Đứng trước những nỗi lo âu ấy, con người đôi khi không tự tìm cách hóa giải và vượt qua được. Do vậy, bài viết với những phương pháp ứng dụng Phật học để giúp mỗi người hóa giải những nỗi sợ hãi vừa nêu trên.

Trước hết, chúng ta phải nhận thấy nguyên nhân dẫn tới sợ hãi là do thiếu trí tuệ. Chúng ta thường phản ánh thế giới hiện thực thông qua lăng kính khổ đau. Một vài nỗi sợ hãi điển hình như sau:

Vượt qua những nỗi sợ hãi trong cuộc sống

1. Lo sợ kinh tế:

Hiện nay, nhiều quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế cũng như tình trạng thất nghiệp tỉ lệ cao, nhiều nước có tới 60% dân số không có việc làm. Vì thế, một thực trạng dễ nhận thấy nhất là nhiều gia đình luôn lo sợ về kinh tế bấp bênh, sợ thất nghiệp hay bị con cái phá tán… Đặc biệt, với những gia đình mà người đàn ông là trụ cột thì chẳng may nếu anh ta thất nghiệp không có vấn đề về sức khỏe, tính mạng thì gia đình đó chắc chắn sẽ rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Để giải quyết nỗi lo sợ trên, chúng tôi xin đưa ra những gợi ý sau:

a. Chi tiêu những thứ cần thiết cho gia đình: Tâm lý nhiều người phụ nữ khi mua sắm là chi tiêu quá nhiều thứ cho những vật dụng không cần thiết, không có nhu cầu sử dụng. Vì thế, với vai trò là người giữ tay hòm chìa khóa, để tránh nỗi lo sợ về kinh tế, người phụ nữ nên biết khéo léo trong chi tiêu, mua sắm, chỉ nên mua những sản phẩm mình cần chứ không nên bị hấp dẫn bởi những hàng khuyến mãi, quảng cáo.

b. Ít ham muốn và biết đủ: hài lòng với những thứ đang có, nếu một vật dụng nào chưa đến nỗi hư hao và còn xài được thì chúng ta đừng vứt bỏ nó. Nhiều nhà sản xuất do nắm được tâm lý khách hàng nên thường xuyên giới thiệu các tính năng mới của sản phẩm và nhiều người đã mua vì sợ mình lạc hậu, muốn chứng minh mình có đẳng cấp. Vì thế, chúng ta thường bỏ tiền chi tiêu cho nhiều thứ do không biết hài lòng với sản phẩm mà mình hiện có khi mà tính năng của nó còn tốt. Nhiều khi, để thỏa mãn tâm lý không thua kém người khác mà nhiều chị em phụ nữ sẵn sàng vay mượn tiền để mua những đồ dùng hàng hiệu, đắt tiền nhưng thật sự không quá cần thiết cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Để rồi, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần và luôn sống trong tâm lý lo âu, sợ hãi. Để khắc phục nỗi lo sợ về kinh tế thiếu thốn, chúng ta nên có một tâm lý biết đủ, nhằm khắc phục các khổ đau do thiếu nợ.

c. Biết làm phước: kiệm phước là phương diện tích cực giúp chúng ta đứng dậy được trong những giai đoạn khó khăn. Trong kinh doanh, quy luật lở và bồi là điều ai cũng phải thừa nhận, một khi người này giàu lên thì người kia sẽ bị thua lỗ hoặc gặp khó khăn. Vì vậy, chúng ta phải luôn tỉnh táo trong mọi suy nghĩ, việc làm. Trong nhiều cách tiết kiệm chi phí, không có cách nào bỏ ống heo tốt nhất là gieo trồng phước đức. Dù làm việc gì, mỗi người cũng nên làm việc bằng cái tâm và tình người, đừng nên thấy cái lợi trước mắt mà làm những việc trái luân thường, đạo lý. Đây là cách tiết kiệm phước đức hiệu quả nhất, nhằm giảm thiểu việc rơi vào hoàn cảnh khốn khó và nếu có sự việc xấu xảy ra thì chúng ta vẫn có được bình an.

d. Có trí tuệ về các quy luật: Mỗi người trong các lĩnh vực ngành nghề của mình nên nắm vững như quy luật của vũ trụ, nhân sinh, thời tiết hoặc những kiến thức về thị trường. Từ đó, chúng ta sẽ có cách đầu tư đúng phương pháp và đạt được hiệu quả cao trong công việc. Đức Phật khuyên hãy tin để khai thác và phát huy hết tiềm năng của mình. Thay vì lo khủng hoảng, tốt nhất chúng ta hãy hoàn thiện 4 yếu tố vừa nếu, biết tận dụng phước báu để làm lợi ích cho bản thân và gia đình.

2. Lo sợ thị phi:

Thị phi là tiếng đời, miệng đời, bia đời. Trong cuộc sống, chúng ta hay gặp phải những người châm thọc, phá đám, chọc gậy bánh xe vào những nỗ lực của bản thân. Người nào nhạy cảm với những lời thị phi dầu vô tình hay cố ý sẽ không có cơ hội hưởng được hạnh phúc. Chúng ta luôn cảm thấy buồn phiền, đau khổ trước những lời nói không đúng sự thật mà người khác dành cho mình. Để vượt qua nỗi lo sợ thị phi này, mỗi người nên thực hành các phương pháp sau:

a. Cái gì chân thật cái đó bất hư: nếu các hành động, việc làm, thiện chí, lí tưởng dấn thân phụng sự làm lợi ích cho người, cho mình thì lời thị phi chỉ tồn tại một thời gian sau đó sẽ nhường bước lại cho việc tốt trổ quả lành. Người có niềm tin, biết thương chính mình, chúng ta không việc gì phải tự hành hạ mình bởi những lời đâm thọc của người khác.

b. Lời thị phi không phản ánh được hiện thực: Chúng ta không nên chìm đắm trong nỗi khổ đau thi phị. Ví dụ có người ghét mình, nói xấu mình, và những lời nói đó không phản ánh đúng con người mình. Vậy thì chúng ta không việc gì phải đánh đồng những ác khẩu đó với chính mình.

c. Xem phê bình chỉ trích như là bài học: suy xét lại bản thân, nếu những lời nói của người khác là sự góp ý chân tình thì chúng ta nên nhìn lại mình là xem đó là bài học cho bản thân. Nếu lời thị phi phản ánh sai sự thật ta lại càng không nên buồn, những điều này không có trong ta.

d. Thực tập vô ngã và phát triển trí tuệ: Vô ngã là không quan trong hóa bản thân. Do đó, nếu gặp những thị phi, chúng ta sẽ không mắc phải tính tự ái sai lầm. Đồng thời, người có trí tuệ là sẽ giúp ta vượt qua các loại thi phi.

3. Lo sợ thiếu đoàn kết:

Không ăn rơ, không nối kết, không nhất hô bá ứng tạo ra nhiều hiện tượng so le trong quan điểm lối sống, trong các mối quan hệ công sự, việc làm, cha mẹ con cái, anh em, không thể mang lại bình an đích thực. Những người thích gây sự, thích tranh luận, hơn thua, cãi lộn sẽ là những nguyên nhân tạo ra các khoảng cách tâm lý giữa con người với con người. Thực tập những phương pháp sau sẽ giúp ta vượt qua nỗi lo sợ thiếu đoàn kết:

a. Thản nhiên trước những biến cố đời: mỗi biến cố dẫn đến trước những tình huống khác nhau, tâm thản nhiên sẽ giúp ta biết chuyện gì sẽ xảy ra, tốt nhất chuẩn bị thái độ tâm lý để ta không cảm thấy quá ngỡ ngàng, để không bị căng thẳng. Thay vì sợ hãi, mỗi người hãy chuẩn bị tâm lý để không cảm thấy ngỡ ngàng, khó chịu, sân hận, tức tối.

b. Nỗ lực xây dựng hòa hợp và đoàn kết: Khi đến một nơi nào đó sống và làm việc, khi ta tiếp xúc với hàng xóm, đồng nghiệp hay những mối quan hệ khác nếu không trực tiếp mang lại niềm vui cho họ thì cũng đừng khích tướng, gây chia rẽ. Nói những điều cần nói, nói hòa hợp. Im lặng là thái độ sống khôn ngoan, khi không có được yêu cầu, lối sống nay không phải bi quan mà là biết tôn trọng mình và tôn trọng tha nhân.

c. Thực tập tha thứ và xin lỗi: tha thứ làm tâm con người cao thượng hơn. Xin lỗi là nhận mình có lỗi lầm, không có gì là quá muộn màng cho một lời xin lỗi.

4. Lo sợ tử biệt:

Vượt qua những nỗi sợ hãi trong cuộc sống

Tử biệt ám chỉ tình trạng sanh ly tử biệt, đang sống mà phải chia lìa, đang thuận hòa mà phải cách ly. Phật tử ai cũng biết vô thường là quy luật nhưng khi biết những người thân thương nhất vẫy tay chào trước sự sống, chúng ta vẫn thường đau buồn, nhớ nhung. Hoặc khi bản thân sắp phải đối mặt voi781 cái chết, tâm lý sợ hãi là điều khó tránh khỏi. Vậy thực tập và đối mặt với sự sợ hãi như thế nào?

a. Đừng sợ chết trong cô đơn đừng quan trọng sự chết cô đơn: Có người không có người thân đang lúc hấp hối. Vì vậy, lúc nào chúng ta cũng có sẵn tâm lý tự giữ chánh niệm, đừng nên lúc nào cũng có tâm mong chờ người thân hay người hộ niệm sẽ giúp ta. Có như vậy thì khi phải đối mặt với cái chết trong cô đơn, ta vẫn giữ được tinh thần vững vàng, nhớ nghĩ đến Đức Phật hoặc tâm an nhiên tự tại thì sẽ thác sanh vào cảnh giới tốt đẹp.

b. Không sợ hãi chết trong đau đớn: một người khi gặp tai nạn, lúc cái chết gần kề thì quá trình đó có thể diễn ra trong một vài giây, vài ngày, vài tháng, nếu người sợ đau đớn thì cái chết diễn ra đau đớn hơn. Vì vậy, để vượt qua Đức Phật không yêu cầu chúng ta phải nhớ đến các kinh nào, ngài dạy người bệnh thực tập quán vô ngã, thân này do đất nước gió lửa tạo thành. Do đó, nó phải trở về với tứ đại, nó không phải là sở hữu của tôi một cách vĩnh hằng. Có thể nói, thực tập vô ngã là đi vào trọng tâm, trực tiếp và giải quyết để khắc phục nỗi khổ niềm đau của cơ thể một cách dứt điểm. Đồng thời, mỗi người nên thực tập bát chánh đạo giúp ta điều chỉnh nhận thức bằng chánh kiến (hiểu biết đúng đắn), chánh tư duy (Suy nghĩ chân chính.), chuyển hóa chánh niệm (Suy niệm chân chính) và chánh định (kiên định tập trung tâm tư vào con đường chân chính không để bất cứ điều gì lai chuyển làm thoái chí, phân tâm), người nào thực tập được như vậy có thể vượt qua nỗi khổ niềm đau.

5. Lo sợ khổ cảnh:

Chỉ chung cho những hoàn cảnh, môi trường hoàn cảnh, quốc độ, việc ta có mặt, làm cho người lúc nào cũng lo sợ. Để thực tập và vượt qua các nỗi lo sợ khổ cảnh, mỗi người có thể thực hành suy nghĩ như sau:

a. Khốn khó là hoàn cảnh như là một kết quả: một khi chúng ta hiểu được thuyết nhân quả, con người sẽ hiểu và đối mặt với các khó khăn của chính mình là do quả mà chúng ta gieo trong từ kiếp này và quá khứ. Chúng ta nên điềm tĩnh phân tích đúng sai, nguyên nhân của hoàn cảnh đó để khắc phục.

b. Biết vươn lên trong các hoàn cảnh không thích hợp: Mỗi đời người thường gắn kết với một giai đoạn lịch sử. Những người nào sinh ra trong hoàn cảnh lịch sử nhất định. Nếu chúng ta lỡ sinh ra trong điều kiện chính trị bất ổn, người kế nhiệm thường phủ nhận những chính sách của những người tiền nhiệm thì việc chúng ta đầu tư vào một dự án, một kế hoạch nào đó thật sự rất mạo hiểm. Sống trong các hoàn cảnh không thích hợp, ta cần phải có kiến thức chính trị kinh tế để biết lúc nào nên đầu tư và lúc nào không nên đầu tư để phát triển kinh tế.

c. Không sợ hãi các hoàn cảnh khó khăn: Đứng trước những khó khăn trong cuộc sống, con người cần có một tinh thần, thái độ sống lạc quan và phải nghĩ được rằng không bao giờ khó khăn đeo bám mãi chúng ta. Mọi thứ rồi cũng sẽ trôi qua. Sau cơn mưa trời sẽ sáng. Nhận thức được quy  luật này ta sẽ thoát ra khỏi ám ảnh và sợ hãi giúp chúng ta thoát khỏi ám ảnh sợ hãi, không bị chìm vào nỗi khổ niềm đau.

Đặc biệt, để vượt qua những nỗi sợ hãi trong cuộc sống, chúng ta nên thực hành các phương pháp thiền định, giữ cho tâm luôn được chánh niệm. Bằng các phương pháp thực hành quán tưởng sẽ giúp chúng ta loại bỏ những nỗi khổ đau, sợ hãi do bệnh tật hay nỗi lo lắng, phiền muộn từ tâm hoặc hoàn cảnh bên ngoài.

Có thể nói, cuộc sống của con người luôn bị bủa vậy bởi rất nhiều lo toan, phiền muộn. Người nào càng để cho những nỗi sợ hãi từ mơ hồ cho đến hiện hiển len lỏi vào tâm trí thì người đó càng có một cuộc sống nhiều khổ đau. Vì vậy, với mỗi nỗi lo âu, sợ hãi, chúng ta cần tìm ra phương pháp để chuyển hóa và vượt qua nó. Từ đó, mỗi người sẽ có được  an lạc ngay trong chính cuộc đời này.

Nhuận Đoan

Theo Phật Pháp Ứng Dụng