buổi tiệc buffet là điều đáng xấu hổ. Người ngoại cuộc rất ngạc nhiên khi thấy chúng ta không có lịch sự tối thiểu trong ăn uống, vì những người này không phải đang đói?!
Điều gì là nhân tố chính? Đã từ lâu lối sống ích kỷ, tính sao có lợi thì làm đã thầm lặng ăn mòn nhân cách chúng ta với mức độ đáng báo động. Những thông tin trộm cắp trên báo chí chỉ là số ít, còn phía sau nó lại là những con số đáng kinh ngạc.
Tôi nghĩ đến những câu nói quen thuộc của người Việt Nam: “chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn”. Vì câu nói này mà trên trời không còn một cánh chim bay, trên cành không còn tiếng chim hót; dưới nước không còn con cá lội hay tiếng đớp mồi, kể cả các bầy lòng ròng(cá lóc mới nở) cũng bị chúng ta bắt ăn hết vì nghĩ rằng mình không làm thì kẻ khác cũng bắt ăn vậy. Như vậy, việc bảo vệ môi trường sống còn lỏng lẻo, có thể nằm trong luật nhưng cách thức tuyên truyền cho người dân hiểu thì còn quá kém. Người dân (nhất là ở quê) một bộ phận không nhỏ không có một ý niệm nào về việc bảo vệ môi trường, không có một ý thức nào cho cuộc sống cộng đồng, mà hoàn toàn tính sao có lợi cho mình thì làm dù là ăn cắp. Không có ý thức cái chung thì từ ăn cắp vặt đến ăn cắp lớn là một cố tật khó bỏ của con người.
Về mặt tâm lý thì không ai không tham vì đó là bản chất của con người. Đức Phật dạy có ba độc: tham, sân, si. Riêng độc tham, tùy vào nhân cách đạo đức của mỗi người mà cái ngưỡng tham lam nó cũng tăng giảm ở những cấp độ khác nhau. Có người một trăm ngàn đồng(100.000 đ) không tham nhưng một triệu (1000.000 đ) thì không kiềm chế được; có người 1 triệu không tham nhưng một tỷ… thì lại tìm cách lấy phi pháp…
Do đó, chúng ta quên đi việc rèn luyện nhân cách đạo đức con người, không hướng dẫn con em cặn kẽ về thói hư tật xấu của việc ăn cắp, dung túng khi cho những món đồ ăn cắp là chiến lợi phẩm từ những đứa con nít, vô cảm với những người mất của, tiếc rẻ khi phải trả lại của phi nghĩa… Con người chỉ biết khôn ngoan theo kiểu xảo trá (khôn lõi), ích kỷ, lạnh lùng với những nạn nhân bị trộm cắp, không biết san sẻ và đồng cảm với những người đói khổ, dần dần trở thành cái nếp chung của cộng đồng, trở thành những cái đáng xấu hổ mà không nhận ra.
Đừng để tâm tính con người phải “lộn gan trên đầu” với từng miếng ăn, với nhu cầu vặt vãnh, đừng đánh đập chém giết nhau vì một vài quyền lợi nhỏ trong một gia đình. Hãy suy nghĩ rằng, hy sinh cho anh em ruột thịt không hết huống là tranh giành với người cùng chung dòng máu. Phải thấy rằng, những người tốt, người xứng đáng được kính trọng thì không phải chỉ hy sinh cho người thân mà cho tất cả mọi người một cách thoải mái. Đức Phật dạy bố thí diệt san tham. Điều này hoàn toàn đúng, vì một khi mình có tâm cứu giúp và chia sẻ với người nghèo khổ thì chúng ta sẽ không có ý niệm chiếm lấy của người hay tranh giành điều gì cả.
Các bậc làm cha mẹ phải tự hành động và chỉ dạy con cái tập quen nếp sống đạo đức từ trong gia đình với nhiều thế hệ thì những cái tiêu cực sẽ được giảm bớt dần. Phải thấy đạo đức là giềng mối cho cuộc sống hạnh phúc an vui của toàn xã hội. Đạo đức Phật giáo góp phần không nhỏ cho việc giáo dục những tính xấu cố hữu của loài người, nhất là tham lam một thứ luôn được ngủ ngầm trong tâm mà không loại trừ bất cứ một ai, và bùng phát bất cứ lúc nào, nếu không được lương tâm và đạo đức cá nhân kịp thời kiềm chế và ngăn chặn!