Con người ngay từ khi sinh ra đời, do những mối tương tác xã hội, sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và cả tự nổi tại bản thân vốn có, chúng ta hay “chứa chấp” trong mình những tính cách tiêu cực như nóng giận, tham lam, si mê, bảo thủ… Một trong số đó là lòng ganh tỵ.
Khi kiểm thảo lại mình, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua cảm giác đố kỵ với một ai đó, một điều gì đó hoặc cảm thấy đang bị người khác ganh tỵ với những gì mình có. Vậy, làm thế nào để chúng ta vượt qua lòng ganh tỵ của bản thân đối với người khác cũng như hạn chế sự ganh ghét từ khác dành cho mình. Bài viết là nhận định chia sẻ dưới góc độ quán chiếu từ giáo lý nhà Phật để giúp mỗi người chuyển hóa được lòng ganh tỵ.
1. Tìm hiều về lòng ganh tỵ
Lòng ganh tỵ có thể hiểu là sự so tính thiệt hơn và thấy khó chịu khi người khác hơn mình. Trong Duy thức học, có 10 món tiểu tùy phiền não như sau: Phẫn (giận), hận (hờn), phú (che dấu), não (buồn), tật (ganh ghét), san (bỏn sẻn), cuống (dối), siễm (nịnh hót), hại (tổn hại), kiêu (kiêu căng). Như vậy, tật (ganh tỵ) là một trong 10 tùy phiền não mà con người dễ vướng phải.
Con người chúng ta hay mắc phải tính này và có thể cảm thấy khó chịu với người khác trên nhiều phương diện khác nhau như tài năng, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, tiền bạc, tình cảm thậm chí là ganh tỵ nhau cả về con cái. Chẳng hạn, một người thấy người khác thông minh, giỏi giang và thành đạt thì tỏ ra vô cùng tức tối và ghen ghét dù những gì họ đạt được không ảnh hưởng gì đến mình. Lại có người vì thấy người bạn gái đẹp hơn mình, hạnh phúc hơn mình trong khi nhan sắc mình có hạn thì lại sanh tâm đố kỵ. Nhiều người khi lập gia đình, có con cái lại hay so sánh con cái của mình với con cái của bạn bè hoặc hàng xóm và sanh tâm bực tức nếu con họ hơn con mình…. Thậm chí, người có tâm ganh tỵ còn ghen ghét, đố kỵ với ngay cả với hạnh phúc, thành công của những người thân trong gia đình như anh, chị, em, con cháu của mình. Biểu hiện của lòng ganh tỵ cũng rất khác nhau. Tùy vào cá tính từng người mà tâm ganh tỵ được biểu lộ trực tiếp ra ngoài hoặc ẩn chức bên trong. Có người thường cau có, khó chịu và bực tức khi nhắc về ai đó hoặc chứng kiến ai đó giàu có, tài giỏi, xinh đẹp hoặc hạnh phúc hơn mình. Có người lại thâm độc hơn khi bên ngoài không hề biểu lộ bất kỳ một thái độ nào nhưng ngấm ngầm bên trong là cả một bầu trời tức tối, tìm mọi sơ hở của người khác để hãm hại và chà đạp, cuối cùng là hả hê nếu họ có gặp những thất bại trong cuộc sống. Lại có người biểu hiện lòng ganh tỵ bằng cảm xúc rất bi quan là thường buồn bã, tủi thân, nuối tiếc quá khứ và hay nhớ nghĩ về quá khứ, về thời gian mà chúng ta hơn người khác ở một lĩnh vực nào đó. Có thể nói, dù biểu hiện như thế nào nhưng với một người ít có đạo đức, không tin vào nhân quả và nghiệp báo thì từ tâm ganh tỵ ban đầu, họ sẽ nảy sinh những hành động tiêu cực khác như gièm pha, nói xấu, gây rối, phá hoại, tạo rối ren, thanh toán, bất chấp thủ đoạn để hãm hại người mà họ đang ganh tỵ. Nguy hại hơn, chính lòng ganh tỵ khiến tâm hồn con người trở nên chai sạn, vô cảm trước nỗi khổ, niềm đau của người khác. Bởi lẽ, vì tâm ganh tỵ quá lớn mà khi thấy người khác bất hạnh, chúng ta lại không tỏ ra thương cảm mà lại thấy vui mừng, sung sướng.
Nói như thế để chúng ta thấy được rằng, lòng ganh tỵ nghe tuy có vẻ đơn giản nhưng nó làm cho con người phiền não, khó chịu vô cùng và hơn thế nữa, nó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều hành động sai trái khác của con người. Vì vậy, làm thế nào để chuyển hóa tâm ganh tỵ bên trong bản thân mình cũng như hạn chế lòng gạnh tỵ của người khác đối với mình là điều hết sức quan trọng.
2. Chuyển hóa lòng ganh tỵ bên trong bản thân
Đã là con người, đại đa số dù ít dù nhiều, chúng ta đều có tâm ganh tỵ nhưng chúng ta có chịu nhìn nhận và thừa nhận tính cách đó của mình hay không thì là tùy ở mỗi người. Một người biết mình có tâm ganh tỵ và tự thấy hổ thẹn cũng như muốn chuyển hóa tâm ghen ghét của mình, chúng ta cần phải có những nhận định và suy nghĩ tích cực như sau:
– Phải tập quán chiếu: Khi thấy một ai đó giàu có, hạnh phúc, xinh đẹp, tài giỏi hoặc có địa vị hơn mình, chúng ta phải tập quán chiếu vì sao họ có được những điều như thế. Đó là do phước báu mà họ có được từ đời này cho đến nhiều đời trước chứ không phải tự nhiên mà may mắn và hạnh phúc luôn mỉm cười với họ. Nếu nghĩ được như vậy, ta mới thấy lòng mình nhẹ nhàng đi bội phần. Ngược lại, nếu sanh tâm mong muốn cho người khác gặp đau khổ thì chính chúng ta mới là người nhận lấy sự đau khổ bởi lòng ganh tỵ, những lời nói gièm pha vô hình chung làm giảm phước và tăng họa cho chúng ta.
– Tập phát triển lòng từ: Đó là sanh tâm hoan hỷ trước những gì mà người khác đạt được cũng như luôn mong muốn cho người khác hạnh phúc. Điều đầu tiên, chúng ta cần vui mừng trước những thành công và may mắn mà những người thân trong gia đình mình có được như vui vì gia đình anh trai hoặc gia đình chị gái khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Tiếp đến, ta vui mừng khi hàng xóm của mình làm ăn khấm khá, con cái ngoan ngoan, thi cử đỗ đạt. Với bạn bè, đồng nghiệp, chúng ta đều vui mừng khi họ thăng quan, tiến chức và có được thành công.
– Tập tâm tùy hỷ: Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy rất rõ: “Ví như lửa của một cây đuốc, vài trăm ngàn người đều dùng đuốc đến chia nhau mà lấy để nấu ăn hay thắp sáng, nhiều người có được lửa mà cây đuốc ban đầu vẫn như cũ”. Tại sao chỉ hoan hỷ, tán trợ việc bố thí mà có được phước báo lớn? Tại sao tâm tùy hỷ lại có phước báo ngang bằng sự bố thí. Chân thật bố thí và chân thật hoan hỷ tán trợ, tùy hỷ thí là những hành động xuất phát từ thiện tâm cho nên công đức, phước báo rất lớn. Cái tâm mới là chính yếu chứ không phải hành động, hành động bố thí chơn chánh chỉ là biểu hiện của cái tâm chơn chánh. Hình thức bố thí thật sự có ích cho người bố thí và người nhận bố thí hay không tùy thuộc vào cái tâm của họ. Hơn thế nữa, người bố thí xả bỏ tâm tham, còn người tùy hỷ xả tâm tật đố nên phước bằng nhau. Tâm tật đố chính là tâm ganh tỵ vậy. Bởi thế cho nên, nếu chúng ta thấy một ai đó giàu có và họ làm được những việc làm thiện như bố thí, cúng dường, giúp đỡ người nghèo, chúng ta sanh tâm hoan hỷ với việc làm đó thì phước chúng ta cũng sánh ngang bằng. Ngược lại, nếu vì ganh tỵ mà cho rằng họ làm như vậy là khoe khoang sự giàu có, là giả tạo thì chúng ta cũng chẳng được lợi ích gì, chỉ thấy thêm tức tối vì mình không có điều kiện để được như họ mà thôi. Hoặc giả, thấy con cái gia đình hàng xóm xinh đẹp, học giỏi, chúng ta cũng sanh tâm vui mừng thì chính con cái chúng ta cũng trở thành những đứa con ngoan, hiếu thảo và đáng mến như vậy.
– Hài lòng với những gì mình đang có: Hài lòng với gì đang có giúp chúng ta hạnh phúc hơn, biết ơn và đánh giá tích cực về những gì chúng ta nỗ lực làm và đang sở hữu, đang đạt được. Thay vì chúng ta so sánh rồi khổ đau khi một người bạn có nhà lầu, xe hơi trong khi chúng ta lại chỉ có một căn nhà nhỏ, tại sao chúng ta không hài lòng rằng mình có một mái ấm yên bình với một người chồng hiền lành và những đứa con ngoan? Nếu nghĩ được như vậy, chúng ta sẽ thấy trân trọng hạnh phúc mà mình đang có được để tiếp tục vun vén và giữ gìn nó tốt hơn.
– Khai thác tiềm năng và phát huy mặt mạnh của bản thân: từ nhận thức, hài lòng với những gì mình đang có, thay vì ganh tỵ với người khác, chúng ta hãy cố gắng khai thác và sử dụng tiềm năng của bản thân mình. Mỗi một con người với nhiều tiềm năng khác nhau nhưng vấn đề là cần thời gian và sự rèn giũa để đạt được thành công như nhau. Cũng giống như hoa sen khi nở hay búp sen cũng đều có những phần giống nhau như gương sen, đài sen, nhụy sen… nhưng vấn đề là cần có thời gian để búp sen nở giống hoa sen. Cũng vậy, thay vì đố kỵ khi thấy bạn mình giỏi về lĩnh vực kinh doanh, tại sao chúng ta không cố gắng khai thác tiềm năng của mình ở lĩnh vực này, dẹp bỏ cái sĩ diện mà tìm tòi, học hỏi những cái hay từ bạn mình để cũng trở thành một nhà kinh doanh giỏi như bạn mình.
– Đừng xem những người hơn mình và ngang bằng mình là đối thủ mà hãy xem họ là người đáng để ta học hỏi.
Từ cách suy nghĩ và tập quán chiếu như trên, bạn sẽ tự làm cho suy nghĩ của mình tích cực hơn và dần dần loại bỏ một tính cách không tốt của bản thân, dần dần hoàn thiện và tự thấy mình tốt hơn lên, để tự mình cảm nhận những niềm vui với những gì mà bản thân chúng ta đang có, đang nắm giữ.
3. Vượt qua lòng ganh tỵ của người khác
Trong công việc, đôi khi chúng ta hay nói “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Bởi lẽ, nhiều bạn đối mặt với một vấn đề khá nhạy cảm là bị người khác tại nơi mình sinh sống hoặc làm việc ganh ghét, gièm pha. Vậy làm thế nào để vượt qua lòng ganh tỵ của người khác. Chúng tôi xin đưa ra một vài gợi ý sau:
– Chúng ta phải hiểu rằng các mối quan hệ trong công việc hay các mối giao tế khác, rất nhiều người mong muốn họ được thành tựu còn người khác thì thất bại. Vì thế, để tránh bị người khác đố kỵ, chúng ta đừng nên vô ý hay cố tình chạm đến lòng kiêu hãnh của kẻ ganh tỵ. Một khi người có tâm tật đố bị chạm đến lòng ngã mạn của mình, họ có thể bất chấp tất cả để hại chúng ta cho hả dạ. Điều này thật sự rất nguy hiểm.
– Không nên soi mói chuyện của người khác, không nghe chuyện thị phi, làm nhiễu loạn tâm mình.
– Về thái độ, đừng tỏ ra mình là người khác biệt, vượt trội hơn so với người khác. Đôi khi, trong cuộc sống, chúng ta cần phải náu mình để tồn tại. Chẳng hạn, nếu ta thông minh, giỏi giang giàu có hay được hạnh phúc, không nhất thiết chúng ta phải khoe ra với tất cả mọi người để họ thấy ta được những gì. Bởi biết đâu trong số những người xung quanh ta, có người có tâm ganh tỵ thì họ sẽ tìm mọi cách để gây đau khổ cho ta. Hằng ngày, chúng ta vẫn thấy trên báo chí có những người bạn thân cướp chồng của bạn mình vì ghen tức với hạnh phúc của bạn mình, vì nghĩ mình cũng xinh đẹp, giỏi giang như thế, tại sao lại không thể có một người chồng tốt và hiền lành như bạn mình. Thế là họ sanh tâm cướp đoạt, tranh giành, tai hại là ở chỗ đó. Tóm lại, chúng ta nên vượt qua 2 thói quen để hạn chế lòng ganh tỵ của kẻ khác: chui trong vỏ kén mặc cảm tự ti hoặc quá xông xáo, nhiệt tình trong mọi việc để chứng tỏ mình giỏi, mình hơn người khác.
– Trong một tổ chức, đoàn thể, chỉ nên xem mình là một yếu tố, một thành phần chứ không phải là một người quá quan trọng, nếu không, chúng ta sẽ rất dễ bị cô lập, loại trừ.
– Tránh khoa trương thành tích của bản thân và cũng đừng bôi nhọ, dè bỉu trước những thành tích mà người khác đạt được. Ngược lại, chúng ta phải thành tâm ghi nhận và chúc mừng với những gì mà họ làm được.
– Với một người ở vị trí lãnh đạo hoặc vị trí trụ cột của gia đình, tránh tình trạng cưng chiều, ưu ái với một cá nhân nào hơn những người còn lại, nếu không sẽ khiến cho các nhân viên còn lại hay những đứa con còn lại trong gia đình buồn tủi, thất chí và không còn động lực để phấn đấu và cố gắng.
Tóm lại, nhận biết được tâm ganh tỵ của bản thân và của những người sống xung quanh chúng ta sẽ giúp chúng ta biết cách giao tế, ứng xử sao cho phù hợp và đạt được lợi ích nhất. Một khi nhìn thấy tâm ganh tỵ của bản thân cũng giống như tự nhìn vào gương và thấy những khuyết điểm của mình, thông qua quá trình tu tập và suy ngẫm, chúng ta sẽ thoát được tâm đố kỵ, ngã chấp của bản thân và thấy tâm hồn mình được an lạc, thanh thản hơn, đồng thời gia tăng được phước báu của chính mình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết cách chuyển hóa và làm giảm đi lòng ganh tỵ của người khác đối với mình thì ta sẽ gặp được nhiều thuận lợi trong cuộc sống này, niềm vui và nỗi buồn cũng sẽ được mọi người chia sẻ chân thành. Đó mới là cuộc sống mà ai cũng hằng mong muốn ở cõi thế gian giả tạm, nhiều cạm bẫy này.
Tài liệu tham khảo:
– TT. Thích Nhật Từ, Vượt qua thói ganh tỵ, giảng tại Chùa Xá Lợi
– ĐĐ. Thích Phước Tiến, Lòng ganh tỵ, giảng tại khóa tu Một ngày An Lạc lần thứ 14 tại Tu viện Tường Vân.
– HT. Thích Thiện Hoa, Duy thức học, http://www.buddhismtoday.com/
– Kinh Phật nói Bốn mươi hai chương, http://www.dharmasite.net/
– Thiện Tài, Phước báo của sự tùy hỷ, http://giacngo.vn/
– ĐĐ. Thích Khế Định, Năng lực của sự tùy hỷ, http://www.phatgiaohue.vn/
Nhuận Đoan
Theo Phật Pháp Ứng Dụng