Làm người thì ai cũng sẽ trải qua những “vấn đề” như sanh, già, bệnh, chết, xa người thương, gần người oán, cầu mà không được… Tất nhiên, khi trải qua những điều đó ta sẽ bị chi phối ít nhiều; nhiều hay ít về số lượng là do phước của mỗi người, còn nhiều hay ít về cảm thọ là do ta có kỹ năng sống hay không.
Người nặng nghiệp hay gây nhân xấu nhiều thì bệnh đau nhiều, chết yểu; rồi sống gần ai họ cũng không ưa mình, còn thương ai thì họ cũng chết yểu hoặc còn sống mà rời xa mình (dù vẫn còn thương), không thì tự nhiên họ không thèm thương mình nữa rồi rời đi. Rồi thì, mình làm cái chi, cố gắng lắm, cẩn thận nhiều mà cũng không tới đâu, cũng chỉ tạm bợ, chỉ bình bình chứ không có được như ý…
Cái đó là do nhân xấu quá khứ đã tạo – nên đời này phải rơi vào trạng huống khó khăn trăm bề như vậy, để trả “nợ cũ” theo lẽ công bằng của luật nhân quả: gieo gió thì gặt bão.
Nếu cái “không may” ấy rơi vào mình, dành tặng mình mà mình nhận diện ngay là do nhân quả, để rồi không ngừng nỗ lực để “gieo yêu thương” (thay vì gieo thêm cừu oán bằng cách hận người này, trách người kia, phân bì họ sướng còn mình khổ hoặc ông trời sao bất công quá đỗi) thì mình sẽ ít bị chi phối bởi cái khổ đó. Do vậy, xét về lượng của khổ đau “dành” cho mình thì có vẻ đặc quánh nhưng cái chất khổ đau ấy không ngấm vào mình nhiều nên dẫu nhìn khổ dữ dội mà trong lòng mình vẫn nhẹ bâng và thấy… không đến nỗi nào.
Bằng chứng là, có rất nhiều người bệnh ơi là bệnh, nghèo xác xơ, rồi ở gần nhiều người rất khó ưa, họ không ưa người ấy dù người ấy không làm chi họ hết… nhưng người ấy vẫn nở được nụ cười, vẫn thấy cuộc sống này không phải là “chán ngấy”. Từ chỗ đó, trên bước đường học Phật, người đó còn biết sống tử tế, lấy đức độ, từ bi mà đối đãi với cuộc đời dẫu người đời tham-sân-si kinh khủng, dẫu người ta từng lấy oán cừu trao cho người đó.
Dần dà, thời gian qua, không những nỗi khổ đó không hạ gục được người ấy mà còn khiến cho người thêm vững chãi, để đi tới chứ không thụt lùi về phía khổ đau, trong khí tiết rạng ngời.
Đạo Phật gọi đó là người thọ khổ cái thân nhưng tâm họ đã có đường hướng để hóa giải trong công thức: xác định rõ đó là quả chua cay, đắng chát mà mình nên nhận; lấy đó làm sức bật để tiến lên đường vui tu tập, giải thoát, thực sự minh chứng cho cơ chế lấy bùn để nuôi sen, lấy khổ đau làm chất liệu, vôi vữa xây lên ngôi nhà vững chắc.
May mắn đó là may mắn của người được có duyên tiếp xúc, tin, hiểu, hành trì đại nguyện tu đạo Bồ-đề, chọn đường giải thoát để đi. Tiếc là may mắn này sẵn dành, không hề có phân biệt (vì giáo lý đó Đức Phật nói hàng 26 thế kỷ nay, như mưa một trận ngang qua, bình đẳng) nhưng đa số chúng ta lại ơ thờ với phương pháp để đoạn ác cũng có nghĩa là đoạn khổ đau, kiến tạo nhân lành cũng là xây dựng nền móng của an lạc dẫu đang thọ trì điều này.
Ngược lại, chúng ta thường theo tập khí cũ một cách dễ dàng, hễ đau bệnh hay già yếu, chết chóc, gần người khó ưa, xa người thương… liền khuếch đại sự bất như ý ấy lên nhiều lần khiến những cảm thọ về điều ấy trở nên nặng nề gấp bội, tàn phá mình dễ, nhanh, liền lập tức. Đương nhiên, lập tức, mình cũng đang mở cửa tù ngục để chui vào đó, tự giam lỏng mình trong những lý luận chật hẹp của mình, mà thường những lý luận ấy ta thấy rất… có lý, vì số đông quanh mình ai cũng làm vậy, sống vậy.
Nếu ta không sống vậy thì ta có thiệt thòi? Ban đầu có thể mình sẽ hỏi câu ấy và sau vài lần hỏi, đa số ta sẽ xuôi theo chiều hướng: là một sự thiệt thòi nếu không ăn miếng trả miếng với ai đó, với cuộc đời (chung chung) này. Chắc chắn khi đó ta sẽ thấy những kẻ-tàn-nhẫn xung quanh ta thật đáng ghét và đáng chết; rồi họ cũng nhìn ta y như ta nhìn họ để rồi chúng ta nhìn đồng loại mà tưởng như đang nhìn ma quỷ, lao vào nhau cấu xé trong nỗi nghi ngại, hận thù, một sống một chết, khó đội trời chung.
Xưa nay, ông bà mình dạy giản đơn rằng, oán thì nên mở không nên kết, vận dụng câu ấy vào cuộc sống qua lăng kính nhà Phật là khi ta quán niệm, thấy rõ: không phải tự dưng mình bệnh, mình nghèo, mình yêu ai cũng khổ, mình sống ở đâu họ cũng ghét hoặc mình làm gì cũng thất bại… Ở đó có cái lý sâu xa là nhân xấu, cộng hưởng với cái lý gần gần – nguyên nhân trực tiếp (duyên) – do ta chưa thực sự hết mình, hết sức, hoặc do ta tham quá, mong muốn nhiều quá, ước mơ ngoài khả năng và thực tế của mình nên khó thành, khó tới, khó an…
Khi đó, ta hãy trở lại soi chiếu chính mình, biết mình, hiểu mình để thương mình một cách đúng đắn hơn, lỡ như có bệnh thì lo sám hối, làm lợi cho người, cho vật; lỡ như nhiều người ghét quá thì học cách tử tế chân thành; lỡ như người ta thương cứ xa mình vời vợi thì mình đừng có chia cách tình duyên hay tình thâm người khác, nỗ lực giúp cho người khác, tổ chức hay tập thể trở nên gắn bó, hòa hợp…
Cứ thế, ta sẽ dần “làm tất cả các việc lành, đoạn tất cả việc ác” thì sẽ nhẹ, khỏe dần, sẽ có thể hiến tặng được nhiều lời hay ý đẹp hay giá trị thiện lành, cao thượng cho người và muôn loại. Khi đó, từ chỗ là “nạn nhân đáng thương” cần được giúp đỡ, ta đã nhanh chóng trở thành người trao yêu thương, thành một tình nguyện viên, thành pháp sư, thành Bồ-tát đi trao niềm vui, giúp người bớt khổ…
Khi đó, trước tiên và trên hết ta đã cứu mình thoát khỏi bể khổ, rời khỏi trần lao, chuyển hóa nghiệp chướng. Nội tư cách tự cứu mình ấy cũng là bài pháp quá chuẩn về tình thương và sự hiểu biết rồi. Và lúc ấy, bản thân ta trong định vị của mọi người đã là một quà tặng bình an để xốc dậy niềm tin, hy vọng rồi. Khi đó, những lời ta nói cũng có sức chuyển hóa thật sâu xa, bởi ta đã kinh qua, thực chứng. Chính điều đó lý giải, vì sao những vị chân tu thường nói không nhiều nhưng khuyên ai thì người ấy liền phát Bồ-đề tâm, còn ta lỡ có khuyên ai cũng khiến cả ta và họ nổi… bồ-đề gai cả!
Thế mới biết, việc tu cần mỗi người thực chứng, sau khi tới rồi thì sẽ thấy một cách mầu nhiệm và cái thấy của việc trải nghiệm nó có sức lay động lòng người, thuyết phục hơn học mà hiểu, thấy trong cái biết qua kiến thức thu thập. Do ý nghĩa đó mà chữ tu và học thường đi kèm, thường đặt cạnh nhau để nhắc hành giả con Phật phải trau dồi giới đức bên cạnh kiến thức. Nếu hiểu nhiều mà thiếu tu thì việc ta nói hay cũng chỉ là hý luận, chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” đối với chính mình; khi đó, có thể người mới nghe sẽ thấy hay nhưng người sống với ta, lâu ngày sẽ thấy ta cũng… phàm phu như bao kẻ. Lúc đó, có khi những điều ta nói trở nên “phản chủ”, không những không giúp người bớt khổ mà còn làm cho họ thêm nỗi thất vọng nặng nề, thêm nghi ngờ vì sự vênh nhau giữa lời ta nói và cách ta sống. Nguy hiểm vô cùng!
Tóm lại, sẽ thật tuyệt vời nếu ta là người biết bơi, bơi giỏi để cứu người và hướng dẫn người khác bơi để họ cũng thoát hiểm nguy giữa dòng nước cuốn. Nhược bằng không, ta sẽ có lúc bị chết chìm dẫu mình giảng dạy về đủ cách bơi cho người với ý niệm trao cho họ chiếc phao cứu sinh. Điều đó có nghĩa là, ta sẽ khổ đau nhiều, dài dài khi ta học Phật mà thiếu thực tập, lại cứ lo đi kêu gọi, tỏ ra hiểu biết để hướng dẫn người ta thực tập. Hãy nhớ và cẩn trọng.
Lưu Đình Long
Theo Giác Ngộ Online